Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130805
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Khi Nào Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ Sẽ Hút Tiền Về?
* Thị trường thầm đoán về quyết định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ
Trong thời gian tới đây, dư luận Hoa Kỳ sẽ có hai cuộc tranh luận về kinh tế và chính trị liên quan đến bạc tiền của thiên hạ và kinh tế của quốc gia.
Cuộc tranh luận thứ nhất, về chính trị, là việc bổ nhiệm chủ tịch hệ thống ngân hàng trung ương là Hội đồng Dự trữ Liên bang, thường được báo chí gọi tắt là Fed.
Sau hai nhiệm kỳ (2006-2010 và 2010-2014), Chủ tịch Ben Bernanke sẽ mãn nhiệm vào Tháng Giêng tới đây. Tổng thống Hoa Kỳ phải chỉ định người cầm đầu định chế tài chánh quan trọng nhất nước để Quốc hội phê chuẩn. Cho đến nay, ông Obama đang do dự giữa hai nhân vật. Đó là bà Janet Yellen, giáo sư kinh tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Fed từ năm 2010, có đầy kinh nghiệm về sự vận hành của một định chế độc lập. Người kia là cựu Tổng trưởng Ngân khố, và giáo sư kinh tế Lawrence Summers, được ông Obama bênh vực khi gặp sự phản đối của cánh tả đảng Dân Chủ lẫn cánh hữu đảng Cộng Hoà. Một nhân vật thứ ba có thể bất ngờ trám vào khoảng trống là Donald Kohn, một kinh tế gia kỳ cựu, từng là Phó Chủ tịch của Fed, nay đã về hưu và là cố vấn về chánh sách tiền tệ cho ngân hàng trung ương Anh quốc.
Tranh luận xảy ra vì ông Summers bị cánh tả đả kích về lời phát biểu khiếm nhã với phụ nữ và mất chức Chủ tịch Harvard và bị cánh hữu nghi ngờ là có quan hệ quá gắn bó với tài phiệt Wall Street. Thật ra, việc chỉ định một viên chức có quyền hạn độc lập và trách nhiệm điều khiển chánh sách tiền tệ và tín dụng quốc gia mà lại gây vấn đề và tranh luận là một điều có lợi. Lý do là người ta muốn thống đốc ngân hàng trung ương phải lấy công tâm giải quyết việc quốc kế dân sinh, chứ không vì tà ý hay thiên kiến chính trị. Miễn rằng chúng ta hiểu ra điều ấy.
Cuộc tranh luận thứ hai, về kinh tế, là thống đốc ngân hàng trung ương xử trí thế nào với quyết định ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế trong những năm qua?
Khi kinh tế bị suy trầm từ đầu năm 2008, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất tới sàn, nhưng sự phục hồi vẫn yếu ớt và thất nghiệp quá cao nên mới có biện pháp bất thường tăng mức lưu hoạt có định lượng gọi là "quantitative easing" hay QE. Ba đợt QE đã được ban hành, vào Tháng 11 năm 2008, Tháng 11 năm 2010 và Tháng Chín năm 2012. Trong lần thứ ba, định chế này còn thông báo là giữ lãi suất ở mức thấp và mỗi tháng mua vào trái phiếu và chứng phiếu địa ốc có đảm bảo (tức là bơm tiền ra) một ngân khoản là 40 tỷ (ba tháng sau thì nâng định mức này tới 85 tỷ). Và chỉ điều chỉnh khi tình hình khả quan hơn, thí dụ như thất nghiệp giảm tới mức 6,5%, và lạm phát lên tới 2%.
Biện pháp có định lượng này được coi là vô hạn kỳ (báo chí chế diễu là "QEternity" hay QEinfinity). Nhưng dường như là hạn kỳ điều chỉnh đã tới.
Hôm 19 Tháng Sáu, khi Thống đốc Ben Bernanke cho biết là nhờ kinh tế có cải thiện, ngân hàng trung ương sẽ "vuốt" lại chính sách QE: đến Tháng Chín này có thể giảm số mua trái phiếu hàng tháng từ 85 tỷ xuống 65 tỷ, để sẽ chấm dứt khoảng giữa năm tới. Quan trọng nhất, nếu thất nghiệp xuống tới 6,5% và lạm phát lên tới 2% thì sẽ nâng lãi suất.
Sau lời tuyên bố, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá trong mấy ngày liền, làm các thị trường quốc tế đều rúng động.
Đặt lại vấn đề cho gọn: sau khi hạ lãi suất và ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh, là hút bớt tiền về và nâng lãi suất. Người kế nhiệm ông Bernanke phải thi hành việc này. Nhưng vì sao khi Thống đốc Bernanke báo tin vui, kinh tế có cải thiện, thì cổ phiếu sụt giá? Rồi sau đó lại có cuộc tranh luận là đã nên điều chỉnh hay chưa?
Khi ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu để bơm tiền qua các ngân hàng, số cầu về loại khí cụ đầu tư này làm tăng giá trái phiếu và giảm phân lời (yield). Nhờ phân lời hạ, tiền đi vay trở thành rẻ hơn và kích thích việc tiêu thụ hay đầu tư sản xuất. Nhưng mặt trái của biện pháp này là nếu phân lời quá hạ trong quá lâu đem lợi cho người đi vay mà lại gây thiệt cho dân tiết kiệm, cho các quỹ hưu bổng hay giới đầu tư tài chánh kiếm lời bằng cách cho vay. Và nếu cứ bơm tiền kích thích kinh tế thì có thể thổi lên lạm phát.
Vì thế, ngân hàng trung ương vừa tống ga để thúc đẩy sinh hoạt kinh tế mà cũng canh chừng để khỏi gây nóng máy. Nếu thấy cỗ xe đã chạy bình hoà thì phải ngưng bơm tiền, có khi nâng lãi suất lên khỏi số không hiện nay. Quyết định sẽ nâng lãi suất khiến thị trường chứng khoán hốt hoảng và giá cổ phiếu sụt mất 4% trong có mấy ngày.
Nhưng câu chuyện không chỉ có vậy, mà sở dĩ gây tranh luận là vì sự khác biệt trong nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng dù đà tăng trưởng hiện nay mới chỉ ở khoảng 2%, nền kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường và mức thất nghiệp còn giảm chút đỉnh, 7,4% theo thống kê tuần trước của bộ Lao động. Họ phỏng đoán là với đà này, kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 3% hay cao hơn trong quý ba và quý bốn năm nay. Vì vậy, việc chuẩn bị điều chỉnh là cần thiết và hợp thời. Ngược lại, nhiều chuyên gia khác lại thấy rằng ngân hàng trung ương không nên quá vội mà giảm đà bơm tiền vì kinh tế thật ra vẫn chưa đủ mạnh.
Ngoài sự khác biệt về mức hồi phục mạnh hay yếu, người ta còn tranh luận về tư tưởng.
Nhiều người cho là ngân hàng trung ương đã can thiệp quá mạnh vào cán cân cung cầu – bơm tiền quá nhiều – nên phải mất cả chục năm để hút bớt tiền về và nên làm càng sớm càng hay. Một lý do khác là khi làm giảm phân lời trái phiếu, ngân hàng trung ương lại ưu đãi giới đầu tư cổ phiếu khiến giá cổ phiếu tăng vọt và đấy cũng là một sự thiên vị.
Thị trường vốn dĩ không ưa sự bất định và thường phản ứng với từng lời phát biểu về một vấn đề quá phức tạp khiến công chúng càng thêm khó hiểu.
Ngoài nhân vật chủ chốt là Thống đốc thì tuần này người ta còn theo dõi nhận định của các chủ tịch ngân hàng dự trữ ở địa phương, như tại khu vực Dallas, Chicago, St. Louis, Cleveland, v.v.... Thí dụ như phát biểu tương đối lạc quan của Chủ tịch ngân hàng dự trữ khu vực Dallas hôm Thứ Hai mùng năm lại làm cổ phiếu sụt giá. Nghĩa là tin vui trong địa hạt này lại gây phản ứng ngược trong một địa hạt khác.
Trở lại hai nhân vật đang có triển vọng làm Thống đốc thì giới quan sát dự đoán ông Summers có thể điều chỉnh sớm hơn, trong khi bà Yellen thì sẽ thận trọng nghe ngóng trước khi hãm đà quá sớm. Nhưng nước Mỹ và Tổng thống Obama không chỉ có một sự chọn lựa là ông này hay bà kia, vì còn nhiều nhân vật cũng có khả năng cầm cân nảy mực về kinh tế tài chánh.
Chi tiết đáng chú ý trong chuyện này là biện pháp QE thuộc loại bất thường, lại có kích thước quá lớn, cho nên dù rằng mọi việc đều được công khai hóa, kể cả cách nhận định và tranh luận, nhiều người vẫn thấy mơ mơ hồ hồ.
Phải chi nhà nước kiểm soát thông tin và che giấu mọi quyết định thì người dân sẽ đỡ nhức đầu - trong số phận của con sâu cái kiến!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét