Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÁT HÀNH CỔ PHIẾU CỦA DOANH NGHIỆP

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Với hàng trăm đợt phát hành cổ phiếu (CP) của các doanh nghiệp trên cả nước trong thời gian qua, gồm cả phát hành lần đầu và phát hành bổ sung, phát hành công khai và phát hành nội bộ (phát hành riêng lẻ), về cơ bản có thể nói, các hoạt động và các phương án phát hành CP của các doanh nghiệp đã diễn ra hợp pháp và mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống kinh doanh của doanh nghiệp - tổ chức phát hành nói riêng, cũng như cho toàn bộ nền kinh tế nói chung. Điều này có thể thấy và được minh chứng qua những cải thiện rõ rệt:

Về phía doanh nghiệp

- Tăng vốn sản xuất - kinh doanh và thu hút các nguồn lực cần thiết

- Mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh

- Tăng hiệu quả, lợi nhuận kinh doanh, việc làm

- Cải thiện thu nhập và dân chủ về kinh tế cho các cổ đông, người lao động

Về phía nhà nước

- Tăng thu ngân sách nhà nước do bán được và bán với giá khá cao các phần vốn, tài sản nhà nước muốn bán (giá tăng so với khởi điểm ít nhất 15 - 20%, cá biệt có khi hàng chục lần...)

- Tạo động lực làm sống động và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) cả về bề rộng, lẫn bề sâu, phát triển thu hút cả vốn trong và ngoài nước.

- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước lành mạnh và hiệu quả

- Tạo động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế theo các nguyên tắc thị trường và cải thiện vị thế, hình ảnh đất nước trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. TTCK Việt Nam được coi là hiện tượng đáng chú ý trên TTCK thế giới năm 2006, và là 1/3 thị trường có cơ hội kinh doanh hấp dẫn trên thế giới.

Về phía nhà đầu tư:

Đã có cơ hội và điều kiện thuận lợi, để tham gia đầu tư và thu lời từ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu.

Tính chất hợp cách, hợp kỹ thuật, hợp pháp còn được minh chứng qua sự ổn định, suôn sẻ về phương diện pháp lý của tuyệt đại đa số các hoạt động và phương án phát hành CP doanh nghiệp. Nói cách khác, các cơ quan chức năng của nhà nước chưa phát hiện những vi phạm lớn hoặc chưa phải vất vả gì nhiều về các sai phạm liên quan đến phát hành...

Đương nhiên, không thể loại trừ một số hành vi sai phạm vô tình hoặc cố ý của một vài tổ chức, cá nhân trong khi xây dựng, thực hiện các phương án phát hành CP doanh nghiệp, mà có thể chỉ ra 4 biểu hiện tiêu biểu như:

- Sai phạm về tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp và mức giá khởi điểm của CP phát hành.

- Sai phạm về công bố thông tin liên quan đến đời sống doanh nghiệp và CP phát hành, phương án phát hành CP.

- Sai phạm về công tác kỹ thuật trong thực hiện phát hành CP, ví dụ cố tình và tổ chức xây dựng phưng án phát hành CP chủ yếu là nội bộ để hưởng lợi cho tập thể hoặc cá nhân trong doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà nước và nhà đầu tư thị trường; lạm dụng phát hành CP thưởng v.v...

- Đặc biệt đã xuất hiện một vài hiện tượng lừa đảo, vi phạm khá nghiêm trọng luật chứng khoán và thậm chí còn mang yếu tố hình sự, như việc tổ chức huy động vốn khi công ty mới được thành lập, chưa có cả trụ sở và chưa có phương án phát hành CP; hoặc việc in giả cổ phiếu của công ty đang có uy tín để phát hành, thu lợi bất chính trên TTCK như đã bị phát hiện ở Hải Phòng (nếu không kịp thời ngăn chặn thì thủ phạm có thể ung dung đút túi gần 100 tỷ đồng tính theo mệnh giá khởi điểm của các CP thu được).

Dẫu vậy, cần khẳng định về tổng thể các hoạt động phát hành CP đã và đang diễn ra trôi chảy, hợp pháp và có hiệu quả tích cực cao hơn các hệ quả tiêu cực cho cả doanh nghiệp, nền kinh tế và các nhà đầu tư.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, tính hiệu quả của phương án phát hành CP nếu theo nghĩa rộng, đầy đủ và cao nhất của nó phải đem lại tác động tích cực đồng thời cho cả 3 phía: doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà nước (theo nghĩa nền kinh tế nói chung), cụ thể:

- Doanh nghiệp phải bán được hết CP với giá cao hơn giá khởi điểm, thu hút được nhiều nhà đầu tư, cổ đông chiến lược mới, tạo động lực mới cho phát triển, củng cố thương hiệu và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

- Nhà đầu tư (người mua CP) phải tiếp cận thuận lợi, đầy đủ và giá rẻ các thông tin liên quan đến CP và phương án phát hành CP của doanh nghiệp, cũng như có điều kiện và cơ hội thực hiện việc mua đủ số lượng CP theo giá mong muốn.

- Nhà nước thực hiện được thuận lợi và phát huy được vai trò tích cực trong chức năng quản lý nhà nước của mình, đảm bảo sự ổn định, phát triển lành mạnh của TTCK và có thể thu hồi phần vốn của mình một cách nhanh gọn, đầy đủ nhất khi CPH doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, để một phương án phát hành CP doanh nghiệp hiệu quả, các nhân tố cần lưu ý là:

- Thu thập, xử lý các thông tin về doanh nghiệp, thị trường và môi trường pháp lý có liên quan một cách đầy đủ, cập nhật và chính xác nhất như một tiêu đề quan trọng để tổ chức xây dựng phương án phát hành CP.

- Xác định đúng, rõ thời điểm, mục tiêu phát hành CP; giá trị khởi điểm (mệnh giá CP); phương thức phát hành và tổ chức bảo lãnh phát hành (nếu cần thiết) .Trong 3 phương thức là: chào bán trực tiếp, chào bán qua đấu thầu và chào bán qua tổ chức bảo lãnh phát hành, thì phương thức chào bán qua đấu thầu luôn được đánh giá là lựa chọn tốt nhất của đa số doanh nghiệp phát hành chứng khoán.

- Tổ chức tốt các hoạt động thông tin tuyên truyền về doanh nghiệp, về phương án phát hành và các thông tin khác cần thiết. Đặc biệt, việc đăng tải các thông tin về phương án phát hành trên các phương tiện thông tin thích hợp và với thời lượng dài là rất có ý nghĩa trong quảng bá doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng...

Đặc biệt, các công ty chứng khoán có vai trò khá quan trọng đến sự thành công của phương án phát hành CP của doanh nghiệp. Như trên đã đề cập, hiệu quả của phương án phát hành CP doanh nghiệp là rất rộng và hoàn toàn không thể do một đơn vị hoặc cá nhân nào tùy ý quyết định đơn phương, độc lập; hơn nữa, nếu là các doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH, phát hành CP lần đầu ra công chúng, thì phương án phát hành CP phụ thuộc rất lớn vào chủ trương, quyết định của các cơ quan nhà nước hữu quan, mà trước hết là Ban đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (Ban CPH doanh nghiệp) ở trung ương và các địa phương...

Theo Luật Chứng khoán hiện hành, các công ty chứng khoán ở Việt Nam có thể thực hiện một, một số, hoặc toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ sau:

- Môi giới chứng khoán

- Tự doanh chứng khoán

- Bảo lãnh phát hành chứng khoán

- Tư vấn đầu tư chứng khoán

- Lưu ký chứng khoán

Như vậy, một công ty chứng khoán khi thực hiện chức năng của mình liên quan đến phương án phát hành CP của doanh nghiệp sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả triển khai phương án này trước hết qua các nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán và môi giới chứng khoán, cũng như bảo lãnh phát hành chứng khoán, trong đó:

- Về bảo lãnh chứng khoán thì các công ty chứng khoán sẽ thực hiện theo cam kết ký giữa công ty với doanh nghiệp (nếu có)

- Về tư vấn đầu tư và môi giới chứng khoán: bằng trình độ nghiệp vụ và thiện chí, đạo đức nghề nghiệp của mình, các nhân viên công ty chứng khoán có thể tác động khá mạnh đến định hướng suy nghĩ thông qua quyết định của các nhà đầu tư chứng khoán, từ đó tác động đến kết quả thực hiện phương án phát hành CP của doanh nghiệp.

- Hơn nữa, nếu liên quan đến mâu thuẫn lợi ích khi thực hiện tự doanh chứng khoán, các công ty chứng khoán còn có thể đóng vai trò “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, lạm dụng tư cách tư vấn đầu tư, định hướng có chủ đích các nhà đầu tư, thúc đẩy hay cản trở đối với việc thực hiện phương án phát hành của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Nói cách khác, hoàn toàn không loại trừ những kẽ hở cả về luật pháp lẫn đạo đức trong quá trình tác nghiệp của công ty chứng khoán liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hiệu quả một phương án phát hành CP của doanh nghiệp, nhất là khi công ty chứng khoán đó vừa là người tư vấn xây dùng phương án phát hành CP của doanh nghiệp, tư vấn đầu tư và môi giới chứng khoán, cũng như tự doanh các chứng khoán của doanh nghiệp đó và trong bối cảnh kinh tế chuyển đổi, TTCK còn là mới mẻ ở Việt Nam...

Vì vậy, hoàn toàn cần thiết phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý vào các phương án phát hành CP của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động can thiệp này không thể tùy tiện mà phải trong khuôn khổ luật pháp và với mục tiêu đảm bảo tính hợp pháp của các phương án phát hành CP doanh nghiệp, cụ thể, đảm bảo cho việc phát hành CP của doanh nghiệp tuân thủ các quy định hiện hành về nội dung, thủ tục và điều kiện cùng các ràng buộc pháp lý khác có liên quan đển phát hành CP doanh nghiệp, như đảm bảo hồ sơ đăng ký chào bán phải hợp lệ, gồm: Giấy đăng ký chào bán CP ra công chúng; Bản cáo bạch; Điều lệ của tổ chức phát hành; Quyết định của ĐHĐ cổ đông thông qua phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ chào bán cổ phiếu ra công chúng; Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).

Ngoài ra, các cơ quan quản lý hữu quan cũng cần thường xuyên can thiệp, thực hiện tốt chức năng của mình nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về công bố thông tin, cũng như ngăn chặn các vi phạm liên quan đến các hành vi bị cấm trên TTCK như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ và gian lận, lừa đảo khác (vụ xử lý phát hành CP của TCT Intimex Hà Nội vừa qua là một ví dụ điển hình).

Từ thực trạng phát hành CP hiện nay của doanh nghiệp, cần có sự rút kinh nghiệm với các bên có liên quan:

Về phía cơ quan quản lý cấp phép hồ sơ phát hành:

- Tăng cường hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý có liên quan đến nội dung, quy trình thủ tục, điều kiện cấp phép hồ sơ phát hành của doanh nghiệp và cả quy định mức phạt, chế tài các vi phạm có liên quan đến phát hành CP doanh nghiệp (như cần nâng mức phạt tiền cao hơn 70 triệu đồng như hiện hành).

- Nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và năng lực thẩm tra, thẩm định, cũng như hệ thống thông tin quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp liên ngành, đa ngành và chuyên ngành cần thiết phục vụ xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các phương án phát hành CP doanh nghiệp...

- Tăng cường phối hợp với các đơn vị hữu quan, như Ban đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, các Sở giao dịch và thị trường giao dịch chứng khoán, các cơ quan thanh tra, giám sát, điều tra và tư pháp khác để nâng cao chất lượng các hồ sơ phát hành, tăng cường ngăn chặn, xử lý kịp thời và hiệu quả các sai phạm liên quan đến cấp phép hồ sơ và thực hiện các phương án phát hành CP doanh nghiệp.

Về phía đơn vị tư vấn phát hành:

- Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ của đơn vị mình.

- Tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật trong khi tác nghiệp.

- Chủ động và độc lập hơn trong tư vấn các nội dung, vấn đề liên quan đến phương án phát hành CP của doanh nghiệp trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường, các thông tin về doanh nghiệp và các quy định pháp lý có liên quan. Cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động của mình.

Về phía tổ chức phát hành:

- Không coi phát hành CP là mục đích tự thân hoặc là cơ hội đầu cơ kinh doanh CP của doanh nghiệp, nhất là phát hành CP bổ sung, CP thưởng mà phải gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh rõ ràng, cụ thể, khả thi.

- Thu thập thông tin đầy đủ về các vấn đề có liên quan tới xây dựng, triển khai, giám sát thực hiện phương án phát hành CP.

- Thành lập bộ phận chuyên trách xây dựng phương án phát hành CP gồm các cơ quan tư vấn và cán bộ có trách nhiệm, trình độ chuyên môn và đạo đức tốt.

- Chủ động phòng ngừa, đối phó với các vi phạm từ nội bộ hoặc từ đơn vị tư vấn trong xây dựng, triển khai phương án phát hành CP.

- Ngoài ra, các nhà đầu tư trên TTCK cũng cần tỉnh táo, thận trọng và có kiến thức hơn trong tiếp cận, phân tích thông tin và thông qua các quyết định đầu tư của mình liên quan đến phương án phát hành CP của doanh nghiệp, để biết tự bảo vệ và phòng tránh những rủi ro trong đầu tư chứng khoán xuất phát từ những sự thiếu hiểu biết và dại dột của chính mình. /.

SOURCE: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 112-114, tháng 1 năm 2008

TRÍCH DẪN LẠI TỪ: http://nclp.org.vn/hien-ke-lap-phap/112-114-t1-2008/kinh-te-xa-hoi/nang-cao-hieu-qua-phat-hanh-co-phieu-cua-doanh-nghiep

QUYỀN ĐƯỢC MUA CĂN HỘ TÁI ĐỊNH CƯ GIÁ ƯU ĐÃI ĐÓ LÀ QUYỀN TÀI SẢN?

LS. NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163). Đây không phải là những quy định mới mà nó được kế thừa có phát triển những quy định tương tự trong Bộ luật Dân sự năm 1995. Trong thực tế, việc xác định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá rất đơn giản vì các văn bản pháp luật có liên quan đã thể hiện tương đối rõ ràng các loại tài sản này. Còn tài sản là quyền tài sản thì việc xác định nó có khó hơn, trừu tượng hơn, nhưng cũng không đến nỗi quá phức tạp, trừ trường hợp các cơ quan có thẩm quyền cố tình hiểu sai nó. Xin nêu vấn đề này qua một vụ án cụ thể.

Tình tiết

Bên A (bán nhà) thỏa thuận chuyển nhượng nhà cho bên B (mua nhà) bằng giấy viết tay. Ngôi nhà đó nằm trong diện giải phóng mặt bằng và chủ ngôi nhà sẽ được đền bù 338.409.100 đồng; được quyền mua một căn hộ tái định cư giá ưu đãi, chênh lệch giữa giá mua ưu đãi và giá thị trường tương đương 300.000.000 đồng. Khi xảy ra tranh chấp, Toà án xét xử phúc thẩm tuyên sự chuyển nhượng trên là vô hiệu do vi phạm quy định của pháp luật về hình thức hợp đồng. Thiệt hại hai bên phải chịu theo mức độ lỗi của mình. Nhưng khi tính thiệt hại do hợp đồng vô hiệu, tòa án lại chỉ tính thiệt hại là khoản tiền mặt được đền bù giải phóng mặt bằng, còn quyền mua căn hộ tái định cư giá ưu đãi có thể định giá thành tiền lại không tính và cho bên A (bên bội tín thỏa thuận chuyển nhượng nhà) hưởng quyền này. Điều đó có nghĩa, toà án không coi quyền được mua căn hộ tái định cư giá ưu đãi là quyền tài sản và quyền này bị mất cũng không phải là thiệt hại tài sản.

Những quan điểm đánh giá

Trong vụ án này, không bàn đến việc tòa xử tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức gây nhiều thiệt hại cho bên mua nhà ngay tình, cho người bán nhà bội tín được hưởng lợi (một vấn đề rất gây tranh cãi hiện nay) mà chỉ đề cập tới vấn đề quyền mua căn hộ giá ưu đãi có phải là quyền tài sản và mất quyền này có phải là thiệt hại tài sản?

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, phán xét của toà án là hợp lý. Họ coi quyền mua căn hộ giá ưu đãi trong trường hợp trên không phải là quyền tài sản nên việc mất quyền này không phải là thiệt hại về tài sản. Quan điểm thứ hai thì ngược lại. Và chúng tôi đồng ý với quan điểm này.

Theo Điều 181 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Trong vụ án cụ thể nêu trên, quyền mua căn hộ tái định cư với giá ưu đãi là một quyền tài sản phát sinh do họ có quyền sở hữu nhà; nó cũng tương tự như quyền được bồi thường thiệt hại khi nhà bị giải toả. Với quyền mua căn hộ tái định cư theo giá ưu đãi, người mua chỉ phải bỏ ra 154.000.000 để mua căn hộ 46, 68m2. Trong khi đó, giá thị trường của căn hộ này là từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, chênh lệch giá ở đây là khoảng 300.000.000 đồng, một sự chênh lệch rất lớn giữa giá mua ưu đãi với giá thị trường. Như vậy, quyền này có thể trị giá được bằng tiền rất rõ ràng. Khi có quyền đó, chủ thể mang quyền hoàn toàn có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự và họ sẽ có một số tiền lãi rất lớn theo giá thị trường. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, trong cơn sốt nhà đất ở đô thị sôi động như hiện nay, thì có rất nhiều chủ thể được mua nhà theo giá ưu đãi hoặc giá gốc của công ty, nhưng chỉ vừa xác lập quyền là họ có thể chuyển giao ngay quyền đó trên thị trường. Như vậy, quyền mua giá ưu đãi căn hộ tái định cư mang đầy đủ tính chất của quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự về quyền tài sản. Quyền này khi bị mất thì đó là thiệi hại tài sản.

Vì vậy, nếu không coi quyền mua căn hộ tái định cư giá ưu đãi là quyền tài sản và khi mất quyền này cũng không bị coi là thiệt hại là toà án đã áp dụng pháp luật không đúng khi xét xử, tạo ra một bản án bất công cho cho người dân cũng như tạo một tiền lệ xấu trong thực tiễn.

Kiến nghị

Trong thực tiễn cuộc sống hiện nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển nhanh chóng, quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, thì có thể có nhiều quyền tài sản sẽ hình thành và phát triển như: quyền mua nhà ưu đãi, quyền mua cổ phần, cổ phiếu, quyền ưu tiên trước để được thụ hưởng một quyền lợi, kể cả quyền được thuê nhà... Đây đều là những quyền được trị giá thành tiền theo cách này hay cách khác. Những quyền này, về bản chất khi phân tích Bộ luật Dân sự đã quy định đầy đủ. Tuy nhiên, cơ quan xét xử đôi khi không theo kịp thực tiễn hoặc cố tình hiểu sai các quy định của pháp luật nên quy định của pháp luật không được áp dụng chính xác. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, nên chăng, Toà án nhân dân tối cao cần có một nghị quyết hướng dẫn về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

SOURCE: http://nclp.org.vn/y_kien_luat_gia/quyen-111uoc-mua-can-ho-tai-111inh-cu-gia-uu-111ai-co-la-quyen-tai-san