Gần đây, cả thế giới đều bất ngờ khi Nga ký thỏa thuận hợp tác khí đốt với Trung Quốc trị giá tới 400 tỉ USD, đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia từng là kình địch này. Động thái này của Moscow và Bắc Kinh được nhiều chuyên gia nhận định là một bước đi quyết liệt để đối chọi lại với ảnh hưởng đến từ Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama lại không quá lo ngại về mối quan hệ nồng ấm bất thường này giữa hai đối thủ Nga và Trung Quốc sau khi Mỹ vô tình kéo hai nước này xích lại gần nhau.
Các quan chức Mỹ vẫn khẳng định rằng Mỹ không việc gì phải sợ trước mối liên minh ngày càng lớn giữa Moscow và Bắc Kinh, bất chấp hai nước này đang “song kiếm hợp bích” ở các khu vực lân cận như ở Ukraine và Biển Đông.
Ông Putin và ông Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký thỏa thuận khí đốt giữa hai nước |
Ở tầm quốc tế, sự hợp lực của Nga-Trung thể hiện rõ nhất ở Liên Hợp Quốc, khi hai nước đồng thanh phủ quyết một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề Syria.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí ký thỏa thuận hợp tác khí đốt khổng lồ trên, nhiều người tin rằng không sớm thì muộn Nga-Trung sẽ hình thành một liên minh quyền lực mới không chỉ thách thức Mỹ mà còn cả quan điểm truyền thống của phương Tây rằng Mỹ là thế lực thống trị thế giới.
Tuy nhiên, chính quyền Obama thì lại cho rằng quan hệ nồng ấm giữa Nga và Trung Quốc là điều tự nhiên đã được dự báo trước, và nó sẽ không gây ra bất cứ nguy cơ nào lớn cho Mỹ ngoại trừ việc giảm thiểu tác động của lệnh cấm vận mà Mỹ và EU áp đặt đối với Nga vì vấn đề Ukraine.
Phản ứng trước thỏa thuận khí đốt này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Điều đó chẳng có gì là mới mẻ cả. Đó không phải là cái gì đó quá bất ngờ đối với những gì đang diễn ra. Và nếu thỏa thuận đó mang lại lợi ích cho cả thế giới thì cũng tốt thôi. Điều đó chẳng có gì đáng lo ngại.”
Mặc dù một số quan chức chính quyền Mỹ tỏ ra bất an trước quan hệ thân thiết bất ngờ giữa Nga và Trung Quốc, song họ cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ đó đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử.
Một số chuyên gia phân tích đã dùng thuật ngữ “bạn-thù” (frenemy) để nói về quan hệ hiện nay giữa Nga và Trung Quốc, và họ cho rằng sự nồng ấm bất thường này chỉ đơn thuần phục vụ cho lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn giữa hai nước.
Theo đó, dù đã ký thỏa thuận khí đốt khổng lồ này, những khác biệt trong mục tiêu giữa hai quốc gia vẫn còn tồn tại, và những khác biệt đó không dễ gì khỏa lấp được bằng các thỏa thuận kinh tế. Bởi vậy, một liên minh chiến lược Trung-Nga có thể đối chọi được với Mỹ chưa thể diễn ra trong tương lai gần.
Chính quyền Mỹ cũng tỏ ra không hề quan ngại trước viễn cảnh quan hệ đối tác chiến lược lâu dài Nga-Trung vốn đã tan vỡ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh: “Mỹ không hề bất ngờ trước việc các quốc gia láng giềng liên hệ để hợp tác với nhau, dù đó là quan hệ đối tác kinh tế hay bất cứ gì đi chăng nữa.”
Theo Trí Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét