Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

BẢN NHẬN XÉT DỰ THẢO LUẬT ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM (Dự thảo 7, Bản trình UBTVQH)

TS. BÙI ĐĂNG HIẾU - Đại học Luật Hà Nội

Qua nghiên cứu Dự thảo 7 Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm*, tôi có nhận xét rằng nhìn chung Dự thảo 7 đã cơ bản đáp ứng được mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật đăng ký giao dịch bảo đảm. Bên cạnh đó, tôi cũng xin nêu một số vấn đề thắc mắc sau đây:

1) Về Khoản 3, Điều 4, có quy định một số giao dịch khác (không phải là giao dịch bảo đảm), nhưng cũng được đăng ký theo thủ tục quy định tại Mục 2 Chương III của Luật này. Đó là các giao dịch: cho thuê động sản có thời hạn thuê từ 1 năm trở lên, mua trả chậm, trả dần đối với tài sản là động sản có bảo lưu quyền sở hữu, bán có chuộc lại, bán thông qua đại lý, chuyển nhượng quyền đòi nợ, … Tuy nhiên, ở đây có 2 vấn đề cần làm rõ: Giá trị pháp lý của việc đăng ký các giao dịch này là gì? (Lưu ý rằng Bộ luật dân sự không có quy định thứ tự ưu tiên đối với các giao dịch này khi được đăng ký). Nếu áp dụng các quy định của Mục 2 Chương III đối với các giao dịch này thì sẽ xác định ai sẽ là người có quyền đăng ký?

2) Khoản 1 Điều 9: Cần cân nhắc xem có nên ấn định một cách cứng nhắc thời hạn đăng ký là 5 năm không? Bộ luật dân sự quy định một cách rất hợp lý rằng đối với cầm cố, thế chấp thì thời hạn do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm (Điều 329, Điều 344 BLDS 2005). Dự thảo nên quy định phù hợp với quy định này của Bộ luật dân sự. Việc quy định cứng nhắc thời hạn 5 năm chỉ thuận tiện cho cơ quan đăng ký chứ không thuận tiện cho các bên trong giao dịch.

3) Khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là “thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm”. Tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu như quy định thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nộp đơn hợp lệ. Bởi lẽ: Thời điểm nộp đơn hợp lệ được xác định rất chính xác đến tận phút, giờ, ngày, tháng, năm (theo quy định tại mục a khoản 2 Điều 28 Dự thảo này). Trong khi đó thời điểm “nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được ghi vào Sổ đăng ký” là chưa xác định chính xác, có thể nhanh hay chậm tùy theo từng trường hợp vào các thời điểm khác nhau trong ngày, thậm chí còn có thể kéo dài trong vòng 3 ngày (Điều 41 Dự thảo). Hơn thế nữa, Dự thảo có quy định cho phép đăng ký ở bất cứ Trung tâm đăng ký nào (Khoản 2 Điều 39), do đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ với nhiều người nhận bảo đảm.

4) Tên gọi của Chương II – Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, bị trùng lặp hoàn toàn với tên gọi của Điều 15 – Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.

5) Khoản 3 Điều 27: Tại sao lại quy định 03 trường hợp từ chối đăng ký (do không thuộc thẩm quyền đăng ký, không nộp lệ phí, khi đã chấm dứt hiệu lực của việc đăng ký) lại không áp dụng với trường hợp đăng ký trực tuyến? Liệu đăng ký trực tuyến có thể áp dụng đốia với mọi trường hợp (mọi thẩm quyền đăng ký) không? Hơn thế nữa, quy định này còn mâu thuẫn với Điều 51 Dự thảo (quy định từ chối đăng ký trong trường hợp không nộp lệ phí).

6) Khoản 3 Điều 27: Đề nghị làm rõ cụm từ “trực tuyến tại Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm”. Nếu đăng khí trực tuyến thì tuân theo các quy định của Mục 5 Chương III, còn nếu đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm thì tuân theo các quy định tại Mục 2 Chương III.

7) Tên gọi của Điều 28. Đăng ký giao dịch bảo đảm, là quá chung chung, trùng với tên gọi của cả văn bản (Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm).

8) Mục a, khoản 2 Điều 28: Cần quy định thêm trong trường hợp Đơn đăng ký được gửi qua đường bưu điện (khoản 2 Điều 26) thì thời điểm nhận hồ sơ đăng ký là thời điểm nào (theo dấu bưu điện gửi đi hay theo dấu bưu điện khi đến?).

9) Mục d khoản 1 Điều 29: Tại sao khi các bên thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh tóan thì lại phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi. Bởi lẽ mặc dù thứ tự ưu tiên này được xác định theo thứ tự đăng ký, nhưng trong nội dung đăng ký không hề đề cấp đến thứ tự ưu tiên thanh tóan giữa các người nhận bảo đảm.

10) Điều 37 quy định rằng: Trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai thì khi tài sản hình thành, người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký thay đổi, trừ trường hợp tài sản đó “không phải là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” (khoản 2 Điều 37). Vậy phải chăng Điều luật này được xây dựng chỉ nhằm áp dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ?

11) Khoản 2 Điều 38: Đề nghị giải thích tại sao lại không cần giấy ủy quyền trong trường hợp a, b, c?

12) Khoản 3 Điều 39: Đề nghị giải thích rõ “bản ghi điện tử” là gì? Bản ghi điện tử đó khác gì với “thông điệp dữ liệu điện tử”? (khoản 2 Điều 49)

13) Mục d, đ khoản 1 Điều 43: Đề nghị quy định rõ phải nộp bản sao hay bản gốc?

14) Mục c khoản 2 Điều 43: Đề nghị giải thích tại sao phải nộp “Giấy tờ chứng minh việc ra hạn”? (Việc đăng ký gia hạn có phải chứng minh lý do không?)

15) Khi so sánh các mục 2, 3, 4, 5 của Chương III, nhận thấy rằng: Chỉ có mục 2 có quy định về Đăng ký gia hạn giao dịch bảo đảm (Điều 42), còn trong các mục khác không thấy có quy định về đăng ký gia hạn này.

Trên đây là một số ý kiến chủ quan của tôi. Kính mong Ban soạn thảo giải đáp.Trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, ngày  22 tháng 8 năm 2008

NGƯỜI NHẬN XÉT

TS. Bùi Đăng Hiếu

* CÁC BẠN CÓ THỂ THÂM KHẢO BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO TẠI ĐÂY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét