Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương TPP

Ngày Thứ Ba 130507
Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà
Tạp chí Kinh tế RFI 


TPP: cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ Nhật 
Quyền Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Demetrios Marantis gặp thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông tại Hà Nội hôm 23/ 4/2013 để thảo luận hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)
* Quyền Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Demetrios Marantis gặp thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông tại Hà Nội hôm 23/ 4/2013 để thảo luận về hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)*


Ngày 23/04/2013 quyền đại diện Thương mại Hoa Kỳ Demetrios Marantis kết thúc chuyến công tác trong ba ngày tại Việt Nam để thúc đẩy đàm phán gia nhập Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cùng lúc Washington chính thức chấp thuận để Nhật Bản tham gia đàm phán hiệp ước TPP. Một khi đi vào hoạt động TPP sẽ quy tụ 12 quốc gia kiểm soát đến 40 % GDP toàn cầu.

Sau khi đã tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tại Hà Nội, quyền đại diện Thương mại Hoa Kỳ Marantis đưa ra nhận xét: Để hoàn tất đàm phán TPP vào tháng 10 năm nay, Mỹ và Việt Nam sẽ phải trao đổi thêm để nhất trí trên nhiều hồ sơ.

Trong ba ngày làm việc tại Việt Nam, đại diện Hoa Kỳ đã thảo luận về một số các chủ đề quan trọng như việc sửa đổi luật lao động và công đoàn của Việt Nam trong khuôn khổ hiệp ước TPP. Ông Demetrios Marantis cũng đã đàm phán về vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã, khai thác gỗ bất hợp pháp và trợ giá cho ngư nghiệp… Mỹ cũng bày tỏ quan ngại trước việc Việt Nam ngăn chặn các website bất đồng chính kiến và tình hình nhân quyền tại nước này.

Hiện TPP đang được đàm phán giữa Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và trong vài tuần lễ nữa Nhật Bản sẽ là thành viên thứ 12 tham gia các vòng đàm phán.

Việt Nam vào tháng 11/2010 bắt đầu chính thức tham gia đàm phán về Hiệp ước TPP trước đó Việt Nam có mặt với tư cách là thành viên liên kết. TPP là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với hai thị trường xuất khẩu lớn nhất: Mỹ và Nhật Bản.

Hiện tại Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa quan trọng nhất của Việt Nam. Trong năm 2012 tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều lên tới 24,4 tỷ đô la. Việt Nam xuất khẩu 19,6 tỷ sang Hoa Kỳ và nhập chưa đầy 5 tỷ đô la hàng hóa từ Mỹ. Trao đổi thương mại song phương có khuynh hướng tăng lên trong quý đầu năm 2013.

Đối với Nhật Bản, năm ngoái kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 25 tỷ đô la. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản tương đối cân bằng. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật 13 tỷ và nhập 12 tỷ hàng hóa từ xứ hoa anh đào. Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Châu Âu.

Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là gì, tiến trình đàm phán của nó ra sao và gia nhập TPP có lợi như thế nào đối với Việt Nam? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên.


Điểm khởi đầu của dự án

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Được ba quốc gia khởi xướng từ năm 2002, dự án hội nhập kinh tế gần như toàn diện giữa Singapore, New Zealand và Chile lập tức có sự hưởng ứng của Tiểu vương quốc Brunei và sau 5 lần thương thảo, thì dự án đã hoàn thành vào năm 2006. Một khối mậu dịch giữa bốn nước Thái Bình Dương, gọi tắt là P-4, đã đồng ý xoá bỏ 90% hàng rào quan thuế và đặt tiêu chí là gỡ hết mọi rào cản về thuế suất hay hạn ngạch kể từ năm 2015. Tức là ban đầu có bốn nước bên bờ Thái Bình Dương mà từ ba lục địa thỏa thuận mở ra chế độ tự do ngoại thương với nhau.

- Thế rồi đầu năm 2008, chính quyền Hoa Kỳ thời Tổng thống George W. Bush ngỏ ý tham dự và cuối năm có thêm bốn nước xin tham gia là Úc, Việt Nam, Peru và Malaysia. Một số quốc gia khác gửi quan sát viên đến tìm hiểu việc đàm phán, như Canada, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines. Từ đó, dự án hội nhập kinh tế có tên chính thức là "Đối tác Chiến lược về Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương", gọi tắt là TPP.

- Sau khi lên nhậm chức từ đầu năm 2009 rồi do dự suy nghĩ mãi đến cuối năm đó, Tổng thống Barack Obama cũng muốn đẩy mạnh sự hợp tác. Tại Thượng đỉnh của Diễn đàn APEC bên Nhật vào cuối năm 2010, ông còn đề nghị nhiều bước đột phá để thúc đẩy và mở rộng hợp tác để sớm hoàn thành hiệp định giữa chín nước ban đầu là Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Mỹ, Úc, Việt Nam, Peru và Malaysia. Trong ba năm qua, các nước này đã đi vào nhiều vòng đàm phán. Tháng 3 vừa qua, thủ tướng Nhật, Shinzo Abe chính thức ngỏ ý muốn tham gia TPP và vừa qua Washington đã chấp thuận để Tokyo bắt kịp con tàu.


Tiến trình Đàm phán


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, các nước đồng ý mở rộng phạm vi thảo luận từ ngoại thương qua đầu tư và đào sâu vào chi tiết để đặt ra tiêu chuẩn hội nhập cao hơn, bao trùm lên nhiều lĩnh vực khá chi ly, từ thuế quan đến đầu tư, dịch vụ, viễn thông, vệ sinh và an toàn thực thẩm, môi sinh, quyền sở hữu trí tuệ, v.v.... Trên nguyên tắc, chín nước phải đàm phán từng điểm để đạt thỏa thuận chung và họ đã có 16 vòng đàm phán: bốn lần trong năm 2010, sáu vòng trong năm 2011, năm vòng trong năm 2012, và lần thứ 16 là Tháng Ba vừa rồi tại Singapore. Kỳ tới sẽ là trung tuần Tháng Năm tại Peru, đến Tháng Chín thì sẽ có một vòng đàm phán nữa.

- Ba năm qua, người ta thấy ra một số trắc trở chứ không lạc quan như chính quyền Mỹ đã nghĩ ban đầu. Song song, có thêm Canada và Mêhicô cũng yêu cầu và được các nước đồng ý cho nhập cuộc. Nhật Bản là trường hợp thứ 12, vừa được các nước mời tham dự trong tháng Tư. Sau khi Hành pháp Mỹ chính thức thông báo việc mời Nhật vào vòng đàm phán ngày 24 tháng trước thì Quốc hội và công chúng Mỹ có 90 ngày cứu xét, nếu đồng ý thì Nhật sẽ tham dự thương thuyết kể từ Tháng Bảy. Ngoài ra, Thái Lan và một số nước khác cũng đã dạm ý muốn tham dự.

- Vì có thêm Nhật Bản, các nước có thể đặc biệt mở ra vòng đàm phán vào Tháng Bảy, nhưng khó hoàn thành kế hoạch trong năm nay như Hoa Kỳ và lãnh đạo dự tính mà có thể phải qua năm tới. Nếu thành công thì có 12 nước tại vành cung Thái bình dương với sản lượng kinh tế bằng 40% của thế giới và kim ngạch mậu dịch bằng một phần ba của toàn cầu đồng ý buôn bán và đầu tư hoàn toàn tự do với nhau.


Trở ngại khiến việc hoàn thành sẽ khó đạt trong năm 2013


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên đại thể, khi các nước giảm thiểu giới hạn và xóa bỏ hàng rào quan thuế để buôn bán và đầu tư với nhau nhiều hơn hơn thì xứ nào cũng có lợi và cái lợi chung là cho người dân. Vì vậy, người ta đặt nhiều kỳ vọng vào sự hội nhập lớn lao này trước khi có thêm sự hội nhập Âu-Mỹ xuyên qua Đại Tây Dương.

- Nhưng trong từng nước, chế độ tự do mới cũng đe dọa các khu vực ngành nghề xưa nay vẫn được bảo vệ hoặc đã có sẵn ưu thế, vì vậy kế hoạch này cũng bị phê phán hoặc chống đối vì những lý do cục bộ. Như New Zealand có chính sách nâng đỡ thổ dân Maori và chế độ trợ cấp dược phẩm là chuyện đi ngược quy định của TPP. Trái lại, xứ này có nền canh nông rất mạnh nên canh chừng Canada là nước có chính sách bảo vệ nông sản, như sữa trứng hay thịt gà.

- Một thí dụ khác là công nghiệp Nhật sẽ có lợi mà nông gia Nhật lại chống và tác động mạnh vào chính quyền đang muốn cải cách của ông Shinzo Abe vì họ muốn bảo vệ đặc lợi cố hữu về nông sản và thực phẩm. Ngược lại, kỹ nghệ xe hơi Mỹ thì hoài nghi vì sợ không bán được xe vào Nhật và nhiều xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng chống vì quy định "tự do tiếp liệu" theo đó việc cung cấp hàng hóa hay thiết bị cho chính phủ phải được tự do chứ không thể là cơ quan công quyền Mỹ chỉ mua hàng của Mỹ... Ngoài ra, việc nâng tiêu chuẩn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lao động, bảo vệ môi sinh hay xuất xứ hàng hóa cũng gây trở ngại cho nhiều nước đang phát triển, mà điển hình là Việt Nam.


Cơ hội và rủi ro đối với Việt Nam


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam sẽ có lợi lớn vì hội nhập vào kinh tế toàn cầu và tiếp cận với hai thị trường xuất cảng lớn nhất hiện nay là Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhờ đó mà đầu tư nước ngoài, xuất cảng và sản lượng kinh tế sẽ gia tăng sau này.

- Mối lợi vô hình, thuộc về phẩm chất mà lâu dài hơn là sẽ cải thiện nhân quyền và  quyền lao động tức là mở rộng quyền hạn của công nhân ra khỏi sự quản chế của công đoàn nhà nước, phải nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh, vệ sinh và an toàn thực phẩm, và thúc đẩy việc cải tổ cơ chế kinh tế để giảm thiểu vai trò của khu vực quốc doanh.

- Một lợi thế trước mắt là quyền đại diện Thương mại Mỹ Demetrios Marantis đã từng làm việc tại Việt Nam trong nhiều năm. Ông hiểu rõ những nhược điểm cần cải sửa và sẵn sàng thông cảm với yêu cầu viện trợ về kỹ thuật cho Việt Nam có thể cải cách mạnh hơn hầu nâng cao khả năng cạnh tranh sau này.

- Rủi ro trước mắt là nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam như dệt sợi, may mặc hay giày dép lại chỉ ở vào tình trạng làm gia công, là lấy sức lao động làm giá trị gia tăng cho nguyên vật liệu nhập từ xứ khác, chủ yếu là từ Trung Quốc. Khi hội nhập và bán hàng cho các nước trong khối TPP, người ta sẽ xét xem là sản phẩm hoàn tất mang nhãn hiệu "chế tạo tại Việt Nam" có bao nhiêu phần trăm là của Việt Nam và bao nhiêu là của xứ khác, thí dụ như của Trung Quốc?

- Nhìn cách khác, có lẽ hiệp định TPP còn góp phần kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và cũng là một biểu hiện khác của việc Mỹ đang chuyển trọng tâm về Đông Á như đã thông báo từ năm 2011.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét