Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Châu Á Chới Với Vì Khủng Hoảng Ngân Sách Hoa Kỳ

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 131008
Tạp Chí Kinh Tế RFI

Trò chơi chính trị trên ngọn che giấu tai họa kinh tế dưới cái gốc

* Những chỉ số chứng khoán tại thị trường Tokyo ngày 1/10/2013. REUTERS/Issei Kato *



Bế tắc ngân sách Mỹ bắt đầu tác động đến một số hoạt động kinh tế của thế giới. Cuộc đọ sức chính trị kéo dài trên sân khấu Hoa Kỳ với ngân sách bị bắt làm con tin phương hại đến sự tăng trưởng và ổn định kinh tế của châu Á. Chưa kể là Hạ viện Hoa Kỳ dọa không bỏ phiếu tăng mức trần nợ công của chính quyền liên bang. Nếu kịch bản này xảy ra, chính phủ Mỹ dù là siêu cường kinh tế số một của thế giới bị đe dọa mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn. Khi đó tác động còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Vào lúc Mỹ cần thảo luận với các đối tác Á châu để cân bằng lại chính sách thương mại, tiền tệ, để nhanh chóng thành lập một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn nhất thế giới qua Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thì tổng thống Obama phải ở lại Washington vì khủng hoảng ngân sách.

Tổng thống Barack Obama phải hủy toàn bộ vòng công du châu Á: lỡ hẹn với các đối tác Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei và để chiếc ghế trống tại các thượng đỉnh APEC (Indonesia), Đông Á (Brunei). Tham vọng kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay thêm xa vời.

Vào lúc chính sách đối ngoại của ông Obama đang «xoay trục» về châu Á và Washington đề ra mục tiêu phối hợp chặt chẽ hơn với châu Á để đem lại ổn định kinh tế vì quyền lợi của bản thân Hoa Kỳ và các nước Á châu, chiếc ghế bỏ trống của tổng thống Mỹ tại các thượng đỉnh ở Indonesia và Brunei là điều khó hiểu. Nhiều đối tác Đông Nam Á của Hoa Kỳ như Malaysia hay Singapore không che giấu thất vọng. Các đồng minh truyền thống của Washington như là Philippines, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng vậy.

Tại Mỹ, tình trạng tê liệt tại nhiều cơ quan hành chính đã kéo dài từ một tuần qua. Hơn 800.000 nhân viên của chính phủ phải tạm nghỉ việc chờ Quốc hội thông qua dự luật ngân sách mới. Gần 400 công viên, bảo tàng trên toàn quốc phải đóng cửa gây phẫn nộ cho du khách quốc tế.

Trước khi tìm hiểu về hậu quả của khủng hoảng ngân sách Hoa Kỳ với kinh tế Mỹ và với các nước Á châu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California nhắc lại về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng « shutdown » ngày này :


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn trong bối cảnh dài thì Hoa Kỳ đang ở giữa giai đoạn tự điều chính sau khi tiết kiệm quá ít và vay mượn quá nhiều. Việc điều chỉnh ấy là cần thiết sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 nhồi trong nạn Tổng suy trầm. Vì khủng hoảng, Hoa Kỳ phải cải tổ cơ chế tài chánh và ngân hàng, là điều chúng ta đã tìm hiểu trong một kỳ trước. Vì nạn suy trầm, Chính quyền liên bang Mỹ phải tăng chi và nâng bội chi ngân sách nên càng phải vay nhiều hơn. Nỗ lực chấn chỉnh chi thu để giảm chi và tiến dần đến quân bình ngân sách là điều xảy ra từ năm 2009, với phản ứng của cử tri là dồn phiếu cho phe Cộng hòa chiếm lại Hạ viện từ cuộc bầu cử năm 2010 và tiếp tục duy trì tình trạng phân cực trong cuộc bầu cử năm 2012. Hai cực đối nghịch được cử tri bầu lên để kiếm soát lẫn nhau đã tiếp tục tranh đấu suốt hai năm qua. 

- Khởi đầu trận đấu về chi thu là từ đầu năm 2011 với cao điểm là bế tắc về nâng trần nợ khiến trái phiếu Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm vào ngày năm Tháng Tám năm đó. Nối tiếp là việc tự động giảm chi và tăng thuế khi đôi bên không đạt thỏa thuận nên đưa tới biện pháp cầm cố chi tiêu là sequestration và vực thẳm ngân sách fiscal cliff năm ngoái kéo dài tới đầu năm nay. Bây giờ vì kỳ hạn đã tới cho ngân sách của tài khóa mới, chuyện đấu tranh này lại tái diễn. 

_ Cái "nhân" là việc Hoa Kỳ tất yếu phải điều chỉnh và tái quân bình việc chi thu, từ tư nhân tới chính quyền. «Duyên» là những yếu tố khiến mâu thuẫn về việc điều chỉnh đang bùng nổ trước mắt. Trong vụ này, cái duyên chính là tính toán chính trị. 

- Một mối «duyên» là đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế, gọi là Obamacare được ban hành gần bốn năm trước, có cả chục điều sửa đổi trong một văn kiện dài 2.700 trang và khai triển một phần quan trọng từ mùng một Tháng 10 này. Đảng Cộng Hoà không bỏ phiếu từ đầu và liên tục chống đối đạo luật vì nhiều lý do không hẳn là vô lý. Đạo luật quá phức tạp mà sự lợi hại chỉ được thấy vài năm sau khi khai triển, đang bị phân nửa dân chúng không ủng hộ, 26 tiểu bang từ chối áp dụng và có cả chục đề mục gây tranh luận với lập luận sai lệch từ cả hai phe. Nhưng đấy là luật đã ban hành với sự thẩm định giá trị pháp lý từ Tối cao Pháp viện. 

- Vậy mà một thiếu số trong đảng Cộng Hoà vẫn chống đến cùng, dưới sự thúc giục của phong trào Tea Party. Phong trào này quy tụ người Mỹ trung bình, có chủ trương giới hạn vai trò nhà nước và giảm chi ngân sách nên gây áp lực rất mạnh trong đảng Cộng hòa. Áp lực này khiến Hạ viện Cộng hòa gài vào dự luật ngân sách điều kiện là không chi một đồng cho kế hoạch Obamacare. Khi bị Thượng viện Dân chủ bác bỏ, Hạ viện nhượng bộ dần và đưa ra nhiều đề nghị khác để duy trì hoạt động của chính quyền nhưng vẫn không được phe Dân chủ đồng ý. 

Cái «duyên» khác là từ Tổng thống Obama. Ông đang lúng túng và mất hậu thuẫn bên Dân chủ về hồ sơ Syria lẫn việc bổ nhiệm người sẽ làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương thì phản ứng quá khích bên Cộng Hoà là cơ hội cho ông xây dựng lại trận tuyến thống nhất trong đảng Dân chủ. Vì vậy ông cũng nhất quyết không thoả hiệp. Có thể là vì nạn phân cực hiện nay trong Quốc hội, ông Obama không thực hiện được chương trình nào khác trong nhiệm kỳ hai nên vụ này cũng là cơ hội tác động vào cuộc bầu cử năm tới, với hy vọng là đảng Cộng Hoà mất đa số ở Hạ viện nên sẽ cho Tổng thống nhiều quyền hạn hơn trong hai năm cuối. 

RFI: Đâu là, hậu quả của tình trạng tê liệt này đối với kinh tế Hoa Kỳ? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ lối tính toán chính trị ấy, người ta chờ đợi phản ứng của cử tri Mỹ về hậu quả, cho nên khi nói tới hậu quả thì cũng cần phân biệt ấn tượng với thực tế. Phía Cộng Hoà thì cho là hoặc mong rằng hậu quả không quá nặng khiến cử tri phẫn nộ mà bỏ phiếu trừng phạt vào năm tới. Bên Dân Chủ thì nhấn mạnh đến thiệt hại kinh tế của vụ này để khai thác. Và cả hai đều dùng truyền thông làm máy khuếch âm nên người ta cần thận trọng khi đánh giá hậu quả. 

- Về thực tế thì xã hội Mỹ vận hành nhờ nhiều yếu tố khác hơn là chỉ nhờ bộ máy công quyền và xứ này đã từng bị 17 vụ dài ngắn như vậy trong 37 năm qua và sau cùng thì Tổng thống và đối lập trong Quốc hội đều phải thỏa nhượng. Lần này là thứ 18 và đôi bên đều có vẻ găng nhưng trong tuần đầu thì thị trường cổ phiếu Mỹ chưa hốt hoảng sụt giá và có lẽ người dân thấy bất tiện mà chưa tai hại. Nhưng ếu tình hình kéo dài thì có thể khác vì giới kinh tế ước tính là mỗi tuần đóng cửa sẽ làm đà tăng trưởng trong quý bốn có thể sụt từ 0,1 đến 0,2%. 

- Tình hình có thể kéo dài vì qua ngày 17/10/2013 thì Quốc hội phải nâng trần nợ và đấy là đề mục đấu tranh tiếp, với ảnh hưởng lan rộng hơn. Tổng trưởng Tài chính Mỹ báo động là nếu Quốc hội không nâng trần nợ thì Hoa Kỳ không trả được các khoản nợ đáo hạn và bị coi là "vi ước về tài chính", défaut de payment, dù chưa vỡ nợ hay phá sản thì cũng gây họa trầm trọng hơn vụ khủng hoảng 2008. Lý do là giới đầu tư chủ nợ sẽ mất tin tưởng và đòi phân lời trái phiếu cao hơn, với hậu quả bất lợi cho cả nền kinh tế. Ta nên "trừ bì" về lời báo động này vì xuất phát từ chính quyền trong một trận đánh về chính trị nhắm vào chân trời bầu cử sắp tới. 

- Bản thân tôi thì cho rằng thị trường đã biết rằng đấy là trò chơi của chính trường nên không bị rúng động. Nhưng cũng vì trò chơi kỳ cục này mà nước Mỹ chưa xử lý một vấn đề thật là tình trạng nợ nần quá lớn của cả chính quyền liên bang lẫn rất nhiều tiểu bang và địa phương, chưa nói đến một tình trạng thực tế rất đáng quan ngại của nước Mỹ. 

RFI: Do mải tranh cãi về cái «ngọn» mà chính quyền Mỹ chưa giải quyết được vấn đề ở phần «gốc»? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngân sách liên bang Mỹ có hai loại công chi. Một loại bắt buộc thì chiếm 60% số tổng chi cho các chương trình như An sinh Xã hội, Bảo dưỡng Y tế, Trợ cấp Y tế và quỹ hưu bổng hay nhiều khoản chi xã hội khác. Loại kia là nhiệm ý có thể tăng giảm hàng năm nhưng không nhiều và là đề mục tranh luận chính, với các dân biểu nghị sĩ đều muốn tăng chi cho địa phương của mình. Các khoản chi bắt buộc và riêng quỹ an sinh hay y tế đều sẽ phá sản vì những cam kết vượt quá khả năng thanh toán trong thập niên tới mà chẳng ai mó vào. Vì vậy chuyện tranh cãi và đóng cửa ngày nay chỉ là trò đùa chính trị trước một núi nợ quá lớn và sẽ sụp nếu không có thay đổi. 

- Chuyện thứ hai là cả hai đảng đều có quyền phân vùng bầu cử ở địa phương sao cho phe mình dễ tái đắc cử trong thành lũy riêng. Chân trời của chính giới là tấm lịch bầu cử, hai năm cho dân biểu và sáu năm cho nghị sĩ. Nếu chỉ nhìn vào lịch bầu cử để o bế cử tri nòng cốt thì các dân biểu nghị sĩ khó nói về tương lai u ám lâu dài mà cứ tiếp tục tăng chi để bảo vệ thành trì của mình. Đấy mới là vấn đề thật và nếu vụ đóng cửa này mà gây khủng hoảng lớn thì may ra người ta sẽ đi vào cách gốc của vấn đề mà cải sửa. Trong khi chờ đợi thì người dân và doanh nghiệp Mỹ đã biết thân biết phận mà thu vén chi tiêu và gia tăng tiết kiệm, với sự tín nhiệm dành cho Quốc hội Mỹ nằm ngang tầm cỏ. Nhưng dù chẳng tín nhiệm Quốc hội họ vẫn bỏ phiếu cho giới dân cử quen thuộc ở địa phương và kéo dài tình trạng phân cực và ách tắc này.

RFI: Hậu quả đối với quốc tế? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến ba tầng hậu quả. Thứ nhất, Hoa Kỳ là siêu cường kinh tế và quân sự với người dân vẫn tin rằng nước Mỹ có một định mệnh xuất chúng. Điều ấy có thể là đúng vì xã hội Mỹ có ưu điểm linh động, sáng tạo và biến báo ít xứ nào bì kịp. Nhưng giới lãnh đạo thì đôi khi xuất chúng ở chuyện tráo trở và điên khùng mà không ý thức được tai họa cho xứ khác. Vụ đóng cửa này là một thí dụ nổi bật. 

- Thứ hai là về an ninh và quyền lợi Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ có chương trình công du Châu Á để thăm bốn nước Đông Nam Á là Malaysia, Philippines, Indonésia và Brunei và dự ba thượng đỉnh của diễn đàn APEC, Hiệp hội ASEAN và Đông Á. Cuối cùng thì vì vụ khủng hoảng ngân sách ở nhà, Tổng thống Mỹ phải hủy một phần rồi toàn phần của chuyến Á du tuần này.

- Nghĩa là Hoa Kỳ mất cơ hội gặp gỡ và vận động đồng minh Đông Nam Á về các hồ sơ hệ trọng như Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương TPP hay quan điểm thống nhất giữa Mỹ và các nước ASEAN về Quy tắc Hành xử ngoài biển Đông trước áp lực mua chuộc và chia rẽ của Trung Quốc. Chính quyền Obama cứ nói đến việc Mỹ chuyển trục về Đông Á mà đây là lần thứ ba ông lỡ hẹn với các nước Đông Nam Á vì những lý do chính trị bên trong nước Mỹ! 

- Còn hậu quả thứ ba và đây là tầng quan trọng nhất vì liên hệ đến kinh tế nên cũng ảnh hưởng tới an ninh. Đây cũng là một vấn đề rất phức tạp mà ít được lãnh đạo giải thích cho người dân. 

- Vụ khủng hoảng 2008 là kết quả của một thất quân bình tích lũy từ lâu giữa các nước tiêu thụ quá nhiều mà tiết kiệm và đầu tư quá ít với các nước tiết kiệm nhiều và tiêu thụ ít. Tình trạng xin tạm gọi là "thừa/thiếu bổ sung cho nhau" đã kéo dài mấy chục năm cho tới khi thất quân bình này sụp đổ và từ mấy năm nay, các nước đều phải cải tổ để tìm lại một quân bình khác. 

- Một cách cụ thể và nói riêng về Hoa Kỳ, nước Mỹ tiêu thụ quá nhiều, tiết kiệm ít và bị khiếm hụt cán cân thương mại và cán cân vãng lai, tức là nhập cảng tư bản từ xứ khác, chủ yếu là từ Châu Á, trong đó có Trung Quốc. Trung Quốc và nhiều nước Á Châu khác thì đạt xuất siêu và có tiền thì đầu tư vào Mỹ kiếm lời. Sau cơn khủng hoảng, Hoa Kỳ đang điều chỉnh, cụ thể là sẽ nhập khẩu ít hơn, xuất cảng nhiều hơn và bớt lệ thuộc vào tiết kiệm dư dôi từ Châu Á. Ngược lại, các nước Á Châu cũng phải cải tổ và chuyển hướng, nhất là tại hai nền kinh tế đứng hạng nhì hạng ba sau nước Mỹ, là Trung Quốc và Nhật Bản. 

- Khi tại hai bờ Thái Bình Dương, cả hai khối đều cần điều chỉnh theo hướng trái ngược thì sự phối hợp nhịp nhàng là cần thiết để tránh dao động về ngoại thương, hối đoái và tín dụng, với hậu quả có thể là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và khủng hoảng là điều xảy ra hơn 80 năm trước. Đáng lẽ cầm đầu phái đoàn Á du gồm các Tổng trưởng Ngoại giao và Thương mại cùng Đặc sứ về Ngoại thương, Tổng thống Mỹ đã có thể xác định tư thế và thiện chí của Hoa Kỳ để cùng các đối tác Á Châu thực hiện việc chuyển hướng và đẩy mạnh sáng kiến tự do mậu dịch như nước Mỹ đang làm với Âu Châu, thì lại bận ở nhà vì những chuyện mà các nước khác cho là kỳ cục. Vì vậy, tổn thất kinh tế của vụ này có thể rộng lớn hơn những gì mà chính khách Mỹ đo đếm.

______________


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét