Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI CHO NÔNG DÂN – MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI CẤP BÁCH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

THS. ĐỖ VĂN QUÂN

Đặt vấn đề

Bảo đảm an sinh được xác lập là một quyền cơ bản của con người, mức độ đảm bảo quyền an sinh là một tiêu chí quan trọng đánh giá trình độ sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, là một đất nước mới bước vào quá trình hội nhập và phát triển, có nhiều vấn đề, mục tiêu cần phải phấn đấu giải quyết trong đó không thể thiếu mục tiêu thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội cho toàn dân.

Trong điều kiện  là một đất nước mà về cơ bản mang đặc trưng nông thôn, nông nghiệp và nông dân cho nên khi bước vào quá trình hội nhập và phát triển, khu vực “tam nông” đang chịu nhiều thiệt thòi nhất và đồng thời có ảnh hưởng quyết định đến công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước. Vì lẽ đó thực hiện vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam trước hết phải quan tâm đến đối tượng người nông dân.

Khu vực nông thôn nước ta hiện có hơn 90% nông dân sinh sống, đây là lực lượng cơ bản trực tiếp lao động tạo ra sản phẩm nông nghiệp nuôi sống xã hội, làm giàu cho đất nước. Nhưng xét về mặt nào đó trong bối cảnh hội nhập và phát triển thì nông dân nước ta đang là tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất, so với công sức lao động bỏ ra của họ. Thực tế cho thấy vì nhiều lý do chính sách xã hội nói chung và chính sách an sinh xã  hội nói riêng cho người nông dân ở Việt Nam còn chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, chưa thực sự tạo ra động lực to lớn  và phát huy vai trò của họ đối với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. Nhận thức tầm quan trọng cũng như sự khuyết thiếu của vấn đề này, gần đây Đảng, Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh: “Trong quá trình hội nhập và phát triển, nông dân là lực lượng xã hội cực kỳ nhạy cảm, dễ bị tổn thương, gánh nặng hệ luỵ trước những tác động của kinh tế thị trường. Do đó chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước ta là thực hiện chính sách xã hội hài hoà, các chính sách phúc lợi đối với nông dân, nhất là người nông dân ở miền núi vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Phải đảm bảo nâng cao đời sống về mọi mặt và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho nông dân khi tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Đó chính là yếu tố quyết định để nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta hội nhập và phát triển”

Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Để bảo đảm việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn và tăng dự trữ, dự phòng; đồng thời xây dựng cơ chế thực thi và chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, đúng đối tượng, không để thất thoát lãng phí. Đẩy nhanh việc nghiên cứu hoàn thiện các chính sách hỗ trợ có tính chất cơ bản, lâu dài về an sinh xã hội; triển khai thực hiện BHXH tự nguyện, chỉ đạo tổng kết việc thực hiện chế độ hưu của nông dân ở một số địa phương để có thể chuyển sang hình thức BHXH tự nguyện; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.

Mục tiêu của bài viết là nhằm phân tích sự cần thiết phải quan tâm thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội cho nông dân trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước. Đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị nhằm đảm bảo xây dựng và thực thi hệ thống an sinh của quốc gia nói chung, khu vực tam nông nói riêng phù hợp và có hiệu quả. An sinh xã hội cho nông dân - một vấn đề xã hội cần phải được quan tâm giải quyết trên cơ sở phân tích, tổng hợp một số công trình, bài viết có liên quan tác giả cho rằng cần thiết phải quan tâm giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội cho nông dân ở nước ta hiện nay, bởi những lý do sau đây:

Một là, mặc dù đã được cải thiện đáng kể tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn vẫn còn cao (gần 20%), một bộ phận có xu hướng nghèo hơn. Khu vực nông thôn nước ta đang chiếm khoảng 90% người nghèo sống của cả nước (nghèo ở nông thôn được xác định là có mức chi tiêu thấp hơn 200.000/tháng/người). Do nghèo đói có tỷ lệ khá cao dẫn đến mức chi tiêu cho đời sống hàng ngày của hộ gia đình nông thôn thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu bình quân cho tiêu dùng của hộ nghèo trong cả nước. Việc này đồng nghĩa với thực tế người nghèo ở khu vực nông thôn, nông dân không có tích lũy cho tiết kiệm, dự phòng trong cuộc sống, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn. Đây thật sự là một mối đe doạ đầy bất trắc đối với tương lai của người nông dân, nhất là khi họ hết tuổi lao động. Thực tế này đặt ra yêu cầu là phải có biện pháp đảm bảo cuộc sống cho người nông dân khi họ ở tuổi già, sức khoẻ giảm sút, không thể tự lao động kiếm sống. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội thông qua thực hiện bảo hiểm hưu trí cho nông dân là một nhu cầu thực tế cần phải đáp ứng.

Hai là, thực tế cho thấy người nông dân, nhất là nông dân nghèo đang được hưởng rất ít các chương trình  phúc lợi xã hội, nhất là về chăm sóc sức khoẻ. Các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho nông dân ở nước ta hiện nay thường mới dừng lại ở công tác phòng bệnh, các dịch vụ khám chữa bệnh cho nông dân, nhất là nông dân nghèo còn hạn chế. Nhiều công trình nghiên cứu về y tế dự phòng cho rằng, phần lớn tuyến y tế cơ sở nông thôn không đáp ứng được yêu cầu điều trị cho người nông dân khi ốm do đó phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Điều này đồng nghĩa với những khoản chi phí về thuốc men, vật tư y tế, ăn ở, đi lại, bồi dưỡng thầy thuốc…thường quá tải so với mức thu nhập của họ. Để giải quyết tình trạng này chúng ta cần phải mở rộng độ bao phủ BHYT tự nguyện ở khu vực nông thôn để người nông dân tham gia.

Ba là, tình trạng phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội đang có xu hướng doãng ra mạnh mẽ ở  nước ta hiện nay. Chỉ số Gini phản ánh độ chênh lệch thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong dân cư từ 0,57 vào năm 1993 tăng lên 0,423 năm 2004. Một nghiên cứu gần đây cho biết: tỷ lệ được hưởng an sinh xã hội ở  nhóm  20%  dân số giàu nhất ở Việt Nam hiện nay đang cao gấp 6 lần nhóm người nghèo. Trong khi nhóm giàu nhất nhận được 45% trợ giúp y tế, 35% trợ giúp giáo dục, còn nhóm nghèo chỉ nhận được tương ứng là 7% và 15%. Thực tế cho thấy an sinh xã hội cho người nghèo ở nông thôn đang rất thấp, có trường hợp là số 0 hoặc số âm. Để góp phần giảm thiểu khoảng cách phân hoá giàu nghèo rất cần thực hiện chiến lược phát triển an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân cả nước nói chung và khu vực nông thôn nói riêng(các chương trình trợ giúp xã hội; vay vốn xoá đói giảm nghèo; trợ giúp khẩn cấp…)

Bốn là, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, tuy nhiên sức lao động ở nông thôn chưa được giải phóng triệt để, chưa phát huy và thực sự tạo ra động lực mới trong việc sử dụng có hiệu quả lao động ở khu vực này. Chất lượng và giá trị việc làm của lao động nông thôn còn thấp. Lao động gia tăng vào tăng trưởng chủ yếu vẫn là số lượng, chất lượng lao động chưa mang tính quyết định. Lao động nông thôn đóng góp làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp nghiệp chiếm tới 50%, nhưng chủ yếu là lao động cơ bắp, hầu hết chưa qua đào tạo nghề. Theo tính toán của Tổng Cục thống kê vào năm 2004 bình quân lao động nông nghiệp tạo ra giá trị chỉ bằng 22,7% so với khu vực dịch vụ và 16,3% so với khu vực công nghiệp. Cơ hội tiếp cận các nguồn lực để sản xuất: vốn, khoa học công nghệ, thị trường… của người nông dân còn rất cho nên hiệu quả sản xuất thường không cao, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn vẫn còn xảy với tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, lao động trong khu vực nông thôn chủ yếu thuộc thành phần kinh tế hộ gia đình, chiếm khoảng 90%. Khả năng tham gia thị trường lao động khu vực đô thị của họ chưa nhiều, thường ở bậc thấp, nhiều rủi ro và thu nhập thấp. Bên cạnh đó, thị trường lao động ở nông thôn còn sơ khai, đặc biệt là  ở những khu vực khó khăn các quan hệ lao động hầu như chưa phát triển. Giá tiền công lao động trong khu vực nông thôn thường thấp hơn khu vực thành thị từ 15 đến 20%. Từ thực tế như vừa phân tích đặt ra yêu cầu phải đáp ứng vấn đề an sinh xã hội (BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp thất nghiệp…) cho nông dân, nhằm hỗ trợ cho những thiếu hụt của họ do đặc điểm lao động, việc làm ở khu vực nông thôn ảnh hưởng đến.

Năm là, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam trở thành đất nước công nghiệp tuy nhiên cho đến nay về cơ bản chúng ta vẫn là một đất nước nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vào năm 2005 khu vực lao động nông nghiệp chiếm hơn 66,5% lao động cả nước. Đặc thù của lao động nông nghiệp là phụ thuộc hoặc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với sự khắc nghiệt của thời tiết, vị trí địa lý, thiên tai, dịch bệnh, hoá chất bảo vệ động thực vật... Chính vì vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của người lao động( các hóa chất, lũ lụt; sấm sét; thời tiết quá lạnh, quá nóng; bệnh dịch từ gia súc, gia cầm…). Tính từ năm 1990-2000 khu vực nông thôn ở Việt Nam đã có 8000 người thiệt mạng do lũ lụt. Trong năm 2004 cả nước có 4009 vụ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật. Hàng năm có khoảng 20.000 lượt người bị tai nạn trong lao động trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang phần lớn phụ thuộc vào sự may rủi của thiên tai thời tiết, dịch bệnh.  Đặc biệt trong thời gian gần đây chúng ta lại càng thấy rõ vấn đề: Hạn hán, rét đậm kéo dài, lũ lụt; dịch cúm gia cầm; dịch lợn tai xanh…đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất của người nông dân. Chỉ tính riêng ảnh hưởng của lũ lụt mỗi năm gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp từ 7-8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, đặc điểm của lao động, sản xuất nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khoẻ và tính mạng; đến năng suất, chất lượng hiệu quả và mức thu nhập của người nông dân. Đây thật sự là một gánh nặng quá lớn đối với phần lớn nông dân khi họ tự phải xoay sở chi phí chăm sóc y tế,  khắc phục và đầu tư tái sản xuất nông nghiệp của họ. Để giảm thiểu gánh nặng liên quan đến bệnh tật, tai nạn và những rủi ro thất bát trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội (BHYT; bảo hiểm tai nạn lao động; bảo hiểm sản xuất; trợ giúp khẩn cấp…) cho người nông dân.

Sáu là, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ xã hội chất lượng cao đang có sự khác biệt rất lớn giữa nông thôn và thành thị. Chẳng hạn về dịch vụ giáo dục, năm 2004 tỷ lệ người biết chữ từ 10 tuổi trở lên ở nông thôn là 91,85%, thấp hơn so với thành thị (96,34%); mức chi tiêu cho giáo dục- đào tạo bình quân ở khu vực thành thị là 1.537 nghìn đồng, cao gấp 2,6 lần so với khu vực nông thôn. Về sử dụng dịch vụ y tế cũng có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thành thị, trong khi 85,63% người ốm ở đô thị được điều trị nội trú tại các bệnh viện công lập, thì con số này ở nông thôn là 77,46%. Sở hữu tiện nghi đắt tiền, lâu bền  ở đô thị bình quân một hộ gia đình là 22,5 triệu đồng, trong khi tỷ lệ này ở khu vực nông thôn chỉ đạt 8,2 triệu đồng. Cho đến nay về cơ bản dân cư thành thị đã tiếp cận với nước sạch sinh hoạt, trong khi ở nông thôn chỉ có 62%. Để khắc phục tình trạng này một cách cơ bản và bền vững lâu dài rất cần phát triển hệ thống an sinh xã hội ở khu vực nông thôn (BHYT, bảo hiểm giáo dục…).

Bảy là, nhu cầu tham gia các hình thức an sinh xã hội xuất phát từ nhu cầu nội lực và trong chính truyền thống văn hoá, lịch sử tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau của cư dân nông thôn, đặc biệt là nông dân. Nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội của  nông dân đã được chính bản thân họ khởi sướng. Từ những năm đầu  thập kỷ 80 của thế kỷ XX mặc dù chưa có chính sách BHXH của nhà nước, tuy nhiên xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng thiết tha của người nông dân khi tuổi già có một nguồn tài chính thường xuyên để ổn định cuiộc sống, Hội nông dân ở một số địa phương đã đề xuất với cấp uỷ Đảng, chính quyền xây dựng chế độ BHXH cho nông dân với các tên gọi khác nhau, như:  Quỹ hưu nông dân; Quỹ bảo trợ nông dân; Quỹ hỗ trợ tuổi già; Quỹ BHXH nông dân…Trong đó, Nghệ An là nơi khởi xướng. Tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh đã có 305/326 xã phường và thị trấn thuộc 11 huyện, thị, thành phố tham gia  với 84.156 lượt người, chiếm 16,06% số người có khả năng tham gia BHXH trong tỉnh. Từ năm 2001 đến nay BHYT tự nguyện đã được triển khai trong cả nước. Theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH, số người tham gia BHYT tự nguyện nhân dân ngày càng tăng nhanh. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008, đối tượng nhân dân tham gia đạt 1,6 triệu người, cao hơn số lượng phát hành cho đối tượng này cả năm 2007. Theo kết quả điều tra về nhu cầu tham gia BHXH của Trung tâm nghiên cứu BHXH thuộc BHXH Việt Nam, năm 2003 cho thấy có 72,8% ý kiến người dân ở nông thôn được hỏi trả lời có nhu cầu tham gia BHXH. Từ những phân tích như vậy cho thấy nhu cầu tham gia BHXH của người nông dân là rất lớn và chính đáng. Do vậy, nhà nước phải có trách nhiệm thoả mãn tốt nhu cầu tham gia các loại hình BHXH, nhằm đảm bảo tốt vấn đề an sinh của người nông dân.

Trên đây là mộ số phân tích về cơ sở thực tiễn nhằm chỉ ra sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng, phát triển và thực thi hệ thống an sinh xã hội phù hợp cho khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông thôn. Để làm được việc này thiết tưởng cần phải thực thi tốt các khuyến nghị sau:

3. Một số khuyến nghị

- Trước bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay của đất nước đặt ra yêu cầu Đảng, nhà nước và xã hội cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chương trình an sinh xã hội của quốc gia nói chung và cho nông dân nói riêng. Trên cơ sở đó có sự phối hợp, gắn kết và lồng ghép với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân nhằm nâng cao tính hiệu quả cuả chương trình an sinh xã hội.

- Cần đổi mới, tăng cường bộ máy công tác quản lý nhà nước về an sinh xã hội.  Trung Quốc là một nước khá tương đồng với nước ta trên nhiều lĩnh vực trong đó có vấn đề an sinh xã hội, vừa qua họ đã thành lập Bộ Nhân lực và An sinh xã hội nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực thi tốt chính sách an sinh xã hội của quốc gia. Đây là một gợi ý mà Việt Nam có thể tham khảo, học tập và vận dụng một cách sáng tạo nhằm xây dựng một hệ thống tổ chức quản lý an sinh xã hội của đất nước có năng lực và hiệu quả.

- Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội của đất nước, nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn xã hội.

- Nhà nước cần tăng cường nguồn lực thường xuyên, đủ mạnh để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của đất nước nói chung và khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân nói riêng. Cần xem đây như là một phương thức đầu tư nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bền vững.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết, thay đổi thái độ và hành vi của người dân Việt Nam nói chung và nông dân nói riêng về những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Nhà nước cần có chiến lược thực hiện tuyên truyền một cách sâu rộng trong toàn xã hội thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp.

- Cần tăng cường hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học về an sinh xã hội. Muốn thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của đất nước chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, phải tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học về an sinh xã hội nhằm vận dụng thành công những mô hình lý thuyết, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Bên cạnh đó phải thường xuyên nắm bắt chính xác và kịp thời nhu cầu, điều kiện, cơ hội tiếp cận an sinh xã hội của các nhóm xã hội, các khu vực, vùng miền, dân tộc khác nhau. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì vấn đề an sinh xã hội của các nhóm xã hội, vùng miền, khu vực, dân tộc là hết sức khác nhau và đang biến đổi nhanh chóng. Trước mắt nhà nước cần tiến hành chương trình điều tra tổng thể quốc gia về an sinh xã hội.

- Để phù hợp với yêu cầu với tình hình thực tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Việt Nam cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho khu vực “tam nông” theo các định hướng sau: Hệ thống an sinh xã hội tam nông hiện đại; hệ thống an sinh xã hội tam nông toàn diện và đa cấp; hệ thống an sinh xã hội tam nông chuyển đổi từ mô hình phi chính thức và không chuyên nghiệp là chính sang loại hình chính thức hoá và chuyên nghiệp hoá là chính; hệ thống an sinh xã hội tam nông chuyển đổi từ mô hình an sinh dựa trên sự hỗ trợ xã hội là chính sang mô hình dựa trên BHXH là chính; mô hình an sinh xã hội dựa trên nguyên tắc nhà nước và hợp tác xã bao cấp là chính chuyển sang mô hình an sinh dựa trên nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy tự nguyện của người dân là chính”(3).

Tài liệu tham khảo chính

1. Bài phát biểu của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, Trương Tấn Sang trong chuyến thăm và tìm hiểu về tình hình nông nghiệp nông thôn và nông dân ở Quảng Nam  ngày 14,15/4/2008 (nguồn Báo điện tử Đảng cộng sản)
2. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII.
3. Tô Duy Hợp, Báo cáo khảo sát về thực trạng và triển vọng an sinh xã hội tại một xã ngoại thành Hà Nội, Đề tai cấp Viện 2006
4. Tô Duy Hợp, An sinh xã hội tam nông - Một số vấn đề lý luận cơ bản, Tạp chí Xã hội học 1/2006.
5. Nguyễn Từ, Các giải pháp mở rộng thực hiện an sinh xã hội cho nông dân ở nước ta 6. Mai Ngọc Anh, Tách biệt kinh tế và chính sách an sinh xã hội cho nông dân nước ta hiện nay, Tạp chí Phát triển kinh tế số 186/2006

SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI THÁNG 7 NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét