Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

SUY NGẪM 21

EVN - Nhân vật “điển hình” của các “ông lớn” độc quyền luôn tồn tại trong ngụy biện và  mâu thuẫn:

- Mùa khô, “ông lớn” cắt điện vì lý do, không đủ nước để chạy các nhà máy thủy điện;

- Mùa mưa, “ông lớn” cắt điện vì các nhà máy nhiệt điện đang ở giai đoạn trùng tu;

- Khi cả nhà máy thủy điện và nhiệt điện cùng chạy, “ông lớn” cắt điện vì lý do sự cố lưới điện;

- Để “góp phần” giảm thiểu sự thiếu hụt điện cho đất nước, “ông lớn”  từ chối 13 dự án điện, với tổng công suất lên tới 13.800 MW vì thiếu vốn.

- “Ông lớn” luôn kêu “lỗ”  và giải pháp khắc phục là ông luôn yêu cầu tăng giá điện.

Với tất cả những “thành tích” trên, năm 2008, “ông lớn” tự cho mình xứng đáng được thưởng với đề xuất được trích khoảng 1.002 tỷ đồng lợi nhuận để làm quỹ khen thưởng.

Civillawinfor cho rằng, đã đến lúc chủ sở hữu của EVN phải thể hiện vai trò ông chủ, không nên để những người đại diện sở hữu của mình ở EVN luôn làm xấu mặt  mình đến thế.

CIVILLAWINFOR

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

VẤN ĐỀ SỞ HỮU TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

PGS, TS. PHẠM VĂN DŨNG - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một hình thức của kinh tế thị trường. Do đó, trong nền kinh tế cũng sẽ bao hàm nhiều hình thức sở hữu như các nền kinh tế thị trường khác. Tuy nhiên, cơ cấu các hình thức sở hữu ở nước ta và vị trí của mỗi hình thức sở hữu trong cơ cấu đó sẽ có những khác biệt với các nước khác

1. Sở hữu trong nền kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế phản ánh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại. Phải đạt đến một trình độ phát triển nhất định, nền sản xuất xã hội mới thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp, mới có sản phẩm dư thừa để trao đổi. Một trong những điều kiện để xuất hiện trao đổi là tính chất tư nhân của sản xuất, tức là những người sản xuất độc lập với nhau, sản xuất cái gì, sản xuất thế nào, cho ai là việc riêng của từng “người sản xuất”. “Người sản xuất” cần được hiểu theo nghĩa rộng. “Người sản xuất” có thể là cá nhân, hợp tác xã, công ty tư nhân, doanh nghiệp nhà nước... Điều quan trọng nhất chính là những “người” này độc lập với nhau.

Cuối chế độ công xã nguyên thủy, khi sản phẩm thặng dư xuất hiện, bắt đầu có quan hệ trao đổi giữa các công xã với nhau. Như vậy, trong lịch sử, người sản xuất và trao đổi đầu tiên xuất hiện lại là các công xã nguyên thủy. Những “người” này dựa trên sở hữu công xã (thuộc sở hữu công cộng) về tư liệu sản xuất. Khi lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển, sản phẩm thặng dư nhiều hơn, những cá nhân có quyền lực trong công xã bắt đầu chiếm hữu những sản phẩm dư thừa đó làm của riêng. Chế độ tư hữu dần xuất hiện. Tuy nhiên, chế độ tư hữu trong chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến không hề làm cho sản xuất hàng hóa phát triển. Điều đó cho thấy, không phải cứ có chế độ tư hữu là quan hệ trao đổi hay kinh tế hàng hóa có thể phát triển.

Đến CNTB, lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội có sự phát triển nhanh chóng. Hai điều kiện cho sự hình thành, phát triển của sản xuất hàng hóa được thiết lập nhanh chóng và đầy đủ đã làm cho sản xuất hàng hóa phát triển đặc biệt nhanh chóng, nền kinh tế thị trường TBCN xuất hiện: Đây được coi là nền kinh tế thị trường phát triển cao, tiêu biểu, chín muồi.

Cũng cần nhớ rằng, trong giai đoạn CNTB tự do cạnh tranh, sở hữu tư nhân giữ vai trò thống trị tuyệt đối và là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền sản xuất TBCN. Nhưng đến khi tích tụ và tập trung sản xuất đạt đến trình độ cao, chỉ có sở hữu tư nhân cũng không đáp ứng được yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó thể hiện ở hai cuộc đại khủng hoảng của CNTB xảy ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Một biến đổi quan trọng của sở hữu xuất hiện: một bộ phận sở hữu tư bản tư nhân chuyển thành sở hữu tư bản tập thể. Các tổ chức độc quyền hình thành và phát triển với trình độ ngày càng cao. Khi lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển, sở hữu cá thể, tiểu chủ hữu tư bản tư nhân và sở hữu tư bản tập thể cũng là không đủ. Từ nửa cuối thập niên ba mươi của thế kỷ XX, sở hữu nhà nước ở các nước TBCN phát triển hết sức nhanh chóng và trở thành công cụ quan trọng để điều tiết nền kinh tế thị trường.

Như vậy, quá trình phát triển của kinh tế thị trường cũng là quá trình vận động phát triển của các hình thức sở hữu: Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, “Người sản xuất” có nhiều loại, có tư hữu và có cả công hữu. Nói cách khác, nhiều hình thức sở hữu cùng tồn tại, bao gồm cả sở hữu tư nhân, cả sở hữu công cộng, trong đó khu vực sở hữu nhà nước trở thành công cụ quan trọng để điều tiết nền kinh tế.

2. Kinh tế thị trường định hướng XHCN và vấn đề sở hữu

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một hình thức của kinh tế thị trường. Do đó, trong nền kinh tế cũng sẽ bao hàm nhiều hình thức sở hữu như các nền kinh tế thị trường khác. Tuy nhiên, cơ cấu các hình thức sở hữu ở nước ta và vị trí của mỗi hình thức sở hữu trong cơ cấu đó sẽ có những khác biệt với các nước khác. Điều đó do những nhân tố sau đây quy định.

a) Nhân tố chính trị.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đang xây dựng CNXH. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nền kinh tế thị trường được sử dụng để xây dựng CNXH. Do đó, sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường này bị chi phối bởi việc thực hiện mục tiêu CNXH. Điều này xuất phát từ mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Mặc dù kinh tế quyết định chính trị nhưng chính trị lại tác động mạnh mẽ đến kinh tế. Nếu các quyết sách của Nhà nước (chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách...) được thực hiện trong thời gian dài sẽ làm cho nền kinh tế biến đổi tích cực (nếu quyết sách đúng) hoặc tiêu cực (nếu quyết sách sai). Như vậy, đường lối phát triển theo con đường XHCN sẽ làm cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam khác với các nước khác.

CNXH có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng về bản chất, CNXH phải là sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Những mục tiêu trên chỉ có thể được thực hiện thông qua hoạt động tự giác, năng động của con người (nếu để tự phát có thể không thực hiện được, thực hiện không trọn vẹn, mất nhiều thời gian, thậm chí phải trả giá rất đắt...). Vì thế, để thực hiện mục tiêu CNXH, Đảng và Nhà nước sẽ phát huy năng động chủ quan để khai thác những ưu việt của kinh tế thị trường, hạn chế những nhược điểm của chúng, để rút ngắn thời gian phát triển. Muốn vậy, Nhà nước phải sử dụng các công cụ vật chất. Một trong những công cụ đó là kinh tế nhà nước. Do vậy, sở hữu nhà nước (một hình thức của chế độ sở hữu công cộng) có vai trò rất quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều này cũng không có khác biệt lớn với sở hữu nhà nước ở nhiều nước khác.

Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” còn đòi hỏi mọi người phải được tự do sử dụng và phát huy các tiềm năng của mình. Nói cách khác, người dân phải được tự do kinh doanh những gì luật pháp không cấm. Vì thế, sự tồn tại và phát triển của những hình thức sở hữu như cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản tập thể... là tất yếu và cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu CNXH. Như vậy, kinh tế thị trường định hướng XHCN phải dựa trên nhiều hình thức sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước.

b) Nhân tố kinh tế

Cơ cấu các hình thức sở hữu ở nước ta không chỉ do định hướng chính trị chi phối, mà còn được chi phối bởi nhân tố kinh tế trong và ngoài nước. Hơn thế, đây mới là nhân tố giữ vai trò quyết định. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quy định sự vận động biến đổi của các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất.

Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, điểm xuất phát của đất nước ta rất thấp. Do đó, các hình thức sở hữu tư nhân vẫn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nên có những đóng góp to lớn cho việc phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống dân cư. Thực tế cho thấy, việc hạn chế, cấm đoán các hình thức sở hữu tư nhân trong thời kỳ trước đổi mới là vi phạm các quy luật kinh tế khách quan và phải trả giá đắt. Như vậy, sự tồn tại của chế độ sở hữu tư nhân không chỉ là tất yếu về kinh tế, mà còn xuất phát từ chính yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH.

Trong điều kiện lực lượng sản xuất thấp kém, chế độ sở hữu công cộng chưa có tất yếu kinh tế để tồn tại và phát triển. Vì thế, khi nền kinh tế thị trường còn ở trình độ thấp, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể càng chiếm tỷ trọng lớn sẽ càng kém hiệu quả. Thực tiễn Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã minh chứng cho điều đó. Ở Việt Nam đã có thời kỳ chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng tuyệt đối nhưng vẫn không có CNXH. Điều đó không chỉ cho thấy rằng, xây dựng chế độ sở hữu tư liệu sản xuất không thể xuất phát từ ý chí, nguyện vọng chủ quan của con người, mà còn cho thấy chế độ sở hữu công cộng không phải là mục tiêu, mà chỉ là phương tiện để xây dựng CNXH.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và thế giới là tất yếu với các quốc gia. Cạnh tranh là quy luật khắc nghiệt mà chúng ta phải chấp nhận. Để tồn tại và phát triển, tiêu chí hàng đầu phải đáp ứng không phải là công hữu hay tư hữu mà là hiệu quả. Do đó, coi trọng hiệu quả là yêu cầu sống còn không chỉ với doanh nghiệp, mà với cả nền kinh tế.

Ngoài những nhân tố nêu trên, chế độ sở hữu còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, truyền thống, tâm lý, tập quán... của mỗi dân tộc. Do đó việc tùy tiện thiết lập một hình thức sở hữu nào đó mà không tính đến những nhân tố trên đây sẽ phải trả giá.

3. Cơ cấu sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Sự tồn tại đồng thời sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đến nay không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, hình thức sở hữu nào là chủ đạo, là động lực... thì chưa phải đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi.

Những phân tích trên đây cho thấy có nhiều nhân tố tác động đến sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân theo những chiều hướng khác nhau. Sở hữu công cộng dưới hình thức kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể rất cần thiết cho việc định hướng nền kinh tế lên CNXH. Nhưng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ở Việt Nam lại chưa có cơ sở kinh tế vững chắc để phát triển, hiệu quả còn rất thấp. Ngay tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Do đó, nếu tỷ trọng của kinh tế nhà nước càng lớn thì hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế càng thấp. Vì thế về nguyên tắc, những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả cần được xem xét để chuyển sang các hình thức tổ chức sản xuất khác.

Nhưng định hướng XHCN lại đòi hỏi kinh tế Nhà nước phải là công cụ để nhà nước điều tiết nền kinh tế. Nếu thị trường bị đầu cơ, giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân là trái với việc thực hiện định hướng XHCN. Nhà nước không kiểm soát được thị trường thuốc tân dược do các doanh nghiệp dược phẩm nhà nước không đủ sức chi phối thị trường là bài học đắt giá. Những cơn “sốt” xi măng, sắt thép... cho thấy sự yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đến định hướng XHCN như thế nào. Một minh chứng khác về sự cần thiết của các doanh nghiệp nhà nước là khi “sốt” gạo xảy ra, nhờ các công ty lương thực nhà nước tung hàng hóa ra bán, thị trường lương thực nhanh chóng được kiểm soát, xã hội giữ được ổn định. Hiện nay, cần chống định kiến xấu với kinh tế tư nhân, nhưng cũng cần chống định kiến xấu với kinh tế nhà nước. Những doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả cần được duy trì và tạo môi trường thuận lợi để phát triển hơn nữa. Việc xây dựng mới các doanh nghiệp nhà nước cũng phải thực hiện theo nguyên tắc này.

Từ những phân tích trên đây có thể rút ra kết luận: chỉ nên thiết lập sở hữu công cộng ở các lĩnh vực kinh tế then chốt, giữ vai trò quan trọng với quốc kế, dân sinh. Các lĩnh vực kinh tế then chốt có thể là: lương thực, thuốc chữa bệnh, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, đường sắt, hàng không, điện lực, khai thác mỏ... Ngay trong các lĩnh vực này, kinh tế nhà nước cũng không nhất thiết là chiếm tỷ trọng tuyệt đối. Sự xuất hiện của sở hữu tư nhân vừa góp phần huy động và sử dụng các nguồn lực, vừa tạo quan hệ cạnh tranh, thúc đẩy khu vực sở hữu công cộng nâng cao hiệu quả.

Do lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp, các lĩnh vực kinh tế thông thường, kinh tế tư nhân phải là giữ vai trò thống trị mới đảm bảo hiệu quả (đương nhiên là Nhà nước phải quản lý). Trong các lĩnh vực này, sở hữu công cộng muốn chứng minh được sức sống và ưu thế của mình phải dựa trên quan hệ cạnh tranh trên thị trường một cách công bằng, chứ không phải là dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, càng không phải là bằng biện pháp hành chính. Cơ cấu các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất sẽ thay đổi tuỳ theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Giải quyết quan hệ giữa sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường được đặt ra cho tất cả các quốc gia. Tùy theo đặc thù mỗi nước, việc giải quyết quan hệ này có thể khác nhau. Nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển định hướng XHCN nên việc giải quyết quan hệ giữa sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân phải xuất phát từ những đặc điểm riêng của mình, nhưng không được vi phạm các quy luật chung, đặc biệt là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất./.

SOURCE: TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO

Trích dẫn từ:

http://www.tuyengiao.vn/Home/tutuong/lyluanthuctientutuong/2009/3/7204.aspx

VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

GS.TS. PHẠM NGỌC QUANG – Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Phát huy vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay chính là cách thiết thực góp phần bảo đảm công bằng xã hội, vì sự phát triển dân chủ, văn minh của đất nước, song vẫn giữ được bản sắc chính trị - xã hội của dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề căn bản của triết lý phát triển ở Việt Nam hiện nay. Không phải đến khi khủng hoảng tiền tệ xuất phát từ Mỹ năm 2008 gây ảnh hưởng lan tỏa ra hầu khắp thế giới như hiện nay, cùng những giải pháp cơ bản mà các nước đang sử dụng với hy vọng ngăn ngừa những kết cục bi thảm về mặt kinh tế - xã hội do khủng hoảng đó gây ra, chúng ta mới thấy tính phi lý của cái gọi là “thị trường tự do”, “bàn tay vô hình”. Từ rất sớm, chúng ta đã khẳng định, nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng phải có sự quản lý của Nhà nước. Kiên trì tư tưởng đó, tại Đại hội X, Đảng ta nhấn mạnh sự cần thiết phải “bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”(1).

Ở Việt Nam hiện nay, vai trò của Nhà nước đối với kinh tế không chỉ xuất phát từ yêu cầu phổ biến của quá trình phát triển kinh tế thị trường, mà còn xuất phát từ tính đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài viết này chỉ tập trung vào khía cạnh thứ hai vừa nêu.

Thị trường, kinh tế thị trường là một kiểu quan hệ giữa người với người trong sản xuất, trao đổi và tiêu dùng, nên mang đậm dấu ấn của quan hệ xã hội, của thể chế chính trị mà nền kinh tế đó tồn tại. Với mức độ đáng kể, sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay bị chi phối và nhằm phục vụ cho định hướng xã hội chủ nghĩa. Đương nhiên, nhân tố sâu xa bảo đảm định hướng chính trị đối với kinh tế là đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền. Song, để đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng biến thành hiện thực vận động của nền kinh tế, chúng phải được thể chế hóa thành hệ thống pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được triển khai bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước, dưới sự quản lý của Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Xét từ giác độ đó, Nhà nước có tác động trực tiếp nhất tới việc định hướng sự vận động của kinh tế thị trường. Pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước chỉ đúng, khi chúng phản ánh chính xác yêu cầu phát triển khách quan của thị trường, lấy quy luật thị trường làm cơ sở. Xét ở mặt này, chúng mang tính khách quan. Nhưng chúng lại là sự thể chế hóa, cụ thể hóa mục tiêu chính trị của Đảng, nên cũng có mặt chủ quan. Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, định hướng chủ quan (ý chí của Đảng, của Nhà nước và nhân dân ta) là ở chỗ, cùng với việc bảo đảm lợi ích hợp lý của doanh nhân, thì việc ưu tiên bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là một vấn đề có tính nguyên tắc. Nhà nước có cơ chế, chính sách để bảo đảm sự ưu tiên đó, thể hiện ở cả ba lĩnh vực kinh tế cơ bản sau:

Trên lĩnh vực sở hữu: Sự tồn tại của ba chế độ sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân), ba hình thức sở hữu (hình thức sở hữu nhà nước, hình thức sở hữu tập thể, hình thức sở hữu tư nhân) là một đòi hỏi khách quan của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, pháp luật, đòn bẩy kinh tế để định hướng, làm cho kinh tế nhà nước từng bước vươn lên nắm vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể tạo thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Trên lĩnh vực quản lý: Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách... tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trực tiếp hay thông qua các khâu trung gian nhất định tham gia quá trình hoạch định, tổ chức, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch phát triển của doanh nghiệp.

Trên lĩnh vực phân phối: Nhà nước vừa thông qua hệ thống chính sách kinh tế do mình hoạch định, vừa sử dụng các nguồn lực - trực tiếp là bộ phận kinh tế nhà nước - để định hướng, can thiệp vào lĩnh vực phân phối và phân phối lại theo hướng ưu tiên phân phối theo lao động và qua phúc lợi xã hội; kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội; hoạch định các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa...

Đặc biệt, trong sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta, Nhà nước có vai trò to lớn trong việc bảo đảm sự ổn định vĩ mô cho phát triển và tăng trưởng kinh tế. “ổn định” ở đây thể hiện sự cân đối, hài hòa các quan hệ nhu cầu, lợi ích giữa người và người, tạo ra sự đồng thuận xã hội trong hành động vì mục tiêu phát triển của đất nước. Tính đúng đắn, hợp lý và kịp thời của việc hoạch định và năng lực tổ chức thực hiện các chính sách phát triển vĩ mô do Nhà nước đảm nhiệm là điều kiện tiên quyết nhất hình thành sự đồng thuận đó. Là những công cụ tạo ra sự đồng thuận xã hội, từ đó mà có ổn định xã hội cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, một mặt, phải phản ánh đúng những nhu cầu chung của xã hội, của mọi chủ thể kinh tế...; mặt khác, phải tôn trọng tính đa dạng về nhu cầu, lợi ích cụ thể của các chủ thể đó.

Nhà nước ta cũng có vai trò to lớn trong việc bảo đảm gia tăng phúc lợi xã hội, bởi mục tiêu căn bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là góp phần thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Có chính sách xã hội hợp lý; bảo đảm phúc lợi ngày một gia tăng nhờ hiệu quả tác động của chính sách kinh tế tiến bộ do Nhà nước hoạch định và tổ chức thực hiện bằng những nỗ lực của nhiều chủ thể kinh tế khác nhau... là nhân tố có vai trò quyết định trong vấn đề này.

Công bằng xã hội là một động lực của sự phát triển xã hội nói chung, của sự phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững nói riêng. Một trong những mục tiêu của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nhà nước hướng tới là xóa bỏ tình trạng vi phạm công bằng xã hội. Đây là một nhiệm vụ lâu dài. Ở nước ta hiện nay, công bằng xã hội trên lĩnh vực kinh tế được biểu hiện không chỉ ở chỗ lao động ngang nhau thì được hưởng thụ ngang nhau, mà còn ở chỗ cống hiến - đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần trong quá khứ cũng như trong hiện tại - ngang nhau cho sự phát triển đất nước thì được hưởng ngang nhau. Từ đó, việc bảo đảm yêu cầu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được thể hiện đầy đủ ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước ta trong việc thực hiện chức năng phát triển, tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước chủ động tham gia kinh tế thị trường nhằm bảo hộ cho hình thức tổ chức sản xuất chứa đựng các yếu tố của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và tạo điều kiện cho chúng phát huy ưu thế của mình; tạo vị thế cho kinh tế nhà nước có sức mạnh định hướng xây dựng mô hình kinh tế cho phép giải phóng con người; ngăn chặn các xu hướng phát triển kinh tế không có lợi cho quảng đại người lao động.

Để thực hiện các mục tiêu đó, điều quan trọng nhất là Nhà nước tạo lập khung khổ pháp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra hiệu quả. Chỉ duy nhất nhà nước có được chức năng này. Hệ chuẩn pháp luật kinh tế của nhà nước càng được xây dựng đồng bộ, đúng đắn, nhất quán và kịp thời bao nhiêu, càng có tác động tích cực tới sự vận hành của nền kinh tế bấy nhiêu. Song, tự nó, pháp luật kinh tế không gây ra những biến đổi trong hiện thực kinh tế. Để cho các luật kinh tế trở thành tác nhân kích thích phát triển kinh tế, chúng phải được đưa vào vận hành. Nhà nước chính là thiết chế chủ yếu đảm đương nhiệm vụ này. Năng lực điều hành kinh tế bằng pháp luật là một thước đo đánh giá sự trưởng thành và vai trò của nhà nước trong kinh tế.

Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng thể hiện ở việc nhà nước góp phần đắc lực vào việc tạo môi trường cho thị trường phát triển, như tạo lập kết cấu hạ tầng kinh tế cho sản xuất, lưu thông hàng hóa; tạo lập sự phân công lao động theo ngành, nghề, vùng kinh tế qua việc nhà nước tiến hành quy hoạch phát triển kinh tế theo lợi thế từng vùng, ngành và nhu cầu chung của xã hội... Là chủ thể trực tiếp sở hữu hoặc quản lý, khai thác những cơ quan truyền thông mạnh nhất của quốc gia, nhà nước góp phần cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể kinh tế để các chủ thể này chủ động lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh, đối tác kinh tế, thời điểm thực hiện các giao dịch kinh tế, cách thức sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhất trong điều kiện cụ thể của mình...

Muốn sản xuất phải có an toàn về môi trường xã hội, môi trường kinh doanh, môi trường an ninh - trật tự, an toàn trong quan hệ giữa người và người, giữa doanh nghiệp và các cơ quan công quyền... Ngoài những nỗ lực của nhà nước trong sự đồng tình của nhân dân, không lực lượng nào khác có thể tạo lập được những yêu cầu an toàn như vậy.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, sự giao lưu kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế của mọi quốc gia chỉ có hiệu quả cao, khi có tác nhân khởi thủy từ phía nhà nước, được hỗ trợ đắc lực từ phía nhà nước. Bằng chính sách hội nhập đúng đắn và năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách đó, nhà nước góp phần khởi đầu và có tác động tích cực vào quá trình thiết lập quan hệ quốc tế. Đại diện cho đất nước tham gia vào các quá trình soạn thảo và thông qua chuẩn mực luật pháp kinh tế, các hiệp định kinh tế, các nghị định thư..., Nhà nước ta góp phần tạo cho chủ thể kinh tế của đất nước vị trí có lợi trong quan hệ kinh tế quốc tế. Sự kiện đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành công là chứng minh rõ rệt cho điều này.

Nhà nước ta là chủ thể chính của nền giáo dục - đào tạo. Bằng hệ thống chính sách giáo dục, đào tạo của mình, được thực hiện qua hệ thống giáo dục - đào tạo do Nhà nước thống nhất quản lý, dù tồn tại dưới nhiều loại hình khác nhau (công lập, ngoài công lập, liên doanh, liên kết trong nước và với nước ngoài...), Nhà nước cung cấp nguồn lao động chính, có chất lượng cho sản xuất kinh doanh, cung cấp cán bộ quản trị doanh nghiệp cho mọi thành phần, mọi loại hình kinh tế. Qua đó, Nhà nước ta có tác động rất mạnh và trực tiếp tới việc nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý nền kinh tế, nâng cao hiệu quả của kinh tế thị trường nói chung.

Cùng với tác động của hệ thống luật kinh tế và sự đầu tư trực tiếp vào kinh tế, Nhà nước còn định hướng nền kinh tế qua các công cụ gián tiếp là chính sách kinh tế, như chính sách tài chính - tiền tệ, chính sách đầu tư, chính sách thu nhập và việc làm...

Việc nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc định hướng sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta không mâu thuẫn với vấn đề có tính nguyên tắc: sự vận hành của nền kinh tế thị trường nào cũng trước hết và chủ yếu do các quy luật thị trường quyết định. Song, quy luật kinh tế thị trường lại thuộc lĩnh vực quy luật xã hội. Tính khách quan của nó được thể hiện và thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của con người. Dựa trên việc nhận thức đúng đắn những yêu cầu của các quy luật trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước cụ thể hóa những yêu cầu đó thành luật, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xác định đúng bước đi để hiện thực hóa chúng. Đây là nhân tố có tác động trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận động phù hợp với quy luật nội tại của nó. Ở đây có sự thống nhất giữa khách quan và chủ quan. Song, sự thống nhất đó chỉ có được, khi lợi ích chân chính mà nhà nước theo đuổi phù hợp với quy luật phát triển khách quan của xã hội nói chung, của kinh tế thị trường nói riêng; chủ thể nhà nước có năng lực trí tuệ đủ tầm để nắm bắt, vận dụng yêu cầu của các quy luật kinh tế vào việc hoạch định các chính sách phát triển. Trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay, xét về bản chất, Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, lấy lợi ích của dân tộc đáp ứng đúng nhu cầu phát triển khách quan của xã hội làm mục tiêu hoạt động của mình. Nhà nước ta lấy hệ tư tưởng cách mạng và khoa học (chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh) làm một trong những cơ sở xuất phát quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế. Đó là hai nhân tố bảo đảm có sự thống nhất giữa tính khách quan của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và việc phát huy vai trò của nhà nước xã hội chủ nghĩa với tư cách là một nhân tố chủ quan tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế đó.

Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường hơn 20 năm đổi mới cho thấy, Nhà nước ta đã có nhiều tác động tích cực trong việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển nền kinh tế này. Việc từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách về chế độ sở hữu và cơ cấu thành phần kinh tế đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch theo hướng tạo động lực và điều kiện thuận lợi hơn cho khai thác các tiềm năng trong và ngoài nước để phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhìn chung, không ngừng được nâng cao: thời kỳ 1986 - 1990, tăng trưởng GDP bình quân đạt 4,5%/năm; 1996 - 2000: 7%/năm; 2001 - 2005: 7,5%/năm; năm 2007 đạt 8,48%. Năm 2008, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP là 6,23%.

Để góp phần giữ vững độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế, từ đó có độc lập tự chủ trên con đường phát triển đất nước nói chung, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát huy vai trò các nhân tố nội lực, coi trọng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Trong năng lực nội sinh, chúng ta coi trọng trước hết nhân tố con người. Do vậy, Nhà nước đã có nhiều chính sách về giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Số lao động tốt nghiệp phổ thông trung học từ 13,5% năm 1996 tăng lên 19,7% năm 2005. Năm 1996 mới có 12,31% lực lượng lao động được đào tạo, đến nay, tỷ lệ này đạt 31%. Về nỗ lực nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế: năm 1990, tỷ lệ tích lũy so với GDP mới đạt 2,9%, năm 2004 là 35,15% và những năm gần đây đều có xu hướng tăng lên...

Nhà nước cũng có nhiều chính sách khai thác ngoại lực, biến ngoại lực thành nội lực cho sự phát triển. Biểu hiện rõ nhất là Nhà nước đã hoàn thiện Luật Đầu tư, thu hút được nhiều vốn ODA, FDI,... Từ năm 1988 đến hết năm 2006, có hơn 8.000 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 74 tỉ USD. Năm 2006, khu vực FDI đóng góp gần 30% cho tăng trưởng kinh tế; xuất khẩu của khu vực này chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; cung cấp việc làm cho khoảng 50 vạn người và việc làm gián tiếp cho 2,5 triệu người; đào tạo được 8.000 cán bộ quản lý, 30.000 cán bộ kỹ thuật. Năm 2007, nguồn vốn ODA từ các nước, các tổ chức tài chính quốc tế cấp cho Việt Nam đạt hơn 40 tỉ USD, trong đó, 80% là nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2008, dù kinh tế thế giới suy thoái, nhưng nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại tăng kỷ lục: vốn đăng ký 64 tỉ USD, trong đó các dự án mới chiếm 60,2 tỉ USD.

Một tiêu chí quan trọng đánh giá tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế là hướng sự phát triển của nó vào việc nâng cao đời sống của nhân dân. Nhìn lại hơn 20 năm đổi mới, thu nhập của nhân dân đã có bước cải thiện đáng kể. Năm 1995, GDP bình quân đầu người mới đạt 289 USD; năm 2005: 639 USD; năm 2007: 835 USD. Năm 2008, GDP bình quân theo đầu người đã đạt trên 1.000 USD. Với mức thu nhập này, Việt Nam vượt qua ngưỡng nước thu nhập thấp(2)...

Vai trò của Nhà nước ta đối với kinh tế càng bộc lộ rõ nét trong ban hành, thực thi các chính sách khắc phục tình trạng suy giảm kinh tế gần đây. Trên cơ sở tiên định những diễn biến xấu có thể xảy ra, Nhà nước đã đưa ra 8 nhóm giải pháp cấp bách, và bằng việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đó, Nhà nước đã góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng không ngừng giảm: tháng 9-2008 tăng 0,18%, tháng 10 giảm 0,19%, tháng 11 giảm 0,76%, tháng 12 giảm 0,68%. Kinh tế vĩ mô ổn định: thu chi ngân sách được cân đối; tổng thu ngân sách nhà nước vượt mức dự toán cả năm, tăng 26,3% so với năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu đạt 62,9 tỉ USD, vượt kế hoạch đề ra; kim ngạch nhập khẩu đạt 80,4 tỉ USD, tăng 28% so với năm 2007. Những thành tựu này có vai trò to lớn trong việc giữ vững ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay cũng còn những hạn chế đáng kể: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa được xây dựng đồng bộ, vận hành suôn sẻ; quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều bất cập; chưa có giải pháp mang tầm đột phá để kinh tế nhà nước thực sự hoàn thành tốt chức năng chủ đạo trong nền kinh tế; kinh tế tập thể còn rất yếu kém; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực tác động của Nhà nước tới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước cần sớm hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu. Hệ thống luật này phải khẳng định và bảo vệ sự tồn tại khách quan, lâu dài tính đa dạng của các hình thức sở hữu; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu. Cần xác định rõ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà nước ta là cung cấp môi trường pháp lý tin cậy cho các chủ thể kinh tế phát huy tối đa năng lực của họ.

Cùng với vấn đề then chốt trên, cần tiếp tục phân định rạch ròi chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Nhà nước cần làm tốt chức năng hỗ trợ cho toàn xã hội sản xuất hàng hóa công cũng như tư; đặc biệt là kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội...

Để nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, cần cải cách thể chế xây dựng chính sách, tích cực đấu tranh chống các hành vi độc đoán, chuyên quyền, tệ quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài đó sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả tác động của Nhà nước tới sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập toàn cầu hiện nay./.


(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 78

(2) TS Nguyễn Từ tổng hợp, tính toán từ Thời báo Kinh tế Việt Nam, Kinh tế Việt Nam và thế giới, 2007 – 2008

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 8 (176) NĂM 2009

Trích dẫn từ: http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&news_ID=23438674

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

SUY NGẪM 34

Hà Nội quyết định bán 600 biệt thự cổ, có nhiều lý do để giải thích cho quyết sách này:

- Để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố? Nếu vậy Hà Nội “nghèo” quá? Khi “túng bấn” liệu sẽ định giá trị đúng cho cái cần bán? Bài học nghị định 61 còn nguyên đó!

- Vì nó là quá khứ thực dân để lại?  Không! nó là lịch sử, một giá trị văn hóa của Hà Nội!

- Vì không đủ khả năng quản lý? Nếu vậy cần cải cách lại cơ quan chủ quản của Nhà nước!

- Lý do khác ….

Bán để trùng tu, tôn tạo và gìn giữ các giá trị văn hóa thì nên bán (nhưng không thể bán theo kiểu cách hiện nay), còn bán chỉ vì chủ sở hữu thấy không cần thiết thì Nhà nước chỉ là người đại diện cho sở hữu toàn dân. Liệu người dân Hà Nội có quyền trả lời câu hỏi:  Cái xây mới có đủ thay thế cái ta đã bán?

CIVILLAWINFOR

TẠO HÓA KIỂM SOÁT NHÂN GIAN CŨNG BẰNG LUẬT

globe2pl8 HÀ YÊN

Khi đã hội đủ các điều kiện để sự sống xuất hiện, Tạo hóa tiếp tục thực thi một đề án vĩ đại hơn : Mở đường cho một loài đông vật cao cấp ra đời, “cấy” vào não bộ của nó một “con chíp” ý thức, và dần dần, đưa nó hòa nhập vào Trường thông tin ý thức bậc cao, hiện hữu khắp nơi và vận động vĩnh hằng cùng Vũ trụ. Động vật cấp cao ấy chính là Con người. Lúc này, Con người đã có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của cái nôi sinh ra mình và, bằng Tư duy, nó có thể đặt ra câu hỏi về Vũ trụ và về cả chính mình.

Điều này có vẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi mà sự tự tra vấn ấy đẻ ra cái Bản ngã không thể kìm nén. Cũng giống như loài người ngày nay tìm cách chế tạo người máy biết tư duy, mà không kiểm soát được sự xung đột của chính tư duy ấy, thì sẽ là thảm họa thương tâm, như một hậu quả tự đào mồ để chôn mình.

Tạo hóa, chẳng những đã biết trước điều đó, mà còn vạch ra, trong đề án, những “thiết kế ” hết sức chi tiết và cực kỳ thông minh, nhằm dẫn dắt cái bản ngã ấy tránh xa “cái Tôi cực đoan”, để đi đến địa vị Chúa tể muôn loài của trần thế.

Vậy, tạo hóa thể hiện điều thông minh ấy ở chỗ nào?

1. Tại sao động vật phải phân chia giới tính?

Sinh sản là phương thức để duy trì nòi giống, là phương thức chống lại sự suy giảm lượng của giống loài. Nhưng quá trình tự sinh sản đã diễn ra ở cấp độ phân tử trong giai đoạn tiến tới cấu trúc ADN rồi, thì hãy cứ theo qui trình ấy, mà mỗi cá thể tự sinh sản lấy, sẽ đơn giản hơn không?

Vấn đề nằm ở hành vi của ý thức : Đó là tư duy. Cái mà Tạo hóa ban cho mỗi cá thể được quyền sở hữu. Vì vậy, lẽ tự nhiên, Cá thể được quyền quyết định hành động theo Tư duy của mình là hoàn toàn hợp lôgic của Tạo hóa!

Rõ ràng, đây là một kẽ hở mà thảm họa tuyệt chủng có thể xảy ra : Bởi vì, nếu sự sinh sản phụ thuộc vào sở thích chủ quan, thì cá thể nào cũng sẵn sàng chọn lấy giải pháp an toàn hơn cho chính mình. Trong khi đó, với Thế giới động vật sinh tồn bằng bản năng, thì thời điểm sinh nở và nuôi con, là thời điểm nguy hiểm nhất, kẻ săn mồi sẽ ráo riết tận dụng. Xác suất “mẹ tròn con vuông” là rất thấp. Còn đối với con người thì sinh đẻ là một thứ cảm giác đau đớn. Là thời điểm sinh mạng lảo đảo “đi qua chiếc cầu độc mộc”, như dân gian đã từng ví. Như vậy, ở chế độ sinh sản tự quyết, thì cá thể nào trong Thế giới loài người, mà chẳng chọn lấy giải pháp an toàn và không đau đớn : Đó là, từ chối sinh sản. Sự chọn lựa này, cũng giống như những người thích chọn sống độc thân, để được nhẹ thân, trong xã hội ngày nay của chúng ta vậy. Nguy cơ tuyệt chủng cúng chính là lý do đó.

Để lấp kín kẽ hở này, Tạo hóa đã chọn một giải pháp hết sức thông minh : Đó là phân chia giới tính : Sự sinh sản tự quyết bị loại bỏ. Thay vào đó là sinh sản phụ thuộc, thông qua giao phối cặp Trống – mái ; Đực – cái ; Nam – nữ.

Những yếu tố để tạo ra một sinh linh không còn được sở hữu của chỉ một cá thể, mà được chia đôi cho một cặp. Sư giao hợp của cặp, sẽ dẫn tới sự hình thành trọn vẹn một sinh linh. Như vậy, trong cuộc đời, cá thể nào cũng phải đi tìm một nửa còn lại của mình để sự sinh sản được thực hiện. Cuộc tìm kiếm ấy được dẫn dắt trực tiếp bằng sự mách bảo của trái tim và mở đầu cho một sự gắn bó lâu dài để tạo dựng nên một hình thái mới : Gia đình. Một hình thái, được gắn kết bằng sợi dây huyết thống thiêng liêng. Chính màu sắc Tâm linh củahuyết thống, đã đưa con người thoát khỏi kiếp sống bầy đàn của thú vật, lên một đẳng cấp cao, một cộng đồng xã hội có trật tự, có thể chế, mà gia đình, lấy Huyết thống làm nhân, tạo nên một cấu hình tế bào, gọi là Tế bào xã hội.

Bằng cách đó, Tạo hóa đã chuyển đổi từ, cái gọi là : từ chối sinh sảnở chế độ tự quyết, thành từ chối giao phối ở chế độ phụ thuộc. tránh được sự can thiệp vào tự do Tư duy của con người. Một tính toán chuyển đổi rất thông minh, Bỡi vì, lý do từ chối sinh sản tự quyết, cũng chính là lý do hấp dẫn của phần thưởng, đi kèm theo, mà Tạo hóa đã “cài đặt” sẵn trong sinh sản phụ thuộc.

Mặt khác, để đề phòng sự bùng nổ sinh thái, Tạo hóa gán cho “giống cái”, một “thiết chế ” tạo nhịp sinh học, giữ cho chu kỳ sinh sản luôn cân bằng với sinh thái : Đó là chu kỳ mà người ta gọi là “Mùa động đực” hay “Kỳ rụng trứng”.

Nhịp sinh học sinh sản còn có vai trò hạn mức tuổi sinh sản khả ưu trong vòng đời của mỗi cá thể, nhằm đảm bảo thể chất giống nòi, đối với các thế hệ kế tiếp về sau.

Song song với thiết chế nhịp sinh học sinh sản, Tạo hóa sử dụng nghệ thuật ”Thưởng lạc “, làm phần thưởng kích mở niềm khao khát hoàn thành bản năng bảo toàn nòi giống. Và được “cài đặt” cùng với giải pháp phân chia giới tính.

2. Nghệ thuật động viên và ban thưởng

Phần thưởng đậm đà nhân văn mà Tạo hóa chỉ dành riêng cho loài người, là thổi hồn vào trái tim, đưa nó hòa nhập vào một Thế giới đắm say, tràn đầy tình yêu thương. TrongThế giới đó, Tạo hóa dành riêng một “Cõi Bồng lai” cho tình yêu nam – nữ. Những giờ phút hòa mình trong cõi Bồng lai ấy, hai nửa của nhau như được nhấp vị men nồng và cảm nhận cái đẹp ngập tràn Vũ trụ, cảm thấy sung sướng do chính mình làm nên cái đẹp ấy. Giờ đây, Trái tim đã có một đời sống : nó rạo rực lúc cùng bên nhau, nhớ nhung trong xa cách và thổn thức trong thử thách của thời gian …

Tạo hóa thật thần tình! Ban tặng cho con người một Trái tim chứa cả hai Thế giới: Thế giới Vật lý và Thế giới Tâm linh. Với Vật lý, nó là một cái “Bơm máu”, làm chức năng như ở mọi loài động vật khác. Với Tâm linh, nó hướng con người vào Thế giới của yêu thương, niềm tin và hạnh phúc.

Nhà cách mạng Giu-li-ut Phu-xich, với một khám phá bất ngờ, ông viết : “Tình yêu mà không có quan hệ xác thịt, thì đó là tình anh em”. Phát hiện đó cũng chính là triết lý hiện hữu trong Tự nhiên, mà Tạo hóa sử dụng để động viên Thế giới động vật tích cực tham gia vào quá trình bảo tồn nòi giông.

Khi mà sự sinh sản dựa trên cơ sở giao phối cặp giới tính, thì việc đánh thức lòng ham muốn ái ân, phải thắng áp đảo cảm giác lo âu trong nữ giới, bỡi sự ám ảnh thời khắc phải di qua “Chiếc cầu độc mộc”.

Con người sở hữu ý thức và Tư duy, thì điều này có vẻ phức tạp. Nhưng, tuyệt vời thay, trong giờ phút đắn đo ấy, Tạo hóa cho phép mệnh lệnh Trái tim là tuyệt đối. Và cùng với thúc dục của con tim, Tạo hóa ban cho phần thưởng thể xác : một cảm giác khoái lạc, trong giây phút ngắn ngủi, mà hai nửa của nhau thực thi trách nhiệm sinh sản.

3. Trừng phạt

Về luật Tự nhiên, thì Tạo hóa đã thành công trong “đề án” duy trì nòi giống của muôn loài. Riêng với con người, thì tình hình tiềm ẩn lắm nguy cơ phức tạp. Bởi vì Tạo hóa trao cho con người ý thức, mà hành vi của ý thức ấy, thuộc về một không gian tư duy có khả năng hòa tan mọi luật lệ.

Cái phần thưởng hấp dẫn mà Tạo hóa ban cho, trong một công đoạn khó khăn, của quá trình sinh sản hợp lệ, sẽ bị lạm dụng bỡi vô minh, khiến tư duy đẻ ra hành vi phi đạo đức.
Trong tiến trình sinh sản lành mạnh, Tạo hóa lấy Huyết thống làm nhân tố sống còn, vì nó là “Nhân” của Tế bào xã hội. Và chính Tế bào xã hội là đơn vị để tiên lượng sự suy vong hay hưng thịnh nòi giống. và do đó cũng là, hưng thịnh hay suy vong của cả cộng đồng. Mọi hành vi phá hủy Huyết thống, về mặt tự nhiên, đều bị Tạo hóa trừng phạt rất nghiêm khắc. Loạn luân là một hành vi như vây.

Hình phạt mà Tạo hóa giáng vào hành vi loạn luân là một hệ quả thương tâm của chính hành vi đó: Quái thai!

Nhưng, vì sao sinh linh bé nhỏ kia phải gánh chịu nỗi đau thương tâm đó, mà không phải là người đã gây ra? Có hai lý do, một là : Tội làm băng hoại Tâm linh, thì phải dùng hình phạt Tâm linh tương xứng. Sản phẩm của hành động phạm tội, sẽ mãi mãi là hình ảnh giằng xé tinh thần, phủ bóng đen lên đời sống Tâm linh, làm cho kẻ phạm tội suốt đời phải sống trong đày đọa tinh thần, trong cảm giác tù ngục. Hai là : Giá trị kiếp sống làm người, mà Tạo hóa ban cho, không nằm ở thể xác, mà ở nơi tột đỉnh tinh thần, đó là Tâm linh. Sự nghiêm khắc của hình phạt phải được thực thi ở đó.

Khi công trình sáng tạo muôn loài bị xâm hại, dẫn đến nguy cơ, thì sự trừng phạt của Tạo hóa sẽ được thực thi một cách sòng phẳng và công bằng, dù đó là Thiên tử quân vương hay hạng phàm phu tục tử.

Tạo hóa sẽ ứng xử thế nào với hành vi chiếm dụng phần thưởng thể xác, để thỏa mãn nhục dục bất chính, nhưng chưa đến mức phá hủycông trình sáng tạo muôn loài của Tạo hóa, như hành vi loạn luân?

Đây là vấn đề Đạo đức. Tuy cũng là sản phẩm của ý thức, do Tạo hóa dành riêng cho loài người, nhưng nó cũng được nuôi dưỡng bỡi tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cho nên cộng đồng xã hội có trách nhiệm xử lý.

Nhưng, như thế không có nghĩa là Tạo hóa bỏ mặc nhân gian. Những gì thuộc về diễn tiến của ý thức và Tư duy, thì Tạo hóa không can thiệp. Tạo hóa chỉ ra tay, khi hệ quả của diễn tiến ấy, gây hư hỏng công trình mà Tạo hóa đã dày công xếp đặt.

Cộng đồng xã hội ngày nay tỏ ra lúng túng trước những vấn đề mới của Đạo đức. Vấn đề tình dục bất chính là một hiện tương như vậy, từ lo sợ sự lên án của đạo đức truyền thống, mà phải hành động ngấm ngầm, lén lút như kẻ ăn vụng, thì nay đã dần công khai, mà đỉnh cao là nâng hành động ấy lên tầm một Khoa học : Gọi là Tình dục học, và được truyền khẩu, truyền thông, truyền bá như một cuộc cách mạng nhận thức. Một vài tổ chức hoặc học giả nhanh chân, muốn mình là chiến sĩ tiên phong trong cuộc cách mạng nhận thức mới mẻ đó, tỏ ra không thua kém nền Khoa học Tình dục và các Nhà Tình dục học của Xã hội văn minh Phương tây.

“Văn hóa bắt chước” mà thiếu tư duy chắc lọc, hóa ra cũng tai họa không kém cho Văn hóa bản sắc. Đáng lẽ chỉ dừng lại ở chừng mực như: Văn phòng Tư vấn sức khỏe sinh sản, Giáo dục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Giáo dục Giới tính học đường có định hướng, thì tính khoa học nhân văn có kém đi đâu, mà giá trị bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ đời sống gia đình, và đặc biệt, bảo vệ đạo đức truyền thống, vẫn được bảo đảm.

Các “Nhà Tình dục học”, trong một cuộc hội thảo kéo dài nhiều ngày, cuối cùng đã đồng thanh đưa ra một Nhận định mang tính dắt dẫn Xã hội, đại thể nói rằng, “Đã đến lúc xã hội phải công nhận Tình dục ngoài hôn nhân”, và để giảm bớt phân nào màu sắc tha hóa, Hội thảo đã bổ sung thêm Nhận định thứ hai rằng :”Hình mẫu gia đình truyền thống vẫn cần phải tồn tại…

Đối với truyền thống gia đình Việt Nam, thì hai nhận đinh trên là hoàn toàn đối kháng. Những cuộc hôn nhân tan vỡ, những mái ấm gia đình suy sụp, chiếm một tỷ lệ cao là do “một nửa của nhau”, lừa dối và che mắt nhau để đi tìm cảm giác rạo rực mới. Vậy thì công nhận tình dục tự do, hình mẫu gia đình truyền thống làm sao tồn tại?

Một nhà Triết học Phương Tây từng viết rằng “ ”. Nghĩa là Khoa học vị Khoa học, thì quả là đúng như vậy.

Khoa học không quan tâm đến đạo đức và Khoa học không chứa trong lòng nó mầm mống của Tâm linhCùng với nghệ thuật gợi dục dưới mọi hình thái, đang xâm nhập từ bên ngoài vào đới sông xã hôi, đang làm chao đảo Tư duy lớp trẻ, thì một “Học thuyết đề cao nhu cầu lạc thú thể xác, như một khoa học sinh lý học tự nhiên” là một bước đi nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ phân mảnh gia đình và hậu quả tiếp theo là không thể nào lường được.

Dễ có đến hơn 30 năm diễn biến lệch lạc mang tính xã hội, về nhu cầu “giải phóng thể xác” nói chung và về tư duy tình dục nói riêng, con người đã tự đầu độc mình bằng một thứ hoan lạc thể xác, chiếm dụng bất chính từ Tự nhiên, hoặc bào chế dược liệu để đưa vào cơ thể, công trình mà Tạo hóa đã dày công kiến tạo.

Nguy cơ suy kiệt giống nòi đã hiện hữu và đã diễn ra đều khắp trong đời sống nhân loại. Tạo hóa đã can thiệp kịp thời bằng một hình phạt nghiêm khắc : Tuyên bản án Tử hình những ai coi giây phút hoan lạc thể xác, cao hơn giá trị của chính thân các mình, bằng biện pháp hủy bỏ hệ miễn dịch.

Con người chịu ơn Tạo hóa, đã trao cho mình trí tuệ để vĩnh hằng cùng Vũ trụ, và cũng đã sắm cho mình hệ miễn dịch để bảo toàn thân xác cùng thời gian. Không có gì thiêng liêng hơn thế và cũng không có gì quí trọng hơn thế, vây mà không biết trân trọng giữ gin, lại đem đánh đổi lấy vài phút khoái lạc mà phải vương vào tội lỗi, chồng chất thêm gánh nặng lên vai nhân loại, vì phải cưu mang họ suốt thời gian còn lại của kiếp người.

4. Kết luận

Cuối cùng, có lẽ cũng phải thẳng thắn mà nhận ra rằng, nếu sự giao phối khác giới chỉ đem lại cảm giác đau đớn và ghê sợ, như một dị vật thâm nhập vào cơ thể, thì làm sao cổ vũ được những cặp “hai nửa của nhau” tích cực tham gia vào sứ mệnh sinh sản để duy trì nòi giống?

Vì vậy, trân trọng cái “hiệu ứng cảm giác” mà Tạo hóa ban cho, là việc nên làm, với một Tư duy nghiêm túc nhất về Tính mục đích Tính đạo đức của nó. Tại sao lại đánh cắp rồi khoác lên nó chiếc áo Khoa học, để cổ vũ cho chủ nghĩa hưởng thụ, dưới cái nhãn “Sinh lý tự nhiên” của muôn loài, mà không chút quan tâm đến mặt Đạo đức và Xã hội?

Năm 1919, trong buổi trò chuyện với các Đại biểu Đoàn Thanh niên Công sản Lê-nin, về đề tài này, Lãnh tụ vĩ đại V.I. Lê-nin đã chỉ ra rằng : Tình dục trong khuôn khổ hôn nhân và giá thú là một trách mhiệm cao cả. tình dục ngoài hôn nhân là một hành vi vô trách nhiệm và thực sự bẩn thỉu.

Thiết nghĩ, không cần bình luận gì thêm.

TRÍCH DẪN TỪ:

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Ton-Giao/Tao_hoa_kiem_soat_nhan_gian_bang_luat/

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

DOANH NGHIỆP VÀ THƯƠNG HIỆU

RICHARD MOORE ASSOCIATES

1. Thương hiệu là gì?

Tại Mỹ, thuật ngữ “thương hiệu” được dùng hiện nay có nguồn gốc từ dấu sắt nung in trên mình gia súc thả rông để đánh dấu quyền sở hữu của người chủ đối với đàn gia súc. Tại Việt Nam, thuật ngữ này mới xuất hiện trong khoảng thời kỳ đổi mới.

Hiện nay, từ “thương” trong “thương hiệu” được biết đến rộng rãi với ý nghĩa liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, theo Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm, nguồn gốc tiếng Hán của từ này có nghĩa là “san sẻ, bàn tính, đắn đo cùng nhau”, một nét nghĩa có lẽ phù hợp hơn với giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp.
Giá trị hơn vẫn là cách thức mà một thương hiệu mạnh liên hệ về mặt cảm xúc với khách hàng thông qua các mối liên tưởng khác nhau.
Để giải thích về thương hiệu, hãy thử nghĩ tới bạn bè xung quanh và những mối quan hệ công việc mà bạn có. Nếu họ có chút gì đó giống với các mối quan hệ quen biết của tôi, thì bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, tất cả họ đều khác nhau, mỗi người có những nét tính cách riêng, đó là chưa kể đến đặc điểm khác biệt về ngoại hình. Và cũng như tôi, có lẽ bạn cũng đã tạo dựng mối quan hệ với từng người trong số đó theo những cách thức khác nhau.
Thương hiệu cũng rất giống với những người quen mà bạn vừa nghĩ đến. Đằng sau mỗi logo là một thói quen hành xử mà bạn thấy có thể chấp nhận được hay thậm chí bạn rất ưa thích. Giống như các mối quan hệ, thương hiệu thường trở nên đáng ưa trong mắt bạn chỉ khi chúng phù hợp tương ứng với nhu cầu trong cuộc sống của bạn và giữ được điều đó nhất quán cùng với thời gian.
Tôi nhận thấy, việc nghĩ về thương hiệu như thể đó là một con người sẽ rất hiệu quả, bởi điều này giúp chúng ta hiểu rõ cách thức hoạt động của thương hiệu. Thậm chí, ngay cả sau khi đã trải qua hơn 30 năm giúp các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, tôi vẫn nhận thấy có những điểm tương đồng mới giữa thương hiệu và con người. Giống như con người, thương hiệu được hỗ trợ bởi một tính cách được phối hợp tổng hòa, bởi đặc tính hoạt động tin cậy và hiển thị rõ nhất là nhờ có diện mạo đẹp. Hơn nữa, cũng giống như con người, lý do mạnh mẽ nhất khiến chúng ta xây dựng các mối quan hệ lâu dài với thương hiệu chính là yếu tố cảm xúc.
Câu nói “Hãy cho tôi biết bạn bè của bạn, tôi sẽ cho biết bạn là người như thế nào” đúng trong mối quan hệ của chúng ta với thương hiệu cũng như với bạn bè và các mối quen biết khác. Một người đàn ông có thể hút thuốc Marlboro, đi xe Mercedes Benz và dùng điện thoại iPhone không chỉ vì những đặc tính riêng của những sản phẩm đó, mà còn vì muốn thể hiện cho người khác thấy anh ta là người như thế nào.
Dĩ nhiên, thương hiệu không phải là con người. Đó là tập hợp những gì con người tạo ra, nhằm thực hiện một hành vi mang tính xã hội mà chúng ta gọi là “kinh doanh”. Và khi công việc kinh doanh phát triển và lớn rộng, bên cạnh những kỹ năng liên quan đến việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt, doanh nghiệp còn phải tiến hành hoạt động nghiên cứu và phát triển, thiết lập công tác bán hàng và xây dựng hệ thống phân phối sao cho trôi chảy, kế đến là tiếp cận các đối tượng khách hàng mục tiêu với các chiến lược marketing và truyền thông sao cho hiệu quả.
Khi tất cả những hoạt động này được phối hợp nhuần nhuyễn, hỗ trợ lẫn nhau và việc kết hợp các hoạt động này mang lại kết quả là một đơn vị độc đáo khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, lúc này chúng ta có được một thương hiệu mạnh.

2. Khác biệt hóa thương hiệu

Nếu bạn có khả năng đặc biệt và có thể vận dụng khả năng của mình một cách hữu ích, bạn đã tạo được lợi thế riêng trong cuộc sống. Đối với thương hiệu cũng vậy, do đó cần phải chăm chút để tạo sự khác biệt cho thương hiệu. Con người chúng ta khác biệt nhờ yếu tố di truyền, môi trường và bởi những sự lựa chọn mà chúng ta quyết định.

Đối với thương hiệu, hai yếu tố sau là những yếu tố mà chúng ta cần chú trọng, đó là môi trường kinh doanh cụ thể trong phân khúc thị trường mà doanh nghiệp cạnh tranh và sự lựa chọn của doanh nghiệp đối với việc sẽ tiếp thị sản phẩm của mình như thế nào trong phân khúc thị trường đó.

Ở các bài viết trước trong chuyên đề về thương hiệu, chúng ta đã bàn tới nghiên cứu nội bộ doanh nghiệp và nghiên cứu thị trường bên ngoài, để giúp doanh nghiệp xác định những mục tiêu của thương hiệu và hiểu rõ môi trường mà thương hiệu hoạt động. Những thông tin thâu tóm được từ các nghiên cứu này là nền tảng cần thiết để có thể xác lập một chiến lược khác biệt hóa thực sự ý nghĩa. Sử dụng kết quả nghiên cứu, bạn có thể liệt kê một danh sách các khía cạnh cụ thể mà thương hiệu của bạn khác biệt so với các đối thủ. Những điểm khác biệt này cần phải được phân tích kỹ để đảm bảo rằng, mỗi điểm khác biệt sẽ thực sự hữu ích khi giúp thương hiệu của bạn tạo được lợi thế cạnh tranh.
Trước tiên, mỗi điểm khác biệt trong danh sách nói trên cần phải được thử thách bởi câu hỏi: “Lý do nào sẽ khiến cho khách hàng tiềm năng thực sự tin điều này?”. Tiếp đến, bạn cần mô tả rõ những lợi ích mà từng điểm khác biệt sẽ mang lại cho khách hàng. Trên thực tế, có hai kiểu lợi ích khác nhau và chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng từng nhóm ích lợi này. Rõ ràng nhất chính là nhóm lợi ích mang tính chức năng hay còn gọi là lợi ích lý tính. Chẳng hạn, nếu một thương hiệu chế biến thực phẩm sử dụng nguyên liệu hoàn toàn không có thuốc trừ sâu thì đó là một lợi ích lý tính rõ ràng và mang tính cạnh tranh cao mà chúng ta có thể sử dụng. Bạn cũng cần xác định rõ điểm khác biệt đó sẽ mang lại những lợi ích gì về mặt cảm xúc cho khách hàng, bởi vì cảm xúc là yếu tố hết sức quan trọng trong việc thiết lập một thương hiệu mạnh. Đối với một thương hiệu thực phẩm đảm bảo không sử dụng thuốc trừ sâu, lợi ích cảm tính tương ứng có thể là nó sẽ góp phần tạo nên một phong cách sống lành mạnh cho các hộ gia đình.
Khi chúng tôi giúp các doanh nghiệp lập danh sách những điểm khác biệt của thương hiệu, sau khi tất cả các phương án đã được phân tích và xem xét, chúng tôi nhận thấy rằng thường chỉ còn lại khoảng mười điểm mạnh. Những điểm này sẽ rất hữu ích khi sử dụng trong các hoạt động truyền thông thương hiệu thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, để thiết lập cơ sở cho một chiến lược khác biệt hóa chính thức nhằm định hướng cho chương trình xây dựng bản sắc nhận diện thương hiệu mang tính chiến lược, chúng ta chỉ có thể sử dụng một vài điểm khác biệt nổi trội nhất. Thị trường ngày nay có vô vàn thương hiệu và để thương hiệu của bạn có thể chiếm hữu được một vị trí đáng nhớ trong tâm trí khách hàng, bạn phải tránh tạo ra một chân dung quá phức tạp, mà chỉ nên nhấn mạnh các đặc tính thương hiệu quan trọng nhất.
Dù theo cách nào chăng nữa thì việc thực hiện chu đáo quá trình này sẽ mang lại những lợi ích rất lớn. Một khi bạn xây dựng được chiến lược khác biệt hóa rõ ràng và súc tích cho thương hiệu của mình, bạn sẽ có cơ sở tốt để thiết lập những mối liên hệ cảm xúc thực sự có ý nghĩa với các khách hàng. Qua đó, bạn có thể sử dụng những gì đã đúc rút được làm nền tảng cho việc xây dựng một hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu mạnh. Vậy là, sử dụng những khía cạnh giúp bạn tạo sự khác biệt sẽ mang lại cho bạn những lợi thế chiến lược trên thị trường cạnh tranh.

3. Xác định rõ tính cách cho thương hiệu

Thương hiệu giống với bạn và tôi đến ngạc nhiên. Tính cách con người chúng ta quan trọng đối với việc hình thành nên các mối quan hệ với mọi người xung quanh như thế nào, thì đối với thương hiệu, tính cách cũng quan trọng không kém. Một nghiên cứu tại Mỹ về 60 thương hiệu thành công cho thấy rằng, hầu hết trên 1.000 người tiêu dùng tham gia nghiên cứu đều liên hệ các nét tính cách nhất định với từng thương hiệu cụ thể, trong đó có những nét tính cách như “chân thành”, “cởi mở”, “tự nhiên”, “quyến rũ” và “phong trần”.
Vậy bạn dự định phát triển tính cách cho thương hiệu như thế nào? Cũng giống như con người chúng ta, tính cách thương hiệu phải được hình thành từ chính những yếu tố nội tại. Song tính cách thương hiệu cần phải tương đối đơn giản, chứ không giống như tính cách con người vốn khá phức tạp. Theo kinh nghiệm trong hơn 30 năm qua làm về phát triển thương hiệu, tôi nhận thấy rằng, thường thì tính cách thương hiệu chỉ nên sử dụng đến ba nét tính cách là hiệu quả nhất. Những nét tính cách này có thể giống như bất kỳ nét tính cách nào có ở con người, nhưng chúng phải thỏa mãn những tiêu chí nhất định để nhằm tạo ra một bản sắc nhận diện hiệu quả cho thương hiệu.
Trước tiên, tính cách phải phù hợp với những đặc điểm lý tưởng của thương hiệu đó. Nếu nghiên cứu nội bộ được thực hiện cẩn thận từ giai đoạn đầu khi xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu thì những đặc điểm lý tưởng này đã được xác định rõ.
Tính cách thương hiệu cũng phải phù hợp với chiến lược khác biệt hóa của thương hiệu. Điều này có nghĩa là tính cách đó phải phù hợp với cách bạn tạo sự khác biệt giữa thương hiệu của mình với các đối thủ cạnh tranh. Và điều này cũng có nghĩa là thậm chí nếu một nét tính cách cụ thể nào đó rất phù hợp với bạn đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ không có được nhiều ưu thế từ việc sử dụng nét tính cách đó, nếu như đối thủ cạnh tranh của bạn đã dùng nét tính cách đó rồi.
Bất kỳ nét tính cách nào được lựa chọn cần phải thực sự có “tiếng nói”. Những nét tính cách như “vui vẻ”, “chân thành” hay “ thông minh” có thể định hướng rõ ràng cho cách thể hiện thương hiệu thông qua các yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh, song những đặc tính hơi trừu tượng như “dễ chịu”, “hào phóng” hay “may mắn” thường khó sử dụng để mang lại hiệu quả thực sự.
Sau cùng, những nét tính cách trong một bộ tính cách phải có tính tương hỗ lẫn nhau. Nếu lựa chọn tốt, những nét tính cách này có thể điều chỉnh và nâng đỡ lẫn nhau để tạo nên một tổng hòa mà con người chúng ta gọi là “tính cách hài hòa”.
Như bạn thấy, việc xây dựng tính cách cho một thương hiệu cũng giống như việc bạn lựa chọn ba nốt nhạc để tạo nên một bản hòa âm. Nếu đó đúng là những nốt nhạc bạn cần, thì chúng sẽ kết hợp hài hòa với nhau và bạn có thể tạo nên những thanh âm tuyệt vời. Các thương hiệu có tính cách rõ ràng như Apple, Kodak, Disney, Levis, Nokia và thậm chí cả Manchester United, tất cả bọn họ đều biết rõ tính cách thương hiệu của mình và họ sử dụng chúng một cách nhất quán từ năm này qua năm khác trên thị trường.
Vậy bạn có thể thay đổi tính cách thương hiệu hay không? Tính cách con người có thể thay đổi nếu họ thực sự nỗ lực thay đổi và tính cách của thương hiệu cũng vậy. Tuy nhiên, việc thay đổi này phải được thực hiện hết sức thận trọng. Ngay cả khi thay đổi theo chiều hướng tốt hơn chăng nữa, song nếu thương hiệu cứ chạy theo hết thay đổi này đến thay đổi khác, thì cho dù việc thay đổi có tốt đến mấy mọi người cũng sẽ bắt đầu phân vân không biết bạn thực sự là người như thế nào. Sự tin tưởng là nền tảng của mọi mối quan hệ gắn bó lâu dài, vì vậy việc thay đổi tính cách thường sẽ gây nguy hại đến cảm nhận của khách hàng về chính thương hiệu của bạn.

4. Chuyển dịch phạm vi tham chiếu của thương hiệu

Bạn đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nào? Câu trả lời của thị trường sẽ quyết định những ai là đối thủ cạnh tranh mà khách hàng sẽ so sánh với bạn. Phân nhóm lĩnh vực kinh doanh của một thương hiệu có lẽ là một vấn đề khá cơ bản và do đó nó cũng không được chú ý nhiều như các khía cạnh khác của thương hiệu.

Rõ ràng là khi nhắc đến Pepsi, chúng ta nghĩ tới một loại đồ uống nhẹ, Casumina thì thuộc nhóm sản phẩm săm lốp, còn Epson thì nằm trong nhóm chuyên về công nghệ hình ảnh. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng đều rơi vào một phân nhóm kinh doanh cụ thể nào đó như vậy. Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp mới với những sản phẩm mang tính đặc thù nguyên bản cao cũng thấy rằng, cách dễ dàng nhất để tạo chỗ đứng trên thị trường là định vị thương hiệu trong một phân nhóm kinh doanh đã được biết đến, sử dụng các nét đặc trưng của những sản phẩm mà mọi người đã biết đến để làm nền tảng.
Ở các bài trước trong loạt bài viết về thương hiệu, chúng ta đã xem xét đến tầm quan trọng của việc khác biệt hóa thương hiệu trong phạm vi kinh doanh thông thường, bằng cách xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu, những lợi ích đặc thù của thương hiệu và lý do để tin tưởng vào những điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn có thể thay đổi cách mà khách hàng nghĩ về bạn trong một “phạm vi tham chiếu” khác hẳn so với các đối thủ cạnh tranh thì sao? Nếu bạn làm được điều đó thì việc chuyển dịch phạm vi tham chiếu có thể sẽ là một trong những cách thức có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất khi định vị thương hiệu.
Một cách chuyển dịch phạm vi tham chiếu của một thương hiệu là mở rộng phạm vi đó. Nếu bạn đã tạo dựng được uy tín trong một phân nhóm kinh doanh nhất định thì đây có thể là phương pháp hiệu quả để mở rộng thương hiệu, bởi nó có thể cho phép bạn mở ra các cơ hội phát triển kinh doanh theo hướng suy nghĩ rộng hơn.
Một ví dụ tốt minh chứng cho điều này là Crest, thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng trên thị trường Hoa Kỳ. Những năm gần đây, Crest đã mở rộng phạm vi tham chiếu của thương hiệu, không chỉ giới hạn trong phân nhóm “kem đánh răng” mà mở rộng ra các sản phẩm “vệ sinh răng miệng” khác. Crest đã làm được việc này qua việc giới thiệu các sản phẩm như nước súc miệng, chỉ nha khoa, sản phẩm làm trắng răng..., một cách mở rộng dòng sản phẩm mà họ kinh doanh và giúp doanh thu tăng lên đáng kể.
Một ví dụ khác là thương hiệu Gillette, trong một thời gian rất dài, họ đã mở rộng từ phân nhóm sản phẩm “dao cạo” sang phân nhóm sản phẩm “làm đẹp cho nam giới”, bằng cách giới thiệu một loạt sản phẩm liên quan đến nhau như kem cạo râu, nước dưỡng da sau khi cạo râu và cuối cùng là nước hoa dành cho nam giới.
Bạn cần lưu ý rằng, trong cả hai ví dụ trên, mặc dù các sản phẩm cũ và mới khác xa nhau (từ dạng bột kem cho đến dạng sợi tơ và chất khử trùng, từ sản phẩm làm bằng chất liệu thép chuyển sang sản phẩm kem dưỡng và nước thơm), nhưng khách hàng vẫn có thể dễ dàng tin rằng, sự quan tâm và khả năng của từng công ty đó có thể cho phép họ tạo ra những sản phẩm thành công trong các phân nhóm kinh doanh mở rộng. Chúng ta có thể hiểu được mức độ quan trọng của việc không nên mở rộng quá xa cảm nhận của thị trường về phân nhóm kinh doanh của thương hiệu, qua việc hình dung đôi chút rằng, liệu điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai thương hiệu trên rời bỏ phân nhóm sản phẩm họ đã thiết lập được, để giới thiệu một sản phẩm chăm sóc chân.
Đó không phải là một ý hay. Các sản phẩm ra đời từ những sự thay đổi quá khác như vậy thường không được thị trường chấp nhận. Hơn nữa, các khách hàng trung thành có lẽ sẽ bắt đầu nghi ngờ về đặc điểm riêng của thương hiệu mà họ nghĩ họ đã từng biết.
Không có nguyên tắc cố định nào cho việc thay đổi phạm vi tham chiếu của thương hiệu. Nó có thể được chuyển dịch từ mức chất lượng này sang một mức chất lượng khác trong cùng một phân nhóm, hoặc cũng có thể được thu hẹp lại. Một thương hiệu được nhận biết trong phân nhóm thông thường “nhà hàng ăn nhanh” đã rất thành công khi tập trung cảm nhận thị trường về thương hiệu bằng cách chỉ phục vụ duy nhất món phở. Giờ đây, Phở 24 đã “sở hữu” được phân nhóm “phở” trong tâm trí của đông đảo công chúng.

5. Lợi ích kinh tế của bản sắc nhận diện thương hiệu

Nếu bạn là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai tốt hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu - hệ thống giúp gắn kết từng phương tiện truyền thông một cách nhất quán, qua đó phối hợp các mục tiêu chiến thuật mang tính tác vụ hàng ngày của truyền thông marketing với mục tiêu xây dựng hình ảnh mang tính chiến lược lâu dài, thì bạn có thể thụ hưởng một số lợi thế quan trọng so với đối thủ cạnh tranh.

Hệ thống nhận diện thương hiệu nếu được sáng tạo một cách khéo léo sẽ là thành tố quan trọng góp phần tạo nên một hình ảnh thương hiệu tích cực và mang dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khách hàng. Thông thường, nếu sở hữu một hình ảnh thương hiệu mạnh, bạn có thể đặt mức giá cao hơn cho sản phẩm của mình và chi ít hơn cho hoạt động marketing, đặc biệt là các hoạt động khuếch trương. Tạo lập được hình ảnh thương hiệu vững vàng và được người tiêu dùng yêu mến, bạn sẽ khiến các đối thủ cạnh tranh phải tiêu tốn nhiều hơn cho các hoạt động truyền thông marketing, nếu họ muốn giành thị phần từ tay bạn. Hình ảnh thương hiệu tích cực cũng có thể đóng vai trò như một yếu tố giúp ổn định vào những thời điểm doanh nghiệp gặp sự cố, cho phép bạn có thời gian đưa ra giải pháp mà vẫn tránh được những mất mát nguy hiểm về doanh thu.
Đúng, hình ảnh thương hiệu là tài sản vô hình, song chúng ta có thể hiểu rõ hơn giá trị thực tế của nó qua lời phát biểu của John Stuart, nguyên chủ tịch Tập đoàn Quaker - một trong những công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất tại Mỹ trước đây: “Nếu công ty này phá sản, tôi sẽ trao lại cho bạn tài sản, nhà máy và thiết bị, còn tôi sẽ giữ lại thương hiệu và nhãn hiệu, và tôi sẽ tiến xa hơn bạn nhiều”. Thực tế, một vài năm sau đó, Quaker đã bán lại công ty và toàn bộ thương hiệu cho Pepsi với trị giá 14,2 tỷ USD.
Việc xây dựng hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu mang tính chiến lược là quá trình đầu tư được thực hiện một lần, thường hoàn tất trong vòng một năm và áp dụng cho cả chục năm sau đó, mà không cần sự thay đổi đáng kể nào. Chi phí in ấn, sản xuất các tài liệu truyền thông marketing theo định hướng của hệ thống nhận diện thương hiệu không tốn hơn chút nào so với những tài liệu chỉ đáp ứng tính chức năng đơn thuần. Thực tế, chúng ta có thể hạ thấp được phần nào chi phí sản xuất các tài liệu truyền thông “tĩnh”, như giấy tờ văn phòng, biểu mẫu, tài liệu thông tin sản phẩm, biển hiệu đại lý hay hệ thống nhận diện phương tiện vận chuyển, bởi có thể thực hiện chúng một cách hệ thống hơn.
Tuy nhiên, giá trị lớn nhất mà doanh nghiệp thu nhận được từ việc triển khai các tài liệu truyền thông marketing áp dụng bản sắc nhận diện thương hiệu mang tính chiến lược chính là, cho dù ngân sách truyền thông marketing của bạn là bao nhiêu thì hiệu quả đạt được sẽ nâng cao hơn rất nhiều. Khi được thiết lập, hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả tất cả các tài liệu truyền thông marketing để xây dựng một hình ảnh thương hiệu mạnh.
Bản sắc nhận diện thương hiệu cũng được xem như một trong những mặt không thể thiếu trong quá trình tạo dựng một thương hiệu mạnh, như quản lý chất lượng, nghiên cứu, marketing, truyền thông marketing, bán hàng và phân phối. Giống các hoạt động này, bản sắc nhận diện thương hiệu cũng cần được quản lý như một hoạt động thường xuyên và liên tục. Hệ thống nhận diện thương hiệu cần phải được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu phát triển dài hạn, nên trước tiên cần có sự tham gia của ban lãnh đạo cấp cao nhất trong doanh nghiệp. Và khi tạo dựng được hệ thống, ban lãnh đạo cần giao quyền hạn cho một cá nhân chuyên trách đảm nhiệm việc duy trì hệ thống đó và đảm bảo rằng, mọi hoạt động truyền thông marketing thường xuyên của công ty đều theo sát bản sắc nhận diện của thương hiệu, từ tấm danh thiếp nhỏ cho đến biển quảng cáo lớn.

SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP TỪ NGUỒN THÔNG TIN TRÊN BÁO ĐẦU TƯ ONLINE (Tên bài viết Civillawinfor đặt)

Trích dẫn từ: http://www.vir.com.vn/Client/Dautu/dautu.asp?CatID=56&DocID=15475

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

SUY NGẪM 36

college-graduates-full Nhân Hội thảo “Vấn đề giới trong xã hội và trong công tác đào tạo Luật” được tổ chức bởi Đại học Luật HN, Đại học Luật TPHCM và Đại học Lund Thụy Điển  từ ngày 17 đến ngày 18/4/2009 tại TPHCM, Civillawinfor nhớ đến cuộc trao đổi trong thời gian ngắn trước đó với một nữ luật sư ở TPHCM, theo khảo sát của Luật sư này:

Khi còn là sinh viên luật:

- Sinh viên nữ chăm học hơn sinh viên nam,

- Sinh viên nữ lễ độ, chân tình hơn sinh viên nam,

- Sinh viên nữ nắm bắt ý kiến đóng góp của người khác tốt hơn sinh viên nam.

Nhưng khi hành nghề luật sư:

- Luật sư nam làm việc tập trung hơn luật sư nữ,

- Luật sư nam nghiên cứu khái quát tốt hơn luật sư nữ,

- Luật sư nam đầu tư học tiếp (bằng nhiều hình thức) hơn luật sư nữ.

CIVILLAWINFOR

CÔNG TY MỘT NGƯỜI, TẠI SAO KHÔNG?

Bài này góp ý cho Dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (đã được ban hành). Civillawinfor đăng lại vì những đánh giá của tác giả về vai trò loại hình công ty TNHH 1 thành viên vẫn còn giá trị tham khảo.

LG. CAO BÁ KHOÁT

Khái niệm truyền thống coi công ty là sự canh ty của nhiều người, nên các quy định của luật công ty ở các nước thường quy định số thành viên tối thiểu phải có trong một công ty. Luật Công ty của Thái Lan quy định công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) phải có ít nhất 5 thành viên. Luật DN 1999 của Việt Nam quy định số thành viên tối thiểu đối với công ty TNHH là 2, công ty cổ phần phải là 3 thành viên. Nếu công ty TNHH một thành viên thì thành viên chủ sở hữu phải là pháp nhân. Không có sự giải thích tại sao công ty cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông?

Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu bản chất của công ty để thoát khỏi sự đồng nghĩa giữa công ty với canh ty. Trước hết, cần nhận rõ rằng, bản chất của công ty TNHH là chủ công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn điều lệ đã đăng ký. Thuật ngữ “TNHH” đã là một sự nhắc nhở với các đối tác khi làm ăn với loại hình DN này. Với đặc điểm như vậy, một công ty dù đơn sở hữu vẫn có thể được thành lập dưới dạng TNHH. Sau đó, còn những lý do sau:

Thứ nhất, công ty là một thực thể pháp lý do pháp luật tạo nên, là công cụ để phân định trách nhiệm tài sản, phân tán rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư. Nó không phụ thuộc vào số người, vì công ty có 1.000 chủ sở hữu cũng có địa vị pháp lý như công ty có 2 chủ sở hữu. Luật DN 1999 có quy định, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tối thiểu 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên. Thực ra, hai con số này không có ý nghĩa, chỉ do sự ước đoán. Tại sao lại hạn chế tối đa không quá 50 người? Có lẽ chỉ có thể giải thích được do quy định tại Điều 32 về nguyên tắc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên cho người ngoài công ty phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên còn lại. Nếu 1 người muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người ngoài công ty mà phải hỏi ý kiến của 49 người còn lại thì quá vất vả, nếu không hỏi thì bị coi là phạm luật và sự chuyển nhượng sẽ bị coi là vô hiệu nếu như có người khởi kiện do họ chưa được hỏi ý kiến. Thực tế cho thấy, quy định số người tối thiểu và tối đa trong Luật DN là không thiết thực.

Thứ hai, thực tế đã tồn tại các công ty TNHH một thành viên là cá nhân. Ở Việt Nam có đến 70% số công ty TNHH là vốn của 1 người trong gia đình và một vài người khác chỉ đứng tên cho đủ số. Ở Thái Lan, quy định công ty TNHH có 5 thành viên thì 1 người bỏ vốn thuê thêm các luật sư đứng tên để đủ 5 thành viên.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định, DN 100% vốn nước ngoài được thành lập theo hình thức công ty TNHH có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, nhưng không quy định số thành viên tối thiểu, nên 1 cá nhân nước ngoài, 1 Việt kiều đều có quyền thành lập DN 100% vốn nước ngoài do mình làm chủ. Luật Đầu tư nước ngoài không quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị công ty, nên đương nhiên DN 100% vốn nước ngoài có quyền áp dụng mô hình công ty TNHH theo Luật DN. Trong khi đó, Luật DN lại không quy định loại công ty TNHH một thành viên là cá nhân.

Đó chẳng phải là sự khập khiễng của hệ thống pháp luật Việt Nam? Tại sao một Việt kiều, một công dân nước ngoài có quyền lập một DN 100% vốn là pháp nhân Việt Nam, còn một công dân Việt Nam lại không được thành lập công ty là pháp nhân do mình sở hữu vốn? Khi thảo luận Luật DN 1999 đã có nhiều ý kiến đề nghị phải coi DN tư nhân là pháp nhân, tức là thừa nhận công ty TNHH một thành viên là cá nhân, nhưng ý kiến đó không được chấp thuận, có lẽ lý do đưa ra là sở hữu tài sản cá nhân với tài sản DN tư nhân không phân biệt nên dễ có nguy cơ làm phương hại lợi ích của chủ nợ. Có thể lý do này sẽ không còn đứng vững, nếu như một ông chủ hoàn toàn phân biệt được một cách minh bạch giữa tài sản kinh doanh của công ty với tài sản riêng của cá nhân.

Thứ ba, kinh doanh ngày càng có nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều rủi ro, nên nhu cầu lập các công ty TNHH một chủ để phân tán rủi ro ngày càng trở nên cấp bách. Ngay các công ty lớn ở các nước khi đầu tư vào những thị trường mới hoặc thị trường có nhiều yếu tố rủi ro, họ đều lập ra các công ty con một thành viên với số vốn điều lệ chỉ tượng trưng vài đô-la. Vốn hoạt động của công ty con sẽ do công ty mẹ cho vay bằng hợp đồng vay vốn. Khi ký kết các hợp đồng vay, công ty mẹ và công ty con là 2 pháp nhân độc lập. Nếu có rủi ro và công ty con phá sản thì công ty mẹ trở thành chủ nợ không đảm bảo và được ưu tiên đòi nợ theo Luật Phá sản. Như vậy, công ty mẹ cùng lắm chỉ mất vài đô-la đã đăng ký và rủi ro được phân bổ cho các chủ nợ khác.

Công ty TNHH một thành viên ngày nay là công cụ hữu hiệu cho các nhà đầu tư phân tán rủi ro, vì vậy một số nước đã chấp nhận cho cá nhân thành lập công ty TNHH một thành viên, thay vì họ chỉ được thành lập DN tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước đây. Vấn đề cốt lõi là phải phân biệt minh bạch tài sản riêng của cá nhân và tài sản kinh doanh mang tên công ty.

Thứ tư, việc quy định số thành viên tối thiểu trong công ty sẽ buộc các nhà đầu tư phải đối phó, vì họ phải nhờ người khác đứng tên đăng ký hộ. Người đứng tên này hoàn toàn vô trách nhiệm với công ty, thậm chí còn lợi dụng công ty để thu lợi riêng, làm phương hại đến lợi ích của ông chủ thật. Việc quy định công ty TNHH một thành viên là cá nhân sẽ tạo nên bức tranh minh bạch về sở hữu trong công ty hiện nay, tránh được tình trạng đứng tên hộ, số phần vốn góp mà ông chủ ghi cho người đứng tên sẽ thuộc sở hữu của người đứng tên, khi người đứng tên lật lọng thì ông chủ thực hoàn toàn chịu rủi ro trước pháp luật. Thực tế ở Việt Nam đã xảy ra những sự kiện này, việc ghi 5%, 10% khi lập công ty chỉ vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, nhưng khi công ty kinh doanh bất động sản thì vài triệu đồng lúc đầu sẽ có giá trị vài tỷ đồng, và thế là tranh chấp xảy ra!

Thứ năm, về mặt thực tế và tâm lý, người Việt Nam chưa có kinh nghiệm quản lý chung với nhiều người, trong khi vốn ít, thích kinh doanh một mình nhưng ngại chịu trách nhiệm vô hạn. Nếu có mô hình công ty TNHH một chủ là cá nhân thì sẽ rất phù hợp với nhà đầu tư, đáp ứng được nhu cầu phân tán rủi ro trong đầu tư của người Việt Nam. Đối với công ty cổ phần cũng sẽ xuất hiện câu hỏi tương tự. Tại sao số cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là 3? Không có lý lẽ nào thuyết phục. Nếu quy định công ty cổ phần trong một giai đoạn nhất định, khi vừa thành lập hoặc chuyển đổi thành, được phép chỉ có một cổ đông thì tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc cổ phần hoá các DN nhà nước chuyển ngay công ty nhà nước thành công ty cổ phần và bán dần phần vốn cho xã hội. Khi đó, vấn đề quản lý quá trình cổ phần hóa sẽ chỉ còn là xem số vốn nhà nước hiện còn là bao nhiêu, chứ không phải quản lý theo kiểu có bao nhiêu DN nhà nước chuyển thành công ty cổ phần.

Từ thực tế trên, đã đến lúc Luật DN chung phải quan tâm đến loại hình công ty một chủ là cá nhân, theo đó một cá nhân có thể thành lập công ty TNHH một chủ. Ngay cả công ty cổ phần khi thành lập ban đầu cũng nên cho phép được sở hữu bởi một chủ với quy định sau một thời gian, công ty phải gọi thêm người đồng sở hữu vốn theo luật định. Các công ty này là những pháp nhân độc lập với nhau, miễn là quyền sở hữu tài sản giữa các pháp nhân này phải minh bạch để nhà nước và xã hội kiểm soát được một cách công khai.

SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ

Trích dẫn từ: http://www.vir.com.vn/Client/dautu/dautu.asp?CatID=56&DocID=7184

TẬP ĐOÀN VÀ CHUYỆN MINH BẠCH THÔNG TIN

NGUYÊN THÀNH

LTS: Thời điểm này là mùa cao điểm đại hội cổ đông thường niên của các công ty cổ phần. Mục Sổ tay quản trị kỳ này đề cập đến hai khía cạnh cần lưu ý trong công tác quản lý điều hành doanh nghiệp (Tập đoàn và chuyện minh bạch thông tin, Vai trò của ban kiểm soát trong công ty cổ phần) mà nhà đầu tư nên tìm hiểu.

Mấy năm qua, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức cao đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh: có thể theo chiều ngang (horizontal diversification), có thể theo chiều dọc (vertical diversification) và cũng có thể đa đạng hóa các ngành nghề không liên quan (unrelated diversification).

Từ đó hình thành nên các tập đoàn kinh doanh đa ngành (conglomerate). Dưới hình thức này, các doanh nghiệp Việt Nam thường có tên “công ty cổ phần tập đoàn ABC” và hoạt động với những giao dịch nội bộ phức tạp giữa công ty mẹ và các công ty con (thường công ty mẹ chiếm trên 50% cổ phần công ty con) như cho vay, bảo lãnh các khoản vay, mua bán hàng hóa, tài sản... lẫn nhau. Những quan hệ giao dịch nội bộ này cần phải được minh bạch cho các cổ đông và các nhà đầu tư và đây là yêu cầu hết sức bình thường trong quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Một khi trở thành công ty cổ phần đại chúng thì mục đích cuối cùng của ban giám đốc công ty là tối đa hóa sự giàu có cho cổ đông. Mục đích này thường được thể hiện qua chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận hàng năm.

Ban giám đốc công ty luôn bị áp lực tăng trưởng lợi nhuận hàng năm từ các cổ đông: lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước, lợi nhuận của công ty phải cao hơn đối thủ cạnh tranh.

Các chính sách đãi ngộ cho ban giám đốc như thưởng, tăng lương hay kế hoạch thưởng cổ phiếu cho nhân viên chủ chốt (ESOP, executive share option plan) thường được xây dựng xoay quanh chỉ tiêu lợi nhuận này (thực chất đây là quan điểm cổ điển trong việc đánh giá hiệu quả điều hành của ban giám đốc).

Trên các báo cáo kiểm toán gần đây của các công ty cổ phần đại chúng xuất hiện nhiều ý kiến ngoại trừ của các công ty kiểm toán mà những ý kiến ngoại trừ này ít nhiều liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm. Một trong những ý kiến ngoại trừ được xem là chứa đựng nhiều rủi ro tiềm tàng cho nhà đầu tư nếu họ không chú ý kỹ hoặc thiếu thông tin là ngoại trừ việc hợp nhất báo cáo tài chính năm của công ty con vào công ty mẹ. Ý kiến ngoại trừ này liên quan ít nhiều đến các quan hệ mua bán nội bộ giữa công ty mẹ và các công ty con và có thể dẫn tới việc ghi nhận doanh thu sai lệch hơn so với thực tế.

Ví dụ công ty cổ phần tập đoàn A, công ty mẹ, (gọi tắt là công ty A) hiện đang nắm giữ trên 50% vốn cổ phần của công ty con B (gọi tắt là công ty B). Trong năm 2008, công ty A bán một lô hàng thành phẩm trị giá 10 tỉ đồng cho công ty B và ghi nhận doanh thu vào công ty A. Nếu như lô hàng này, đến cuối năm tài chính, không được B bán ra thị trường mà để dưới dạng hàng tồn kho thì khi hợp nhất báo cáo tài chính vào công ty A, doanh thu 10 tỉ đồng này sẽ tự động bị loại trừ (không được ghi nhận).

Vì thế, với nhiều lý do khác nhau, công ty A quyết định không hợp nhất báo cáo tài chính của công ty B vào báo cáo tài chính hợp nhất (consolidated financial statements) của mình và việc này vô hình trung đã ghi nhận khoản doanh thu 10 tỉ đồng “không thực” ấy. Hay nói cách khác, doanh thu năm của công ty A đã bị “phóng đại” (overstated). Từ đó dẫn tới lợi nhuận hợp nhất cuối năm cũng được “phóng đại” theo. Và nhà đầu tư dựa vào mức lợi nhuận hợp nhất cuối năm này để thực hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu của công ty A trên thị trường chứng khoán.

Một điều cần lưu ý nữa là ý kiến ngoại trừ này sẽ có thể được tiếp tục nêu ra trong báo cáo kiểm toán năm 2009 vì phần lợi nhuận hợp nhất (được “phóng đại”) của năm 2008 sẽ nằm trong phần lợi nhuận giữ lại (retained earning) trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2009. Giả dụ đến năm 2010, công ty A quyết định hợp nhất báo cáo tài chính của công ty B vào mình. Khi đó, phần lợi nhuận hợp nhất đã được “phóng đại” sẽ phải điều chỉnh lại (restated). Như thế chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của công ty A dựa vào lợi nhuận kinh doanh năm 2008. Rõ ràng các nhà đầu tư cá nhân sẽ thiệt thòi vì sự thiếu minh bạch trong thông tin và cung cấp thông tin.

Theo yêu cầu của các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các giao dịch mua bán nội bộ giữa công ty mẹ và các công ty con phải được diễn giải trong các thuyết minh báo cáo tài chính (notes to the financial statements) một cách rõ ràng và đầy đủ. Thế nhưng thực tế vài công ty cổ phần đại chúng (đặc biệt là các công ty cổ phần tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con) chỉ cung cấp cho các nhà đầu tư cá nhân bản cân đối kế toán (balance sheet hay the statement of financial position), kết quả kinh doanh (income statement), báo cáo lưu chuyển tiền tệ (cash flow statement) và ý kiến của công ty kiểm toán, còn bản thuyết minh báo cáo kiểm toán (notes to the financial statements) bị lờ đi.

Mục đích của bản thuyết minh báo cáo kiểm toán là nhằm cung cấp cho người đọc thêm thông tin và diễn giải những số liệu trong các báo cáo tài chính và làm cho những con số có ý nghĩa hơn. Khi mùa đại hội cổ đông đang đến, cổ đông sẽ thực hiện quyền chất vấn ban giám đốc và bỏ phiếu thông qua kế hoạch kinh doanh như thế nào trong tình trạng thông tin bị hạn chế như vậy?

Dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, báo cáo kiểm toán hàng năm với ý kiến ngoại trừ từ công ty kiểm toán sẽ là “điểm trừ” cho hình ảnh và giá trị của doanh nghiệp đó. Trong môi trường kinh doanh hiện đại ngày nay, doanh nghiệp càng lớn mạnh thì yêu cầu tuân thủ theo các quy định pháp luật và các chuẩn mực kế toán càng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến tính minh bạch trong thông tin và cung cấp thông tin của mình nhằm tạo được sự tin tưởng ở nhà đầu tư.

Có như vậy, doanh nghiệp mới mong đạt được sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Để làm được việc này, yêu cầu áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance) và thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả thật sự là cần thiết.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/quantri/18000/

CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CÁC NHÂN TỐ SẢN XUẤT

TS. NGUYỄN HỮU HIỂU

Chất lượng tăng trưởng kinh tế là gì?

Tăng trưởng phản ánh sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (thường là 1 năm). Đây là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng hàng đầu, có liên quan mật thiết đến các biến số vĩ mô khác như việc làm, lạm phát, nghèo đói,… Tuy nhiên, nếu chỉ xem xét tăng trưởng kinh tế (TTKT) trên giác độ số lượng thu nhập tăng thêm thì chưa đủ. Thực tế cho thấy nhiều “loại” tăng trưởng không những không đem đến cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn mà trái lại còn để lại những hậu quả không tốt mà các thế hệ tương lai phải gánh chịu. Năm 1996, UNDP đã chỉ ra 5 loại tăng trưởng xấu để các quốc gia tham khảo, đó là:

  • Tăng trưởng không việc làm: Tăng trưởng không tạo ra việc làm mới.
  • Tăng trưởng không lương tâm: Tăng trưởng chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người giàu, điều kiện sống của phần đông người nghèo không được cải thiện.
  • Tăng trưởng không tiếng nói: Tăng trưởng không gắn với sự cải thiện về dân chủ.
  • Tăng trưởng không gốc rễ: Tăng trưởng nhưng đạo đức xã hội bị suy thoái.
  • Tăng trưởng không tương lai: Tăng trưởng nhưng huỷ hoại môi trường sống của con người.

Chính vì lẽ đó, nghiên cứu TTKT bên cạnh sự gia tăng về số lượng, còn cần và nhất thiết phải quan tâm đến khía cạnh chất lượng.

Vậy, chất lượng tăng trưởng là gì?

Chất lượng tăng trưởng phản ánh nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, duy trì trong một thời gian dài, gắn với đó là quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền tự do cho mỗi người.
Có thể tiếp cận chất lượng TTKT trên nhiều giác độ khác nhau như: theo nhân tố đầu vào, theo kết quả đầu ra, theo cấu trúc ngành kinh tế, theo năng lực cạnh tranh,… Bài viết này tập trung nghiên cứu chất lượng TTKT theo các nhân tố đầu vào.

Trên giác độ các yếu tố đầu vào, một nền kinh tế đạt được tăng trưởng dựa chủ yếu vào 3 nhân tố chính: vốn (K), lao động (L) và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity). Hàm sản xuất có dạng:
Y = F (K,L,TFP) , trong đó: Y là thu nhập của nền kinh tế (GDP)
Tại mô hình này, TTKT được phân thành 2 loại: TTKT theo chiều rộng, phản ánh tăng thu nhập phụ thuộc vào tăng quy mô nguồn vốn, số lượng lao động và lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác; và TTKT theo chiều sâu, đó là sự gia tăng thu nhập do tác động của yếu tố TFP.
Trên phương diện tính toán, TFP chỉ phần trăm tăng GDP sau khi trừ đi phần đóng góp của việc tăng số lao động và vốn. TFP phản ánh sự gia tăng chất lượng lao động, chất lượng máy móc, vai trò của quản lý và tổ chức sản xuất. TFP phụ thuộc hai yếu tố: tiến bộ công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn, lao động.
Đối với các nước đang phát triển, trong giai đoạn đầu tiến hành công nghiệp hóa do các yếu tố TTKT theo chiều rộng như lao động, tài nguyên thiên nhiên tương đối dồi dào, trong khi trình độ của người lao động và công nghệ còn hạn chế thì TTKT theo chiều rộng thường được lựa chọn. Song, nếu nền kinh tế phát triển dựa quá nhiều vào vốn và lao động thì tốc độ tăng trưởng không cao, kém tính bền vững và dễ bị tổn thương khi có những biến động kinh tế từ bên trong cũng như bên ngoài. Nền kinh tế cũng sẽ không có những bước tiến mang tính chất đột phá lớn. Chính vì lẽ đó, chiến lược TTKT cần được nghiên cứu theo chiều sâu, tức là dựa chủ yếu vào nhân tố TFP.

Thực trạng chất lượng TTKT của Việt Nam

Kể từ khi thực hiện cơ chế kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập, Việt Nam (VN) đã đạt được những thành tựu lớn lao về kinh tế. Giai đoạn 1991-95 tốc độ TTKT đạt trung bình 8,2%/năm; 1996-2000: 6,7%; 2001-05: 7,5%; năm 2006: 8,17%; 2007: 8,48%; 2008: 6,23%; dự kiến 2009 là 6,5%. Đây là những tốc độ tăng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực và thế giới trong cùng khoảng thời gian. Năm 2008, tốc độ TTKT của VN thấp hơn so với các năm trước, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính thì đây lại là mức tăng trưởng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2009 VN có đủ cơ sở để đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong bối cảnh tốc độ chung của thế giới là 0,5%. Nhờ tốc độ TTKT cao, quy mô GDP của VN tăng lên nhanh chóng, năm 2005 đã gấp 3 lần năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 195 USD năm 1990 lên 729 USD năm 2006, năm 2007 đạt 820 USD. TTKT tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tỷ lệ dân sống dưới mức 1 USD/ngày và 2 USD/ngày (tính theo PPP) lần lượt giảm từ 50,8% và 87,0% vào năm 1990 xuống còn 10,6% và 53,4% vào năm 2004. WB đã khẳng định tỷ lệ TTKT tăng thêm 1% kéo theo giảm 1,3% số hộ nghèo của VN là rất ấn tượng. Ngoài ra, các vấn đề xã hội khác như giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường cũng đạt được nhiều thành tựu mà các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế như VN khó có thể đạt được.
Có được tốc độ tăng tưởng kinh tế cao như vậy là nhờ VN đã huy động được lượng vốn đầu tư khá lớn. Tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP liên tục gia tăng, năm 1990 đạt 17,3%, hiện nay khoảng 40-45%. Trong 10 năm 1996-06 tổng vốn đầu tư xã hội tăng trung bình 12,7%/năm, trong đó giai đoạn 1996-2000 tăng 12,4%, giai đoạn 2001-05 tăng 13%. So với các nước trong khu vực và các nước đang phát triển trên thế giới VN được xếp vào loại nước có tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP cao. Đóng góp của vốn vào tăng trưởng GDP tuy giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn ở vị trí chủ đạo. Nếu tính theo tỷ lệ, giai đoạn 2003 đến nay nhân tố vốn đóng góp trung bình khoảng 52,73% vào tăng trưởng GDP. Cùng với nhân tố vốn, lao động cũng có những đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy TTKT của VN. Với kết cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào (khoảng 45 triệu người trong độ tuổi lao động), hàng năm bổ sung thêm 1,2-1,5 triệu người, lao động đã đóng góp 19,07% vào tăng trưởng của VN.

Đóng góp của các yếu tố vào GDP (%)

  1993 - 97 1998 – 02 2003 – nay
Đóng góp của L 16,02 20,00 19,07
Đóng góp của K 68,98 57,42 52,73
Đóng góp của TFP 15,00 22,58 28,20
Tỷ lệ GDP 100 100 100

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, về thực chất mô hình TTKT của VN thời gian qua chủ yếu vẫn theo chiều rộng, mặc dù đóng góp của nhân tố TFP có tăng dần qua các năm nhưng không đáng kể. Tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn và lao động cao gấp hơn 3 lần so với của TFP. Nguyên nhân là do:

Thứ nhất, trình độ công nghệ hiện đang sử dụng ở VN thấp tương đối so với các nước trong khu vực. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2008-2009 đã xếp năng lực cạnh tranh của VN thứ 70 trong tổng số 134 quốc gia, với 4,1 điểm. Riêng hệ số cạnh tranh về công nghệ, VN xếp thứ 79, với 3,12 điểm. Trong khi đó Malaysia: 4,41 điểm; Thái Lan: 3,37 điểm; Philipines: 3,26 điểm. Trình độ công nghệ sử dụng thấp kéo theo năng suất lao động xã hội thấp. Nếu coi năng suất lao động xã hội của VN = 1, thì Trung Quốc = 1,73, Thái Lan = 3,63 và Singapore = 39,05.
Thứ hai, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nước ta trong giai đoạn đầu mở cửa khá cao, nhưng đang có chiều hướng giảm thấp vào những năm gần đây. Hệ số ICOR năm 2005 là 4,6, năm 2006: 5,01. Hiện nay dao động trong khoảng 4,5 đến 5,3, cao hơn so với các nước trong khu vực (Philippines: 2,3; Indonesia: 2,8; Thái Lan: 3,6). Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn nhà nước vẫn còn xảy ra; công tác cải cách hành chính được thúc đẩy nhưng còn nhiều bất cập.
Thứ ba, lao động VN còn bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Lực lượng lao động tuy đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới chỉ chiếm khoảng 25%. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn ở mức khá cao 5,3%, tỷ lệ lao động nông thôn không sử dụng hết quỹ thời gian khoảng 19,4%.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng TTKT

Một là, thay đổi tư duy về mô hình TTKT, TTKT cần dựa trên nền tảng coi trọng chất lượng. Theo đó, trong dài hạn cần từ bỏ quan điểm phải đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh theo chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động, mà chuyển dần sang mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Trước hết, tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn. Cần đầu tư có trọng tâm để tạo sự bứt phá của một số công nghệ cao có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia trao đổi sản phẩm công nghệ trên thị trường. Nên sử dụng FDI như là xung lực để tạo hiệu ứng lan toả thúc đẩy công nghệ phát triển.
Tiếp theo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ NSNN. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về đầu tư theo hướng loại bỏ tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh. Từ đó, tăng cường tính công khai, minh bạch và thực hiện đầu tư có hiệu quả, tránh dàn trải. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thực hiện quản lý đầu tư theo quy hoạch. Khắc phục tình trạng tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư, tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân.

Chính sách khuyến khích đầu tư hiện nay cần được hiểu và vận dụng với nội hàm rộng hơn. Nếu như trước kia, khuyến khích đầu tư đồng nghĩa với việc Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi (miễn, giảm) đối với các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp thông qua các công cụ như thuế, tín dụng, đất đai,… thì trong bối cảnh hội nhập, các chính sách ưu đãi trên khó được áp dụng một cách riêng lẻ do sự ràng buộc của các nguyên tắc đối xử mà VN đã ký kết với cộng đồng quốc tế. Chính sách khuyến khích đầu tư cần được xây dựng nghiêng nhiều hơn về khía cạnh cơ chế đối xử bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực giữa các thành phần kinh tế (Nhà nước, ngoài Nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài).
Đồng thời, tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài nước, cụ thể là FDI và ODA.

Đối với vốn FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế nhằm thu hút vốn, công nghệ và tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động VN. Trong thời gian trước mắt, nên tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại mà các nhà đầu tư nước ngoài còn vướng mắc để đưa các dự án đã được cấp giấy phép đi vào hoạt động. Chính sách đầu tư nước ngoài cần đặt mục tiêu thu hút các công ty có tiềm năng lớn về vốn và khả năng cao trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các công ty hàng đầu trên thế giới đầu tư vào VN.

Đối với vốn ODA, để nâng cao hiệu quả cần phát huy vai trò làm chủ quốc gia từ khâu vận động đến khâu sử dụng và khai thác dự án, lựa chọn những lĩnh vực phù hợp để vận động ODA, từ đó tối đa hoá hiệu quả và tác động lan toả của các chương trình, dự án ODA. Về công tác quản lý, nên tăng cường sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng ở các cấp vào quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát các chương trình, dự án để góp phần làm cho nguồn vốn này được quản lý và sử dụng một cách công khai, minh bạch, chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Ba là, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là nhân tố chính quyết định tốc độ và chất lượng của TTKT.

Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực chất chính là tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo. Giải pháp trước mắt đó là nâng cao trình độ văn hoá và trình độ nhận thức cho người lao động. Phấn đấu hoàn thành chiến lược phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010, tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học, tiến tới thực thi chiến lược phổ cập trung học phổ thông. Từng bước xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dạy nghề hiện có theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới và chuẩn hoá nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình của các cơ sở đào tạo để tăng tính thực tiễn, sát với thực tế VN, theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và thế giới. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở đào tạo cũng cần được nâng cao trên tất cả các mặt như phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học.

Nhà nước có chính sách thiết thực khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có trình độ quản lý thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo người lao động. Trong đó chú trọng hướng các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực: đào tạo nghề, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đại học và sau đại học,… Các lĩnh vực này có khả năng tạo lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư, đồng thời cần phát triển nhanh để đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CNH – HĐH đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường vận động ODA cho giáo dục ở mọi cấp học, ưu tiên cho cấp phổ cập, dành một tỷ lệ thích đáng vốn ODA (kể cả đi vay ưu đãi) đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Bốn là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần có chính sách hình thành và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của 5 loại thị trường cơ bản: thị trường hàng hoá - dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học - công nghệ và thị trường bất động sản. Trong bối cảnh VN là thành viên chính thức của WTO, hệ thống văn bản pháp luật cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết của VN với quốc tế. Nghiên cứu thực hiện trước thời hạn một số cam kết nếu thấy có cơ hội thuận lợi và việc thực hiện đem lại lợi ích cho quốc gia. Đây chính là kinh nghiệm thành công của Trung Quốc khi là thành viên của WTO. Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách hành chính để Chính phủ thực sự trở thành Chính phủ vì nhân dân, vì doanh nghiệp./.

SOURCE: NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://www.icb.com.vn/web/home/vn/research/09/090219.html