Thứ Ba, 8 tháng 7, 2008

TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC LỰA CHỌN CÔNG PHÁP HAY TƯ PHÁP LÀM LUẬT ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG

international_law HOÀNG LÊ HẰNG

Tóm tắt vụ việc:

Tranh chấp phát sinh sau khi "Hợp đồng cung ứng và mua hàng" có hiệu lực vào ngày 11/11/1976. Thủ tục tố tụng Trọng tài được tiến hành tại toà án trọng tài ICC và Toà án này đã phê chuẩn việc chỉ định trọng tài viên duy nhất ở Hague.

Phán quyết này giải quyết hai vấn đề: sự thừa kế của Người bán Italia đối với các quyền và nghĩa vụ của một công ty đã sáp nhập với người bán Italia và điều này đã được bị đơn thừa nhận; yêu cầu của người mua Hàn Quốc đề nghị Uỷ ban Trọng tài ra phán quyết tạm thời tuyên bố huỷ bỏ Hợp đồng năm 1976 do hợp đồng này không thể thực hiện được trên cơ sở Luật Công Hàn Quốc (Luật Chống độc quyền, Luật Giá cả và Luật Thương mại công bằng).

Uỷ ban Trọng tài cho rằng trong tố tụng trọng tài, công ty Italia là người thừa kế hợp pháp của công ty đã sáp nhập với nó và rằng Hợp đồng ngày 11/11/1976 được điều chỉnh bởi Luật Tư pháp Hàn Quốc. Uỷ ban trọng tài đã bác yêu cầu tuyên bố Hợp đồng không thể thực hiện được và quyết định tiếp tục tố tụng trọng tài.

Phán quyết của Trọng tài:

1. Về khả năng áp dụng Luật Công pháp của Hàn Quốc cho việc thực hiện hợp đồng

Uỷ ban Trọng tài tiến hành phân biệt giữa luật tư điều chỉnh hợp đồng và các quy tắc khác của Luật Công có thể áp dụng cho hợp đồng. Các bên thừa nhận hợp đồng chủ yếu được thực hiện trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì vậy, cho dù Luật Tư pháp của bất cứ quốc gia nào điều chỉnh hợp đồng, hợp đồng vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công Hàn Quốc. Do đó, Uỷ ban Trọng tài phải xác định liệu Luật Hàn Quốc như bị đơn đã viện dẫn có áp dụng cho hợp đồng không, cho dù luật này không điều chỉnh hợp đồng.

Tuy nhiên, trong vụ này, Luật công quốc gia như nguyên đơn viện dẫn (Luật Chống độc quyền, Luật Giá cả, Luật Thương mại công bằng) về bản chất là các quy tắc chung. Thông thường, việc áp dụng các quy tắc này phải trên cơ sở chính sách của nhà nước. Vì vậy, Uỷ banTrọng tài không thể tự do áp dụng công pháp Hàn Quốc như yêu cầu của bị đơn nếu việc áp dụng này đòi hỏi Trọng tài phải đánh giá, giải thích các chính sách của nhà nước.

Mặt khác, Uỷ ban Trọng tài được quyền áp dụng Luật Công pháp quốc gia chừng nào Uỷ ban Trọng tài thấy rằng trong vụ kiện này, theo như thực tiễn tư pháp đã được công bố của các toà án quốc gia có thẩm quyền và/hoặc các chính sách đã được ban hành và công bố của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các bộ luật mà Uỷ ban Trọng tài đang xem xét đều bị coi là vô hiệu và không thể thực hiện được do bị công pháp của các quốc gia có liên quan cấm.

Do vậy, bên tham gia tố tụng trọng tài muốn áp dụng luật công pháp quốc gia phải chứng minh công pháp quốc gia thực sự có thể áp dụng được trong vụ kiện này và nếu áp dụng thì ở mức độ nào.

Bởi bị đơn không cung cấp đủ chứng cứ về tình hình thị trường Hàn Quốc và vị trí của nguyên đơn ở thị trường đó, Uỷ ban Trọng tài cho rằng vào thời điểm đó, nguyên đơn không thể giữ vị trí chi phối thị trường để có thể lạm dụng thị phần của mình, và bí quyết kỹ thuật liên quan tới sản xuất một loại sản phẩm và việc cung ứng nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm đó không phải là hai mục độc lập dẫn đến quy định hạn chế hoạt động của các bên ký kết hợp đồng trong Điều 4 của bản thông báo nói trên.

Vì vậy, quan điểm của Uỷ ban Trọng tài là bị đơn không chứng minh được Điều 1 và Điều 2 của hợp đồng có các điều khoản hạn chế hoạt động của các bên ký kết hợp đồng bị cấm bởi Luật Công pháp Hàn Quốc.

Bị đơn cũng viện dẫn Đạo luật Thương mại công bằng và chống độc quyền Hàn Quốc năm 1980, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 1981. Theo quan điểm của bị đơn, đạo luật này cũng áp dụng cho Hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế bị đơn đã huỷ hợp đồng vào ngày 19/5/1980 hoặc ngày 25/11/1980.

Do Bị đơn đã không chỉ ra được rằng Đạo luật mới có hiệu lực hồi tố và Hợp đồng mặc dù bị huỷ vào năm 1980, nhưng vẫn có hiệu lực sau ngày 31 tháng 3 năm 1981, Uỷ ban trọng tài cho rằng Đạo luật mới của Hàn Quốc không liên quan tới vụ kiện này.

Trên cơ sở các văn bản đệ trình của hai bên, các cuộc thảo luận trong các phiên xét xử và các câu trả lời của Bị đơn đối với các câu hỏi về đối tượng của công pháp Hàn Quốc mà Uỷ ban trọng tài đưa ra, Uỷ ban trọng tài không chấp nhận áp dụng luật công pháp Hàn Quốc cho Hợp đồng.

2. Về việc áp dụng Điều 85 của Hiệp ước Rôma:

Cũng như công pháp quốc gia, các quy tắc cạnh tranh (Điều 85) của Hiệp ước Rôme là các quy tắc chung và là một phần chính sách chung của Cộng đồng châu Âu. Vì việc áp dụng các quy tắc về cạnh tranh của Hiệp ước Rôme có liên quan tới vụ kiện, Uỷ ban trọng tài phải xem xét kỹ vấn đề này.

Từ thực tiễn tư pháp của Toà án Cộng đồng châu Âu, Điều 85 hoàn toàn có thể áp dụng trực tiếp đối với công dân của các quốc gia thành viên (tức là công dân của các quốc gia thanh viên có quyền căn cứ vào điều khoản này để yêu cầu tòa án quốc gia của họ để bảo vệ quyền lợi). Theo đoạn 2 Điều 85 của Hiệp ước, tất cả thoả thuận được ký kết vi phạm Điều 85 của Hiệp ước đều bị cấm và sẽ tự động vô hiệu.

Nếu Uỷ ban trọng tài thấy rằng toàn bộ hoặc một phần Hợp đồng đang xem xét vi phạm Điều 85 của Hiệp ước Rôme, thì một số điều khoản của hợp đồng hoặc toàn bộ hợp đồng sẽ bị coi là vô hiệu và không có giá trị thi hành.

Vì vậy, Uỷ ban trọng tài phải xem xét liệu Hợp đồng có bị cấm theo đoạn 1 Điều 85 của Hiệp ước Rôme không.

Theo các quyết định của Toà án tư pháp Cộng đồng châu Âu liên quan tới Điều 85 Hiệp ước Rôme, qui định cấm trong Điều này chỉ áp dụng cho các hợp đồng, thoả thuận được ký kết nhằm mục đích tạo ra sự ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh ở thị trường chung Cộng đồng châu Âu và có thể ảnh hưởng tới thương mại giữa các quốc gia thành viên của Cộng đồng châu Âu.

Bởi đây là Hợp đồng giữa một công ty Italia và một công ty Hàn Quốc và chủ yếu được thực hiện ở Hàn Quốc, Uỷ ban trọng tài cho rằng Hợp đồng không thể ảnh hưởng tới thương mại giữa các quốc gia thành viên Cộng đồng châu Âu và Hợp đồng, đặc biệt là điều 2, không có mục đích tạo ra sự ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh ở thị trường chung Cộng đồng châu Âu. Vì vậy, Uỷ ban trọng tài không chấp nhận áp dụng Điều 85 Hiệp ước Rôme cho Hợp đồng.

3. Về luật điều chỉnh hợp đồng:

Hợp đồng đã được thực hiện cả ở Italia và Hàn Quốc. Vào thời điểm ký kết Hợp đồng, các bên không nói rõ luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng của họ. Vì các bên không lựa chọn luật điều chỉnh cũng như không thoả thuận về các nhân tố để xác định luật điều chỉnh hợp đồng nên trong tài quyết định việc xác định luật áp dụng cần dựa trên "trung tâm" của hợp đồng.

Mặc dù tên của Hợp đồng là Hợp đồng cung cấp và mua hàng, Hợp đồng này không chỉ đơn thuần là một hợp đồng cung cấp và mua hàng. Nguyên đơn đã trao cho Bị đơn quyền độc quyền sử dụng các bí quyết kỹ thuật liên quan đến sản xuất một loại sản phẩm ở Hàn Quốc. Bị đơn mua của Nguyên đơn nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm đó ở Hàn Quốc.

Xem xét các nhân tố đặc biệt này của Hợp đồng, Uỷ ban trọng tài thấy Hợp đồng chủ yếu thực hiện ở Hàn Quốc và có "trung tâm" ở Hàn Quốc. Do đó, luật tư pháp Hàn Quốc sẽ là luật điều chỉnh hợp đồng.

SOURCE: http://dddn.com.vn/home/104/12218/Phap-luat-kinh-doanh/Tranh-chap-lien-quan-den-viec-lua-chon-tu-phap-hay-cong-phap-lam-luat-dieu-chinh-hop-dong.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét