Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140516
Bị trọng thương vì chánh sách trọng thương che mờ đạo lý
Sau nhiều năm nghiên cứu với nhiệt tâm thiện chí, kinh tế gia Thụy Điển Gunnar Myrdal, Giải Nobel Kinh tế 1974, để lại pho sách hơn hai ngàn chữ với một cái tựa ai oán: "Thảm Kịch Á Châu". Đó là bộ "Asian Dramma - An Inquiry Into the Poverty of Nations", xuất bản năm 1968.
Là nhà kinh tế thiên tả, kịch liệt phản chiến trong cuộc chiến Việt Nam, Giáo sư Myrdal muốn giải cái nghiệp nghèo đói của lục địa da vàng, rồi loay hoay với những bất toàn của giải pháp tập trung quản lý bằng kế hoạch. Chỉ 30 năm sau, bộ sách ba tập của ông coi như lỗi thời vì bị thực tế Á Châu phủ nhận: cả lục địa đã chuyển mình, từng nước chạy theo quy luật thị trường và trở nên một trung tâm thịnh vượng mới của nhân loại với nhiều phép lạ rồng cọp.
Myrdal mất vào năm 1987, quá sớm để có thể thấy ra điều ấy. Nếu còn sống, có lẽ ông phải viết lại "Thảm Kịch Á Châu" - với nội dung khác.
Lục địa này có thể trở thành thịnh vượng hơn nhờ cái quy luật kinh tế tự do mà ông ta rất ghét. Nhưng Á Châu ngày nay lại mất hồn và xa rời cái lý tưởng mà ông và bà vợ, Giải Nobel Hoà bình năm 1982 nhờ công trình vận động tài giảm binh bị, đã từng theo đuổi khi còn sống....
Ngày nay, Châu Á bị trọng thương sau khi ngả theo tinh thần "trọng thương" - mercantilist. Nôm na là coi trọng thương nghiệp mà bất kể tới những tiêu chuẩn khác về tinh thần. Quá lý tài.
Ngày nay, lâu lâu thế giới nhắc đến bản lãnh quỷ dữ của lãnh tụ Bắc Hàn, hoặc số phận hẩm hiu của những người đấu tranh cho dân chủ tại Trung Quốc. Lâu lâu thôi. Còn lại, tin tức hàng ngày của Á Châu là những bảng số xanh đỏ lập lòe của thị trường. Là tài sản khổng lồ đứng đầu thế giới của ba ngân hàng Trung Quốc. Theo thứ tự vừa qua của tạp chí Forbes là ICBC, China Construction Bank, Agriculture Bank of China, còn cao hơn JP Morgan Chase của Mỹ. Tin tức mới đến tức mình là thành tích của Lenovo về máy vi tính, hay nghiệp vụ phát hành cổ phiếu đầu tiên IPO của Alibaba, hoặc phong cách ăn mặc của doanh gia cầm đầu công ty này là Jack Ma....
Trọng tâm thế giới đã chuyển về Á Châu. Nói theo các chiến lược gia thì trọng lực kinh tế toàn cầu đã nghiêng về Đông Á, nơi có hai tỷ 300 triệu dân sinh sống và sản xuất ra 31% sản lượng toàn cầu.
Gunnar Myrdal quả nhiên là lo bò trắng răng, chứ rồng cọp đã xuất hiện ở phía Tây của Thái Bình Dương!
***
Nhưng vì sao vòi rồng lại phun nước quanh giàn khoan HD-981 của tập đoàn CNOOC giữa vùng Hoàng Sa của Việt Nam? Vì sao Tổng thống Mỹ vừa bẽn lẽn rời Á Châu thì Phi Luật Tân báo động việc Trung Quốc khởi sự xây dựng phi đạo trên bãi đá Gạc Ma của quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đã cướp của Việt Nam từ Tháng Ba năm 1988?
Vì sao Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á đã kết thúc thượng đỉnh năm nay tại Miến Điện với im lặng đầy lúng túng về những gì đang xảy ra trong vùng biển Đông Nam Á?
Vì sao cùng với tin tức kinh doanh về Bank of China, thời sự lại nhắc tới các địa danh lạ hoắc như Macclesfield Bank, Reed Bank? Hay Subi Reef, Johnson South Reef, là bãi Gạc Ma của Trường Sa? Tại sao bạo động đã bùng nổ tại trung tâm công nghiệp Bình Dương của Việt Nam và công nhân thiệt mạng trong doanh nghiệp Trung Quốc ở Hà Tĩnh?
Hỏi lại cho gọn, tại sao Trung Quốc là mối nguy cho các nước láng giềng tại Đông Á và Hoa Kỳ đòi chuyển trục về Đông Á rồi lại hững hờ quay lưng để các nước ASEAN ngơ ngác?
Chỉ vì cái tật trọng thương!
***
Sau nhiều thập niên phát triển, cả khối Châu Á dại dột tin rằng kinh tế thị trường sẽ mở ra một khu vực "nhất thể hóa", các nước trao đổi làm ăn với nhau sẽ vì quyền lợi kinh tế mà khỏi nã đạn vào nhau. Tiêu chí của Đông Nam Á là sẽ hoàn thành cộng đồng kinh tế vào năm tới.
Nhưng đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ.
Chỉ vì trong cõi Châu Á, các nước Đông Nam Á là yếu thế nhất về an ninh nếu so với khả năng phòng vệ của Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản. Mà cũng là những quốc gia yếu nhất khi nói về nhân quyền hoặc dân chủ, thua xa ba nước Đông Bắc Á kể trên. Là những "câu lạc bộ kinh tế" đơn thuần, nhóm ASEAN coi việc hợp tác làm ăn là chính và phủ lên tất cả một bức màn đen là "không xen lấn vào nội bộ của các thành viên". Nạn chà đạp nhân quyền ở nơi này xứ nọ là vấn đề nội bộ từng nước, khi đã làm ăn với nhau thì chẳng nên vén màn để khỏi mất lòng thân chủ.
Lý luận thuộc loại vùi đầu trong cát như vậy đã được một cường quốc tận dụng.
Trung Quốc coi vùng Đông Á là chuyện nội bộ của các nước Á Châu, nên Hoa Kỳ hoặc Châu Âu hay Liên hiệp quốc, v.v.... chẳng nên can thiệp. Và trong nội bộ Châu Á, Trung Quốc có quyền giải quyết vấn đề của mình, theo quan điểm quyền lợi của mình.
Cái lưỡi bò chín khúc của họ chỉ là lưỡi rắn, và các quốc gia trọng thương đều đớ lưỡi ngập ngọng khi bị trọng thương. Họ trông đợi Hoa Kỳ chuyển trục về Châu Á để cân nhắc lợi hại, nhờ Tầu thì có lợi về kinh tế và nhờ Mỹ thì khỏi thiệt hại về an ninh. Khi Mỹ quay trong chân không vì những ưu tiên khác thì các nước quay như chong chóng.
Sau khi khấn vái ông thần kinh tế trên bàn thờ, các nước Đông Nam Á bắt đầu nghĩ đến bậc Hộ pháp. Cả dòng lịch sử chống thực dân đế quốc bỗng cuồn cuộn chảy và nhiều nước xoay về chủ nghĩa dân tộc đã bị lãng quên.
Khi ấy, là ngày nay, họ thấy ra mâu thuẫn.
Trong toàn khối Đông Á, quốc gia đề cao chủ nghĩa dân tộc kịch liệt nhất lại là Trung Quốc! Việc chiếm đoạt tài nguyên và lãnh thổ hay lãnh hải của xứ khác được gọi là "hạch tâm nghĩa lợi", quyền lợi cốt lõi của tổ quốc là có chính nghĩa. Người dân của họ thành thật tin như vậy. Đảng lo cho quyền lợi đất nước và còn rửa được cái nhục thời xưa. Vật chất hay tinh thần gì thì cũng nhờ đảng.
Trước cái thế bá quyền của Trung Quốc và trong nhóm Đông Nam Á, quốc gia có thể đề cao chủ nghĩa quốc gia dân tộc một cách rõ rệt và chính đáng nhất chính là Việt Nam.
Quốc gia này vẫn tồn tại sau ngàn năm Bắc thuộc và giành lại độc lập khi các nước kia chưa ra khỏi hình thái tiểu quốc với nhiều thị tộc khác nhau. Sau khi có nền tự chủ từ 1075 năm về trước, Việt Nam cũng dày kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc hơn hẳn các quốc gia khác. Chủ nghĩa dân tộc gần như là thuộc tính của Việt Nam nên nước ta đã không bị đồng hóa, và được thế giới nể nang kính trọng.
Ngày nay, nếu có một quốc gia Đông Nam Á có thẩm quyền dựng cờ chính nghĩa cho toàn cõi Đông Nam Á trước đà bành trướng của Trung Quốc thì đấy không là Nam Dương quần đảo, Mã Lai Á hay Phi Luật Tân hoặc Thái Lan. Chỉ có Việt Nam.
Nhưng trong Thảm Kịch Á Châu cũng có Thảm Kịch Việt Nam khi tinh thần quốc gia lùi bước trước nghĩa vụ quốc tế của đảng Cộng sản Việt Nam. Và chủ nghĩa dân tộc bị lặng lẽ chôn vùi vì người dân không được coi trọng. Nói theo kiểu Tây phương thời thượng, chủ nghĩa dân tộc phải khởi sự từ người dân, và ngày nay, dân chủ là điều kiện tất yếu.
Hiện tượng trọng thương của Đông Nam Á và tinh thần lý tài của Việt Nam đã dẫn tới chuyện tự giải giới. Giải quyết bài toán ấy không chỉ là việc gia tăng ngân sách quốc phòng hay thi đua võ trang chống Tầu. Nó phải khởi sự từ cái đầu, từ lòng dân. Từ việc giải phóng người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét