Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ XÁC ĐỊNH NỘI DUNG MÔN HỌC TƯ PHÁP QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

THS. LÊ THỊ NAM GIANG -  ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Tư pháp quốc tế hay còn gọi là Luật xung đột[1] giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, từ đó thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế. Tại Việt Nam hiện nay, Tư pháp quốc tế được hiểu với tư cách là một ngành luật độc lập và là một bộ môn khoa học pháp lý độc lập.[2] Theo quan điểm của Việt Nam, Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng (quan hệ mang bản chất dân sự) có yếu tố nước ngoài.[3] Thực ra, chúng ta đã ủng hộ quan điểm được thừa nhận rộng rãi và được thể hiện trong rất nhiều giáo trình Tư pháp quốc tế tại Liên bang Nga (và trước đây là Liên xô)[4]. Liên quan chặt chẽ tới việc xác định đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là việc xác định nội dung nghiên cứu của Tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề được tranh luận nhiều nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Tư pháp quốc tế với rất nhiều quan điểm khác nhau mà cho đến giờ, khoa học Tư pháp quốc tế ở các nước vẫn chưa đưa ra được quan điểm thống nhất.

Bài viết này đề cập trước hết đến phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế của một số nước trên thế giới và của Việt Nam, tiếp đó bàn luận về việc xác định nội dung giảng dạy môn học Tư pháp quốc tế tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay căn cứ theo các giáo trình là tài liệu chính thức của môn học này tại các trường.

2. Phạm vi điều chỉnh  của Tư pháp quốc tế một số nước

Ở Anh, Mỹ, Bỉ, Singapore, Úc và một số nước khác, Tư pháp quốc tế được nghiên cứu dưới góc độ luật xung đột (và ở các nước này Tư pháp quốc tế được gọi với tên gọi phổ biến là Luật xung đột) trong đó tập trung vào ba vấn đề cơ bản là xác định thẩm quyền của tòa án các nước này trong việc giải quyết các tranh chấp tư có yếu tố nước ngoài; vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng cho các tranh chấp trên (choice of law), sau đó là vấn đề về công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Cũng cần nhấn mạnh là các vấn đề trên được nghiên cứu trong tất cả các quan hệ pháp luật tư như quan hệ tài sản, quan hệ hợp đồng, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (torts), quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ phá sản...[5].

Ở Pháp, vấn đề đầu tiên mà tư pháp quốc tế quan tâm là quốc tịch, sau đó là quy chế pháp lý của người nước ngoài tại Pháp. Các vấn đề này được nhìn nhận như là các quy phạm thực chất của Pháp quy định các vấn đề như điều kiện để có quốc tịch Pháp, vấn đề xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ của họ. Sau đó là vấn đề xung đột pháp luật và xác định thẩm quyền xét xử của tòa án quốc gia, cuối cùng là về công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.[6]

Ở Bỉ tư pháp quốc tế được nghiên cứu như một ngành luật xung đột, trong đó đề cập chủ yếu đến các vấn đề về xác định thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và sau đó là vấn đề lựa chọn pháp luật và công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.[7]

Tại Liên bang Xô Viết trước đây và hiện nay tại Liên bang Nga và một số nước khác trước đây thuộc Liên bang Xô Viết, với quan điểm cho rằng đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, do đó nội dung của Tư pháp quốc tế được nghiên cứu ở phạm vi rất rộng bao gồm các vấn đề liên quan đến xung đột pháp luật, đến địa vị pháp lý của các chủ thể của Tư pháp quốc tế, các quan hệ về quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài, thừa kế có yếu tố nước ngoài, quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế, hợp đồng lixăng, quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quan hệ thanh toán quốc tế, quan hệ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quan hệ hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài, quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài, quan hệ tố tụng dân sự quốc tế, trọng tài thương mại quốc tế...[8]

Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù quan điểm của các nước rất khác nhau trong việc xác định nội dung nghiên cứu của Tư pháp quốc tế nhưng có ba vấn đề mà các nước đều nhìn nhận là thuộc nội dung nghiên cứu của Tư pháp quốc tế, đó là: (i) Xác định thẩm quyền xét xử của tòa án quốc gia đối với các vụ án, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; (ii) Xác định luật áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; (iii) Công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.[9]

3. Phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế Việt Nam và nội dung môn học Tư pháp quốc tế tại Việt Nam

Tại Việt Nam, với quan điểm cho rằng đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài cho nên nội dung của Tư pháp quốc tế được nghiên cứu ở phạm vi rất rộng bao gồm các vấn đề liên quan đến xung đột pháp luật, đến địa vị pháp lý của các chủ thể của Tư pháp quốc tế, các quan hệ về quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài, thừa kế có yếu tố nước ngoài, quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế, hợp đồng lixăng, quan hệ thanh toán quốc tế, quan hệ sở hữu trí tuệ, quan hệ hôn nhân, gia đình, quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài, quan hệ tố tụng dân sự quốc tế, trọng tài thương mại quốc tế.[10] So sánh với nội dung Tư pháp quốc tế ở các nước có thể thấy rằng chúng ta đã ủng hộ quan điểm của các tác giả Liên Xô trước đây và hiện nay là Liên Bang Nga.

Việc xác định đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế như ở Việt Nam, Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay gắn liền với lịch sử pháp luật tại các nước xã hội chủ nghĩa, khi mà trong một thời gian dài các ngành luật tư như luật thương mại, luật sở hữu trí tuệ... hầu như không phát triển mà đạo luật chủ yếu điều chỉnh các quan hệ tư là luật dân sự. Do đó, nội dung của Tư pháp quốc tế được nghiên cứu rất rộng, bao gồm tất cả những vấn đề liên quan đến quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng của thuật ngữ này) có yếu tố nước ngoài và cả các quan hệ tố tụng dân sự quốc tế, trọng tài thương mại quốc tế. 

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng hiện nay không chỉ có Tư pháp quốc tế mới điều chỉnh các quan hệ dân sự[11] có yếu tố nước ngoài. Luật thương mại quốc tế cũng tham gia vào việc điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế cả ở góc độ quan hệ thương mại công và quan hệ thương mại tư. Do đó đã có sự trùng lắp và chồng chéo trong nội dung giảng dạy của Tư pháp quốc tế với Luật thương mại quốc tế. Và trong xu thế mới với việc ban hành các bộ luật hay đạo luật về sở hữu trí tuệ thì sở hữu trí tuệ cũng có thể được thừa nhận là một ngành luật độc lập và một môn khoa học pháp lý độc lập. Điều đó đòi hỏi cần phải nghiên cứu một cách khoa học để xác định rõ nội dung nghiên cứu của Tư pháp quốc tế để không trùng lắp hay lấn sân với các môn khoa học pháp lý khác.         

4. Một số đề xuất

Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm của một số nước cho rằng Tư pháp quốc tế chỉ nên tập trung vào ba vấn đề cơ bản là xác định thẩm quyền của tòa án quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng cho các tranh chấp trên (choice of Law), sau đó là vấn đề về công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là các vấn đề trên phải được nghiên cứu trong tất cả các chế định cụ thể của Tư pháp quốc tế như quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hôn nhân gia đình... Bên cạnh đó, cần quan tâm đến quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các quan hệ dân sự và các quan hệ tố tụng dân sự quốc tế. Từ đây, xin mạnh dạn đề xuất:

1. Một số nội dung hiện nay đang được giảng dạy trong chương trình Tư pháp quốc tế của các trường đại học Việt Nam như thanh toán quốc tế, trọng tài thương mại quốc tế (ngoại trừ vấn đề công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài – tuy nhiên về bản chất vấn đề này thuộc phạm vi của tố tụng dân sự quốc tế chứ không phải trọng tài thương mại quốc tế) theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng không nên giảng dạy trong chương trình Tư pháp quốc tế mà cần được giảng dạy trong môn Luật thương mại quốc tế. Về hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong môn học Tư pháp quốc tế chỉ nên nghiên cứu dưới góc độ ba vấn đề cơ bản của Tư pháp quốc tế như đã đề cập  ở trên, còn nội dung các điều khoản cụ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển,[12] hợp đồng li-xăng nên nghiên cứu trong chương trình môn Luật thương mại quốc tế. Còn nội dung quyền sở hữu trí tuệ được nghiên cứu trong Tư pháp quốc tế nên được tách thành một môn học riêng là Luật quốc tế về sở hữu trí tuệ hoặc Luật sở hữu trí tuệ. Hiện nay mới chỉ có rất ít tài liệu về Tư pháp quốc tế tại Việt Nam là tiếp cận theo hướng này.[13]

2. Cần nhìn nhận rằng không có Tư pháp quốc tế chung cho các nước mà mỗi nước đều có Tư pháp quốc tế của riêng mình. Do đó, quan điểm cá nhân tôi cho rằng nên tập trung giảng dạy sâu vào các quy định của Tư pháp quốc tế Việt Nam cũng như thực tiễn áp dụng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nghiên cứu quy định của Tư pháp quốc tế các nước vì đây là lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của quá trình quốc tế hóa. Điều đó xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có ba lý do quan trọng. Thứ nhất, sự ảnh hưởng của các điều ước quốc tế ngày càng được ký kết nhiều hơn nhằm giải quyết các vấn đề của Tư pháp quốc tế trong phạm vi khu vực và toàn cầu, ví dụ như Công ước Rome 1980 về luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng, Công ước Lugana và công ước Brussels về công nhận và thi hành bản án của tòa án nước ngoài, công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài... Thứ hai, khi xây dựng các quy phạm xung đột trong pháp luật quốc gia nhằm hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền lựa chọn pháp luật thì các quy định này không thể quá khác biệt hay trái ngược với những quy tắc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Thứ ba, hiểu biết về các quy tắc xung đột, về thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế của pháp luật một số nước là một biện pháp giúp chúng ta tự bảo vệ mình trong quan hệ với công dân, pháp nhân các nước đó. Tuy nhiên với cách trình bày của các giáo trình tại Việt Nam hiện nay, khi chúng ta tách những phần giới thiệu quy định của Tư pháp quốc tế các nước về các chế định cụ thể như chuyển dịch rủi ro, quan hệ hôn nhân gia đình, thừa kế... thành các mục riêng biệt thì có thể gây ngộ nhận là chúng ta đang giảng dạy Tư pháp quốc tế chung chứ không phải Tư pháp quốc tế Việt Nam. Hơn nữa, làm như thế chúng ta sẽ có thể không tập trung vào phân tích sâu những vấn đề của Tư pháp quốc tế Việt Nam. Bên cạnh đó, có lẽ cũng cần tăng cường hơn nữa việc giảng dạy bằng tình huống, bằng án lệ để nâng cao giá trị thực tiễn cho môn học này.   

Vẫn biết rằng sự xác định rạch ròi đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế và xác định một cách rõ ràng nội dung nghiên cứu của Tư pháp quốc tế – một môn học rất khó và còn nhiều, rất nhiều vấn đề gây tranh cãi là việc vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc, khoa học. Trên đây là một số ý kiến cá nhân được đưa ra với mong muốn được sự trao đổi, chia xẻ của những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy.


[1] Có hai thuật ngữ được sử dụng rộng rãi cho tên gọi của ngành khoa học pháp lý này. Thuật  ngữ “Luật quốc tế tư“ (Private International Law) được sử dụng rộng rãi ở các nước Châu Âu và nhiều nước khác như Trung Quốc, Mông Cổ... Ở Việt Nam trong các giáo trình cũng như các công trình nghiên cứu, chúng ta thống nhất sử dụng thuật ngữ Tư pháp quốc tế. Thuật ngữ Luật xung đột (Conflict of laws) được sử dụng rộng rãi tại các nước như Hoa Kỳ, Anh, Singapore, Úc, Canada... Xem thêm: Lê Thị Nam Giang, Tư pháp quốc tế, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh 2006, tr. 23-27.

[2] Giáo trình Tư pháp quốc tế – Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội 2001, tr. 03 và tr. 13.

[3] Quan điểm này đã được thể hiện trong các giáo trình Tư pháp quốc tế của một số trường đại học của Việt Nam và trong một số sách tham khảo. Ví dụ: Giáo trình Tư pháp quốc tế – trường ĐH Luật Hà Nội, 1997, tr. 7;  Giáo trình Tư pháp quốc tế – Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội, 2001, tr. 7; Đoàn Năng,Những vấn đề lý luận cơ bản về Tư pháp quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr. 9.

[4] Ví dụ: L.P. Anufrieva, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb BEC, Maxcơva 2000; M.M. Bungalaxki,Giáo trình Tư pháp quốc tế, Maxcơva 1989, tr. 12; M.M. Bungalaxki, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Maxcơva 1998, tr. 13;  L.A. Luns, Giáo trình Tư pháp quốc tế,  Maxcơva 1970, tr. 10.

[5] Ví dụ Adrian Briggs, The Conflict Of Law, Oxford University Press 2002;  J. G. Collier, Conflict Of Law, 3rd ed, Cambridge University Press 2001; P. M. North and JJ Farcett, Cheshire and North’s Private Internatinaal Law, 12th ed, Butterworth 2002.

[6] M. M. Bungalaxki, sđd; Đỗ văn Đại, Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh 2006, tr. 21.

[7] Đề cương giảng dạy Tư pháp quốc tế của GS. Arnaud Nuyts, University of Brussels tại ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh tháng 01/2001.

[8] ví dụ: L.P. Anufrieva, Giáo trình Tư pháp quốc tế, NXB BEC, Maxcơva 2000; M.M. Bungalaxki,Giáo trình Tư pháp quốc tế, Maxcơva 1989, M.M. Bungalaxki, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Maxcơva 1998,  Skaridob AC, Tư pháp quốc tế, Sant- Peterburg 1998; L.A. Luns, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Maxcơva 1970.

[9] Xem thêm:  Lê Thị Nam Giang, sđd, tr. 14-16.

[10] Giáo trình Tư pháp quốc tế – Trường ĐH Luật Hà Nội, 2004;  Giáo trình Tư pháp quốc tế – Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, 2001, tr. 7;  Nguyễn Ngọc Lâm, Đề cương bài giảng Tư pháp quốc tế, 2006.

[11] Trong bài viết này, xin được hiểu thuật ngữ dân sự theo nghĩa rộng được quy định tại Điều 1 Bộ luật dân sự 2005: “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).”

[12] Trong chương trình giảng dạy Tư pháp quốc tế tại trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh được áp dụng cho đến thời điểm hiện nay thì hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển được giảng dạy thành một chương riêng với thời lượng 15 tiết.

[13] Ví dụ: Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ, sđd;

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét