Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140613
Khi nhà cháy, Tổng thống Mỹ gọt bút chì hay gài chất nổ?
Bài này sẽ nhận định về thành tích của Tổng thống Obama - và kết luận là mình trật lấc!
Đầu năm 2009, trước khi qua Á Châu thăm viếng Trung Quốc, Ngoại trưởng Hillary Clinton của Chính quyền Barack Obama vừa nhậm chức đã có một lời phát biểu phản ảnh trình độ thấp hèn của người thi hành chánh sách ngoại giao của chính quyền mới. Hillary bắn tiếng cho Bắc Kinh, rằng 1) Hoa Kỳ không để vấn đề nhân quyền chi phối quan hệ giữa hai nước, và 2) Trung Quốc nên tiếp tục mua Công khố phiếu của Mỹ.
Nhiều người có thể thông cảm với thái độ cầu tài đó vì Hoa Kỳ vừa bị một vụ khủng hoảng tài chánh và kinh tế đang bị suy trầm. Thế thì vì sao lại bảo rằng lời phát biểu ấy là thấp hèn?
Thấp là vì Hillary chẳng hiểu gì về tài chánh quốc tế. Nếu Bắc Kinh không mua tài sản Mỹ thì đầu tư vào đâu cho an toàn mà có lời? Quả nhiên là sau đó có một năm, một viên chức tài chánh Bắc Kinh hậm hực như sau: "Ghét Mỹ lắm, mà chẳng làm sao khác được!" Tức là tiếp tục châm tiền vào thị trường Hoa Kỳ. Vả lại, trong khoản công trái quá lớn của chính quyền Mỹ, Trung Quốc chỉ làm chủ chưa tới 10% và sẽ còn lỗ nặng nếu muốn bán tháo để bỏ chạy, hay để trả đòn.
Hillary hèn là vì công khai quỵ lụy một chế độ độc tài và phủ nhận những giá trị tinh thần mà Hoa Kỳ vẫn đề cao. Nhưng hai nhược điểm ấy không là độc quyền của người đang nghé cái ghế Tổng thống vào năm 2016 này.
Đấy là thuộc tính của Chính quyền Obama.
Đấy là thuộc tính của Chính quyền Obama.
Nhớ lại như vậy thì ta không thất vọng về chiến lược "chuyển trục" tại Đông Á mà Hillary đã viết và Obama đã nói từ mùa Thu 2011. Cũng chẳng nên ngạc nhiên khi Bắc Kinh ngày nay ra vẻ hung hăng ngoài Đông hải. Họ không đánh giá cao khả năng trả đũa của Chính quyền Obama.
Cũng đầu năm 2009, khi vừa nhậm chức, Chính quyền Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton sớm nói đến việc cải thiện quan hệ với Liên bang Nga (chuyện "reset the button" mà Phó Tổng thống Joe Biden nói sai và Bộ Ngoại giao dịch ẩu!) Rồi đầu năm 2012, Obama còn nhắn thầm với lãnh tụ Vladimir Putin (qua Tổng thống đương nhiệm của Nga là Dmitry Medvedev), rằng năm nay là cuộc tranh cử cuối cùng, nếu đắc cử, Obama sẽ có chính sách linh động hơn với Nga.
Nhớ lại như vậy, chẳng ai nên ngạc nhiên về vụ khủng hoảng tại Ukraine vào đầu năm nay!
Với hai quốc gia có thế lực nhất và thường hỗ trợ các chế độ hung đồ chống Mỹ và có thể đe dọa quyền lợi của Hoa Kỳ và an ninh của nhiều nước đồng minh, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Obama đã phô bày những yếu kém đầy sức cám dỗ. Nghĩa là nguy hiểm. Các lực lượng khủng bố Hồi giáo đều hiểu như vậy, từ al-Qeada cốt lõi, tới al Qeda tại Iraq, tại vùng Mahgreb (AQIM), tại Vịnh Ba Tư (AQAP) hay Boko Haram tại Tây Phi....
Nhìn rộng ra ngoài thì ta còn thấy ra nhiều đám cháy....
***
Về chánh sách đối ngoại của mình, trên chuyến Air Force One bay qua Châu Á vào tháng trước, Obama nói thầm với thuộc hạ rằng "đừng làm trò ngu" (tạm dịch từ câu "don't do stupid sh*t").
Diễn giải "chủ thuyết đối ngoại Obama" kiểu đó cho dễ hiểu là đừng chơi dại mà dính vô chuyện thiên hạ. Có thể thông cảm được. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ngây ngô bán cái và ú té bỏ chạy sau khi kiên trì chứng tỏ sự nhu nhược của mình!
Đầu năm 2011, khi sóng gió nổi lên tại Bắc Phi mà nhiều người tưởng lầm là "Mùa Xuân Á Rập" của trào lưu dân chủ, Obama đạt thành tích lạ là gây mâu thuẫn với mọi phe.
Tại Ai Cập, đồng minh chiến lược là Hosni Mubarak bị hy sinh, phe cách mạng được Obama ve vuốt là Lực lượng Huynh đệ Hồi giáo lại xoay ra chống Mỹ và dự tính thiết lập chế độ Hồi giáo toàn trị, rồi bị quân đội lật đổ. Hoa Kỳ bần thần đứng giữa mà chẳng biết tính sao – là chuyện ngày nay.
Tại Libya, một lãnh tụ đã tìm thế hòa giải với Mỹ là Muammar Gaddafi cũng bị Hoa Kỳ tiếp tay lật đổ trong cuộc nội chiến, để rồi Libya là đất không người, nơi xảy ra vụ tàn sát tại Benghazi vào ngày 11 Tháng Chín năm 2012, mà mọi cấp của Chính quyền Obama, từ Hillary trở xuống, đều cố ém nhẹm để cho qua ngày bầu cử. Đến nay, Chính quyền Obama vẫn còn chối và Hillary vẫn biện bạch trong cuốn hồi ký viết ra để tranh cử!
Khi nội chiến bùng nổ tại Syria, từ Tháng Tám năm 2011, Obama tuyên bố là lãnh tụ Bashar al-Assad "phải đi", rồi vẽ ngang dọc nhiều lằn đỏ cấm vượt mà lại xoá, và chẳng làm gì sau khi bán cái cho Putin giải quyết. Kết cuộc thì thường dân Syria chết thảm, các nhóm nổi dậy thân Tây phương và chống al-Assad không được yểm trợ trong khi lực lượng Sunni có quan hệ với khủng bố al-Qeada lại được thể tung hoành.
Và từ Syria họ tiến qua Iraq, thắng lớn tại miền Bắc và hiện đang uy hiếp thủ đô Baghdad.
Trước khi nhậm chức, Obama quyết định triệt thoái khỏi Iraq và làm đúng lời. Mẫn cán và triệt để dến độ không lưu lại một lực lượng phòng thủ. Lý do là vì đòi Chính quyền Baghdad phải đưa Quốc hội thông qua hiệp định giữa đôi bên. Hậu quả là ngày nay.
Trong hai ngày qua, một lực lượng dân quân thuộc hệ phái Sunni xưng danh "Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Syria" (ISIS, Islamic State in Iraq and Syria, hay ISIL, Islamic State in Iraq and the Levant) đã chiếm hai tỉnh chiến lược là Mosul và Tikrit với tham vọng dựng cờ khủng bố của al-Qeada trên phân nửa lãnh thổ Iraq. Khu vực này có dầu hỏa, lại tiếp cận với vùng sinh hoạt của dân Kurd tại Turkey và dân Shia thân Iran, cho nên nội chiến tại Iraq sẽ là động đất tại Trung Đông. Còn nguy kịch hơn những gì vừa xảy ra tại Ukraine và Đông Âu!
Thế giới này vốn hình tròn, cho nên ngần ấy chuyện cứ lòng vòng dây dưa!
Trung Đông mà có loạn là dầu thô lên giá, điều có lợi cho chế độ Putin vốn dĩ sống về nghề bán năng lượng và phân nửa thu nhập là nhờ dầu khí. Khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ thì Chính quyền Obama có một cách trả đòn hữu hiệu là giải toả chế độ xuất cảng năng lượng để vừa giải vây Ukraine và Âu Châu vừa gây khó cho Putin. Chuyện ấy không thành vì sức ép của các lực lượng bảo vệ môi sinh ở nhà. Cũng do áp lực từ thành phần đắc lực này cho Obama, dự án Keystone XL dẫn dầu từ Canada về Mỹ vẫn bị hoãn và gây mâu thuẫn với xứ láng giềng.
Giữa những bế tắc đến rối bù lại có chuyện giải phóng năm tay trùm khủng bố của Taliban để chuộc lại một tù binh của Mỹ. Hẳn là Obama rất đắc ý với đòn trao đổi hy hữu ấy nên mới biểu diễn ngay tại Vườn Hồng trong toà Bạch Cung.
Nào ngờ là dư luận lại chưng hửng vì lai lịch của người tù binh, một trung sĩ đã rời đơn vị đi vào đất địch tại Afghanistan vì lý do gì thì chưa ai rõ! Và khi biết rõ năm người được thả từ trại tù Gitmo là những ai thì thiên hạ mới tá hoả! Chuyện anh lính bất thường Bowe Bergdhal gây bất ngờ cho Chính quyền Obama vì phản ứng chống đối từ hai đảng lẫn công chúng và các đơn vị quân đội!
Đâm ra, màn trình diễn việc giải cứu tù binh tưởng là mưu cao để khỏa lấp vụ khủng hoảng của Bộ Cựu Chiến Binh lại dẫn tới một vụ khủng hoảng khác!
***
Khi cột lại ngần ấy chuyện thì mỗi địa danh lại là một đám cháy.
Đó là Đông Á và Trung Quốc ngoài Đông hải; là Đông Âu và Putin tại Crimea cùng Ukraine; là Bắc Phi và Trung Đông nghi ngút khói với Libya, Syria, Iraq, Iran và các nhóm khủng bố al-Qeada tự phát; là tại Trung Á và Nam Á khi đặc công Taliban đánh thẳng vào trung tâm Karachi của xứ Pakistan, trong khi Obama còn báo trước – cho Taliban – là sẽ rút hết mọi đơn vị ra khỏi Afghanistan vào năm 2016, khi ông ta mãn nhiệm.
Nếu có đếm thì cũng là một chục vụ khủng hoảng cực kỳ bất lợi cho Hoa Kỳ.
Chuyện khôi hài là giữa ngần ấy đám cháy ở bên ngoài, người ta thấy Obama đứng gọt bút chì ở bên trong!
Đấy là phản ứng tâm thần của người bị tê liệt, không biết là phải cứu bàn thờ hay két bạc, hay ôm đàn bà con trẻ ra khỏi căn nhà bị hỏa hoạn. Vì bần thần nên mới đứng gọt bút chì trong căn nhà cháy. Mà căn nhà đó không phải là ngôi làng tại Trung Đông hay quần đảo ngoài cõi Đông hải xa xôi. Căn nhà đó là nước Mỹ:
Thành tích lẫy lừng nhất của Barack Obama, đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế (ACA hay ObamaCare), là liều thuốc đổ bệnh. Việc sở thuế liên bang IRS lại làm công cụ triệt hạ các đối thủ chính trị của Obama là một sự lạm dụng công quyền còn tệ hơn Tổng thống gian hùng nhất là Richard Nixon. Rồi những tai tiếng khác trong Bộ Tư Pháp, Bộ Cựu Chiến Binh, trong bộ máy tình báo điện tử NSA, v.v... đã vượt quá khả năng bảo vệ của truyền thông cánh tả mà đẩy Obama vào đáy vực. Tỷ lệ tin tưởng Tổng thống Mỹ tuột dốc thê thảm.
Vì ngần ấy chuyện bên trong và bên ngoài, chúng ta có thể kết luận rằng Barack Obama là một Tổng thống bất tài. Nhiều người Mỹ, kể cả các nhà bình luận thuộc cánh tả xưa nay vẫn mắc chứng Obamê, đều có thể đồng ý như vậy – mà trật lấc!
***
Là người xuất thân bên ngoài xã hội thâm sâu của nước Mỹ, lại do hoàn cảnh khác thường của cha lẫn mẹ, Barack Hussein Obama có lối suy nghĩ khác với đa số dân Mỹ bên cánh tả.
Đó là lối suy nghĩ lệch lạc khi cho Hoa Kỳ là nguyên nhân của mọi vấn đề trên thế giới như đám trí thức cực tả hoặc thân cộng vẫn lý luận. Obama học được điều ấy và còn viết lại trong hồi ký. Nhưng lý luận sai lệch này còn biến chứng thành tinh thần thù ghét nước Mỹ. Mục sư Jeremiah Wright là nhân vật tiêu biểu cho tinh thần bệnh hoạn ấy. Bà mẹ của Obama đã dẫn con vào đó nghe thuyết giảng trong hai chục năm liền! Từ đó mới có hiện tượng Obama.
Chúng ta phải kết luận lại:
Obama không phải là người dốt, tức là thiếu hiểu biết. Cũng chẳng là người ngu nên mới "nhận giặc làm cha". Đấy là người thông minh, có tài hùng biện và đạt thành tích là đắc cử Tổng thống Mỹ sau khi làm Nghị sĩ có hơn một năm và chưa hề có kinh nghiệm nào về quản trị. Và sau một năm làm suy yếu các định chế bảo vệ nước Mỹ, ông còn đạt một thành tích ghê gớm hơn nữa, là lại tái đắc cử.
Để hoàn thành lời tâm nguyện là làm cho nước Mỹ tan hoang. Đó là chuyện ngày nay.
Bảo rằng Obama bất tài là vẫn đánh giá sai mọi chuyện vì đặt lệch tiêu chuẩn khi tưởng ông ta muốn phục vụ nước Mỹ mà không thành công. Obama đã thành công và thật ra đang ngầm đặt thêm chất nổ giữa một đám cháy. Từ năm 2010, trên cột báo này, người viết đã gọi Barack Obama là Tổng thống chống Mỹ.
Nhưng luận như vậy vẫn là chưa tới! Vì sao dân Mỹ lại có thể bị lóa mắt vì ấn tượng và ảo tưởng mà bầu cho một nhân vật như vậy? Mà không chỉ bỏ phiếu một lần!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét