Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

VẬN ĐỘNG HÀNH LANG Ở MỸ VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỚI VIỆT NAM

TRẦN ĐÌNH TUẤN

Thời gian gần đây, vấn đề vận động hành lang (lobby) đang được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam. Đã có những cuộc hội thảo lớn được tổ chức về vấn đề này. Điều đó cho thấy rằng vận động hành lang là một vấn đề quan trọng đang ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của chúng ta.

Trên thực tế, từ “lobby” bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1840 tại Quốc hội Anh, khi công dân Anh có quyền đến hành lang Quốc hội gặp các nghị sĩ để bày tỏ nguyện vọng của mình. Dần phát triển và lan rộng, giờ đây ở Mỹ, Châu Âu, Canada - được xem là những nơi mà các hoạt động lobby chuyên nghiệp và sôi động nhất.

Tại các nước phát triển, lobby được pháp luật thừa nhận và hoạt động công khai. Hoạt động lobby không phải ở trong phòng họp mà ở ngoài hành lang với nhiều hình thức phong phú. Khi Liên minh Châu Âu (EU) chọn Bruxells (Bỉ) làm trụ sở thì dòng chảy các chuyên gia lobby cũng ồ ạt về đây bởi các công ty biết rằng những gì diễn ra ở đây ảnh hưởng mạnh mẽ tới tương lai và chiến lược hoạt động của họ. Các chuyên gia lobby thường hoạt động dưới những hình thức như: văn phòng đại diện báo chí, đại diện thương mại, văn phòng luật…

Vận động hành lang ở Mỹ

Nói đến lobby tất yếu phải nói đến nước Mỹ. Ngày nay, từ lobby tại Mỹ chỉ việc người dân tìm cách ảnh hưởng đến quyết định của các nhân viên chính phủ, tới các nghị sĩ đến các nhân viên trong guồng máy hành chính bằng nhiều cách hình thức khác nhau như gặp mặt, gửi thư, gửi các văn bản góp ý, biểu tình. Lobby có nền tảng vững chắc trong Hiến pháp Mỹ - đó là quyền được đề nghị với chính phủ trong Hiến pháp. Tại Mỹ, hiện có rất nhiều công ty tư vấn về lobby. Thông thường họ là các cựu nghị sĩ. Các tổ hợp luật chuyên về nhà nước cũng thường làm lobby. Các công ty lớn thường có một văn phòng ngoại giao hay văn phòng liên chính phủ chuyên về lobby. Các văn phòng này thường đặt ở thủ đô Washington D.C. Các tổ chức phi chính phủ lớn cũng thường có một văn phòng hay chí ít là một nhân viên chuyên về liên hệ chính phủ.

Trong lobby ở Mỹ cũng có xảy ra tham nhũng. Vì vậy Quốc hội Mỹ tìm cách giảm tham nhũng bằng cách yêu cầu các chuyên gia lobby (tiếng Anh là lobbyist) đăng ký với Quốc hội trong một danh sách công khai. Luật pháp Mỹ cấm nhân viên nhà nước nhận quà trên 25 USD. Các công ty nước ngoài cũng có thể lobby tại Mỹ, thông thường là qua một công ty chuyên về lobby. Đài Loan được coi là bỏ chi phí lớn nhất cho việc lobby tại Mỹ vì họ cần Mỹ hỗ trợ trong mối quan hệ với Trung Quốc. Các công ty Trung Đông cũng khá tốn kém về lobby khi muốn đầu tư tại Mỹ.

Hiện trạng lobby ở Mỹ hiện nay có điểm tựa vững chắc trong lịch sử. Ngay từ ngày lập quốc, những cha đẻ của nước Mỹ đã hình dung một xã hội dân chủ trong đó tiếng nói của người dân phải được truyền tải một cách đầy đủ nhất đến chính quyền. Một trong những công thần lập quốc của nước Mỹ là ông James Madison (sau này trở thành Tổng thống thứ tư của Mỹ vào năm 1809) là người phổ biến thuyết “bàn tay vô hình” trong chính trường, tương tự như thuyết bàn tay vô hình trong kinh tế thị trường của Adam Smith. Theo ông, chính trường cũng như thương trường. Nếu thông tin được lưu hành tốt thì cung sẽ gặp cầu, vì thế nhà nước có đủ thông tin (những yêu cầu, nguyện vọng, áp lực từ dân) và cung cấp được những cái dân cần. Từ đó, vai trò của những người vận động hành lang trong chính trường Mỹ được xem là cần thiết như vai trò của người làm dịch vụ thông tin, tiếp thị, môi giới… trong thương trường. Người lobby ở Mỹ có thể đại diện cho bất cứ một cá nhân, tập thể chính trị, xã hội, kinh tế, thương mại nào, kể cả những cá nhân, tập thể chính phủ nước ngoài, chỉ cần điều kiện là họ đăng ký minh bạch với chính quyền Mỹ. Phần lớn những người lobby là các quan chức hội hữu, những chuyên viên từng làm việc ở Quốc hội, các luật sư có kinh nghiệm chuyên ngành (của thân chủ họ). Những người lobby có tên tuổi lớn thường là những cựu Bộ trưởng, tướng lĩnh, cố vấn hay trợ lý của tổng thống, dân biểu, thượng nghị sĩ đã từng nắm những chức vụ chủ chốt ở Quốc hội, hoặc ngay cả những cựu Tổng Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.

Pháp luật Mỹ công nhận lobby là một hoạt động hợp pháp, công khai và được điều chỉnh bởi 3 Bộ Luật: Luật Công khai vận động hành lang (lobbying Disclosure Code), Bộ Luật về Ngân sách Liên bang (Internal Revenue Code) và Luật Đăng ký đại diện cho nước ngoài (Foreign Agents Registration Act). Thực tế, ngay cả một số cơ quan chính phủ trung ương và địa phương cũng lobby các nhà lập pháp. Tại thủ đô Washington.D.C, lobby là một trong năm nghề đông đảo nhất, bên cạnh các nghề: viên chức nhà nước, ấn loát, dịch vụ pháp luật và dịch vụ du lịch. Hiện có hơn 22.000 nhóm lợi ích có tổ chức tại Mỹ và khoảng 50.000 người đăng ký chính thức hành nghề lobby.

Các nước đồng minh của Mỹ như: Anh, Pháp, Đức, úc, Nhật, Hàn Quốc… cũng có một đội ngũ lobby hùng hậu ở Mỹ. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho các hoạt động lobby ở Mỹ, do vậy đã có được mối quan hệ tương đối tốt và ổn định với nước này, dù quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc luôn đặc biệt phức tạp. Singapore cũng là nước thành công trong các hoạt động lobby tại Mỹ nhờ đội ngũ chuyên gia lobby thuộc biên chế sứ quán nước này tại Mỹ được đào tạo rất tốt và hoạt động rất hiệu quả.

Và một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Để làm tốt công việc lobby ở Mỹ chúng ta cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất, công bằng đối với người Mỹ có nghĩa “sòng phẳng” nhiều hơn là “đúng” theo nghĩa đạo đức. Khi chính quyền Mỹ có áp lực từ Hiệp hội Thuỷ sản Mỹ (trực tiếp hay gián tiếp qua các dân biểu của họ) và lấy lý do nào đó để ngăn chặn một nước đưa tôm, cá vào Mỹ, mà nước xuất khẩu không có tiếng nói và một phần lực mạnh mẽ thì phải chấp nhận thiệt thòi. Nguyên tắc này áp dụng cho cả người Mỹ với nhau.

Thứ hai, hoạt động lobby ở Mỹ tuy là công khai nhưng giá trị chính lại nằm ở những hoạt động “hậu trường”, vì các cuộc gặp gỡ giữa chính phủ và chính phủ thường có giá trị rất giới hạn. Các chính khách khi gặp nhau thường phải giữ kẽ, phải theo bài và không quan chức nào muốn xem là vì áp lực trực tiếp của một chính phủ khác mà phải thay đổi chính sách. Cho nên những nước khôn khéo biết làm việc với Mỹ thường thương lượng, dàn xếp mọi vấn đề trước khi gặp nhau để chính thức hoá.

Thứ ba, phải tìm hiểu thấu đáo hệ thống quyền lực chính trị ở Mỹ. Chúng ta đều biết rằng cơ quan quyền lực cao nhất và mạnh nhất ở Mỹ là Quốc hội - gồm Hạ viện với 435 dân biểu có nhiệm kỳ 2 năm và Thượng viện với 100 thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ 2 năm cho dân biểu là để các vị này luôn bị áp lực phải phục vụ dân vì phải đi vận động dân bầu lại cho mình 2 năm một lần. Vai trò của thượng nghị sĩ là để cân bằng những đòi hỏi quá đáng từ Hạ viện vì các thượng nghị sĩ không bị áp lực tranh cử nặng nề như các dân biểu. Quyền lực của Quốc hội phần lớn dựa trên vai trò làm luật theo nhu cầu, nguyện vọng của dân và chuẩn chi ngân sách nhà nước. Do Quốc hội Mỹ nắm hầu bao nên cơ quan này có quyền chi phối mọi hoạt động của cơ quan hành pháp. Tổng thống có ký hiệp định với quốc gia nào mà Quốc hội không duyệt thì hiệp định đó sẽ không có hiệu lực. Quốc hội muốn gì, nếu không ảnh hưởng lớn đến an ninh, quyền lợi, chiến lược của quốc gia thì thông thường phía hành pháp đều xuôi theo. ở Mỹ, Quốc hội thực sự là cánh cửa để doanh nghiệp, tập thể, hội đoàn tác động trực tiếp nhằm cải thiện quyền lợi của họ.

Thứ tư, tại Mỹ, khi có xung đột quyền lợi thì một trong những nguyên tắc chính để tạo cân bằng là thương lượng. Khi hai bên không thể tự giải quyết ổn thoả thì mới đem nhau ra toà hay để cho phía thứ ba đứng ra giải quyết. Đây là giải pháp cuối cùng vì rất tốn chi phí và thời gian.

Đầu tư vào các hoạt động lobby khá tốn kém. Nhưng đây là phương pháp ngừa bệnh cho nên thực ra còn rẻ hơn nhiều so với chi phí chữa bệnh. Kinh nghiệm của các nước làm lobby hữu hiệu với Mỹ là dùng các chuyên gia lobby có thế lực ở Mỹ. Người nước ngoài khó có kiến thức, quan hệ, tư cách pháp nhân cần thiết để tiếp cận dễ dàng với chính giới Mỹ. Trong phạm trù kinh tế, thương mại, nếu muốn làm ăn trên quy mô lớn và lâu dài với Mỹ thì cần phải có một chiến lược, chương trình lobby cụ thể./.

SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 10 (426) THÁNG 5 NĂM 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét