Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Đối mặt với ung thư



         Hầu hết bệnh nhân khi biết mình bị ung thư đều sốc. Cả người bệnh và gia đình họ có thể trải qua những tháng ngày nặng nề, đau đớn...
       Tại hội thảo phòng chống ung thư TP.HCM ngày 5 và 6-12, nhiều nghiên cứu của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý đã đánh giá như vậy và đề xuất một số giải pháp giúp người bệnh ung thư vượt qua giai đoạn suy sụp tinh thần.

60-85% bệnh nhân bị trầm cảm
Các triệu chứng trầm cảm thường gặp
Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như: khí sắc giảm, nét mặt rất đơn điệu; mất hết hứng thú và các sở thích vốn có; mệt mỏi, mất năng lượng, chán ăn; khó ngủ, ngủ không sâu hoặc mất ngủ; khó tập trung, khó ghi nhớ hoặc đưa ra quyết định, thậm chí có bệnh nhân còn muốn nhanh chóng kết thúc cuộc đời. Đáng tiếc là hầu hết các bệnh viện điều trị bệnh nhân ung thư hiện nay không có chuyên viên tâm lý hỗ trợ cho bệnh nhân.
        Bác sĩ Dương Trung Kiên - trưởng khoa ung thư Bệnh viện 103 - cho biết một nghiên cứu tỉ lệ mắc trầm cảm trên 264 bệnh nhân ung thư mới được chẩn đoán của Bệnh viện 103 cho thấy có gần 58% bệnh nhân bị trầm cảm. Đáng lưu ý, bệnh nhân lao động chân tay mắc trầm cảm thấp hơn bệnh nhân lao động trí óc và mức độ, tỉ lệ trầm cảm tăng dần theo giai đoạn bệnh. Các triệu chứng trầm cảm gặp tỉ lệ cao trong nghiên cứu này là bệnh nhân có cảm giác buồn chán 70,8%, rối loạn giấc ngủ hơn 70%, hồi hộp lo lắng hơn 66%...
        Theo bác sĩ Trung Kiên, bệnh nhân ung thư thường điều trị lâu dài, chi phí tốn kém nhưng hiệu quả thấp, kèm theo bệnh là những biến chứng, đau đớn khiến bệnh nhân dễ bị ám ảnh, sợ hãi. Phần lớn trường hợp khi được chẩn đoán ung thư đều có sốc tâm lý do lo lắng quá mức, làm họ rơi vào trạng thái trầm cảm. Không ít bệnh nhân do hiểu biết không đầy đủ nên khi biết mình bị bệnh ung thư đã hoảng loạn, mất ăn mất ngủ, căng thẳng kéo dài, suy sụp tinh thần. Có người nhận kết quả xong đã tự tử. Các bác sĩ đều nhận thấy tình trạng trầm cảm ở bệnh nhân ung thư khiến bệnh tình của họ thêm phức tạp, trầm trọng hơn, khó điều trị hơn, tăng nguy cơ tử vong hơn.
         Nghiên cứu của một số nước cũng cho thấy tỉ lệ trầm cảm ở bệnh nhân ung thư rất cao, có thể lên tới 60-80%, với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 35-50% số bệnh nhân ung thư có rối loạn tâm thần, khoảng 66% bệnh nhân có lo âu và trầm cảm, trong đó 15% trầm cảm nặng. Ở Việt Nam, có một nghiên cứu ghi nhận khoảng 85% bệnh nhân ung thư biểu hiện trầm cảm.

Nhiều yếu tố tạo thành cú sốc
         Nghiên cứu tâm lý bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM của cử nhân tâm lý Trần Thị Uyên Phượng - giảng viên bộ môn tâm thần và tâm lý y khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - cũng cho thấy trong mỗi giai đoạn bệnh, bệnh nhân đều trải qua những giai đoạn khủng hoảng tâm lý, diễn ra rất phức tạp.
      Những đặc điểm tâm lý thường thấy ở bệnh nhân là sợ bị ung thư, sợ chết; tò mò kết quả chẩn đoán nên cố gắng tìm hiểu nhiều nguồn; xuất hiện trạng thái suy nhược, tăng ám thị, sẵn sàng nghe theo bất kỳ ai, miễn là giúp họ khỏi bệnh hoặc làm dịu cơn đau; thất vọng, bi quan, tiêu cực; có thể dẫn đến sự không thiết sống, muốn tự sát; sợ trở thành gánh nặng đối với người thân, mặc cảm tội lỗi; lo lắng về tương lai cho người thân, gia đình, đặc biệt là những bệnh nhân có con còn nhỏ; sợ mất thu nhập, lo lắng về địa vị xã hội... Có những trường hợp sau khi nhận kết quả chẩn đoán thì không chấp nhận điều trị vì sợ tác dụng phụ, vì tốn kém. Có người sốc quá đã tự tử không phải chỉ vì ung thư mà do họ đã trải qua quá nhiều cú sốc trong đời. Ung thư là giọt nước cuối cùng đẩy bệnh nhân tìm đến cái chết.
       Diễn biến tâm lý bệnh nhân ung thư được chia thành nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn biết bị bệnh ung thư, thường bệnh nhân bị sốc và phủ nhận kết quả xét nghiệm, với biểu hiện là cô lập, từ chối chấp nhận sự thật. Khi có kết quả hội chẩn và phác đồ điều trị, họ thường thất vọng, khó chịu, lo âu, dễ kích động, bối rối... Qua giai đoạn hóa trị, bệnh nhân dễ rơi vào trầm cảm, buồn, u sầu. Họ cảm thấy cái chết đang cận kề và rơi vào tình trạng suy sụp, trầm uất.
       Theo cử nhân tâm lý Uyên Phượng, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân ung thư và quá trình điều trị. Đó là hoàn cảnh kinh tế (lo lắng không có đủ tiền điều trị); quá tải bệnh viện; vấn đề vệ sinh; chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của những bệnh nhân ung thư cùng phòng, trong bệnh viện hoặc nghe về tình trạng bệnh của những bệnh nhân xung quanh; hoàn cảnh địa lý (hơn 60% bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ các tỉnh khác đến, phải tách rời cuộc sống gia đình, các mối quan hệ do điều trị kéo dài)...

Cần chuyên gia tâm lý
       “Chuyên viên tâm lý có thể giúp bệnh nhân và gia đình giảm bớt những căng thẳng về mặt cảm xúc, hướng dẫn bệnh nhân cách chịu đựng những phương pháp điều trị khắc nghiệt. Qua đó giúp bệnh nhân đương đầu tốt với bệnh tật, tuân thủ quá trình điều trị...” - cử nhân tâm lý Uyên Phượng chia sẻ. Ngoài ra, chuyên viên tâm lý trong bệnh viện còn có vai trò hỗ trợ và đồng hành cùng đội ngũ y bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân; là cầu nối của bệnh viện, thân nhân và nhân viên y tế...
      Để có thể hỗ trợ điều trị tâm lý và điều trị y khoa tốt nhất cho bệnh nhân ung thư, theo cử nhân tâm lý Uyên Phượng, bệnh viện cần có phòng tư vấn hỗ trợ tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh trong bệnh viện. Qua đó mới có thể giúp nâng đỡ về mặt tinh thần khi phải thông tin xấu tới người bệnh và thân nhân. Bệnh viện cũng có thể kết hợp với một số trường đại học có đào tạo chuyên ngành tâm lý để tạo điều kiện cho sinh viên tâm lý được thực tập lâm sàng về lĩnh vực tâm lý y khoa, tham gia hỗ trợ về mặt tinh thần, nâng cao sức mạnh tinh thần cho bệnh nhân tại bệnh viện...
                                                                                                LÊ THANH HÀ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét