Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

19 di sản thế giới đc UNESCO công nhận

UNESCO vừa công bố danh sách 19 di sản thế mới, trong đó xuất hiện cả những cái tên đã nổi tiếng lâu nay như núi Phú Sĩ (Nhật Bản), biển cát Namib (Namibia), vịnh đỏ cá heo Basque (Canada) và pháo đài Kaesong ( Triều Tiên).

Trong kỳ họp thường niên lần thứ 37 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa diễn ra tại thủ đô Phnom Penh, 19 địa điểm trong danh sách 34 đề cử nhận danh hiệu di sản thế giới đã được UNESCO chính thức công nhận.

Trung Quốc và Ý hiện là 2 quốc gia có số lượng đề cử được công nhận nhiều nhất, mỗi nước 2 địa danh. Trong khi đó, Quatar và Fiji đã có những cái tên đầu tiên chính thức được trao danh hiệu di sản thế giới: thị trấn thành bao ven biển Al Zubarab (Quatar) và thị trấn cảng lịch sử Levuka (Fiji). Đây đều là những nước trước đây chưa từng được nhận danh hiệu này.

Dưới đây là 19 địa điểm mới được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới:

1. Núi Thiên Sơn, Tân Cương, Trung Quốc


Đứng đầu danh sách là núi Thiên Sơn Tân Cương, một trong những dãy núi lớn nhất thế giới với phong cảnh thiên nhiên đẹp mê đắm lòng người: đỉnh núi bao phủ tuyết trắng, rừng rậm ngút ngàn, sông và các vách núi màu đỏ rực. Cảnh quan đó tạo nên sự tương phản độc đáo với không gian sa mạc khô cằn xung quanh.


2. Núi Etna, Ý

Núi Etna, nằm ở phía Đông đảo Sicily là một trong 2 di sản của Ý được UNESCO công nhận lần này. Là ngọn núi cao nhất khu vực Địa Trung Hải với các tầng núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới. Núi Etna đã có lịch sử phun trào dung nham từ 500.000 năm trước đây và hiện không có người ở trong phạm vi hơn 19.000 ha.


3. Khu bảo tồn sinh quyển El Pinacate và Gran Desierto de Altar, Mexico

Di sản này của Mexico được công nhận gồm 2 phần: núi lửa Pinacate đã ngừng hoạt động với những dòng dung nham đông cứng màu đen, đỏ và dải sa mạc Gran Desierto với những cồn cát cao tới 200m. Đây còn là ngôi nhà của nhiều loại thực vật, động vật có vú, chim và bò sát.

4. Biển cát Namib, Namibia

Namib là một sa mạc ven biển, nổi tiếng với những cồn cát hình dạng kỳ thù được tạo ra bởi các dòng hải lưu và gió. Đây là sa mạc duyên hải duy nhất trên thế giới có các cồn cát rộng chịu ảnh hưởng từ sương mù.

5. Vườn quốc gia Tajik, Tajikistan

Vườn quốc gia Tajik nằm ở phía Đông Tajikistan, có diên tích 25 triệu ha, là điểm giao của các dãy núi cao nhất trên lục địa Á – Âu. Mặc dù là đối tượng của các trận động đất mạnh thường xuyên, các hoạt động nông nghiệp và cuộc sống định cư lâu dài của người dân ở đây gần như không hề bị ảnh hưởng.

6. Vịnh đỏ cá voi Basque, Canada

Vịnh đỏ được biết đến từ thế kỷ 16, nằm trên mũi Đông Bắc của Canada, trên eo biển đảo Belle. Lý do Vịnh đỏ được UNESCO công nhận là di sản thế giới bởi nơi đây từng là địa điểm đánh bắt cá voi truyền thống, sẽ cung cấp nhiều tài liệu lịch sử có giá trị cho các nhà khảo cổ học.

7. Ruộng bậc thang, Vân Nam, Trung Quốc

Hệ thống ruộng bậc thang rộng 16.603 ha trên núi Ailao, bên bờ sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Nằm ở phía Nam tỉnh Vân Nam, hệ thống ruộng bậc thang này đã được người dân địa phương khai hoang và phát triển trong 1.300 năm qua. Họ tìm cách đào kênh, dẫn nước từ đỉnh núi xuống ruộng để tiến hành gieo trồng.

8. Thành cổ Kaesong, Triều Tiên

Thành cổ Kaesong nằm về phía Nam, Triều Tiên bao gồm 12 di tích riêng biệt đánh dấu những thành tựu lịch sử, văn hóa nổi bật của triều đại Koryo từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 14.

9. Thị trấn cảng lịch sử Levuka, Fiji

Quốc đảo Fiji được nhượng lại cho người Anh vào năm 1874. Bao quanh thị trấn là những hàng dừa và xoài dọc theo bãi biển. Đây là một ví dụ hiếm hoi của một thành phố cảng thuộc địa chịu ảnh hưởng lớn của người dân địa phương mà số lượng người châu Âu đến định cư vẫn ngày càng tăng.

10. Công viên Berpark Wihelmshohe, Đức

Công viên Wilhelmshohe được xây dựng bởi lãnh chúa Carl của Hesse – Kassel từ năm 1689 và tiếp tục được cải tạo, phát triển vào thế kỷ 19. Công viên sở hữu bức tượng Hercules không lồ với hệ thống hồ và kênh chứa nước cung cấp cho sân khấu nước Baroque, cùng hệ thống thủy khí nén, hang động, đài phun nước…

11. Pháo đài cổ bang Rajasthan, Ấn Độ

6 pháo đài lớn nhất bang Rajastahan của Ấn Độ có lối kiến trúc độc đáo với chu vi lên đến 20 km, là biểu tượng mạnh mẽ nhất cho sức mạnh của hoàng gia Rajput, thế lực phát triển mạnh nhất trong khu vực từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 18. Nằm bên trong các bức tường thành kiên cố là các trung tâm đô thị sôi động, cung điện, trung tâm thương mại và đền thờ.


12. Cung điện Golestan, Iran

Cung điện Golestan là một kiệt tác của triều đại Qajar, một minh chứng cho sự kết hợp thành công giữa thủ công và kiến trúc Ba Tư cổ với những ảnh hưởng tới từ phương Tây. Cung điện có tường bao quanh là một trong những tòa nhà cổ nhất ở Tehran. Nó trở thành nơi ở của chính quyền gia tộc Qajar và chứng kiến Teheran trở thành thủ đô của đất nước.


13. Khu biệt thự nhà vườn Medici, Ý

Khu biệt thự nhà vườn Medici ở Tuscany, Ý được xây dựng trong khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 17. Medici gồm 12 villa và 2 khu vườn, là công trình nghệ thuật nổi bật của thế giới kết hợp hài hòa với thiên nhiên.


14. Núi Phú Sĩ, Nhật Bản

Núi Phú Sĩ đã xuất hiện trong hàng ngàn bài thơ, tranh vẽ và hình ảnh của Nhật Bản. Ngọn núi lửa nổi tiếng này nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía Tây Nam, có chiều cao chừng 3776m với các đường dẫn tới các đền thờ nằm trên miệng núi xen lẫn với những ‘rừng cây’ nham thạch, hồ, suối và thác nước.


15. Trung tâm lịch sử Agadez, Niger

Agadez là địa danh thứ 3 ở Niger được công nhận là di sản văn hóa. Theo tài liệu của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di sản (ICOMOS), Agadez trước đây từng là quần thể đô thị lịch sử rộng lớn bao gồm các khu nhà ở với kiến trúc nguy nga, các công trình tôn giáo độc đáo. Đặc biệt là ngọn tháp với kết cấu độc nhất vô nhị cao 27m.

16. Nhà thờ gỗ, Ba Lan và Ukranine

Di tích 'không biên giới' này nằm trên rìa Đông Âu gồm 16 ’tserkvas’- nhà thờ của cộng đồng Giáo hội chính thống Hy Lạp và các tín ngưỡng Công giáo phương Đông. Các nhà thờ làm bằng gỗ được xây dựng theo kiểu truyền thống Công giáo phương Đông kết hợp với các yếu tố truyền thống địa phương từ khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.

17. Đại học Coimbra, Bồ Đào Nha

Đại học lịch sử Coimbra đã tồn tại và phát triển trong hơn bảy thế kỷ qua. Trong số rất nhiều các công trình trường học danh tiếng như nhà thờ thánh Cruz thế kỷ 12, một số trường cao đẳng thế kỷ 15, cung điện Hoàng gia của Alcacova và trường đại học Báo chí, đại học Ciombra được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.

18. Thành cổ Al Zubarah, Quatar

Đây là di sản thế giới đầu tiên của Quatar được UNESCO công nhận. Thị trấn ven biển có tường thành bao quanh này nằm trên Vịnh Ả Rập. Al Zubarah được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 9 và phát triển mạnh với vai trò trung tâm thương mại trong những năm cuối thế kỷ 18 và 19, trước khi bị phá hủy năm 1811và bỏ hoang từ năm 1900.

19. Thành cổ Tauric Chersonese và Chora, Ukraine

Đứng cuối cùng trong danh sách di sản thế giới được UNESCO công nhận lần này là những di tích còn lại của Thành cổ Tauric Chersonese và Chora. Thành được xây dựng bởi người Hy Lạp từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ở đây từng rất nổi tiếng với nghề trồng nho và được biết đến như trung tâm sản xuất rượu vang lớn nhất ở Biển Đen vào thế kỷ thứ 15.

Hàn Hạnh (theo CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét