Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Tự Đánh Vào Đầu



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 140627

Thiên Triều Đỏ và Nỗi Lo Chệch Hướng

 * Tập Cận Bình, một danh họa mới vẽ lại mối họa cũ tại Thiên An Môn 1989... *


Theo thông lệ, mỗi khi Trung Quốc có một lớp lãnh đạo mới, giới quan sát Tây phương lại đem cái tâm của mình mà suy đoán ra cái tình của lãnh tụ vừa lên. Và thường thì đoán sai!


Trường hợp trước đây là gán tư tưởng đổi mới cho Giang Trạch Dân sau Đại hội đảng khóa 14 năm 1992 hay chủ trương hiếu hòa của Hồ Cẩm Đào sau Đại hội 16 năm 2002 và mới nhất là người ta phó thác kỳ vọng cải cách cho Tổng bí thư Tập Cận Bình, vừa lên ngôi sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012.

Rồi 18 tháng sau các nhà quan sát bỗng dưng ú ớ - mà không chỉ vì những gì đang xảy ra ngoài Đông hải.... Bài này sẽ nói về chuyện bên trong của Trung Quốc.


***


Hôm 24 Tháng Tư vừa qua, một nhà báo lão thành tại Trung Quốc, và có tên tuổi ở nước ngoài, là bà Cao Du bỗng dưng bị bắt về tội "tiết lộ tài liệu tuyệt mật". Sinh năm 1944, nhân vật này đã ra vào khám lớn nhiều lần kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn vào Tháng Sáu năm 1989, và được báo chí quốc tế, kể cả cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc, vinh danh nhiều lần về thành tích bảo vệ tự do bằng ngòi bút.

Lần này, Cao Du bị bắt mấy tuần trước ngày kỷ niệm 25 năm vụ Thiên An Môn vì một tội danh còn nặng hơn. Phải chăng, bà cho thế giới bên ngoài loại tài liệu liên quan đến an ninh, hỏa tiễn phòng không hay mạng lưới tình báo điện tử của Bắc Kinh? 

Làm gì nên nỗi!

Cao Du bị truy tố chỉ vì liên quan đến một chuyện mà quý độc giả đã đọc trên cột báo này từ... năm ngoái, vào Tháng Năm (bài "Thất Bất Giảng - Bảy Điều Không Được Bàn Tại Trung Quốc – và Tám Điều Cấm Tại Việt Nam").

Số là ngày 22 Tháng Tư, Văn phòng Biện công sảnh (hay Bạn công thinh theo cách viết của Bắc Kinh) phân phối một văn kiện được gọi là "Tài liệu số Chín" cho các đảng viên ở dưới học tập. Như văn phòng Trung thư lệnh (Bí thư trưởng của Hoàng đế) thời xưa, Biện công sảnh đảm nhiệm công việc thường vụ của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng, trong đó có các công văn mà cấp dưới phải biết để thi hành. Chỉ thị số chín này nêu ra bảy điều không được bàn cãi giảng giải trong nước vì thế mới có tên là "thất bất giảng". 

Khi cấp đại học biết được chỉ thị vào đầu Tháng Năm, các giáo sư đã than phiền nên dư luận bên ngoài mới biết.

Vì thế, việc bắt giữ Cao Du vào Tháng Tư vừa qua chỉ là đòn khủng bố trí thức theo kiểu "sát kê hách hầu" giết gà dọa khỉ, chứ không tiết lộ những cấm đoán tư tưởng tại Trung Quốc khiến trí thức của đảng cũng khó chịu. Người viết xin ghi lại bảy điều cấm, với điều kiện là cấm độc giả cười: 1) đề cao tư tưởng dân chủ Tây phương; 2) nói đến "các giá trị phổ thế hoàn vũ", universal values; 3) nhắc tới "xã hội công dân" (civil society); 4) đến "dân quyền"; 5) quyền tự do báo chí kiểu Tây phương; 6) "đả phá lịch sử" - về những sai lầm của đảng; và 7) luận bàn về "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa" và chiều hướng cải cách hay không của lãnh đạo.

Đặt vào khung thời gian năm ngoái, sau Đại hội 18 và kỳ họp đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương mới rồi khóa họp của Quốc hội để Tổng bí thư Tập Cận Bình đăng quang Chủ tịch Nhà nước, chỉ thị Thất bất giảng là một cách đóng chốt tư tưởng cho thấy chiều hướng tập trung quyền lực của lãnh tụ mới. Nó khởi sự từ cái đầu.

Khi ấy, truyền thông Tây phương chưa tuyệt vọng. Họ nhấn mạnh đến việc Tập cận Bình nỗ lực thanh lọc hàng ngũ và kỷ luật các đảng viên để giải trừ nạn tham nhũng ở cấp cao nhất.

Đến mùng 10 vừa qua, Ban Kỷ luật Trung ương của Tập Cận Bình lại rọi đèn vào một góc lạ.

Lần này, bị rọi đèn và điều tra là một lò trí tuệ (think tank) của Bắc Kinh. Giới quan sát quốc tế vẫn đánh giá Viện Khoa học Xã hội (CASS - Chinese Academy of Social Sciences) là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của thế giới. Nhưng với cơ quan phụ trách về kỷ luật đảng đang ra tay diệt trừ tham nhũng thì dù Viện này là do một Trung ương Ủy viên đã tốt nghiệp trường đảng là Tiến sĩ Vương Vĩ Quang điều động, nó vẫn đã bị "các thế lực thù nghịch của quốc tế" xâm nhập.

Và cuộc điều tra đang được Ban  Kỷ luật Trung ương tiến hành.

Giới học giả quốc tế còn phân vân chưa hiểu "thế lực thù nghịch" là gì và những ai trong số đại trí thức của Viện Khoa học Xã hội đã nhiễm bệnh "tham nhũng về tư tưởng" thì một tài liệu nội bộ từ thành phố Vận Thành của tỉnh Sơn Tây bỗng làm sáng rỡ mọi chuyện.

Theo tài liệu này thì cơ quan "Trung ương Quốc gia An toàn Ủy viên hội" đang mở cuộc điều tra từ đầu Tháng Năm và có thể kéo dài tới cuối Tháng Bảy về sự xâm nhập an ninh tại tỉnh Sơn Tây và có thể là tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Sơn Đông.

Cơ quan này có thể gọi là "Hội đồng An ninh Quốc gia" theo kiểu National Security Council của Mỹ, do Tập Cận Bình mới thành lập trong Bộ Chính trị sau Hội nghị Ba của Ban chấp hành khóa 18 vào Tháng 11 năm ngoái. Được ba nhân vật cao cấp nhất đảng cầm đầu – là Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Đức Giang – Hội đồng An ninh với màu sắc Trung Hoa có nhiệm vụ tập trung các bộ máy an ninh nội địa, phản gián và tình báo quốc tế lẫn ngoại giao để diệt trừ "khủng bố, ly khai quốc gia và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan".

Khi Hội đồng này điều tra về an ninh tại nhiều tỉnh thì ai cũng có thể nghĩ loại đối tượng bị theo dõi là khủng bố Hồi giáo, Tây Tạng ly khai hay Giáo phái Pháp luân công, v.v... Sự thật lại phàm tục hơn: lãnh đạo an ninh của Bắc Kinh đang ráo riết điều tra vai trò của các tổ chức ngoài chính phủ, các NGO (Non-Goverment Organizations) của ngoại quốc trong các tỉnh nội địa Trung Quốc!

Kết hợp ba chuyện tưởng như rời rạc - là Cao Du và Thất bất giảng, Viện Khoa học Xã hội và thế lực thù nghịch, rồi Hội đồng An ninh cùng các NGOs - người ta thấy ra một sợi chi đỏ: nỗi âu lo về tư tưởng của một đảng độc quyền.


***


Quyền tiên khởi được đảng Cộng sản Trung Quốc bảo vệ trước nhất là độc quyền tư tưởng.

Mọi lý luận của đảng về nào chủ nghĩa cộng sản, nào chủ nghĩa xã hội với màu sắc linh tinh, hay công và tội của Mao, về cải cách của Đặng hay "Trung Quốc mộng" của Tập Cận Bình, v.v... đều là "chân lý nhà nước". Đó là những sự thật chính thức mà mọi người phải chấp nhận, kể cả và nhất là thành phần trí thức và mô phạm của chế độ. 

Vậy mà Thiên triều đỏ vẫn chưa yên tâm!

Sau khi ra lệnh cấm nghĩ sai, kèm theo cách suy luận đúng như ghi trong Chỉ thị số chín về Thất bất giảng, lãnh đạo Bắc Kinh dùng cơ quan kỷ luật nội bộ mở cuộc điều tra về thế lực thù địch đang tấn công vào một thành trì tư tưởng là Viện Khoa học Xã hội. Nối tiếp là Hội đồng An ninh tiến hành chiến dịch kiểm soát tại các tỉnh để tố cáo vai trò của các hiệp hội phi chính phủ của nước ngoài.
 
Vì thế, trận đánh ưu tiên của lãnh đạo Trung Quốc không hẳn là Đông Hải hay Tây Tạng, Tân Cương hay Hồi giáo. Trận đánh kỳ lạ ấy là mặt trận tư tưởng và ý thức hệ. Là đánh vào đầu.

Khi đó, giới quan sát lạc quan của Tây phương nghĩ sao về hứa hẹn cải cách kinh tế và chính trị của Tập Cận Bình? Nhiều người lộn đầu mà luận ngược về tương quan nhân quả, họ cho là chỉ vì các nước dân chủ Tây phương gây ra nỗi lo nên mới làm họ Tập phải xiết vòng kim cô.

Các nhà bình luận này bị đánh vào đầu mà không biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét