Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Ưu Thế Đáng Ghét



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131021
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Và Trách Nhiệm Đáng Sợ Của Hoa Kỳ

* Chú Sam lại đá nợ ra biên - Hý họa của Michal Ramirez - báo IBD *


Trận đánh về ngân sách Hoa Kỳ vừa tạm hưu chiến cho đến đầu năm tới. Thế giới thở phào vài tháng rồi lại thấy nhức tim hay khó chịu về chuyện bên trong nước Mỹ. Đấy là lúc ta sẽ lại nhìn Hoa Kỳ, từ bên ngoài, theo giác độ của thiên hạ. May ra thì hiểu vì sao thế giới thấy Hoa Kỳ đáng ghét, đáng sợ, hoặc cả hai....

Trước hết, khi đệ nhất siêu cường kinh tế toàn cầu đang tung hứng một trái lựu đạn mà người ta cho là có thể nổ bất cứ lúc nào – bị nguy cơ "vỡ nợ" – thì nền kinh tế hạng nhì là Trung Quốc đã phản ứng. Ban đầu, chỉ là quan điểm "bán chính thức" của một bình luận gia trên Tân Hoa Xã ngày Chủ Nhật 13 về nhu cầu xây dựng một thế giới không còn vị trí thống trị của nước Mỹ và đồng Mỹ kim (chuyện "Phi Mỹ Hoá" – de-Americanization). Sau đó là lời phát biểu chính thức hơn của Bộ Thương Mại Trung Quốc vào Thứ Năm 17, ngay trước khi Quốc hội Mỹ hưu chiến. Rằng việc Hoa Kỳ vi ước – default, không tôn trọng được cam kết tài chánh của mình, chưa hẳn là vỡ nợ insolvent – có thể gieo họa cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. 

Như đa số dư luận, quốc gia chủ nợ số một đã đả kích thái độ khó lường của Mỹ trong giai đoạn bất trắc hiện nay của kinh tế toàn cầu, nhưng Bắc Kinh chú trọng nhiều hơn đến hậu quả là có thể đánh sụt khả năng xuất cảng của mình. Đấy là cơ hội cho chúng ta tìm hiểu vì sao những tính toán cục bộ của nước Mỹ - như chuyện tranh cử 2014 - lại gây họa cho thiên hạ. 

Nói cách khác, khi cử tri Mỹ bỏ phiếu, họ có quan tâm đến hậu quả quốc tế mà đại diện dân cử của họ ở cấp liên bang có thể gây ra hay chăng?


***

Không đợi tới khi Trung Quốc "cải cách và khai phóng", trước đó cả chục năm, Tổng trưởng Tài chánh Pháp Valérie Giscard d' Estaing (sau này là Tổng thống) đã than về "lợi thế kinh khủng" (privilège exhorbitant) của Hoa Kỳ với đồng Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ của thế giới. Giscard d'Estaing than vãn như vậy trước khi Tổng thống Richard Nixon chặt neo và thả nổi đồng đô la từ Tháng Tám năm 1971. Từ đó, Mỹ kim còn tung hoành thô bạo hơn!

Khi tiền Mỹ là phương tiện giao hoán phổ biến, các đệ tam nhân, giả dụ như Indonesia hay Argentina, mà mua bán với nhau đều phải thanh toán bằng đô la xanh. Nhà nhập cảng của xứ này phải tìm ngân hàng, trả hoa hồng để mua đô la bằng đồng nội tệ rồi dùng đô la thanh toán tiền mua hàng của xứ kia. Và nhà xuất cảng nhận đô la có thể phải đổi ra đồng bạc của mình để giải quyết nhu cầu sản xuất ở nhà. Từng bước tốn kém đó là loại "ẩn phí" mà họ phải trả, nhưng chẳng là vấn đề của các doanh nghiệp xuất nhập cảng Hoa Kỳ. Ngay cả dân Mỹ khi là du khách muôn phương cũng chẳng ý thức được lợi thế của họ, khi tới Bueno Aires, Paris hay Jakarta cứ hồn nhiên cà thẻ tín dụng và thanh toán mọi chi tiêu bằng đô la Mỹ. 

Chúng ta gặp nghịch lý là 1) tiền Mỹ thì ai cũng thích, 2) mà dân Mỹ có khi bị ghét. Nhưng đa số người dân xứ này lại không biết, và thật ra họ còn bị ghét oan vì vị trí ưu đãi của Mỹ kim cũng có bất lợi. Trong một bài "kinh tế cũng là chính trị", ta sẽ trở lại chuyện chuyên môn phức tạp này. Ở đây, xin chỉ nói về "Hoa Kỳ nhìn từ bên ngoài", nhưng từ một giác độ khác.


***

Mâu thuẫn về ngân sách vừa qua tại Hoa Kỳ chỉ là một vụ xung đột nhỏ trong một trận đánh của cả một cuộc chiến rộng lớn về triết lý chính trị. Nhìn từ bên ngoài, ta nên thấy ra nhiều cấp khác nhau, từ nhỏ đến lớn và từ đoản kỳ một năm tới trường kỳ của nhiều năm và nhiều cuộc bầu cử. 

Một phe thiểu số trong đảng Cộng Hoà – thuộc phong trào Tea Party theo xu hướng "libertarian' với chủ trương tự do tuyệt đối và thu hẹp vai trò của chính quyền đến tối thiểu – đã nhân cuộc tranh luận hàng năm về ngân sách và mức công trái tối đa mà gài vào những điều kiện nhằm tê liệt hóa hoặc ít ra giới hạn phạm vi áp dụng của đạo luật y tế Obamacare. 

Đạo luật được biểu quyết và ban hành từ gần bốn năm trước – với nhiều sửa đổi tự tiện và mờ ám của Chính quyền Obama – nhưng đã là luật và không thể thu hồi hay đảo ngược nếu Cộng Hoà không kiểm soát được cả Hành pháp lẫn lưỡng viện Quốc hội. Dù sao mặc lòng, phe thiểu số đòi khai chiến và đánh tới cùng vì lý do thuộc phạm vi ý thức hệ: giảm thiểu vai trò nhà nước. 

Một định nghĩa khác của ý thức hệ: dù có gây tổn thất, bị thất cử hay khủng hoảng chẳng hạn, thì vẫn phải làm! Ta dễ hiểu ra điều ấy khi nhớ đến ý thức hệ cộng sản....

Ngược lại, phe Dân Chủ cũng là nạn nhân của ý thức hệ từ phía cực tả khi chủ trương tăng chi, phát huy quyền phá thai và hôn thú đồng tính, bảo vệ môi sinh bằng mọi giá, hoặc tranh thủ hậu thuẫn của thiểu số da màu, giải toả chế độ di dân, v.v....  Ít ai chú ý là phe cực tả về xã hội với chủ trương phóng túng, như phá thai, đồng tính hoặc tự do trồng cần sa, lại rất gần với xu hướng "libertarian" - và cũng cực đoan chẳng kém đám Tea Party!

Sau khi thất bại – mà thất bại là tất yếu vì kém phiếu lẫn cách tuyên truyền – phe Cộng Hoà sẽ lui về cãi nhau và đổ lỗi, với sự phụ họa của truyền thông, đa số thiên tả. Nhưng trên đà thắng lợi, phe Dân Chủ sẽ lại rơi vào tranh luận nội bộ về những đề mục sinh tử khác. 

Tăng chi và tăng thuế đến mức nào khi gánh nợ thật của nước Mỹ đang đe dọa các thế hệ về sau? Làm sao giới hạn các mục chi "chính đáng", entitlements, trong ngân sách để hạn chế sự bùng nổ và vỡ nợ tất yếu của khối công trái 17 ngàn tỷ và những cam kết chắc chắn là sẽ vi ước của quỹ An sinh Xã hội hay Y tế?

Chúng ta đang chứng kiến một sự lạ, là hai nhóm thiểu số của hai đảng đã hướng dẫn cả nước vào loại mâu thuẫn khó hòa giải. Đảng Cộng Hoà không còn sự hiện hữu của xu hướng ôn hòa thậm chí thiên tả ở vùng Đông Bắc như Jacob Javits hay Nelson Rockefeller. Bên Dân Chủ cũng chẳng còn các tay "bảo thủ" về đối ngoại như Henry "Scoop" Jackson, Sam Nunn hay Joe Lieberman, hoặc ôn hòa về kinh tế như John Kennedy hay Bill Clinton.

Cả hai thiểu số này chỉ nhìn thấy ngọn cây trước mặt mà quên cánh từng phía sau, và họ dễ tái đắc cử nhờ lá phiếu của loại cử tri tích cực ở nhà. Khi tái đắc cử, lá phiếu của họ gây chấn động cho toàn cầu qua bộ phận chuyển lực là thị trường tài chánh, qua lãi suất trái phiếu hay hối suất đồng bạc. Nhưng cả cử tri lẫn đại biểu của họ đều bất cần!

Kết cục thì Hoa Kỳ không có ý thức đế quốc, ít ra về kinh tế, nhưng sự yếu kém của đồng Euro, đồng Yen Nhật hay đồng Anh kim, v.v... vì thực lực kinh tế của các xứ đó, vẫn khiến dân Mỹ có ảnh hưởng quá lớn với thế giới mà lại không biết và cũng chẳng cần biết.

Vì vậy họ mới ngạc nhiên vì sao thế giới có vẻ chống Mỹ.
______________________

Chỉ có tại nước Mỹ

   Tác phẩm quái đản của Johnnie Mullins, để dọa con nít

Mùa Halloween là khi dân Mỹ phát huy trí tuệ để gây sợ hãi cho mọi người. Giải nhất năm nay coí thể về tay Johnnie Mullins của Oklahoma, khi anh úp mặt một cái xác giả ngay ở cửa nhà xe, đầu bị bánh xe cán nát ngướu, máu chảy thành dòng ra ngoài. Lối xóm than phiền và có người gọi điện thoại cấp cứu 9-11 vì tưởng rằng nhà này có tai nạn. Cảnh sát đến hiện trường và ra về: vô thẩm quyền vì đấy là quyền tự do của gia chủ! Hãi thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét