Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

ĐA DẠNG HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ: NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH

image NGUYỄN MINH PHONG

Việc đa dạng hoá đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước là xu thế tất yếu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển kinh doanh, từ sự xuất hiện cung cầu mới, từ xu hướng phát triển ngành và sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như từ sự gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các đối thủ tiềm năng, buộc các doanh nghiệp phải bám sát thị trường và phải nhạy bén, năng động nắm bắt những thời cơ mới cho phép không ngừng mở rộng quy mô, tạo ra lợi nhuận cao và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

1. Sự cần thiết và tác động hai mặt của đa dạng hóa đầu tư

Trong nền kinh tế hiện đại, đa dạng hoá đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành xu hướng phát triển ngày càng đậm nét của các tập đoàn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), ngoài các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới viễn thông và công nghệ thông tin, còn mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ quảng cáo, kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngoài lĩnh vực hoạt động truyền thống là sản xuất kinh doanh điện năng, viễn thông công cộng và cơ khí điện lực, còn đầu tư mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tài chính - ngân hàng; Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cũng không bó khuôn trong lĩnh vực cao su, mà còn đầu tư vào ngành cơ khí, quản lý khai thác cảng biển, vận tải, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, bất động sản, dịch vụ khách sạn, du lịch nội địa, quốc tế; Tập đoàn Vinashin ngoài lĩnh vực chuyên sâu của mình, cũng đã đầu tư vào dịch vụ vận tải biển, thuỷ điện, tài chính, chế tạo cơ khí...

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2007, tổng số vốn mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng…, lên tới trên 15.000 tỉ đồng, trong đó chỉ tính riêng lĩnh vực chứng khoán là 1.061 tỉ đồng.

Xu hướng đa dạng hoá đầu tư, kể cả vào những lĩnh vực phi truyền thống, của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, được lý giải như sau:

Thứ nhất, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang ngày càng tăng mạnh, nhiều ngành nghề mới được hình thành, nhiều lĩnh vực có tiềm năng chưa được khai thác triệt để, rào cản gia nhập ngành chưa sâu…, mang đến nhiều tiềm năng, cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn và mới cho các doanh nghiệp ở cả thị trường trong nước, và thị trường quốc tế. Cơ hội đó cho phép các doanh nghiệp tham gia và khẳng định mình trong các lĩnh vực đầu tư mới. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề đã phá thế "độc canh" của nhiều tập đoàn, tổng công ty, góp phần tạo đủ việc làm thường xuyên cho hơn 880 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 4,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với năm 2006. Tính đến hết năm 2007, tổng giá trị tài sản của 70 tập đoàn kinh tế đạt hơn 803 nghìn tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2006. Vốn chủ sở hữu là 323 nghìn tỉ đồng, tăng 13%; tổng doanh thu đạt 498 nghìn tỉ đồng, tăng 23%; tổng lợi nhuận 62 nghìn tỉ đồng, tăng 13,5%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 19%; nộp ngân sách nhà nước gần 110 nghìn tỉ đồng. Số vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty là gần 117.000 tỉ đồng. Có 28/70 tổng công ty có những hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… với giá trị hơn 23.300 tỉ đồng.

Thứ hai, sau khi thực hiện cổ phần hoá và sắp xếp lại, các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn mới trong việc khẳng định thương hiệu, nên phải không ngừng mở rộng quy mô, đa dạng hoá hoạt động, sản phẩm, khai thác đối tác và thị trường có triển vọng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của mình.

Thứ ba, trong bối cảnh thị trường thay đổi rất nhanh, việc kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực là một trong những chiến lược, định hướng lâu dài cho bất kỳ một doanh nghiệp nào, kể cả những doanh nghiệp lớn chuyên sâu trong lĩnh vực truyền thống, vì chúng cho phép doanh nghiệp năng động nắm bắt và thực hiện những hoạt động mới, giúp doanh nghiệp phát huy các nguồn lực bên trong, huy động nguồn lực bên ngoài, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp theo kiểu “không bỏ hết trứng vào một giỏ”, góp phần phát triển thị trường, tạo thế, tạo đà phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Có thể nói, việc đa dạng hoá đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước là xu thế tất yếu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển kinh doanh, từ sự xuất hiện cung cầu mới, từ xu hướng phát triển ngành và sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như từ sự gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các đối thủ tiềm năng, buộc các doanh nghiệp phải bám sát thị trường và phải nhạy bén, năng động nắm bắt những thời cơ mới cho phép không ngừng mở rộng quy mô, tạo ra lợi nhuận cao và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực cũng có tính hai mặt của nó: một mặt, nếu doanh nghiệp đi đúng hướng và đầu tư thành công sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu như đã nêu trên; mặt khác, nếu “chệch hướng” hoặc đầu tư không hiệu quả có thể làm suy sụp hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí đánh mất thương hiệu và gây ra những thiệt hại to lớn khó lường cho doanh nghiệp.

Những tác động tiêu cực của đa dạng hoá đầu tư xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau.

Khi doanh nghiệp đầu tư đa ngành, đa nghề, ít nhiều bản thân doanh nghiệp đánh mất đi lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của mình, rất dễ mắc sai lầm do sự phân tán các nguồn lực và thiếu kinh nghiệm của bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, việc kiểm soát vốn vào hoạt động đa lĩnh vực thường rất phức tạp, nếu kiểm soát không tốt thì sự thất thoát, lãng phí và khả năng đổ vỡ tài chính là những nguy cơ có thực. Đặc biệt, cần thấy rõ rằng, với khả năng tài chính có hạn, việc đầu tư vốn dàn trải sẽ buộc doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vốn mới với những điều khoản thương mại ngặt nghèo, dễ sa vào “bẫy nợ nần”.

Sự đa dạng hoá đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước còn là một nguyên nhân trực tiếp góp phần làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam, cả lạm phát tiền tệ, lạm phát cơ cấu và lạm phát chi phí đẩy. Bởi vì:

Thứ nhất, cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước thường tập trung vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, không trực tiếp tạo ra hàng hoá và làm tăng chênh lệch cung - cầu, tức làm tăng lạm phát cơ cấu.

Thứ hai, hiệu quả kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nói chung cả ở trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, đều không cao, và thường là thấp hơn so với hiệu quả đầu tư và kinh doanh tương tự do các nhà đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân trong nước thực hiện. Thông tin chính thức cho thấy tỷ lệ ICOR của khu vực doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện ở mức hơn 8, so với mức trung bình của xã hội là 4,2-4,4. Báo cáo kiểm toán năm 2007 do Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 1-7-2008 cho thấy, tổng số nợ phải thu của các doanh nghiệp được kiểm toán đến thời điểm 31-12-2006 là rất lớn, 25.102 tỉ đồng, chiếm 14,24% tổng tài sản và bằng 64% vốn chủ sở hữu. Tương tự, tổng số nợ phải trả là 65.799 tỉ đồng, chiếm 62% tổng nguồn vốn và chiếm 171,2% tổng vốn chủ sở hữu.

Thứ ba, do các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng và đầu tư xã hội, cụ thể là hơn 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và hơn 80% tổng dư nợ tín dụng, lạm phát sẽ có nguy cơ gia tăng nếu không kiểm soát và ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong việc vay và cho vay vốn, đầu tư chéo, đầu tư đa ngành mang tính đầu cơ, trục lợi cá nhân, dẫn tới sự lãng phí các nguồn lực quốc gia…

2. Để giảm thiểu rủi ro do đa dạng hoá đầu tư

Để giảm thiểu rủi ro, tránh những tác động mặt trái trong đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực như trên, thực tiễn kinh doanh ngày càng cho thấy các doanh nghiệp cần bám sát các nguyên tắc sau:

- Bám sát thị trường, “biết người, biết ta”. Doanh nghiệp khi tiến sang lĩnh vực mới nên có sự chuẩn bị kỹ càng, phân tích chiến lược toàn diện, dự báo sát các triển vọng thị trường trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, để hình thành và triển khai dự án đầu tư mới đúng nơi, đúng lúc…

- Tránh đầu tư theo kiểu đám đông, phong trào và đặc biệt, cần tránh chạy theo tư tưởng đầu cơ, chỉ nhìn thấy lợi nhuận “nóng” trước mắt, mà quên mất chuyên môn và mục tiêu chính của mình.

- Bám sát sở trường và đầu tư đa ngành có trọng tâm. Doanh nghiệp nên đa dạng hoá một cách chuyên sâu, tạo sự tương hỗ, liên kết giữa các sản phẩm và dự án đầu tư mới và cũ trong quá trình đa dạng hoá và phát triển của mình. Những ngành, sản phẩm đa dạng mới mà doanh nghiệp lựa chọn phải phù hợp hoặc có tính bổ sung cao, thiết thực với năng lực và thị trường hiện tại, sẵn có của bản thân doanh nghiệp, không nên quá xa rời sở trường vốn có của mình, đồng thời phù hợp với triển vọng trung và dài hạn của thị trường trong nước và thế giới.

- Chuẩn bị kỹ nguồn vốn huy động mang tính an toàn cao, rẻ, để tránh sức ép trả nợ trong thời kỳ đầu dự án đầu tư mới chưa sinh lợi. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tỉnh táo trước “bẫy nợ” hoặc sự lừa đảo và các dạng tội phạm tài chính ngày càng đa dạng và tinh vi trên thương trường.

- Trọng dụng chuyên gia, người tài cả về quản lý và công nghệ trong lĩnh vực đầu tư mới còn nhiều mới mẻ, bỡ ngỡ đối với ê kíp cán bộ cũ. Nói cách khác, người nào việc ấy, không thể dùng cán bộ và chuyên gia cũ cho một lĩnh vực đầu tư kinh doanh mới, tựa như không thể dùng thợ cơ khí để chế tạo đồ mộc, hay thợ hàn để chế tạo phần mềm trong công nghệ thông tin. Nếu phương án nhân sự không khớp với phương án tài chính và tiến độ triển khai dự án, thì độ thành công của dự án đa dạng hoá đầu tư thật là mong manh, thậm chí ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ doanh nghiệp nào…

Từ thực tiễn trên đây, đặc biệt, trước sức ép của thị trường và trong khuôn khổ, lộ trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đến lúc các doanh nghiệp nhà nước phải đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và thực hiện những cải tổ mạnh mẽ hơn nữa trong cơ chế quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của mình. Đây cũng là hành động thiết thực kiềm chế lạm phát và bảo đảm sự phát triển bền vững của cả khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế./.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 14 (158) NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét