Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Bí quyết để có sức khỏe tốt - bí quyết 1

Hãy đến bác sĩ ngay khi sức khỏe có vấn đề
          Khi bạn nghi ngờ sức khỏe của mình có vấn đề, hãy đến bác sĩ ngay. Đừng ngần ngại bởi bất cứ 1 căn bệnh nào nếu được phát hiện và điều trị sớm thì kết quả sẽ khả quan hơn nhiều. Cũng đôi khi vì quá sợ hãi mà bạn không dám đến bác sĩ, chắc chắn những ngày sau đó bạn sẽ càng lo lắng thêm & căn bệnh của bạn có khả năng càng khó điều trị hơn. Vì vậy hãy đến bác sĩ để có được những thông tin chính xác nhất & áp dụng những biện pháp điều trị kịp thời. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn.

          Sau một nghiên cứu ở những người bị chứng đau lưng, các nhà nghiên cứu đại học Michigan cho biết: 1 số người bị đau lưng nhưng không đến gặp bác sĩ vì họ lo rằng sẽ phải đối diện với 1 cuộc phẫu thuật phức tạp. Với suy nghĩ đó họ sẽ phải chịu cơn đau nhiều hơn gấp 10 lần so với những người khác.

                       Trích từ sách "The 100 simple secret of healthy people"

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Ai có máu hảo ngọt thì nên đọc bài này


          Nhiều bác sĩ đã từ lâu cảnh báo về tình trạng “ghiền đường” mà vị ngọt của đường là một loại ma túy nguy hiểm có thể giết người trong thầm lặng.
         Trong một bài viết trước đây về hội chứng “Mỡ, Đường, Máu”, BS. Minh có cho độc giả một câu hỏi để suy gẫm: “Giữa một lon Coke và một quả trứng gà, cái nào nguy hiểm cho tim mạch hơn?” Hôm nay chúng ta đã có một câu trả lời xác đáng dựa trên nghiên cứu mới nhất đăng trên báo Y Khoa của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (JAMA) tháng 2/2014, sau quá trình theo dõi 40,000 bệnh nhân: “Trứng gà không gây ra đột quỵ tim mà thủ phạm chính là đường”!
          Sự “ghiền đường” dường như đã được in đậm vào trong DNA của loài người chúng ta từ hằng chục ngàn năm qua, cộng thêm với những ảnh hưởng của xã hội làm cho ta khó thấy sự tác hại của bệnh ghiền này, vì lẽ, mọi người, không ít thì nhiều đều bị… nghiện đường.

Có bao nhiêu loại đường?
           Đường là danh từ chung để chỉ một loại nhu yếu phẩm cần cho con người. Trên thực tế, tất cả loại cây cỏ, thảo mộc đều có chứa đường dưới nhiều thể loại khác nhau. Thí dụ như cây lúa chẳng hạn, từ hột lúa, rễ cây lúa, lá lúa đến thân cây lúa, đều có đường trong đó. Tuy nhiên những loại đường có trong thân cây, lá cây v.v… so với các loài như trâu, bò ngựa…có thể hấp thụ được, cơ thể chúng ta lại chịu thua. Để đơn giản hóa vấn đề, đối với con người, có 3 loại đơn đường, Glucose, Fructose (có nhiều trong trái cây), và Galactose (có nhiều trong sữa). Đường cát đa phần được kết tinh từ nước mía chứa một loại đường đôi gọi là sucrose, được kết hợp từ đường glucose và fructose.
            Đường phèn, đường cát, đường đen, đường nâu, đường bông gòn,… tất cả đều được biến chế từ đường mía mà ra.

Cần bao nhiêu đường thì đủ?
           Trên thực tế chúng ta chỉ cần khoảng 5% đến 7% tổng số lượng calories trung bình đến từ đường mỗi ngày, tức là khoảng 2 hay 3 muỗng cà phê đường. Trên thực tế chúng ta tiêu thụ đến mức 25% calories do đường cung cấp mỗi ngày. Nghiên cứu trên đây cho biết, khả năng bị đột quỵ tim tăng gấp đôi nếu chúng ta tiêu thụ 20% tổng số calories đến từ đường, nhưng tăng gấp 4 lần nếu dùng trên 25% năng lượng đến từ bất kể loại đường nào!
           Từ khoảng năm 1970, để cạnh tranh kinh tế và duy trì lợi nhuận cho nghành nông nghiệp Mỹ, chính phủ Mỹ đã tăng thuế nhập cảng đường mía từ các nước khác, và tăng cường sản xuất một loại đường đặc chế từ hạt bắp gọi là “đường sy-rô nồng độ cao từ bắp” (High Fructose Corn Syrup, HCFS). Loại đường HCFS này về thành phần hóa học thì hơi giống như đường mía, nhưng ngọt hơn và dễ thấm vào máu hơn. Có người cho là vì hai tính chất này mà HCFS độc hơn đường mía, vì dễ ghiền và mau “phê” hơn là đường mía. Trên thực tế cả hai thứ đều là “bad guys” (kẻ xấu) hết.
           Chỉ vì chính phủ Mỹ cố tình làm cho đường HCFS rẻ hơn nên kỹ nghệ biến chế thức ăn tha hồ tưới, nhét, trộn đường HCFS vào đồ ăn. Bạn có để ý là nước ngọt Coca Cola ở Mỹ mùi vị hơi khác hơn ở các nước khác không? Sự khác biệt là do mùi vị khác nhau của đường HCFS và đường mía. Nói đến Coca Cola, chỉ ½ lon soda có thể làm tăng tỉ số bị đột quỵ tim lên đến 30%. Bạn có biết là một muỗng tương cà chua Heinz có nhiều đường hơn là một cái bánh quy Oreo không? Hoặc, một hủ da-ua (fruit yogurt) có nhiều đường hơn là một lon Coke? Hay trong một tô cereal buổi sáng, 75% calories đến từ đường? Ngay cả nước trái cây “bổ dưỡng” fruit juice, nước uống “tăng cường năng lực”, cà phê Starbucks v.v… hãy thử đoán có bao nhiêu đường trong đó?

Tại sao đường gây ra tai hại?
              Khi bạn mới uống hay ăn thức ăn có đường vào cơ thể đa phần bạn sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Thứ nhất vì trên thực tế cơ thể chúng ta cần một số ít đường để sống. Lượng đường nầy thấm vào các tế bào, cung cấp năng lượng cấp thời làm cho ta…khỏe. Thứ nhì có thể vì yếu tố tâm lý của đa số bệnh ghiền, vì từ thuở nhỏ chúng ta đã quen với vị ngọt của đường, nhất là những khi bé khóc là bố mẹ dúi cho một cục keo hay một cây cà rem. Vì thế bây giờ khi bị “stress” chúng ta dễ đi tìm niềm an ủi với vị ngọt của đường.
             Sau khi cảm giác dễ chịu qua đi, chúng ta sẽ thấy cơ thể nặng nề vì những lượng đường dư thừa sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể. Lá gan và pancreas cần phải “giải độc” khối lượng đường phụ trội này bằng cách chế biến và chứa vào mỡ đặc (triglycerides) làm cho ta béo phì ra, hay làm tăng mỡ lỏng (cholesterol, LDL) làm cho tim, mạch máu bị nghẽn. Ngoài ra, các tế bào bị ngâm trong đường sẽ biến thành… mứt quất (mứt tắt), để cân bằng nồng độ hai bên, nước từ bên trong tế bào sẽ rút ra máu, làm khô nước bên trong và dễ chết (Bạn dã đọc bài “Yêu Nước” chưa?). Càng ngâm trong đường càng lâu các tế bào sẽ có hiệu ứng giống như bị “thắng đường” khi các bà làm nước màu kho cá!.
             Cuối cùng lá gan cũng đầu hàng, sanh ra bệnh tiểu đường. Vòng tròn tử vong tiếp tục xoáy tròn kéo mình vào vực sâu của đáy huyệt một cách nhanh chóng.

Làm thế nào để bớt ghiền đường?
1. Không nên ăn đường giả (sugar substitute, diet gugar)! Đường thật mà còn có hại huống chi đường giả! Đường giả đa phần có cấu trúc giống như đường có trong... lá cây, rễ cây v.v… để lừa cơ thể chúng ta mà thôi. Tuy không làm tăng calorie nhưng vẫn có những tác hại tương tự.

2. Nên để ý hàm lượng đường trong tất cả các loại thức ăn. Tốt hơn hết là không ăn đồ ăn đã chế biến mà chỉ ăn đồ ăn tươi do chính mình nấu nướng lấy.

3. Ăn ít , ăn cân bằng và biết lựa chọn. Thí dụ không ai cấm bạn ăn một quả chuối mỗi ngày, miễn đừng ăn luôn cả nải chuối. Giữa một quả cam và một ly nước cam thì nên chọn…?

4. Ăn chậm, nhai chậm lại để tận hưởng vị ngọt của thức ăn. Tôi bảo đảm với bạn sau khi bạn nhai một miếng dưa chuột thật kỹ, thật lâu bạn sẽ thấy vị ngọt của nó không thua gì một múi cam. Mà có nhai một múi cam, thì cũng nên bỏ thì giờ mà tận hưởng hương vị của nó. Nên nhớ ngoài vị ngọt còn có những vị khác nữa.

5. Tập thể dục, thể thao mỗi ngày. Đi bộ tối thiểu 15 phút trước hay ngay sau khi ăn, hoặc cả hai càng tốt. Đi bộ sẽ làm cho các tế bào mở rộng cửa để cho đường thấm nhanh vào bên trong, giảm bớt nồng độ đường ngoài mạch máu.
           Hôm nay nên là bắt đầu mới cho mọi người. Chúc bạn đọc khỏe, vui vẻ vì bớt… “nghiện đường”.

                                                                                    BS Hồ Ngọc Minh

Putin và Canh Bạc Ukraine


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140227

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền - mà cả hai đều thiếu cả hai     


 * Dân Ukraine "biểu đồng tình" tại Crimea, dưới lá cờ của mẫu quốc Nga - Ngày 24 vừa qua *


Sau ba tháng biến động có máu đổ, Ukraine bước qua giai đoạn chuyển tiếp - là bình thường hóa sinh hoạt chính trị trong hoàn cảnh bất thường về cả an ninh lẫn kinh tế: xứ sở có đầy tai ương này đang bị nguy cơ vỡ nợ. Ở bên ngoài thì gặp họa ngoại xâm.

Sau một Thế vận hội hào nhoáng, Tổng thống Vladimir Putin gặp thất bại tại Ukraine, lập tức phản công bằng cách biểu dương sức mạnh quân sự: Nga là cường quốc quân sự  chứ không tầm thường, thế giới Âu-Mỹ chẳng nên coi nhẹ sau vụ Ukraine.

Chúng ta hãy lạnh lùng điểm quân tính số xem chuyện thực hư của tình trạng cực kỳ bất thường này.


***

Tại Ukraine, vừa lên nhậm chức thì chính quyền lâm thời, tức là còn non yếu, báo động thế giới rằng xứ này có thể bị vỡ nợ và cần 35 tỷ đô la, tương đương với 20% Tổng sản lượng cỡ 175 tỷ.

Một cách cụ thể thì hàng tháng, Ukraine phải thanh toán một tỷ đô tiền nhập cảng khí đốt của Nga, mà nội Tháng Giêng thì đã mất hơn một tỷ trả nợ và một tỷ bảy tung ra để cấp cứu đồng bạc bị mất giá 15%. Dự trữ ngoại tệ bị hao hụt nặng nên chỉ đủ cho vài tháng nhập cảng, hay đủ cho việc trả nợ cả năm nay, là 17 tỷ. Vì vậy, đã có tin đồn là chính quyền hết tiền trả lương bổng và hưu liễm. Đúng lúc đó, Bắc Kinh nhanh nhảu báo tin là đòi Ukraine trả nợ ba tỷ đô la!

Trong một thế giới bình thường thì Ukraine có thể trông cậy vào 15 tỷ đô la của Nga và 20 tỷ đô la của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để tạm thoát cơn hoạn nạn. Nhưng thế giới này không bình thường.

IMF và các nước trong Liên hiệp Âu châu đều đồng ý – như đã từng – là cho Ukraine vay tiền để cứu nguy kinh tế với điều kiện là phải cải cách cơ chế quá lệch lạc, đầy chứng tật tham ô đã có từ thời xã hội chủ nghĩa. Với những khó khăn hiện nay của khối Euro, Liên Âu không thể đòi người dân của mình thắt lưng buộc bụng để cứu nguy các đại gia hay tài phiệt Ukraine. IMF cũng có những quy tắc viện trợ cấp cứu để chữa bệnh chứ không nuôi bệnh.

Người ta có thể thông cảm với lập trường khắt khe đó.

Nhưng khi chế độ của các đại gia và tài phiệt vừa cáo chung, chính quyền lâm thời tại Kiev vẫn phải lo cho nạn nhân của chế độ này. Và có thoát cơn nguy khốn thì mới nói đến việc chấn chỉnh. Đang lúc thập tử nhất sinh trên giường bệnh mà đòi bệnh nhân kiêng cữ và tập chạy một mình thì đấy là "giải phẫu không có thuốc mê" - và sẽ làm chính quyền lâm thời lập tức lâm nạn!

Phía bên kia, đầu gấu Putin quả là có hứa cho vay 15 tỷ Euro nhưng cũng với điều kiện.

Điều kiện đó là chối từ việc hội nhập với Âu Châu mà bước theo Nga vào Liên minh Quan thuế Âu-Á. Chế độ Viktor Yanukovich chọn hướng đó nên mới gặp chống đối, và ra lệnh nã súng vào dân nên mới bị lật đổ. Khi biến động xảy ra, Nga đã giải ngân ba tỷ thì lập tức xiết lại hầu bao nên 15 tỷ đô la vẫn treo lơ lửng, trong quỹ hưu bổng của dân Nga.

Không chỉ xiết nợ và đòi tiền một xứ láng giềng vừa ra khỏi bóng rợp của mình, Putin còn chứa chấp lãnh tụ Viktor Yanukovich bị Ukraine truất phế và truy nã, và biểu dương khí thế côn quang của mình. Đó là cuộc thao dượt quân sự được thông báo hôm Thứ Tư 26.


***


Theo chiều kim đồng hồ, Liên bang Nga có bốn Quân khu, mỗi Quân khu do một Thượng tướng ba sao làm Tư lệnh. Quân khu miền Nam nằm giữa Hắc hải và biển Caspian – bên trong có Hạm đội Hắc hải tại bán đảo Crimea; Quân khu miền Tây nằm tiếp giáp với Ukraine, Belarus, ba nước Cộng hoà Baltic và Phần Lan, kéo lên mạn cực Bắc, bên trong có thủ đô Moscow; Quân khu miền Trung trải rộng từ miền Tây qua Trung Á đến Tây Bá Lợi Á; Quân khu miền Đông là cả khu vực Viễn Đông tiếp cận với Trung Quốc, Tây Thái Bình Dương và tiểu bang Alaska của Mỹ. Lối tổ chức này là do Vladimir Putin ấn định từ năm 2010 trở về sau khi tiến hành cải cách quân sự.

Hôm Thứ Tư 26, trong khi Ukraine tần ngần đếm lại két bạc cạn đáy thì Tổng thống Putin rồi Tổng trưởng Quốc phòng, là Thống tướng bốn sao Sergei Shoigu, ra lệnh tập trận tại Quân khu miền Tây và Quân khu miền Trung, "để trắc nghiệm khả năng ứng chiến của quân đội Nga - chứ không liên hệ gì đến tình hình Ukraine".

Trong cuộc cờ này, Putin dàn ra 150 ngàn quân, 90 chiến đấu cơ, 880 chiến xa, 1200 đại pháo và hơn trăm trực thăng. Nhưng các đơn vị của Quân khu miền Nam và tại Crimea thì "án binh bất động", dù trụ sở Quốc hội Crimea đã bị phe thân Nga chiếm đóng và phất cờ lung tung. Dĩ nhiên là cờ Nga.

Trong quá khứ, chuyện thao dợt gọi là thường kỳ ấy chẳng có gì là bất thường, nếu nó không mở màn cho một vụ xâm lấn quân sự. Hồi Tháng Tám năm 2008, trước khi Putin đưa quân vào hai khu vực tự trị của Georgia là Abkhazia và Nam Ossetia, Quân khu Bắc Caucasus của Nga cũng đã tập trận nhiều lần!

Rút kinh nghiệm Georgia - điều bất ngờ cho Hoa Kỳ và Liên Âu thời ấy, than ôi - người ta thấy ngoài trò diễu võ, Putin còn có ngón đòn "con dấu", khắc bằng củ đậu: Nga rộng tay đóng dấu chứng nhận quốc tịch và thẻ thông hành Nga cho công dân của hai Cộng hoà Abkhazia và Nam Ossetia. Sau đó, các "công dân mới" của Nga kêu cứu Moscow đổ quân vào bảo vệ trước nguy cơ đàn áp của Chính quyền Georgia tại Tbilisi.

Lần này, Putin cũng chuẩn bị con dấu cho dân Ukraine thân Nga tại bán đảo Crimea.

Vì vậy, dù Putin và Shoigu đều nói cuộc thao dợt không liên quan gì tới Ukraine và dù Quân khu miền Nam chưa tham dự, người ta vẫn thấy hoài nghi. Putin có thể muốn tái diễn chuyện Georgia.

Lạc quan hơn theo lý luận phản chiến hay chủ hòa phổ biến tại Mỹ, thì có thể ông ta chỉ muốn nhắc Tây phương và các lân bang, rằng Liên bang Nga thời này hết là nước Nga suy yếu của 15 năm trước.

Ngày nay, Nga đã có thừa khả năng quân sự để trở lại vị trí cường quốc toàn cầu. Trước tiên là để hoàn thành năm nhiệm vụ chiến lược do Putin đề ra cho quân đội từ cuộc cải cách năm 2010: 1) tôn trọng luật lệ quốc tế, 2) trong một thế giới đa cực (thay vì độc bá của Mỹ!), 3) duy trì sự hữu hảo với các nước, 4) mà vẫn bảo vệ mạng sống và nhân phẩm của công dân Nga - ở bất cứ nơi nào, và 5) xây dựng ảnh hưởng trong các khu vực trọng yếu cho quyền lợi của Liên bang Nga. Màn biểu dương quân sự lần này chỉ cần khẳng định năm tôn chỉ có vẻ hiếu hòa kể trên.

Nhưng khốn nỗi hai khoản sau cùng - bảo vệ kiều dân và ảnh hưởng - đều hứa hẹn chuyện nháng lửa.

Đó là khi kiều dân Nga kêu cứu tại Crimea và khi Tây phương (Hoa Kỳ, Liên Âu và Minh ước NATO) lại đòi quảng bá những giá trị tinh thần của Âu Châu vào sáu nước miền Đông còn nằm trong quỹ đạo Nga, là Georgia, Ukraine, Armenia, Moldovia, Belarus và Azerbaijan!

Số là một năm sau khi Putin đẩy lui đà Tây tiến của Georgia, năm 2009, Liên Âu phát huy sáng kiến xây dựng thế đối tác với miền Đông (Eastern Partnership) do Ba Lan và Thụy Điển đề nghị, với hậu quả ngày nay là gây biến tại Ukraine, và đe dọa "công dân Nga" tại Crimea....

Vì vậy, sau quyết định của Nga tại Crimea và hai Quân khu, các Ngoại trưởng Ba Lan, Hoa Kỳ, hay Tổng trưởng Quốc phòng Đức cùng Tổng thư ký NATO, v.v... đều lên tiếng cảnh báo. Và các Tổng trưởng Quốc phòng của 28 thành viên NATO mời nhau họp hành ngày 27 tại Bruxelles. Chắc là sẽ có những tuyên bố nảy lửa như pháo ran.

Trong một bài bình luận ỡm ờ ("Lãnh đạo từ sau lưng quần chúng"), người viết có gợi ý là Tổng thống Barack Obama nên lập tức qua Bruxelles vào ngày 24 vừa qua để vừa hạ nhiệt tại Ukraine và nói chuyện phải quấy với Putin. Dĩ nhiên là Obama bận chuyện khác và cương quyết lãnh đạo từ sau lưng quần! Chưa kể là còn cần Putin giải quyết cho mình hồ sơ Syria và Iran, quan trọng hơn cho nước Mỹ của ông ta.

Đúng lúc đó, lúc này, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ lại đề nghị cắt ngân sách và giảm quân số Bộ binh tới mức... Tiền chiến, trước Thế chiến II và thời Chiến tranh lạnh. Lạ chưa?

Cho nên, sau những phát biểu ồn ào, thì Liên Âu sẽ ngỡ ngàng và Ukraine lại bẽ bàng, và Putin có thể "thu hồi" Crimea do Nikita Krushchev lỡ dại trả cho Ukraine vào năm 1954. 

Rồi sẽ nuốt trọn  một khối u là của người Thát Đát - dân Tatars, gốc Thổ, theo Hồi giáo. Họ là dân bản địa từng bị Stalin tàn sát và đánh đuổi khỏi Crimea, ngày nay không yên tâm khi thấy Nga lại đòi tiếp thu Crimea. Khi bị đàn áp, họ có thể nghĩ tới, và tìm đến, các đồng đạo là trong sáu nước Cộng hoà Hồi giáo ở giữa Hắc hải và biển Caspian, trong đó có nhiều đám dân quân hay khủng bố đòi quyền tự trị!

Ngoài Crimea, dân Ukraine tại các nơi khác cũng không hèn, như họ đã chứng tỏ trong lịch sử và ba tháng biến động vừa qua. Nếu Ukraine bị Putin thôn tính thì họ cũng sẽ nổi dậy, và cho nước Nga nếm mùi chiến tranh du kích, phá hoại và nổi dậy...

Nhưng trước khi gạt lệ cho dân Ukraine đáng thương và đáng kính, thì cũng nên công bằng nhìn vào hầu bao của Putin trong canh bạc có vẻ xả láng này.


***

Từ năm năm nay, Vladimir Putin có tham vọng hiện đại hóa quân lực và mở tầm ảnh hưởng ra khỏi khu vực truyền thống của Đế quốc Nga. Tham vọng dễ hiểu của một cường quốc đã vang bóng một thời. Vang bóng một thời vì quân lực Nga chưa ra khỏi di hại cộng sản: có vẻ rất mạnh trên nền móng kinh tế rất yếu (nghe cứ như chuyện Trung Quốc thời nay!)

Sau 15 năm cố gắng của Putin, từ 1999 đến nay, quân lực Nga vẫn thuộc loại lạc hậu, về trang bị, kỹ thuật và khả năng. Muốn có cái lực cao bằng cái thế, Putin vẫn phải chọn ưu tiên là gạo hay súng, kinh tế hay an ninh. Như các lãnh tụ Xô viết, ông ta đã chọn. Và càng tự tin là làm được khi Tổng sản lượng của Nga đã tăng hơn gấp bảy trong 10 năm, từ hơn 300 tỷ năm 1995 đến nay là 2.200 tỷ.

Nhưng chuyện cụ thể là sẽ phải gia tăng ngân sách quốc phòng chừng 700 tỷ đô la trong 10 năm, so với 90 tỷ hiện nay. Với điều kiện là dầu thô vẫn trên trăm bạc một thùng. Ngân sách quân sự của Nga được dự phóng trên kịch bản là dầu thô ở mức 117 đô la. Là chuyện hết còn! Chưa kể là 63 trong 83 địa phương của Nga, từ các tỉnh, oblast đến các nước Cộng hoà linh tinh, đều bị bội chi, mắc nợ và có thể vỡ nợ nếu không được trung ương cấp cứu.

Ngoài giới hạn về ngân sách, phải tăng đến độ hụt hơi như Mikhail Gorbachev đã gặp sau mấy thập niên duy ý chí của Leonid Brezhnev, Putin còn bị kẹt là... thiếu người.

Khả năng trưng binh có hạn cho một dân số bị lão hóa, mà nếu có tăng lương lính để tuyển người thì kẹt ngân sách. Nga thiếu 300 ngàn để giữ quân số ở mức 800 ngàn như trù tính. Chi tiết bất ngờ ấy là con bài rất bèo trong canh bạc.

Giới hạn thứ ba còn chết người hơn. Hệ thống trang bị quân sự của Nga bị lỗi thời ít ra một phần tư. Ba phần tư là tàn dư sản xuất từ thời Xô viết. Vào năm 2010, cChỉ tiêu của Putin là trong 10 năm phải hiện đại hóa được 70%, mỗi năm nâng cấp 11% cho tới năm 2020. Chưa nói đến yếu tố kỹ thuật hay công nghệ chiến tranh, cả một hệ thống tiếp liệu và sản xuất võ khí của Nga vẫn bị ngộp trong quy cách Xô viết, và quyền lợi cục bộ đính kém từng phẩm vật.

Nói theo ngôn ngữ cờ bẻo, đấy không là con tẩy xì mà là tẩy sất. Lá bài lủng.

Cho nên, Liên bang Nga của Putin có thể uy hiếp Ukraine và thậm chí thôn tính bán đảo Crimea. Nhưng nếu muốn vươn ngang tầm cao thời đại thì sẽ lại bắt trớn Liên Xô. Vì lực bất tòng tâm nên hụt hơi mà chết. Khi ấy, chúng ta mới nhớ đến cuộc thi đua võ trang cuối thời Chiến tranh lạnh. Ngày nay, nếu những người hữu trách tại Hoa Kỳ mà suy tính như vậy thì quả là ác liệt.

Mà hơi ác....

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Ăn trứng luộc mỗi ngày giúp mắt sáng và ngừa ung thư vú


             Ăn một quả trứng luộc mỗi ngày sẽ giúp cải thiện thị lực, móng tay chắc khoẻ, xương chắc, và ngừa được ung thư vú
            Theo Boldsky dẫn nguồn từ các chuyên gia sức khỏe, ăn một quả trứng mỗi ngày sẽ cung cấp năng lượng và giúp kiểm soát cơn đói. Trứng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe như kali, chất sắt, kẽm, vitamin E và folate. Theo nghiên cứu, một quả trứng luộc chứa 6,29 gr protein và 78 calo.

Trứng luộc còn có một số công dụng như sau:

Cải thiện thị lực: 
         Ăn trứng luộc thường xuyên giúp bổ sung các nguồn carotenoid tốt cho mắt như lutein và zeaxanthin. Các carotenoid này có tác dụng chống thoái hóa điểm vàng, một nguyên nhân phổ biến gây mất thị lực ở người lớn. 

Tốt cho móng tay: 
         Nguồn vitamin D cùng các khoáng chất và chất chống ô xy hóa có trong trứng giúp móng tay phát triển chắc khỏe.

Bảo vệ não: 
        Trứng chứa nhiều choline, một hợp chất cần thiết bảo vệ chức năng não khỏe mạnh. Nạp choline giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh về não như Alzheimer (một dạng bệnh mất trí nhớ).

Duy trì cân nặng:
         Một quả trứng chỉ chứa gần 80 calo, đừng lo mập vì ăn trứng.

Củng cố xương: 
          Vitamin D có trong trứng luộc thúc đẩy hấp thu canxi và điều chỉnh nồng độ canxi trong máu, đảm bảo bộ xương của bạn nạp đủ lượng canxi cần thiết để phát triển. 

Ngừa ung thư vú: 
           Những phụ nữ ăn ít nhất 6 quả trứng mỗi tuần được cho là giảm 44% nguy cơ bị ung thư vú. 

Tốt cho máu: 
          Theo nghiên cứu, ăn trứng luộc giúp ngừa máu vón cục. Ăn trứng luộc cũng tốt cho tim và giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ.

                                                                        Nguồn: Huỳnh Thiềm/Thanhnien


Trận Đấu Vùng Biên Địa


Hùng Tâm / Hồ Sơ Người-Việt 140227  

Âu Châu và Liên Bang Nga Thao Dượt Tại Ukraine  

* Đầu gấu Putin cưỡi gấu qua sông! *



Thời sự tại Ukraine có vẻ giảm nhiệt, trước khi lại bốc khói trong những tháng tới, với cái tin là cuối tuần này Liên bang Nga bất thần tiến hành một cuộc thao dợt quân sự quy mô. "Hồ Sơ Người-Việt" tổng hợp một số dữ kiện như phác lại một tấm địa đồ của khu vực giữa Liên bang Nga và Liên hiệp Âu châu. Trên trận địa này, khi có kết hợp hành động giữa Liên Âu và Hoa Kỳ thì ta gọi chung là "Tây phương"....


Tây Phương Nhấn Tới


Sau ba tuần lễ đầy biến động có máu đổ - 88 người thiệt mạng, theo kết quả sơ khởi - Tổng thống Viktor Yanukovich bị Quốc hội Ukraine truất phế và truy nã để lập hồ sơ truy tố trước Toà án Hình sự Quốc tế tại The Hague. Việc ông ta muốn đưa Ukraine trở lại quỹ đạo Nga, và được Tổng thống Nga Vladimir Putin cho vay 15 tỷ đô la để cứu nguy kinh tế, đã chấm dứt. Nỗ lực mua chuộc Ukraine của Tổng thống Putin coi như thất bại. Nhưng sự thể sẽ chẳng kết thúc ở đó.

Tuần này, một phái đoàn của Cộng hòa Georgia đang thăm viếng Thủ đô Hoa Kỳ. Theo dự tính, Thủ tướng Irakli Garibashvili sẽ gặp Ngoại trưởng John Kerry, Phó Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Barack Obama và thảo luận với nhiều tổ chức ngoài chính phủ (NGOs) về việc phát huy những giá trị tinh thần phổ quát của Tây phương trong các quốc gia đã từng thuộc về quỹ đạo Xô viết.

Khi ấy, người ta lại chú ý đến một tin khác, chắc chắn là bị truyền thông Hoa Kỳ lãng quên mà cho vào trang trong. Ngày Thứ Hai mùng ba Tháng Ba tới đây, Thủ tướng Iurie Leanca của Cộng hoà Moldovia sẽ vào tòa Bạch Ốc gặp Phó Tổng thống Biden.

Dù có thể được quyết định từ trước, hai chuyến thăm viếng này đều nằm trong bối cảnh Ukraine và việc tranh đua ảnh hưởng của Tây phương với Liên bang Nga tại khu vực người ta thường gọi là Đông Âu và Trung Âu, xưa kia nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên bang Xô viết.

Tại Ukraine, biến động đã bùng nổ từ ngày 21 Tháng 11 năm ngoái khi Tổng thống Yanukovich đơn phương quyết định hủy bỏ lễ ký kết Hiệp định Hợp tác với Âu Châu trù tính tổ chức tại thủ đô Vilnius của Lithuania trong Thượng đỉnh Đối Tác Miền Đông (Eastern Parnertship). Khi khủng hoảng Ukraine lên tới cao điểm thì ba Ngoại trưởng Ba Lan, Đức và Pháp bay qua Thủ đô Kiev gặp dân biểu tình, các lãnh tụ đối lập và Yanukovich để dàn xếp giải pháp hòa bình cho Ukraine. 

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski là người chủ chốt của cuộc vận động khiến Yanukovich nhượng bộ và bị truất phế, đằng sau hiển nhiên là có sự hỗ trợ rất mạnh về kinh tế và chính trị của Đức và cả khối Liên Âu.

Phía Hoa Kỳ, khi các cuộc biểu tình chống đối lan rộng tại Ukraine, Nghị sĩ John McCain cũng bay qua sát cánh với dân biểu tình trên quảng trường Maidan và giới chức Hoa Kỳ thì chính thức lên tiếng can ngăn Chính quyền Yanukovich không được sử dụng võ lực và phải tôn trọng ý dân.

Tại Ukraine, một màn đấu tranh vừa ngã ngũ và Putin chơi dại nên đã phỏng tay. Nhưng chuyện không chỉ có vậy và chúng ta nên nhìn lại toàn cảnh từ cuộc tổng phản công của Putin giữa hai ngả Đông-Tây.



Đông-Tây Hai Ngả


Sau khi Liên bang Xô viết tan rã từ mùa Thu 1989 rồi sụp đổ vào cuối năm 1991, Nga bị khủng hoảng mất 10 năm và chỉ tạm ổn định dưới triều đại Putin, người lên làm Thủ tướng năm 1999, rồi Tổng thống, rồi Thủ tướng, rồi lại tái đắc cử Tổng thống từ năm 2012. Trong 10 năm từ 1989 đến 1999, các nước Đông Âu thoát khỏi ách Xô viết đều cải cách về kinh tế lẫn chính trị để gia nhập Liên Âu rồi Minh ước NATO.

Khi đã củng cố thế lực sau 10 năm cầm quyền, nhân khi Tây phương lâm khủng hoảng tài chánh năm 2008 thì Putin chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên Xô ở vòng ngoại vi của Nga, và đẩy lui phong trào dân chủ tại Trung Âu.

Tháng Tám năm 2008, khi Thế vận hội Bắc Kinh vừa khai mạc thì Georgia bị Nga tấn công. Đầu năm 2009, Ukraine bị bắt bí về khí đốt. Cuộc cách mạng màu da cam năm 2004 của Ukraine bị đẩy lui, phe thân Nga của Yanukovich lên lãnh đạo, một lãnh tụ phong trào dân chủ thân Tây phương là Thủ tướng Yulia Timoshenko vào tù do lời làm chứng tố giác của một lãnh tụ khác là Tổng thống Viktor Yuschenko. Ông Yuschenko có thể đã bị Nga đầu độc về mô bì, lại mất uy tín nặng khi tái tranh cử năm 2010 thì chỉ được vài phần trăm số phiếu và coi Timoshenko như kẻ thù! Trong khi đó, các nước Âu Châu thì đòi Ukraine phải trả tự do cho Timoshenko vì không tin vào những cáo buộc của Tổng thống Yanukovich mới tái đắc cử....

Từ bên ngoài, vì từng có kinh nghiệm đẫm máu với Nga Xô, có bốn nước Đông Âu theo dõi chuyện này trước sự thờ ơ của dư luận Mỹ. Đó là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Cộng hoà Tiệp và Cộng hoà Slovakia (hai nước này là hậu thân của Cộng hoà Tiệp Khắc).

Họ lập ra "Nhóm Visegrad" từ năm 1991 - Visegrad là địa danh lịch sử cả ngàn năm của Đông Âu - và vận động Liên Âu, NATO cùng Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa về mối nguy từ phía Đông, từ Liên bang Nga.

Từ đấy, Liên Âu phát huy sáng kiến xây dựng thế đối tác với miền Đông (Eastern Partnership) do Ba Lan và Thụy Điển đề nghị từ năm 2009. Chủ yếu là để lôi kéo sáu nước miền Đông còn nằm trong quỹ đạo Nga, là Georgia, Ukraina, Armenia, Moldovia, Belarus và Azerbaijan, cùng hội nhập kinh tế rồi chính trị với Liên Âu. Sáng kiến này cũng ít được truyền thông Mỹ loan tải.

Bên kia chiến hào kinh tế, từ đầu năm 2010, Putin lập ra Liên hiệp Quan thuế với Belarus và Kazakhstan với tham vọng hoàn thành năm 2015 một Liên hiệp Âu Á về quan thuế (Eurasian Custom Union) - dưới sự lãnh đạo và thực thi của bộ máy an ninh Nga – để hội nhập các nước từ Tây sang Đông, kể cả Trung Quốc và Việt Nam (hiện là quan sát viên).

Tóm lại cho gọn: Giữa cơn khủng hoảng của khối Euro với các nước lâm nạn tại Nam Âu bên bờ Địa Trung Hải, Liên Âu cố dùng đòn bẩy kinh tế là tự do ngoại thương để tranh thủ các nước miền Đông vào quỹ đạo của Âu Châu dân chủ. Đó là kế hoạch Đối Tác Miền Đông Eastern Partnership. Nga cũng dùng đòn bẩy kinh tế, và võ khí năng lượng, để duy trì ảnh hưởng và còn bành trướng thế lực qua tận Viễn Đông qua kế hoạch Thuế quan Âu-Á.

Hoa Kỳ đứng ngoài giám trận đấu giữa Âu và Nga.

Khi vào cuộc, siêu cường của khối Euro là nước Đức ủng hộ dự án Đối Tác Miền Đông vì có thể giảm ảnh hưởng của sáng kiến xuất phát từ Pháp là hội nhập các nước Địa Trung Hải ở miền Nam, nhưng trong chừng mực không gây mâu thuẫn nặng với Nga là một nguồn cung cấp năng lượng đáng kể cho nước Đức. Nhìn như vậy, chúng ta có thể suy đoán ra khả năng tác động của một đại gia mới nổi về năng lượng là Hoa Kỳ.

Khi vào cuộc, Nga vi phạm quy định của Tổ chức WTO – mới vừa gia nhập năm 2012 sau 18 năm thương thuyết - để bắt bí Georgia và Ukraine. Đã vậy, Nga còn gây khó cho nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Canada và Brazil về việc nhập cảng nông sản và lương thực với những tiêu chuẩn tùy tiện và đáng ngờ. Liên Âu đã lập hồ sơ truy tố với sự hưởng ứng về sau của Hoa Kỳ.

Nước Mỹ vẫn giám trận từ phía sau.

Tháng 11 năm ngoái, Lithuania tổ chức thượng đỉnh Liên Âu về Đối Tác Miền Đông tại thủ đô Vilnius. Theo nghị trình, các nước thảo luận việc thương thuyết hiệp định tự do ngoại thương và hợp tác với Georgia, Ukraine, Moldovia và Armenia. Khi có tin Armenia lại gia nhập hệ thống quan thuế Âu-Á của Nga, còn Quốc hội Ukraina thì mở đường cho việc thương thuyết với Liên Âu vào Tháng 11, thì ta hiểu trận đánh Âu-Nga, hay Tây-Đông, về mậu dịch chỉ che khuất những tính toán sâu xa hơn.

Và khi Tổng thống Yanukovich bất ngờ từ chối ký kết Hiệp định với Âu Châu để ngả theo Liên bang Nga thì ta hiểu ra nội dung của vụ khủng hoảng vừa qua tại Ukraine. Việc Thủ tướng Georgia và Moldovia qua thăm Hoa Kỳ cần được nhìn trong bối cảnh rộng lớn và lâu dài đó.


Bán Đảo Crimea Tại Biên Vực Đông-Tây và Nam-Bắc


Hiểu rõ địa dư trống trải của nước Nga bát ngát mà khó phòng thủ tại hướng Tây và cần thông thương với miền Nam để ra tới Địa Trung Hải, Vladimir Putin muốn bành trướng ảnh hưởng của Nga tại vùng biên vực miền Tây, là các nước Đông Âu và Trung Âu. 

Từ biển Baltic ở phía Bắc xuống tới Hắc hải (Black Sea) và biển Caspian, Nga phải có vùng trái độn do mình kiểm soát. Nhu cầu an ninh ấy khiến Putin không yên tâm với làn sóng dân chủ nổi lên từ Âu Châu. Huống hồ làn sóng đó còn có thể gây thêm khó khăn cho chính quyền trung ương tại Moscow vì khơi dậy phong trào chống đối và đòi hỏi dân chủ ngay trong nước Nga.

Khi bị thất thế tại Ukraine, vì con ngựa Yanukovich vừa bị lật, tất nhiên là Putin nghĩ đến bán đảo Crimea (xin đọc là Krai-mia) của Ukraine tại Hắc hải.

Bán đảo này là cái neo của nước Nga, nơi mà 60% dân số là người Nga, dù là một Cộng hoà Tự trị nằm trong Ukraine. Tại Crimea, Nga có quân cảng Sevastopol là căn cứ của Hạm đội Hắc hải được thuê lại từ Ukraine. Và thiếu Hạm đội này, Nga không thể ảnh hưởng tới vùng biển nóng ở dưới và vươn tới Địa Trung Hải.

Là khu vực tranh chấp lâu đời giữa Đế quốc Nga và Đế quốc Hồi giáo Ottoman của dân Thổ, Crimea từng là trận địa nổi tiếng của Nga từ Thế kỷ 18 qua hai trận Thế chiến rồi trở thành lãnh thổ Nga. Nhưng năm 1954, Crimea lại được Nikita Kruschev, lãnh tụ Xô viết xuất thân từ Ukraine, trao trả cho Cộng hòa Nhân dân Xô viết Ukraina! Sau khi giành lại độc lập từ Liên Xô năm 1991, Ukraine vẫn duy trì quy chế tự trị cho Crimea và chia đôi Hạm đội Xô viết tại Hắc hải với Liên bang Nga thời Tổng thống Boris Yeltsin.

Nhưng khi Putin tổng phản công, ông đẩy mạnh tiến trình "Nga hóa" đất Crimea, với người Nga được nhập cư dễ dàng và dân Ukraine ở bản địa được lấy giấy tờ và quốc tịch Nga.

Việc hội nhập để đồng hóa như vậy cũng đã tiến hành tại hai khu vực tự trị của Georgia là Abkhazia và South Ossetia. Năm 2008, với lý do bảo vệ kiều dân Nga và do lời yêu cầu của lãnh đạo hai khu vực này, Putin đưa quân vào Georgia và thôn tính luôn một phần lãnh thổ Georgia. Với Crimea, việc này còn dễ hơn.

Lãnh đạo Crimea hiện là những người thân Nga, tự coi mình là dân Nga hơn là dân Ukraine và con cháu dân Tatar nguyên thủy (dân Thát Đát, gốc Thổ) bị Stalin đuổi đi Tây Bá Lợi Á thì chỉ được hồi hương có hạn. Trong khu vực này, Putin còn có hai vạn quân Nga tại căn cứ Sevastopol nên rất dễ "ổn định" tình hình. Vì vậy, người ta không ngạc nhiên là khi biến động bùng nổ và lan rộng tại Ukraine thì vẫn có những người biểu tình chống biểu tình tại Crimea, dưới lá cờ Nga.

Khi nhìn lại chuyện Ukraine, một xứ nằm trong vùng biên vực Đông-Tây, ta không quên Crimea là vùng biên vực giữa Ukraine và Nga mà lại là bản lề Nam-Bắc của Nga khi cần xuống tới biển nóng ở miền Nam. Lãnh đạo mới của Ukraine, dù chưa biết là ai, tất nhiên cũng chú ý đến chuyện ấy, khi có tin đồn là Nga vừa đưa một tầu đổ bộ và 200 quân vào hải cảng Anapa của mình tại phía Bắc của Hắc hải.

Trong hoàn cảnh hiện tại, Putin thật ra không cần đưa quân vào Crimea vì đã có hai vạn quân ở tại chỗ. Nhưng, khi vừa bị thất thế tại Kiev và trước đà thắng lợi của Âu Châu tại Ukraine, ông ta có thể quậy sóng Hắc hải và dùng Crimea như nơi gõ trống khua chiêng.

_______________________________

Kết luận ở đây là gì?


Trong trận đấu Đông-Tây về ảnh hưởng, Putin vạch ra ba lằn ranh đỏ cho Liên Âu là 1) không được hội nhập Ukraine vào cơ chế Âu châu, 2) không cho chính quyền tại Kiev được từ chối viện trợ tài chánh của Nga, và 3) không viện trợ và huấn luyện cho quân đội và an ninh Ukraine.

Trong ba tháng qua, hai lằn ranh đầu tiên đều được dân Ukraine mặc nhiên vượt qua.

Trong việc lật đổ chế độ Yanukovich, dân Ukraine cho thấy trình độ dân trí rất cao và nhất là sự hình thành của xã hội dân sự khi hệ thống chính trị ở trên đã tan rã.

Nếu Putin đẩy mạnh sức ép với giải pháp quân sự, thí dụ như từ Crimea, dân Ukraine có thể suy nghĩ đến lằn ranh đỏ thứ ba. Là xin được Âu Châu bảo vệ và viện trợ về an ninh.

Đấy mới là kịch bản nhức tim rất nên theo dõi....