Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Nhà 2 tầng nhan nhản ở làng cổ Đường Lâm

Sống trong căn nhà gần 40 tuổi bị mối mọt, xuống cấp nhưng gia đình ông Kiều Tuấn Anh không được phép sửa chữa. Trong khi chỉ cách nhà ông 30 mét là một dãy nhà 2 tầng khang trang mới xây dựng.


Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được công nhận là di tích quốc gia từ năm 2005. Nhưng thực chất chỉ có thôn Mông Phụ (một trong 5 thôn của xã Đường Lâm) là làng cổ bởi đây là nơi duy nhất còn giữ được các nét đặc trưng cơ bản của ngôi làng Việt.


Đời sống của người dân ngày một tăng lên trong khi cơ sở vật chất xuống cấp. Nhiều gia đình 7-10 người vẫn phải chen chúc trong những ngôi nhà ngói ba gian vỏn vẹn 30-50 m2 mà không được mở rộng, tu sửa, xây mới. Sự bất hợp lý này đã khiến hàng chục hộ dân Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu "Làng cổ".


Năm 2010, gia đình bà Hà Thị Khanh (thôn Mông Phụ) xây ngôi nhà hai tầng trên diện tích đất 70 m2 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 7 người. Tuy nhiên, ngay năm đó, nhà bà đã bị chính quyền cưỡng chế phá bỏ tầng 2 vì "quy định nhà tại làng cổ chỉ được phép cao tối đa 6 mét".




Do không đủ tiền làm mái ngói nên chị Lã Thị Tình đã phải cải tạo nhà của mình bằng mái tôn. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng yêu cầu gia đình phải lợp mái ngói để đảm bảo tính chất của làng cổ. Kết quả là một mái ngói đè lên mái tôn rất kỳ cục.



Nhà chật chội nên con trai chị Tình đã học lớp 6 vẫn phải ngủ với mẹ.



Mới đây, vợ chồng chị Oanh anh Long làm mái tôn chống nóng cũng bị cưỡng chế. Sau khi cắt ngắn chân cột, hạ thấp độ cao mái tôn, gia đình chị vẫn bị cắt điện nước 2,5 tháng.



Nằm ở trung tâm thôn Mông Phụ, căn nhà xây mới của gia đình chị Phan Thị Lê đang hoàn thiện thì nhận được lệnh phá bỏ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trong làng đồng loạt ký đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia.



Bởi gần ngôi nhà đang xây của chị Lê là ngôi nhà cao tầng khác đã xây vài năm mà không bị cưỡng chế, phá bỏ tầng hai.



Nhà bà Khanh bị phá bỏ tầng 2 trong khi cách đó chừng 50 mét, ngôi nhà hai tầng của ông Hà Văn Mạnh vẫn nằm chình ình mà không hề bị xử lý.



Ông Kiều Tuấn Anh sống trong căn nhà ba gian xây từ năm 1976, tức không phải nhà cổ, nhưng 8 năm nay ông không được phép xây dựng lại dù đang bị mối mọt, xuống cấp. "Ở trong làng cổ nhưng không phải nhà nào cũng cổ. Những gia đình có nhà cổ thuộc diện bảo tồn rất ít, vậy mà tôi và họ vẫn phải ở trong điều kiện chật hẹp, tối tăm thế này", ông Tuấn Anh bức xúc.



Trong khi đó, cách nhà ông Tuấn Anh chỉ 30 mét là dãy nhà hai tầng mới được xây. Điều này càng gây bức xúc cho ông và nhiều người dân trong thôn.



Cũng vì không được xây mới nên 90 cháu bé phải học chung trong một lớp học chưa đầy 60 m2 ở trường mầm non xã Đường Lâm nằm ngay đầu thôn Mông Phụ.

Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét