Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 130429
Làm sao Hoa Kỳ có thể tránh được một cuộc chiến tại Syria?!
* Một số người Mỹ gốc Syria biểu tình trước dinh Tổng thống, với "lằn ranh đỏ" để yêu cầu can thiệp vào Syria *
Hoa Kỳ đang bị đẩy vào lằn ranh đã tự vạch. Bên kia lại là một cuộc chiến nữa ở Trung Đông.
Ngày Thứ Tư 24, Chính quyền Hoa Kỳ phủ nhận nguồn tin từ các đồng minh là Israel, Anh và Pháp, rằng chế độ Syria đã sử dụng võ khí hóa học. Hôm sau, Thứ Năm 25, Tổng trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đành xác nhận tại Abu Dhabi của xứ United Arab Emirates (Các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất), rằng Syria có dùng võ khí ấy, tức là thực tế bước qua "lằn đỏ" mà Tổng thống Barack Obama đã vạch ra từ mấy tháng trước cho chế độ Bashar al Assad....
Cùng ngày, tòa Bạch Ốc công nhận qua văn thư gửi một số lãnh tụ Quốc hội. Rằng "tập thể tình báo Mỹ lượng định với nhiều độ chuẩn xác khác nhau việc chất độc sarin đã được phát giác với cường độ nhỏ, ở hai nơi. Quyết định sử dụng hóa chất này rất có thể xuất phát từ chế độ Syria...."
Nếu đoạn trên có hơi rườm rà tối nghĩa thì đấy là dụng ý của người soạn thảo công văn, không của... tác giả cột báo này.
Vì Hoa Kỳ đang cố lách khỏi một cuộc chiến.
***
Từ hai năm nay, chế độ độc tài al Assad đã ra tay tàn sát người dân và các nhóm nổi dậy trong cuộc nội chiến kéo dài ở Syria và vượt kỷ lục hắc ám của chế độ Muammar Ghaddafi tại Libya.
Nhưng rút kinh nghiệm Libya và Iraq, Hoa Kỳ không muốn can thiệp để rồi lại mở ra một cuộc chiến nữa tại Trung Đông vì e ngại những "hậu quả bất lường". Ngày nay, dường như Chính quyền Barack Obama đã hết đất lùi.
Từ phía lưỡng viện Quốc hội, không chỉ có các lãnh tụ Cộng Hoà mới yêu cầu Hành pháp tường trình với Lập pháp về lượng định và dự tính tại Syria. Nhiều dân biểu nghị sĩ bên đảng Dân Chủ cũng nhân danh quyền can thiệp để bảo vệ nhân quyền mà đòi Nội các Obama có quyết định. Từ cả hai cánh tả hữu đều có tiếng động binh!
Trong Nội các của nhiệm kỳ I và II, nhiều nhân vật cũng tán thành một giải pháp mạnh tại Syria. Hai Ngoại trưởng Hillary Clinton và John Kerry đều khoác áo diều hâu và muốn Hoa Kỳ gia tăng viện trợ quân sự cho các lực lượng nổi dậy. Đệ nhất siêu cường toàn cầu không thể khoanh tay đứng ở bên ngoài theo kiểu "tụ thủ bàng quan" vì mảnh vụn Syria có thể văng qua xứ khác.
Trên bình diện quốc tế, các đồng minh hàng đầu như Israel, Anh và Pháp cũng lên tiếng và việc chất độc sarin đã được chế độ al Assad sử dụng là giọt nước tràn ly: Hoa Kỳ không thể không can thiệp. Theo định nghĩa, võ khí hóa học cũng là loại võ khí tàn sát bị thế giới văn minh kết án! Sức nặng của đệ nhất siêu cường trở thành một gánh nặng mà nước Mỹ khó thoái thác.
Mà gánh nặng ngân sách cho một vụ can thiệp cầm chừng bị tuột tay thành một trận chiến cũng là vấn đề khiến một siêu cường đang mắc nợ phải đắn đo suy nghĩ.
Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể nghĩ đến cái cảnh "cú dòm nhà ma". Chòm chõm nhìn vào Syria với những tính toán riêng.
Các nước đối thủ của Hoa Kỳ như Trung Quốc, Liên bang Nga, Iran và cả xứ Turkey đều phản đối việc can thiệp vào Syria. Ba nước đầu đều là thân chủ hay thân hữu của chế độ al Assad và muốn Hoa Kỳ lâm vào thế kẹt, lý lẽ bảo vệ nhân quyền của các nước dân chủ Tây phương là vô giá trị. Xứ Turkey của dân Thổ theo Hồi giáo thì chẳng muốn bênh vực gì chế độ al Assad nhưng không muốn mang tiếng là lại sát cánh cùng Hoa Kỳ trong cuộc chiến với một nước Hồi giáo. Lật đổ xong một chế độ độc tài mà chưa có giải pháp dân chủ - mà không thể có nổi trong lúc này, người ta sẽ biến Syria thành nơi tung hoành của các lực lượng tôn giáo cuồng tín và các nhóm khủng bố.
Một đồng minh quái đản của Hoa Kỳ là Saudi Arabia thì muốn ngăn Iran bành trướng ảnh hưởng qua lực lượng Hezbollah tại Lebanon và lực lượng Shites tại Iraq nên tích cực thúc đẩy việc lật đổ chế độ tại Syria. Nhờ đó sắc dân đa số Sunni sẽ có thế mạnh sau này và Iran mất một đầu cầu.
Là đối thủ mà lại đồng hành với Saudi Arabia là các nhóm Thánh Chiến giương cờ al Qaeda thì muốn Syria thêm loạn để thành hậu cứ và bệ phóng cho hoạt động khủng bố sau này. Hoa Kỳ càng chần chờ thì phe nổi dậy của dân Sunni càng bị đàn áp, trong khi các nhóm Thánh chiến thuộc hệ phái Salafist hay Mặt trận Hồi giáo Syria và lực lượng cực đoan nhất, theo xu hướng al Qaeda là Jabhat al-Nusra, càng có thể mạnh để cưỡng đoạt luôn cuộc "Cách mạng Syria"
Chính là những động lực và tính toán trái ngược của ngần ấy phe trong cuộc mới là bài toán cho nước Mỹ. Điều ấy giải thích cách xoay trở của toà Bạch Ốc trong tuần qua....
Trước hết, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tuần trước, Tổng trưởng Quốc phòng Hagel nói về một bí mật đã bật mí từ lâu: Hoa Kỳ đưa 200 quân từ Sư đoàn I Thiết giáp tại Fort Bliss Texas qua huấn luyện binh lính của Vương quốc Jordan bên cạnh Syria. Chuyện khôi hài là Jordan đã ngầm hợp tác quân sự với Hoa Kỳ từ lâu mà không công khai hóa để khỏi bị khối Hồi giáo kết án và hiện nay còn gặp sự chống đối của các nhóm Thánh chiến Salafist từ bên trong.
Lời xác nhận của ông Hagel chỉ nhằm xả sức ép của Quốc hội ở nhà và cảnh báo chế độ Syria: Hoa Kỳ có giải pháp quân sự gián tiếp. Nếu ai đó suy diễn thêm rằng trong căn cứ ở Jordan, binh lính Mỹ sẽ huấn luyện các nhóm nổi dậy của dân Syria theo hệ phái Sunni, nhưng ôn hoà chứ không phải là khủng bố, thì càng hay.
Khi toà Bạch Ốc nói đến võ khí hóa học tại Syria theo lối úp mở ngập ngừng đó thì chúng ta phải kết luận rằng đấy là chiến tranh tâm lý, để tránh chiến tranh.
Một giả thuyết khác là Hoa Kỳ xác nhận Syria có dùng võ khí hóa học mà theo lối mập mờ khó hiểu chính là để vận động sự hợp tác của Liên bang Nga. Ngoài quân cảnh Tartus bên bờ Địa trung Hải, Nga đã đan mạng lưới tình báo khá dày tại Syria - là quốc gia họ đã yểm trợ từ lâu, và có thể thuyết phục lãnh tụ al Assad buông súng ra đi. Hoặc ít ra đảm bảo là al Assad không mở kho võ khí hóa học ra phân tán khắp nơi. Cho đến nay, chưa có tin gì cho thấy là chính quyền Putin lại muốn gỡ rối cho Hoa Kỳ.
Vô phúc mà Vladimir Putin trượt chân vào vũng lầy Syria thì bao công lao nước Nga gây dựng được với chế độ al Assad sẽ thành công cốc.
Nếu ngần ấy tính toán của Hoa Kỳ mà không thành, giải pháp sau cùng là phải trực tiếp can thiệp để kiểm soát bốn trung tâm sản xuất và ba căn cứ tồn trữ võ khí hóa học. Trong giả thuyết ấy, lực lượng viễn chinh của Mỹ sẽ cần đến từ 70 đến 80 ngàn quân vì không thể oanh tạc rồi gửi biệt kích vào tiếp thu võ khí tàn sát là xong. Mà vào rồi thì sẽ khó ra vì còn phải ở lại bình định một xứ sở bát ngát có trăm nhóm võ trang và cả ngàn vấn đề tích lũy từ lâu.
Chính quyền Obama rùng mình nhìn vào Syria, không muốn tái diễn chuyện Afghanistan, Iraq hay Libya và lại bị kết án, như Chính quyền George W. Bush đã bị, là mở ra một cuộc chiến vì những tin tức khó tin về võ khí tàn sát!
***
Là siêu cường to xác và di chuyển chậm chạp, nước Mỹ không mấy tinh vi trong các đối sách, hoặc thâm thúy và thâm độc như Đế quốc Anh, huê dạng hào nhoáng như Đế quốc Pháp, gian ác như Đế quốc Xô viết, hay kênh kiệu mà biển lận như Trung Quốc cộng sản ngày nay. Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ cũng muốn gỡ bỏ mọi dây nhợ đã cột mình vào Trung Đông hay các nước Hồi giáo. Nếu có thể được thì còn bán cái cho các cường quốc cấp vùng để họ tự lo liệu lấy.
Nhưng sau Mùa Xuân Á Rập – mà chẳng ai còn nghĩ đến – chuyện Syria đang là một thách đố mới. Chính quyền Obama nói đến quyền lực mềm, cứ lùi dần và xoá mờ lằn ranh đỏ thành một vệt hồng. Nếu còn nhà thơ Cao Đông Khánh, ông đã ngâm câu "Lửa Cháy Ngoài Giới Hạn." Khét lẹt....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét