Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130916
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Những canh bạc khác của Liên bang Nga
* Putin dẫn Obama trên con ngựa gỗ thành Troy, quyền lợi của Nga, vào Liên hiệp quốc -
Hý họa của KAL trên tờ The Economist *
Trong mọi cuộc thương thuyết – ví dụ thời sự là đàm phán Mỹ-Nga về hồ sơ Syria – khi một phe đưa ra tuyên bố thì đấy là tin tức cho truyền thông loan tải, hoặc bình luận. Nhưng mọi lời tuyên bố đều khoả lấp hoặc xuyên tạc sự thể nhằm xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho mình. Đấy cũng là một thế "đánh" trong cách "đàm", mà chuyện đánh ở đây không nhất thiết là quân sự, có khi là đánh cờ, đánh bạc....
Chúng ta có thể nghĩ đến trận đánh trong một lãnh vực khác: kinh tế cũng là chính trị... và đấu tranh.
***
Khi cả thế giới theo dõi canh phé Nga-Mỹ về chuyện Syria, vài tin nhỏ đã lọt khỏi sự quan tâm và loan tải của truyền thông Hoa Kỳ.
Thứ Năm mùng năm Tháng Chín, Quốc hội Cộng hoà Ukraina thông qua đạo luật cho phép xứ này xúc tiến việc đàm phán với Liên hiệp Âu châu về một dự án hội nhập kinh tế, gọi là Eastern Partnership. Trước đó, hôm mùng ba, Cộng hoà Armenia quyết định gia nhập chế độ quan thuế Âu-Á của Nga và vì vậy khó đạt thoả ước tự do mậu dịch với Liên Âu. Đấy là mặt khác của một trận đánh không tiếng nổ giữa Liên bang Nga và Liên Âu mà cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của Hoa Kỳ.
Chúng ta cần nhìn lại bối cảnh rộng lớn hơn của vấn đề này trước khi nhìn vào nước Nga.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã cuối năm 1991, Nga bị khủng hoảng mất chục năm và chỉ tạm ổn định dưới triều đại Vladimir Putin, người đã làm Thủ tướng, rồi Tổng thống, rồi Thủ tướng, rồi lại tái đắc cử Tổng thống từ năm ngoái. Trong 10 năm đó, các nước Đông Âu thoát khỏi ách Xô viết đều cải cách về kinh tế lẫn chính trị để gia nhập Liên Âu rồi Minh ước NATO.
Khi đã củng cố thế lực, và nhân khi hai khối Âu-Mỹ lâm khủng hoảng tài chánh năm 2008 thì Putin chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên Xô ở vòng ngoại vi của Nga, và đẩy lui phong trào dân chủ tại Trung Âu. Georgia bị tấn công vào Tháng Tám năm 2008, Ukraina bị bắt bí về khí đốt đầu năm 2009. Cuộc cách mạng màu da cam của Ukraina bị đẩy lui, phe thân Nga của Viktor Yanukovich lên lãnh đạo, một lãnh tụ phong trào dân chủ là Yulia Timoshenko vào tù.
Từng có kinh nghiệm đẫm máu với Nga Xô, bốn nước Đông Âu theo dõi kỹ chuyện này trước sự thờ ơ của dư luận Mỹ. Đó là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Cộng hoà Tiệp và Cộng hoà Slovakia (hai nước này là hậu thân của Cộng hoà Tiệp Khắc). Họ đã lập ra "Nhóm Visegrad" từ năm 1991 - Visegrad là một địa danh lịch sử cả ngàn năm của Đông Âu - và vận động Liên Âu, NATO cùng Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa về mối nguy từ phía Đông, từ Liên bang Nga.
Từ đấy, Liên Âu phát huy sáng kiến xây dựng thế đối tác với miền Đông (Eastern Partnership) do Ba Lan và Thụy Điển đề nghị từ năm 2009. Chủ yếu là để lôi kéo sáu nước miền Đông còn nằm trong quỹ đạo Nga, là Georgia, Ukraina, Armenia, Moldovia, Belarus và Azerbaijan, cùng hội nhập kinh tế rồi chính trị với Liên Âu.
Bên kia chiến hào kinh tế, Putin lập ra Liên hiệp Quan thuế với Belarus và Kazakhstan từ đầu năm 2010 với tham vọng mở ra một Liên hiệp Âu Á về quan thuế (Eurasian Custom Union) - dưới sự lãnh đạo và thực thi của bộ máy an ninh Nga – vào năm 2015 để hội nhập các nước từ Tây sang Đông, kể cả Trung Quốc và Việt Nam (hiện là quan sát viên).
Tóm lại cho gọn: Giữa cơn khủng hoảng của khối Euro với các nước lâm nạn tại Nam Âu, Liên Âu cố dùng đòn bẩy kinh tế - tự do ngoại thương – để tranh thủ các nước miền Đông vào quỹ đạo của Âu Châu dân chủ. Đó là kế hoạch Đối Tác Miền Đông Eastern Partnership. Nga cũng dùng đòn bẩy kinh tế, và võ khí năng lượng, để duy trì ảnh hưởng và còn bành trướng thế lực qua tận Viễn Đông qua kế hoạch Thuế quan Âu-Á.
Khi vào cuộc, siêu cường của khối Euro là nước Đức ủng hộ dự án Đối Tác Miền Đông vì có thể giảm ảnh hưởng của sáng kiến xuất phát từ Pháp là hội nhập các nước Địa trung hải ở miền Nam, trong chừng mực không gây mâu thuẫn nặng với Nga là một nguồn cung cấp năng lượng đáng kể. Nhìn như vậy, chúng ta có thể suy đoán ra khả năng tác động của một đại gia mới nổi về năng lượng là Hoa Kỳ. Một chuyện kinh tế cũng là chính trị!
Khi vào cuộc, Nga vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO – mới vừa gia nhập năm ngoái sau 18 năm thương thuyết - để bắt bí Georgia và Ukraina. Đã vậy, Nga còn gây khó cho nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Cananda và Brazil về việc nhập cảng nông sản và lương thực với những tiêu chuẩn tùy tiện và đáng ngờ. Liên Âu đã lập hồ sơ truy tố và nếu thấy Hoa Kỳ cùng tham gia vụ kiện, ta có thể nhìn ra một trận đánh khác không gây tiếng nổ.
Theo quy ước Liên Âu, mỗi nước trong 28 thành viên (Croatia là thành viên vừa gia nhập Tháng Bảy vừa rồi) sẽ là chủ tịch luân phiên trong sáu tháng. Chủ tịch hiện nay là Lithuania, một trong ba nước Cộng hoà Baltic đã triệt để chống Liên Xô và bảo vệ quyền độc lập trong suốt thời Chiến tranh lạnh và thường xuyên bị Liên bang Nga đe dọa.
Tháng 11 tới đây, Lithuania sẽ tổ chức thượng đỉnh Liện Âu về Đối Tác Miền Đông tại thủ đô Vilnius. Theo nghị trình, các nước sẽ thảo luận việc thương thuyết hiệp định tự do ngoại thương và hợp tác với Georgia, Ukraina, Loldovia và Armenia. Khi có tin Armenia gia nhập hệ thống quan thuế Âu-Á của Nga, và Quốc hội Ukraina đã mở đường cho việc thương thuyết với Liên Âu vào Tháng 11 này thì chúng ta hiểu rằng trận đánh Đông-Tây về mậu dịch vẫn tiếp tục.
Bây giờ nói chuyện Nga thấy bù.
Tuần qua, khi Putin thừa thắng xông lên với bài quan điểm đăng trên tờ New York Times hôm Thứ Tư 11, với nội dung dạy dỗ Hoa Kỳ về cách hành xử trên diễn đàn Liên hiệp quốc, người ta không thể quên thái độ của Putin khi tấn công Georgia năm 2008 và những đòn phép kinh tế để khuynh đảo các nước khác. Và không nên quên chuyện ở nhà.... của Putin.
Ông ta muốn khai thác chiến thắng ngoại giao trong vụ Syria cũng để trấn an dư luận ở nhà. Nga đang gặp khó khăn lớn về kinh tế, với đà tăng trưởng sẽ còn giảm sút nữa, và hệ thống kiểm soát xã hội và chính trị của Putin bắt đầu bị suy yếu từ sau cuộc bầu cử năm 2011.
Tuần qua, quá tập trung vào chuyện Syria, ít ai thấy Putin đã ráo riết họp hành với ban tham mưu kinh tế tài chánh để duyệt lại tình hình kinh tế khá bi đát của Nga. Sản lượng công nghiệp, ngạch số đầu tư hay tiêu thụ nội địa đều sa sút, trong khi công chi ngân sách vẫn tăng. Chúng ta chỉ nói chuyện chiến hòa tại Syria, hoặc thắng bại của Hoa Kỳ trong màn tháu cáy với Nga, chứ Putin đang phải đối diện với nhiều nan đề khác.
Năm tới, Nga lại bị bội chi ngân sách và sẽ phải giảm chi 5% trong ba năm liền. Nhưng Putin vẫn phải chiều lòng quần chúng bằng chế độ kiểm soát giá xăng dầu và tiện ích công cộng, phải bơm tiền kích thích kinh tế và du di nhiều khoản thu nhập của các tập đoàn năng lượng qua mục tiêu tài trợ ngân sách giáo dục và nhất là hưu bổng cho một dân số bị lão hóa.... Đấy là lúc các đại gia về năng lượng và nhóm lợi ích về an ninh và kinh tế tính sổ chi thu và chia chác quyền lợi, để bắt bí ông trùm.
Khác với Hoa Kỳ là nơi mọi sự đều công khai và ai ai cũng tranh luận ồn ào, Nga là nơi mà tấm màn bí mật vẫn còn phủ lên nhiều chuyện. Khi tới khi bật mí thành cơn khủng hoảng....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét