Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Những ưu tiên của ngành du lịch Việt Nam

Mới tháng trước, tại Khánh Hòa, hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung” đã đề nghị “Ưu tiên phát triển du lịch biển”. Mong muốn của các tỉnh duyên hải như vậy là hợp lý. Ừ thì Việt Nam có 3.260 km bờ biển và hàng ngàn đảo lớn nh

Nhiều người còn cho rằng mặt mạnh chủ yếu của du lịch Việt Nam là có nhiều biển đẹp. Chỉ đúng một phần. Đẹp là đẹp với ta, chứ các nước Asean cũng có nhiều bãi biển đẹp không kém. Philippines có 7.107 hòn đảo, còn Indonesia có hơn 17.500 hòn đảo; bờ biển họ dài hơn mình nhiều.

Mặt khác, dù du lịch biển Việt Nam chưa phát triển đúng tầm nhưng môi trường du lịch đã kêu cứu. Du khách than phiền bởi nạn “chặt chém”, trấn lột, cướp giật đến giao thông và vệ sinh thực phẩm. Cần làm ngay là kiên quyết chấn chỉnh lại trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho du khách thay vì phát triển trong điều kiện rối ren như hiện nay.

Không ai đi Singapore chỉ để tắm biển nhưng năm 2012 đảo quốc Sư Tử đón hơn 12 triệu khách. Thái Lan không chỉ nổi tiếng với biển Pattaya, Phukhet, Kok Samui… mà còn bởi cao nguyên Chieng Mai, rừng Khao Yai, cố đô Sukhothai, cố đô Ayuthaya, Kanchanaburi với cầu sông Kwi, thủ đô Bangkok… Top đầu của du lịch ASEAN là Malaysia, Thái Lan, Singapore (diện tích chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc). Dù ít tài nguyên hơn, cả 3 nước chỉ có 9 di sản thế giới nhưng đón hơn 60 triệu khách quốc tế. Chỗ nào khách cũng nườm nượp. Kanchanaburi chưa thể sánh với Điện Biên Phủ nhưng cách làm du lịch thì một trời một vực. Mỗi loại hình du lịch của họ đều có tour độc đáo, có điểm nhấn.

Trong khi đó, cứ nghĩ về sự lãng phí ở Việt Nam mà tiếc và buồn. Lãng phí mọi nơi, mọi lúc, từ tài nguyên thiên nhiên, từ các di sản đến lãng phí con người. Đi khắp ASEAN, chẳng nước nào có “Mùa nước nổi” đặc thù, có hệ thống kênh rạch chằng chịt và nhiều “Chợ nổi” độc đáo như miền Tây Nam bộ nhưng du lịch ở đây cứ ì ạch. Khắp Việt Nam, vùng miền nào cũng có nhiều phong tục, tập quán riêng; nhiều món ngon và lạ. Những tiềm năng ngầm đa dạng của du lịch Việt Nam chưa được chú ý và khai thác. Cái mình thua thiên hạ là con người, từ nhận thức đến hành động. Và thiếu nhất là môi trường kinh doanh minh bạch và động lực sáng tạo để đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng của du khách.

Đi các nước, chỗ nào cũng có các loại hình du lịch mạo hiểm, lạ, phong phú mà hấp dẫn cả cánh U.60 như tôi. Lớp trẻ xứ họ tha hồ chọn lựa cách xả stress, cách tiêu hao năng lượng thừa một cách an toàn và rèn luyện thể lực, ý chí. Việt Nam thiếu các loại hình này thì lớp trẻ chọn đua xe bất hợp pháp và nhiều tệ nạn khác thay vào. Vì vậy, cần chọn cách làm phù hợp và có hiệu quả. Phải có chiến lược dài hơn với những bước đi thích hợp. Các nước đều làm như vậy và du khách sẽ có nhiều chọn lựa. Không thể làm du lịch theo kiểu phong trào hoặc cảm tính như hiện nay.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét