Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

"TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN" VỚI VẤN ĐỀ CHẾ ĐỘ SỞ HỮU TRONG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

GS.TS. NGUYỄN NGỌC LONG

Chế độ sở hữu là một trong những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu cả về lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội. Về lý luận, chủ nghĩa Mác - Lê-nin coi việc xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là một đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội. "Thủ tiêu chế độ tư hữu là một cách nói vắn tắt nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội"(1). Nhưng mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực xây dựng trên cơ sở chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân (thực ra là sở hữu nhà nước) và sở hữu tập thể đã lâm vào khủng hoảng, chế độ xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu.

Ở nước ta, quan điểm về xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhân tố rất quan trọng góp phần vào thắng lợi to lớn của quá trình đổi mới hơn mười lăm năm qua. Trong nền kinh tế nhiều thành phần đó có sự tồn tại đan xen và kết hợp nhiều chế độ sở hữu, bao gồm cả sở hữu tư nhân. Vậy vấn đề chế độ sở hữu trong chủ nghĩa xã hội cần được "nhận thức lại" như thế nào ?

Mặt khác, mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ với nền kinh tế thị trường dựa trên chế độ tư hữu có sự điều tiết của nhà nước lại đã có một thời được không ít người ngưỡng mộ. Rồi quá trình tư nhân hóa kinh tế nhà nước diễn ra vài thập kỷ vừa qua như một tất yếu kinh tế ở một loạt nước, cả những nước tư bản chủ nghĩa phát triển cũng như những nước đang phát triển.

Những thực tế đó đã được các học giả tư sản lấy làm căn cứ để bác bỏ học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chủ nghĩa xã hội ; đồng thời, cũng đã gây nên sự bối rối trong hàng ngũ lý luận mác-xít, thậm chí là sự nghi ngờ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về một vấn đề có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội : vấn đề thủ tiêu chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu.

1- "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" với vấn đề xóa bỏ chế độ tư hữu

Xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu là một quan điểm cơ bản trong các học thuyết xã hội chủ nghĩa trước Mác, đặc biệt là trong chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp với tính cách là một nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác. Từ đó, có người cho rằng các tác giả của Tuyên ngôn vẫn chưa thoát khỏi tính chất không tưởng trong quan niệm về chế độ sở hữu của chủ nghĩa xã hội.

Có người lại cho rằng trong Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ nói đến việc xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản ; do đó cần hiểu chế độ tư hữu trong luận điểm "tóm tắt lý luận" của những người cộng sản không phải là chế độ tư hữu nói chung mà chỉ là tư hữu tư sản. Có như vậy, luận điểm "xóa bỏ chế độ tư hữu" mới không mâu thuẫn với luận điểm khác ngay trước đó : "Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản"(2).

Theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen, việc xóa bỏ tư hữu nhỏ không phải là vấn đề của chủ nghĩa xã hội vì chế độ tư hữu nhỏ bị thủ tiêu bởi chính sở hữu tư sản ; "chế độ tư hữu tư sản", như đã được nói rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, "là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất"(3) của chế độ tư hữu. Vì vậy, khi chủ nghĩa cộng sản thực hiện việc xóa bỏ tư hữu tư sản cũng có nghĩa là chế độ tư hữu nói chung cũng bị thủ tiêu. "Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là : xóa bỏ chế độ tư hữu"(4) ; nghĩa là xóa bỏ tư hữu nói chung.

Phải thừa nhận rằng, trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu có những khuyết điểm sai lầm mang tính chất không tưởng. Nhưng lại là sai lầm to lớn nếu xem đó là hệ quả tất nhiên của tính chất không tưởng trong quan điểm về xóa bỏ chế độ tư hữu của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chế độ tư hữu chăng ? Đó là một ảo tưởng của trào lưu xã hội chủ nghĩa mà các tác giả Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản gọi là "chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản" ; ngày nay nó đã bị sụp đổ cùng với sự thất bại của mô hình được xem là lý tưởng nhất của nó. Vậy phải chăng theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen thì trong chủ nghĩa xã hội chế độ tư hữu nói chung không có tư hữu tư sản sẽ được duy trì ? Đó lại là quan niệm của chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản mà các ông đã phê phán, vạch trần tính chất "vừa là phản động vừa là không tưởng" của nó(5). Trong điều kiện nền kinh tế đa sở hữu còn là tất yếu khách quan thì bằng cách nào để đi tới chủ nghĩa xã hội, nếu không làm cho chế độ công hữu với nhiều hình thức khác nhau trở thành nền tảng ?

Quan niệm về xóa bỏ chế độ tư hữu của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản khác với chủ nghĩa xã hội không tưởng. Trong khi luận chứng một cách khoa học tính tất yếu của sự xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung, C. Mác và Ph. Ăng-ghen cho rằng, đó phải là sự tự phủ định với những tiền đề do sự phát triển của xã hội dựa trên chế độ tư hữu đã tạo ra. Ngay từ tác phẩm "Bản thảo kinh tế triết học 1844", C. Mác đã thể hiện tư tưởng đó khi cho rằng, sở hữu tư nhân do lao động bị tha hóa sinh ra ; nhưng đến lượt mình, nó lại là nguyên nhân làm cho lao động bị tha hóa phát triển. Khi đạt trình độ cao nhất với sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa thì lao động bị tha hóa lại tạo tiền đề để tự phủ định bằng cách thủ tiêu sở hữu tư nhân tư bản. Tư tưởng đó được trình bày một cách khoa học và rõ ràng hơn trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức". C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ rõ : "Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra"(6). Sự tha hóa con người do lao động bị tha hóa trong hình thức sở hữu tư nhân chỉ có thể được khắc phục với những tiền đề nhất định mà trình độ phát triển cao của sức sản xuất được các ông gọi là "tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết" vì nếu không có tiền đề đó thì "tất cả sẽ chỉ là sự nghèo nàn sẽ trở thành phổ biến ; mà với sự thiếu thốn tột độ thì ắt sẽ bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để lại dành những cái cần thiết, thế là người ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây"(7). Như vậy là không thể xóa bỏ chế độ tư hữu ở bất kỳ trình độ phát triển nào của nền sản xuất xã hội theo ý muốn chủ quan của con người ; những người cộng sản chỉ đặt ra cho mình nhiệm vụ xóa bỏ tư hữu bằng cách xóa bỏ sở hữu tư sản mà thôi. Và ngay cả khi nhiệm vụ đó được đặt ra thì việc xóa bỏ tư hữu cũng không thể thực hiện ngay lập tức, như Ph. Ăng-ghen đã viết trong "Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản". Trả lời câu hỏi : Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không ? Ph. Ăng-ghen viết : "Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu"(8). Những biểu hiện của quan niệm không tưởng về xóa bỏ tư hữu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn xa lạ với quan điểm của các tác giả Tuyên ngôn.

2 - Sở hữu tư nhân, sở hữu cá nhân và chế độ công hữu

Theo các tác giả của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ tư hữu không có nghĩa là xóa bỏ sở hữu nói chung. Hình thức sở hữu mà những người cộng sản không chủ trương xóa bỏ là sở hữu cá nhân của người lao động. Trong thực tế lịch sử chế độ tư hữu ra đời từ sự phát triển của sở hữu cá nhân. Nhưng sự khác nhau giữa hai loại sở hữu đó thì rất rõ ràng. Sở hữu cá nhân là "sở hữu do cá nhân mỗi người làm ra, kết quả lao động của cá nhân"(9) ; còn chế độ tư hữu lại là "phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia"(10), mà chế độ sở hữu tư sản là biểu hiện cuối cùng và hoàn thiện nhất.

Trong các xã hội có dựa trên chế độ tư hữu, sở hữu cá nhân của một số ít người được phát triển bằng cách tước đi sở hữu cá nhân của đa số những người khác. Chủ nghĩa cộng sản làm cho "sở hữu cá nhân không còn có thể biến thành sở hữu tư sản được nữa"(11).

Đương nhiên, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen chưa thể làm sáng tỏ vấn đề sở hữu cá nhân trong chủ nghĩa cộng sản ; bởi vì, một vấn đề phức tạp như vậy thì cũng như nhiều vấn đề khác của chủ nghĩa cộng sản, các ông chỉ có thể chờ kinh nghiệm của thực tiễn mà thôi. Không những thế, khi mà sở hữu cá nhân tồn tại dưới những hình thức tư hữu khác nhau, nhất là trong những điều kiện hiện tại của sản xuất tư sản, khi mà "tự do có nghĩa là tự do buôn bán, tự do mua và bán"(12) thì quan điểm xem sở hữu cá nhân là "cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và mọi sự độc lập của cá nhân"(13) lại được sử dụng để biện hộ cho chế độ tư hữu, một quan điểm tư sản cần được vạch trần. Các tác giả Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vạch ra rằng : nếu đó là sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông thì "sự phát triển của công nghiệp đã xóa bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xóa bỏ cái đó rồi"(14) ; còn đối với người công nhân thì chỉ có thể chiếm hữu "những sản phẩm của lao động, cần thiết để tái sản xuất ra đời sống"(15) mà thôi.

Vấn đề sở hữu cá nhân được C. Mác tiếp tục làm rõ trong bộ "Tư bản". C. Mác viết : "chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nữa đều là sự phủ định đầu tiên đối với chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động của bản thân. Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định cái phủ định. Sự phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu mà khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa : trên cơ sở sự hiệp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra"(16). Như vậy là, chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa không những không loại trừ sở hữu cá nhân mà lại là sự khôi phục sở hữu cá nhân của người lao động đã bị chế độ tư hữu phủ định. Sở hữu cá nhân ở đây không phải chỉ là những sản phẩm lao động với tính cách là tư liệu tiêu dùng như quan niệm lâu nay được phổ biến trên sách báo mác-xít mà phải bao gồm cả sở hữu về tư liệu sản xuất nhưng không còn mang hình thức tư nhân mà tồn tại trong sự thống nhất với sở hữu xã hội. Nói cách khác, đó là sở hữu cá nhân được khôi phục trên cơ sở cao hơn vì không còn bị phủ định một cách tất yếu như trong chế độ tư hữu trước đây. Trong chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, sở hữu xã hội phải được hiểu là sở hữu của những cá nhân đã liên hiệp với nhau, "toàn bộ sản xuất đã tập trung trong tay những cá nhân đã liên hợp với nhau", một liên hợp "trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người"(17).

Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa như vậy sẽ ra đời với những hình thức và bước đi như thế nào ? Với cách tiếp cận chủ nghĩa cộng sản một cách khoa học, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản chỉ có thể chỉ ra rằng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung, xác lập chế độ công hữu nói riêng, phải được thực hiện với những biện pháp phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. "Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều"(18). Các tác giả Tuyên ngôn có vạch ra một số biện pháp mà các ông cho là "có thể được áp dụng" đối với những nước tiên tiến. Nhưng đó lại là những điều mà 20 năm sau các ông cho rằng : "Ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi"(19).

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những hình thức kinh tế mà C. Mác xem là "những hình thái quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sang phương thức sản xuất tập thể"(20), khi nghiên cứu các công ty cổ phần và những nhà máy hợp tác của công nhân trong chủ nghĩa tư bản. Trong công ty cổ phần tư bản chủ nghĩa thì tư bản "trực tiếp mang hình thái tư bản xã hội", là tư bản, nhưng là "tư bản của những cá nhân trực tiếp liên hiệp lại với nhau"(21) nhưng là các cá nhân tư sản. Còn trong nhà máy hợp tác của công nhân, "dĩ nhiên vẫn lặp lại và không thể không lặp lại tất cả những khuyết điểm của chế độ hiện tại. Nhưng sự đối kháng giữa tư bản và lao động đã được xóa bỏ trong phạm vi những nhà máy hợp tác đó" ; đó là tư bản nhưng là tư bản của "những người lao động liên hiệp"(22) mà thành.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời và được xây dựng trong điều kiện các nước chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển. Trong tình hình đó việc xác lập chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa không thể không là quá trình tìm tòi sáng tạo những hình thức và bước đi thích hợp. Không những thế, chế độ tư hữu nhỏ còn tồn tại một cách phổ biến và sự phát triển tư bản, như V.I. Lê-nin đã từng nói, còn là không tránh khỏi. Việc tìm ra những "hình thái quá độ", "những khâu trung gian" để đi tới chế độ công hữu là hết sức cần thiết không những để chuyển từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sang phương thức sản xuất tập thể mà còn để đưa nền sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với một sự nghiệp lớn lao và mới mẻ như vậy thì những thiếu sót, khuyết điểm mắc phải trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm là khó tránh khỏi. Nhưng việc tuyệt đối hóa hình thức công hữu theo mô hình Xô-viết và nhất là biến cách thực hiện xóa bỏ tư hữu, xác lập chế độ công hữu trong điều kiện lịch sử cụ thể nước Nga thành nguyên tắc, thành quy luật phổ biến của chủ nghĩa xã hội thì lại là sai lầm của chủ nghĩa chủ quan, giáo điều. Nắm vững quan niệm khoa học của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản về vấn đề sở hữu không những để tránh tái phạm những sai lầm đã mắc phải, mà điều quan trọng là, để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của chủ nghĩa xã hội từ nền tảng kinh tế của nó./.


(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen :Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 467

(2) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 615

(3) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 615

(4) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 616

(5) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 633

(6) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 3, tr 51

(7) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 3, tr 49

(8) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 469

(9) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 616

(10) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 615

(11) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 618

(12) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 618

(13) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 616

(14) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 616

(15) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 617

(16) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 23, tr 1059 – 1060

(17) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 628

(18) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 4, tr 627

(19) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 18, tr 128

(20) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 25, tr 673

(21) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 25, tr 667

(22) C. Mác - Ph. Ăng-ghen : Sđd, t 25, tr 673

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 31 NĂM 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét