Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA NỔI TIẾNG

image THS. NGUYỄN NHƯ QUỲNH - Khoa Luật dân sự - Đại học Luật Hà Nội

Kể từ khi Việt nam chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước cho đến nay đã chứng tỏ là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhà sản xuất nước ngoài. Ngày càng nhiều nhãn hiệu hàng hoá nôỉ tiếng xuất hiện và được sử dụng tại nước ta như : Malboro, Coca-cola, Pepsi-Cola, Honda, Toyota, Ford, Mercedes, Sony, Nike, Adidas, Pampers, Colgate, Kodak, Bristol Myers, Levis, Johnson & Johnson, Shell, Mobil, Esso..

Việt nam đã trở thành thành viên của công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp từ 8/3/1949. Trong khi đó những hiểu biết về nhãn hiệu nổi tiếng nói chung và nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng nói riêng của chúng ta không nhiều (thực tế cho thấy không ít nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng bị vi phạm tại Việt Nam. Ví dụ: vụ Công ty Phillip Moris (Mỹ)- chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng Malboro đã kiện Công ty Lotaba (Thanh Hoá), Công ty thuốc lá Khánh Hoà, Công ty Goldern Desire về việc làm giả thuốc lá gắn nhãn hiệu Malboro tại Việt Nam). Chính vì vậy, việc tìm hiểu các vấn đề pháp lý và thực tiễn về nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng không chỉ có ý nghía đối với các nhà quản lý, nhà sản xuất mà cả đối với người tiêu dùng.

Trong bài viết này , chúng tôi xin bàn về những vấn đề sau:

1. Các tiêu chí để xác định một nhãn hiệu hàng hoá là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng .

2. Bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng theo các Công ước quốc tế (hành vi vi phạm và cách thức bảo hộ ).

3. Bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng ở Việt nam .

Cho đến nay, nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng được quy định chủ yếu trong các văn bản pháp luật quốc tế sau: Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 6bis); Thoả thuận về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs - Điều 16) và Hiệp định Thương mại Thuế quan và Mậu dịch của Tổ chức thương mại thế giới –WTO. Liên minh Châu Âu có văn bản pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá (bao gồm cả nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng) ngày 21/12/1988 (Directive 89/104/EEC). Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật quốc tế nào đưa ra khái niệm nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng cũng như các tiêu chí để xác định một nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Điều 6bis - Công ước Paris chỉ đưa ra các quy định nhằm bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Trong khi đó, Điều 16(2) - TRIPs có quy định “để xác định một nhãn hiệu hàng hoá có nổi tiếng hay không các thành viên phải chú ý đến sự nhận biết nhãn hiệu hàng hoá đó trong bộ phận công chúng liên quan, bao gồm sự nhận biết đạt được tại nước thành viên liên quan đó nhờ quảng cáo nhãn hiệu hàng hoá đó”. Theo chúng tôi, TRIPs đã đưa ra tiêu chí cơ bản nhất để xác định nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Cũng lưu ý thêm rằng: Điều 6bis - Công ước Paris chỉ đề cập đến nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng nhưng Điều 16 - TRIPs mở rộng việc bảo hộ đối với cả nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, nhãn hiệu dịch vụ nổi tiếng.

Như vậy, việc xác định một nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng tuỳ thuộc vào hệ thống đánh giá (nếu có) của từng quốc gia hay nói cách khác nó mang tính chủ quan. Nhưng trước hết, nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng (well-known trademark) phải là một nhãn hiệu hàng hoá (trademark). Đó là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc . Theo Bộ luật sở hữu trí tuệ của Pháp (1), một nhãn hiệu hàng hoá được coi là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng khi nó được biết đến trong một bộ phận công chúng. Việc xác định tính chất nổi tiếng dựa vào những tiêu chí sau: thời hạn sử dụng nhãn hiệu hàng hoá; nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng rộng rãi (được sản xuất và phân phát tới công chúng với một số lượng lớn, trọng phạm vi rộng); được quảng cáo liên tục trên một phạm vi rộng. Còn theo Luật sở hữu trí tuệ của Trung Quốc (1996) (2), nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng là một nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng (trên thị trường) trong một thời gian dài, có danh tiếng và gần gũi với công chúng. Các tiêu chí cụ thể là: thời hạn sử dụng nhãn hiệu hàng hoá; chất lượng hàng hoá; số lượng hàng hoá và phạm vi phân phối hàng hoá trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc; các tiêu chí công nghiệp chính cho việc sản xuất hàng hoá; phạm vi, thời hạn quảng cáo; việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc; một số tiêu chí khác nhằm mục đích chứng minh một nhãn hiệu hàng hoá là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng.

Qua tìm hiểu pháp luật một số nước trên thế giới và thực tiễn, chúng tôi cho rằng để đánh giá một nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có thể dựa vào một số tiêu chí sau đây:

1. Mức độ hiểu biết và sự công nhận của công chúng.

Một nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng được nhiều người biết đến về đặc điểm nhãn hiệu hàng hoá, chất lượng sản phẩm được gắn nhãn hiệu hàng hoá, nhà sản xuất sản phẩm đó.. ; đồng thời cũng nhiều người công nhận uy tín, sự nổi tiếng của nó. Tức là: nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng phải có danh tiếng (reputation) trong một bộ phận công chúng nhất định. "Bộ phận công chúng" được hiểu là những người có liên quan đến loại nhãn hiệu hàng hoá đó, những khách hàng tiềm năng (potential consumer). Ví dụ, khi nói đến tivi Sony, nhiều người chỉ có trình độ hiểu biết trung bình cũng biết được đó là tivi của Nhật Bản, chất lượng tốt, rất bền, kiểu dáng đẹp..

2. Phạm vi, thời hạn sử dụng nhãn hiệu hàng hoá.

Đây là tiêu chí xác định yếu tố không gian, thời gian mà nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng. Nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng không những được sử dụng tại nước đăng ký bảo hộ lần đầu tiên mà còn được sử dụng rộng rãi ở khu vực và trên toàn thế giới. Mặt khác, nhãn hiệu hàng hoá đó phải được sử dụng lâu dài kể từ thời điểm đăng ký bảo hộ lần đầu tiên hoặc được sử dụng lần đầu tiên. Hai yếu tố không gian và thời gian tỉ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của một nhãn hiệu hàng hoá. Chính phạm vi sử dụng rộng rãi và sự tồn tại, phát triển lâu dài của nhãn hiệu hàng hoá tạo nên uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu hàng hoá; ngược lại, nhãn hiệu hàng hoá càng nổi tiếng thì càng nhiều người biết đến, sử dụng, công nhận nó. Ví dụ: tháng 5/1986, Toà Phúc thẩm Paris đã phán quyết: nhãn hiệu LIBERTY (gắn trên sản phẩm dệt, quần áo) là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng với lý do chính nó được đăng ký từ năm 1893.

3. Phạm vi, thời hạn, tính chất của các chương trình quảng cáo sản phẩm gắn nhãn hiệu hàng hoá.

Quảng cáo là một công cụ hữu hiệu “chuyển tải” sản phẩm tới người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhờ hoạt động quảng cáo. Thông thường các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng được quảng cáo ở nhiều nước thuộc các châu lục, khu vực khác nhau trên thế giới, trong các chương trình truyền hình lớn hay các sự kiện mang tính chất toàn cầu như WorldCup, Thế vận hội Olympic...; chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá/nhà sản xuất thường đầu tư một số tiền lớn cho quảng cáo với chương trình quảng cáo ấn tượng. Trong một vụ kiện tại Canada, thẩm phán Cattanach đã khẳng định các nhãn hiệu hàng hoá Coca-Cola, esso, Chevrolet là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng vì lý do chúng được quảng cáo hàng ngày ở mọi nơi trên lãnh thổ Canada, ở các tạp chí, đài phát thanh, truyền hình mà ai cũng có thể nhìn thấy được, nghe thấy được (3).

Nói chung, chủ sở hưũ nhãn hiệu hàng hoá/ nhà sản xuất coi quảng cáo là một trong những nội dung cơ bản trong chiến lược cơ bản trong chiến lược phát triển. ở đây cũng cần lưu ý rằng: một nhãn hiệu hàng hoá không thể trở thành nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng chỉ nhờ quảng cáo.

4. Phạm vi, thời hạn mà nhãn hiệu hàng hoá được đăng ký.

Các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có số lượng quốc gia bảo hộ lớn và thời hạn bảo hộ lâu dài. Nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng Honda (Nhật bản) được trên 100 quốc gia bảo hộ; nhãn hiệu Valentino (ý) được bảo hộ ở gần 130 quốc gia; Pierre Cardin (Pháp) được gần 100 quốc gia bảo hộ (4).

5. Giá trị thương mại của nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng.

Việc xác định giá trị thương mại của một nhãn hiệu hàng hoá dựa vào một số yếu tố sau: Giá trị khi nhãn hiệu hàng hoá được chuyển nhượng, giá trị đầu tư vào nhãn hiệu hàng hoá, năng lực/ khả năng của công ty có nhãn hiệu hàng hoá, giá trị của các tài sản khác của công ty có nhãn hiệu hàng hoá, giá trị của sản phẩm được gắn nhãn hiệu hàng hoá, thị phần của sản phẩm được gắn nhãn hiệu hàng hoá. Các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có gía trị thương mại lớn hơn rất nhiều so với giá trị thương mại của các nhãn hiệu hàng hoá không phải là nhãn hiệu hãng hoá nổi tiếng. Chúng tôi xin đưa ra đây một ví dụ: P/S là một nhãn hiệu hàng hoá có uy tín của Việt nam, giá trị của nhãn hiệu hàng hoá này đã được xác định khi chuyển nhượng là 7,3 triệu USD. Trong khi đó giá trị thương mại của Malboro là 300 tỷ USD và của Coca Cola là 336 tỷ USD (5).

6. Ngoài ra, việc xác định một nhãn hiệu hàng hoá là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng còn căn cứ vào một số tiêu chí sau: doanh thu bán hàng; nhãn hiệu hàng hoá đã từng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Chẳng hạn như Toà án quốc gia, Toà án Quốc tế (International Court) đã công nhận một nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng khi có khiếu kiện về nhãn hiệu hàng hoá này.

Một số nước phân chia nhãn hiệu hàng hoá thành 3 loại: nhãn hiệu hàng hoá cực kỳ nổi tiếng, nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, nhãn hiệu hàng hoá mới nổi tiếng. Theo chúng tôi, việc phân loại này không có ý nghĩa thực tế.

Trên đây là một số tiêu chí cơ bản thường được dùng để xác định nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Như vậy, vẫn có thể xảy ra tình trạng cùng một nhãn hiệu hàng hoá nhưng quốc gia này công nhận là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng và cho hưởng quy chế pháp lý của nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng nhưng quốc gia khác lại không công nhận.

Theo điêù 6 bis- Công ước Paris, những hành vi sau bị coi là hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng:

- Sao chép, bắt chước, chuyển đổi và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Ví dụ: sử dụng nhãn hiệu hàng hoá Valentno là vi phạm nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng Valentino.

- Sử dụng nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng trên loại hàng hoá giống (the same) và tuơng tự (the similar). Ví dụ một trường hợp vi phạm tại Trung Quốc: sử dụng nhãn hiệu Malboro (thuốc lá) để gắn lên rượu. ở một số nước, quy định sử dụng nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng gắn lên sản phẩm "tương tự" được xem xét rất nghiêm ngặt. Ví dụ: Toà Phúc thẩm Paris ngày 21/2/1989 đã phán quyết việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng American express (cho tín dụng và họat động du lịch) để gắn lên sản phẩm quần áo là vi phạm (6).

- Thành phần chủ yếu của nhãn hiệu là sự sao chép của bất kỳ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng nào hoặc là sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá đó. Ví dụ: một nhà sản xuất Trung Quốc đã bị xác định là vi phạm nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng Mickey Mouse của Công ty Walt disney Production (Mỹ) khi sử dụng nhãn hiệu hàng hoá Mickey Mouse-like cho sản phẩm của mình.

Thực tế cho thấy, các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng bị vi phạm thường là những nhãn hiệu gắn trên các sản phẩm nhỏ, dễ làm, dễ tẩu tán, dễ tiêu thụ, và không cần vốn lớn (Việc làm giả các sản phẩm thơì trang mang nhãn hiệu Valentino, Pierre Cardin dễ dàng hơn làm giả máy bay Boing hay xe hơi Roll Royce). Hình thức vi phạm chủ yếu là làm giả tức là gắn nhãn hiệu hàng hoá giống hệt (the same) lên sản phẩm bị làm giả. Bởi vì bản thân nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng (bao gồm dấu hiệu, màu sắc, chữ viết, hình ảnh...) được người tiêu dùng nhận thức tương dối dễ dàng nhưng chất lượng của sản phẩm gắn nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng đôi khi khó kiểm soát, đánh giá.

Bất kì cá nhân, tổ chức nào có một trong các hành vi vi phạm nêu trên, chủ văn bằng bảo hộ hoặc người sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có quyền áp dụng các hình thức xử lý thích hợp. Trước hết, họ có quyền áp dụng các quy định bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nói chung. Tức là: nếu “bên bị vi phạm” và bên “vi phạm” đều là thành viên của công ước Paris thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu quốc gia có bên vi phạm sử dụng các công cụ pháp lý thích hợp để ngăn chặn có hiệu quả tất cả các hành vi vi phạm. Ngoài ra, họ còn có quyền khởi kiện tại toà án(cả toà án quốc tế )và các cơ quan hành chính có thẩm quyền khác (xem thêm điều 10-Công ước Paris). Trong trường hợp bên bị vi phạm và bên vi phạm hoặc một trong hai bên không phải là thành viên của Công ước Paris thì việc giải quyết đựơc tiến hành theo sự thoả thuận của hai bên. Đối với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu huỷ bỏ nhãn hiệu hàng hoá vi phạm. Thời hạn yêu cầu huỷ bỏ được quy định không ít hơn 5 năm kể từ ngày đăng kí nhãn hiệu hàng hoá vi phạm được đăng ký (điều 6 bis- Công ước Paris). Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng có quyền quy định thời hạn có thể yêu cầu cấm sử dụng nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Nếu việc vi phạm có “dụng ý xấu” (bad faith) (xem thêm điều 6 bis) tức là nhằm gây tổn hại nghiêm trọng về uy tín, vật chất ...cho chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng thì thời hạn yêu cầu huỷ bỏ hoặc ngăn cấm việc sử dụng của chủ văn bằng nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng/ người sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng là vô hạn.

Xuất phát từ đặc điểm của nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng là có uy tín, danh tiếng trên toàn thế giới sau một thời hạn nhất định kể từ thời điểm đăng kí bảo hộ lần đầu tiên. Cho nên đối với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, thủ tục đăng ký bảo hộ bắt buộc chỉ đặt ra lần đầu tiên với ý nghĩa là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Các văn bản pháp luật quốc tế và văn bản pháp luật quốc gia đều không quy định: Chủ sở hữu/ nhà sản xuất phải tiếp tục đăng kí tại bất kỳ quốc gia nào có sử dụng nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Như vậy, việc chủ sở hữu có muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của họ. Tuy nhiên trong thực tế, chủ sở hữu/ nhà sản xuất vẫn tiến hành thủ tục đăng kí cho nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng để đảm bảo quyền lợi chắc chắn của mình. Chẳng hạn hãng Coca-cola vẫn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng Coca-Cola tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam; Công ty Walt Disney Productions (Mỹ) vẫn đăng ký cho các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng của mình là Mickey Mouse và Snow White taị Trung Quốc.

Như vậy, các quy định bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng trong các văn bản pháp luật quốc tế chỉ mang tính chất định khung. Để giải quyết tránh chấp phát sinh, các quốc gia cần cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật quốc gia và Hiệp định song phương hay đa phương cho phù hợp.

Hiện nay, ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau, chúng ta cũng đã tham gia Công ước Paris từ rất sớm. Tuy nhiên, cho đến nay cơ sở pháp lý để bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng còn nhiều khiếm khuyết. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có một điều luật duy nhất đề cập đến nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Cụ thể là điểm e-khoản 1- Điều 6-Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính Phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp. Chúng ta chưa có quy định cụ thể thế nào là một nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng hay đưa ra các tiêu chí xác định một nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Đây chính là khiếm khuyết đầu tiên về mặt pháp lý cần phải giải quyết.

Theo Điều 6 (điểm 1e) - Nghị định 63/CP, Điều 6bis - Công ước Paris sễ được áp dụng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng tại Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, những thoả thuận trong Công ước Paris và TRips chỉ mang tính định khung, các quốc gia thành viên cần có quy định cụ thể, phù hợp với những quy định định khung đó. Hầu hết các nước đều ban hành văn bản pháp luật riêng về sở hữu trí tuệ, trong đó khi điều chỉnh nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có dẫn chiếu tới Công ước Paris, TRips và các văn bản pháp luật quốc tế khác bên cạnh những quy định riêng, cụ thể, phù hợp cho mình. Pháp ban hành Bộ luật sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Code), Trung Quốc ban hành Luật nhãn hiệu hàng hoá (Trademark Law), Canada ban hành Luật nhãn hiệu hàng hoá (Trademark Act)...

Một số nước trên thế giới ban hành danh mục các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng và được bổ sung liên tục hàng năm (như Mỹ, Nhật Bản - Xem danh mục The Japan 300; United State 300). Việc ban hành danh mục các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tránh tình trạng tranh chấp phát sinh khi cùng một nhãn hiệu hàng hoá nhưng quốc gia này công nhận là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, quốc gia khác lại không công nhận. Đây cũng là một văn bản cần thiết mà Việt Nam cũng cần xem xét để ban hành.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa xác định rõ ràng cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền công nhận một nhãn hiệu hàng hoá là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. ở Trung Quốc, Luật nhãn hiệu hàng hoá năm 1996 quy định rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá nói chung là Phòng nhãn hiệu hàng hoá thuộc Uỷ ban nhà nước về công nghiệp và thương mại (SAIC) còn ở Pháp - Toà án có thẩm quyền này. Điều này gây khó khăn cho các chủ văn bằng bảo hộ/nhà sản xuất khi đưa nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng vào Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân, chủ văn bằng bảo hộ/nhà sản xuất cứ “chạy” từ Cục sở hữu công nghiệp sang Cục Bản quyền cho đến khi nào được đăng ký bảo hộ thì thôi. Trong thực tế, thẩm quyền quyền này thuộc về Cục Sở hữu công nghiệp. Bởi vì không có cơ quan nhà nước công nhận nhãn hiệu hàng hoá là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng cho nên không có “con dấu” xác nhận nhãn hiệu hàng hoá đó đã được Việt Nam công nhận là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Trong khi chủ văn bằng bảo hộ/nhà sản xuất rất cần điều này. Bởi vì, như chúng tôi đã trình bày từ phần đầu, số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng là một trong các tiêu chí xác định nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng ở Việt Nam, cần khắc phục những khiếm khuyết nêu trên. Chúng ta phải có những quy định cụ thể phù hợp với các văn bản pháp luật quốc tế mà Việt nam tham gia, ký kết. Trước mắt, khi sửa đổi Nghị định 63/CP cần có những quy định đối với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng: khái niệm, tiêu chí xác định một nhãn hiệu hàng hoá là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, quy định thẩm quyền của Cục Sở hữu công nghiệp trong việc xác định nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Có như vậy mới khuyến khích được việc đưa nhiều nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, nhãn hiệu dịch vụ nổi tiếng hơn nữa vào Việt nam. Nói rộng hơn, đây cũng là một biện pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ đồng thời bảo hộ chính các nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam./.

Ghi chú:

(1) Xem Trang 269, 270 (Phần Pháp) của Tài liệu Famous and Wellknown marks - An international anlysis (Frederick W. Mastert). Butter Worths 1995.

(2) Xem Trang 255, 256 (Phần Trung Quốc) của Tài liệu Famous and Wellknown marks - An international anlysis (Frederick W. Mastert). Butter Worths 1995.

(3) Xem Trang 240 (Phần Canada) của Tài liệu Famous and Wellknown marks - An international anlysis (Frederick W. Mastert). Butter Worths 1995.

(4) + (5) Từ tài liệu của "Hội thảo về vai trò của hệ thống sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy cạnh tranh ngày càng tăng giữa các doanh nghiệp" ( The asean regional symposeum on the role of the interllectual property system in augmenting interprises competativeness) được tổ chức tại Băngladet từ 22 đến 24/11/1999.

(6) Xem Trang 279 (Phần Pháp) của Tài liệu Famous and Wellknown marks - An international anlysis (Frederick W. Mastert). Butter Worths 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét