Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Đổi thói quen ăn tết lấy sức khỏe

            Tết cổ truyền là dịp nghỉ kéo dài nhất trong năm, tạo cơ hội cho gia đình sum vầy, mọi người thăm viếng, tiệc tùng,… Để không bị tăng cân do ăn uống dư năng lượng, tránh bội thực và chấn thương do say xỉn, chúng ta nên thay đổi một số thói quen và tuân thủ những nguyên tắc chung.

Ăn uống điều độ, đúng cách
         Tết là thời điểm các gia đình có nhiều thực phẩm nhất trong năm. Nên có kế hoạch phân chia luân phiên giữa các món ăn chiên xào và ăn nhẹ cháo, súp; tăng cường dùng rau củ quả, trái cây, dùng bánh, mứt, rượu, bia vừa phải (nhấm nháp, không quá no say). Để tránh ngộ độc thực phẩm, nên mua đồ ăn có hạn dùng xa và từ các cơ sở uy tín. Thức ăn nấu chín để trong điều kiện bình thường chỉ nên dùng trong ngày và mỗi lần dùng phải hâm nóng. Tủ lạnh nên ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 4 độ C, không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với chưa nấu. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, mang găng tay. Rửa sạch rau củ quả để tránh mầm bệnh và thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản…
       Thói quen ăn tết như ngày xưa cần thay đổi cho phù hợp hơn với điều kiện mới, vì nguồn thực phẩm của nhiều loại hàng truyền thống đã khác xưa, món ăn đa đạng hơn và dịch vụ món ăn làm sẵn phổ biến hơn, nguồn cung thực phẩm dồi dào. Khi đãi khách, hạn chế sử dụng rượu, bia, thay bằng nước lá trà tươi hoặc trà sấy khô, nước ép trái cây tươi hoặc nước trái cây lên men… vốn có lợi cho gia đình và cả khách. Phân chia lịch thăm viếng các nơi, tránh quá chén, bội thực trong các ngày Tết.

Những người cần chăm sóc kỹ

Người có bệnh mãn tính: 
       Cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị, gút, đau khớp nên tuân thủ triệt để chế độ ăn hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, cũng như chế độ dùng thuốc, tránh dùng rượu, bia và nên có kế hoạch ăn uống rõ ràng, không dùng nhiều bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ
kiệu, tôm khô, lạp xưởng, vịt lạp, bánh mứt. Tăng cường ăn trái cây, rau quả tươi, dùng trà thay rượu.
Người cao tuổi: 
       Hệ tiêu hóa, sức nhai kém nên cần nhai kỹ, ăn làm nhiều bữa nhỏ, ăn đạm vừa phải, ít béo, uống nước nhiều lần, uống nước ép trái cây, trà tốt hơn rượu, bia. Gia đình nên hỗ trợ người cao tuổi lập lịch kiểm soát bữa ăn vào ngày Tết. Theo tài liệu của hội Dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM, một cái bánh chưng nặng 1 kg cung cấp khoảng 2.000 Kcalo. Bánh tét cũng tương đương, nếu vỏ bánh được xào và trộn dừa, hoặc bánh nhân thập cẩm thì năng lượng tăng thêm khoảng 30 – 50 Kcalo. Ở người cao tuổi, bữa chính chỉ cần 400 – 500 Kcalo (khoảng 1/5 cái bánh chưng lớn). Nên ăn cháo hạt sen, đậu đỏ, đậu đen... Tăng cường đạm từ cá, đậu nành, nấm.

Người ăn kiêng, phụ nữ: 
       Tăng cường sử dụng cháo, súp hạt sen, đậu xanh, đạm từ nấm, đậu nành, rau củ, trái cây tươi, nước trà… để tránh tăng cân.

Trẻ em: 
       Cho ăn và ngủ đúng giờ, tôn trọng giờ giấc sinh hoạt của trẻ. Tăng cường ăn rau quả tươi, tăng vận động, tránh ngồi xem tivi hay chơi game liên tục, uống nhiều nước. Hạn chế nước ngọt, nước có ga, bánh mứt, kẹo để tránh béo phì sau tết.

Người đi du lịch:
      Cần mang theo đủ thuốc dùng thông thường cho cảm, ho, tiêu chảy, dị ứng, thuốc cho bệnh mãn tính. Mặc đủ ấm nếu đi xứ lạnh. Cẩn thận khi ăn uống vì dễ bị dị ứng, thông báo với hãng lữ hành nếu cần ăn kiêng, có bệnh mãn tính, dị ứng thức ăn để có kế hoạch, chuẩn bị nước uống đủ, cẩn thận không ăn quá nhiều mì gói, thịt hộp vì có nhiều muối. Nên ăn trái cây, rau quả tươi, uống sữa tươi đầy đủ.

Đừng để cái miệng vạ cái thân
         Món ăn ngày tết khá phong phú, đa dạng. Để chuyện ăn uống không làm mất vui, hại sức khỏe, chúng ta cần lưu ý mấy điều:
Đề phòng ngộ độc rượu: 
       Uống rượu bia ít, không uống lúc bụng đói, uống từ từ và tùy theo thể trạng (người gầy ốm hay không có nhiều cơ bắp sẽ có mức dung nạp rượu thấp hơn). Không uống quá hai lon bia/ngày ở nam và một lon bia/ngày ở nữ. Uống rượu bia lúc bụng đói hoàn toàn hoặc uống quá nhanh sẽ làm nồng độ cồn trong máu đạt đỉnh nhanh chóng, dẫn đến ngộ độc
.
Để ăn không lên ký: 
       Hạn chế ăn nhiều chất béo, nên uống trà xanh tự nhiên (trà xanh chứa chất catechins giúp giảm hấp thu chất béo), ăn nhiều thực phẩm có chất xơ (đặc biệt là chất xơ hòa tan cao có nhiều trong táo, cam, quýt, bưởi và các họ đậu hạt… giúp giảm cholesterol), tiêu thụ thực phẩm giàu chitosan (trong vỏ tôm, cua, ghẹ... giúp giảm hấp thu mỡ trong đường tiêu hóa).

Sáng tạo thực đơn: ngoài các món truyền thống như măng hầm, thịt kho tàu, phá lấu, khổ qua hầm... với chất đạm chủ yếu từ trứng, thịt heo và giò heo, nên sáng tạo các món mặn được chế biến từ các loại đạm dễ tiêu, ít chất béo, ít cholesterol có lợi cho sức khỏe như các món với cá, tôm và thịt gà, vịt (bỏ da). Có thể chế biến món cá nướng, tôm hấp, gà luộc, lẩu..., không chỉ thay đổi khẩu vị ngày tết mà còn giúp nhẹ bụng, dễ tiêu.
                              ThS.BS Trần Quốc Cường (Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét