Hùng Tâm / Người Việt Ngày 140212
Người ta thường nói "chó sủa chó không cắn" – Có chắc không?
* Ngon như cái bánh phồng tôm! *
Từ hai năm nay, thời sự quốc tế đã quen với hai loại tin xuất phát từ Trung Quốc. Một đằng là những chi tiết ngày càng rõ rệt hơn về những khó khăn kinh tế và chính trị bên trong. Đằng kia là những phát ngôn ngày càng hung hăng của lãnh đạo Bắc Kinh về mặt an ninh và đối ngoại. Hai loại thông tin có tính chất tương phản ấy có ý nghĩa là gì? "Hồ Sơ Người-Việt" sẽ trình bày lại nội vụ, với một vài kết luận có tính chất gợi ý.
Trung Quốc Trong Bước Ngoặt
Trong số tất niên cách đây hai tuần, "Hồ Sơ Người-Việt" đã có một bài cô đọng về tương lai của Trung Quốc căn cứ trên thực lực kinh tế của xứ này. Điều cần nói thêm là sau hơn ba chục năm tăng trưởng ngoạn mục là hơn 10% một năm từ 1979 đến khoảng 2010, kinh tế Trung Quốc đã giảm dần tốc độ tăng trưởng. Viết như vậy vẫn chưa là chính xác! Vì hàm nghĩa là lãnh đạo Bắc Kinh chủ động giảm dần đà tăng trưởng. Sự thật là đà tăng trưởng của Trung Quốc đã bị giảm vì những lý do nằm ngoài chủ trương của lãnh đạo.
Lý do chính là mức tăng trưởng ấy thật ra không phản ảnh thực lực kinh tế mà chỉ là sự lãng phí chồng chất và tích lũy, cho nên lãnh đạo xứ này phải rà soát và điều chỉnh lại. Nhưng vẫn muốn giữ đà tăng trưởng cao để tránh động loạn. Mâu thuẫn ấy là một chi tiết ta nên ghi nhớ trong đầu.
Chúng ta cần nắm vững chi tiết này: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh là nhờ đầu tư và mức đầu tư lớn lao này là sự lãng phí bên trong.
Thế giới bên ngoài ít nhìn ra chuyện ấy vì chỉ đếm các phương tiện đưa vào sản xuất theo mệnh giá (face value). Người ta đã lầm trị giá (price) với giá trị (value) của nhập lượng (input) và kiểm tra xuất lượng (output) để gọi đó là sản lượng (production) mà không biết khấu trừ nhiều phí tổn (cost) của nhập lượng này, trong đó có những phí tổn ngầm mà ta phải gọi là "ẩn phí"- shadow cost. Thí dụ là phí tổn về môi sinh bị hủy hoại, hoặc phí tổn về thời cơ của tư bản (opportunity cost) vì nhà nước trưng thu tiết kiệm của dân với lãi suất quá rẻ (một hình thái bóc lột tài chính) để đưa vào sản xuất của khu vực quốc doanh hầu có sản lượng được ghi là sức tăng trưởng.
Chi tiết rắc rối của thực tế kinh tế ấy thật ra đã được lãnh đạo Bắc Kinh biết rõ từ cả chục năm qua và họ muốn sửa, ít ra từ năm 2003.
Mà họ sửa không được vì hệ thống kinh tế chính trị xứ này đã mắc bệnh "nghiện trưng thu", quen thói bóc lột. Bên dưới thì dân chúng đã bắt đầu bất mãn, ngày càng nhiều. Ban đầu thì còn rời rạc lẻ tẻ, sau này thì lan rộng và có phối hợp hơn xưa nhờ hiện tượng Internet.
Hậu quả kinh tế của hình thái phát triển đó là hiện tượng "sản nhập", ngược với sản xuất, vì xuất lượng có giá trị thấp hơn nhập lượng. Phương tiện đưa vào sản xuất lại tốn kém hơn trị giá của những gì sản xuất ra.
Khi lề lối làm ăn đó được duy trì quá lâu thì người ta gặp hiện tượng nợ xấu, là khoản vay mượn cao quá khả năng hoàn trả - và sẽ mất. Những tin tức dồn dập về núi nợ của Trung Quốc phản ảnh tình trạng này. Núi nợ đó là khối tín dụng của hệ thống ngân hàng của nhà nước, ưu tiên trút vào hệ thống doanh nghiệp của nhà nước, vào các công ty đầu tư cũng của nhà nước ở cấp địa phương và vào những dự án nằm ngoài sổ sách ngân hàng, gọi là hệ thống ngân hàng chui, shadow banking, là loại dự án đầu cơ đầy rủi ro và có thể sụp đổ. Khi sụp đổ thì sẽ có hiện tượng dây chuyền.
Từ dưới lên trên, hay đúng hơn từ trên xuống dưới, hệ thống nhân sự đã gây ra chuyện này là đảng viên cán bộ và tay chân thân tộc, từ cấp Trung ương Ủy viên xuống đến từng địa phương hay doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bắc Kinh phải giải quyết nan đề kế toán ấy, cụ thể là tính ra số lãng phí, thất thoát hay nợ thối, dùng công quỹ thanh lý nợ nần để có một nền tảng lành mạnh hơn.
Xin hãy nghĩ đến vụ khủng hoảng hệ thống Savings and Loan của Mỹ vào cuối thập niên 1980 và vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, với kích thước lớn lao hơn so với thực lực kinh tế vẫn còn nghèo của Trung Quốc. Đấy là nguy cơ khủng hoảng tái chánh hay tín dụng của Trung Quốc và là lý do khiến Bắc Kinh phải chuyển hướng.
Nếu có sức mạnh chính trị, họ phải chủ động giảm đà tăng trưởng và chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống kinh tế. Họ không có khả năng đó nên mới gặp mâu thuẫn là vừa muốn hãm xe để đổi hướng, như khi siết vòi tín dụng vào năm 2012, mà lại vừa muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao để tránh nạn thất nghiệp và động loạn xã hội. Mâu thuẫn đó kết tụ vào con số 7%, tăng trưởng cao hơn hay thấp hơn con số này là một chỉ dấu mà chúng ta nên lưu ý.
Lý do của mâu thuẫn này về chánh sách phải được thấy trong lãnh vực chính trị: trung ương phải đánh bung các thế lực cản trở.
Trận Đánh Chính Trị
Trong hai năm qua, thế giới bên ngoài được biết về những đấu đá chính trị trong nội tình Trung Quốc trước và sau Đại hội đảng khóa 18 vào Tháng 11 năm 2012.
Trước hết là vụ Trùng Khánh với việc Bí thư Bạc Hy Lai bị điều tra. Mở đầu là vụ án sát nhân của bà vợ là Cốc Khai Lai cho đến việc Bạc Hy Lai bị tống giam rồi ra toà và lãnh án tù chung thân. Bạc Hy Lai là Ủy viên Bộ Chính trị, có triển vọng bước vào Thường vụ Bộ Chính trị để là một trong bảy hay chín người quyền thế nhất đảng. Vậy mà vẫn bị thanh trừng.
Dồn theo vụ Bạc Hy Lai là việc Chu Vĩnh Khang bị điều tra.
Chu Vĩnh Khang là Ủy viên Bộ Chính trị, nằm trong Thường vụ và lãnh đạo hệ thống an ninh nội bộ (Bộ Công An) và tình báo (Bộ Quốc An) lẫn hệ thống toà án. Họ Chu còn là người đỡ đầu và cố gắng bênh vực Bạc Hy Lai đến tận cùng. Sau Đại hội 18, Chu Vĩnh Khang đã về hưu mà vẫn bị điều tra và số phận ra sao thì chưa rõ. Nhưng một nhân vật ở cấp lãnh đạo như vậy mà vẫn bị thanh trừng thì đấy là sự lạ.
Cùng với việc hạ bệ Chu Vĩnh Khang, hàng chục đảng viên cao cấp khác cũng rớt đài. Họ là những người thân tín năm xưa của Chu Vĩnh Khang, có chung một xuất xứ là phục vụ và lên chức trong lãnh vực năng lượng. Nói lại cho rõ: hệ thống đảng viên đầy quyền thế vì chỉ huy hệ thống an ninh và dầu khí của Trung Quốc đều bị điều tra và lãnh án.
Nhưng chuyện chưa hết. Ngay giáp Tết đã có tin là Tăng Khánh Hồng cũng bị điều tra và có thể là đang ngồi tù.
Là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị về hưu sau Đại hội 17, Tăng Khánh Hồng là nhân vật quyền thế bậc nhất ở hai khía cạnh. Sinh năm 1939, Tăng Khánh Hồng từng Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Quốc An và nhất là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách hồ sơ nhân sự của đảng, có thẩm quyền về việc thăng quan tiến chức cho các đảng viên cao cấp trong chính quyền và bộ máy kinh tế quốc doanh. Và nắm giữ hồ sơ lý lịch của nhiều đảng viên như bửu bối về chính trị.
Nhưng, trước đó, Tăng Khánh Hồng là nhân vật thân tín của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trong Bộ Chính trị từ 2003 khi Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch. Thuộc "Thái tử đảng" và "Cánh Thượng Hải", được Giang Trạch Dân cài lại trong hệ thống lãnh đạo và lại phụ trách về tổ chức đảng nên Tăng Khánh Hồng có lúc còn ôm hy vọng lên làm Chủ tịch chứ không phải là Hồ Cẩm Đào. Sau khi về hưu Tăng Khánh Hồng tiếp tục tác động vào thượng tầng chính trị và có góp phần vận động cho Chu Vĩnh Khang và Tập Cận Bình vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Tăng Khánh Hồng còn là tỷ phú, dù chỉ là tỷ phú đồng Nguyên thì vẫn là đáng kể.
Nếu nhân vật như vậy mà bị Tập Cận Bình hỏi giấy thì rõ ràng là nội tình Trung Quốc đang có một cuộc tổng thanh trừng, có thể là với chủ địch tập trung quyền lực về trung ương.Và về tay lãnh tụ mới lên, để lèo lái con thuyền ra khỏi giông tố kinh tế.
Thế thì vì sao Bắc Kinh lại gây thêm sóng gió ngoài biên Đông?
Sủa Nhặng Từ Đông Hải đến Trung Nam Hải
Thói quen của quốc tế là gọi biển Đông của Trung Quốc ở phía Bắc là East China Sea (Đông Hải) và vùng biển Đông Nam Á ở phía Nam là South China Sea (Trung Nam Hải). Xin hãy tạm dùng quy ước này để nói về động thái của Bắc Kinh.
Tại Đông Hải, Trung Quốc đang gây tranh chấp nặng với Nhật Bản về chủ quyền trên quần đảo nhỏ Senkaku của Nhật mà họ gọi là Điếu Ngư. Tại Trung Nam Hải, Trung Quốc gây tranh chấp với các nước Đông Nam Á (đứng đầu là Việt Nam và Phi Luật Tân) về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đấy là bối cảnh của cái lưỡi bò chín khúc.
Tại Đông Hải, tranh chấp gia tăng với việc Trung Quốc mở rộng vùng kiểm soát phòng không ADIZ, lấn vào vùng kiểm soát của Nhật Bản và suýt đụng độ với chiến hạm của Hoa Kỳ. Tại Trung Nam Hải, Trung Quốc mở rộng vùng kiểm soát ngư nghiệp và uy hiếp ngư phủ Việt Nam lẫn Phi Luật Tân. Nghĩa là từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, Trung Quốc gây rủi ro với các lân bang, từ Nhật Bản đến các nước trong hiệp hội ASEAN.
Yếu tố đáng chú ý nhất là sự hiện diện của một cường quốc Thái Bình Dương khác là Hoa Kỳ. Đấy là siêu cường hải dương với Đệ thất Hạm đội vẫn ở vào vị trí bất khả xâm phạm. Nếu theo dõi kỹ, ta có thể thấy ra là khi có rủi ro đụng độ với chiến hạm Mỹ tại Đông Hải thì Bắc Kinh rút lui để đánh trống tại Trung Nam Hải. Bị chặn ở trên thì om xòm ở dưới.
Sự thật thì càng bành trướng xa bờ thì càng phải có khả năng hành động ở xa lãnh thổ và càng gần đất địch. Trước sức mạnh của Nhật Bản, Bắc Kinh chưa có khả năng đó tại Đông Hải và chỉ lớn tiếng tại Trung Nam Hải để uy hiếp các nước Đông Nam Á. Sự dè dặt của Hoa Kỳ có thể là cơ hội cho Bắc Kinh diễu võ dương oai tại Trung Nam Hải, nhưng vẫn chưa có thực lực quân sự để đảo ngược tình hình, và vượt qua rào cản của Hoa Kỳ.
Trung Quốc mới chỉ có tiếng chứ chưa có miếng.
Nghĩa là con chó chỉ biết sủa chứ chưa thể cắn. Nếu muốn cắn thật thì cũng phải mất vài chục năm đầu tư vào quân sự. Với những biến động kinh tế chính trị bên trong, lãnh đạo Bắc Kinh không có vài chục năm như vậy. Nếu vậy thì sao con chó chưa mọc răng mà vẫn cứ sủa nhặng?
Chúng ta phải trở lại chuyện bên trong:
Càng gặp khó khăn nội bộ, Bắc Kinh càng phải chỉ chỏ om xòm ra ngoài để điều hướng quần chúng vào mục tiêu giả để giải trừ bất mãn. Và càng muốn chấn chỉnh hàng ngũ lãnh đạo tại trung ương, Tập Cận Bình càng tìm đến hậu thuẫn của quân đội cùng các tướng lãnh trong Quân ủy Trung ương. Bắc Kinh lấy những rủi ro có tính toán như vậy với một điều kiện là đừng đụng vào Mỹ.
Ngược lại, lãnh đạo Hoa Kỳ càng chú ý đến nội tình nước Mỹ - về đủ chuyện – hay càng muốn sớm giải quyết những khúc mắc Hồi giáo tại Trung Đông và Trung Á, thì càng tạo cơ hội cho Bắc Kinh đánh trống ngoài Thái Bình Dương.....
________________________
Kết luận ở đây là gì?
Thế giới gặp ba loại rủi ro từ Trung Quốc.
Rất nhỏ và trong ngắn hạn là tai nạn bất ngờ khi có đụng độ giữa tàu hải giám, hải chính hay chiến hạm của các nước trong vùng tranh chấp.
Rủi ro lớn hơn vậy là một vụ phá sản dây chuyền và khủng hoảng tài chánh lan rộng thành khủng hoảng kinh tế như Đông Á đã gặp năm 1997-1998. Hậu quả bất lường là chuyện chưa ai lường được. Chúng ta nên theo dõi tin tức kinh tế Á Châu để hiểu thêm về hậu quả.
Lâu dài hơn vậy là rủi ro có thật, khi con chó đã mọc răng. Nếu Trung Quốc có thực lực quân sự để hoàn thành giấc mộng bá quyền thì Thái Bình Dương sẽ hết thái bình.
Đấy là bài toán của Hoa Kỳ. Nhưng cũng là nan đề của nhiều nước Châu Á, từ Ấn Độ tới Úc và Nhật....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét