Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

11 biến chứng nguy hiểm sau khi phẫu thuật thẩm mỹ



Ngày càng có nhiều người bất chấp tính mạng và tiền bạc để chạy theo cái đẹp dao kéo, nhưng ít ai biết đến những hệ quả và rủi ro nguy hiểm sau phẫu thuật thẩm mỹ.


1. Biến dạng cơ thể
         Một số người tân trang nhan sắc sau khi rời khỏi bệnh viện đã cảm thấy tồi tệ hơn trước khi họ quyết định phẫu thuật thẩm mỹ. Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, da bị kéo mạnh, cắt giảm hoặc loại bỏ vì thế, bạn có thể phải đối mặt với một số nhiễm trùng và chúng có thể để lại những vết sẹo lớn.

2. Hoại tử
        Sự tích tụ của một số chất lỏng do bơm từ ngoài vào hoặc tiết ra từ vết thương làm phá hủy các tế bào của các mô, ngăn chặn việc lưu thông của các mạch máu do ảnh hưởng của các chất độc hữu cơ, protein từ ngoài cơ thể đưa vào.

3. Tổn thương thần kinh
       Những ca phẫu thuật thẩm mỹ trên mặt có thể ảnh hưởng đến một số dây thần kinh gây khó khăn trong giao tiếp, trầm trọng hơn có thể gây liệt cơ mặt.

4. Phục hồi khó
       Không một bác sĩ nào sau một đêm có thể biến chú vịt con xấu xí thành thiên nga. Sau khi tiếp nhận phẫu thuật nâng ngực hoặc nâng mũi, bệnh nhân thường cần thời gian khoảng 2 tuần mới có thể sinh hoạt như người bình thường, nhưng những vết sẹo và vết thâm tím thì vẫn còn hiện hữu. Khoảng 100 ngày sau, các bộ phận được phẫu thuật mới có thể dần hồi phục. Sau 6 tháng, hiệu quả thường mới thể hiện rõ. Ngoài ra, trong một thời gian dài, bạn không thể sống như bình thường.

5. Hệ quả không bền lâu
       Một khi đã phẫu thuật thẩm mỹ, bạn không có đường để quay trở lại như trước đó. Ngoài ra, kết quả phẫu thuật thẩm mỹ cũng sẽ không duy trì suốt đời. Sau khi được nâng ngực, nhiều người nghĩ rằng nét quyến rũ của mình sẽ lâu bền mãi, nhưng thói quen ăn uống, tác dụng của tuổi tác và trọng lực sẽ chống lại bạn.

6. Cảm giác tê
       Một số người sau khi phẫu thuật thẩm mỹ có thể buộc phải trải nghiệm cảm giác tê, ngứa. Cảm giác này có thể là tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn.

7. Mặt “đơ” sau khi gọt cằm
        Để có một khuôn mặt thon gọn, xinh xắn, rất nhiều phụ nữ đã chọn cách đi Phẫu thuật nâng ngực, gọt cằm hay độn cằm. Nhưng nhiều người không biết rằng, để giúp bạn có một khuôn mặt thon gọn bằng việc gọt cằm, các bác sĩ phải can thiệp trực tiếp vào khung xương của bạn. Điều này là rất khó vì xương rất lâu lành và dễ gây biến chứng về sau.
Theo các chuyên gia thẩmmỹ hàng đầu, việc gọt cằm thường đi cùng với những cơn đau khủng khiếp cho dù đã sử dụng thuốc giảm đau. Nếu phẫu thuật thẩmmỹ không khéo, rất có thể khuôn mặt bạn sẽ bị tê liệt các dây thần kinh vùng mặt, thiếu hụt xương gây dị dạng. Khuôn mặt của bạn có thể bị mất cân đối do việc đo đạc không chính xác trước phẫu thuật. Hơn nữa, bạn cũng có thể mắc nguy cơ bị chảy máu trong vì ở mặt có rất nhiều mạch máu lớn nhỏ.

8. Tổn thương xương do kéo chi
         Kéo dài chi là thủ thuật hoàn thiện cơ thể không nhiều khách hàng. Sự thành công phụ thuộc vào việc thực hiện và tuân thủ chính xác tất cả các bước - không chỉ trong thời gian nằm viện mà cả rất lâu sau khi đã về với cuộc sống đời thường.

Việc căng mức nẹp phải chính xác về cả thời gian và từng milimét. Sự vận động của người bệnh sau điều trị cũng vậy. Nóng ruột, vội vàng, tập những động tác không phù hợp thì có thể làm tổn thương lớp xương mới được nuôi cấy và kéo dài.

9. Trục trặc do nâng mũi
       Mắt bị xếch do mũi ngắn mà lại muốn biến đổi mạnh thành một cái mũi cao thanh thoát. Đầu mũi đỏ do da mũi căng quá, trông như những người đi gió lạnh quá nhiều bị căng cước, rất mất thẩm mỹ. Đối với những người bị viêm xoang, nếu miếng sụn chèn ép dây thần kinh thì sẽ làm bệnh nặng thêm.

10. Tổn thương thần kinh
      Những ca phẫu thuật thẩm mỹ trên mặt có thể ảnh hưởng đến một số dây thần kinh gây khó khăn trong giao tiếp, trầm trọng hơn có thể gây liệt cơ mặt.

11. Để lại sẹo
    Chúng ta vẫn thường nghĩ, đã gọi là mổ thẩm mỹ thì sẽ không để lại sẹo nhưng sự thật là sẹo buộc phải có. Vấn đề là sẹo ít hay nhiều, rõ hay không, có che giấu được ở những vùng khó thấy không? Chẳng hạn, trong phẫu thuật căng da mặt kinh điển, đa số đường sẹo được giấu trong chân tóc, chỉ phần ở trước tai là buộc phải lộ ra.
      Một điều quan trọng cần lưu ý là cơ địa sẹo lồi. Trên những người này, dù cho phẫu thuật giỏi cách mấy, sẹo vẫn lồi, vẫn xấu. Nhiều trường hợp, chỉ cần một lần nặn mụn thôi, sẹo lồi đã phát triển, không ngăn được. Sẹo lồi là một "đại nạn" của phẫu thuật thẩm mỹ.
     Đã có rất nhiều nghiên cứu để chữa, làm giảm sẹo lồi nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Thậm chí, càng can thiệp, sẹo lồi càng to nhanh thêm. Vì vậy, những người có cơ địa sẹo lồi phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định phẫu thuật thẩm  mỹ./.


Theo GDVN


Kinh Tế và Chính Trị Indonesia

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 131030

Vấn đề Indonesia khó gấp trăm Việt Nam, lãnh đạo của họ giỏi gấp ngàn! 


000_DV1556419-305.jpg
* Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói chuyện với các nhà lãnh đạo APEC 
vào ngày cuối của Thượng đỉnh APEV tại Indonesia hôm 08/10/2013. AFP photo*



Đúng 15 năm trước, do vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á vào các năm 1997-1998, chế độ độc tài của Tổng thống Suharto tại Indonesia bị sụp đổ sau 31 năm gọi là "ổn định". Trong năm năm sau, xứ này đã trải qua nhiều sóng gió cho đến khi xây dựng được nền móng dân chủ và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono hai lần đắc cử vào các năm 2004 rồi 2009. Vì không thể làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ, năm tới, ông ta sẽ mãn nhiệm và người dân bầu lại hai cơ chế Lập pháp và Hành pháp để tiếp tục lãnh đạo một quốc gia đông dân nhất và có nhiều vấn đề nhất trong Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về những vấn đề ấy qua sự phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự Do.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong kho tài liệu cũ về bối cảnh từ hơn 15 năm trước, chúng tôi thấy nhiều dữ kiện về Cộng hoà Indonesia tại Đông Nam Á và vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á dẫn tới khủng hoảng chính trị khiến chế độ độc tài Suharto sụp đổ. Ngày nay, xứ này đã có nền móng ổn định trong nền dân chủ, và qua năm tới sẽ có hai cuộc bầu cử Quốc hội rồi Tổng thống để giải quyết nhiều vấn đề sâu xa lâu dài hơn. Xin đề nghị với ông là kỳ này ta sẽ tìm hiểu về Indonesia và những bài toán cải cách của họ để suy ngẫm về trường hợp Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đây là một việc thiết thực để mở tầm nhìn qua xứ khác. Trong 10 nước của Hiệp hội ASEAN tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có nhiều vấn đề nhất, về mọi mặt kinh tế, xã hội, sắc tộc và chính trị. Kinh nghiệm của họ sẽ có ích cho chúng ta.

- Vì là thuộc địa cũ của Âu Châu, Indonesia có nhiều đặc tính bất thường của một quốc gia. Trên đại thể thì ngày xưa, ta gọi xứ này là Nam Dương Quần đảo vì lãnh thổ là một quần đảo gồm 17 ngàn 508 hòn đảo nằm giữa ba mảng kiến tạo địa chất Âu-Á, Úc, và Thái Bình Dương nên có nhiều núi lửa và thường bị động đất cùng sóng thần. Lãnh thổ xứ này nằm ngang hơn 5.000 cây số theo hướng Đông Tây và là nơi sinh sống của 240 triệu người, trong đó có 400 sắc dân nói hơn 700 thổ ngữ hay phương ngữ và có nhiều nhóm võ trang nổi lên đòi quyền tự trị.

- Cho nên việc hội nhập thành một cộng đồng quốc gia cũng là vấn đề. Biểu hiện dễ hiểu của bài toán này là việc phân quyền cho các sắc dân hay các đảo, hoặc tập trung quyền lực vào trung ương ở đảo lớn nhất là Java? Thứ ba, Indonesia có nhiều tài nguyên, nhất là khoáng sản cho công nghiệp, nhưng làm sao khai thác trên một vùng địa dư phân tán và chia sẻ quyền lợi đồng đều cho nơi sản xuất và cho trung ương để còn chu cấp cư dân ở nơi khác? Sau cùng, xứ này cũng có nhiều người theo đạo Hồi nhất thế giới và từng bị khủng bố Hồi giáo tấn công nhiều lần. Nếu nhân danh yêu cầu an ninh mà giữ ách độc tài để kiểm soát tất cả thì làm sao phát triển một xứ nằm giữa ngã tư quốc tế phải thường xuyên trao đổi với thế giới bên ngoài?


Vũ Hoàng: Ông vừa tóm lược vài nét khái quát thì đã thấy nhiều bài toán nan giải gấp bội nếu so với Việt Nam. Vậy mà Indonesia vẫn là cường quốc trụ cột đã lập ra Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN và hình như giàu hơn Việt Nam nếu tính theo lợi tức một đầu người. Trước khi tìm hiểu về chuyện hiện tại và tương lai, theo ông nghĩ thì đâu là lý do chính yếu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là lợi tức đồng niên một đầu người của Indonesia là gần ba nghìn rưởi so với chưa đầy hai nghìn của Việt Nam. Nhiều nhà kinh tế thì cho là xứ này đã sớm trọng dụng các chuyên gia kinh tế tốt nghiệp tại Hoa Kỳ từ nửa thế kỷ về trước nên có nâng cao trình độ quản lý vĩ mô. Tôi trộm nghĩ khác, là sau Thế chiến II lãnh đạo của họ đều khôn ngoan hơn lãnh đạo của Việt Nam trong nỗ lực giành độc lập và tránh cho đất nước khỏi bị chiến tranh!

- Có vài chi tiết cần nhắc lại. Khi Nhật đầu hàng Hoa Kỳ ngày 15 Tháng Tám năm 1945 thì ông Soekarno đang có mặt tại Sàigòn lập tức về Jakarta tuyên bố độc lập vào ngày 17. Họ không bị đảng Cộng sản đảo chính chế độ mới để làm cách mạng vô sản hoặc còn mời thực dân Hà Lan trở về để mượn tay sát hại đối lập. Từ đó ta còn để ý thấy là khi ách độc tài Soekarno lung lay thì ông ta dựa vào đảng Cộng sản Indonesia và còn liên kết với Bắc Kinh để tồn tại nên quân đội tiến hành một vụ phản đảo chánh vào cuối năm 1965. Họ mở ra cuộc tàn sát đảng viên Cộng sản lẫn Hoa kiều khiến nửa triệu người mất mạng, đó là "Vụ Jakarta" khét tiếng.

- Từ đó, chế độ độc tài Suharto mới thành hình, dựa trên quân đội và đảng Golkar. Nhưng khi Suharto bị lật đổ thì họ không có vụ tàn sát nhau để trả thù và dù có bị ra toà về nhiều tội danh khi tại chức, ông Suharto vẫn được dưỡng bệnh và khi tạ thế thì được quân đội chôn cất trọng thể, với sự hiện diện của vị Tổng thống được dân bầu lên, vốn là một tướng lãnh cũ của quân đội. Tôi cho là cách họ cư xử với nhau có giải toả được nhiều mâu thuẫn và là một yếu tố cần thiết cho dân chủ sau này.

 

Bài toán nan giải của Indonesia

000_Hkg9075958-250.jpg
Những người biểu tình chống lại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Jakarta vào ngày 08 tháng 10 năm 2013. AFP photo
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại chuyện ngày nay của Indonesia. Thưa ông, đâu là bài toán nan giải nhất của xứ này trong thời gian tới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Indonesia trải qua một giai đoạn giao thời với ba Tổng thống trong mấy năm trước khi có Hiến pháp mới và bầu cử hẳn hoi kể từ năm 2004. Khi chế độ tập quyền tại Jakarta bị bung thì nguy cơ phân hóa bùng nổ. Thí dụ như việc Đông Timor tuyên bố độc lập hoặc nhiều nhóm dân quân võ trang đòi quyền tự trị và có thể cản trở việc giao lưu buôn bán giữa các đảo và các eo biển. Vì vậy, xứ này áp dụng nguyên tắc tản quyền để tái phân tài nguyên cho địa phương và các đảo thưa thớt dân cư ở vòng ngoài thay vì tập trung vào đảo Java.

- Trung ương tản quyền cho địa phương về nhiều mặt, từ chi thu ngân sách, thuế vụ đến đất đai hay phê duyệt dự án đầu tư và chỉ giữ thẩm quyền về an ninh, quân sự và tư pháp. Nhờ vậy mà họ đẩy lui rủi ro phân hóa và nội chiến trên một nền tảng chính trị dân chủ hơn. Rồi kinh tế phục hồi khi thế giới lại bị nạn Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009.

- Ta không quên là xứ này vượt sóng gió chính trị đó khi bị khủng bố tấn công tại Bali vào Tháng 10 năm 2001 rồi đánh bom tự sát tại thủ đô Jakarta vào Tháng Bảy năm 2009, ở giữa là vụ động đất biến ra sóng thần ngày Giáng sinh 2004. Tuy nhiên, từ năm 2011, xứ này đưa ra một Kế hoạch Kinh tế Tổng thể thi hành trong 15 năm tới với tham vọng cải cách và chuyển hướng còn lớn lao hơn việc tản quyền của mươi năm qua.

Vũ Hoàng: Trong kỳ trước, ông nói đến yêu cầu cải cách và chuyển hướng kinh tế và chính trị của Trung Quốc và Việt Nam. Phải chăng Indonesia cũng gặp hoàn cảnh đó và đâu là trọng tâm của Kế hoạch Kinh tế Tổng thể này của họ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng mọi kế hoạch kinh tế đều phải có nội dung hay giới hạn chính trị vì hai lãnh vực đó tất nhiên là song hành và tác động vào nhau.

- Lãnh đạo Indonesia ý thức được nhược điểm kinh tế trong tình thế chính trị là một nước chủ yếu xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên khai thác từ nhiều địa phương phân tán. Họ muốn cải cách cơ chế kinh tế để trở thành một trung tâm biến chế hàng công nghiệp, nhất là khi Trung Quốc mất dần vị trí là hãng xưởng ráp chế số một của thế giới. Họ muốn tự hiện đại hóa trên cơ sở mạnh hơn. Muốn như vậy, họ phải thứ nhất, điều chỉnh lại chính sách tản quyền đã áp dụng hơn chục năm nay; thứ hai, xây dựng hạ tầng vận chuyển hàng hóa giữa các đảo và giữa quốc gia với thế giới bên ngoài; để, thứ ba, khai thác được tài nguyên khoáng sản với giá trị đóng góp cao hơn thay vì chỉ bán xổi với giá thấp.

- Điều kiện cần thiết cho kế hoạch kinh tế mang tính chất chiến lược này là phải có sự hợp tác về đầu tư giữa tư nhân trong nước với chính quyền và giới đầu tư quốc tế. Suy như vậy thì ta thấy rằng nguyên tắc dân chủ là yếu tố cần thiết, nhưng thật ra vẫn chưa ắt đủ, mà đi vào vận hành thì còn có nhiều bài toán cụ thể sẽ đặt ra. Lý do là khi tản quyền cho các địa phương thì dễ gây ra nạn trùng lập, như nhiều địa phương đều muốn làm cùng một loại dự án, nên gây lãng phí, và nguyên tắc chia chác quyền lợi cũng dễ đưa đến tham nhũng ở địa phương.

- Trong cuộc bầu cử lưỡng viện Quốc hội vào Tháng Tư năm tới, rồi bầu cử Tổng thống vào Tháng Sáu ngay sau đó, những vấn đề nói trên sẽ trở thành đề mục thảo luận hay tranh cãi. Nhưng dù họ chưa thể khắc phục được các trở ngại, thì lãnh đạo của Indonesia đã nhìn ra vấn đề.

Vũ Hoàng: Thưa ông, chuyện ấy dẫn ta trở về trường hợp Việt Nam và kỳ họp hiện nay của Quốc hội hoặc Trung Quốc với kỳ họp tháng tới của Ban Chấp hành Trung ương. Ông kết luận như thế nào về hoàn cảnh của mấy nước Á Châu này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là mọi nhà cầm quyền đều muốn rộng tay hành động nhưng chế độ độc tài mới thật sự bó tay lãnh đạo, đó là hoàn cảnh của Trung Quốc và Việt Nam. Thứ hai, nhiều người cứ sợ dân chủ sẽ gây bất ổn nên không phát triển được quốc gia. Xứ Indonesia lại  không sợ điều ấy mà vẫn cố gắng thiết lập nền móng dân chủ trong những điều kiện khó khăn nhất do cả thiên nhiên lẫn con người gây ra. So sánh nội dung thảo luận hay tranh luận của họ với những gì đang xảy ra tại Hà Nội thì mình không lạc quan về tương lai của Việt Nam.

- Trong ngắn hạn thì Indonesia còn gặp nhiều khó khăn, như tài nguyên khoáng sản có thể sụt giá trước khi họ xây dựng được nền móng công nghiệp chế biến vững mạnh hơn. Nhưng trong dài hạn thì quốc gia 240 triệu dân này có nhiều ưu thế hơn Việt Nam, với khả năng tiêu thụ nội địa cao hơn, có trình độ tay nghề và năng suất khá hơn và nhất là lãnh đạo của họ có biết sợ dân. Khi Trung Quốc thoái trào trong những năm tới, thì giới đầu tư quốc tế như Mỹ, Nhật, Âu Châu hay Nam Hàn Đài Loan sẽ nhìn vào Indonesia hay Việt Nam? Câu hỏi đó là điều đáng suy nghĩ!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


Cảm xúc của người đầu tiên đứng chia sẻ trước số đông

            Tôi đang tham gia khóa đào tạo “99 diễn giả chuyên nghiệp” đầu tiên của VN do công ty PowerUp tổ chức. Sau khi học phần “Làm chủ sân khấu” để thực hành tôi và một số bạn học trong lớp, xung phong tham gia buổi báo cáo đầu tiên thông qua hình thức chia sẻ trước công chứng đa phần là sinh viên, được tổ chức trang trọng tại KS Điện lực – Tp. Hà Nội vào ngày 27-10  với số lượng từ 200-250 sinh viên. 
            Đây là lần đầu tiên tôi đứng trước đám đông với số lượng hơn 200 người nghe mặc dù tôi thường xuyên tham gia các buổi chia sẻ của câu lạc bộ bậc thầy thuyết trình mà tôi làm chủ nhiệm.
            Tôi cũng biết đây là cơ hội cho tôi thử thách vượt qua chính tôi, chinh phục nổi sợ hãi. Từ đó tôi tích cực lên đề cương gởi cho thầy Khanh duyệt ý tưởng sau đó về soạn thảo kịch bản lời thoại để cân chỉnh phù hợp thời lượng 30’ của bài chia sẻ mà lớp đưa ra.
            Sau khi có được kịch bản, tôi và cùng nhóm bạn đến quán càfê tập luyện và cùng nhau đóng góp cho bài chia sẻ hoàn hảo có thể có. Tôi đã tập luyện cá nhân và cùng nhóm với hơn 10 buổi trước ngày báo cáo giúp cho tôi tự tin hơn.
Lúc này tôi không tin là diễn giả mà khiêm tốn cho là người trình bày vì trong thân tâm lúc này chưa tin tôi làm được nếu chẳng may hôm trình diễn không tốt.
            Rồi cũng đến ngày trình diển , tôi ngày càng hồi hộp vì  tôi có tật mổi khi hồi hộp thì tay, chân, nách ra mồ hôi nhiều. Tôi cố gắng ổn định tinh thần bằng cách xác định đây là bài nói chuyện bình thường như mọi ngày mà thôi, nội dung chia sẻ rất có ý nghĩa cho người nghe nên tôi phải hết sức tập trung.
            Tôi được phân công trình bày vào buổi chiều sau một bạn nên áp lực cũng nhẹ nhàng hơn. Trước lúc tôi trình bày, tôi luôn đi lại, hít thở bình thường, suy nghĩ tập trung việc trình bày. Ngoài ra tôi được 2 bạn Thạnh, Tú trong nhóm trình bày đợt này động viên nhau thông qua hình thức ôm choàng vai thắm thiết .
            Đến phần trình bày của tôi, trong khi đang đeo micro không dây và chuẩn bị đi ra từ cánh gà điều bất ngờ xảy đến cho cả hội trường là cúp điện, ban tổ chức rất lo lắng nhất là tôi là người đầu tiên không khéo làm hỏng buổi trình bày.
 Không biết tôi có năng lực gì mà lúc này tôi cứ tự nhiên trình bày bình thường, may mắn là giọng tôi to, trầm nên dù không có hệ thống tăng âm mà  tôi vẫn nói to, tốt.
Tuy nhiên phút đầu tiên tôi có hơi rụt rè thể hiện tay trái đút vào túi quần. Sau đó tôi lấy lại trạng thái bình thường dùng ngôn ngử hình thể tốt để mô tả các hình thay  cho các hình trên máy chiếu. Khi nghe tiếng vổ tay tôi biết mình làm việc tốt, càng thôi thúc tôi tự tin hơn và nói bình thường như chổ không người.
Hơn 10 phút sau điện có lại tôi vẫn bình tỉnh thao thao chia sẻ và kiễm soát tình hình làm cho ban tổ chức & người nghe ngạc nhiên. Lúc này lòng tôi rất vui vẻ là tôi đã vượt qua thử thách lớn nhất, khó khăn nhất trong đời tôi đứng nói trước đám đông.
Cũng nhân đây tôi xin gởi lời cảm ơn chân tình đến các bạn trong Ban tổ chức, các bạn lớp “99 diễn giả chuyên nghiệp” nhiệt tình đóng góp vào sự thành công Ngày Party thành công trên.
Tôi biết kể từ giờ đây tôi tự tin chính thức tôi sẽ là diễn giả chuyên nghiệp có sứ mạng chia sẻ những điều tốt cho người nghe nhất là các bạn trẻ . Giúp cho các bạn trẻ tự hoàn thiện bản thân, tìm được giá trị bản thân, vượt qua chính mình, rèn luyện tính kiên trì, nghị lực thông qua phương pháp tiết thực đơn giản, biết kết quả ngay trong 1 vài ngày.
                                                                                                            30/10/2013

                                                                                                            Dũng đầu bạc

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Thiên An Môn Bốc Khói



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131028
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Sự biến tại Bắc Kinh hay bài toán cải cách của Trung Quốc?

* Thiên An Môn - Trưa ngày 28, khói bốc trước chân dung Mao Chủ tịch! * 


Trưa mùng ba Tháng 10, giữa cơn sốt chính trị tại thủ đô Hoa Kỳ khi chính quyền liên bang bị tạm đóng cửa một phần, một phụ nữ  dùng xe hơi đòi đột nhập Phủ Tống thống. Khi bị nhân viên bảo vệ ngăn chặn thì nghi can tông xe và chạy qua hướng Quốc hội rồi bị cảnh sát bắn hạ. Nhiều phần thì nạn nhân là người mắc bệnh tâm thần, em nhỏ một tuổi ở trên xe không bị hề hấn gì. Và chúng ta thì quên hẳn tin này. Cho đến giữa ngọ, ngày 28 vừa qua.


Trưa 28, tại Quảng trường Thiên An Môn của thủ đô Bắc Kinh, một chiến SUV bên trong có ba người lái bỗng lao lên vỉa hè đông người và nổ tung rồi bật cháy. Hai khách bộ hành cùng ba nghi can đã tử nạn, 38 người bị thương. Nguồn tin chính thức khá hạn chế về chuyện này cùng bản tin Reuters đã gây ra nhiều câu hỏi hơn là giải đáp.

Quảng trường là nơi được an ninh Trung Quốc kiểm soát cực kỳ nghiêm mật vì là bộ mặt của thủ đô đã từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình đổ máu của sinh viên hay giáo phái Pháp luân công. Việc ba nghi can có mặt trong xe cho thấy đây không phải là hành động của một cá nhân bị bệnh tâm thần, như trường hợp mới xảy ra tại thủ đô Hoa Kỳ. Vì làm người vô can thiệt mạng, vụ này cũng không hẳn là lối tự thiêu để phản kháng của hơn 100 người Tây Tạng từ mấy năm nay.

Cùng lắm, người ta nhớ đến phản ứng của dân Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo vào năm 2009 khi ba người lao xe lên lề trong khu Vương Phủ Tỉnh đông khách của Bắc Kinh rồi đổ xăng tự thiêu. Từ ít lâu nay, hành động phản đối của sắc dân này đã gia tăng cường độ tại Tân Cương. Nhiều lực lượng xưng danh Thánh Chiến còn khuyến khích dân Hồi giáo dùng xe hơi làm võ khí khủng bố.

Nhưng vì địa điểm Thiên An Môn, và nhất là thời điểm, người ta có thể nghĩ đến một hình thức đấu tranh của những người bất mãn và tuyệt vọng. Thời điểm là Hội nghị kỳ ba của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 18.  Chúng ta trở lại chuyện "kinh tế cũng là chính trị"...

***

Sau những hứa hẹn cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình rồi Thủ tướng Lý Khắc Cường, hôm 26 vừa qua, nhân vật hàng thứ tư của hệ thống quyền bính Trung Quốc (trong Thường vụ Bộ Chính trị bảy người) đã báo trước những thay đổi "chưa từng thấy" từ Hội nghị kỳ ba. Đứng sau Tổng bí thư Tập Cận Bình, Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang, Du Chính Thanh là Chủ tịch cơ chế tư vấn gọi là Chính Hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị). Với thế hệ thứ năm vừa lên lãnh đạo sau Đại hội khóa 18 năm ngoái, Hội nghị kỳ ba cũng có ý nghĩa lịch sử như Hội nghị Ban chấp hành kỳ ba của khóa 11 vào Tháng 12 năm 1978.

Sau một cuộc đảo chánh cung đình trên thượng tầng - kéo dài từ khi Mao Trạch Đông tạ thế năm 1976 cho đến khi Đặng Tiểu Bình giành lại quyền lực - Hội nghị kỳ Ba cách nay đúng 35 năm quả là mở ra thời đại mới từ khẩu hiệu "Cải cách và Khai phóng" của họ Đặng. Nhưng giai đoạn huy hoàng ấy đã chấm dứt và Trung Quốc phải khởi sự một cuộc cải cách khác.

Là kẻ đi sau học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, Trung Quốc có ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục qua chiến lược phát triển bằng đầu tư của khu vực công nhờ thu vét tiết kiệm của dân chúng. Và sản xuất dư thừa thì xuất cảng để nhà nước nắm giữ một lượng dự trữ ngoại tệ rất cao. Nhưng mặt trái của chiến lược đó là sự lãng phí, lạm dụng và tham nhũng của khu vực nhà nước, là năng suất tiệm giảm cùng mãi lực của dân chúng. Khi kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm năm 2008, Bắc Kinh vẫn cứ  tống ga nhấn tới để giữ mức tăng trưởng cao và thất nghiệp thấp nên càng thổi bong bóng đầu cơ, sản xuất thừa và chất lên một núi nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Vì lấy đầu tư và xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng, Trung Quốc bị nhược điểm là có mức tiêu thụ thấp nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ 35% Tổng sản lượng GDP so với 57% của Ấn Độ, Brazil, Đức, hay 53% của Nam Hàn, 60% của Nhật Bản.

Chi tiết kinh tế có vẻ chuyên môn này thật ra phản ảnh một điều nghiêm trọng về chính trị: khi sản lượng tăng thì sức tiêu thụ của các hộ gia đình lại giảm, từ 47% GDP vào năm 2000 thì nay chỉ còn 35%. Đó là kết quả của chánh sách trưng thu và bóc lột, với hậu quả là sự bất mãn của quần chúng.

Ngày nay, thế hệ lãnh đạo vừa lên sẽ phải chuyển hướng để nâng mức tiêu thụ nội địa, nhất là ở tại nông thôn để tránh nạn bất công xã hội. Phải đô thị hóa các tỉnh bị khóa trong lục địa để san bằng khác biệt quá lớn giữa các địa phương. Và muốn như vậy cũng phải cải tổ chế độ hộ khẩu, tức là đụng vào một vấn đề nhạy cảm về an ninh.

Những trở ngại cho việc cải cách này xuất phát ngay từ bên trong hệ thống quyền lực: khu vực kinh tế nhà nước và các đảng bộ địa phương đã hưởng đặc quyền và đặc lợi quá lâu nên không muốn nhả cho trung ương tái phân phối phương tiện cho tư nhân và các hộ gia đình. Mà càng trì hoãn cải cách thì các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa sẽ theo nhau phá sản, dù là những đơn vị sản xuất có sức tuyển dụng nhân công cao nhất.

Đã thế, bối cảnh quốc tế nay lại không mấy thuận lợi cho việc cải tiến từ lượng qua phẩm và tái phối trí phương tiện cho tiêu thụ nội địa vì các khối kinh tế lớn xưa nay vẫn nhập hàng Trung Quốc, điển hình là Hoa Kỳ, nay cũng phải giảm tiêu thụ và nhập cảng và đẩy mạnh xuất cảng. Chưa kể là khi phải nâng mức tiêu thụ và tăng lương tối thiểu pháp định để dân chúng phần nào được hưởng thành quả của lao động thì kinh tế Trung Quốc càng mất sức cạnh tranh.

Đáng lo ngại nhất khi phải chuyển hướng, Bắc Kinh lại gặp hậu quả quốc tế xuất phát từ chánh sách bành trướng của quá khứ.

Chưa biết là có vượt nổi rào cản trên thượng tầng hay không thì họ đã khiến Nhật Bản ra sức phục hồi cả kinh tế lẫn thế lực ngoại giao và quân sự. Thủ tướng Shinzo Abe không che giấu điều ấy khi nói thẳng rằng Nhật Bản sẽ chặn đà bành trướng lãnh thổ của các nước có tham vọng. Không chỉ nói, Nhật còn mở rộng việc vận động và hỗ trợ các nước Đông Nam Á trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Và khi Bắc Kinh phải xoay vào trong, chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn để chuyển hướng, các nước Đông Nam Á lại có cơ hội trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại. Đấy là trường hợp của Indonesia, Philippines và cả Việt Nam, nếu lãnh đạo Hà Nội muốn ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc. Chính quyền Tokyo theo dõi kỹ việc đó và có thể tung tiền yểm trợ để giúp nền kinh tế của các nước này hạn chế dần ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Chính là trong khung cảnh đó người ta còn chú ý đến quyết định sắp tới của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ. Sau khi quyết định ráo riết bơm tiền để kích thích kinh tế, từ năm ngoái là mỗi tháng bơm thêm 85 tỷ đô la theo phương thức QE đợt ba, định chế này có thể giảm dần việc bơm tiền và có khi còn hút lại, nếu kinh tế có dấu hiệu khả quan và thất nghiệp giảm tới mức 6,5%. Chưa biết quyết định này có được áp dụng từ Tháng Ba năm tới hay chăng thì lãnh đạo Bắc Kinh vẫn cứ phải lo. Vì nó sẽ đảo ngược vấn đề và gây thêm khó khăn cho Trung Quốc.

Vụ chiếc xe nổ tung và bốc cháy trên quảng trường Thiên An Môn không chỉ làm rung chuyển bức chân dung của Mao Trạch Đông ở gần đó. Nó còn khiến lãnh đạo Bắc Kinh thêm mất ngủ.

Cách trị bệnh suyễn



Chất trừ suyễn tốt nhất là củ nghệ + lá tía tô + lá ngò ôm .

Tôi bảo đảm 100 % nếu dùng củ nghệ + lá tía tô + lá ngò ôm ( Enydra fluctuans Lour ) thì trị dứt nọc suyễn hoàn toàn.

Cách dùng như sau :
1.- Củ nghệ chừng 2 lóng tay 
2.- Lá tía tô chừng 2 chục lá 
3.- Lá ngò ôm ( canh chua miền Nam bắt buộc có lá ngò ôm nầy mới thơm ) . Ngò ôm khác ngò gai . Dùng chừng 8-9 cây ngò ôm.

Tất cả xay nhuyễn trong máy xay , sau đó đem chất sền sệt nầy vào máy sinh tố .
Thêm chừng 2 cốc nước nhỏ .
Xay tất cà trong máy xay sinh tố ra chất nước sẩm màu nâu . Mùi hơi khó chịu . Lọc chất cặn trong cái ray , chứa nước thuốc.
Chia ra làm 2 đêm uống như vậy.
Uống chừng 3 tuần là xong 6 tháng không bị suyễn.

Tôi có đứa em trai . Làm kỹ sư điện , vợ là dược sĩ làm trong pharmacy CVS . Thằng em trai bị suyễn khá nặng . Nước mũi chảy hoài .
Dĩ nhiên đi bác sĩ là cái chắc . Nhiều loại thuốc phải có toa bác sĩ đặc biệt mới mua được.
Khi tôi chỉ nó thì vợ chồng bán tín bán nghi .
Nhưng tôi nói cứ thử vì không bị độc hai gì hết cho gan.
Quả thật thằng em trai dùng 3 tuần thì cơn suyễn từ từ hết.
Nay bỏ thuốc medicine Âu Mỹ rồi .

TRĂN TRỐI CỦA BÁC SĨ BỊ UNG THƯ GIAI ĐOẠN CUỐI




                Bác sĩ Richard Teo, 40 tuổi và là một triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ, phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi đang ở trên đỉnh cao nhất của tiền tài và danh vọng.

Thanh niên khắp nơi theo dõi câu chuyện của Bác Sĩ Richard Teo, một triệu phú qua đời ở tuổi 40 vì ung thư phổi.
Những lời ông nhắn gửi sinh viên tại khóa Nha Khoa D1 ở Singapore có nhiều điều mà người Việt trẻ tuổi, nhất là những ai có ý định theo y học, nên học hỏi. 

Sau đây là đoạn trích từ những lời nhắn gửi của ông: 

“Chào tất cả các em. Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghe. Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Tôi sẽ chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc sống của mình và rất hài lòng khi được các giáo sư mời đến đây. Hy vọng sẽ giúp các em cách suy nghĩ khi bắt đầu theo ngành để trở thành nha sĩ giải phẫu cũng như suy nghĩ về những việc chung quanh. 

“Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ tham vọng ngay từ nhỏ. 

“Không những chỉ cần đi học ở trường giỏi, tôi cần phải thành công trong mọi lãnh vực - từ các hoạt động tập thể đến chạy đua, mọi điều. Tôi cần phải đoạt được cúp, phải thành công, phải được giải, giải quốc gia, mọi thứ. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi cũng vào được và được học bổng nghiên cứu của NUS phát triển tia laser để chữa bịnh mắt. 

“Trong khi nghiên cứu tôi có hai bằng phát minh - một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng các em có biết không, tất cả các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Tôi quyết định rằng theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Vì vậy tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong thành phố. 

“Các em có biết, rất mâu thuẫn, một người có thể không vui vẻ khi trả $20 cho một bác sĩ tổng quát, nhưng cũng chính người đó không ngần ngại trả $10,000 để hút mỡ bụng, hay $15,000 cho sửa ngực. Không cần phải suy nghĩ nhiều, phải không? Thay vì chữa bịnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc làm ăn rất khấm khá. Bịnh nhân mới đầu chờ đợi một tuần, rồi 3 tuần, sau lên một tháng, 2 tháng, đến 3 tháng. Quá nhiều bịnh nhân. Tôi mướn một bác sĩ, hai bác sĩ, ba bác sĩ, rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thế nào là đủ, vì tôi đã trở nên mê muội. 

“Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi.Tôi sắm riêng cho tôi một chiếc xe đua. Chúng tôi đến Sepang ở Mã Lai và đua xe. Tôi sắm chiếc Ferrari. Lúc đó chiếc 458 chưa ra, chỉ có chiếc 430. Tôi sắm chiếc màu bạc. 

“Tôi làm gì sau khi có chiếc xe? Tôi bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát. Tôi đã sống cuộc đời như thế nào? Tôi bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin. 

“Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả. Ðó là tôi của một năm trước đây. Lúc ở trong câu lạc bộ thể thao, tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang. 

“Nhưng tôi lầm. Tôi không chế ngự được mọi chuyện. Khoảng tháng 3 năm ngoái, đột nhiên tôi bắt đầu bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại tôi thường vận động mạnh. Tôi đến SGH và nhờ bạn học làm MRI để xem chắc là không bị trật đốt sống hay thứ nào khác. Tối hôm đó, anh ta gọi tôi và cho biết tủy sống thay đổi trong cột sống của tôi. Tôi hỏi như thế nghĩa là sao? Tôi biết nó có nghĩa như thế nào nhưng không thể chấp nhận sự thật. Tôi gần như muốn nói ‘anh nói thiệt sao?’ Ngày hôm sau chúng tôi có nhiều khám nghiệm hơn - PET scans - và họ tìm thấy tôi đang ở thời kỳ thứ tư của ung thư phổi. Tôi nghĩ “từ đâu mà ra thế này?” Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Các em biết đó, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được tất cả, đã đạt đến tột đỉnh của cuộc sống, nhưng lúc đó, tôi mất tất cả. 

“Ðây là bản CT scan của phổi. Nhìn vào, mỗi chấm đều là nang ung thư. Và thật sự, tôi có cả chục ngàn nang trong phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được 3, 4 tháng là tối đa. Cuộc sống tôi bị nghiền nát, dĩ nhiên rồi, làm sao tránh khỏi? Tôi chán nản, tuyệt vọng. 

“Ðiều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có được - sự thành công, giải thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi; khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, chúng không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó không thể xảy ra. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong mười tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc; không phải vậy. Ðiều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua. Ðây thật sự mang lại hạnh phúc cho tôi. Những thứ tôi sở hữu, đáng lý ra mang lại hạnh phúc, nhưng không. Nếu có, tôi đã cảm thấy vui khi nghĩ đến. 

“Trước đây, tôi thường làm gì? Tôi thường lái chiếc xe hào nhoáng của mình một vòng, thăm viếng họ hàng, phô trương với bạn bè. Tôi tưởng đó là niềm vui, thật sự vui. Nhưng các em có nghĩ họ hàng, bạn bè tôi đang chật vật kiếm sống có thể chia sẻ niềm vui cùng tôi, khi thấy tôi khoe khoang chiếc xe bóng loáng? Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, người thân như tôi tưởng. 

“Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm. Nhưng tôi không có. Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi làm việc ở khoa ung thư. Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết trong khoa ung thư. Tôi nhìn thấy tất cả đau đớn mà bịnh nhân phải chịu đựng. Tôi thấy tất cả các thuốc giảm đau họ cứ vài phút phải bấm vào người. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối, thấy tất cả. Nhưng đây chỉ là một công việc. Tôi đến bịnh xá mỗi ngày lấy máu, cho thuốc nhưng tôi chỉ làm công việc và nóng lòng về nhà để làm việc riêng của mình. 

“Mãi đến bây giờ, tôi mới thật sự hiểu được cảm giác của họ. Nếu các em hỏi tôi, nếu được làm lại cuộc đời, tôi có muốn thành một người bác sĩ khác không. Tôi sẽ trả lời các em là ‘Có.’ Vì bây giờ tôi thật sự hiểu được. 

“Ngay khi các em vào năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thách thức các em hai điều. 

“Hiển nhiên, tất cả các em ở đây sẽ bắt đầu đi làm tư. Các em sẽ thành giàu có. Tôi bảo đảm với các em rằng, chỉ trồng răng, các em kiếm được bạc ngàn, mớ tiền không tưởng được. Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có, tuyệt đối không gì sai trái. Ðiều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được. 

“Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Như tôi đã đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt tới đỉnh vinh quang như xã hội muốn đào tạo chúng ta. Tôi trở nên mê muội đến nỗi mà chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bịnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ. 

“Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phục vụ ai. Ðiều đó đã xảy ra với tôi. Dù là ở y hay nha khoa, tôi có thể nói với các em ngay bây giờ rằng, trong khi khám bịnh, đôi khi chúng ta khuyên bịnh nhân chữa trị bịnh không hẳn có, vùng xám không rõ rệt. Và ngay cả khi không cần thiết, chúng ta cũng nói thêm. Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán ‘hy vọng’ cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền. Và tôi hy vọng các em sẽ không bao giờ phải như vậy. 

“Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng chúng ta không thông cảm được cho bịnh nhân. Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không? Tôi thách thức các em đặt mình vào cương vị của bịnh nhân. 

“Bởi vì sự đau đớn, nỗi lo lắng, sợ hãi rất thực với họ mặc dù không thực đối với các em. Ngay hiện giờ, tôi đang chữa hóa trị lần thứ năm. Tôi có thể cho các em biết nó rất kinh khủng. Hóa trị là thứ mà các em không muốn ngay cả kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành, đau đớn, ói mửa. Cảm giác khủng khiếp! 

“Các em có cả tương lai xán lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thách thức các em, ngoài bịnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Ðiều này không đúng. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, hay vật chất. 

“Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. 

“Ðừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Ðừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Ðiều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự khác biệt cho đời sống của người khác. 

“Khi giàu sang và có cơ hội đến, các em nên nhớ, tất cả những thứ này không thuộc về chúng ta. Ðó là quà tặng của Thượng Ðế.” 

Từ nhỏ, Bác Sĩ Richard Teo luôn đứng đầu trường trong mọi môn học, từ khoa học đến thể thao. Ông chọn ngành giải phẫu thẩm mỹ vì lợi nhuận của nó vượt qua các ngành nghề khác. Ông trở thành triệu nhanh chóng. Tháng 3 năm 2012, Bác Sĩ Richard Tèo được chuẩn đoán bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Ông qua đời vào ngày 18 tháng 10 năm 2012.

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Sự thật rợn người về loại ma túy kinh khủng nhất thế giới

Sự thật rợn người về loại ma túy kinh khủng nhất thế giới


      Rẻ hơn nhưng nguy hiểm hơn cả heroin, loại ma túy này “ăn thịt người" theo đúng nghĩa đen.
       Từ trước tới nay, chúng ta thường biết tới các loại ma túy như cocaine, heroin, thuốc lắc… Chúng là các chất gây nghiện nguy hiểm, làm suy giảm sức khỏe người sử dụng và là một trong những con đường lây nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. 
       Nhưng mới đây, như đã đưa tin, thế giới thêm một lần kinh sợ khi cơn sốt về một loại ma túy khác lại dấy lên ở Nga và các nước láng giềng, nay đã xuất hiện tại Mỹ. Đây là loại ma túy giá rẻ nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn gấp nhiều lần heroin có tên gọi là Krokodil. Chúng “ăn thịt người" theo đúng nghĩa đen của nó…
       Krokodil - còn gọi là ma túy cá sấu, là một dạng thuốc phiện với thành phần chính là desomorphine - chất hóa học được nghiên cứu ra từ năm 1932 ở Mỹ. Desomorphine là một dẫn xuất của morphine nhưng mạnh hơn từ 8-10 lần với cùng liều lượng. Thông thường, Krokodil được tổng hợp từ một số hợp chất gồm codeine, i-ốt, phốt pho đỏ cùng các phụ gia trộn lại với nhau.
       Krokodil là một dạng ma túy có tác dụng trong thời gian ngắn hơn so với heroin, chỉ khoảng 1 tiếng rưỡi và chi phí sử dụng cũng rẻ hơn rất nhiều.

Một số thành phần để chế Krokodil: thuốc đau đầu, phốt pho, i-ốt.
Những phương tiện thủ công được dùng để pha chế.

       Quá trình chuyển hóa từ codeine sang desomorphine - chất gây nghiện chính trong Krokodil.
        Sở dĩ giá của Krokodil rẻ là bởi con nghiện sẽ tự chế thuốc cho riêng mình bằng cách pha chế thủ công. Krokodil là một dung dịch màu caramel với mùi gắt của i-ốt.
        Cái tên Krokodil có nghĩa là “cá sấu”. Sở dĩ có biệt danh này là bởi những ảnh hưởng trực tiếp mà loại ma túy này gây ra cho người dùng: vùng da con nghiện chích thuốc thường xuất hiện những vảy giống như da cá sấu. Ngoài ra, đặc điểm nhận dạng của những con nghiện Krokodil đó là trên cơ thể có mùi i-ốt nồng nặc do quá trình tự chế thuốc để lại.
        Tác hại của Krokodil là cực kỳ khủng khiếp, thậm chí hậu quả nó để lại còn mạnh hơn cả heroin. Krokodil gây hại trên các mô mềm như da, bắt đầu từ những vảy tróc như cá sấu, theo thời gian không điều trị sẽ dẫn tới lở loét, hoại tử và thối rữa chân, tay. Tuy nhiên, khi “phê” thuốc, con nghiện sẽ không còn cảm thấy đau đớn gì nữa và cứ thế càng nghiện nặng hơn, cho tới khi chết vì bị Krokodil “ăn thịt”.
        Theo các bác sĩ chuyên ngành, người nghiện heroin thông thường có thể sống thêm từ 5-7 năm sau khi nghiện nhưng đối với Krokodil, người nghiện chỉ có thể sống thêm tối đa là 2 - 4 năm. Đó là chưa kể, tiêm chích Krokodil cũng là một con đường lây truyền HIV/AIDS.
          Tiến sĩ Artyom Yegorov làm việc trong một trung tâm cai nghiện ma túy ở Nga cho biết: “Desomorphine gây ra mức độ nghiện nặng nhất và những người nghiện Krokodil luôn là những người khó cai nghiện nhất. Những cơn thèm thuốc mà heroin gây ra có thể kéo dài 5-10 ngày nhưng cơn thèm Krokodil thì kéo dài hàng tháng, kèm theo đó là sự đau đớn mà không ai chịu nổi”.

Sasha - một con nghiện Krokodil thú nhận rằng, họ biết khi sử dụng Krokodil chẳng khác nào tự tiêm thuốc độc trực tiếp vào tĩnh mạch của mình.
          Độc tính trong Krokodil không chỉ dừng lại ở sức tàn phá của desomorphine. Phốt pho có trong hỗn hợp thuốc nếu lẫn phốt pho trắng có thể gây ra hoại tử xương hàm hay còn gọi là bệnh “hàm Phossy”. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ xương hàm sớm, bệnh nhân sẽ bị tổn thương não, rồi từ từ chết rất đau đớn vì hoại tử.
          Tạp chí Time gọi Krokodil là “loại ma túy kinh khủng nhất thế giới”. Theo điều tra của họ, desomorphine - thành phần chính của Krokodil đã được ghi nhận sử dụng như chất gây nghiện khoảng năm 2002 ở Syria, sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp các khu vực xung quanh. 
          Theo tin của ABC, Tolyatti - một thành phố gần dãy Ural (Nga) đã gần như bị hủy hoại bởi loại ma túy kinh khủng này. Hơn 30% bệnh nhân trong khu lao ở một bệnh viện nơi đây bị nhiễm HIV chỉ vì tiêm chích Krokodil chung.

Tạm kết: Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết những hậu quả mà ma túy nói chung và Krokodil nói riêng gây ra cho con người. Thế nhưng vẫn có không ít người lao vào và để nó hủy hoại bản thân. Hãy tự răn đe mình bằng những hình ảnh chân thực nhất về hậu quả đáng sợ của loại ma túy này.


* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Animal New York, Rational Wiki, Usa Today, Independent...

Ngủ nướng cuối tuần - nên hay không?

Ngủ nướng cuối tuần - nên hay không?

Nhiều người thường có thói quen ngủ "nướng" vào cuối tuần để tự thưởng cho bản thân sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng. Nhưng liệu thói quen này có thực sự tốt hay không?
       
        Nghiên cứu nói trên được đăng tải trên Tạp chí American Journal of Physiology-Endocrinology and Metabolism và đã tiết lộ rằng, việc sử dụng hai ngày cuối tuần để ngủ trên thực tế không thể bù đắp được hết những tác hại do sự mất ngủ hoặc thiếu ngủ trong tuần gây ra.
        Tiến sĩ Alexandros Vgontzas, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu và điều trị giấc ngủ Hershey của trường Đại học Penn (Mỹ) - đồng tác giả của nghiên cứu trên, nhận định: "Việc kéo dài giấc ngủ vào cuối tuần vẫn có hiệu quả trong sự phục hồi các tác hại của do thiếu ngủ trong tuần, nhưng ở một mức độ rất ít. Nếu chu kỳ "ngủ ít-mệt mỏi/ngủ bù-phục hồi" này lặp đi lặp lại trong thời gian dài thì sẽ rất có hại cho cơ thể".
          Nghiên cứu này được thực hiện trên 30 tình nguyện viên là những người lớn khỏe mạnh và kéo dài trong 13 ngày. Theo đó, những người tham gia sẽ ngủ 8 tiếng/đêm trong 4 ngày đầu. 6 ngày tiếp theo, thời lượng ngủ giảm xuống còn 6 tiếng/đêm. 3 ngày cuối là giai đoạn "phục hồi" với 10 tiếng/đêm.
          Trong những phiên giấc ngủ, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi sóng não kết hợp với việc dùng các xét nghiệm chuyên môn để theo dõi sự tỉnh táo, mức độ thay đổi của hormone viêm và hormone stress bằng cách lấy mẫu máu của các tình nguyện viên. Kết quả cho thấy sau 6 ngày thiếu ngủ, hầu hết những người tham gia luôn trong tình trạng buồn ngủ và hiệu suất của các bài kiểm khả năng tập trung giảm xuống thấy rõ. Nồng độ của interleukin-6, một tác nhân gây ra các chứng viêm, trong máu tăng cao. Đây đều là những dấu hiệu không tốt.
           Nhưng sau giai đoạn 3 ngày "phục hồi" giấc ngủ, nồng độ interleukin-6 có thấp xuống và tình trạng buồn ngủ ở các tình nguyện viên cũng được cải thiện. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, hiệu suất của các bài kiểm khả năng tập trung không mấy khả quan.
           Khi chúng ta không ngủ đủ giấc, sẽ xảy ra tình trạng "nợ giấc ngủ". Nếu "món nợ" này quá lớn, sẽ rất khó để "trả". Sự thiếu ngủ sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề liên quan đến sức khỏe như bệnh béo phì, cao huyết áp, tâm trạng và hành vi tiêu cực, giảm năng suất làm việc và học tập, dễ gây ra những tại nạn giao thông hoặc tại gia. Để ngăn ngừa tình trạng "vỡ nợ giấc ngủ", các nhà khoa học khuyên chúng ta nên ngủ bù sau mỗi lần thiếu ngủ. Theo lời tiến sĩ Vgontzas thì: "Bạn nên ngủ phục hồi bằng cách kéo dài giấc ngủ đêm hoặc ngủ trưa vào ngay ngày hôm sau đêm thiếu ngủ".
          Tuy nhiên, tác giả của nghiên cứu trên cũng thừa nhận: "Chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra những ảnh hưởng lâu dài của chu kỳ "ngủ ít-mệt mỏi/ngủ bù-phục hồi" đang được lặp lại hàng tuần ở nhiều người".
           Một nghiên cứu tương tự cũng được tiến hành tại Đại học Surrey (Anh) với sự hỗ trợ của Đài BBC. Nghiên cứu này tiết lộ rằng, khi các tình nguyện viên giảm thời lượng ngủ mỗi đêm của mình từ 7,5 tiếng xuống còn 6,5 tiếng thì hơn 500 gene liên quan đến các quá trình viêm nhiễm, phản ứng miễn dịch và phản ứng với stress đều bị "kích động". Khi họ bổ sung thời lượng ngủ thêm 1 tiếng/đêm thì xảy ra điều ngược lại


Tuy nhiên, ngủ quá nhiều vào cuối tuần lại rất có hại. Một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngùa dịch bệnh Mỹ CDC đã tiết lộ, ở người trưởng thành nếu giấc ngủ mỗi ngày trung bình từ 10 tiếng trở lên thì rất dễ gặp phải các bệnh mãn tính như tiểu đường, lo âu và béo phì.
          Tiến sĩ M. Safwan Badr, chủ tịch của Học viện Y học Giấc ngủ (Mỹ), khẳng định: "Một người lớn nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tốt. Điều này càng quan trọng hơn với những người đang mắc các căn bệnh mãn tính".
          Các nhà nghiên cứu về giấc ngủ tại Trường Y Khoa Harvard (Mỹ) lưu ý rằng, việc giữ một lịch trình ngủ ổn định ngay cả vào cuối tuần không chỉ giúp cân bằng thời gian của đồng hồ sinh học, mà nó còn có thể giúp con người đi vào giấc ngủ và thức dậy dễ dàng hơn.
Theo Vnreview