Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Lò Xo Kinh Tế Tại Thổ Nhĩ Kỳ

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngày 130612
Diễn Đàn Kinh tế RFA   


Spring là mùa Xuân, con suối mà cũng là cái lò xo có sức bật!  
 
Quang cảnh biểu tình chống Thủ tướng Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ
* Biểu tình chống Thủ tướng Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ - AFP *


Hơn hai năm trước, khi biến động bùng nổ tại các nước Á Rập, người ta đã chú ý đến một yếu tố chung là tình hình kinh tế sa sút và nạn thất nghiệp của giới trẻ. Từ hai tuần qua, biến động tại Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ khiến người ta nêu câu hỏi rằng kinh tế của xứ này có là động lực chăng? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu qua sự phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.


Tác hại khôn lường của một nền kinh tế ảo

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, biến động dồn dập và kéo dài tại xứ Turkey hay Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối Tháng Năm đến nay đã gây bất ngờ cho nhiều người vì khởi thủy chỉ là cuộc biểu tình của một nhóm nhỏ về một dự án xây cất ở thành phố Istanbul mà về sau lại lan ra nhiều nơi khác, tổng cộng là 78 trong 81 tỉnh của quốc gia này. Lần trước, khi có biến động chính trị trong các nước Á Rập tại khu vực Bắc Phi Trung Đông, từ Tunisia qua tới Libya, Egypt hay Syria, người ta chú ý đến một động lực là tình hình kinh tế khá tồi tệ trong khu vực. Lần này, người ta có cảm tưởng là kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không đến nỗi tệ và sự thất vọng của dân biểu tình xuất phát từ nguyên nhân khác hơn là kinh tế. Thưa ông, điều ấy có đúng hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng một biến động nhỏ rồi lan rộng kéo dài trong gần hai tuần và lên một cao điểm khác vào ngày Thứ Ba 11 vừa qua thì không thể là hậu quả của một vấn đề mà có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa và phức tạp hơn. Riêng về trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người đã có ấn tượng sai về tình hình kinh tế sở tại nên không thấy rằng sự bất mãn của một số thành phần dân chúng xuất phát từ khả năng quản lý kinh tế rất kém của một Chính quyền đã phạm nhiều sai lầm khác. Có lẽ ta nên lần lượt phân tích các vấn đề này để thấy ra là xứ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó ổn định.

Vũ Hoàng: Ông nêu ra hai loại vấn đề, là khả năng quản lý kinh tế rất kém của Chính quyền, và thứ hai là nhiều sai lầm khác. Chúng ta khởi sự từ chuyện kinh tế vì cho đến gần đây, người ta tưởng là Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng trưởng cao nhất Âu Châu, thậm chí chính quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan  đã tạo ra "phép lạ kinh tế". Theo như ông thấy thì sự thật lại không được như vậy hay sao?

Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người đã có ấn tượng sai về tình hình kinh tế sở tại nên không thấy rằng sự bất mãn của một số thành phần dân chúng xuất phát từ khả năng quản lý kinh tế rất kém của một Chính quyền đã phạm nhiều sai lầm khác. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau vụ suy thoái năm 2001, kinh tế Thổ quả nhiên đã khởi sắc khiến cho đảng Công lý và Phát triển được gọi tắt theo tiếng Thổ là AKP đã đại thắng năm 2002 rồi còn thắng lớn hơn trong hai cuộc bầu cử kế tiếp vào năm 2006 và 2011. Cũng từ cái thế chính trị rất cao mà đảng AKP và Thủ tướng Erdogan đã sửa luật bầu cử để sau hai nhiệm kỳ Thủ tướng ông Erdogan còn có thể ra tranh cử Tổng thống vào năm 2015. Một động lực thứ hai là xứ Thổ muốn gia nhập Liên hiệp Âu châu nên cố tìm thành quả biểu kiến để chứng tỏ kinh tế đã phát triển mạnh và có những quyết định về chính sách gây ra ấn tượng phồn thịnh. Vì vậy mà một số dư luận Tây phương nói đến phép lạ kinh tế của thủ đô Ankara. Thậm chí công ty định giá trái phiếu Moody's còn đánh giá cao mức tín nhiệm của xứ này. Thực tế thì từ năm 2011, kinh tế Thổ đã gặp vấn đề nhưng bị khỏa lấp và nay phải trả giá cho chuyện ấy.

Vũ Hoàng: Thưa ông những vấn đề ấy là gì và khởi sự từ khi nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì nhu cầu chính trị, Chính quyền Thổ đã kích thích tiêu thụ từ đầu năm 2009 và thổi lên bong bóng ảo nên hai năm sau là từ đầu năm 2011 thì hụt hơi. Từ đó, sản lượng công nghiệp không tăng mà giảm liên tục và số nhập khẩu cũng vậy, sau khi đã vọt tăng đến 30% vào năm 2010 thì nay mấp mé số không. Đà tăng trưởng kinh tế của họ không được cao như dư luận Âu châu và Tây phương hay nhiều cơ quan quốc tế ngợi ca và nay còn sụt nặng.  


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara vào ngày 11 tháng 6 năm 2013.
Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara vào ngày 11 tháng 6 năm 2013. AFP  
Sau mấy năm hồ hởi, như Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Thổ Nhĩ Kỳ lạc quan tăng chi, vay tiền thổi bong bóng và thực tế mắc nợ. Khi tiêu thụ của tư nhân giảm sút cùng đà sản xuất bị co cụm kể từ đầu năm 2011 thì chính phủ bèn tăng chi đến 20% để bù vào sự thiếu hụt ấy. Hậu quả là ngân sách bị bội chi, thâm hụt mậu dịch bằng 9% Tổng sản lượng, lạm phát lên đến 7% và cả chính phủ lẫn các hộ gia đình đều đang phải vay tiền để trả nợ.

Vũ Hoàng: Ông nói đến việc cả chính phủ lẫn tư nhân đều phải vay tiền trả nợ. Khi các hộ gia đình mà phải vay tiền để trả nợ, tức là chỉ đảo nợ mà thôi, điều ấy có nghĩa là tình hình tài chính thực tế của người dân có phần bi đát hơn cách nay hai năm. Có phải như vậy không?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng thực tế như vậy. Người ta thấy sức tiêu thụ của tư nhân đã giảm từ đầu năm 2011 mà tiền vay qua thẻ tín dụng vẫn tăng đến 20% sau khi giảm trừ mức lạm phát 7%. Điều ấy có nghĩa là dân chúng vay tiền để trả nợ chứ không để tiêu xài. Các doanh nghiệp cũng thế, đi vay để đảo nợ chứ không để đầu tư. Về phía nhà nước cũng thế, họ lại "lấy ngắn nuôi dài", đi vay ngắn hạn để trả nợ dài hạn.

Một số dư luận Tây phương nói đến phép lạ kinh tế của thủ đô Ankara. Thậm chí công ty định giá trái phiếu Moody's còn đánh giá cao mức tín nhiệm của xứ này. Thực tế thì từ năm 2011, kinh tế Thổ đã gặp vấn đề nhưng bị khỏa lấp và nay phải trả giá cho chuyện ấy - Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Sở dĩ các ngân hàng và cả nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vay được theo kiểu chạy theo đuôi như vậy là nhờ nguồn tài trợ của các nước giàu trong vùng Vịnh Á Rập. Vì lý do an ninh chiến lược, các tiểu vương quốc dầu khí muốn cứu vãn chế độ Thổ Nhĩ Kỳ trong tay hệ phái Sunni của đạo Hồi trước sự đe dọa của xứ Iran theo hệ phái Shia và trước nguy cơ khủng hoảng của Syria. Dù như vậy, việc quốc gia mắc nợ và lao vào thị trường tín dụng ngoại quốc để sống qua ngày không thể tồn tại mãi. Và người dân bắt đầu hoài nghi khả năng quản lý của nhà nước.


Đừng coi thường ý dân


Vũ Hoàng: Nhớ lại trường hợp của các nước Bắc Phi hơn hai năm trước với số thất nghiệp quá cao của giới trẻ, thưa ông, tình hình nhân dụng và xã hội của Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ có nguy như vậy hay không, khi mà kinh tế không còn tăng trưởng khả quan như trước đây?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng tình hình không nguy ngập nhưng lại rắc rối hơn.

- Trước hết, mức nhân dụng nói chung đều giảm tức là thất nghiệp có tăng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Thổ còn có cách phân biệt khác, là người làm công, người làm lấy cho mình tức là kinh doanh cá thể, và thành phần gọi là "nội trợ không lương". Từ năm 2011, số lao động làm công giảm 5%, tức là thất nghiệp tăng 5%. Trong khi ấy, thành phần kinh doanh cá thể cũng giảm 2% và đáng chú ý nhất là giới gọi là "nội trợ" tăng gần 10%. Nội trợ ở nhà không lương thì chỉ là một từ khác của nạn thất nghiệp.

- Chi tiết thứ hai khiến vấn đề thành phức tạp là cấu trúc sắc tộc của xứ này. Nói chung, số dân thuộc tộc Thổ có mức sống cao hơn và ai cũng muốn là thành phần gọi là "trung lưu" mà cũng đã bị hiện tượng lão hóa như dân Âu Châu. Nhưng một phần tư dân số lại là người Kurd, có mức sống thấp và là nạn nhân của bất công mà cũng có tỷ lệ sinh đẻ cao hơn. Hiện tại thì thành phần này bị thất nghiệp cao hơn và tất nhiên là bất mãn. Trong lâu dài chừng vài chục năm thì vì nạn lão hóa, dân Thổ mà sống nhờ hưu bổng sẽ chiếm tỷ trọng lớn và đe dọa khả năng trang trải của công quỹ. Song song, dân Kurd sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn, trẻ hơn và năng động hơn nên khó chấp nhận số phận công nhân hạng hai. Vì thế, Chính quyền Thổ đang bị nhiều bài toán nan giải trong lâu dài mà những gì đang xảy ra mới chỉ là mặt nổi.

Nhưng sai lầm căn bản nhất là sự chủ quan tin tưởng vào thành tích của mình mà tung cảnh sát đàn áp những người bất đồng vì chuyện nhỏ. Kết quả là gây phản ứng từ hầu hết mọi thành phần xã hội hay chính trị, thậm chí ngay trong đảng AKP - Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Thưa ông, ngoài tình trạng kinh tế sa sút và nợ nần chồng chất như vừa trình bày, ông còn nói đến những sai lầm của Chính quyền Erdogan và đảng AKP, đó là những gì vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về bối cảnh lịch sử, trong Thế chiến I, Đế quốc Ottoman theo phe Trục với các Đế quốc Đức và Hung Áo và bị phe Đồng minh đánh bại. Là mảnh vụn còn lại của Đế quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ rút tỉa bài học lịch sử và sau khi giành lại độc lập từ các nước trong phe Đồng minh thì cố xây dựng một xứ hiện đại thân Tây phương, theo thế quyền hơn thần quyền của đạo Hồi. Đó là sự nghiệp của tướng Mustapha Kemal, lãnh tụ được coi như anh hùng lập quốc. Hậu thân ngày nay là xu hướng thiên tả về chính sách xã hội, mà có hậu thuẫn của quân đội có tinh thần quốc gia, và muốn xứ sở là một nước Âu Châu thành viên của Minh ước NATO dù địa dư nằm giữa hai cõi Âu-Á và giữa Âu Châu với Trung Đông Hồi giáo.

- Từ năm 1994, ông Erdogan đã có chủ trương khác, đó là phát huy vai trò chính trị của giáo luật Hồi giáo và sau khi thắng cử năm 2002 thì còn muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành lãnh đạo khối Hồi giáo, dù không cực đoan bằng một nước theo thần quyền như Iran thì cũng khá độc tài. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi nhà báo bị cầm tù nhiều nhất thế giới và gần đây còn muốn vãn hồi những cấm đoán khe khắt dựa trên giáo luật. Nhưng sai lầm căn bản nhất là sự chủ quan tin tưởng vào thành tích của mình mà tung cảnh sát đàn áp những người bất đồng vì chuyện nhỏ. Kết quả là gây phản ứng từ hầu hết mọi thành phần xã hội hay chính trị, thậm chí ngay trong đảng AKP.

Bài học ở đây cho Việt Nam là đừng tưởng rằng nhờ thành tích ảo về kinh tế là có thể coi thường ý dân và muốn có thay đổi thì người ta phải nghĩ xa hơn một khẩu hiệu huy động biểu tình - Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, thành phần chống đối ấy là những ai và họ có thể nào đưa đến thay đổi hoặc thậm chí lật đổ chế độ có màu sắc thần quyền của ông Erdogan hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thành tích của ông ta là làm cả chục thành phần khác nhau đều bất mãn. Đó là 1) nhiều lãnh tụ sáng lập viên của đảng AKP thất vọng vì sự chuyên quyền của Thủ tướng làm đảng mất uy tín; 2) xu hướng chính trị theo quyền lực thế tục của chủ nghĩa Kemal, nay kết tinh vào đảng Nhân dân Cộng hoà Thổ, gọi tắt là CHP, và thị dân ở các thành phố; 3) thành phần trí thức trong Phong trào Gulen của ông Imam Fethullah Gulen lưu vong tại Mỹ là nhân vật có ảnh hưởng với dư luận qua truyền thông nay cũng hết ủng hộ ông Erdogan; 4) giới trẻ lý tưởng và thiên tả theo tinh thần triệt để bảo vệ môi sinh; 5) doanh giới bất mãn vì chính sách kinh tế và nạn tham nhũng lên tới tận Thủ tướng Erdogan; 6) khuynh hướng quốc gia cực hữu từ đảng MHP là "Phong trào Quốc gia"; 7) dân Kurd và đảng Hoà bình và Dân chủ BDP của họ; 8) một hệ phái thiểu số khác là Alevis vì bị ông Erdogan xúc phạm khi lấy tên một người đã tàn sát dân Alevis đặt cho một cây cầu sẽ xây dựng; sau cùng 9) là chính các nghiệp đoàn cũng kêu gọi đình công và phản đối khi thấy dân biểu tình bị đàn áp.

- Tuy nhiên, vì cả chục thành phần đó đều có thể xuất hiện bên nhau trong cuộc biểu tình mà chưa thể thống nhất chương trình hành động nên ông Erdogan còn hy vọng tồn tại với đa số cử tri trung kiên ở địa phương. Nhưng cũng chính vì vậy mà Chính quyền còn bị chống đối nữa và tình trạng bất ổn sẽ kéo dài vì ông Erdogan ở vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Bài học ở đây cho Việt nam là đừng tưởng rằng nhờ thành tích ảo về kinh tế là có thể coi thường ý dân và muốn có thay đổi thì người ta phải nghĩ xa hơn một khẩu hiệu huy động biểu tình.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích chi ly này.


Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét