Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130520
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Đi học để kiếm ăn không bằng đi bầu để kiếm sống
* Em tìm không ra việc, nhà nước phải lo cho em đi *
Giữa trận bão Benghazi-IRS-AP trên chính trường - chưa nói đến hồi kết của vụ xử Jodi Arias tại pháp đình - Thị trưởng Michael Bloomberg của New York lãnh cán búa vào miệng trong bài phát biểu hôm Thứ Sáu tuần trước vì một lời khuyên cho giới trẻ: "So với nghề sửa ống nước và đi học tại Harvard thì làm thợ có lời hơn. Chẳng tốn bốn năm vạn tiền họctrong bốn năm không lương...."
Bloomberg là doanh gia có tài (người viết thành thật khai báo là thường xuyên đọc tin và mua báo của hệ thống Bloomberg) và chính khách láu cá (hai chữ này thường là đồng nghĩa) mà chọn sai thí dụ. Nhưng vô tình ngoáy vào vết thương của giới trẻ và một vấn đề của xã hội Mỹ, là hệ thống giáo dục. Bài này sẽ xoáy vào vấn đề ấy, dù chủ đề của cột báo không nói về kinh tế...
***
Chúng ta đang ở vào mùa tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, với mối lo rất lớn cho giới trẻ đã tốt nghiệp mà chưa thành tài vì kiếm không ra việc.
Lý do không chỉ là năm năm kinh tế đình trệ và thất nghiệp cao sau khi Tổng suy trầm đã hết từ Tháng Bảy năm 2009. Từ 60 năm nay, chưa khi nào nạn thất nghiệp lại cao như vậy sau một vụ suy trầm (recession). Điều ai oán - mà oán ai? - là từ cuối năm 2009, các doanh nghiệp đã tuyển lại nhân công và đến nay vẫn đỏ mắt kiếm người trong khi giới trẻ ở lớp tuổi 20-24 vẫn thất nghiệp ở mức cao nhất ngoài một chu kỳ suy trầm, là 13%. Và phân nửa những người đã tốt nghiệp đang phải nhận loại việc làm khỏi cần bằng cấp.
Thị trưởng Bloomberg nói ra một phần sự thật: biết vậy thì thà đi học làm thợ sửa ống nước còn hơn! Nhưng chọn sai thí dụ, là Đại học Harvard – hay các trường có uy tín với học phí rất cao.
Không nói về "kinh tế cũng là chính trị", bài viết tuần này nói về một lẽ bất toàn của xã hội Mỹ, dù chỉ là "nhìn từ bên ngoài". Hệ thống giáo dục cao đẳng (colleges) và đại học (universities) của Hoa Kỳ gây tốn kém quá lớn, hiệu quả quá thấp và đẩy giới trẻ vào cảnh nợ nần vì học phí. Mà vấn đề không là hậu quả của một chu kỳ suy trầm, tức là sẽ chấm dứt khi kinh tế phục hồi.
Trong hơn hai thập niên, từ 1990 đến nay, phí tổn cho việc học bốn năm cao đẳng hay đại học đã tăng gấp bốn lần tốc độ lạm phát. Đại học ở đây không chỉ có loại trường lớn và đắt tiền như Harvard, Stanford hay Yale hoặc Cornell. Phí tổn đầu tư cho các trường cao đẳng công lập (loại public colleges) cũng tăng gần gấp đôi trong 15 năm. Kết quả của việc đầu tư này là phân nửa số tốt nghiệp hiện phải nhận việc thấp hơn "tài" – trình độ học vấn hay công sức đầu tư. Trong khi ấy, doanh nghiệp vẫn tìm không ra người có nhả năng giải quyết nhu cầu của thị trường. Cung và cầu không ăn khớp....
Một trong các nguyên do là phương cách giải quyết vấn đề theo kiểu Mỹ: bằng tiền. Cứ thấy có vấn đề là người ta rót tiền vào và chờ kết quả. Chính quyền liên bang và các tiểu bang không chỉ tăng chi cho giáo dục mà còn lập ra các chương trình tín dụng, cho sinh viên vay tiền đi học.
Nói về phẩm, một phần của phí tổn về giáo dục công lập được trút vào bộ máy nhân sự, thầy cô thì ít mà công chức yểm trợ giáo dục thì nhiều. Họ là thành phần bỏ phiếu ủng hộ tăng chi. Mà đôi khi, khoản chi đó lại trôi vào túi các hiệu trưởng: lương trung vị (phân nửa cao hơn và phân nửa thấp hơn) của các vị chủ tịch trường cao đẳng công lập đã vượt quá 440 ngàn đô la một năm.
Phần kia là núi nợ "tín dụng sinh viên" (student loans) đang vượt đỉnh ngàn tỷ đô la và có thể sụp.
Vì nạn suy trầm, từ năm năm qua khoản nợ này đã tăng 60%. Vì cái học vô dụng khiến số người đi vay để đi học mà tìm không ra việc nên khó kịp trả nợ cũng lên tới mức báo động: năm ngoái, hơn 25% đã xù nợ. Hiện nay, phân nửa đang bị trễ hạn. Đấy là loại nợ có vấn đề.
Bên dưới mấy con số đó là hiện tượng con cái về sống dưới mái nhà cha mẹ và vay tiền học để sống qua ngày. Nhiều gia đình Mỹ hiện có con hết là vị thành niên nên khỏi được miễn thuế chu cấp cho con cái mà vẫn phải cáng đáng gánh nợ. Và thành phần trẻ tuổi này cũng hồn nhiên bỏ phiếu cho việc tăng chi, nâng mức trợ cấp xã hội hoặc giảm phân lời đi vay.
Nếu kiểm lại toàn bộ vấn đề - học phí gia tăng, đào tạo không thích hợp, gánh nợ của công quỹ và gia đình, v.v... - ta có thể nêu câu hỏi: ai là nạn nhân của hệ thống giáo dục này?
Nạn nhân đầu tiên là giới trẻ. Hai chục năm trước, chỉ có 10% là cần vay tiền đi học, ngày nay hai phần ba phải đi vay để đầu tư vào bốn năm sau trung học. Họ nợ trung bình hơn 26 ngàn so với chín ngàn của thế hệ trước. Một phần năm của loại khách nợ đầu xanh này còn có tham vọng tốt nghiệp trường lớn nên mắc nợ ít ra trăm ngàn, và bị Thị trưởng Bloomberg đay nghiến.
Loại nạn nhân thứ nhì là dân nghèo. Xưa kia, học vấn là ngả tiến thân ra khỏi cõi nghèo và 12% số người tốt nghiệp cao đẳng hay đại học là từ nhóm tứ phân (25%) nghèo nhất. Ba chục năm sau, tỷ lệ 12% chỉ còn có 7%. Định nghĩa mới của nghèo khó: nghèo là khó đi học nên càng khó ra khỏi cảnh nghèo.
Nạn nhân thứ ba là người thọ thuế. Nhà nước không kiếm ra tiền và khi chính quyền các cấp mà mất nợ vì tài trợ sinh viên thì gánh nợ ấy chuyển thành gánh thuế. Trong hai chục năm, họ tài trợ các chương trình đầu tư to tát và tốn kém cho giáo dục với kết quả đáng buồn.
Nạn nhân thứ tư chính là các trường đại học. Không chỉ có trường Harvard bị sánh với nghề sửa ống nước mà nói chung, niềm tin của dân Mỹ vào các trường học cũng giảm sút. Trước cơn suy trầm năm 2008, hơn 80% dân chúng còn tin vào triển vọng cải tiến cuộc sống nhờ học đường. Ngày nay, chỉ còn 57% dân Mỹ là giữ được niềm lạc quan đó!
Có cái gì đó không ổn trong hệ thống giáo dục và đào tạo của đệ nhất siêu cường thế giới.
***
Xã hội Hoa Kỳ thay đổi quá nhanh, nhất là từ hai chục năm qua, với tiến bộ khoa học kỹ thuật làm đảo lộn nhiều quy luật sinh hoạt. Trong 12 năm trung tiểu học, giới trẻ của nước Mỹ đã có trình độ nhận thức và khát khao khác hẳn thời trước. Nhưng hệ thống giáo dục và các chính khách lại quá chậm.
Họ thiếu chương trình đào tạo thích hợp cho các năm hậu trung học, ít ra là hai năm cao đẳng kỹ thuật để đào tạo tay nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vì vậy, ai cũng nghĩ đến bốn năm đầu tư. Lại còn đầu tư vào loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu của giới trẻ thật ra chưa trưởng thành: tinh thần mị dân trong giáo dục mở ra chân trời viễn mơ cho một thế hệ, khi hai chân chưa chạm mặt đất mà vẫn kê lên đôi vai của cha mẹ - và miệng nói về cải tạo xã hội.
Với nhiều đứa trẻ, đi học để kiếm ăn không bằng đi bầu để kiếm sống.
______________________
Chỉ có tại Hoa Kỳ
Một học sinh 17 tuổi tại North Carolina bị yêu cầu rút lại tấm hình trong cuốn kỷ yếu hàng năm của nhà trường. Cậu bé Caitlin Tiller của trường Trung học Wheatmore gửi "hình ảnh tiêu biểu của mình" cho cuốn sách kỷ niệm, là tấm ảnh chụp với đứa con trai lên một làm. Nhà trường đòi tìm tác phẩm khác - "vì không muốn đề cao việc có con ở tuổi vị thành niên". Chẳng rõ là ai trả tiền học và tiền nhà bảo sanh....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét