Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Điên rồ với những ý tưởng của du lịch Đà Nẵng

"Muốn làm việc lớn cần phải nghe những ý tưởng điên rồ, nhưng đó là ý tưởng lớn!". PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói như vậy với TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung tại hội thảo "Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng" lần 2 tổ chức ngày 12/7.

Và quả nhiên tại cuộc hội thảo, người ta thấy đã có khá nhiều ý tưởng thuộc vào hàng "điên rồ" như vậy được đề xuất cho Đà Nẵng, đặt biệt là đối với du lịch biển của TP này.


Tại hội thảo "Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng" lần 2, đã có đề xuất xây dựng một hòn đảo nhân tạo trên vịnh Đà Nẵng tương tự hòn đảo nhân tạo mà người Nhật đã xây dựng trên vịnh Tokyo để trở thành công trình nghệ thuật kiến trúc có một không hai, mang tính biểu tượng cao của Đà Nẵng và các TP biển Việt Nam (Ảnh do Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cung cấp)

Nhận diện du lịch biển Đà Nẵng trong tương lai

PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cho hay, ý tưởng đột phá xuyên suốt mà ông đề xuất cho Đà Nẵng là phát triển TP này trở thành điểm đến du lịch biển "xanh", hiện đại, hấp dẫn hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và quốc tế.

Theo ông, "lãnh thổ" của trung tâm du lịch này trải dài từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, nơi có tới 5 di sản thế giới, hệ thống các bãi biển, vũng vịnh, đảo ven bờ đặc biệt có giá trị. "Lãnh thổ" này được xác định là linh hồn của du lịch Việt Nam trong tương lai chứ không phải ở hai đầu đất nước như hiện tại.

Với tư cách là cửa ngõ, Đà Nẵng trong tương lai phải là trung tâm cung cấp các dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí, mua sắm... đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến không chỉ với Đà Nẵng mà còn cả với cả khu vực miền Trung. Từ Đà Nẵng, du khách sẽ tiếp cận đến các điểm du lịch vệ tinh trong khu vực này bằng hệ thống đường bộ, đường biển và hệ thống đường sắt trên cao (monoray), máy bay taxi (airtaxi)...

"Đây sẽ là sự khác biệt lớn của Đà Nẵng so với các trung tâm du lịch biển của Việt Nam, thậm chí của khu vực. Theo đó, Đà Nẵng sẽ phát triển để trở thành trung tâm du thuyền quốc tế tầm cỡ của khu vực, có công viên đại dương với các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, hệ thống lưu trú và dịch vụ trên/dưới biển hiện đại với việc áp dụng các công nghệ "xanh" tiên tiến nhất trên thế giới. Ngoài ra, sẽ phát triển Đà Nẵng trở thành TP công viên (TP trong rừng) với những ứng dụng công nghệ "xanh" làm thay đổi căn bản diện mạo và tính chất đô thị hiện tại" - PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Xây đảo nhân tạo trên vịnh Đà Nẵng?

Ý tưởng này được TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát triển thành một số đề xuất. Ông cho rằng, khai thác vịnh Đà Nẵng không nên chỉ với du thuyền - cảng tổng hợp mà cần có một điểm vui chơi, giải trí tầm cỡ. Đây là vịnh cảnh quan có không gian đẹp như tranh vẽ với núi Hải Vân, Sơn Trà như cánh cung ôm trọn phía Bắc TP vào lòng vịnh.

Từ đó TS.KTS Trần Ngọc Chính đề xuất... xây dựng một hòn đảo nhân tạo trong lòng vịnh Đà Nẵng. Ở đây sẽ hình thành một viện hải dương học, một bảo tàng về biển kết với vui chơi giải trí, ngắm TP và biển của người dân và du khách, tương tự hòn đảo nhân tạo mà người Nhật đã xây dựng trên vịnh Tokyo.

Theo ông, hòn đảo nhân tạo này sẽ như là hòn ngọc nằm trong vịnh Đà Nẵng, có thể cách bờ khoảng 2.000m và cách núi Hải Vân hơn 2.000m, được kết nối với TP (khu trung tâm vịnh Đà Nẵng) bằng một đường hầm xuyên qua lòng biển tương tự đường hầm... qua eo biển Manche (tất nhiên với quy mô nhỏ hơn) cho ô tô du lịch; và nối sang mũi Liên Chiểu kết hợp với đê chắn sóng và cầu có hình dáng đặc biệt.

"Đây sẽ là một công trình nghệ thuật kiến trúc có một không hai, mang tính biểu tượng cao của Đà Nẵng và các TP biển Việt Nam. Công trình có kiến trúc đặc sắc vừa làm đẹp, vừa làm rực rỡ vịnh Đà Nẵng vào ban đêm và làm cho vịnh Đà Nẵng thân thiện với con người Đà Nẵng hơn. Hơn thế, công trình được xây dựng với kỹ thuật cao nhằm tôn vinh khoa học kỹ thuật xây dựng của Việt Nam ở thế kỷ 21. Đây cũng là một công trình kiến trúc nghệ thuật - kỹ thuật phục vụ du lịch nổi tiếng cho Việt Nam và mang thương hiệu Đà Nẵng thời kỳ hội nhập thế giới" - TS.KTS Trần Ngọc Chính nói.

Đà Nẵng có dám cạnh tranh với Honolulu?

TS.KTS Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, để trở thành một TP có đẳng cấp quốc tế, trước hết Đà Nẵng phải có trung tâm du thuyền với quy mô khá lớn, phù hợp với điều kiện địa hình, cảnh quan để trước mắt phục vụ khách quốc tế nhưng trong tương lai là phục vụ cho người dân đô thị. Các TP du lịch lớn trên thế giới như Marseille, Monaco (Pháp), Rotterdam (Hà Lan), Toronto (Canada), Osaka (Nhật Bản)... đều có những khu du thuyền hấp dẫn và thành công.

"Đây là dự án quan trọng đối đô thị du lịch biển, bởi nó là nhu cầu có tính đẳng cấp cao cho chất lượng cuộc sống hiện đại đối với người nước ngoài giàu có và cho cả người Việt Nam có nhu cầu; vừa để khai thác tốt và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ban tặng bởi vịnh Đà Nẵng rất đẹp, kín gió, rất phù hợp với các loại hình du thuyền lớn và nhỏ. Xây dựng cảng du thuyền sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn và yêu cầu cần thiết của đô thị du lịch biển mà Đà Nẵng với vai trò, vị trí rất quan trọng trong các khu du lịch biển của miền Trung và của quốc gia biển Việt Nam" - TS.KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.


TS.KTS Trần Ngọc Chính phát biểu tại cuộc hội thảo (Ảnh: HC)


Cũng "mơ màng" về du lịch biển Đà Nẵng, TS Trần Du Lịch đặt vấn đề: "Làm sao cho Đà Nẵng trong tương lai trở thành một viên ngọc nằm trên bờ biển Thái Bình Dương nhìn ra thế giới và có thể cạnh tranh với các đô thị biển du lịch khác!".

Ông kể là có nói với ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng rằng khi đến Honolulu (thủ phủ tiểu bang Hawaii của Hoa Kỳ), ông thấy du lịch của họ tập trung vào du lịch đánh golf. Dân Nhật Bản tới ngày nghỉ là bay sang Honoluu đánh golf mà hiện Đà Nẵng đủ tiêu chuẩn để làm chuyện này. Ngoài một sân golf đẳng cấp quốc tế đã có ở Hoà Hải và một sân golf đang xây dựng ở Hoà Ninh, ngay sát cạnh Đà Nẵng còn có hai sân golf rất đẳng cấp khác ở Điện Ngọc (Quảng Nam) và Lăng Cô (Huế).

"Như vậy ít nhất trước mắt Đà Nẵng "có" 4 sân golf rất đẹp. Làm sao để các tour du lịch đánh golf từ Nhật Bản đi Honoluu quay đầu máy bay về Đà Nẵng? Chỉ riêng sản phẩm đó cũng sẽ đẩy du lịch Đà Nẵng lên rất nhiều. Làm sao để người Nhật thay vì nghĩ đến Honolulu thì nghĩ đến Đà Nẵng? Đà Nẵng có dám cạnh tranh với Honolulu không? Các nhà doanh nghiệp nên nghĩ đến cái này" - TS Trần Du lịch đưa ra "thách thức".

Tiền đâu để biến ước mơ thành hiện thực?

"Trên đây là những mơ ước. Ước mơ thì không tốn tiền nên cứ mạnh dạn đưa ra!" - TS Trần Du Lịch nói. Tuy nhiên ông không để cho những "mơ ước" đó khiến Đà Nẵng trở nên... viễn vông mà lập tức "kéo" những người đề xuất ý tưởng cùng lãnh đạo TP này trở về với câu hỏi thực tại: Tiền đâu để biến những ý tưởng trở thành hiện thực?

"Chúng ta ghi nhận 15 năm qua Đà Nẵng đã biết khai thác quỹ đất đô thị như "con gà đẻ trứng vàng" để xây dựng kết cấu hạ tầng một cách có hiệu quả, trong khi rất nhiều đô thị Việt Nam không làm được. Có thể nói bộ mặt đô thị Đà Nẵng có được như ngày hôm nay là nhờ "quả trứng vàng" này. Nhưng trong thời gian tới với bao nhiêu nhiệm vụ đang đặt ra thì "quả trứng vàng" này còn cỡ nào, có vị trí ra sao?" - TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Theo ông, đối với các đô thị trên thế giới, nguồn thu từ thuế bất động sản đóng vai trò quan trọng của ngân sách đô thị. Tuy nhiên hiện pháp luật Việt Nam chưa cho phép thu thuế bất động sản. Do đó bài toán tài chính đô thị đang là vấn đề lớn đặt ra cho các đô thị Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Như vậy nguồn tài chính chính yếu trong xây dựng sắp tới dựa vào đâu? Liệu Đà Nẵng có thể sử dụng loại hình đầu tư PPP (hợp tác công - tư) như là giải pháp để có được những công trình lớn hơn nữa so với những gì đã làm được?


HẢI CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét