Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130713
Bốn năm sau khi dạy dỗ Hoa Kỳ, Trung Quốc khoanh tay học bài....
* Phó Tổng thống Joe Biden chào mừng hội nghị S&ED lần thứ năm hôm mùng chín Tháng Bảy. Ngồi bên trái là Dương Khiết Trì và Uông Dương, ngồi bên phải là John Kerry và Jacob Lew *
Khi vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ tại Hoa Kỳ và nạn Tổng suy trầm lan ra toàn cầu, nước Mỹ bị coi là thủ phạm và tội đồ của thế giới. Khi ấy, vào cuối năm 2008, Trung Quốc lập tức ra biện pháp ứng phó và được ngợi ca là cứu tinh của nhân loại với tốc độ tăng trưởng đến 10%. Qua năm sau, 2009, những kẻ lạc quan trong xã hội Mỹ đã mau miệng nói đến nhu cầu hợp tác giữa nền kinh tế số một đang đi xuống và Trung Quốc sắp vươn lên vị trí đại cường.
Hão huyền là một chữ Hoa!
Nhớ lại thì trong thế giới hỗn mang và hoang mang đó, quả là nhóm G-7 của khối công nghiệp hóa đã họp hành liên miên mà chẳng tìm ra giải pháp cứu nguy kinh tế toàn cầu. Nhóm G-20 của hai chục nền kinh tế mạnh nhất thế giới cũng vào thượng đỉnh hàng năm mà không dung hòa nổi quan điểm giữa các nước công nghiệp hóa Tây phương và các nước tân hưng mới nổi.
Đấy là lúc mà các chuyên gia và học giả Hoa Kỳ đề nghị một diễn đàn có khả năng giải quyết thiên hạ sự. Khái niệm vu vơ là G-2 được đưa ra từ năm 2005 bỗng thành hiện thực vào năm 2009: Hoa Kỳ và Trung Quốc nên cùng phối hợp chánh sách để giải quyết khó khăn của thế giới. Khối G-Hai ra đời trong sự hoan hỉ của lãnh đạo Bắc Kinh, trước sự cổ võ của các chiến lược gia Hoa Kỳ mang bệnh... phục Tầu, và các lãnh tụ con con ở Hà Nội.
Sau khi nói về cuộc chạy đua kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên cột báo này vào tuần trước, bài viết kỳ này xin nói về chuyện viển vông của một thế giới G-Hai.
***
Về bối cảnh thì qua sự chuyển dịch của trọng tâm thế giới từ Tây qua Đông, từ các nước dân chủ Âu-Mỹ qua khu vực Đông Á - với Trung Quốc đã cướp cờ Nhật Bản để thành đại cường kinh tế - người ta thấy ra dăm ba chuyển động về lý luận và tư tưởng thuộc loại tào lao có môn bài.
Thứ nhất, khái niệm "Đồng thuận Washington" - nguyên tắc phát triển lý tưởng dựa trên kinh tế thị trường và chính trị dân chủ do Bill Clinton đề xướng - đã phá sản. Thứ hai, chủ nghĩa tư bản lâm vòng bế tắc và bị khủng hoảng nặng vì những thuộc tính của nó: Marx là nhà tiên tri thần diệu. Nhưng, thứ ba và may quá, thế giới lại có "Đồng thuận Bắc Kinh" là nguyên tắc phát triển theo định hướng sáng suốt và sự can thiệp hữu hiệu của nhà nước. Đó là tào lao hồi một.
Đâm ra, nhìn trong viễn cảnh dài hơn, tư bản hay cộng sản gì thì cũng có lúc đồng quy, quy vào một mối. Chủ nghĩa tư bản phải nhích về cánh tả thì sẽ gặp chủ nghĩa cộng sản từ chế độ tập trung quản lý bước ra. Điểm hội tụ là đỉnh G-Hai của hai siêu cường Mỹ-Hoa. Tào lao hồi hai.
Không nơi nào mà chân lý sáng ngời ấy được đề cao như tại diễn đàn Đối thoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Chiến lược và về Kinh tế (US-China Strategic and Economic Dialogue – S&ED).
Thời điểm tỏa sáng đến ngất trời của chân lý Bắc Kinh là mùng một Tháng Tư năm 2009. Đấy là khi Tổng thống tân cử Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không nói chuyện "Cá Tháng Tư" mà long trọng thông báo quyết định nâng cấp đối thoại hàng năm giữa hai nước. Lần đầu tiên là vào cuối Tháng Bảy năm 2009 tại thủ đô Hoa Kỳ.
Đấy là lúc lãnh đạo Hoa Kỳ xin vái tứ phương và biện bạch về sự bất toàn của tư bản chủ nghĩa – trong đó có cả trách nhiệm của vị Tổng thống tiền nhiệm – và thề thốt cải cách trước sự phê phán đầy nét kẻ cả của Trung Quốc. Chủ nghĩa tư bản Tây phương đã hết thời và tương lai thuộc về Trung Quốc! Lãnh đạo Bắc Kinh không chỉ có sức mạnh kinh tế mà còn sáng ngời chính nghĩa, về lý luận lẫn đạo đức. Tào lao hồi ba.
Lần thứ năm mà đôi bên gặp gỡ, cũng tại thủ đô Hoa Kỳ, là trong hai ngày 10-11 vừa qua. Nhưng lần này lại có chuyện lạ. Chuyện đổi vai hay lộn đầu trong đối thoại Mỹ Hoa.... Kết thúc ba màn hài kịch.
***
Long trọng khai mạc hội nghị Mỹ-Hoa là Phó Tổng thống Joe Biden của nước chủ nhà.
Cầm đầu phái bộ Hoa Kỳ về đối thoại chiến lược là Ngoại trưởng John Kerry – cho tới khi ông về lo cho bà vợ lâm trọng bệnh. Cầm đầu phái bộ về đối thoại kinh tế là Tổng trưởng Ngân khố (bộ Tài chánh ở các nước khác) Jacob Lew. Hai đối tác phía Bắc Kinh là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương.
Dương Khiết Trì là nhà ngoại giao lão thành, từng là Đại sứ Bắc Kinh tại Hoa Kỳ rồi Ngoại trưởng, trước khi làm Ủy viên Hội đồng Chính phủ và Bí thư của Tiểu tổ lãnh đạo bộ máy ngoại giao của trung ương. Uông Dương là Ủy viên Bộ Chính trị, từ vị trí Bí thư Quảng Đông được đưa về trung ương làm Phó Thủ tướng thứ tư (dưới ba Phó Thủ trướng Trương Cao Lợi, Lưu Yến Đông và trước Mã Khải) của Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường.
Theo đúng phép "tiền pháo hậu xung", trước khi phó hội, hai họ Dương và Uông đã gửi bài xã luận đăng trên nhật báo Mỹ từ hôm mùng tám. Dương Khiết Trì nhắm vào chính trường với bài viết trên tờ Washington Post, Uông Dương thì tranh thủ thị trường qua bài viết trên tờ Wall Street Journal.
Sở dĩ người viết dông dài giới thiệu khung cảnh hội họp vì truyền thông Hoa Kỳ... coi như pha. Chẳng ngó ngàng gì tới. Trong khi truyền thông Trung Quốc thì sốt sắng tường thuật từng ngày. Nếu tò mò muốn biết thì xin đừng xem Fox News, CNN hay Bloomberg, MSNBC, v.v... mà tìm vào đài CCTV của Trung Quốc. Mẫn cán thông tin rất đầy đủ về một biến cố lớn!
Nhưng họ không thể tường thuật vài ba sự thật đau lòng sau đây.
Qua bài viết của hai họ Dương Uông, lãnh đạo Bắc Kinh nhắc đến thượng đỉnh tháng trước tại California, và nhấn mạnh đến nhu cầu hợp tác Mỹ-Hoa về kinh tế - vì quyền lợi của nước Mỹ - lồng trong mẫu mực mới của quan hệ giữa các đại cường. Chuyện "mẫu mực" này được Tập Cận Bình phóng ra từ Tháng Ba cho thần dân ở nhà thấy được vị trí đại cường của Trung Quốc ngày nay khi nói chuyện ngang hàng với Mỹ Đế.
Sự thật thì kỳ họp thứ năm của đối thoại Mỹ-Hoa là một sự đảo lộn với những gì đã thấy năm 2009.
Tổng trưởng Jacob Lew nói ra điều ấy trong bài khai từ cuộc họp giữa hai phái bộ về kinh tế. Thưa rằng, Hoa Kỳ đã chấn chỉnh cơ chế, kinh tế tăng trưởng đều trong 40 tháng, nay Trung Quốc mới bước vào thời chuyển hướng và phải cải cách cả nền móng lẫn chính sách thì mới hy vọng duy trì được sự tăng trưởng bền vững!
Không chỉ nêu ra nhận xét khách quan, Tổng trưởng Mỹ còn kê toa bốc thuốc và chỉ cho Bắc Kinh những thay đổi cần thiết về chánh sách lẫn cách hành xử: cải cách tài chánh, giải toả hối đoái, rà soát mạng lưới an ninh điện tử, tôn trọng luật lệ tác quyền, v.v...
Khác với bốn năm trước, lần này Hoa Kỳ đứng trên thế mạnh về kinh tế lẫn cách đối xử để khuyên răn Bắc Kinh nên dọn dẹp nhà cửa và học thói văn minh thì mới có tương lai. Nôm na là nâng cao tiêu chuẩn làm ăn thì nói chuyện ngang hàng với nước Mỹ. Chuyện quan hệ mẫu mực giữa đại cường mà lãnh đạo Bắc Kinh mơ ước phải có một mẫu mực khác! Nói theo kiểu Hà Nội, đấy là chuyện "ai thắng ai"...
Khía cạnh "nhạy cảm" là chuyện nghe lén hay xâm nhập của "hắc khách" hacker cũng được Phó Tổng thống Joe Biden đề cập. Truyền thông Hoa lục nói về quan điểm cứng rắn của phái bộ Trung Quốc cho thần dân ở nhà thấy ra thế giá của lãnh đạo, chứ tại hội nghị Mỹ-Hoa, Bắc Kinh bị phê phán về đủ chuyện, từ thái độ hung hăng trên không gian ảo cyberspace đến ngoài khơi Đông hải....
Sau cùng thì đôi bên nói đến chuyện... trời biển, là đôi ta cùng lo về nạn nhiệt hoá địa cầu mà mở ra chương trình giải phóng đầu tư.
***
Vụ họp hành của diễn đàn đối thoại Mỹ-Hoa vừa qua cho thấy thực lực của Trung Quốc, dưới cái nhìn thực dụng của Hoa Kỳ.
Nhìn trong ngắn hạn là tương lai một vài năm tới, nước Mỹ thật ra không cần lấy lòng Trung Quốc hay ve vuốt tự ái của Thiên triều đỏ. Bắc Kinh chẳng thể giải quyết được mối nguy Bắc Hàn. Ngược với quan điểm thiển cận của truyền thông, nạn suy trầm kinh tế của Trung Quốc – khi đà tăng trưởng năm nay sẽ khó vượt qua 7% - cũng không làm kinh tế nước Mỹ suy yếu. Và thái độ hung hăng của Bắc Kinh càng làm Hoa Kỳ có thêm đồng minh. Vả lại, ưu tiên của Hoa Kỳ ngày nay là giải quyết hồ sơ A Phú Hãn và dàn xếp những bất ổn tại Trung Đông, nơi mà Trung Quốc không có thế mạnh về thực tế.
Nhìn trong lâu dài, cả chiến lược phát triển của Trung Quốc đã đi tới chỗ tận. Lãnh đạo xứ này không thể ứng phó với những chu kỳ thăng trầm và còn trôi vào vùng giông bão của nội loạn khi khủng hoảng tài chánh và ngân hàng sẽ bùng nổ với kích thước vĩ đại hơn tai họa của Mỹ vào năm 2008. Khác biệt giữa đôi bên là khả năng cải sửa. Hệ thống Trung Quốc không có khả năng đó.
Ốc chưa lo nổi mình ốc mà dạy dỗ gì ai? Và làm sao đòi đứng ngang vai Hoa Kỳ để giải quyết thiên hạ sự? Đâm ra cái thế đối thoại G-Hai vừa sứt một góc, thành G-Một Rưỡi....
Hà Nội chọn góc nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét