Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

VẤN ĐỀ SỞ HỮU TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

PGS, TS. PHẠM VĂN DŨNG - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một hình thức của kinh tế thị trường. Do đó, trong nền kinh tế cũng sẽ bao hàm nhiều hình thức sở hữu như các nền kinh tế thị trường khác. Tuy nhiên, cơ cấu các hình thức sở hữu ở nước ta và vị trí của mỗi hình thức sở hữu trong cơ cấu đó sẽ có những khác biệt với các nước khác

1. Sở hữu trong nền kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế phản ánh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại. Phải đạt đến một trình độ phát triển nhất định, nền sản xuất xã hội mới thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp, mới có sản phẩm dư thừa để trao đổi. Một trong những điều kiện để xuất hiện trao đổi là tính chất tư nhân của sản xuất, tức là những người sản xuất độc lập với nhau, sản xuất cái gì, sản xuất thế nào, cho ai là việc riêng của từng “người sản xuất”. “Người sản xuất” cần được hiểu theo nghĩa rộng. “Người sản xuất” có thể là cá nhân, hợp tác xã, công ty tư nhân, doanh nghiệp nhà nước... Điều quan trọng nhất chính là những “người” này độc lập với nhau.

Cuối chế độ công xã nguyên thủy, khi sản phẩm thặng dư xuất hiện, bắt đầu có quan hệ trao đổi giữa các công xã với nhau. Như vậy, trong lịch sử, người sản xuất và trao đổi đầu tiên xuất hiện lại là các công xã nguyên thủy. Những “người” này dựa trên sở hữu công xã (thuộc sở hữu công cộng) về tư liệu sản xuất. Khi lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển, sản phẩm thặng dư nhiều hơn, những cá nhân có quyền lực trong công xã bắt đầu chiếm hữu những sản phẩm dư thừa đó làm của riêng. Chế độ tư hữu dần xuất hiện. Tuy nhiên, chế độ tư hữu trong chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến không hề làm cho sản xuất hàng hóa phát triển. Điều đó cho thấy, không phải cứ có chế độ tư hữu là quan hệ trao đổi hay kinh tế hàng hóa có thể phát triển.

Đến CNTB, lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội có sự phát triển nhanh chóng. Hai điều kiện cho sự hình thành, phát triển của sản xuất hàng hóa được thiết lập nhanh chóng và đầy đủ đã làm cho sản xuất hàng hóa phát triển đặc biệt nhanh chóng, nền kinh tế thị trường TBCN xuất hiện: Đây được coi là nền kinh tế thị trường phát triển cao, tiêu biểu, chín muồi.

Cũng cần nhớ rằng, trong giai đoạn CNTB tự do cạnh tranh, sở hữu tư nhân giữ vai trò thống trị tuyệt đối và là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền sản xuất TBCN. Nhưng đến khi tích tụ và tập trung sản xuất đạt đến trình độ cao, chỉ có sở hữu tư nhân cũng không đáp ứng được yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó thể hiện ở hai cuộc đại khủng hoảng của CNTB xảy ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Một biến đổi quan trọng của sở hữu xuất hiện: một bộ phận sở hữu tư bản tư nhân chuyển thành sở hữu tư bản tập thể. Các tổ chức độc quyền hình thành và phát triển với trình độ ngày càng cao. Khi lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển, sở hữu cá thể, tiểu chủ hữu tư bản tư nhân và sở hữu tư bản tập thể cũng là không đủ. Từ nửa cuối thập niên ba mươi của thế kỷ XX, sở hữu nhà nước ở các nước TBCN phát triển hết sức nhanh chóng và trở thành công cụ quan trọng để điều tiết nền kinh tế thị trường.

Như vậy, quá trình phát triển của kinh tế thị trường cũng là quá trình vận động phát triển của các hình thức sở hữu: Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, “Người sản xuất” có nhiều loại, có tư hữu và có cả công hữu. Nói cách khác, nhiều hình thức sở hữu cùng tồn tại, bao gồm cả sở hữu tư nhân, cả sở hữu công cộng, trong đó khu vực sở hữu nhà nước trở thành công cụ quan trọng để điều tiết nền kinh tế.

2. Kinh tế thị trường định hướng XHCN và vấn đề sở hữu

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một hình thức của kinh tế thị trường. Do đó, trong nền kinh tế cũng sẽ bao hàm nhiều hình thức sở hữu như các nền kinh tế thị trường khác. Tuy nhiên, cơ cấu các hình thức sở hữu ở nước ta và vị trí của mỗi hình thức sở hữu trong cơ cấu đó sẽ có những khác biệt với các nước khác. Điều đó do những nhân tố sau đây quy định.

a) Nhân tố chính trị.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đang xây dựng CNXH. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nền kinh tế thị trường được sử dụng để xây dựng CNXH. Do đó, sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường này bị chi phối bởi việc thực hiện mục tiêu CNXH. Điều này xuất phát từ mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Mặc dù kinh tế quyết định chính trị nhưng chính trị lại tác động mạnh mẽ đến kinh tế. Nếu các quyết sách của Nhà nước (chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách...) được thực hiện trong thời gian dài sẽ làm cho nền kinh tế biến đổi tích cực (nếu quyết sách đúng) hoặc tiêu cực (nếu quyết sách sai). Như vậy, đường lối phát triển theo con đường XHCN sẽ làm cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam khác với các nước khác.

CNXH có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng về bản chất, CNXH phải là sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Những mục tiêu trên chỉ có thể được thực hiện thông qua hoạt động tự giác, năng động của con người (nếu để tự phát có thể không thực hiện được, thực hiện không trọn vẹn, mất nhiều thời gian, thậm chí phải trả giá rất đắt...). Vì thế, để thực hiện mục tiêu CNXH, Đảng và Nhà nước sẽ phát huy năng động chủ quan để khai thác những ưu việt của kinh tế thị trường, hạn chế những nhược điểm của chúng, để rút ngắn thời gian phát triển. Muốn vậy, Nhà nước phải sử dụng các công cụ vật chất. Một trong những công cụ đó là kinh tế nhà nước. Do vậy, sở hữu nhà nước (một hình thức của chế độ sở hữu công cộng) có vai trò rất quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều này cũng không có khác biệt lớn với sở hữu nhà nước ở nhiều nước khác.

Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” còn đòi hỏi mọi người phải được tự do sử dụng và phát huy các tiềm năng của mình. Nói cách khác, người dân phải được tự do kinh doanh những gì luật pháp không cấm. Vì thế, sự tồn tại và phát triển của những hình thức sở hữu như cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản tập thể... là tất yếu và cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu CNXH. Như vậy, kinh tế thị trường định hướng XHCN phải dựa trên nhiều hình thức sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước.

b) Nhân tố kinh tế

Cơ cấu các hình thức sở hữu ở nước ta không chỉ do định hướng chính trị chi phối, mà còn được chi phối bởi nhân tố kinh tế trong và ngoài nước. Hơn thế, đây mới là nhân tố giữ vai trò quyết định. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quy định sự vận động biến đổi của các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất.

Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, điểm xuất phát của đất nước ta rất thấp. Do đó, các hình thức sở hữu tư nhân vẫn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nên có những đóng góp to lớn cho việc phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống dân cư. Thực tế cho thấy, việc hạn chế, cấm đoán các hình thức sở hữu tư nhân trong thời kỳ trước đổi mới là vi phạm các quy luật kinh tế khách quan và phải trả giá đắt. Như vậy, sự tồn tại của chế độ sở hữu tư nhân không chỉ là tất yếu về kinh tế, mà còn xuất phát từ chính yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH.

Trong điều kiện lực lượng sản xuất thấp kém, chế độ sở hữu công cộng chưa có tất yếu kinh tế để tồn tại và phát triển. Vì thế, khi nền kinh tế thị trường còn ở trình độ thấp, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể càng chiếm tỷ trọng lớn sẽ càng kém hiệu quả. Thực tiễn Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã minh chứng cho điều đó. Ở Việt Nam đã có thời kỳ chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng tuyệt đối nhưng vẫn không có CNXH. Điều đó không chỉ cho thấy rằng, xây dựng chế độ sở hữu tư liệu sản xuất không thể xuất phát từ ý chí, nguyện vọng chủ quan của con người, mà còn cho thấy chế độ sở hữu công cộng không phải là mục tiêu, mà chỉ là phương tiện để xây dựng CNXH.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và thế giới là tất yếu với các quốc gia. Cạnh tranh là quy luật khắc nghiệt mà chúng ta phải chấp nhận. Để tồn tại và phát triển, tiêu chí hàng đầu phải đáp ứng không phải là công hữu hay tư hữu mà là hiệu quả. Do đó, coi trọng hiệu quả là yêu cầu sống còn không chỉ với doanh nghiệp, mà với cả nền kinh tế.

Ngoài những nhân tố nêu trên, chế độ sở hữu còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, truyền thống, tâm lý, tập quán... của mỗi dân tộc. Do đó việc tùy tiện thiết lập một hình thức sở hữu nào đó mà không tính đến những nhân tố trên đây sẽ phải trả giá.

3. Cơ cấu sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Sự tồn tại đồng thời sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đến nay không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, hình thức sở hữu nào là chủ đạo, là động lực... thì chưa phải đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi.

Những phân tích trên đây cho thấy có nhiều nhân tố tác động đến sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân theo những chiều hướng khác nhau. Sở hữu công cộng dưới hình thức kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể rất cần thiết cho việc định hướng nền kinh tế lên CNXH. Nhưng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ở Việt Nam lại chưa có cơ sở kinh tế vững chắc để phát triển, hiệu quả còn rất thấp. Ngay tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Do đó, nếu tỷ trọng của kinh tế nhà nước càng lớn thì hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế càng thấp. Vì thế về nguyên tắc, những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả cần được xem xét để chuyển sang các hình thức tổ chức sản xuất khác.

Nhưng định hướng XHCN lại đòi hỏi kinh tế Nhà nước phải là công cụ để nhà nước điều tiết nền kinh tế. Nếu thị trường bị đầu cơ, giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân là trái với việc thực hiện định hướng XHCN. Nhà nước không kiểm soát được thị trường thuốc tân dược do các doanh nghiệp dược phẩm nhà nước không đủ sức chi phối thị trường là bài học đắt giá. Những cơn “sốt” xi măng, sắt thép... cho thấy sự yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đến định hướng XHCN như thế nào. Một minh chứng khác về sự cần thiết của các doanh nghiệp nhà nước là khi “sốt” gạo xảy ra, nhờ các công ty lương thực nhà nước tung hàng hóa ra bán, thị trường lương thực nhanh chóng được kiểm soát, xã hội giữ được ổn định. Hiện nay, cần chống định kiến xấu với kinh tế tư nhân, nhưng cũng cần chống định kiến xấu với kinh tế nhà nước. Những doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả cần được duy trì và tạo môi trường thuận lợi để phát triển hơn nữa. Việc xây dựng mới các doanh nghiệp nhà nước cũng phải thực hiện theo nguyên tắc này.

Từ những phân tích trên đây có thể rút ra kết luận: chỉ nên thiết lập sở hữu công cộng ở các lĩnh vực kinh tế then chốt, giữ vai trò quan trọng với quốc kế, dân sinh. Các lĩnh vực kinh tế then chốt có thể là: lương thực, thuốc chữa bệnh, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, đường sắt, hàng không, điện lực, khai thác mỏ... Ngay trong các lĩnh vực này, kinh tế nhà nước cũng không nhất thiết là chiếm tỷ trọng tuyệt đối. Sự xuất hiện của sở hữu tư nhân vừa góp phần huy động và sử dụng các nguồn lực, vừa tạo quan hệ cạnh tranh, thúc đẩy khu vực sở hữu công cộng nâng cao hiệu quả.

Do lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp, các lĩnh vực kinh tế thông thường, kinh tế tư nhân phải là giữ vai trò thống trị mới đảm bảo hiệu quả (đương nhiên là Nhà nước phải quản lý). Trong các lĩnh vực này, sở hữu công cộng muốn chứng minh được sức sống và ưu thế của mình phải dựa trên quan hệ cạnh tranh trên thị trường một cách công bằng, chứ không phải là dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, càng không phải là bằng biện pháp hành chính. Cơ cấu các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất sẽ thay đổi tuỳ theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Giải quyết quan hệ giữa sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường được đặt ra cho tất cả các quốc gia. Tùy theo đặc thù mỗi nước, việc giải quyết quan hệ này có thể khác nhau. Nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển định hướng XHCN nên việc giải quyết quan hệ giữa sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân phải xuất phát từ những đặc điểm riêng của mình, nhưng không được vi phạm các quy luật chung, đặc biệt là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất./.

SOURCE: TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO

Trích dẫn từ:

http://www.tuyengiao.vn/Home/tutuong/lyluanthuctientutuong/2009/3/7204.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét