Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHUẨN LAO ĐỘNG QUỐC TẾ CƠ BẢN ĐẾN KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA QUỐC GIA

THS. PHẠM TRỌNG NGHĨA – Bộ Lao động. Thương binh và Xã hội

Pháp luật lao động quốc tế bao gồm một hệ thống tiêu chuẩn lao động được thông qua ở cấp độ quốc tế (1). Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (International Labour Organisation - ILO), các tiêu chuẩn lao động quốc tế được chia thành 22 nhóm khác nhau (2). Trong 22 nhóm tiêu chuẩn đó, có những tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi như: (i) gắn chặt với quyền của người lao động; (ii) làm nền tảng cho việc bảo đảm, thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế khác; (iii) mọi quốc gia thành viên của ILO phải tôn trọng và thúc đẩy thực hiện…

Những tiêu chuẩn lao động quốc tế đó được gọi là những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản (TCLĐQTCB). Nhân dịp kỷ niệm tròn 90 ngày thành lập Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) (4/1919 - 4/2009), Tạp chí NCLP xin giới thiệu bài nghiên cứu đề cập đến các TCLĐQTCB, trong đó tập trung vào các vấn đề: (i) ý tưởng về các TCLĐQTCB; (ii) quan niệm về TCLĐQTCB; (iii) lý giải tại sau những tiêu chuẩn đó lại được coi là tiêu chuẩn “cơ bản”; đồng thời, (iv) đánh giá tác động của việc thực hiện các TCLĐQTCB này đối với năng lực cạnh tranh của quốc gia trên hai phương diện là khả năng thu hút FDI và khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu; qua đó, (v) đề xuất một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

1. Ý tưởng về TCLĐQTCB

Toàn cầu hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề lao động cũng như đến pháp luật lao động (3). Chính những ảnh hưởng này đã dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như xác định như thế nào là TCLĐQTCB. Các quan điểm này bắt đầu xuất hiện từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt. Khi đó, cuộc đối đầu giữa hai hệ chính trị khác nhau được thay thế bằng cuộc chiến giữa những người ủng hộ toàn cầu hóa tự do hoàn toàn với đặc trưng là tự do thương mại, tự do đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và một bên là những người ủng hộ việc lập ra các quy định toàn cầu để bảo vệ người lao động cũng như bảo vệ môi trường trước những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa (4).

Quan điểm thứ nhất phủ nhận vai trò của ILO trong quá trình toàn cầu hóa. Những người theo quan điểm này cho rằng ILO có cách tiếp cận không lạc quan đối với quá trình toàn cầu hóa. Theo quan điểm của họ, thay vì thúc đẩy phát triển kinh tế để có thể đem lại lợi ích cho mọi người, ILO vẫn duy trì cách thức tiếp cận cũ, cách thức lập quy theo lối suy nghĩ của thế kỷ trước mà không thể hiện vai trò tích cực trong việc tiếp cận các cơ hội cũng như thách thức mới của nền kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa (5). Những người theo quan điểm này, căn cứ vào chủ thuyết thương mại tự do (neo-liberal), họ coi các tiêu chuẩn lao động là rào cản đối với thị trường, và theo họ, điều kiện lao động sẽ được cải thiện từ quá trình phát triển kinh tế, và tất cả mọi người (trong đó tất nhiên có người lao động) sẽ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa (6). Quan điểm này cho rằng, nếu như các tiêu chuẩn lao động được sử dụng để điều chỉnh những khuyết tật của thị trường lao động ở các quốc gia khác nhau, thì không có lý do gì để xây dựng các tiêu chuẩn lao động ở cấp độ quốc tế (7). Nhóm quan điểm này đi đến kết luận rằng, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế là không cần thiết và vai trò của ILO cũng không cần thiết (8).

Quan điểm thứ hai đến từ những người theo trường phái thương mại công bằng (fair-trade); những tổ chức dân sự và nhóm những nhà hoạt động về quyền của người lao động (9). Những người theo quan điểm này cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng bộc lộ những mặt tiêu cực của mình. Trong quá trình toàn cầu hóa, nhiều vấn đề lao động bức xúc vẫn xảy ra. Tình trạng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, bóc lột, tình trạng phân biệt đối xử trong lao động, điều kiện lao động tồi tàn, người lao động bị bóc lột vẫn diễn ra nhiều và có xu hướng phức tạp hơn. Họ khẳng định rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tiêu chuẩn lao động quốc tế càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết (10). Tuy nhiên, những người theo quan điểm này cho rằng, ILO đã thất bại trong việc bảo đảm thi hành các tiêu chuẩn do chính mình ban hành và việc vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế vẫn rất phổ biến. Phương pháp bảo đảm thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO dựa trên việc thuyết phục là chính cho nên không hiệu quả (11). Từ đó, họ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào trong các hiệp định thương mại và sử dụng chế tài thương mại đối với những quốc gia vi phạm pháp luật lao động quốc tế (12).

Qua nhiều tranh luận gay gắt, nhóm quan điểm thứ hai chiếm ưu thế hơn và vấn đề tiêu chuẩn lao động đã được đưa vào Chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng WTO, tổ chức tại Singapore vào năm 1996. Về vấn đề tiêu chuẩn lao động, Hội nghị đi đến nhất trí rằng, các tiêu chuẩn lao động quốc tế là cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa, và cần phải xác định đâu là các TCLĐQTCB để áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Đối với đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động vào trong khuôn khổ WTO, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau diễn ra tại Hội nghị. Các đại biểu đến từ các nước phát triển ủng hộ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động vào trong khuôn khổ WTO, đồng thời sử dụng chế tài thương mại đối với những quốc gia vi phạm các tiêu chuẩn lao động đó (13). Nhưng ý kiến này bị phản đối kịch liệt bởi các đại biểu đến từ những nước đang phát triển, những đại biểu này cho rằng việc đưa các quy định về tiêu chuẩn lao động vào trong khuôn khổ WTO chính là sự ngụy trang của chủ nghĩa bảo hộ, thể hiện sự lo lắng của các nước phát triển đối với sự thành công trong hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển (14). Cuối cùng, Hội nghị bác bỏ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào trong khuôn khổ WTO đồng thời, Hội nghị cũng khẳng định ILO là tổ chức phù hợp để giải quyết các vấn đề lao động ở phạm vi toàn cầu (15).

2. Các TCLĐQTCB là gì?

Đã có nhiều công trình nghiên nhằm xác định thế nào là các TCLĐQTCB trước khi WTO khẳng định về sự cần thiết của chúng. Năm 1989, thống kê từ 8 nghiên cứu trước đó về TCLĐQTCB cho thấy các tiêu chuẩn sau được nhắc đến nhiều nhất (16): Tự do hiệp hội và thương lượng tập thể (8 lần); Tuổi tối thiểu và lao động trẻ em (8 lần); Xóa bỏ lao động cưỡng bức (6 lần); Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc (6 lần); An toàn vệ sinh lao động (6 lần). Một nghiên cứu khác vào năm 1995 đề xuất các TCLĐQTCB bao gồm: xóa bỏ lao động nô lệ, cưỡng bức; xóa bỏ lao động mất an toàn và nguy hiểm; giới hạn thời giờ làm việc của trẻ em; quyền lập hội và quyền thương lượng tập thể (17). Hội nghị thượng định thế giới về xã hội (The World Social Summit) tổ chức tại Copenhagen vào tháng 3 năm 1995 (18) và sau đó là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế

(- OECD) năm 1996 (19), đều thừa nhận rằng, các tiêu chuẩn lao động về các vấn đề sau là các TCLĐQTCB: xóa bỏ lao động cưỡng bức; tự do hiệp hội; quyền tổ chức và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động trẻ em; chống phân biệt đối xử trong lao động.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thảo luận căng thẳng (20), ngày 18/6/1998, ILO thông qua Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc (Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work)(21). Tuyên bố của ILO khẳng định 4 nhóm tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản gồm:

- Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể;

- Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc;

- Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em;

- Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc (22).

Những TCLĐQTCB nêu trên được quy định trong 8 Công ước của ILO, gồm: Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được liên kết (Freedom of Association and Protection of the Right to Organise Convention, 1948, No. 87); Công ước số 98 về quyền được tổ chức và thương lượng tập thể (Right to Organise and Collective Bargaining Convention, 1949, No.98); Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Forced Labour Convention, 1930, No.29); Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Abolition of Forced Labour Convention, 1957,No.105); Công ước số 138 về tuổi lao động tối thiểu (Minimum Age Convention, 1973, No. 138); Công ước số 182 về loại bỏ những hình thức sử dụng lao động trẻ em tồi tệ nhất (Worst Forms of Child Labour Convention, 1999, No.182); Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau (Equal Remuneration Convention, 1951, No.100); Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Discrimination (Employment and Occupation) Convention, 1958, No. 111).

Quan điểm của ILO về TCLĐQTCB nhanh chóng được thừa nhận và khẳng định bởi Liên hiệp quốc (23), các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng phát triển châu á (ADB)(24), Ngân hàng Thế giới (the World Bank)(25), Quỹ tiền tệ Quốc tế (the IMF)(26), OECD(27), cũng như nhiều học giả trên toàn thế giới (28).

3. Tại sao những tiêu chuẩn lao động quốc tế nêu trên lại là tiêu chuẩn lao động “cơ bản”?

Thứ nhất, các TCLĐQTCB gắn chặt với những quyền cơ bản của con người, của người lao động. Những quyền này được quy định trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (29), Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 (30).

Thứ hai, các TCLĐQTCB đóng vai trò quan trọng cho sự hoạt động có hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Các tiêu chuẩn này chứa đựng các nguyên tắc điều chỉnh sự vận hành của thị trường lao động, chúng tương thích với nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu tài sản và nguyên tắc tự do giao dịch trong nền kinh tế thị trường (31). Ngoài ra, các tiêu chuẩn lao động nêu trên, đặc biệt là tiêu chuẩn về tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể, khi được thi hành sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động thiết lập các tiêu chuẩn lao động khác trong quan hệ lao động (32). Ví dụ, đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có thể thương lượng về tiền lương, thời gian làm thêm, thời gian nghỉ phép năm… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động.

Thứ ba, việc thi hành các TCLĐQTCB không làm tăng chi phí xã hội. Trong hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế, có nhưng tiêu chuẩn được gọi là tiêu chuẩn “cash

standards”(33) (phân biệt với “core standards”), ví dụ như tiêu chuẩn về tiền lương tối thiểu, về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, về bảo hiểm xã hội… Việc thi hành những tiêu chuẩn này sẽ phát sinh chi phí cho người sử dụng lao động, do vậy việc thi hành chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia khác nhau. Ngược lại, việc thi hành các TCLĐQTCB không làm phát sinh chi phí, không làm tăng giá thành lao động và không làm ảnh hưởng đến người sử dụng lao động (34).

Thứ tư, các TCLĐQTCB có tính bắt buộc chung (35). Đối với các tiêu chuẩn lao động quốc tế khác được quy định trong các Công ước và khuyến nghị của ILO, một quốc gia chỉ có nghĩa vụ bắt buộc thi hành sau khi đã phê chuẩn Công ước, đối với khuyến nghị, quốc gia không có nghĩa vụ bắt buộc thi hành (36). Trong trường hợp của các TCLĐQTCB, mọi quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và ghi nhận ngay cả khi thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước tương ứng của ILO (37). Cơ sở cho việc áp dụng nghĩa vụ này là bởi vì, theo quan điểm của ILO, các TCLĐQTCB là các tiêu chuẩn tối thiểu và có thể áp dụng cho mọi quốc gia, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của quốc gia. Các TCLĐQTCB không tạo ra một mức độ mới của tiền lương, điều kiện an toàn vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm xã hội (38)…

Thứ năm, các TCLĐQTCB được theo dõi, giám sát thực hiện theo một cơ chế đặc biệt. Cơ chế này yêu cầu mọi quốc gia thành viên của ILO, ngay cả khi quốc gia thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước tương ứng, có nghĩa vụ nộp Báo cáo quốc gia hàng năm cho ILO. Báo cáo quốc gia này phải nêu rõ các biện pháp mà quốc gia thành viên đó đã thực hiện để thúc đẩy việc thực hiện các TCLĐQTCB tại quốc gia mình. Báo cáo này được Hội đồng điều hành (Governing Body) của ILO xem xét. Văn phòng Lao động quốc tế (International Labour Office) có thể thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu Báo cáo hàng năm của các quốc gia, từ đó nhóm chuyên gia này sẽ đưa ra các nhận xét và đánh giá của mình bằng văn bản. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc của ILO (General Director) có nhiệm vụ làm Báo cáo toàn cầu hàng năm về việc thực hiện các TCLĐQTCB để trình cho Hội nghị Lao động quốc tế (International Labour Conference)(39). Từ năm 2000, sau khi Tuyên bố về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc được ILO thông qua năm 1998, mỗi năm Tổng giám đốc ILO có một Báo cáo toàn cầu đánh giá việc thực hiện một nhóm TCLĐQTCB. Cụ thể: năm 2000 - Báo cáo toàn cầu về quyền hiệp hội và thương lượng tập thể; năm 2001 - Báo cáo toàn cầu về lao động cưỡng bức; năm 2002 - Báo cáo toàn cầu về lao động trẻ em; năm 2003 - Báo cáo toàn cầu về phân biệt đối xử trong lao động; năm 2004 - Báo cáo toàn cầu về quyền hiệp hội và thương lượng tập thể; năm 2005 - Báo cáo toàn cầu về lao động cưỡng bức; năm 2006 - Báo cáo toàn cầu về lao động trẻ em; năm 2007 - Báo cáo toàn cầu về phân biệt đối xử trong lao động; năm 2008 - Báo cáo toàn cầu về quyền hiệp hội và thương lượng tập thể (40).

4. Ảnh hưởng của việc thực hiện các TCLĐQTCB đến khả năng cạnh tranh của quốc gia

Quá trình toàn cầu hóa (với các đặc điểm nổi bật là: sự tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự tăng trưởng của ngoại thương và sự tăng lên của quá trình di cư) cho thấy, các nền kinh tế mở cửa có điều kiện lao động tốt hơn so với những nền kinh tế khép kín (41). Toàn cầu hóa nói chung và sự phát triển kinh tế nói riêng có tác động mạnh mẽ đến điều kiện lao động, đến việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động của mỗi quốc gia. Vậy, ngược lại, việc thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế nói chung và các TCLĐQTCB nói riêng có làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đến khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia không?

4.1 nh hưởng của việc thực hiện các TCLĐQTCB đến việc thu hút FDI

Có nhiều quan điểm khác nhau về ảnh hưởng của FDI đến việc thi hành các tiêu chuẩn lao động cũng như ảnh hưởng của việc thi hành các TCLĐQTCB đến khả năng thu hút FDI (42). Quan điểm thông thường cho rằng, FDI bị hấp dẫn đến những quốc gia có điều kiện lao động thấp để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ tại đó. Các học giả theo quan điểm này cho rằng, điều kiện lao động thấp là “thiên đường” cho nhà đầu tư nước ngoài (43) hay các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến những quốc gia nơi mà tổ chức công đoàn hoạt động yếu kém, không có tiếng nói trọng lượng (44). Họ cho rằng hoạt động công đoàn mạnh có tác động tiêu cực đến FDI, hay nói một cách khác, sự yếu kém của quyền hiệp hội tỷ lệ thuận với lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI của quốc gia (45).

Tuy nhiên, thống kê về FDI trên phạm vi toàn cầu đã chứng minh điều ngược lại. Trên thực tế, những quốc gia có điều kiện lao động thấp, những nơi mà các TCLĐQTCB không được thi hành không phải là những quốc gia thu hút được nhiều FDI nhất. Tại sao lại như vậy?

Về mặt lý thuyết, điều kiện lao động thấp thường gắn liền với năng suất lao động thấp mà điều này không hề hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (46). Mặt khác, khi xem xét địa điểm để đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thường đánh giá cao quy mô và mức độ tăng trưởng của thị trường, sau đó đến sự ổn định về chính trị và xã hội, chất lượng của lực lượng lao động. Nhà đầu tư coi các yếu tố trên quan trọng hơn các yếu tố như tiêu chuẩn lao động thấp, chi phí lao động rẻ (47). Hơn thế nữa, việc thi hành các TCLĐQTCB còn góp phần tăng khả năng thu hút FDI của quốc gia. Ví dụ như trường hợp các tiêu chuẩn về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Việc thi hành các tiêu chuẩn này cho phép người lao động và người sử dụng lao động được tham gia nhiều hơn vào quá trình lập chính sách, tăng cường năng lực của người lao động trong quá trình thương lượng tập thể. Từ đó nâng cao tiếng nói của người lao động, tạo cơ chế bảo vệ người lao động tránh khỏi việc bị bóc lột, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa và lành mạnh. Quan hệ lao động ổn định, hài hòa và lành mạnh là một trong những cơ sở để duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội của quốc gia - điều kiện tiên quyết để thúc đẩy kinh tế và thu hút FDI (48).

Về mặt thực tế, các nghiên cứu thực nghiệm không tìm thấy được bất kỳ bằng chứng nào thể hiện mối liên hệ giữa tiêu chuẩn lao động thấp và sự tăng trưởng của FDI (49). Mà ngược lại, việc vi phạm các TCLĐQTCB (đặc biệt là các TCLĐQTCB về chống phân biệt đối xử trong lao động) sẽ dẫn đến việc suy giảm FDI và làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế (50). FDI thường cao hơn ở những quốc gia có điều kiện lao động tốt hơn, những quốc gia mà các TCLĐQTCB được thi hành tốt hơn, những quốc gia mà quyền của người lao động được bảo vệ tốt hơn (51). Thực tế là, FDI của các nước phát triển - nơi các TCLĐQTCB được thi hành tốt - cao hơn FDI của các nước đang phát triển - nơi các TCLĐQTCB chưa được thi hành hoặc được thi hành nhưng chưa tốt. Thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc (United National Conference on Trade and Development - UNCTAD) trong năm 2005, cho thấy tổng số FDI đổ vào các nước phát triển là 542 tỉ USD, trong khi đó số liệu tương tự của các nước đang phát triển chỉ là 334 tỉ USD (52).

4.2. ảnh hưởng của việc thực hiện các TCLĐQTCB đến khả năng xuất khẩu của quốc gia

Liên quan đến ảnh hưởng của việc thi hành các TCLĐQTCB đến hoạt động thương mại của quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, việc thi hành các TCLĐQTCB, đặc biệt là các tiêu chuẩn về quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, tiêu chuẩn về chống phân biệt đối xử trong lao động sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng xuất khẩu của quốc gia (53).

Về mặt lý thuyết, việc cho phép sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em sẽ làm tăng nguồn cung lao động, điều này dẫn tới giá lao động sẽ giảm xuống, chi phí sản xuất hàng xuất khẩu sẽ giảm và sẽ tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các nghiên cứu của ILO (54) và một số học giả khác (55) lại cho thấy, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em là hiện tượng không phổ biến trong các khu chế xuất và trong các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời, số lượng lao động bị cưỡng bức cũng như lao động trẻ em trong khu vực này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số lao động bị cưỡng bức và lao động trẻ em trên toàn thế giới (56). Ngược lại, việc đưa trẻ em đến trường thay vì lao động trong nhà máy về lâu về dài sẽ nâng cao năng suất lao động thông qua việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng. Hơn thế nữa, việc tuân thủ các TCLĐQTCB về lao động cưỡng bức sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tránh được sự tẩy chay của người mua ở những nước nhập khẩu (57). Đối với trường hợp phân biệt đối xử trong lao động, nếu một công ty phân biệt đối xử (ví dụ không tuyển lao động nữ, trả lương lao động không bình đẳng…) thì điều này sẽ làm giảm nguồn cung lao động cho công ty. Từ đó dẫn đến việc thu hút lao động có chất lượng vào làm cho công ty trở nên khó khăn hơn, tính cạnh tranh giữa những người lao động đang làm việc trong công ty này không cao. Những yếu tố này, cuối cùng dẫn đến năng suất lao động trong công ty sẽ bị sụt giảm.

Trên thực tế, nghiên cứu của Cees van Beer (1998)(58), của OECD (1996)(59) tìm thấy rất ít bằng chứng về sự tác động của các tiêu chuẩn lao động thấp đối với thương mại (đặc biệt là xuất khẩu). Không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng các quốc gia có tiêu chuẩn lao động thấp chiếm được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế (60) mà ngược lại, nghiên cứu của OECD cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc tăng trưởng xuất khẩu với việc tăng cường thực hiện các TCLĐQTCB (61). Việc vi phạm các TCLĐQTCB không những không tăng cường lợi thế so sánh của quốc gia mà ngược lại làm giảm hiệu quả sản xuất, tăng chi phí và giảm năng suất lao động. Và do đó, việc thi hành các TCLĐQTCB sẽ thúc đẩy hiệu quả kinh tế (trong đó có xuất khẩu)(62). Thực tế cũng cho thấy, các quốc gia phát triển - nơi các TCLĐQTCB được thi hành tốt hơn cũng là các quốc gia đang thống trị nền thương mại toàn cầu (63). Theo thống kê, trong 10 quốc gia có sản lượng xuất khẩu lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2007 - 2008, thì ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia còn lại đều là những nước phát triển (64).

Thông qua việc nghiên cứu tác động của tiêu chuẩn lao động đến xuất khẩu của 58 quốc gia không thuộc khối OECD, Baban Hasnat phát hiện ra rằng, chỉ có việc thực hiện các TCLĐQTCB về quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể mới có tác động đến hoạt động xuất khẩu, còn việc phê chuẩn và thực hiện các TCLĐQTCB khác không có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của quốc gia (65).

5. Kết luận

Có thể khẳng định rằng, các TCLĐQTCB là các quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc, những quyền này gắn chặt với quyền con người được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Tính đến thời điểm này, các nghiên cứu về TCLĐQTCB không những không tìm thấy tác động tiêu cực của việc thực hiện các TCLĐQTCB đến khả năng cạnh tranh của quốc gia mà ngược lại, những nghiên cứu này chứng minh rằng việc áp dụng, thực hiện và thi hành tốt các TCLĐQTCB góp phần ổn định kinh tế, xã hội, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của quốc gia (66). Do vậy, việc áp dụng các TCLĐQTCB cần phải được xem xét là một trong các mục tiêu phát triển (về mặt xã hội) của quốc gia (67).

Xuất phát từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần phải:

- Thứ nhất, đánh giá toàn diện tác động của việc thực hiện các Công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam đã ký kết. Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 Công ước cơ bản của ILO, gồm: Công ước số 29 (1930); Công ước số 138 (1973); Công ước số 182 (1999); Công ước số 100 (1951); Công ước số 111 (1958).

- Thứ hai, áp dụng các quy định của 5 Công ước cơ bản nêu trên với tư cách là nguồn trực tiếp của pháp luật lao động Việt Nam. Việt Nam là thành viên của Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế (Vien Convention on Law of Treaties), việc này có nghĩa rằng Việt Nam theo trường phái nhất nguyên (Monism). Điều này cũng được khẳng định tại Điều 3 và Điều 6 Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005. Do đó, các TCLĐQTCB được quy định trong 5 Công ước nêu trên sẽ phải được áp dụng thay thế cho các quy định của pháp luật Việt Nam khi cùng điều chỉnh một vấn đề.

- Thứ ba, nghiên cứu khả năng phê chuẩn các Công ước cơ bản còn lại mà Việt Nam chưa phê chuẩn, gồm: Công ước số 87 (1948); Công ước số 98 (1949); Công ước số 105 (1957).

- Thứ tư, chuyển hóa các quy định của 3 Công ước cơ bản nêu trên vào trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) sắp tới. Mặc dù có thể vì nhiều lý do khác nhau mà Việt Nam chưa phê chuẩn 3 Công ước này, nhưng với những phân tích về vai trò và ảnh hưởng của việc thực hiện các TCLĐQTCB, thì việc chuyển hóa những nguyên tắc cơ bản của 3 Công ước đó vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

Tóm lại, việc thi hành các TCLĐQTCB là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng như của người sử dụng lao động, từ đó xây dựng hệ thống quan hệ lao động hài hòa, ổn định từ cấp cá nhân đến cấp doanh nghiệp và cấp quốc gia. Thực hiện các TCLĐQTCB làm tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia trên cả phương diện thu hút FDI và xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện các TCLĐQTCB, về lâu về dài, góp phần xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao. Lực lượng lao động có chất lượng là tài sản, là nguồn vốn quý giá nhất của mỗi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa.

----------------------

Chú thích:

(1) Phạm Trọng Nghĩa. 2008, “Một số vấn đề cơ bản của Luật Lao động quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 9 (125), trang 51-59.

(2) Xem www.ilo.org.

(3) Phạm Trọng Nghĩa, 2008, “Pháp luật lao động trong quá trình toàn cầu hóa”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (135),trang 19-25.

(7) Drusilla, K.B., Alan, V.D. & Robert, M.S. 1996, “International Labour Standards and Trade: A Theoretical Analysis” in Harmonisation and Fair Trade: Prerequisites for Free Trade, eds. B. Jagdish & H. Robert, MIT Press, Cambridge, pp. 227-280.

(8) Drusilla, K.B., Alan, V.D. & Robert, M.S. 1998, “Trade and Labour Standards”, Open Economies Review, vol. 9, no. 2, pp. 171-194.

(9) Kimberly, A.E. & Richard, B.F. 2003, Can Labour Standards Improved under Globalization? Institute for International Economics, Washington at 73.

(10) Jan, M.W. 208, Realizing Core Labour Standards: The potential and limits of voluntary codes and social clauses: A review of the literature, GTZ, Eschborn at 16.

(11) Werner, S. 2005, Globalization and Social Progress: The Role and Impact of International Labor Standards, 2nd edn, Friedrich-Ebert-Stiftung, Bonn at 7.

(12) Gijsbert, L. 1989, “Minimum Labour Standards and International Trade: Would a Social Clause Work?”, International Labour Review, vol. 128, no. 4, pp. 433-448; Sandra, P. 2003, , Trade and Labour Standards: A Strategy for Developing Countries. Available: [2009, 1/15] and Luke, L.A. 2005, “Labour and the World Trade Organization: Towards a Reconstruction of the Linkage Discourse”, Deakin Law Review, vol. 10, no. 1, pp. 83-119.

(13) Union Network International 2006, , Core Labour Standards at the WTO - What have Trade Ministers Said?. Available: [2009, 2/16].

(14) Gijsbert, L. 1989, “Minimum Labour Standards and International Trade: Would a Social Clause Work?”, International Labour Review, vol. 128, no. 4, pp. 433-448.

(15) WTO 1996, , Singapore Ministerial Declaration. Available: [2008, 12/20]; OECD 2000, , International Trade and Core Labour Standards. OECD Policy Brief, October. Available: [2009, 1/15].

(16) Gijsbert, L. 1989, “Minimum Labour Standards and International Trade: Would a Social Clause Work?”, International Labour Review, vol. 128, no. 4, pp. 433-448.

(17) Fields, G. 1995, Trade and Labour Standards: A Review of the Issues, OECD, Paris at 13.

(18) United Nations 2008, , Copenhagen Declaration on Social Development. Part C: Commitments. Available: [2009, 1/15].

(19) OECD 1996, Trade, Employment and Labour Standards: A Study of Core Workers’ Rights and International Trade, OECD, Paris at 26.

(20) Hilary, K. 1998, “The ILO Declaration of 1998 on Fundamental Principles and rights: A challenge for the future”, International Labour Review, vol. 137, no. 2, pp. 223-227.

(21) Nội dung có tại www.ilo.org.

(22) Phần 2 của Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc.

(23) United Nations Global Compact 2009, , The Ten Principles [Homepage of United Nations], [Online]. Available: [2009, 2/10.

(24) ADB 2006, Core Labour Standards Hanbook, ADB, Manila at 10.

(25) Bank 2009, Core Labour Standards Toolkit [Homepage of World Bank], [Online]. Available: [2009, 2/15].

(26) Stephen, S.G. 2007, , International Labour Standards and International Trade. IMF Working paper No WP/97/37 [Homepage of Interntional Moneytary Fund], [Online]. Available: [2009, 2/10].

(27) OECD 2000, , International Trade and Core Labour Standards. OECD Policy Brief, October. Available: [2009, 1/15].

(28) Baban, H. 2002, “The impact of core labour standards on exports”, International Business Review, vol. 11, no. 5, pp. 563-575; Drusilla, K.B. 2000, International Trade and Core Labour Standards: A survey of the Recent Literature, OECD Publishing, Paris; Gudrun, B. & Joe, I. 2005, “Globalization and Core Labour Standards: Compliance problems with ILO Conventions 87 and 98. Comparing Australia and other English-Speaking Countries with EU Member States”, The International Journal of Comparative Labour Law and Industrial Relation, vol. 21, no. 3, pp. 405-444; Keith, E.M. & Will, J.M. 2001, “Core Labour Standards and Competitiveness: Implications for Global Trade Policy”, Review of International Economics, vol. 9, no. 2, pp. 317-328.

(29) Nội dung có tại, 2/10].

(30) Nội dung có tại, 2/10].

(31) Kimberly, A.E. & Richard, B.F. 2003, Can Labor Standards Improved under Globalization? Institute for International Economics, Washington at 11.

(32) Centre for Global Development 2007, , Labour Standards. Available: [2009, 2/16].

(33) Kimberly, A.E. & Richard, B.F. 2003, Can Labor Standards Improved under Globalization? Institute for International Economics, Washington at 13.

(34) Xem phân tích chi tiết tại phần 5.

(35) Jan, M.W. 208, Realizing Core Labour Standards: The potential and limits of voluntary codes and social clauses: A review of the literature, GTZ, Eschborn at 17.

(36) Xem Điều 19 Hiến chương ILO.

(37) Phần 2 của Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc.

(38) ADB 2006, Core Labour Standards Hanbook, ADB, Manila at 12.

(39) Part II and Part III of the Follow-up to the Declaration.

(40) Nội dung các Báo cáo này (English) có thể download tại địa chỉ http://www.ilo.org/declaration/Follow-up/Globalreports/lang—en/index.htmm.

(41) Robert J, Fanagan. (2006) Globalization and Labour Conditions: Working Conditions and Worker Rights in a Global Economy. Oxford: Oxford University Press.

(42) See Layna, M. & Saika, U. 2007, “Racing to the Bottom or Climbing to the Top? Economic Globalization and Collective Labor Rights”, Comparative Political Studies, vol. 40, pp. 923-948.

(43) Rodirk cited by Kucera, D. 2002, “Core Labour Standards and Foreign Direct Investment”, vol. 141, no. 1,2, pp. 31-70.

(44) Friedman, J., Gerlowski, D.A. & Silberman, J. 1992, “What Attract Foreign Multinationl Coporation? Evidence from Branch Plant Location in the United States”, Journal of Regional Science, vol. 32, no. 4, pp. 403-418.

(45) Matthias, B. 2002, “Comparative Advantage, Trade and Labour Standards”, Economic Bulletin, vol. 6, no. 2, pp. 1-8.

(46) Flanagan, R. J. (2003). Labor Standards and International Competitive Advantage. Mimeo.

(47) Werner, S. 2005, Globalization and Social Progress: The Role and Impact of International Labor Standards, 2nd edn, Friedrich-Ebert-Stiftung, Bonn at 13; Ritash, S. 2005, , The impact of core labour standards on Foreign Direct Investment in East Asia. Available: [2009, 1/15].

(48) Nicholas, B. 1999, "The Location of Foreign Direct Investment: An Empirical Analysis", Applied Economics, vol. 31, no. 1, pp. 65-76.

(49) Drusilla, K.B. 2000, International Trade and Core Labour Standards: A survey of the Recent Literature, OECD Publishing, Paris;

(50) Klasen cited by Kucera, D. 2002, Effects of Labor Standards on Labor Costs and FDI Flows. Available: [2009, 2/16].

(51) Kucera, D. 2002, “Core Labour Standards and Foreign Direct Investment”, vol. 141, no. 1,2, pp. 31-70.

(52) UNCTAD 2006, World Investment Report 2006: FDI from Developing and Transition Economies: Implications for Development, UNTAD, Geneva at 3 -4.

(53) Jai, S.M. 1997, “Core Labour Standards and Export Performance in Developing Countries”, World Economy, vol. 20, no. 6, pp. 773-785;

(54) ILO 2002, A future without child labour. Global report under the follow-up to the ILO Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work. Report of the Director-General, 2002, ILO, Geneva at xi, 21; ILO 2001, Stopping forced labour : global report under the follow-up to the ILO Declaration on fundamental principles and rights at work. Report of the Director-General, 2001, ILO, Geneva.

(55) Bachma, S.L. 2000, “A new economics of child labour: Searching for answers behind the headlines”, Journal of International Affairs, vol. 53, no. 2, pp. 545-572; Drusilla, K.B., Alan, V.D. & Robert, M.S. 2003, “Child Labour: Theory, Evidence, and Policy” in International Labor Standards: History, Theory, and Policy Options, eds. B. Kaushik, H. Henrik, R. Lisa & S. Judith, Blackwell publishing Ltd, Oxford, pp. 195-247.

(56) Theo điều tra của ILO, thì trong năm 2004 có khoảng độ 317 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế, trong đó 218 triệu trường hợp được coi là lao động trẻ em, trong số này có 126 triệu trẻ em tham gia vào các công việc nặng nhọc, độc hại. Cũng theo thống kê của ILO, trong năm 2005, có 12, 3 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức, trong đó 9, 8 triệu người là bị cưỡng bức bởi các tổ chức tư nhân, 2, 5 triệu người bị cưỡng lao động bởi nhà nước.

(57) Kimberly, A.E. & Richard, B.F. 2003, Can Labor Standards Improved under Globalization? Institute for International Economics, Washington at 17.

(58) Cees, v.B. 1998, “Labour Standards and Trade Flows of OECD Countries”, World Economy, vol. 21, no. 1, pp. 57-73.

(59) OECD 1996, Trade, Employment and Labour Standards: A Study of Core Workers’ Rights and International Trade, OECD, Paris.

(60) Flanagan, R. J. (2003). Labor Standards and International Competitive Advantage. Mimeo

(61) OECD 1996, Trade, Employment and Labour Standards: A Study of Core Workers’ Rights and International Trade, OECD, Paris.

(62) Will, J.M. & Keith, E.M. 2001, “Core Labor Standards and Competitiveness: Implications for Global Trade Policy”, Review of International Economics, vol. 9, no. 2, pp. 317-328.

(63) Will, J.M. & Keith, E.M. 2001, “Core Labor Standards and Competitiveness: Implications for Global Trade Policy”, Review of International Economics, vol. 9, no. 2, pp. 317-328.

(64) Xem List of Countries by Export at http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_exports.

(65) Baban, H. 2002, “The impact of core labour standards on exports”, International Business Review, vol. 11, no. 5, pp. 563-575.

(66) Jan, M.W. 2008, Realizing Core Labor Standards: The potential and limits of voluntary codes and social clauses: A review of the literature, GTZ, Eschborn at 22.

(67) Remi, B. 2004, , Core labour Standards and Economic growth. Available: [2009, 1/15].

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/tac-111ong-cua-viec-thuc-hien-cac-tieu-chuan-lao-111ong-quoc-te-co-ban-111en-kha-nang-canh-tranh-cua-quoc-gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét