Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Sức Mạnh và Sức Mua của Kinh Tế Trung Quốc



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140512
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Và sức nói láo của giới kinh tế quốc tế


* Lạy trời mưa xuống... *

Như một ngẫu nhiên, khi Ngân hàng Thế giới vừa ra thống kê mới về sức nặng kinh tế Trung Quốc thì cũng là lúc Bắc Kinh biểu dương sức mạnh với giàn khoan cắm trên lãnh hải Việt Nam. Từ công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, các nhà bình luận quốc tế nói đến "một trật tự mới" của thế giới khi Trung Quốc vượt Hoa Kỳ năm nay để có nền kinh tế đứng đầu thiên hạ.

Bài viết này sẽ tìm hiểu về cách đếm của các chuyên gia kinh tế. Và giải khuây quý độc giả bằng một truyện tiếu lâm Trung Quốc - về cách đếm này.... Xin bảo đảm là rất ít chuyên môn.

***

Cuối Tháng Tư, tại hội sở chính ở Thủ đô Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới công bố việc điều chỉnh kỹ thuật thống kê để đo lường trọng lượng kinh tế của các nước căn cứ trên sức mua đối chiếu của đồng bạc ở từng nơi. Sức mua hay mãi lực này được gọi tắt là PPP, ký hiệu của "Purchasing Power Parities".

Quy tắc điều chỉnh là thay vì dùng hối suất chính thức của đồng bạc căn cứ trên Mỹ kim để tính sản lượng kinh tế từng nước, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức thống kê quốc tế, từ Liên hiệp quốc trở đi, tính lại xem đồng bạc ấy mua được những gì ở trong nước để xác định lại sức nặng kinh tế - căn cứ trên sức mua.

Một thí dụ cho thấy các kinh tế gia biết đếm là khi ta nói về một gia đình tại Vân Nam chẳng hạn kiếm ra hai vạn đô một năm thì họ sống khá vương giả nếu so với một gia đình có cùng lợi tức hai vạn đó tại Van Nuys bên Cali, vì giá cả các mặt hàng hay dịch vụ mỗi nơi lại mỗi khác.

Nếu lấy số trung bình năm 2011 của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì Tổng sản lượng Tầu là 7.281 tỷ Mỹ kim, 48% so với 15.053 tỷ của Mỹ. Khi điều chỉnh sức mua theo lối đó thì vào năm 2011 vừa qua, kinh tế Trung Quốc có sức nặng bằng 87% của 2kinh tế Hoa Kỳ thay vì chỉ có 48%. Với đà tăng trưởng kinh tế trong bốn năm qua của Trung Quốc (24%) và Hoa Kỳ (7,6%) thì cuối năm nay, Mỹ sẽ bị Tầu qua mặt.

Từ cách đếm ấy, các chiến lược gia bèn kết luận là đại thế thiên hạ (global geopolitics) sẽ đổi khi Hoa Kỳ hết đứng đầu thế giới kể từ năm 1872 - là khi kinh tế Mỹ chiếm ngôi vô địch của Anh.

Đọc tin như vậy thì ai cũng sợ!

Chẳng biết Trung Quốc có vào hội Long Vân hay chưa, dân ta đã trôi vào vận Long Đong bên một xứ láng giềng hung hăng mà đầy thế lực như vậy.

Nhưng thật ra, ta nên sợ cách đếm tầm bậy này...

***

Thứ nhất, giới kinh tế của các định chế kinh tế quốc tế điều chỉnh cái gì?

Họ điều chỉnh cách đo sức nặng kinh tế căn cứ trên Mỹ kim. Nôm na là hối suất chính thức của đồng bạc so với tờ đô la xanh của Mỹ. Tức là tiêu chuẩn đo lường ban đầu vẫn là tiền Mỹ. Vì sao lại như vậy? Hãy mường tượng ra một hội nghị quốc tế hay một vụ đàm phán về đầu tư....

Trong hội nghị, đại diện Bắc Kinh - hay tập đoàn CNOOC đang quậy ngoài Đông hải - sẽ cãi cọ thế nào về trách nhiệm hay sự hùn hạp của họ? Căn cứ trên Mỹ kim hay trên sức mua của đồng Nguyên tại Thượng Hải hay Nam Hải? Trách nhiệm hay sức nặng thực tế trong cái đại thế thiên hạ ấy vẫn được đo lường – và thanh toán – bằng Mỹ kim. Tổng sản lượng kinh tế như một tiêu chuẩn về thứ bậc của các nước vẫn dùng hối suất theo Mỹ kim.

Cái ngày mà thiên hạ dùng đồng "Nhân dân tệ" Renminbi của Trung Quốc để ăn nói với nhau vẫn còn vời vợi. Mà muốn như vậy, đồng bạc rất tệ này phải bứt neo, ra khỏi khả năng kiểm soát của Bắc Kinh. Lãnh đạo xứ này không ngây ngô như các công chức quốc tế. Họ chối đây đẩy ngôi vị số một vừa được Ngân hàng Thế giới quàng lên cổ.

Giữ vai tiên chỉ trong thế giới này không chỉ có "chiếu trung đình ngất ngưởng ngôi trên" và dù mang tiếng vô văn hóa, Mỹ cũng biết đọc... Nguyễn Khuyến: "tiền làm sao, đóng góp làm sao".... Có chuyện gì thiên hạ cũng réo Mỹ! Thủ lợn nhìn lâu trơ cả mắt, nên nước Mỹ này hết muốn thủ vai đào thương.

***


Thứ hai, nếu muốn điều chỉnh từ tiêu chuẩn Mỹ kim qua tiêu chuẩn khác, giới kinh tế quốc tế đòi sửa lại như thế nào? Khi ấy, ta thấy giới kinh tế có thể nghĩ rằng họ giỏi toán mà có khi lại dốt về kế toán - vì thiếu văn hóa?

Nói chung, kinh tế Âu-Mỹ áp dụng hệ thống kế toán xuất phát từ Âu Châu, với một số quy ước về đầu tư, kinh doanh, vay mượn và thanh toán lời lỗ. Vậy mà còn cãi cọ linh tinh khi ngân hàng bị khủng hoảng vì chẳng biết ai nợ ai, tới mức nào và ai sẽ bù lỗ. Trung Quốc không áp dụng hệ thống kế toán tư bản xấu xa ấy.

Họ áp dụng hệ thống... Lã Bất Vi. Cổ xưa hơn nhiều lắm. Gọi là hệ thống Lã Bất Vi vì kinh tế khởi đầu từ mua quan bán tước. Giới kinh tế về sau mới gọi đó là "kinh tế tầm tô", nói cho uyên bác thì gọi là "rent seeking", thực tế thì chỉ đi tìm cái lực chính trị để có cái thế kinh doanh về tô suất, lãi suất, thuế suất, hối suất, v.v...

Trong hệ thống kinh tế đó, đa số ngân hàng đều do nhà nước làm chủ, tài trợ các doanh nghiệp, dự án hay công trình của nhà nước và tay chân, từ trung ương tới các cấp địa phương, qua bộ máy nhân lực cũng của nhà nước được đảng cất nhắc để thi hành chánh sách của đảng. Trong hệ thống đó, mọi nghiệp vụ vay mượn và mua bán đều có thể gọi là đầu tư.

Nếu vay trăm triệu để đầu tư vào một dự án có kết giá là sáu chục, tức là lỗ bốn chục thì cũng chẳng bút ghi vào kế toán. Khách nợ không trả nổi khoản nợ trăm triệu thì được vay thêm để du di số nợ và ngân hàng vẫn có thành tích, được quốc tế công nhân, là tài trợ đầu tư, không chỉ 100 triệu mà cả số tiền cho vay thêm để đắp nợ.

Các cơ sở kinh tế ấy đều làm ăn theo kiểu đó vì yên tâm là đằng sau đã có nhà nước đảm bảo. Nhà nước đảm bảo luôn cả việc "sản nhập" thay vì "sản xuất". Và dọc đường, tay chân nhà nước còn thăng quan tiến chức nhờ thành tích đầu tư được báo cáo lên trên.

Với lề lối kế toán này, kinh tế Trung Quốc có sản lượng kinh tế cao hơn thực tế, cao đến mức nào chẳng ai rõ, có thể từ 20 đến 30% nếu khấu trừ những khoản sản nhập. Và không ai biết là núi nợ xấu của hệ thống ngân hàng nay đã lên tới đâu. Hai chục năm trước, Trung Quốc bị một vụ khủng hoảng ngân hàng, được ước lượng là tốn đến 40% Tổng sản lượng. Lần này thì khác, nhờ thành tích đầu tư ồ ạt trong năm năm vửa qua.

Khi núi nợ sụp đổ, ai sẽ gánh nợ? Người dân và giới tiết kiệm cò con đã ký thác lợi tức vào ngân hàng để dự phòng nhiều khoản chi bất ngờ của một xã hội đầy bất trắc. Trong một xứ dù sao vẫn quá nghèo, sức mua thực tế của họ không thể đo đếm bằng một công thức toán học của quốc tế về cái giỏ tiêu thụ tiêu biểu của một hộ gia đình. Chẳng ai hiểu rõ điều ấy hơn các kinh tế gia Trung Quốc.

Họ là tác giả truyện ngụ ngôn sau đây:

Hai sinh viên kinh tế tại Bắc Kinh đánh cuộc với nhau về một việc khó trong đời. Là ăn cứt chó. Ai dám thì được thưởng triệu đồng. Cuối cùng thì cả hai đều thắng và trao nhau hai tấm chi phiếu triệu bạc. Nhưng sau khi thấy chẳng có thay đổi gì về sức mua, họ đi hỏi thầy. Vị thầy hồ hởi trả lời: Bất diệc lạc hồ!

"Không vui sao được... Ngoài hương vị trong miệng, thật ra hai em vừa góp thêm hai triệu Nhân dân tệ cho Tổng sản lượng kinh tế nước nhà!"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét