Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở NƯỚC TA

GS.TS. HỖ VĂN VĨNH

Đổi mới tư duy lý luận làm cơ sở cho đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn được đánh dấu bằng những mốc lịch sử quan trọng, đó là Chỉ thị 100 CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5-4-1988; sự ra đời của Luật Hợp tác xã được thông qua ngày 20-3-1996 tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa IX.

Thực hiện đường lối đổi mới hợp tác xã nông nghiệp của Đảng và thi hành Luật Hợp tác xã, tất cả các địa phương đều đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ sang hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới cho phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và đặc điểm của sản xuất nông nghiệp dựa trên quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của hộ nông dân. Xuất phát từ đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới hợp tác xã nông nghiệp của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, việc chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp đã diễn ra hết sức đa dạng và phong phú. Đáng chú ý là đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của hộ nông dân trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Có thể khái quát thành hai cách làm chủ yếu: chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ sang hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp.

- Trong cách thứ nhất, chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ thành hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới về cơ bản đã giữ nguyên hợp tác xã nông nghiệp cũ, nhưng đổi mới phương thức tổ chức, quản lý hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã bao gồm các nội dung: kiểm kê, xử lý tài sản, công nợ của hợp tác xã cũ, đăng ký lại danh sách xã viên, xây dựng Điều lệ Hợp tác xã, tổ chức lại hệ thống dịch vụ và bộ máy quản lý của hợp tác xã nông nghiệp. Cách làm này khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Chẳng hạn, ở tỉnh Thái Bình sau chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã đã có 313 hợp tác xã nông nghiệp được chuyển đổi trong số 320 hợp tác xã nông nghiệp cũ với số hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đạt 98,9% tổng số hộ của cả tỉnh; ở tỉnh Hải Dương từ năm 1997 đến năm 2000 đã có 379/382 hợp tác xã thực hiện chuyển đổi, đạt 99,2% số hợp tác xã nông nghiệp và hầu hết số hộ nông dân đều tham gia hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; ở tỉnh Nam Định có 445 ngàn hộ nông dân tham gia vào 313 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, chiếm gần 100% số hộ nông dân của cả tỉnh. Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2001 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 7.171 hợp tác xã trong nông nghiệp, trong đó riêng vùng đồng bằng sông Hồng có 3.311 hợp tác xã, chiếm tới 46% số hợp tác xã nông nghiệp cả nước, còn ở 5 tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có 1.114 hợp tác xã, chiếm 15,5% số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước.

Cách chuyển đổi này có nhiều hạn chế, vẫn mang nặng tính hình thức; tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế lợi ích chưa có sự đổi mới căn bản, chưa tạo được động lực phát triển mới và gắn bó lợi ích của các hộ xã viên. Cụ thể số hộ nông dân tham gia hợp tác xã đông vì chủ yếu vẫn theo cách "đánh trống ghi tên", nên họ không góp vốn hoặc góp chiếu lệ, nơi thấp chỉ 30 - 50 ngàn đồng, nơi cao cũng chỉ trên dưới 100 ngàn đồng/mỗi hộ, bản thân xã viên không có động lực kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp thì không có nhiều vốn để hoạt động kinh doanh.

- Cách làm thứ hai, thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới bao gồm thành lập hợp tác xã nông nghiệp mới hoàn toàn và thành lập hợp tác xã nông nghiệp mới trên cơ sở giải thể hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ. Đây là cách làm chủ yếu ở các tỉnh phía Nam bao gồm vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Cách làm này có ưu điểm chính là xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế hộ, bảo đảm tính tự chủ cao, nên nông dân tự nguyện góp vốn lớn để đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động kinh doanh của hợp tác xã. Phương thức hoạt động cũng gắn được quyền lợi và trách nhiệm của từng hộ xã viên đối với hợp tác xã nông nghiệp. Những người sáng lập thường có trình độ chuyên môn kỹ thuật và trình độ kinh doanh và trở thành cán bộ quản lý hợp tác xã năng động, sáng tạo, thích ứng được với cơ chế thị trường, phát triển vững chắc và có hiệu quả.

Ở các tỉnh phía Bắc, cũng xuất hiện một số hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới theo đúng nguyên tắc của Luật Hợp tác xã thì kinh doanh phát triển và có hiệu quả.

Hạn chế cơ bản của cách làm này, trước hết, có lẽ ở số lượng hợp tác xã và số hộ nông dân tham gia, số hộ nghèo tham gia hợp tác xã nông nghiệp còn quá ít. Chẳng hạn, tại xã Xuân Tây, Xuân Lộc, Đồng Nai có trên 3.000 hộ nông dân, nhưng chỉ có 1 hợp tác xã nông nghiệp với 21 xã viên. Điều này không phù hợp với bản chất và mục đích của hợp tác xã nông nghiệp là nơi để người nghèo, người ít có những lợi thế có điều kiện để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cùng góp sức, góp của thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, thoát khỏi đói nghèo và từng bước vươn lên khá và giàu.

Điều đó hạn chế mở rộng kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nhất là đối với các tỉnh Nam Bộ, nơi có điều kiện và truyền thống phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhưng số hợp tác xã nông nghiệp và số hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp còn quá ít. Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2001 của Tổng cục Thống kê, vùng Đông Nam Bộ tổng số có 191 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó thành lập mới là 45 hợp tác xã; vùng đồng bằng sông Cửu Long có 424 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 383 hợp tác xã mới thành lập; số lao động trong hợp tác xã nông nghiệp ở hai vùng này lại quá ít: Đông Nam Bộ có 6.978 người, bình quân 36 người/hợp tác xã, đồng bằng sông Cửu Long có 6.355 người, bình quân 15 người/hợp tác xã.

Theo chúng tôi, hợp tác xã nông nghiệp là tổ chức kinh tế do những người nông dân tự nguyện thành lập nhằm mục đích trợ giúp các hoạt động nông nghiệp của họ thông qua việc cung cấp các dịch vụ giá rẻ do lợi thế về quy mô và phân công chuyên môn hóa lao động, dựa trên nền tảng kinh tế của hộ nông dân, mà đa số họ là những người yếu thế về trình độ học vấn, trình độ kỹ thuật - công nghệ và khả năng hạn hẹp về vốn, theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là nét khác cơ bản với kiểu góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần.

Mở rộng các hình thức hợp tác trong nông nghiệp nói chung và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp nói riêng là một bộ phận của xây dựng quan hệ sản xuất mới bao gồm cả quan hệ sở hữu và hình thức tổ sản xuất và quản lý. Trong đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay, chúng ta thực hiện chính sách đa dạng hóa hình thức sở hữu và tổ chức sản xuất - quản lý với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, trong nông nghiệp, nông thôn tồn tại nhiều thành phần kinh tế có quyền bình đẳng trước pháp luật, cùng hợp tác và cạnh tranh với nhau. Phát triển các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp đa dạng, từ hộ nông dân tự chủ đến hợp tác xã, kinh tế trang trại, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... trong tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội: sản xuất, dịch vụ, chế biến nông sản, thương mại... các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế muốn tồn tại và phát triển đều phải có sự hợp tác với nhau theo quan hệ thị trường.

Khác với trước đây, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày nay được quan niệm rộng hơn, toàn diện hơn, chuyển đổi về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn với thị trường, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, bao gồm thủy lợi hóa, cơ khí hóa, điện khí hóa, sinh học hóa, thị trường hóa, hợp tác hóa, nhân văn hóa... Nghĩa là, chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở nông nghiệp sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở công nghiệp và dịch vụ, xét cả về tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động với phương thức và trình độ cao về phân công và hợp tác lao động xã hội.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ưu tiên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác xã nông nghiệp vừa là nội dung quan trọng, vừa là tiền đề của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mối quan hệ tác động qua lại giữa hợp tác xã nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa thể hiện trên những nét sau đây:

Thứ nhất: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp sẽ tạo nên sự phân công lao động và tổ chức lao động mới, vừa tạo ra năng suất lao động và năng suất nông nghiệp cao, vừa tạo điều kiện để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ trong nông thôn. Đó cũng là một nội dung quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay.

Thứ hai: Nhờ phát triển hợp tác xã nông nghiệp với sự góp vốn của hộ xã viên thỏa đáng mà hợp tác xã nông nghiệp đủ sức hoạt động kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng và có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là một nội dung quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba: Nhờ phát triển hợp tác xã nông nghiệp mới tạo ra quy mô sản xuất hàng hóa lớn thích ứng với nhu cầu của thị trường, hạn chế và khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún, mang nặng tính tự cung, tự cấp của kinh tế hộ còn đang phổ biến ở nước ta hiện nay.

Thứ tư: Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức kinh tế của nông dân đồng thời là một trường học thực tế để nâng cao trình độ của người lao động và đào tạo, rèn luyện những cán bộ quản trị kinh doanh đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ năm: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa đặt ra yêu cầu của hợp tác hóa nói chung và phát triển hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, vừa tạo điều kiện để thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, nhất là cung cấp phương tiện kỹ thuật và công nghệ cho hợp tác xã nông nghiệp để tiến hành sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đang gặp nhiều mâu thuẫn và khó khăn, trước hết là đang đứng trước một nghịch lý giữa lý luận và thực tiễn. Về lý luận, ai cũng thấy hợp tác nói chung và hợp tác xã nông nghiệp là cần thiết và có lợi cho chính người nông dân, được Đảng và Nhà nước quan tâm (có Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội Nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Quốc hội đã có Luật Hợp tác xã năm 1996 và Luật Hợp tác xã sửa đổi bổ sung năm 2003), nhưng trên thực tế việc chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp vẫn mang nặng tính hình thức, phát triển chậm chạp và số hộ nông dân thực sự tham gia còn quá ít. Theo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2001, số lao động thực sự làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp chỉ bằng 0,68% tổng số lao động hiện có trong nông thôn. Tuyệt đại đa số lao động nông nghiệp và nông thôn làm việc trong các hộ nông dân tự chủ, tuy vẫn được hợp tác xã cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng không là xã viên và do đó thiếu mối quan hệ gắn bó giữa hộ tự chủ với hợp tác xã. Họ có thể sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ của hợp tác xã là tùy thuộc vào giá cả và tinh thần phục vụ. Như vậy, hợp tác xã nông nghiệp chưa tạo được một sức hút mạnh mẽ các hộ nông dân tham gia hợp tác. Trước thực trạng đó, bước đầu, xin được nêu một số nguyên nhân chủ yếu:

1 - Các hộ nông dân chưa có nhu cầu và động lực tham gia hợp tác. Do đất chật người đông, lao động nông nghiệp dư thừa nhiều, thời gian nông nhàn lớn, nhiều hộ nông dân chưa có nhu cầu hợp tác, cộng với tâm lý sợ mất tự chủ trong sản xuất kinh doanh và tâm lý mặc cảm, định kiến và hoài nghi đối với mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ, trong khi nguyên tắc tham gia hợp tác xã là tự nguyện, dân chủ, hộ nông dân chưa thấy rõ lợi ích kinh tế nên chưa có động lực vào hợp tác xã nông nghiệp.

2 - Bản thân hợp tác xã nông nghiệp hoạt động kinh doanh còn nhiều hạn chế, chưa thích ứng với sản xuất hàng hóa và chưa nêu gương về mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến và hiệu quả. Ngoại trừ một số mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, năng động và kinh doanh có hiệu quả, đại bộ phận hợp tác xã nông nghiệp còn lại vẫn hoạt động theo nếp cũ, chuyển sang làm dịch vụ được chăng hay chớ, chưa quan tâm nhiều đến mục tiêu hiệu quả kinh tế, mà nặng về mặt chính trị - xã hội.

3 - Còn thiếu những cán bộ cốt cán quản lý hợp tác xã nông nghiệp có trình độ, kinh nghiệm và có tâm huyết vì lợi ích của hợp tác xã và xã viên. Chủ nhiệm hợp tác xã, ban quản trị chưa được tuyển chọn, rèn luyện, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện quản lý kinh doanh nông nghiệp trong kinh tế thị trường.

4 - Sự chỉ đạo chuyển đổi và phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều mặt hạn chế cả về tuyên truyền giáo dục, tổ chức, cơ chế chính sách, điều hành cụ thể đối với phong trào hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp. Chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn duy trì hợp tác xã nông nghiệp một cách hình thức với nhiều lý do khác nhau và do đó tạo nên sự trì trệ đối với phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Bởi vậy, để hợp tác xã nông nghiệp phát triển có hiệu quả, phát huy vai trò hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ và trang trại, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là: Tiếp tục đổi mới nhận thức về hợp tác xã nông nghiệp, nhất là nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò và tác dụng của hợp tác xã nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đưa nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tổ chức và quản lý: tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và có sự hỗ trợ của Nhà nước, phù hợp nguyên tắc của Liên minh các hợp tác xã quốc tế nhằm thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế. Từ thay đổi nhận thức về hợp tác xã nông nghiệp cần sớm khắc phục những mặc cảm, định kiến với mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ và đổi mới cơ chế chính sách, chỉ đạo thực tiễn phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong mối liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức sản xuất khác nhằm mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội.

Hai là: Phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa, khắc phục tình trạng manh mún, khép kín, tự cấp tự túc của kinh tế hộ nhằm tạo nhu cầu và động lực tham gia hợp tác xã nông nghiệp của kinh tế hộ. Trên cơ sở tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà phân công lao động xã hội, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ theo phương châm "Ai giỏi nghề gì làm nghề đó". Nhà nước có chính sách tài chính - tín dụng, chính sách khoa học - công nghệ và khuyến nông, chính sách đầu tư, chính sách thị trường, chính sách lao động... để hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân dần chuyển sang sản xuất hàng hóa bền vững và có hiệu quả.

Ba là: Coi trọng công tác cán bộ cho hợp tác xã nông nghiệp. Thực tế cho thấy rằng, cán bộ chủ chốt của hợp tác xã nông nghiệp, trước hết là chủ nhiệm hợp tác xã có vai trò quyết định đối với sự thành bại của hợp tác xã nông nghiệp. Do đó, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cũng như cơ chế chính sách đối với chủ nhiệm hợp tác xã và ban quản trị phải được coi trọng và đổi mới cơ bản theo nguyên tắc lấy mục tiêu hiệu quả kinh doanh của hợp tác xã làm tiêu chí xem xét hàng đầu.

Bốn là: Mở rộng liên kết hợp tác giữa hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đặc điểm của kinh tế thị trường là cạnh tranh và hợp tác, do đó từng hợp tác xã nông nghiệp không thể khép kín mà phải mở rộng hợp tác với các hợp tác xã nông nghiệp khác, chủ động tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn để nâng cao trình độ kinh doanh và sức cạnh tranh của mình.

Năm là: Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp, trước hết là triển khai tổ chức Luật Hợp tác xã, đưa Luật Hợp tác xã đi vào cuộc sống. Nhà nước có chức năng quản lý và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu bằng cơ chế, chính sách và hệ thống tổ chức quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Cục hợp tác xã là một bước tiến quan trọng. Vấn đề đặt ra là thực hiện đúng chức năng và xây dựng hệ thống tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp từ trung ương đến cơ sở, nhất là củng cố Liên minh hợp tác xã sao cho thiết thực và có hiệu quả, tránh hành chính hóa để chuyển mạnh sang các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ các hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 81 NĂM 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét