Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130722
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Mũi Tên Thứ Ba, Rồi Thứ Tư, Của Thủ Tướng Shinzo Abe
* Điểm nhãn cho ông thần Tất Thắng của đảng Tự do Dân chủ *
Một ngẫu nhiên khiến cùng lúc, hai biến cố trái ngược đã xảy ra tại hai đại cường Đông Á.
Tại Trung Quốc, thống kê chính thức xác nhận là đà tăng trưởng sút giảm trong năm quý liền và nhu cầu cải cách trở thành đòi hỏi cấp thiết, trong khi lý luận truyên truyền của đảng về "Giấc mơ Trung Quốc" lại gặp sự thờ ơ hoặc mai mỉa của dân Tầu. Cùng lúc ấy, bầu cử Thượng viện Nhật lại cho đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Shinzo Abe đa số vững chãi ở cả hai viện để tiến hành cải cách như ông Abe hứa hẹn từ năm ngoái. Ông sẽ phóng ra "mũi tên thứ ba" để đưa Nhật Bản qua hướng khác.
Bài viết này tìm hiểu về chuyện đó và nói đến mũi tên thứ tư....
***
Sau hai thập niên suy trầm từ năm 1991, kinh tế bị giảm phát, sản lượng không tăng mà dân số bị lão hóa, Nhật Bản trở thành nước công nghiệp hóa mắc nợ nhiều nhất sau khi đã từng là chủ nợ và chủ đầu tư số một tại Đông Á. Ách tắc chính trị khiến lãnh đạo Nhật không giải quyết nổi các bài toán sinh tử về kinh tế và xã hội. Như đèn kéo quân, trong 20 năm có 14 Nội các nối đuôi cho tới khi Shinzo Abe tái xuất hiện năm ngoái.
Là cháu ngoại của Thủ tướng Nobosuke Kishi nổi tiếng thời hậu chiến, Thủ tướng Abe cũng là con trai Ngoại trưởng Shintaro Abe, và có đầy kinh nghiệm chính trường Nhật khi tham gia nội các Junichiro Koizumi trước khi làm Thủ tướng năm 2006 trong có một năm rồi bất ngờ từ chức.
Lần này, ông trở lại với một kế hoạch táo bạo, như một bó tên.
Mũi tên thứ nhất là tăng chi khoảng 110 tỷ đô la đi cùng hứa hẹn giảm thuế doanh nghiệp để kích thích kinh tế. Mũi tên thứ hai còn liều lĩnh hơn: ào ạt bơm tiền với số lượng gấp đôi Hoa Kỳ qua việc mua trái phiếu để nhân đôi khối tiền tệ lưu hành và đạt... chỉ tiêu lạm phát 2%. Khi giá hàng năm đã giảm 0,2% từ 13 năm nay, biện pháp này là cú điện giựt. Nếu dân chúng cứ tiết kiệm và doanh nghiệp không đầu tư thì đồng tiền trong túi sẽ mất giá. (Bài viết trên cột báo này trong số ra ngày 16 Tháng Tư đã đề cập đến chủ trương kinh tế kiểu Abe, gọi là "Abenomics".)
Ngược với sự hoài nghi của các trường phái kinh tế cổ điển thuộc cả hai phe tả hữu, quyết định ban đầu của Chính quyền Abe lại gây hứng khởi. Sau sáu tháng, hy vọng tăng trưởng quy ra toàn năm lên tới 4%, đồng Yen sụt giá càng thúc đẩy xuất cảng và cổ phiếu Nhật đã hồi sinh. Đấy là cái trớn giúp đảng Tự Dân của ông Abe được thêm 65 ghế trong phân nửa số ghế Thượng viện được bầu lại vào tuần qua. Với 11 ghế phụ trội của đảng Tân Công Minh theo tông phái Pháp Hoa của Phật giáo, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe có đa số tại cả hai viện. Ông sẽ yên tâm cho đến kỳ bầu cử sau, vào năm 2016, để có thể đưa Nhật Bản ra khỏi tình trạng trì trệ từ nhiều thập niên.
Thuần về kinh tế, dân Nhật tiết kiệm quá nhiều và cho nhà nước vay tiền tài trợ gánh hưu bổng quá nặng vì tỷ trọng quá cao của dân số bị lão hóa. Nhà nước cũng bào mỏng doanh lợi của xí nghiệp để cân bằng ngân sách khi doanh nghiệp Nhật Bản đang thua sút trên thị trường quốc tế. Đã vậy, thế lực chính trị của nhiều nhóm lợi ích kinh tế còn cản trở nỗ lực cải cách nhờ tình trạng "tréo giò" tại Quốc hội: Thượng viện trong tay đối lập có sức cản lớn hơn Hạ viện thuộc đảng cầm quyền.
Ngày nay, khi đã kiểm soát được hai viện trên dưới, Chính quyền Abe có thể phóng tiếp mũi tên thứ ba. Đó là loạt biện pháp thực sự cải cách hầu đưa nước Nhật qua hướng khác.
Gần nhất là cải tổ hệ thống năng lượng để ra khỏi dư họa của cơn địa chấn Fukushima năm 2011. Nhật Bản phải mua vào 82% số năng lượng tiêu thụ trong nước và tùy thuộc vào dầu khí Trung Đông và Đông Nam Á đến 90%. Có được năng lượng nguyên tử gọi là tự túc một phần thì bị thiên tai phá hủy và gây ra nỗi lo phóng xạ. Chỉ còn hai trong số 54 lò nguyên tử là hoạt động. Chính quyền Abe sẽ tranh đấu để cho tái khởi động 10 lò tại miền Tây, nơi ít bị động đất và sóng thần hơn miền Đông. Sản lượng thì không nhiều nhưng ý nghĩa chính trị mới đáng kể.
Bước kế tiếp là cải cách thuế vụ để giảm gánh thuế cho doanh nghiệp, là việc không dễ. Nhưng cần thiết để Chính quyền có thêm hậu thuẫn chính trị hầu đánh bung thế lực của nông gia, quần chúng xưa nay vẫn ủng hộ đảng Tự Dân trong thói bảo hộ mậu dịch là bảo vệ khu vực canh nông và lương thực. Đấy là thử thách lớn nhất để Nhật có thể gia nhập Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. Nếu Nhật Bản mà thành hội viên TPP thì đấy là một thay đổi lớn, có ý nghĩa chiến lược.
Điều lý thú là trong nỗ lực phá vỡ tình trạng sơ cứng về kinh tế, xã hội và chính trị Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã được sự hỗ trợ bất ngờ của Bắc Kinh.
***
Mâu thuẫn Hoa-Nhật về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã bùng nổ từ năm 2010. Sau đó là việc Bắc Kinh phong tỏa việc xuất cảng kim loại hiếm ("đất hiếm", rare earth tối cần thiết cho kỹ nghệ Nhật để bắt bí Đông Kinh. Tháng Ba năm 2011, thiên tai tại Fukushima lại đánh xập nguồn năng lượng nguyên tử khiến Nhật cần thêm dầu thô và khí đốt - được chuyển vận qua Đông hải của Trung Quốc, đang bị Bắc Kinh khống chế.
Khi mâu thuẫn Senkaku/Điếu Ngư gia tăng cường độ vào năm ngoái, dân Nhật đã nổi điên vì doanh nghiệp của họ tại Hoa lục đã bị đập phá. Ngoài triển vọng khí đốt dưới đáy biển của vùng Senkaku, việc Trung Quốc đưa doanh nghiệp vào khai thác khu vực có tranh chấp vì cũng thuộc đặc quyền kinh tế Nhật và liên tục gây hấn đã là hồi chuông cảnh tỉnh dân Nhật.
Khuynh hướng bảo thủ của chủ nghĩa dân tộc Nhật thắng thế, đảng Duy Tân bên cánh hữu của đảng Tự Dân đã gây áp lực mạnh để Chính quyền Abe có thể nói ra những điều mà đại đa số dân Nhật đồng ý: Nhật Bản phải có tiếng nói quốc tế và có quyền tự vệ.
Đấy là lúc ta nhìn thấy mũi tên thứ tư nằm sâu trong túi của đảng Tự Dân.
Với đa số vừa đoạt được, Chính quyền Nhật có thể đề nghị sửa lại điều 96 của bản Hiến pháp. Mục tiêu là đơn giản hóa việc tu chỉnh Hiến pháp qua một đa số tuyệt đối (trên 50%) tại Lưỡng viện Quốc hội thay vì đa số hai phần ba - hoặc phải qua thủ tục trưng cầu dân ý.
Nhờ đa số hiện nay, Thủ tướng Abe có hy vọng tiến hành việc đó để đi tới quyết định sau cùng là hợp thức hóa một chuyện đã rồi: Tu chỉnh điều 9 của Hiến pháp để cho phép Nhật Bản có quyền phát triển và sử dụng quân đội thay vì cứ bị bó trong nhiệm vụ phòng thủ với một quân đội có danh xưng là "Lực lượng Tự vệ"....
Chuyện đã rồi là Nhật Bản thực tế đã có sức mạnh quân sự của một đại cường Châu Á, có lực lượng Hải quân vượt xa các nước Âu Châu và chỉ sau Hoa Kỳ trên biển Thái Bình. Nhờ thói chơi dại của Bắc Hàn với hỏa tiễn bắn qua lãnh thổ Nhật, Nhật Bản đã có phương tiện phòng thủ siêu hạng, từ vệ tinh đến hỏa tiễn, nối liền với hệ thống Hoa Kỳ....
Trong khi ấy, kinh tế Trung Quốc lại chậm rãi suy trầm, có khi hạ cánh nặng nề và trải qua thập niên giảm phát như Nhật Bản trước đây. Muốn thoát hiểm thì phải cải tổ và càng o bế chủ nghĩa dân tộc để nghiến răng chuyển hướng thì càng giúp Chính quyền Abe dễ thành công.
Một kịch bản hấp dẫn đến rợn mình...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét