Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

LỊCH HỌC MÔN LUẬT DÂN SỰ HỌC KỲ I NĂM HỌC 2009 - 2010 TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

1. HỌC KỲ:  Học kỳ 1 năm học 2009 - 2010

2. CHƯƠNG TRÌNH HỌC:

2.1. Môn Luật dân sự – Modul 1 theo học chế tín chỉ (Nội dung môn học theo phương pháp tín chỉ – Chưa áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ)

* Người học: Sinh viên Khóa 33

* Nội dung môn học:

Modul 1 có 3 tín chỉ, bao gồm 12 vấn đề:

Vấn đề 1: Khái niệm chung luật dân sự Việt Nam

Vấn đề 2: Quan hệ pháp luật dân sự

Vấn đề 3: Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự

Vấn đề 4: Giao dịch dân sự, đại diện, thời hạn, thời hiệu

Vấn đề 5: Tài sản

Vấn đề 6: Nội dung quyền sở hữu

Vấn đề 7: Hình thức sở hữu

Vấn đề 8: Căn cứ xác lập và chấm dứt quyền sở hữu

Vấn đề 9: Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu và các quy định khác về quyền sở hữu

Vấn đề 10: Những quy định chung về thừa kế

Vấn đề 11: Thừa kế theo di chúc

Vấn đề 12: Thừa kế theo pháp luật

- Sinh phải thực hiện 2 bài tập cá nhân tuần, hai bài tập nhóm tháng và một bài tập lớn học kỳ;

- Sinh viên phải thực hiện thi hết học phần Modul1 vào cuối kỳ.

* Thời gian thực hiện:

Thực hiện trong 16 tuần: 1 tuần 0, 12 tuần giảng và thảo luận 12 vấn đề thuộc Modul 1 (4 tiết/tuần = 2 tiết giảng + 2 tiết thảo luận), 2 tuần bảo vệ bài tập nhóm tháng và 1 tuần thảo luận chung.

2.2. Chuyên đề tự chọn: BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ

* Người học: Sinh viên Khóa 31 Khoa Luật dân sự

* Nội dung môn học:

Chuyên đề gồm có 5 chuyên đề nhỏ:

Chuyên đề 1: Những qui định chung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Chuyên đề 2: Thế chấp, cầm cố tài sản

Chuyên đề 3: Bảo lãnh, tín chấp

Chuyên đề 4: Đặt cọc, ký cược, ký quĩ

Chuyên đề 5: Xử lý tài sản bảo đảm và giải quyết tranh chấp

- Sinh phải thực hiện một bài kiểm tra thường xuyên và một bài thi hết chuyên đề.

* Thời gian thực hiện:

Thời lượng của Chuyên đề là 30 tiết (trong đó tự học 6 tiết). Chuyên đề được triển khai trong 6 tuần: 5 tuần giảng (4 tiết/tuần) và 1 tuần thảo luận (4 tiết).

3. LỊCH HỌC VÀ GIẢNG MODUL 1 – LUẬT DÂN SỰ

Các từ viết tắt trong lịch giảng:

- LT: Giờ lý thuyết

- TL: Giờ thảo luận

THỨ

BUỔI

TIẾT

LUẬT DÂN SỰ

Modul 1

CHUYÊN ĐỀ TỰ CHỌN

HỘI TRƯỜNG

1 - 2

KT33 AB - LT

KT33 CD - LT  

 

B502

B503

Sáng

3 - 4

KT33 GH - LT

 

B602

5 - 6

KT33 EF- LT

QT33 CD- LT

B601

B603

THỨ 2

---------------

---------------

----------------

----------------

------------------

1 - 2

HS33 AB - LT

HS33 CD - LT

B601

B602

Chiều

3 - 4

DS33 CD - LT

B603

5 - 6

HC33 AB - LT

HC 33 CD - LT

B502

B503

 

---------------

---------------

---------------

---------------

---------------

=======

=======

=======

=======

=======

=======

1 - 2

KT33 A1- TL

KT33 A2- TL

B502

B402

Sáng

3 - 4

QT33 C1- TL

QT33 C2- TL

B603

E401

5 - 6

QT33 AB- LT

 

B602

THỨ 3

---------------

---------------

---------------

---------------

---------------

1 - 2

     

Chiều

3 - 4

DS33 AB - LT

B602

5 - 6

HC33 C1- TL

HC33 C2- TL

 

B503

B403

 

---------------

---------------

---------------

---------------

---------------

=======

=======

=======

=======

=======

=======

1 - 2

   

Sáng

3 - 4

QT33 D1- TL

QT33 D2- TL

B603

B601

5 - 6

QT33 A1- TL

QT33 A2- TL

B602

C301

THỨ 4

---------------

---------------

---------------

---------------

---------------

1 - 2

DS33 D1- TL

DS33 D2- TL

B602

B501

Chiều

3 - 4

DS33 A1- TL

DS33 A2- TL

B601

B603

5 - 6

=======

=======

=======

=======

=======

=======

 

1- 2

KT33 G1- TL

KT33 G2- TL

B601

E401

Sáng

3- 4

QT33 B1- TL

QT33 B2- TL

 

B602

E402

5 - 6

KT33 D1- TL

KT33 D2- TL

B503

B501

THỨ 5

---------------

---------------

---------------

---------------

---------------

1 - 2

HC33 B1- TL

HC33 B2- TL

 

B502

B302

Chiều

3 - 4

HS 33 A1- TL

HS33 A2- TL

 

B601

E402

5 - 6

HC33 D1- TL

HC33 D2- TL

B503

B401

=======

=======

=======

=======

=======

=======

 

1 - 2

KT33 B1- TL

KT33 B2- TL

B502

B503

Sáng

3 - 4

KT33 H1- TL

KT33 H2- TL

B601

B603

5 - 6

   

THỨ 6

---------------

---------------

---------------

---------------

---------------

   

1 - 2

HS33 B1- TL

HS32C2- TL

B503

B501

 

Chiều

3 - 4

HS33 D1- TL

HS33 D2- TL

B601

B402

5 - 6

HC33 A1- TL

HC33 A2- TL

B502

B303

=======

=======

=======

=======

=======

=======

 

1 - 2

KT33 F1- TL

KT33 F2- TL

B601

E402

Sáng

3 - 4

KT33 C1- TL

KT33 C2- TL

B503

E401

   

5 - 6

KT33 E1- TL

KT33 E2- TL

B601

E402

THỨ 7

---------------

---------------

---------------

---------------

---------------

 

1 - 2

DS33 B1- TL

DS33 B2- TL

B603

E102

Chiều

3 - 4

DS33 C1- TL

DS33 C2- TL

B302

E402

   

5 - 6

HS33 C1- TL

HS33 C2- TL

B602

B501

1,2,3,4

DS 31

C301

SOURCE: LỊCH GIẢNG CỦA PHÒNG ĐÀO TẠO - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

VĂN HÓA PHÁP LUẬT PHÁP VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỚI PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

PGS.TS. THÁI VĨNH THẮNG

1. Các đặc điểm cơ bản của văn hoá pháp luật Pháp

1.1. Ảnh hưởng từ văn hoá pháp luật La Mã

Các bộ luật lớn của Pháp như Bộ luật dân sự Napoleon 1804, Bộ luật Thương mại năm 1807 đều được hình thành trên cơ sở kết hợp luật tập quán địa phương và luật La Mã. Luật La Mã được nghiên cứu tại các trường đại học của Pháp và được coi là nguồn luật bổ sung, được áp dụng trực tiếp nếu luật pháp thành văn và tập quán pháp luật của họ chưa có quy định đối với quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh pháp luật. “Corpus juris civilis” được tiếp nhận rộng rãi ở Pháp cũng như ở các nước lục địa châu Âu.

1. 2. Nơi khởi nguồn của nhiều tư tưởng pháp luật tiến bộ

Nhiều tư tưởng pháp luật tiến bộ được xuất phát từ nước Pháp. Tư tưởng pháp luật tự nhiên về quyền công dân và quyền con người thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và công dân quyền của Pháp năm 1789; tư tưởng phân chia quyền lực và kiềm chế đối trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thể hiện rõ trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu, tư tưởng chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện rõ trong tác phẩm “Khế ước xã hội” của Jean Jaques Rousseau.

1.3. Hệ thống luật được phân chia thành công pháp và tư pháp

Do ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã, hệ thống pháp luật Pháp được phân chia thành Jus publicum (công pháp), Jus privatum (tư pháp). Công pháp bao gồm những ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, các quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa các cơ quan nhà nước với tư nhân. Công pháp là gồm các ngành luật như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Ngân hàng, Luật Tài chính… Tư pháp bao gồm các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân. Tư pháp bao gồm các ngành luật như Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Thương mại.

Cơ sở để phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp là phương pháp điều chỉnh (phương pháp tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội). Phương pháp điều chỉnh đặc trưng của tư pháp là phương pháp tự do thỏa thuận ý chí và bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật. Còn phương pháp điều chỉnh của công pháp chủ yếu là phương pháp mệnh lệnh. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng việc phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp (Jus publicum và Jus privatum) có liên quan tới các cuộc đấu tranh về quyền lực chính trị thế kỷ XVII bởi vì việc phân chia này được xem là ý muốn của những người bảo hoàng muốn áp đặt chế độ quân chủ trong pháp luật7, theo đó chỉ có tư pháp mới là lĩnh vực tự do của các nhà luật học, còn công pháp là lĩnh vực mà các nhà khoa học pháp lý cần phải kiêng kỵ, vì đó được coi như là "khu vực cấm".

1.4. Hệ thống pháp luật coi trọng lý luận pháp luật

Ngay từ thế kỷ XII, khi Trường đại học Paris mới ra đời, quan điểm của các giáo sư đại học lúc này đã là: pháp luật là công cụ, là mô hình tổ chức xã hội, là cái Sollen (cái cần phải làm) chứ không phải là Sein (cái đang xảy ra trong thực tiễn). Quan điểm này được duy trì trong những thế kỷ tiếp theo. Các học thuyết pháp luật, các nguyên tắc pháp luật được coi là nguồn của pháp luật. Các bộ luật của Pháp thông thường đi từ cái chung đến cái riêng mặc dù nhiều bộ luật không có sự tách bạch thành phần chung và phần riêng. ở phần đầu các bộ luật các khái niệm chung được trình bày một cách rõ ràng, rành mạch. Các bộ luật thường bắt đầu bằng các khái niệm chung làm cơ sở lý luận cho các phần sau và thông thường được xây dựng theo tư duy lôgic từ cái khái quát đến cái cụ thể, từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái hữu hình, từ nguyên tắc chung đến các tình huống cụ thể, từ lý luận đến thực tiễn.

1.5. Hệ thống pháp luật có trình độ hệ thống hoá, pháp điển hoá cao

Ngoài các bộ luật thông thường như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Thương mại... các quốc gia lục địa châu Âu đã xây dựng nhiều bộ luật khác như Bộ luật Đất đai, Bộ luật Tổ chức hệ thống toà án hành chính, Bộ luật Tốtụng hành chính, Bộ luật Hàng hải, Bộ luật Hàng không, Bộ luật Bầu cử, Bộ luật Thuế, Bộ luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Tiêu dùng, Bộ luật Nông thôn, Bộ luật về các Toà án tài chính, Bộ luật chung về Các chính quyền địa phương, Bộ luật Y tế công, Bộ luật Tiền tệ và tài chính, Bộ luật Môi trường, Bộ luật Hỗ trợ xã hội và gia đình, Bộ luật Quốc phòng, Bộ luật Du lịch, Bộ luật Di sản và nghiên cứu v.v.. Nhờ xây dựng được nhiều bộ luật, việc nghiên cứu, thực hiện và áp dụng pháp luật trở nên dễ dàng hơn. Các quy phạm pháp luật trong các bộ luật thường rất cụ thể với các chế tài rõ ràng, vì vậy có thể áp dụng trực tiếp vào các quan hệ xã hội mà không cần thông qua một văn bản pháp luật trung gian như nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành.

1.6. Hệ thống pháp luật không coi tiền lệ pháp luật là một hình thức pháp luật thông dụng và phổ biến như pháp luật thành văn

Khác với hệ thống pháp luật Anh, Mỹ, hệ thống pháp luật Pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết phân chia quyền lực, nên không thừa nhận vai trò lập pháp của các cơ quan xét xử. Sau cách mạng 1789, các luật gia Pháp hầu như có quan điểm tương đối thống nhất rằng lập pháp là hoạt động của Nghị viện, Toà án là cơ quan áp dụng luật để xét xử chứ không phải bằng hoạt động xét xử tạo ra luật. Án lệ là hình thức pháp luật không được khuyến khích phát triển và chỉ áp dụng một cách hạn chế như là một hình thức khắc phục khiếm khuyết của pháp luật thành văn.

1.7. Nghề luật phát triển và có uy tín trong xã hội

Từ thời kỳ La Mã cổ đại, pháp luật và những người bảo vệ pháp luật đã được xã hội coi trọng. Thời đó người La Mã đã quan niệm: “Lex est norma resti” (Law is a rule of right) nghĩa là pháp luật là quy tắc của lẽ phải. Người La Mã cũng có câu thành ngữ “Lex est dictamen rationis” (Law is the dictate of reason) - pháp luật là mệnh lệnh của công bằng, công lý. Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá pháp luật La Mã nên người Pháp cũng rất coi trọng pháp luật và những người chọn sự nghiệp bảo vệ pháp luật làm nghề nghiệp của mình. ở Pháp cũng như nhiều nước lục địa châu Âu, quyền tư pháp được tách khỏi quyền lập pháp, hành pháp và là một nhánh quyền lực hoàn toàn độc lập. Để đảm bảo cho thẩm phán độc lập, ngoài việc được bổ nhiệm suốt đời, thẩm phán còn được hưởng một khoản lương rất cao so với các nghề nghiệp khác. Hơn thế nữa, trụ sở toà án ở Pháp thường là nơi có kiến trúc đẹp nhất trong các loại công sở, thường đó là các lâu đài đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm, vì vậy người Pháp đặt tên các trụ sở toà án là Palais de Justice - Lâu đài công lý.

2. Ảnh hưởng của văn hoá pháp luật Pháp với quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật ở Việt Nam

2.1 Ảnh hưởng của văn hoá pháp luật Pháp vào hoạt động lập hiến ở Việt Nam

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, đặc biệt là Bản Tuyên ngôn Dân quyền và công dân quyền của nước Pháp 1789, Hiến pháp 1791 và các bản Hiến pháp tiếp theo của Pháp, giới trí thức Việt Nam đã tranh luận sôi nổi về việc xây dựng một bản Hiến pháp cho Việt Nam. Trên tờ tạp chí “Nam Phong” đã diễn ra cuộc bút chiến sôi nổi giữa hai nhà văn Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh về thiết lập một nền quân chủ lập hiến hay một nền hành chính trực trị. Phạm Quỳnh cho rằng nên xây dựng một nền quân chủ lập hiến trong đó đảm bảo quyền dân chủ cho người dân An Nam, quyền cai trị cho Hoàng đế An Nam và quyền bảo hộ cho Chính phủ Pháp. Còn nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, sau khi phân tích sự thối nát và bảo thủ, lạc hậu của chế độ quân chủ ở Việt Nam đã kiến nghị bãi bỏ chế độ quân chủ, thiết lập một nền hành chính trực trị do Chính phủ bảo hộ Pháp thực hiện. Khác với Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, các nhà cách mạng yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra sức tuyên truyền cho việc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thiết lập và bảo vệ các quyền tự do dân chủ cho người dân An Nam, quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã trình lên Hội nghị Vessailles Bản yêu sách của nhân dân An Nam trong đó có điểm thứ 7, yêu cầu ban hành cho người dân An Nam một bản Hiến pháp. Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, mơ ước của người dân Việt Nam về một bản Hiến pháp cho người dân Việt Nam đã có điều kiện biến thành hiện thực. Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp 1946 đã được xây dựng.

Hiến pháp 1946, mặc dù được xây dựng trong một thời gian không dài nhưng đây là bản Hiến pháp kết tinh được những tinh hoa của hiến pháp tư sản, đặc biệt là các bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hoà Pháp. Mô hình chính thể theo Hiến pháp 1946 là mô hình kết hợp giữa chính thể Cộng hoà tổng thống của Hoa Kỳ và Cộng hoà lưỡng tính của nước Pháp.

2.2 Ảnh hưởng của văn hoá pháp luật Pháp với việc xây dựng và thực hiện các bộ luật dân sự ở Việt Nam

Trong thời thực dân Pháp đô hộ, dưới sự ảnh hưởng của Bộ luật Dân sự Napoleon 1804, một số Bộ luật Dân sự Việt Nam đã được ban hành:

- Bộ luật Dân sự giản yếu của Nam Kỳ được ban hành năm 1884 (Precis de legislation civile). Bộ luật này gồm có 11 thiên quy định về các vấn đề nhân thân, hộ tịch, giá thú, ly hôn, phụ hệ, con nuôi, giám hộ.. Bộ luật này có kết cấu giống với Bộ luật Dân sự Napoleon, thậm chí có nhiều thiên trong bộ luật sao chép y nguyên nội dung Bộ luật Dân sự của Pháp. Do vậy, Bộ luật này không phản ánh được các phong tục của người Việt Nam. Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã nhận xét rằng, Bộ luật này thiên về tính cách cá nhân, trong khi truyền thống của người Việt trọng về gia đình. Bộ luật này chỉ chú trọng các vấn đề cá nhân, kết hôn, ly hôn… trong khi đó các vấn đề quan trọng như hợp đồng, chế độ tài sản của vợ chồng, thừa kế lại không được quy định. Vì bộ luật này có nhiều thiếu sót, nên khi cần thiết thường phải áp dụng các quy định của Bộ luật Gia Long và Hồng Đức.

- Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ được ban hành năm 1931. Bộ luật này còn được gọi là Bộ luật Morché (Thống sứ Bắc Kỳ). Bộ luật này được chuẩn bị khá công phu, tuy nhiên hoàn toàn theo tinh thần của người Pháp. Ngày 6/7/1917, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành một Nghị định thiết lập một uỷ ban Việt - Pháp để xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ. Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931 gồm 1455 Điều chia thành 1 Thiên sơ bộ và 4 Quyển. Trong Thiên sơ bộ quy định các nguyên tắc của luật dân sự hiện đại như nguyên tắc bất hồi tố, nguyên tắc bình đẳng và tự do cá nhân, nguyên tắc tôn trọng quyền tư hữu, nguyên tắc tự do khế ước. Quyển thứ nhất của Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ thể hiện sự tiếp nhận có chọn lọc một số nội dung của Bộ luật Dân sự Napoleon trong sự kết hợp với giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam trong các quan hệ về hôn nhân, gia đình và thừa kế. Tuy nhiên, Bộ luật này cũng có một số quy định không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Ví dụ, việc hạn chế năng lực hành vi của người đàn bà có chồng trong các giao dịch dân sự như mua, bán hoặc nhận tài sản thừa kế. Việc mua, bán hoặc nhận thừa kế tài sản người phụ nữ có chồng chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý của người chồng. Các quy định trên đây không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam vì trong các quan hệ kinh tế, dân sự, thương mại người phụ nữ Việt Nam có quyền khá rộng rãi, họ hoàn toàn độc lập và không hề phụ thuộc vào chồng khi thực hiện một hành vi dân sự như mua, bán các loại hàng hoá cần thiết cho cuộc sống.

- Bộ luật Dân sự Trung Kỳ được ban hành năm 1936 (còn gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật 1936). Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 bao gồm 5 Quyển, 1709 Điều (nhiều hơn Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 254 Điều). Tác giả của bộ luật này là Collet, cố vấn pháp luật của Chính phủ bảo hộ. Các quy định về hợp đồng được xây dựng giống với luật La Mã và được quy định khá chi tiết. Đó là các nguyên tắc cơ bản về hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng thuê nhân công, hợp đồng công nghệ, hợp đồng vận tải. Một số quy định trong bộ luật mang tính hiện đại và tiến bộ. Ví dụ, Điều 9 Bộ luật Dân sự Trung Kỳ quy định: “ Người và của (tài sản) đều không ai được xâm phạm và do pháp luật bảo hộ. Tục bắt người làm nô lệ nhất thiết là nghiêm cấm”. Ngoài một số quy định mang tính đặc thù như phần khế ước được quy định chi tiết và chặt chẽ hơn các Bộ luật Dân sự Nam Kỳ và Bắc Kỳ, về cơ bản, Bộ luật này giống Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, trong điều kiện chưa xây dựng được các Bộ luật mới, Sắc lệnh ngày 10/10/1945 đã cho phép áp dụng các luật lệ của chế độ cũ, trừ những điều khoản trái với nền độc lập tự do của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ thắng lợi, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Đất nước tạm thời chia làm hai miền và việc thống nhất đất nước theo Hiệp định sẽ được thực hiện sau hai năm, bằng cuộc tổng tuyển cử trong cả nước do chính quyền hai miền hiệp thương tổ chức. Nhưng sau khi hất cẳng Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Vì vậy từ năm 1955 đến 1975, ở Việt Nam đã hình thành hai chính quyền: Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Miền Bắc và Việt Nam cộng hoà ở Miền Nam.

Ở Miền Bắc, ngày 1/7/1959, Toà án nhân dân tối cao đã có chỉ thị số 772-TATC đình chỉ áp dụng những luật lệ của chế độ cũ và từ thời điểm đó, chỉ áp dụng những luật lệ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. ở Miền Nam, ngày 20/12/1972 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh đồng thời ban hành 5 Bộ luật trong đó có Bộ luật Dân sự. Bộ luật này về cơ bản duy trì hệ thống pháp luật của Pháp tại Nam Kỳ trước đây.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, các bộ luật ở miền Nam trong đó có Bộ luật Dân sự bị bãi bỏ, pháp luật miền Bắc được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả hai miền Nam Bắc. Ngày 28/10/1995 Bộ luật Dân sự của nhà nước thống nhất được ban hành và có hiệu lực từ ngày1 /7/1996. Sau 10 năm có hiệu lực, nhiều quy định của Bộ luật này cần được bổ sung và sửa đổi.Vì vậy Quốc hội khoá XI, tại Kỳ họp thứ VII, ngày 14/6/2005 đã thông qua Bộ luật Dân sự mới. Bộ luật Dân sự 2005 cũng có kết cấu gồm 7 phần như Bộ luật Dân sự 1995, tuy nhiên số lượng các điều được giảm bớt cho gọn nhẹ hơn, chỉ còn 777 Điều (Bộ luật Dân sự 1995 có 838 Điều). Bộ luật Dân sự 2005 được xây dựng trên tinh thần hội nhập quốc tế, tiếp thu nhiều tư tưởng pháp luật lục địa châu Âu (Pháp, Đức) nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của đời sống dân sự Việt Nam.

2.3 Ảnh hưởng của hệ thống tổ chức toà án Pháp đối với Việt Nam

Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ, hệ thống toà án ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình toà án phong kiến, ở đó không có sự tách biệt giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, các quan cai trị đầu hạt đồng thời là các quan xét xử. Hơn thế nữa, trong hệ thống cơ quan tư pháp thời kỳ này không phân biệt cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cơ quan xét xử. Các tri phủ, tri huyện tự mình điều tra, tự mình truy tố và đồng thời tự mình xét xử. Trong hệ thống tố tụng lúc này chưa thiết lập được nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật vì còn tồn tại chế định “bát nghị” (tám trường hợp được miễn giảm hình phạt) và nhiều thiết chế khác bảo vệ những người có quan hệ huyết thống với vua và quan lại cao cấp của triều đình. Quyền được bào chữa của các bị cáo cũng chưa được thiết lập.

Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên Việt Nam, bên cạnh các toà án của người Việt xây dựng theo mô hình toà án phong kiến để xét xử người Việt, người Pháp đã thành lập thêm hệ thống toà án Pháp xây dựng theo mô hình toà án tư sản để xét xử công dân Pháp và công dân nước ngoài kể cả người Việt đã nhập quốc tịch Pháp. Các toà án Pháp được xây dựng trong thời kỳ này hoàn toàn là những toà án theo mô hình toà án hiện đại. Đó là đảm bảo nguyên tắc tư pháp tách khỏi hành chính thành một ngành độc lập, không một quan cai trị hành chính nào đồng thời có thể là thẩm phán. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được tách biệt và độc lập với nhau. Nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật được thiết lập, quyền được bào chữa của các bị cáo được đảm bảo. Nhờ hệ thống toà án này du nhập vào Việt Nam, mô hình toà án tư sản đã có ảnh nhất định đến tư duy tố tụng và cách thức tổ chức hệ thống toà án cho người Việt Nam. Và một hệ thống toà án như vậy đã nhanh chóng được thiết lập sau cách mạng tháng 8/1945 khi Việt Nam đã giành được độc lập.

2.4 Ảnh hưởng của các cơ quan đại diện dân chúng trong thời Pháp thuộc đến ý tưởng tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sau khi Việt Nam giành được độc lập

Trong thời kỳ người Pháp đô hộ Việt Nam, một hệ thống cơ quan đại diện dân chúng được thành lập. Đó là Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial du Cochinchine) thành lập theo Sắc lệnh ngày 8/2/1880 của Tổng thống Pháp; Uỷ ban tư vấn kỳ hào Bắc Kỳ (Commission Consultative des Notables du Tonkin) thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 30/4/1886 và sau đó, ngày 4/5/1907 đổi thành Viện tư vấn bản xứ Bắc Kỳ (Chambre Consultative indigène du Tonkin); Trung kỳ tư vấn Hội đồng thành lập theo Đạo dụ ngày 19/3/1920 của vua Bảo Đại, đến năm 1926 đổi thành Trung Kỳ nhân dân đại biểu viện.

Ngoài các cơ quan đại diện cho dân chúng ở cấp Kỳ còn có cơ quan đại diện cho dân chúng ở cấp tỉnh và thành phố. ở Nam Kỳ, Hội đồng quận được thiết lập theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 5/8/1889 (Conseil d,Arrondissement). Toàn bộ Nam Kỳ được chia làm 20 quận (theo tên gọi của đơn vị hành chính ở Pháp là Arrondissement), vì vậy Nam Kỳ có 20 Hội đồng quận. ở Bắc Kỳ từ năm 1886 Uỷ ban tư vấn hàng tỉnh được thiết lập (Commission Consultative Provincial) đến năm 1898 đổi thành Uỷ ban tư vấn bản xứ hành tỉnh (Commission Consultative Indigènes Provincial). Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 19/3/1913 chính thức thành lập Hội đồng hàng tỉnh và các Hội đồng hàng tỉnh ở Bắc Kỳ tồn tại đến năm 1940. ở Trung Kỳ, Hội đồng hàng tỉnh được thiết lập theo Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ năm 1913 (bổ sung, sửa đổi vào các năm 1930, 1935, 1939). Các cơ quan đại diện dân chúng cũng được thành lập tại các thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng trong đó chỉ có Sài Gòn là thành phố duy nhất ở Việt Nam có cả hai cơ quan Quyết nghị và Chấp hành đều do bầu cử thành lập nên. Từ năm 1882, ở Sài Gòn đã áp dụng chế độ thị trưởng bầu (Maire élu).

Các cơ quan đại diện dân chúng trong thời kỳ Pháp thuộc phần lớn chỉ mang tính chất hình thức vì chỉ có tầng lớp kỳ hào mới được tham gia bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện. Vai trò của các cơ quan đại diện lúc này rất hạn chế vì chỉ có thẩm quyền tư vấn. Các kiến nghị của các cơ quan đại diện chỉ được thực hiện khi được sự đồng ý của đại diện Chính phủ bảo hộ.

Mặc dù có những hạn chế trên đây, nhưng thiết chế cơ quan đại diện cho dân chúng bên cạnh các cơ quan hành chính nhà nước là một thiết chế mới mà nhà nước phong kiến chuyên chế không có. Thiết chế cơ quan đại diện dân chúng đã được nhiều nhà cách mạng yêu nước sử dụng để đòi quyền lợi chính trị cho nhân dân Việt Nam. Thiết chế này đã có ảnh hưởng nhất định đến tư duy tổ chức bộ máy nhà nước hiện đại theo hướng càng ngày càng dân chủ hơn. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, nước nhà đã giành được độc lập, những kinh nghiệm dù rất hạn chế của các cơ quan đại diện dân chúng trong thời Pháp thuộc đã giúp cho người dân Việt Nam tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhân dân là hệ thống cơ quan dân cử thực sự dân chủ của mình.

2.5 Ảnh hưởng của khoa học pháp lý của Pháp với khoa học pháp lý Việt Nam

Do những ảnh hưởng trên đây, một hệ quả tất yếu là nền khoa học pháp lý Việt Nam, một yếu tốquan trọng trong văn hoá pháp lý Việt Nam, cũng chịu ảnh hưởng của khoa học pháp lý của Pháp vì Việt Nam cũng đã có một lớp luật sư và các nhà khoa học pháp lý có tên tuổi như tiến sĩ, luật sư Phan Văn Trường, luật sư Phan Anh, luật sư Vũ Đình Hoè, giáo sư Nguyễn Ngọc Minh, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thông, Vũ Quốc Thúc… được đào tạo và trưởng thành trong nền văn hoá pháp luật Pháp. Các nhà luật học Việt Nam được đào tạo ở các trường luật của Pháp đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp 1946 và các văn bản pháp luật quan trọng khác cho nhà nước Việt Nam trong những năm tháng đầu tiên giành được độc lập, cũng như trong công tác đào tạo các từng lớp cử nhân luật sau này. Sau khi Việt Nam xoá bỏ chế độ hành chính quan liêu, bao cấp chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hội nhập nền kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật lục địa châu Âu, trong đó có hệ thống pháp luật Pháp lại tiếp tục có những ảnh hưởng nhất định đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Nền khoa học pháp lý của Pháp thông qua Nhà pháp luật Việt - Pháp (La Maison du Droit Vietnamo - Francaise) và nhiều con đường hợp tác khoa học và đào tạo khác nhau lại tiếp tục ảnh hưởng đến nền khoa học pháp lý Việt Nam. /.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/van-hoa-phap-luat-phap-va-nhung-anh-huong-toi-phap-luat-o-viet-nam/?searchterm=tố%20tụng

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

TÁC ĐỘNG CỦA PHONG TỤC, TẬP QUÁN ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI – TỪ GÓC NHÌN ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TS. NGUYỄN THỊ BÁO - Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là mục tiêu thứ 3 trong các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ đang được nước ta nỗ lực thực hiện. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, chúng ta đang phải tiếp tục khắc phục những định kiến trọng nam, xem thường nữ, xuất phát từ quan niệm phong kiến, lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân, trên con đường chinh phục mục tiêu này.

Là một nước phong kiến, nửa thuộc địa, kinh tế kém phát triển, kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, chúng ta đã đi được một chặng đường dài trên con đường tiến tới thực hiện mục tiêu bình đẳng nam nữ: cách biệt về giới ở các cấp học sẽ được xóa bỏ trước năm 2015; phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các ngành các cấp; cơ hội việc làm được mở ra cho cả nam và nữ; lao động nữ đã có nhiếu đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phụ nữ được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nghèo và nâng cao vị thế của người phụ nữ; phụ nữ ngày càng được thụ hưởng bình đẳng với nam giới trong các dịch vụ công về y tế, văn hóa, xã hội...

Để nâng cao các quyền về kinh tế cho nữ giới, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Sửa đổi đất đai năm 2003, trong đó có ghi rõ tất cả các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải được cấp bao gồm tên của cả vợ và chồng.

Các giấy tờ về quyền sử dụng đất giúp bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người phụ nữ đối với tài sản đất đai đó.

Những giấy tờ này cũng giúp nữ giới có thể vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng nhằm bảo vệ quyền lợi hco phụ nữ trong trường hợp ly dị và phân chia tài sản.

Các luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống. Từ năm 2008, nước ta đã có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Việt Nam có tên trong danh sách các nước được tính toán về thước đo nâng cao vị thế về giới (GEM) với vị trí 52/93 nước được xếp hạng (xem: Báo cáo "Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 12-2008).

Tuy nhiên, để thực hiện trọn vẹn mục tiêu bình đẳng giới, bình đẳng cả về cơ hội hưởng thụ, cống hiến, chúng ta còn nhiều việc phải làm, mà trước hết là khắc phục tận gốc tư tưởng phong kiến trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức, suy nghĩ, quan niệm, cách hành xử và lối sống của một bộ phận người dân từ bao đời nay; khắc phục những phong tục, tập quán lạc hậu, tác động tiêu cực đến việc thực hiện bình đẳng giới.

1. Vì sao tâm lý phải có con trai nặng nề, và tồn tại dai dẳng đến như vậy?

Về mặt kinh tế, đặc trưng của đồng bằng sông Hồng là nông nghiệp lúa nước, kinh tế được tổ chức theo đơn vị gia đình, chủ yếu dựa trên lao động thủ công, dựa vào sức lực là chính. Công việc đồng áng nặng nhọc, tạo ra khát vọng có con trai, coi trọng con trai. Con trai là lao động chính, là chỗ dựa tinh thần của gia đình, vì thế, vai trò của người đàn ông được đề cao và xem trọng.

Về mặt xã hội, ba thiết chế truyền thống của cộng đồng làng xã là nhà (gia đình), họ (tông tộc) và giáp có ảnh hưởng sâu sắc đến bất bình đẳng giới.

Gia đình của người Việt nói chung, của đồng bào vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, theo chế độ phụ quyền, có tục lệ thờ cúng tổ tiên, duy trì nòi giống, nên rất coi trọng con trai và vì thế, đề cao vai trò của nam giới. Người đàn ông, người chồng được coi là trụ cột trong gia đình, phụ nữ được quan niệm là người trông coi việc bếp núc.

Mở rộng của gia đình là dòng họ - tập hợp những gia đình có chung một ông tổ. Trong đó, quan hệ của các dòng họ được dựa theo số đông nam giới với quan niệm là “họ đa đinh”, “họ ít đinh”. Điều này dẫn đến việc phải duy trì nòi giống, nâng cao sức mạnh và vị thế của dòng họ trong làng. Yếu tố này góp thêm một nhu cầu cần nam giới và trọng con trai.

Một đặc điểm khác nữa là coi trọng giáp - thiết chế của nam giới trong làng. Mỗi giáp bao gồm đinh nam của một hai dòng họ hoặc chi họ. Làng Việt cổ lấy giáp làm đơn vị tổ chức thực hiện các công việc của đời sống cộng đồng, nên phụ nữ không có quyền và nghĩa vụ với các việc chính trị - xã hội của làng.

Nhiều tục lệ của làng xã được văn bản hoá thành hương ước, trở thành công cụ để quản lý làng xã. Trong nhiều hương ước đã sử dụng triệt để thiết chế dòng họ và giáp để gạt bỏ quyền dân sự, chính trị của người phụ nữ(1). Phụ nữ không được ghi tên trong sổ hàng xã, không được tham gia hội đồng kỳ mục - cơ quan có toàn quyền đối với công việc của làng xã.

Trong quan hệ gia đình, chỉ có người chồng mới là đại diện chính thức cho “quyền ngoại giao” đối với láng giềng, dòng họ, cộng đồng làng xã trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi hành vi giao thiệp của người vợ với bên ngoài chịu sự kiểm soát, phán xét khắc nghiệt của chồng, gia đình nhà chồng cũng như cộng đồng.

Sự bất bình đẳng của phụ nữ về mặt nhân thân trong tục lệ làng xã còn thể hiện rõ nét trong việc làm gia phả. Tuyệt đại đa số gia phả của các dòng họ được viết bằng chữ Hán trước đây đều thể hiện sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ với nguyên tắc “nữ nhi ngoại tộc” (con gái đi lấy chồng là thuộc về dòng họ khác), nên trong gia phả không ghi tên con gái, còn các con trai được ghi chép khá đầy đủ các thông số liên quan đến nhân thân(2).

2. Quan niệm trọng nam, xem thường nữ tác động thế nào đến vấn đề thực hiện bình đẳng giới hiện nay?

Những yếu tố hình thành nên tư tưởng trọng nam, xem thường nữ trên đây, mặc dù đã được khắc phục rất nhiều kể từ khi đất nước giành được độc lập, nhưng những dư âm, tàn tích của nó vẫn còn rơi rớt, ẩn sâu trong tâm lý, suy nghĩ của một bộ phận người dân, tác động đến việc thực hiện bình đẳng giới.

Thứ nhất, trong việc tham gia quản lý, hoạt động xã hội.

Thực tế cho thấy, ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp uỷ, các cơ quan công quyền và tổ chức chính trị, xã hội còn khiêm tốn. Chẳng hạn, Ninh Bình được coi là tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, nhưng tỷ lệ phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XII của tỉnh cũng chỉ dừng ở con số 33,3%; nữ cấp uỷ cấp tỉnh đạt 14,28%; cấp huyện đạt 17,43%; cấp xã đạt 15,01%; toàn tỉnh chỉ có 14 nữ là Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ sở; nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 28%; cấp huyện, thị, thành phố đạt 24,19%; cấp xã đạt 19,57%; có 20 chị là lãnh đạo trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 3 Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, thị, thành phố; 20 xã phường có nữ lãnh đạo chủ chốt trong HDDND và UBND(3).

Phụ nữ đồng bằng sông Hồng chủ yếu mới chỉ tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội có liên quan trực tiếp đến bản thân và trách nhiệm của các chị trong gia đình như: Hội Nông dân: 50%; Hội Phụ nữ: 80,71%; câu lạc bộ gia đình hạnh phúc không sinh con thứ 3: 57,14%; tập huấn chăn nuôi 56,42%. Họ ít có cơ hội, điều kiện hơn nam giới để tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội như: tham gia họp thôn chỉ có 26,42%, họp Hội Nông dân: 26,42%(4).

Thứ hai, trên lĩnh vực kinh tế

Nếp sống dựa trên quan niệm “tam tòng, tứ đức” đã trở nên quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ Việt Nam trước đây, làm cho người phụ nữ cam phận lệ thuộc hoàn toàn vào chồng, không dám quyết định, giải quyết những vấn đề trong gia đình. Còn người chồng quen với tư tưởng gia trưởng, áp đặt mọi quyết định đối với người vợ.

Phụ nữ được mong đợi là làm việc nhà nhiều hơn, còn nam giới là trụ cột kinh tế, người kiếm sống nuôi các thành viên gia đình. Từ đó đẫn đến những định kiến nghề nghiệp, trong đó, một số công việc được coi là của nam giới (làm rừng, đánh bắt hải sản, đi làm ăn xa nhà, lãnh đạo cộng đồng…); một số việc được coi là của phụ nữ (nội trợ, chăm sóc gia đình, sản xuất tại nhà, gần nhà, không tham gia lãnh đạo cộng đồng…).

Chính ảnh hưởng của quan niệm đó mà hiện nay, phụ nữ nông thôn Việt Nam nói chung, phụ nữ đồng bằng sông Hồng nói riêng chủ yếu chỉ quen với công việc đồng áng, nội trợ; những công việc đơn giản, thủ công, thu nhập thấp.

Phụ nữ đồng bằng sông Hồng đảm nhận: 82,14% công việc giặt giũ; 65,71% công việc quét dọn, nấu ăn; 69,28% công việc làm cỏ; 55,71% việc gieo trồng. Do đó, đóng góp kinh tế của họ trong gia đình được lượng hoá bằng tài sản không nhiều, dẫn đến người phụ nữ hầu như không có quyền về tài sản nhưng phải gánh vác nhiều nghĩa vụ trong gia đình. Mặt khác, mặc dù pháp luật dân sự của Việt Nam hiện nay đã quy định về quyền bình đẳng nam nữ trên lĩnh vực tài sản, nhưng do ảnh hưởng nặng nề của phong tục tập quán truyền thống của người Kinh, phụ nữ hầu như không có quyền sở hữu tài sản, mọi tài sản thuộc về người chồng.

Tập tục truyền thống không thừa nhận quyền thừa kế tài sản của con gái và hiện tại, tập tục này vẫn còn tác động đến tâm lý, thói quen và cách suy nghĩ, hành xử của một bộ phận nhân dân. Nhiều gia đình ở nông thôn thường không quan tâm đến hàng thừa kế là con gái, tài sản, đất đai của gia tộc chỉ chia cho con trai, đặc biệt dành phần ưu tiên cho con trai trưởng để lo phần hương hoả.

Con gái khi đi lấy chồng không được bố mẹ đẻ cho sử dụng đất nông nghiệp cũ và cũng không được gia đình nhà chồng cho đất mới. Điều đặc biệt là, do ảnh hưởng của tập tục cũ, mặc dù biết điều đó là bất công, không phù hợp với pháp luật, nhưng rất ít phụ nữ dám đứng lên đòi hỏi quyền bình đẳng của mình. Vì thế, các tài sản lớn trong gia đình như đất đai, nhà cửa, xe máy, đất nông nghiệp đều đứng tên người chồng và người chồng là chủ hộ.

Ở nông thôn, khoảng gần 80% chủ hộ là nam giới, do đó trên thực tế, phần lớn nam giới là người đứng tên chủ sở hữu nhà, đất. Hơn nữa đa số trường hợp nhà ở và đất ở là tài sản kế thừa do cha mẹ chia cho con trai khi họ lập gia đình.

Nam giới là chủ hộ, trong khi các chủ trương chính sách của Nhà nước khi tác động đến hộ gia đình nông thôn lại lấy chủ hộ làm chủ thể, vì thế, người đứng tên chủ sở hữu đất đai là chủ hộ, người đứng tên chủ tài sản cũng là chủ hộ. Khi thế chấp tài sản hay đất đai để vay vốn, cũng phải do chủ hộ quyết định. Và khi có các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nông nghiệp thì tất nhiên người tham gia phải là chủ hộ, người đại diện cho hộ gia đình, và trong đa số trường hợp là nam giới.

Theo số liệu khảo sát, hiện ở đồng bằng sông Hồng, phụ nữ đứng tên vay vốn ngân hàng chỉ có 27,85%; đứng tên sổ đỏ là 14,28%; 8,6% là chủ hộ; quyết định mua sắm những tài sản lớn, có giá trị trong gia đình như ti vi, xe máy,… là 5,0%.

Trong xã hội, chỉ có 10% số người quan niệm người vợ có vai trò đóng góp nhiều hơn về kinh tế cho gia đình(5). Điều này đã dẫn đến hậu quả là nhiều phụ nữ khi ly hôn, buộc phải ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng.

Như vậy, các phong tục, tập quán, quan niệm phong kiến, lạc hậu là một tác nhân quan trọng tạo rào cản đối với người phụ nữ trong việc tiếp cận và hưởng thụ các quyền về kinh tế; đưa người phụ nữ nông thôn vào vị thế phụ thuộc vào người chồng về kinh tế. Từ phụ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến phụ thuộc mọi mặt vào người chồng trong cuộc sống gia đình.

Thứ ba, trên lĩnh vực văn hoá và xã hội

Với quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, con trai có quyền và được ưu tiên quyền được đi học, còn con gái phải ở nhà học mẹ công việc nội trợ, bếp núc để quán xuyến gia đình khi lập gia thất. Hậu quả của quan niệm này là gây bất bình đẳng giới trên lĩnh vực văn hoá, xã hội. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là phụ nữ gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận quyền và hưởng thụ các quyền về văn hoá, xã hội.

Hiện nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng do nhiều yếu tố, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới trên lĩnh vực văn hoá giáo dục.

Trong gia đình, nếu phải lựa chọn việc cho con trai hay con gái tiếp tục theo học các bậc hệ cao hơn thì con trai bao giờ cũng được ưu tiên hơn. Đó là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao ở nông thôn, đa số phụ nữ chỉ học hết cấp I và cấp II. Tỷ lệ phụ nữ mù chữ, trẻ em gái bỏ học giữa chừng luôn nhiều hơn nam giới. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình năm học 2007 - 2008, tỷ lệ học sinh nữ trong các cấp học là: bậc Mầm non: 49,6%; bậc Tiểu học: 48,2%; bậc Trung học cơ sở: 48,7%.

Đặc biệt, quyền được đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động nữ nông thôn hiện đang gặp nhiều thách thức.

Tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" dẫn đến số phụ nữ có trình độ học vấn cao rất ít, lại không được tạo điều kiện để tiếp cận các khoá tập huấn đào tạo kỹ thuật canh tác, sản xuất mới nên tay nghề và kỹ thuật cho lực lượng lao động nữ vẫn còn ở mức thấp. Sự chênh lệch giữa nam giới và phụ nữ trong lĩnh vực này là điều đáng quan tâm. Tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 13 trở lên được đào tạo tay nghề kỹ thuật trên toàn quốc chỉ chiếm khoảng 6% và so với nam giới là 9%. Phụ nữ ở độ tuổi 22-25 có cơ hội tiếp cận tới đào tạo nghề thấp hơn đáng kể so với nam giới ở cùng độ tuổi (24% nữ nông thôn so với 30% nam nông thôn)”(6).

Một trong những hạn chế về giáo dục đối với phụ nữ phải kể đến các định kiến về việc thường xuyên xây dựng hình ảnh nam giới và phụ nữ với vai trò, nghề nghiệp theo quan điểm truyền thống như phụ nữ thường là giáo viên, bác sỹ, nội trợ...; nam giới thường là giám đốc, kỹ sư, phi công.... Cách xây dựng hình ảnh như vậy rất ảnh hưởng đến định hướng lựa chọn ngành nghề trong tương lai, và, sự tách biệt giới trên thị trường lao động là tất yếu.

Trong các ngành đào tạo, đại đa số phụ nữ theo học ở các ngành sư phạm và khoa học xã hội, trong khi đó, nam giới lại chiếm số đông trong các ngành kỹ thuật. Sự cách biệt này là nguyên nhân làm hạn chế khả năng và cơ hội của phụ nữ tham gia vào thị trường lao động đang thay đổi trong điều kiện đất nước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công nghệ(7).

Quan niệm về người chồng là trụ cột trong gia đình đã gây áp lực cho nam giới phải cố gắng phấn đấu để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao, trong khi phụ nữ dễ bị tư tưởng cầu an, chỉ tìm kiếm các công việc nhẹ nhàng, thu nhập thấp để dành thời gian chăm sóc chồng con, dẫn đến sự tự nguyện bị lệ thuộc chi phối bởi đức ông chồng về mọi mặt.

Áp lực của định kiến xã hội còn cản trở phụ nữ cầu tiến bộ. Vì hầu như những người phụ nữ có chí tiến thủ, phấn đấu vươn lên trong công tác, học tập, khẳng định được vị thế bình đẳng, đôi khi vượt trội trong gia đình về thu nhập kinh tế và địa vị xã hội thường bị đánh giá là người phụ nữ có nhiều “tham vọng, hãnh tiến”, và gia đình đó bị coi là “âm thịnh, dương suy”!

Phong tục, tập quán thể hiện bản sắc văn hoá riêng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, cần phải phát huy những nét đẹp của văn hoá truyền thống, bên cạnh đó cần phải kiên quyết loại bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, là rào cản cho sự tiếp cận và hưởng thụ quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá để góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

Bình đẳng giới không phải là làm dùm, càng không phải là tạo chỗ dựa cho phụ nữ, mà là tạo cơ hội, tạo điều kiện cho họ phát huy được năng lực bản thân, giúp họ đứng vững trên đôi chân của mình để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu được xác định trong Tuyên bố Thiên niên kỷ; bất bình đẳng chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển đất nước và cản trở việc hoàn thành mục tiêu của các chương trình xây dựng đất nước. Cho nên, cần phải có quyết tâm và sự đồng thuận của toàn xã hội, trong đó có quyết tâm của phụ nữ để xóa bỏ dần những phong tục, tập quán, các định kiến xã hội tiêu cực về giới, tăng cường hoạt động có hiệu quả của Hội phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, của các cấp, ban ngành, địa phương tạo cơ chế phối kết hợp đa ngành hữu hiệu để quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi mặt dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá được hiện thực hoá trong cuộc sống./


(1) Trần Từ - Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ ở Bắc Bộ - Nxb, KHXH, 1984, tr. 46-60, 106-128.

(2) Bùi Xuân Đính - "Lệ tục làng Việt và ảnh hưởng của nó đến việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em", Kỷ yếu Hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người năm 2001 về “Tập tục truyền thống với việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền trẻ em ở Việt Nam”, H, 2001, trang. 53-60.

(3) Báo cáo số 05/BC- VSTBPN ngày 05/02/2008 của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Ninh Bình về Kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2007, phương hướng, nhiệm vụ năm 2008, tr. 4.

(4) Báo cáo kết quả điều tra khảo sát tháng 9-2008 của Ban chủ nhiệm đề tài “Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong việc thực hiện bình đẳng giới ở đồng bằng sông Hồng”, tr. 2,4.

(5) Báo cáo kết quả điều tra khảo sát tháng 9-2008 của Ban chủ nhiệm đề tài “Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong việc thực hiện bình đẳng giới ở đồng bằng sông Hồng”, tr. 1-3.

(6) Đỗ Thị Bích Loan, Những vấn đề giới trong giáo dục ở Việt Nam , http://www.unescobkk.org/fileadmin/user_upload/appeal/gender/Viet Nam.doc).

(7) Báo cáo CEDAW lần 5,6 của các tổ chức NGO Việt Nam

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

MÔ HÌNH GIÁM SÁT CHÍNH QUYỀN BẰNG TƯ PHÁP Ở MỸ

ĐẶNG MINH TUẤN

Trong Nhà nước pháp quyền, điều đặc biệt quan trọng là phải tìm ra các biện pháp để giới hạn quyền lực Nhà nước nhằm chống lại sự lạm quyền hay lộng quyền của Nhà nước mà xâm phạm đến các quyền con người.

Có nhiều cách thức kiểm soát và giới hạn chính quyền, và trong số đó cách thức kiểm soát chính quyền bằng tư pháp có nhiều ưu thế, được thiết lập và áp dụng phổ biến trên thế giới. Cách thức kiểm soát chính quyền cơ bản của tư pháp là giám sát tư pháp (Judicial Review)(1). Có nhiều mô hình giám sát tư pháp, trong đó có mô hình giám sát tư pháp bằng hệ thống Tòa án thường, có mô hình được đặc trưng bởi một cơ quan chuyên biệt (Tòa hiến pháp, hội đồng bảo hiến) thực hiện chức năng giám sát tư pháp và có cả mô hình áp dụng phối kết hợp những đặc điểm của mô hình trên.

Mô hình giám sát tư pháp ở Mỹ đặc trưng cho mô hình giám sát bởi hệ thống Tòa án thường và được gọi là mô hình giám sát phi tập trung (Diffuse system)(2). Do mô hình này lần đầu tiên được thiết lập ở Mỹ, do đó nhiều người gọi đây là mô hình Mỹ (the American system).

I. Quyền giám sát tư pháp và quyền tối cao tư pháp

Khi Alex đến nước Mỹ và nghiên cứu về hệ thống chính trị của Mỹ cách đây hơn 150 năm, ông ta đã có nhận xét rằng cách thức mà người Mỹ lập ra hệ thống quyền lực tư pháp là chỉ có riêng ở Mỹ. Khi đề cập đến quyền lực của các Tòa án, ông cho rằng thẩm quyền quan trọng nhất của quốc gia là quyền giám sát tư pháp (Judicial Review)(3).

Người Mỹ đã trao cho các Tòa án quyền được ra các quyết định của mình dựa trên cơ sở không chỉ Luật mà điều quan trọng hơn, đó là Hiến pháp. Hơn thế nữa, họ có quyền không áp dụng những luật được coi là vi hiến. Nếu một người nào đó khiếu kiện lên một Tòa án của Mỹ về tính vi hiến của một đạo luật, và thẩm phán xem xét và chứng minh được tính vi hiến của đạo luật đó thì thẩm phán đó có quyền từ chối áp dụng đạo luật đó. Alex nhấn mạnh rằng quyền lực đặc biệt đó được trao riêng cho một thẩm phán của Nước Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay, quyền giám sát tư pháp được trao cho tất cả các thẩm phán của tất cả các nước theo hệ thống phi tập trung ở trên thế giới.

Ở Mỹ, tất cả các tòa án có quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật khi trong một vụ việc, họ phải áp dụng các đạo luật đó và các Tòa án có quyền từ chối áp dụng những đạo luật đó khi thấy chúng không phù hợp với Hiến pháp. Thẩm quyển trên của Tòa án thực chất không được quy định trong Hiến pháp. Quyền giám sát tư pháp được hình thành và thiết lập trong vụ án của Tòa án tối cao: Marbury chống Madison (1803). Vụ việc đó đưa ra hai kết luận quan trọng:

- Thứ nhất, đạo luật cơ bản Hiến pháp có giá trị tối cao, do đó tất cả các đạo luật khác phải tuân thủ Hiến pháp.

- Thứ hai, các Tòa án có quyền và nghĩa vụ giải thích các đạo luật và không áp dụng các đạo luật không phù hợp với Hiến pháp.

Thẩm quyền giám sát tư pháp của các Tòa án Mỹ được miêu tả một cách chi tiết bởi Tòa án tối cao trong vụ United States chống Butler (1963) như sau: Hiến pháp là một đạo luật tối cao của đất nước, do nhân dân thông qua. Tất cả các đạo luật phải tuân thủ những nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp. Khi một đạo luật của Quốc hội được đệ ra các Tòa án để xem xét về tính hợp hiến, các Tòa án có một nhiệm vụ và quyền hạn là xem xem những quy định của đạo luật đó có phù hợp với Hiến pháp hay không. Tất cả các Tòa án đều có thẩm quyền này. Các Tòa án có thẩm quyền không đồng ý hoặc nhất trí với bất kỳ chính sách lập pháp nào của Quốc hội. Nhiệm vụ quan trọng và khó khăn này là xem xét xem đạo luật của Quốc hội có phù hợp hay trái với các quy định của Hiến pháp. Các Tòa án sẽ hết nhiệm vụ khi thực hiện xong việc xem xét này(4)

Theo quy định của lý thuyết này, các Tòa án của Mỹ được xem như là những người bảo vệ đặc biệt Hiến pháp của Quốc gia hoặc các Hiến pháp của các Tiểu bang của Nước Mỹ.

Theo hệ thống liên bang, quyền giám sát tư pháp cũng được phân chia thành các cấp khác nhau:

Thứ nhất, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp Quốc gia: là thẩm quyền của tất cả các Tòa án có quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật của Quốc hội dựa theo Hiến pháp Liên bang của Mỹ.

Thứ hai, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp liên bang: Là thẩm quyền và trách nhiệm của tất cả các Tòa án xem xét tính hợp hiến của các Hiến pháp và các đạo luật của tiểu bang dựa trên cơ sở của Hiến pháp Liên bang của Mỹ.

Thứ ba, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp tiểu bang: Là thẩm quyền của tất cả các Tòa án xem xét tính hợp hiến của các đạo luật của tiểu bang dựa trên các Hiến pháp tiểu bang.

Thẩm quyền giám sát tư pháp cấp Quốc gia là thẩm quyền duy nhất không được thiết lập trong Hiến pháp, mà nó được suy diễn ra từ thực tiễn xét xử của Tòa án tối cao. Thẩm quyền giám sát tư pháp cấp liên bang được được thiết lập từ điều khoản về tính tối cao của Hiến pháp. Thẩm quyền giám sát tư pháp cấp tiểu bang thường được quy định tại Hiến pháp của các tiểu bang. Trong phạm vi bài viết này và xuất phát từ tầm quan trọng của nó, chúng tôi chỉ tập trung trình bày về thẩm quyền giám sát tư pháp cấp Quốc gia và vai trò của Tòa án tối cao.

Tuy nhiên một điều cần phải nhất mạnh lại một lần nữa là đối tượng của quyền giám sát tư pháp của Mỹ không chỉ là các đạo luật của Chính quyền Liên bang mà còn là tất cả các đạo luật cấp tiểu bang. Do đó, tất cả các đạo luật của Quốc hội Liên bang, các Hiến pháp và các đạo luật của các tiểu ban, các hoạt động của chính phủ và bộ máy hành pháp và thậm chí là của hệ thống tư pháp đều thuộc thẩm quyền về xem xét tính hợp hiến của Tòa án. Mặc dù chưa một hiệp ước nào từng được đệ trình để xem xét về tính hợp hiến, song trong vụ Missouri chống Holtand(5) (1920), Tòa án tối cao đã kết luận rằng tính hợp hiến của các hiệp ước và các đạo luật dựa trên các hiệp ước này có thể thuộc phạm vi xem xét theo thủ tục giám sát tư pháp.

II – Đặc điểm của mô hình giám sát tư pháp phi tập trung của Mỹ

1. Giám sát tư pháp là thẩm quyền của tất cả các Tòa án

Ở Mỹ, không có một cơ quan tư pháp độc lập nào thực hiện chức năng xem xét tính hợp hiến của các đạo luật, mà thẩm quyền này được trao cho tất cả các Tòa án, từ Tòa án của các tiểu bang, Tòa án của Liên bang cho đến Tòa án tối cao, và không có một giới hạn đặc biệt về thẩm quyền giám sát tư pháp về các Tòa án này. Các Tòa án sẽ xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật khi nó được đưa ra trong một vụ việc cụ thể và các Tòa án nhất thiết phải có quyết định về vụ việc đó.

Các Tòa án ở Mỹ được thiết lập theo mô hình kim tự tháp, bao gồm cả Tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Thẩm quyền sơ thẩm chung trong hệ thống Liên bang Mỹ được trao cho các Tòa án tỉnh (District courts) - các Tòa án có thẩm quyền xét xử các trong các vùng lãnh thổ trên Toàn nước Mỹ. Hệ thống Tòa án tỉnh là hệ thống Tòa án rất lớn, có thẩm quyền xét xử rất nhiều loại tranh chấp: các vụ dân sự và hình sự được điều chỉnh bởi các đạo luật Liên bang, tranh chấp giữa các công dân ở các tiểu bang khác nhau, các vụ việc mà Nước Mỹ là một bên nguyên đơn hoặc bị đơn, các thủ tục bắt, các vụ việc liên quan đến các quyền dân sự Liên bang bị các công chức tiểu bang vi phạm. Trong các lĩnh vực trên, các vấn đề hiến định có thể được nêu ra đế xem xét.

Trên Tòa án tỉnh là các Tòa phúc thẩm (courts of appeal). Các Tòa án tỉnh liên bang được tổ chức vào các đơn vị tư pháp rộng lớn hơn - các vùng (circuits), và trong mỗi vùng có một Tòa án phúc thẩm. Những Tòa án phúc thẩm không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm mà chỉ có thẩm quyền duy nhất là phúc thẩm các quyết định cuối cùng của các Tòa án tỉnh được đệ trình lên theo thủ tục phúc thẩm. Thẩm quyền của Tòa án phúc thẩm là rất quan trọng, bởi vì hệ thống Tòa án này phúc thẩm hầu hết các vụ việc của Tòa án cấp tỉnh, và có những vụ việc đặc biệt quan trọng mới được Tòa án tốt cao lấy lên để xem xét.

Một điều quan trọng cần phải nhấn mạnh là rất nhiều đạo luật trao cho các Tòa án phúc này thẩm xem xét các quyết định của các cơ quan hành chính liên bang, như cơ quan về các quan hệ lao động Quốc gia (the National Labour Relions Board), Hội đồng Quyền lực Liên bang (Federal Power Commission), và tất nhiên, trong đó các Tòa án phúc thẩm này có cả thẩm quyền xem xét về tình hợp hiến của các đạo luật.

Loại Tòa án thứ ba là các Tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm độc lập đối với các Tòa án tỉnh và Tòa án khu vực, như các Tòa phúc thẩm về các tập quán và sáng chế (the Court of Customs and Patent Appeals), Tòa phúc thẩm quân sự (the Court of Military Appeals) và Tòa Khiếu kiện (the Court of Claims).

Đứng ở vị trí tối cao là Tòa án tối cao Mỹ. Tòa án tối cao có thẩm quyền xét xử cả sơ thẩm và phúc thẩm. Thẩm quyền của Tòa án tối cao được quy định trong Hiến pháp, và do đó Quốc hội không thể sửa đổi. Các vụ án sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án tối cao bao gồm: các vụ việc liên quan đến các đại sứ, các bộ trưởng và lãnh sự khác, những vụ việc mà Tiểu bang là một bên.

Thẩm quyền của Tòa án tối cao đối với các vụ án sơ thẩm là rất hạn chế, do đó nó tập trung các hoạt động của mình vào việc giải thích Hiến pháp, các đạo luật và các hiệp ước của Hợp chủng Quốc, và thẩm quyền này được sử dụng trong việc xét xử phúc thẩm với tính cách là thủ tục xét xử sau cùng. Trong việc xem xét tính hợp hiến, Tòa án Tối cao là cơ quan xét xử quan trọng nhất ở Mỹ Quốc với thẩm quyền xét xử phúc thẩm rộng lớn do Quốc hội quy định để đảm bảo việc giải thích cuối cùng, hợp pháp, và thống nhất Hiến pháp, các đạo luật và các Hiệp ước của nước này.

Do đó, Tòa án tối cao có thẩm quyền xem xét lại các quyết định của Các Tòa án phúc thẩm - Tòa án có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của các Tòa án tỉnh. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm của Tòa án Tối cao có thể được mở rộng đối vớt tất cả các vụ việc sơ thẩm trong hệ thống Tòa án Liên bang. Thêm vào đó, Tòa án tối cao có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của các Tòa án tối cao của các tiểu bang về tất cả các vụ việc liên quan đến pháp luật của Liên bang. Và cuối cùng, Tòa án tối cao cũng có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của các Tòa án đặc biệt.

Ngoài thẩm quyền xét xử phúc thẩm trên, Tòa án Tối cao còn có thể phúc thẩm các quyết định của các Tòa án tỉnh Liên bang được trực tiếp đưa lên theo thủ tục phúc thẩm. Trong vấn đề xem xét tính hợp hiến, Tòa án tối cao có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của bất kỳ Tòa án Liên bang nào, bao gồm cả các Tòa án tỉnh Liên bang. Trong những thẩm quyền đó, Tòa án tối cao đều có thẩm quyền xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật của Quốc hội Liên bang cũng như Hiến pháp và các đạo luật tiểu bang.

Như vậy, tất cả các Tòa án ở Mỹ đều có thẩm quyền xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật. Việc xem xét này được thực hiện thông qua một vụ việc cụ thể, có thể là sơ thẩm hoặc cũng có thể là phúc thẩm.

2. Thẩm quyền bắt buộc hoặc tự nguyện của Tòa án tối cao

Có rất nhiều vụ việc được đưa lên Tòa án tối cao để được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm, do đó điều thật sự cần thiết là phải giới hạn phạm vi xét xử phúc thẩm của Tòa án tối cao. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm có thể là bắt buộc hoặc là một quyền tự quyết (tự nguyện) của Tòa án tối cao. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm bắt buộc của Tòa án tối cao có nghĩa là Tòa án tối cao bắt buộc phải thực hiện việc xét xử nếu hội đủ những điều kiện Luật định. Ngược tại, đối với các vụ việc khác, Tòa án Tối cao có thể phúc thẩm hoặc không là theo ý của Tòa. Tòa án Tối cao có nghĩa vụ bắt buộc thực hiện việc xét xử phúc thẩm khi quyền phúc thẩm được trao cho một bên đưa một vụ việc lên trước Tòa án tối cao. Những vụ việc này được giới hạn đối với những vấn đề hiến định, theo quy định của Luật và thực tiễn xét xử của Tòa án tối cao. Trong tất cả các vụ việc khác, dù đó có phải là những vấn đề hiến định hay không thì Tòa án tối cao có quyền phúc thẩm hoặc không. Trong các vụ việc này, các bên không có quyền phúc thẩm mà nó được thực hiện thông qua quyển kiến nghị xét lại vụ án (petitions for certiorari). Những vụ việc thuộc phạm vi được giới hạn cũng được giới hạn bởi Luật pháp và thực tiễn xét xử của Tòa án Tối cao.

3. Quyền giám sát tư pháp gắn về việc giải quyết một vụ việc

Quyền giám sát tư pháp, dù là được thực hiện bởi các Tòa án cấp thấp cho đến Tòa án tối cao thì đều phải được thực hiện trong bối cảnh của một vụ kiện tụng cụ thể khi mà vấn đề hợp hiến trở nên có liên quan và cần thiết được giải quyết trong quyết của vụ án đó. Không có một điều kiện đặc biệt nào cho thủ tục này của các Tòa án. Như một tác giả khi nghiên cừu về quyền giám sát tư pháp đã chỉ ra rằng: Vấn đề hợp hiến được nêu ra khi nó liên quan đến vụ việc và do một bên trong vụ việc đưa ra để đòi quyền lợi trong vụ việc đó. Điều này được thực hiện không phụ thuộc vào bản chất của vụ việc là gì. Việc xem xét tính hợp hiến có thể được nêu ra trong vụ việc dân sự giữa các bên khi các yêu cầu về bồi thường thiệt hại hoặc một yêu cầu nào khác được đưa ra, trong một vụ việc hình sự, một bên chống lại các cơ quan công quyền hoặc các cá nhân khác để hạn chế sự áp dụng của một đạo luật hoặc một quy tắc hoặc một hành vi hành chính(6)...

Đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống không tập trung của Mỹ là quyền giám sát tư pháp chỉ được thực hiện thông qua các vụ việc và tranh chấp cụ thể. Quyền giám sát tư pháp trừu tượng (abtract judicial review)(7) không được thực hiện ở Mỹ. Trong vụ việc Frothingham chống Mellon (1923), thẩm phán Sutherland đã kết luận rằng: Chúng ta không có thẩm quyền xem xét và sửa đổi các đạo luật của Quốc hội với lý do chúng không phù hợp với Hiến pháp. Vấn đề này chỉ được nêu ra khi có việc bào chữa liên quan đến sự vi phạm quyền lợi dựa được đưa ra để chống lại một đạo luật. Do đó, thẩm quyền xem xét tính hợp hiến chính là thẩm quyển xác định và tuyên bố đạo luật đó có hiệu lực đối với những kiến nghị đó(8)

Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp khi không có sự yêu cầu của các bên liên quan đến việc xem xét tính hợp hiến của một đạo luật thì khả năng xem xét tính hợp hiến vẫn có thể được thực hiện thông qua một phán quyết giải thích của Tòa án (a declaratory judgement). Đạo luật về phán quyết giải thích Liên bang (Federal Declaratory Judgement Act) năm 1934 đã chấp nhận việc các Tòa án liên bang có thẩm quyền tuyên bố cho các bên các quyền của họ trong một vụ việc cho dù việc bồi thường hoặc một yêu cầu nào khác của các bên không được đưa ra. Những phán quyết giải thích này không chỉ đơn thuần là các ý kiến tư vấn, mà nó được chấp nhận như là một thủ tục giữa các bên để đòi các quyền chính đáng của mình. Do đó, các phán quyết giải thích được coi là các vụ việc, và có thể được sử dụng để có được một phán quyết tư pháp đối với các vấn đề hiến định. Tuy nhiên, việc xem xét tính hợp hiến vẫn phải được đưa ra bởi một bên trong vụ kiện và việc giải quyết nó là cần thiết và không thể thiếu được để giải quyết vụ việc đó.

4. Quyền giám sát tư pháp và lợi ích cá nhân

Như trên đã phân tích, quyền giám sát tư pháp chỉ được thực hiện trong một vụ việc cụ thể. Tuy nhiên thế là chưa đủ, vì Tòa án Tối cao đã thiết lập một nguyên tắc rằng vấn đề hợp hiến chỉ được đưa ra bởi một bên trong vụ việc cụ thể nếu vấn đề đó liên quan đến quyền lợi cá nhân. Bên đưa ra vấn đề hợp hiến phải chỉ ra không những đạo luật đó trái với Hiến pháp, mà còn chỉ ra rằng anh ta (cô ta) bị xâm phạm ngay lập tức và trực tiếp nếu đạo luật đó được thực hiện, chứ không phải đi chứng minh một cách không có giới hạn về thiệt hại giống như đối với tất cả mọi người khác. Liên quan đến vấn đề này, trong việc xem xét quyết định của Quốc hội về vấn đề thuế má, Chánh án Burger trong vụ United States chống Richardson (1974)(9) đã đề cập một nguyên tắc rằng để yêu cầu xem xét tính hợp hiến, nguyên đơn phải có "một khoản tiền cá nhân"... hoặc bị một "sự vi phạm cụ thể"... tóm lại, cái gì đó không phải là "sự khiếu kiện chung chung". Điều này có nghĩa rằng, quyền giám sát tư pháp không chỉ được thực hiện trong một vụ việc cụ thể mà nó còn phải liên quan trực tiếp với quyền và lợi ích của bên đề nghị vấn đề hợp hiến bị ảnh hưởng do đạo luật đó gây ra. Trong trường hợp Tòa án tối cao cho phép các cá nhân, tổ chức hoặc các cơ quan công quyền, mà không phải là các bên của vụ việc quyền đệ đơn ra Tòa về vụ việc đó, thì họ cũng phải có những quyền lợi đặc biệt trong vụ việc đó và hoặc có sự thảo thuận của các bên.

Quy định này của Tòa án tối cao được giải thích rằng nếu không có những sự giới hạn này thì điều đó có nghĩa là các Tòa án sẽ thực hiện quyền giám sát tư pháp trừu tượng với phạm vi rất rộng, vì khi đó các tổ chức chính quyền hoặc các cơ quan tư pháp sẽ có thẩm quyền đề nghị xem xét về tính hợp hiến đối với các đạo luật với lý do là chúng ảnh hưởng đến những lợi ích nào đó, chứ không phải là lợi ích của các bên trong vụ việc.

Các bên không chỉ phải đưa ra vấn đề xem xét tính hợp hiến mà còn phải chứng minh về sự bất hợp hiến của các đạo luật đó. Tòa án Tối cao trong trường hợp này thì lại thừa nhận sự hợp hiến và có giá trị của các đạo luật do Quốc hội thông qua, trừ khi điều ngược lại được chứng minh một cách rõ ràng. Điều đó có nghĩa rằng, nếu một bên trong vụ việc muốn đưa ra vấn đề xem xét về tính hợp hiến của một đạo luật thì người đó vừa phải có những lợi ích liên quan đến việc áp dụng đạo luật đó, vừa phải chứng minh sự vi hiến của các đạo luật đó.

5. Căn cứ và điều kiện tiên quyết của sự bất hợp hiến

Tòa án Tối cao xác lập một nguyên tắc tiếp theo của việc xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật là Tòa án tuyên bố một đạo luật là vi hiến chỉ khi sự bất hợp hiến của đạo luật đó được chứng minh là rõ ràng và không thể phủ nhận được. Trong phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ Fletcher chống lại Peck (1910), Chánh án Marshall đã chỉ ra rằng, sự trái ngược của Hiến pháp và một đạo luật phải được xem xét trong điều kiện thẩm phán cảm thấy sự trái ngược đó một cách rõ ràng và mạnh mẽ.

Ngoài ra, Tòa án Tối cao còn cho rằng sự bất hợp hiến của một đạo luật chỉ được xem xét bởi Tòa án khi quyết định của Tòa án về tính hợp hiến hoặc bất hợp hiến của một đạo luật của Quốc hội là "hoàn toàn cần thiết đối với quyết định của vụ án đó”(10). Điều đó dẫn đến một hệ quả là các Tòa án có thể không xem xét về tính hợp hiến khi quyết định đó không thực sự cần thiết làm thay đổi các quyền và lợi ích của các bên. Vì thế, vấn đề xem xét tính hợp hiến sẽ không được đưa ra khi có cách khác làm thoả mãn yêu cầu của một bên mà không phải xem xét về tính hợp hiến. Nguyên tắc này được Chánh án Marshall đưa ra trong vụ Ex parte Randolph (1833): Nếu vấn đề xem xét về tính hợp hiến của một đạo luật trở nên cần thiết và không thể thiếu được thì Tòa án phải đáp ứng và quyết định. Nhưng nếu vụ việc có thể được xác định theo một chiều hướng khác nếu điều đó là không cần thiết.

Nguyên tắc này đã được Tòa án Tối cao tiếp tục phát triển: Tòa án giải thích các đạo luật, nếu có thể, theo hướng hạn chế xem xét tính hợp hiến của các đạo luật. Đó chính là yêu cầu của Tòa án trong việc xem xét tính hợp hiến các đạo luật của Quốc hội.

6. Những trường hợp ngoại lệ liên quan đến các vấn đề chính trị

Ngoài những điều kiện như trên đã phân tích, Tòa án khi xem xét tính hợp hiến của một đạo luật còn cần phải xét đến các vấn đề chính trị (political questions), đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc phân quyền và "mối quan hệ giữa tư pháp và các nhánh quyền lực khác của Chính quyền liên bang".

Những vấn đề chính trị là những vấn đề về ngoại giao. Trong vụ Ware chống Hylton (1796), Tòa án tối cao chỉ ra "việc quyết định chính sách, các công việc trọng đại không thuộc thẩm quyền xem xét và quyết định của một Tòa án. Thẩm phán Jackson trong vụ Chicago và Southern Air Lines chống lại Waterman đã phán quyết: Các quyết định liên quan đến các quan hệ đối ngoại được giới hạn bởi Hiến pháp được thực hiện bởi các cơ quan chính trị thuộc Chính phủ. Chúng là những quyết định mà cơ quan tư pháp không có quyền cũng như trách nhiệm xem xét và chúng không thuộc đối tượng xem xét của nhánh tư pháp"(11)

Tòa án tối cao cũng chỉ ra một số vấn đề nhất định thuộc về công việc đối nội của Chính phủ, như việc quyết định một tiểu bang có hình thức chính thể mang những đặc trưng của nền cộng hoà hay không, là những vấn đề chính trị, và do đó chúng cũng không thuộc thẩm quyền xem xét của Tòa án. Mặc dù Tòa án tối không xem xét các vấn đề chính trị, Tòa án Tối cao lại có thẩm quyền xem xét một vấn đề có phải là một vấn đề chính trị hay không. "Xem xét một vấn đề nào đó có được Hiến pháp uỷ quyền cho một nhánh quyền hành pháp hay không, hoặc một hành vi của nhánh hành pháp đó có vượt quá thẩm quyền cho phép hay không, là thẩm quyền của Tòa án trong việc giải thích Hiến pháp, và đó là trách nhiệm của Tòa án với tính cách là cơ quan giải thích Hiến pháp cuối cùng"(12)

7. Hiệu lực của các quyết định của Tòa án tuyên bố một đạo luật là vi hiến.

- Hiệu lực với các bên và nguyên tắc án lệ:

Về nguyên tắc, một phán quyết của Tòa án liên quan đến vấn đề hợp hiến chỉ có giá trị áp dụng đối với các bên tham gia vụ việc đó. Do đó, quyết định của Tòa án không có giá trị phổ biến. Tòa án không tuyên bố một đạo luật là vi hiến hoặc bãi bỏ đạo luật đó, vì chỉ có các cơ quan lập pháp mới được trao thẩm quyền sửa đổi hay bãi bỏ đạo luật mà nó thông qua. Do đó, một đạo luật hoặc một quy định của một đạo luật mà Tòa án tuyên bố là vi phạm hiến pháp về hình thức vẫn có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc án lệ, khi Tòa án tối cao tuyên bố một đạo luật là vi hiến thì phán quyết này của Tòa án tối cao sẽ có giá trị đối với các vụ án tương tự sau này của các Tòa án cấp dưới. Do đó, trên thực tế, có thể coi đạo luật đó là không còn có giá trị áp dụng nữa, vì các Tòa án khác sẽ không áp dụng đạo luật đó trong các vụ tương tự.

Phán quyết của Tòa án tối cao có giá trị đối với Toàn bộ các vụ việc tương tự sau này. Nguyên tắc này đã được giải thích trong vụ Cooper chống Aaron (1958). Trong vụ án này, Tòa án tối cao đã áp dụng theo một án lệ đã được thiết lập trước đó trong cụ Brown chống Phòng Giáo dục Topeka (1954). Nguyên tắc án lệ trong các quyết định của Tòa án tối cao làm cơ sở cho việc giải thích Hiến pháp thống nhất của Tòa án để tránh việc chồng tréo trong các quyết định của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc nói chung và các vấn đề liên quan đế hiến pháp nói riêng.

Tuy nhiên, một điều đặc biệt phải chú ý là nguyên tắc án lệ ở không được áp dụng triệt để như trong hệ thống pháp luật của Anh, đặc biệt khi vụ việc đó lại do Tòa án tối cao giải quyết(13). Trong vụ Burnet chống Công ty dầu và khí đốt Coronado, Tòa án tuyên bố: "Nguyên tắc án lệ là một chính sách đúng đắn, vì trong hầu hết các vụ việc thì điều quan trọng nhất là áp dụng những nguyên tắc pháp chế đã được thiết lập chứ không phải là vì nó được quyết định đúng đắn... Nhưng trong các vụ việc liên quan đến Hiến pháp Liên bang, khi mà các sửa đổi trong lĩnh vực lập pháp là không khả thi, Tòa án thường không áp dụng theo như án lệ của các Tòa án trước đó. Tòa án sẽ từ chối áp dụng để giành cho các phán quyết hợp lý hơn bằng việc lý giải rằng qúa trình xét xử oan sai, cũng như các khoa học tự nhiên khác, cũng có trong bản thân hoạt động tư pháp"(14)

Thực tế đã chỉ ra rằng trong nhiều năm qua, một trong những đặc điểm của Tòa án tối cao là Tòa án tối cao thường xuyên không tuân thủ những án lệ trước đó do những người tiền nhiệm ban hành liên quan đến vấn đề xem xét tính hợp hiến(15). Việc làm này còn được giải thích bởi Chánh án Reed trong vụ Smith chống Allwright (1944): "Khi đưa ra các quyết định, chúng tôi không đề cao đến sự thống nhất của các quyết định xem xét tính hợp hiến. Khi bị thuyết phục bởi các sai lầm trước đó, Tòa án không bao giở cảm thấy bị bắt buộc phải tuân theo án lệ. Trong việc xem xét về tính hợp hiến, lịch sử của Tòa án tối cao cho thấy Tòa án có quyền tự do trong việc xem xét cơ sở của các quyết định xem xét tính hợp hiến. Điều này là tập quán đã được chấp nhận từ lâu và tập quán này tồn tại cho tới ngày nay. Điều này càng trở nên đúng đắn khi quyết định trước đó bị cho là không đúng đắn đã được áp dụng chỉ để áp dụng một nguyên tắc hiến pháp chứ không phải là một sự giải thích bản thân nguyên tắc đó của Hiến pháp"(16). Do đó, việc không áp dụng triệt để nguyên tắc án lệ trong việc xem xét tính hợp hiến được lý giải là nhằm mục đích hạn chế những sai lầm trước đó gây ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Tòa án. Trong vụ Linkletter chống Walker (1965), thẩm phán còn lại ra rằng "Chúng ta tin rằng Hiến pháp không cấm cũng không yêu cầu nguyên tắc án lệ.... do đó, để xem giả thuyết đó được chấp nhận theo hướng là chúng ta không bị yêu cầu hay không bị bắt buộc áp dụng nguyên tắc án lệ, chúng ta phải chú ý đến những giá trị và sai lầm trong từng vụ việc bằng việc nhìn vào lịch sử của vấn đề, mục đích và những ảnh hưởng của nó..."(17)

Tóm lại, mặc dù nguyên tắc án lệ được Tòa án Mỹ chấp nhận trong việc xem xét tính hợp hiến, nhưng Tòa án lại có quyền thực hiện nguyên tắc này thể nào và việc thực hiện này là rất khác nhau dựa vào nội dung của quyết định đó. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, một đạo luật bị Tòa án tuyên bố là vi hiến trong hoàn cảnh này, nhưng lại vẫn có giá trị trong hoàn cảnh khác.

- Hiệu lực thực tế của các phán quyết của Tòa án:

Vấn đề xem xét tính hợp hiến chỉ được đặt ra trong một vụ việc cụ thể và bản án đó có giá trị đối với các bên trong vụ việc đó. Tòa án không sửa đổi các đạo luật vi hiến và chúng có giá trị như là án lệ như trên đã phân tích. Bên cạnh đó, có một số cách thức khác để có thể làm cho các đạo luật mất đi hiệu lực thực tế. Có ba trường hợp:

Thứ nhất, sự yêu cầu ban hành một lệnh của Tòa án, một chỉ thị của Tòa án cấp cao hoặc một lệnh đình quyền giam giữ.

Lệnh của Tòa án (the injunction) là lệnh chống lại việc thi hành một đạo luật của một công tố viên hoặc các cơ quan công quyền trong một vụ việc cụ thể. Lệnh này có thể được ban hành trước hoặc sau khi công tố viên hoặc cơ quan công quyền thực hiện đạo luật đó. Khi một cơ quan công quyền hoặc Công tố viên thực hiện một đạo luật và việc thực hiện đạo luật đó làm tổn hại đến các chủ thể khác theo quy định của Hiến pháp, Tòa án có quyền ra Lệnh cấm các chủ thể đó thực thi đạo luật được nhắc tới. Hiệu lực của loại lệnh kiểu này phụ thuộc vào việc cấm này của Tòa án làm cho đạo luật đó vô hiệu về hình thức (its face) hay là do sự áp dụng đạo luật đó trong những hoàn cảnh thực tế đối với cá nhân nêu vấn đề xem xét tính hợp hiến. Trong trường hợp nếu lệnh của Tòa án được ban ra để chống lại việc thực thi một đạo luật xuất phát từ cơ sở rằng đạo luật đó vô hiệu về hình thức xâm phạm đến các quyền hiến pháp, thì lệnh đó của Tòa án có thể đủ để ngăn chặn việc thực thi đạo luật đó đối với bất kể ai khác, do đó Tòa án có thẩm quyền thực tế làm cho một đạo luật không còn có hiệu lực nữa. Trong trường hợp, lệnh này của Tòa án được áp dụng trong một vụ việc cụ thể liên quan đến người nêu vấn đề vi hiến thì lệnh này chỉ có giá trị đối với các bên tham gia vụ việc đó.

Trường hợp thứ hai, chỉ thị của Tòa án (the request for a writ of mandamus). Đây là một loại chỉ thị của Tòa án yêu cầu một công chức thực hiện những đạo luật nhất định liên quan đến người đệ đơn mà công chức đó có nghĩa vụ thực hiện.

Trường hợp cuối cùng là yêu cầu Tòa án ban hành lệnh đình quyền giam giữ (the request for a writ of habeas corpus). Một người nào đó bị bắt giam vì lý do vi phạm một đạo luật hình sự có quyền yêu cầu Tòa án xem xét về tình có hiệu lực của đạo luật đó. Nếu yêu cầu này của người đó được chấp nhận, Tòa án có quyền phóng thích khỏi sự giam giữ.


(1) Khái niệm “Judicial Review" được dùng để chỉ thẩm quyền của Tòa án hoặc một cơ quan chuyên biệt (Tòa Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến) trong việc xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật của Nghị viện cũng như các hoạt động của bộ máy hành pháp, thậm chí một số hoạt động của ngành tư pháp. Do đó, nhiều người dịch khái niệm này là quyền "bảo hiến”, "bảo vệ hiến pháp”. Nhưng nếu khái niệm “judicial Review” được dịch như vậy thi không miêu tả được thẩm quyền giám sát, kiểm tra của một cơ quan tư pháp, để so sánh với quyền giám sát của Nghị viện hoặc quyền kiểm tra, thanh tra của Chính phủ. Do đó, trong bài biệt này, tôi dịch khái niệm này là “Giám sát tư nhân”.

(2) Mô hình này được gọi là mô hình giám sát phi tập trung bởi vì chức năng giám sát tư pháp không thuộc về một cơ quan chuyên biệt nào mà thuộc toàn bộ hệ thống Tòa án thường.

(3) A.Cappelletti, Democracy in Amenca, J. P Mayer và M.Lerner, eds., Lon don, 1968, tr 120 – 124.

(4) United States chống Buaer (1936) 279 US

(5) Missoun chống Holland (1920) 252 US. 346.

(6) Allan R. Brewer – Cari’ás, “Judicial Review in Comparative law”, Cambridge University Press, tr.144.

(7) Quyền giám sát tư pháp trừu tượng là một khái niệm dùng cho hệ thống giám sát tư pháp ở Châu Âu. Theo mô hình này, việc khởi xướng quyền giám sát tư pháp có thể được thực hiện bởi một cơ quan hoặc người có thẩm quyền, thậm trí một cá nhân, công dân trong khi không tồn tại một vụ việc nào liên quan đến vấn đề đó được giải quyết tại Tòa án.

(8) Frothingham chống Mellon (1923) 262, U.S.

(9) United States chống Richardson (1974), 418, US.

(10) Burton chống United States, 196 US.

(11) Vụ Ware chống Hylton (1796) 3 Dallas 199.

(12) Vụ Baker chống Carr, op.cit

(13) Allan R. Brewer-can'as, “Judicial Review in Comparative law”, Cambridge University Press, tr 150.

(14) Vụ Burnet chống Công ty dầu và khí đốt Coronado, 285 US, tr 406

(15) Schwartz. Amencan Constitutional Law Revolution in Retrospect, New York, 1957, tr.345.

(16) Vụ Smith chống Allwright (1944) 321 US. 649.

(17) Vụ Linkletter chống Walker (1965) 381 US. 618.

SOURCE: ĐẶC SAN NGHỀ LUẬT

Trích dẫn từ:

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Mo_hinh_giam_sat_chinh_quyen_o_My/2.viePortal