Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Viễn Ảnh 2014

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 131204
Diễn Đàn Kinh Tế

Năm tới, khối công nghiệp hoá sẽ khá hơn và thiên hạ sẽ giải ảo về Trung Quốc
 
033_RIA13-2307760_3000-305.jpg
* Hình minh họa chụp tại Moscow hôm 25/10/2013. AFP * 

Chúng ta sắp đi hết năm 2013 nên đã đến lúc phải làm tổng kết và bước qua năm tới, tình hình kinh tế sẽ hưng thịnh ra sao là điều mà nhiều người muốn biết. Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong loạt tổng kết cuối năm do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

 

Kinh tế toàn cầu


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thấm thoát vậy mà chúng ta đã lại bắt đầu đi vào cuối năm. Trong chương trình đầu tiên của Tháng 12 này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ làm bảng tổng kết về tình hình kinh tế, trước hết là của toàn cầu. Vào ngày này năm ngoái, khi kiểm lại tình hình kinh tế, dưới tiêu đề là "cùng nhau hạ cánh" và nói đến tình trạng gọi là tứ/lục của kinh tế thế giới, ông có trình bày trên diễn đàn này một bức tranh không mấy sáng sủa. Bây giờ là cuối năm thì dự đoán ấy ra sao và qua năm tới thì tình hình sẽ có gì khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cố gắng tổng hợp những dữ kiện và nhận định của các trung tâm nghiên cứu để trình bày một khung cảnh chung rồi mình sẽ lần lượt tìm hiểu từng phần trước khi hết năm dương lịch. Qua năm tới và cũng là dịp cận Tết Giáp Ngọ, mình mới nói về tình hình kinh tế của Việt Nam. Trước hết là về chuyện tứ/lục như ông vừa nhắc tới.
Suốt năm nay, thế giới còn thấy bốn nước tiêu biểu của các nền kinh tế đang lên gọi là nhóm BRIC, gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ và TQ, quả nhiên là có vấn đề chứ không là đầu máy phục hồi cho kinh tế thế giới. - Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Người ta thường phân biệt một cách khái quát hai khối kinh tế trên thế giới. Thứ nhất là các nước công nghiệp hóa, đứng đầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản; thứ hai là các nước gọi là đang phát triển, chủ yếu là các nước Á Châu ngoài Nhật và các đại lục còn lại. Nói về sản lượng thì khối công nghiệp hoá đóng góp chừng 40% tổng số hàng hóa và dịch vụ; 60% còn lại là sản lượng của các nước kia. Nói về chuyện hạ cánh thì sau năm năm không mấy khả quan, tình hình năm 2013 cũng chưa có gì cải thiện và các nước nói chung đều có đà tăng trưởng thấp hơn.

- Lý do là vì khối công nghiệp hoá chưa ra khỏi khó khăn xuất phát từ mấy chục năm vay mượn quá nhiều và đến hồi trả nợ, trong khi các nền kinh tế gọi là đang lên cũng chẳng khá hơn mà còn có triệu chứng suy yếu và thậm chí cũng lại vay mượn quá đà, như Trung Quốc và Việt Nam. Tính đến cuối năm nay thì dự báo đó không sai.Và suốt năm nay, thế giới còn thấy bốn nước tiêu biểu của các nền kinh tế đang lên gọi là nhóm BRIC, gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, quả nhiên là có vấn đề chứ không là đầu máy phục hồi cho kinh tế thế giới.

Vũ Hoàng: Cũng trong những dự báo năm ngoái, ông có nói đến một xu hướng bất lợi trước nỗi khó khăn chung là phản ứng bảo hộ mậu dịch khá mạnh của nhiều quốc gia theo kiểu ví von của ông, rằng "đèn nhà nào nhà ấy rạng và mạng người nào người ấy giữ". Tình hình cả năm có đúng như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên là khối công nghiệp hóa phải qua một chu kỳ trả nợ mà tôi gọi là "gẫy đòn bẩy" theo ý nghĩa kinh doanh là đi vay tiền như dùng đòn bẩy để vận dụng một vật nặng hơn sức mình. Khi phải trả lại khoản nợ tích lũy từ 30 năm, các nước đó khó áp dụng biện pháp tăng chi ngân sách để kích thích kinh tế vì tăng chi là lại đi vay nữa.   


000_Was7208112-305.jpg
Tòa nhà Quốc hội Mỹ, ảnh minh họa chụp hôm 21 tháng 1 năm 2013.


- Vì hoàn cảnh đó, họ áp dụng biện pháp tiền tệ và tín dụng là hạ lãi suất tới sàn và bơm tiền với một khối lượng cực lớn. Hậu quả là làm đồng bạc mất giá nhưng với hy vọng là tiền mất giá lại dễ bán hàng hơn. Khi ấy, ta thấy rằng khối công nghiệp hoá xưa nay cứ tiêu thụ và mua hàng của các nước đang phát triển nay lại đảo ngược chính sách là cố gắng xuất khẩu đến tối đa và còn chiếm lợi thế bán hàng nhờ tiền rẻ. Vì vậy, giữa các nước với nhau đã xảy ra tình trạng mà người ta gọi là trận chiến ngoại hối, trong ý nghĩa là xứ nào cũng muốn đồng bạc của mình có hối suất thấp so với đồng tiền xứ khác để bán hàng rẻ hơn, và muốn lập hàng rào cản trở việc nhập khẩu.

Vũ Hoàng: Thưa ông, kết quả của những xoay chuyển đó là tình trạng tranh chấp về mậu dịch hay ngoại thương. Chuyện ấy có xảy ra hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sự thật thì điều ấy có xảy ra khi xu hướng bảo hộ mậu dịch đã tác động mạnh. Ta không quên là sau vụ Tổng khủng hoảng thời 1929-1933, chính là phản ứng bảo hộ mậu dịch của các nước mới kéo dài nạn suy thoái kinh tế, thậm chí còn là một trong nhiều lý do dẫn tới chiến tranh. Lần này thì các nước không thể xuất khẩu lên Hoả tinh hay Nguyệt cầu mà phải buôn bán với nhau và tranh chấp chỉ gây vấn đề khi mà xứ nào cũng phải tự điều chỉnh và cần phối hợp với nhau khi chuyển hướng, là điều mà diễn đàn của chúng ta đã nhiều lần đề cập.

- Về xu hướng bảo hộ mậu dịch thì ta thấy rằng vòng Đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã lâm bế tắc từ 12 năm qua, từ Tháng 10 năm 2001 cho đến nay, mà chưa thể khai thông. Vụ thứ hai là việc đàm phán để hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP, vẫn chưa hoàn thành trong năm nay dù xứ nào cũng bảy tỏ thiện chí như ta đã thấy tuần qua khi Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam. Vụ thứ ba là việc Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu đang thương thảo hiệp định tự do mậu dịch Mỹ-Âu mà cũng chưa có kết quả. 

- Riêng tại Hoa Kỳ, là quốc gia xưa nay vẫn đề cao nguyên tắc tự do mậu dịch, nhiều Dân biểu bên đảng Dân Chủ còn cản trở Hành pháp Dân Chủ khi cần đàm phán mậu dịch theo thủ tục gọn nhẹ. Nói chung thì lãnh đạo nước Mỹ gặp quá nhiều vấn đề nội bộ nên chưa thể qua các dịp thượng đỉnh mà vận động các nước cùng phối hợp và cộng tác để khai thông trở ngại.

 

Tranh tối tranh sáng

 

Vũ Hoàng: Bây giờ, ta sẽ thử nhìn vào tương lai. Thưa ông, qua những gì mà ông đúc kết được từ các trung tâm nghiên cứu trên thế giới thì tình hình kinh tế sẽ ra sao trong năm 2014?

Trong năm 2014 này, Hoa Kỳ sẽ đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, còn nhiều hơn kinh tế TQ, và Nhật Bản sẽ có sức kéo còn mạnh hơn Ấn Độ. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp hoàn cảnh gọi là "tranh tối tranh sáng".

- Tranh sáng là khi mà các nước công nghiệp hoá Âu-Mỹ-Nhật lại phục hồi mạnh hơn, dẫn đầu là Hoa Kỳ, với một bất trắc lớn là khả năng vượt nạn của Âu Châu. Tranh tối là những khó khăn của các nước đang phát trỉển, đứng đầu là hai nước đông dân nhất, là Trung Quốc và Ấn Độ.

- Trước hết, trong năm 2014 này, Hoa Kỳ sẽ đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, còn nhiều hơn kinh tế Trung Quốc, và Nhật Bản sẽ có sức kéo còn mạnh hơn Ấn Độ. Nói chung, nếu kể về tốc độ thì các nền kinh tế đang phát triển đều có đà tăng trưởng cao hơn các nước công nghiệp hóa nhưng thật ra mới chỉ là quốc gia có mức lợi tức trung bình nên chưa tạo ra lực đẩy cho toàn cầu. Trong thế giới hai mặt tứ lục, kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng là 3%, Nhật là 2% và Âu Châu thì từ 1,2 đến 1,3% nhưng vẫn có sức kéo mạnh nhất.

Vũ Hoàng: Thưa ông là suốt năm qua, từ đầu năm đến cuối năm, người ta thấy Hoa Kỳ gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác, thậm chí có lúc chính quyền liên bang bị đóng cửa một phần trong mấy tuần liền. Vậy mà vì sao kinh tế Mỹ vẫn hồi phục và dẫn đầu thế giới trong năm tới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có sự khác biệt giữa cảm quan ấn tượng và chuyện thực tế. Hoa Kỳ là xứ dân chủ, nơi mà người dân chứ không phải nhà nước mới giữ vai trò trọng yếu, và chính quyền thật ra không tạo ra thịnh vượng mà đấy là phần vụ của doanh nghiệp. Vì bội chi và vay mượn quá nhiều, cuộc tranh luận trên chính trường về việc nên giảm chi hay tăng thuế hoặc về những tiêu chuẩn đi vay đã khỏa lấp thực tế bên dưới là doanh nghiệp phải tự tìm giải pháp. Họ đã tìm ra và lặng lẽ áp dụng chứ không chờ đợi chính quyền cho phép hay giúp đỡ.


035_pau214073_01-200.jpg
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, thường được gọi tắt là CDB tại Thượng Hải, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.   


- Tôi xin được nhắc đến một quy luật mà bên ngoài nên chú ý là trong khi các chính khách ồn ào than vãn về nhiều vấn đề và dọa nhau về một tương lai thiếu sáng sủa thì người dân Mỹ lại tìm giải pháp khắc phục vấn đề và tạo ra một tương lai khác. Cũng vì vậy mà ở một xứ dân chủ nhất, người ta không khâm phục chính quyền và cho rằng lệ thuộc vào nhà nước là điều không hay.

- Một thí dụ mà bây giờ người ta mới nhìn ra là cuộc cách mạng âm thầm về công nghệ khai thác năng lượng và tổ chức sản xuất tự động. Nhờ công nghệ mới về năng lượng, giá thành sản xuất đã sút giảm đáng kể khiến việc đầu tư vào các ngành chế biến lại có lời hơn trước. Nhờ áp dụng công nghệ tự động và hiện đại, năng suất tại Mỹ đã tăng vọt và hàng hoá có sức cạnh tranh cao hơn trong khi người ta cứ phàn nàn về mức thất nghiệp vẫn còn quá cao của Hoa Kỳ.

Vũ Hoàng: Đã nói về Hoa Kỳ, ông nghĩ sao về cuộc tranh luận hiện nay về chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương theo đuổi từ năm năm vừa qua? Cuộc tranh luận ấy cũng gây ấn tượng là có cái gì đó bất toàn trong hệ thống kinh tế chính trị Mỹ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ là một định chế độc lập với chính trị và có phần đóng góp về chính sách của các ngân hàng tư nhân. Khi kinh tế suy trầm và chính quyền liên bang tăng chi ào ạt từ năm 2009 rồi gây ra khủng hoảng về chính trị trong bốn năm liền thì chỉ còn định chế độc lập này ra tay bơm tiền và chữa cháy. Nhưng việc duy trì mức lãi suất quá lâu ở gần số không cũng tạo ra tranh luận vì lãi suất thấp đánh sụt lợi tức của người tiết kiệm để cho vay và giúp những người vay tiền được lợi hơn. Người ta cho là liều thuốc này mà kéo dài thì có khi lại đổ bệnh khác. Trong năm tới, khi kinh tế đã khả quan hơn thì biện pháp thu hồi lại lượng tiền bơm ra và nâng lãi suất sẽ là tất yếu. Khi đó ta sẽ ít thấy tranh luận nhưng nên chú ý đến một hiện tượng khác. Đó là một lượng tiền rất lớn sẽ từ các nước đang phát triển chảy ngược về Hoa Kỳ, là nơi có mức lời cao hơn nhờ phí tổn sản xuất thấp hơn do cải tiến về công nghệ sản xuất như chúng ta vừa mới trình bày. Vì vậy, trong năm 2014 này ta nên dự trù tình huống đó vì sẽ có nhiều biến động trên các thị trường tài chính.

Vũ Hoàng: Chúng ta trở về các nước đang phát triển, trong số này có Trung Quốc và Việt Nam. Thưa ông, viễn ảnh 2014 sẽ là gì trong mảng tranh tối này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng năm 2013 đang chấm dứt là một thời giác ngộ cho nhiều người về ảo ảnh Trung Quốc khi đà tăng trưởng kinh tế của xứ này thật ra không cao mà lại thiếu phẩm chất. Họ bắt đầu bước qua một chu kỳ điều chỉnh khá gay go, Việt Nam cũng thế. Sau nhiều năm lạc quan hồ hởi nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, xứ này đã trải qua một chu kỳ bất ổn triền miên, khi thì lạm phát tăng vọt lên hai số và nay lại sợ bị nạn giảm phát là hàng họ xuống giá mà bán không chạy và cả vạn doanh nghiệp theo nhau phá sản.

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ còn nhiều chương trình kế tiếp, nhưng thưa ông, nếu có một câu tổng kết cho Việt Nam thì đấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến chữ cải cách. Ở bên cạnh Trung Quốc đầy khó khăn và hết là nơi thu hút đầu tư của thiên hạ để sản xuất thật rẻ, Việt Nam có cơ hội mới, là trở thành giải pháp thay thế Trung Quốc. Miễn là kịp thời cải cách để không giống như Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét