Thứ Ba, 29 tháng 4, 2008

VỀ TƯ CÁCH PHÁP NHÂN CỦA CÔNG TY HỢP DANH

LÊ VIỆT ANH

Công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp có từ lâu trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, loại hình này mới chỉ được ghi nhận trong pháp luật của Việt Nam chưa lâu. Lần đầu tiên loại hình doanh nghiệp này được ghi nhận là ở Luật Doanh nghiệp năm 1999[1]. Những quy định hiện hành về công ty hợp danh tập trung trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Theo đó, công ty hợp danh có dấu hiệu pháp lý mang tính đặc thù: có tư cách pháp nhân[2]. Đây là điểm khác biệt so với những quy định trước đây[3] cũng như là điểm khác biệt lớn nếu so sánh với pháp luật các nước trên thế giới, bởi công ty hợp danh ở các nước nói chung không có tư cách pháp nhân. Tại sao pháp luật Việt Nam lại quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân? Xác định tư cách pháp nhân đó có lợi ích gì? Dưới đây, bước đầu chúng tôi sẽ góp phần làm rõ vấn đề này.

1. Vài nét sơ lược về lịch sử hình thành quy định về hợp danh trên thế giới

Hợp danh theo nghĩa rộng xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Những chỉ dẫn đầu tiên tới hình thức này là trong Bộ luật Hammurabi của Babylon, khoảng năm 2300 trước Công nguyên. Người Do Thái, vào khoảng những năm 2000 trước Công nguyên đã hình thành thuật ngữ shutolin (một dạng hợp danh phi thương mại). Sau này, những hợp danh mang tính chất thương mại của người Do Thái hình thành từ những đoàn hội buôn[4].

ở châu Âu, luật về hợp danh hình thành từ tập quán của các thương nhân. Người Pháp dùng các thuật ngữ như societas, societe en common dite để chỉ các hình thức hợp danh. Societas là hình thức hợp danh chỉ bao gồm các thành viên hợp danh, còn societe en common dite bao gồm cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn[5].

Hợp danh được quy định trong Luật La mã (ví dụ như Bộ luật Justinian) với những điều khoản rất tương đồng với luật hiện đại. Người La mã cũng hình thành nên những quy định về đại diện, nền tảng của rất nhiều quy định của luật về hợp danh ngày nay. Ví dụ, Luật La mã có quy định qui facit per alium facit per se - người thực hiện hành vi thông qua hành vi của người khác cho bản thân người đó. Luật La mã cũng xác định sự lựa chọn tự nguyện của những người cộng tác với nhau bản chất của hợp danh, và nguyên tắc được gọi tên delectus personas - sự lựa chọn của cá nhân, cho đến nay vẫn là thành tố mang tính trung tâm của luật về hợp danh[6].

Người phương Đông cũng không xa lạ với phường, hội, cuộc và đủ loại liên kết bạn buôn. Tuy nhiên mô hình hội người (societas) theo dân luật - thương luật hay mô hình hợp danh (partnership) theo pháp luật Anh - Mỹ mới chỉ được du nhập trong một, hai thế kỷ trở lại đây[7].

2. Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh - quy định mang tính đặc thù

Tư cách pháp lý của công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam là một đặc điểm mang tính đặc thù. Theo quy định hiện hành, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh[8]. Tại sao pháp luật Việt Nam lại quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân trong khi các quốc gia trên thế giới hầu hết quy định công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân? Khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2005, quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân đã dẫn đến nhiều tranh cãi. Một số quan điểm cho rằng, không nên công nhận tư cách pháp nhân của công ty bởi hai lý do chính như sau:

Thứ nhất, việc thừa nhận tư cách pháp nhân mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi hội đủ bốn điều kiện: được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập[9].

Thứ hai, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân[10].

Quan điểm ngược lại cho rằng, khó có thể chứng minh việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự và nếu chứng minh được thì cũng không có ảnh hưởng gì về lý luận pháp lý, bởi Bộ luật Dân sự là luật chung còn Luật Doanh nghiệp là luật chuyên ngành[11]; việc thừa nhận này có thể coi là một ngoại lệ của Bộ luật Dân sự[12]. Đồng thời, khi trích dẫn pháp luật nước ngoài cho rằng công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân, những người viện dẫn đã không xem xét cụ thể những quy định để công ty hợp danh có thể tham gia giao dịch với người thứ ba và tham gia hoạt động tố tụng[13]. Để chứng minh cho tính hợp lý của việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh, ngoài việc phản biện hai ý nêu trên, một số nhà khoa học đưa ra thêm hai lý do sau[14]: trước hết, pháp luật Việt Nam quy định rằng tổ chức tham gia một ngành nghề nào đó phải có tư cách pháp nhân. Vì vậy, việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh cho phép loại hình doanh nghiệp này được quyền tham gia những ngành nghề đó; thứ hai, việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là điều đơn giản và dễ dàng hơn việc xây dựng một loạt khái niệm pháp luật và kỹ thuật pháp lý khác để công ty hợp danh có thể tham gia giao dịch với bên thứ ba và tham gia vào hoạt động tố tụng.

Đó là những tranh luận từ trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành. Đến thời điểm này, các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã đi vào cuộc sống. Việc xem xét tính đúng đắn của các quan điểm trên có thể thông qua mấy điểm sau đây:

Một là, những quy định về tính độc lập về tài sản của công ty hợp danh là chưa triệt để. Luật Doanh nghiệp năm 2005 tại 132.1 có quy định về việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của thành viên thành tài sản của công ty để khẳng định tính độc lập về tài sản của công ty hợp danh với các thành viên tạo ra nó. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp lại đồng thời quy định chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của của công ty. Chế độ này được hiểu là thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình của mình về các nghĩa vụ của công ty[15]. Cụ thể hơn, đối với những khoản nợ của công ty, thành viên hợp danh có nghĩa vụ chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty[16]. Như vậy, thành viên hợp danh sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, không kể là tài sản đã chuyển quyền sở hữu cho công ty hay tài sản của cá nhân không đưa vào tài sản công ty.

Thêm vào đó, 94.3 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Thành viên pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện”. Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh, như đã nói ở trên, xác lập việc các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm trả nợ bằng tài sản cá nhân của mình đối với các khoản nợ công ty không có khả năng thanh toán. Nếu chiểu đặc điểm này vào 94.3 thì trái hoàn toàn.

Hai là, nguyên tắc lex generalis - lex specialis thông thường chỉ áp dụng khi chính luật được coi là luật riêng (lex specialis) tự xác định ưu tiên trong nội dung của luật đó. Ví dụ, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Cạnh tranh năm 2004 tự xác định tính ưu tiên áp dụng so với luật khác. Cụ thể, Luật Cạnh tranh có quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng quy định của luật này”[17]. Trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 không có những quy định tương tự. Vì vậy, khẳng định việc quy định tư cách pháp nhân cho công ty hợp danh là một ngoại lệ so với những quy định của luật chung là Bộ luật Dân sự chỉ đơn thuần là suy luận mang tính học thuật, không có giá trị pháp lý xác định.

3. Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh - quy định không phù hợp với lợi ích

Khi nào thì luật pháp cần phải quy định cho một tổ chức có tư cách pháp nhân? Quy định tư cách pháp nhân cho một tổ chức có lợi ích cơ bản gì?

Việc quy định tư cách pháp nhân cho một tổ chức hay đúng hơn là việc hình thành khái niệm pháp nhân đem lại nhiều lợi ích. Giáo sư Jean Claude Ricci dẫn ra đây hai lợi ích cơ bản sau đây[18]:

Thứ nhất, việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được đơn giản hóa. Pháp nhân cho phép đơn giản hóa pháp luật. Chúng ta hãy đặt giả thiết là không có pháp nhân mà chỉ có các thể nhân. Khi đó, mỗi thể nhân thành viên đều sẽ phải tham gia vào việc ký kết các giao dịch pháp lý. Hậu quả sẽ rất phức tạp.

Thứ hai, việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được ổn định lâu dài. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng. Người ta thường hay nói rằng, pháp nhân không gặp phải những thay đổi bất ngờ như thể nhân. Thời gian tồn tại của một pháp nhân thường dài hơn cuộc sống của một con người. Và hoạt động của pháp nhân có thể kéo dài, thậm chí rất dài. Pháp nhân không bị ảnh hưởng bởi những biến cố xảy ra đối với thành viên của nó.

Nếu đối chiếu bản chất của loại hình công ty hợp danh vào hai lợi ích được dẫn ra trên, thì có thể thấy sự không phù hợp cơ bản khi quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân.

Đối chiếu với lợi ích thứ nhất, công ty hợp danh không cần đến tư cách pháp nhân để làm đơn giản hóa pháp luật. Bản chất của các quy định của công ty hợp danh là tôn trọng tính thỏa thuận giữa các thành viên hợp danh và các nguyên tắc về đại diện. Số lượng thành viên hợp danh trong công ty hợp danh rất ít. Đặc biệt, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, mô hình công ty hợp danh ở Việt Nam là mô hình đóng kín giữa những thân hữu có thể tin tưởng lẫn nhau[19]. Một thành viên có quyền đại diện cho các thành viên còn lại trong việc ký kết giao dịch với bên thứ ba mà không gặp trở ngại nào.

Đối chiếu với lợi ích thứ hai, khác với các loại hình công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trong trường hợp gặp sự cố đối với thành viên hợp danh thì có thể chấm dứt sự tồn tại của nó. Chẳng hạn, nếu công ty hợp danh chỉ có hai thành viên hợp danh mà một người đột ngột qua đời thì công ty hợp danh đứng trước nguy cơ giải thế rất cao[20] nếu thành viên còn lại không tìm được người để tiếp tục hợp danh.

4. Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh nhìn từ lợi ích của thành viên hợp danh

Xét từ góc độ lợi ích của thành viên hợp danh, thì sự tồn tại của tư cách pháp nhân của công ty hợp danh và chế độ chịu trách nhiệm vô hạn không mang lại lợi ích lớn. ở một chừng mực nào đó, nó còn là sự cản trở.

ở hầu hết các nước, do việc xác định hợp danh là sự liên kết của hai hay nhiều người cùng hùn vốn, tạo tài sản chung, chia sẻ quyền điều hành, cùng chịu lỗ hưởng lãi nên pháp luật đề cao sự thỏa thuận, không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh[21]. Với điều kiện như vậy, pháp luật nhiều nước không đánh thuế thu nhập đối với công ty hợp danh, từng thành viên chịu thuế với phần thu nhập cá nhân của riêng mình. Lợi ích của những cá nhân tham gia vào hợp danh thông thường là những cá nhân này sẽ không phải chịu thuế hai lần (double taxation)[22]. Khác với loại hình hợp danh ở các nước khác, công ty hợp danh ở Việt Nam do có tư cách pháp nhân nên đương nhiên phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp[23]. Khoản lợi nhuận sau thuế chia cho thành viên hợp danh có thể sẽ bị đánh thuế một lần nữa[24]. Lợi ích của các thành viên rõ ràng là bị ảnh hưởng lớn, trong khi họ đồng thời phải chịu chế độ trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của công ty.

Cũng vì các lý do đó, mà công ty hợp danh theo luật Việt Nam là mô hình kém hấp dẫn nhà đầu tư[25]. Điều đó thể hiện qua các con số thống kế trên thực tế về số lượng của các doanh nghiệp theo loại hình này. Theo thống kê doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, cho đến ngày 20/11/2007, Hà Nội chỉ có 17 công ty hợp danh so với 33.327 công ty trách nhiệm hữu hạn, 21.061 công ty cổ phần, 2.921 doanh nghiệp tư nhân, 2.137 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên[26]. Như vậy, có thể thấy số lượng công ty hợp danh là quá ít ỏi so với số lượng các doanh nghiệp thuộc các loại hình khác.

Trong một nỗ lực giải quyết tính kém hấp dẫn của mô hình công ty hợp danh, Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định thành viên hợp danh không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty hợp danh[27]. Tuy nhiên, cách xử lý này bị phản đối gay gắt[28], và ngày 20/11/2007, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân, vói quy định thành viên hợp danh vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

5. Kết luận

Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là một điểm đặc thù của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Lợi ích của quy định này nhìn chung là không cao, thậm chí còn hạn chế sự phát triển của loại hình công ty này. Không chỉ riêng các quy định về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh mà nhiều quy định khác của Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng phản ánh một hiện trạng chung về sự phát triển của chế định công ty trong pháp luật Việt Nam, đó là hướng phát triển tương đối khác với hầu hết các nước trên thế giới. ở nhiều nước, công ty có trước, sau đó mới có luật pháp điều chỉnh nó. Còn ở Việt Nam, nhiều loại hình doanh nghiệp chỉ được hình thành sau khi Luật Công ty năm 1990 và các văn bản tiếp sau nó ra đời[29]. Đối với công ty hợp danh, quy định tư cách pháp nhân của công ty hợp danh đã bộc lộ tính bất hợp lý qua các phân tích trên. Theo chúng tôi, cần tham khảo thêm pháp luật một số nước có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này, để có quy định hợp lý hơn về công ty hợp danh, tạo điều kiện cho giới doanh nhân có thêm một mô hình doanh nghiệp để lựa chọn cho phù hợp với ý tưởng kinh doanh của mình; đồng thời, cũng là để phù hợp với xu thế chung của thế giới khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế gi?i (WTO).


[1] Luật số 13/QH10/1999 ngày 12/06/1999, có hiệu lực từ ngày 01/01/2000 đến hết ngày 30/06/2006. Luật này đã được thay thế bởi Luật Doanh nghiệp năm 2005. Từ đây, cách trình bày văn bản luật theo ví dụ sau: 18.3.a được đọc là Điều 18, Khoản 3, điểm a.

[2] 130.2 Luật Doanh nghiệp năm 2005

[3] Luật Doanh nghiệp năm 1999 không quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân

[4] Denis Clifford and Ralph Warner, 2006, Form A Partnership, 7th edition, Nolo Press, 2006. tr.8

[5] Denis Clifford and Ralph Warner, 2006, Form A Partnership, sđd. tr.21

[6] Denis Clifford and Ralph Warner, 2006, Form A Partnership, sđd. tr.23

[7] Khoa Luật - ĐHQG Hà nội, 2006, Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật Kinh tế (Tập 1: Luật Doanh nghiệp), NXB ĐHQG Hà nội, 2006. tr.52

[8] 130.2 Luật Doanh nghiệp năm 2005

[9] 84 Bộ luật Dân sự năm 2005

[10] Đại học Luật Hà nội, 2006, Tập thể tác giả, Nguyễn Viết Tý (Chủ biên), Giáo trình Luật Thương mại, NXB Công an nhân dân, 2006. tr. 117

[11] Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật riêng (lex specialis) so với luật chung (lex generalis)

[12] Đỗ Văn Đại, 2005, Cần quy định hợp lý về công ty hợp danh, Website của VCCI http://www.vibonline.com.vn /vi-VN/Home/TopicDetail.aspx?TopicID=515

[13] Đỗ Văn Đại, 2005, Cần quy định hợp lý về công ty hợp danh, (tài liệu đã dẫn).

[14] Đỗ Văn Đại, 2005, Cần quy định hợp lý về công ty hợp danh, (tài liệu đã dẫn).

[15] 130.1.b Luật Doanh nghiệp năm 2005

[16] 134.2.đ Luật Doanh nghiệp năm 2005

[17] 5.1 Luật Cạnh tranh năm 2004

[18] Jean-Claude Ricci, 2001, Introduction à l étude du droit, Hachette, 2001-2002 (Bản dịch tiếng Việt, Nhà pháp luật Việt Pháp, 2002. tr.105, 106)

[19] Khoa Luật, ĐHQG Hà nội, 2006, Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật Kinh tế, sđd tr.60

[20] 157.1.c Luật Doanh nghiệp năm 2005

[21] Theo pháp luật Hoa Kỳ, hợp danh thông thường (chỉ bao gồm thành viên hợp danh) không nhất thiết phải đăng ký với cơ quan công quyền mà chỉ cần có hợp đồng hợp danh giữa các thành viên hợp danh, thậm chí có thể không cần đến hợp đồng hợp danh mà chỉ cần hoạt động động thực tế của hình thức hợp danh đó mà thôi.

[22] Haman, Edward A., 2004, The complete partnership book, 3rd edition, Sphinx Publishing, 2004. p.4

[23] 3.1 Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2003.

[24] 2.1.3 Thông tư 81/2004/TT-BTC

[25] Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, 2006, Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật Kinh tế, sđd tr.55

[26]Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội http://www.hapi.gov.vn/portals/default.aspx?portalid=11

[27] Thông báo số 6066/VPCP-XDPL ngày 23/10/2007 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Luật Thuế TNCN, trong đó nêu rõ: Đồng ý việc miễn thuế TNCN đối với phần lợi nhuận được chia của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, sau khi công ty hợp danh đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

[28]Xem thêm Không thu thuế thu nhập cá nhân của thành viên hợp danh có hợp lý? http://vietnamnet.vn /bandocviet/2007/11/753370/

[29] Nguyễn Ngọc Bích, 2006, Tại sao doanh nghiệp tư nhân không được góp vốn?, Thời báo Kinh tế Sài gòn, số tháng 11/ 2006

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 113, THÁNG 1 NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét