Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Thiết bị cầm tay phát hiện bệnh mắt chỉ trong vài giây




              Các kỹ sư Viện công nghệ Massachusetts đã chế tạo một thiết bị cầm tay, có thể quét toàn bộ võng mạc chỉ trong một vài giây mà lại phát hiện được một loạt bệnh như hư võng mạc do đái tháo đương, glôcom, thoái hóa điểm.
               Thiết bị phát tia cực tím vào mắt, kể cả vào võng mạc, và thu ánh sáng dư phản xạ ngược lại. Chỉ cần bật thiết bị đo giao thoa là có thể xác định được những thay đổi trong quãng thời gian ánh sáng lưu lại trong mắt và mức độ ánh sáng quay trở lại. Điều đó cho phép các bác sĩ hiểu được cơ cấu giao chéo của võng mạc, giống như hiệu ứng radar hay siêu âm.
               Các kỹ sư đã thử nghiệm 2 phiên bản của thiết bị cầm tay trên. Một trong số đó giống như máy quay video, gọn nhẹ, hoạt động nhanh với rất nhiều hình ảnh 3 chiều đề phòng ảnh nhòe do bác sĩ có thể run tay. Sau đó, các hình ảnh được tích hợp lại thành bức tranh duy nhất về võng mạc.
                                                                                    Vũ Trung Hương (Theo Meddaily)


Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Chuyện Trăm Năm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngưòi Việt 131230
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Cư an mà chẳng tư nguy...

* Đại chiến 1914 - trăm năm về trước... *



Cứ đến hết năm, cuối một chu kỳ 12 tháng, người ta lại kiểm điểm quá khứ để dự đoán tương lai dù tương lai không nhất thiết tái lập chuyện cũ.

"Lịch sử không để lại bài học nào, mà lại trừng phạt rất nặng những ai không hiểu lịch sử", hình như một tác giả người Nga nói như vậy. Vì càng nhìn sâu vào quá khứ càng dễ tìm ra một vài bài học, vào dịp cuối năm chúng ta cố nhìn xa hơn chu kỳ một năm.

Sao không nói chuyện trăm năm?

Trăm năm về trước, thế giới bất ngờ lao vào một trận đại chiến khiến chín triệu người chết từ 1914 đến 1918. Sau đó là nhiều thiệt hại nhân mạng khác, ở nơi khác. Cuối năm 1913, một người viết bình luận tại thủ đô thế giới thời đó là London đã nhìn thấy gì và có thể viết những gì?

Nhà bình luận không dám viết là sẽ có "Thế chiến I", trong ý nghĩa là sẽ có đại chiến thế giới - rồi sau đó lại còn Thế chiến II vào năm 1939! Sáng suốt hơn thì cũng xoay viễn vọng kính về quá khứ để nói chuyện trăm năm.

Trăm năm trước đó, đầu thế kỷ 19, Âu Châu vừa bị xuất huyết về cuộc binh đao thời Napoléon nên tìm đường hòa giải. Các nước không nhắm vào nhau mà cùng nhìn về một hướng, cùng phát triển thuộc địa. Đây đó mà có chiến trận thì cũng là ở xa, mãi tận Viễn Đông. Vậy mà chiến tranh Pháp Phổ vẫn bùng nổ vào năm 1870. Rút tỉa bài học, các nước đều đồng ý rằng khi đã là bạn hàng thì chẳng ai rút gươm nã đạn vào két bạc. Nhờ vậy mà các nước Âu Châu đã khôn ngoan buôn bán với nhau.

Nhìn từ thủ đô London vào năm 1913, kinh tế Âu Châu đã nhất thể hóa - chữ toàn cầu hóa chưa được phát minh. Thương thuyền, tầu hỏa vả cả đường dây diện thoại, tổ tiên của hệ thống Internet thời nay, cứ rộn ràng liên lạc với nhau. Cho nên, sau nhiều lầm lẫn và chiến chinh, năm 1913 mọi nguời đều có thể nghĩ rằng "thiên hạ thái bình" là chân lý.

Chỉ một năm sau thôi, toàn cầu bốc khói! Thế chiến I chưa kết thúc thì Đế quốc Nga đổi chủ qua "Cách mạng Tháng 10" vào năm 1917. Nước Đức đại bại bị ép thì dựng lại sức bật trên nền móng khác. Việc hồ hởi tái thiết tại Hoa Kỳ cũng thổi lên bong bóng và khủng hoảng 1929 kéo dài đã tạo điều kiện cho Thế chiến II....

Nghĩa là trăm năm về trước, bình luận gia ở London đã đoán trật. Sau đó, nước Anh nhường ngôi bá chủ cho Hoa Kỳ. Thế giới chuyển trục từ Âu qua Mỹ.

Tại nước Mỹ này, một nhà bình luận vào năm 1913 thì thấy những gì và tiên đoán ra sao?

Nhớ lời tổ phụ, đừng dây vào thiên hạ sự ở bên đó, nước Mỹ rạch ròi viết ra chủ thuyết Monroe, "Mỹ châu là của người Mỹ". Tây bán cầu hay cả lục địa Trung-Nam Mỹ là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các nước Âu Châu xin đừng bén mảng. Không chỉ tránh xa Âu Châu, Hoa Kỳ nhìn qua Châu Á và gõ cửa Nhật Bản bằng pháo hạm vào năm 1853. Quả nhiên là Nhật phải mở cửa canh tân thời Minh Trị.

Nhưng trong khi nước Nhật vươn lên thì Hoa Kỳ lại rơi vào trận Nội chiến thảm khốc nhất lịch sử còn son trẻ của xứ này. Chuyện thiên hạ, xin cứ để đó vì nước Mỹ cần tự hoà giải với chính mình và hoàn tất cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Vào thời ấy có nhà bình luận nào tại Hoa Kỳ dám ngờ là chỉ vài chục năm sau, Nhật Bản đã khai chiến và đánh bại Đế quốc Trung Hoa của nhà Mãn Thanh trong trận chiến Giáp Ngọ 1894? Rồi 10 năm sau thì Nhật đánh tan Hạm đội Nga ở Eo biển Đối Mã trong trận hải chiến mà các sử gia Âu Châu gọi là có tầm quan trọng tương tự như trận Trafalgar đúng trăm năm trước.

Chiến thắng đó của Nhật đã mở ra hy vọng cho Châu Á da vàng, dẫn tới Phong trào Đông Du tại Việt Nam và Cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc. Nhưng với nước Mỹ, đấy là chuyện quá xa, dù là nhìn từ Hawaii.

Vì thế giới hỗn mang như vậy, nên người Mỹ của trăm năm trước không muốn và cũng chẳng tin là mình sẽ can dự vào một cuộc chiến nữa tại Âu Châu. Vào cuối năm 1913, họ cũng đoán sai như vị đồng nghiệp ngồi ở London.

Mà chúng ta nên e là người Mỹ ngày nay chẳng khá hơn các bậc tiền bối của trăm năm về trước.

Sau Thế chiến I, từ vòng ngoài của trung tâm thế giới là Âu Châu, Hoa Kỳ vượt lên thành đại cường trước sự tan rã của các Đế quốc Hung-Áo, Đức, Nga, Ottoman. Nhưng ít ai tin là nước Đức lại nổi lên thống trị Âu Châu và bắt tay với Đế quốc Xô viết trong Thế chiến II. Chẳng ai đoán là Hoa Kỳ dân chủ lại kết hợp với Liên Xô Cộng sản để đánh gục nước Đức và nhường phân nửa Âu Châu cho Stalin. Cũng ít ai ngờ là bên kia biển Thái Bình, Đế quốc Nhật lại tấn công hạm đội Hoa Kỳ vào cuối năm 1941. Vì thế, cũng ít ai tin rằng Hoa Kỳ sẽ dội bom nguyên tử lên đầu nước Nhật rồi hợp tác với Đức với Nhật như đồng minh chiến lược trong suốt thời Chiến tranh lạnh, cho đến ngày Liên Xô tan rã, Âu Châu tái thống nhất thành một khối với nước Đức là cốt lõi.

Như giới bình luận Anh thời trước, rút tỉa các bài học bất ngờ của lịch sử trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ ngày nay cũng tin rằng đã buôn bán với nhau thì chẳng ai muốn gây chiến. Kinh tế toàn cầu hóa là giải pháp khôn ngoan.

Quả thật là vào thời điểm 2014, Chiến tranh khó tái diễn vì Nga Tầu Nhật gì thì cũng đầu tư buôn bán với Âu-Mỹ và với nhau. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa hiếu hòa và doanh gia là thành phần phản chiến nhất!

Nhưng còn thế giới Hồi giáo?

Sau chục năm can dự lung tung, Hoa Kỳ đã ra khỏi Iraq và sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, và đánh câu đại xá để các nước giải quyết lấy xung đột của họ, từ Syria qua Lebanon, từ Libya tới Iran. Hoa Kỳ cười cầu tài và treo miễn chiến bài với thiên hạ. Vào dịp cuối năm, người Mỹ càng thấy rằng việc đó là đúng.

Các nước kia, từ Egypt đến Lebanon hay Liên bang Nga, bị khủng bố Hồi giáo đánh bom tự sát hay Trung Quốc ra tay đàn áp tộc Hồi tại Tân Cương càng khiến Hoa Kỳ muốn gom quân kéo về và hòa giải với mọi cường quốc gần xa.

Nhưng đấy mới là mầm loạn và chiến tranh càng dễ xảy ra, như trăm năm về trước.

Trong thế giới cứ gọi là toàn cầu hóa và thịnh vượng, có nhiều nước không được thịnh vượng và còn chối bỏ quy cách làm ăn toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa duy vật không có giá trị tâm linh và phải bị đánh đổ. Khủng bố Hồi giáo nằm trong mạch lý luận đó và với chủ trương "Thánh Chiến" còn khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc trong từng cộng đồng Hồi giáo.

Trong thế giới phồn vinh còn lại, nhiều người cũng thất vọng với kinh tế tự do và thiên về giải pháp bảo hộ mậu dịch. Đèn nhà  nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ. Và chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang được khai thác để phá vỡ hội nhâp, như tại Âu Châu. Hoặc để giành lại quyền tự trị, quyền độc lập, như tại Nga, hay bên Tầu. Ngay tại Đông Á, hai cường quốc lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều thi đua ái quốc bằng hạm đội ngoài biển...

Thế chiến I bùng nổ tại Âu Châu không vì một Đại công tước bị ám sát trong vùng Balkan mà vì chủ nghĩa quốc gia đã tạo ra nhiều chuyển động ngầm dưới mấy tầng địa chất của thời sự phù du. Những gì đang xảy ra ngày nay, trước sự thản nhiên của nước Mỹ, không nhất thiết dẫn tới chiến tranh. Nhưng ai đảm bảo là mình đoán đúng?

Cư an mà không tư nguy là sẽ gặp nguy?

3 thực phẩm rất độc hại nếu ăn khi còn tươi



          Những thực phẩm này không nên ăn khi còn tươi vì sẽ sinh nhiều chất có hại cho sức khỏe.
1. Sứa
              Sứa khi còn sống chứa rất nhiều nước, thịt sứa rất dày và chứa nhiều độc tố. Chất độc chỉ có thể được tiết ra ngoài khi ngâm qua ba lần trong nước muối và phèn. Khi đó thịt sứa sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt. Sứa chỉ nên sử dụng khi thịt sứa trở nên dai hơn, và không bị chảy nước khi bóp mạnh vào thịt.

2. Mộc nhĩ tươi
           Nếu ăn mộc nhĩ tươi, da chúng ta rất dễ bị mẩn ngứa, phù nề và nghiêm trọng hơn là hoại tử da nếu đi ra nắng. Mục nhĩ khô là thực phẩm đã qua phơi nắng, các chất độc đã được loại bỏ. Tuy nhiên trước khi sử dụng nên ngâm trong nước.

3. Rau muối dưa
           Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, chỉ nên ăn rau muối dưa trong vòng 4 tiếng sau khi ngâm. Nếu không, bạn chỉ nên ăn chúng sau vài ngày.
           Nguyên nhân là vì rau dưa sau khi làm 4 tiếng sẽ sinh ra nhiều nitrit gây ra các triệu chứng bầm tím của tình trạng thiếu oxy, ngoài ra nó còn kết hợp với các amin thực phẩm để tạo các nitrosamine gây ung thư.


                                                                        Báo điện tử Soha.vn

6 loại gia vị phục vụ sức khỏe tốt nhất thế giới


                Dưới đây là 6 loại gia vị được coi là có lợi nhất cho sức khỏe trên toàn thế giới.
               Khoa học hiện đại đã phát hiện ra sức mạnh của các loại thảo dược làm gia vị có tác dụng như "vũ khí" chống lại bệnh tật và tăng cường sức khỏe.

1. Cây xô thơm
              Tác dụng: Giúp tinh thần tỉnh táo và minh mẫn.
                Cây xô thơm còn gọi là cây ngải đắng. Tinh dầu của loại thảo dược này có tác dụng cân bằng hormone, kích thích các giác quan, tăng cường tâm trạng tốt hơn.
Ngoài ra, cây xô thơm còn có nhiều lợi ích trong việc chống nấm, chống lão hóa da, giảm trầm cảm sau sinh, giúp an thần, sát trùng, kích thích tiêu hóa và giảm mệt mỏi...

2. Cây nghệ
               Tác dụng: Tăng cường tâm trạng của bạn, làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
                 Đã từ lâu trong y học truyền thống, nghệ được coi là một loại gia vị có thể giúp con người cải thiện tâm trạng nên nó thường được dùng trong các món ăn. Ngoài ra, nghiên cứu từ bệnh viện tâm thần Roozbeh tại Đại học khoa học y học Tehran (Iran) đã tìm thấy rằng nghệ tây có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và trầm cảm. Trong một nghiên cứu, 75% phụ nữ có triệu chứng tiền kinh nguyệt được cho uống viên nang nghệ tây hàng ngày và kết quả là các triệu chứng PMS của họ giảm đi rất nhiều, trong khi số phụ nữ không dùng nghệ tây chỉ có 8%.

3. Ớt
             Tác dụng: Tăng cường quá trình trao đổi chất.
              Ớt có tác dụng sinh nhiệt nhưng cũng giúp kích hoạt hệ thống làm mát tự nhiên của cơ thể. Capsaicin - một hợp chất cay trong ớt có tác dụng tăng sự trao đổi chất của cơ thể và có thể thúc đẩy việc đốt cháy chất béo, giúp bạn giảm cân. Capsaicin cũng có thể làm giảm nguy cơ loét bằng cách thúc đẩy các tế bào dạ dày để chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra loét và giúp ổn định tim bằng cách giảm cholesterol xấu (LDL).
4. Gừng
            Tác dụng: Xoa dịu rối loạn dạ dày, chống đau viêm khớp.
             Theo truyền thống, gừng được sử dụng để làm giảm cảm lạnh và các rắc rối dạ dày. Ngoài ra, vì nó giàu các hợp chất chống viêm nên nghệ được coi là có thể có tác dụng trong chống một số bệnh ung thư và giảm đau viêm khớp (ví dụ như đau viêm xương khớp ở đầu gối). Chất chiết xuất từ ​​gừng có thể giúp làm giảm buồn nôn do ốm nghén hoặc phẫu thuật hoặc hóa trị liệu.
5. Quế
               Tác dụng: Ổn định lượng đường trong máu.
                 Quế được đánh giá cao của vua Solomon và được người Hy Lạp, La Mã cổ đại sử dụng rộng rãi để thúc đẩy sự thèm ăn, giảm chứng khó tiêu. Những người bị bệnh tiểu đường type 2 nếu thêm một muỗng cà phê quế trong chế độ ăn uống mỗi ngày có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn vì nó ngăn cản sự tăng lượng đường trong máu sau mỗi bữa ăn.

6. Mùi tây
               Tác dụng: Ngăn chặn ung thư.
                 Các nhà khoa học của Đại học Missouri (Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng loại thảo dược này thực sự có thể ức chế sự phát triển tế bào ung thư vú nhờ hoạt chất apigenin. Các chuyên gia khuyên bạn nên thêm một ít rau mùi tươi thái nhỏ vào các món ăn hàng ngày.

                                                                        Báo điện tử Soha.vn

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Ăn cà chua tránh ung thư, mỡ máu và bệnh tim mạch


                Phụ nữ mãn kinh sau khi theo chế độ ăn nhiều cà chua trong 10 tuần giảm tỷ lệ ung thư vú đã tăng thêm 9% lượng adiponectin - một loại hormone kiểm soát chất béo và đường huyết.
               Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng hiệu quả này tăng với phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn.
                Tuy nhiên, khi họ ăn theo chế độ nhiều đậu nành thì lại giảm hàm lượng adiponectin, đồng nghĩa với việc tăng khả năng béo phì và kháng insulin.
                 Llanos cho rằng lợi ích của việc ăn nhiều cà chua hoặc chế phẩm từ cà chua là một bằng chứng rõ ràng trong phát hiện của họ thậm chí là việc sử dụng chỉ trong một thời gian ngắn.
                  Bác sĩ này bổ sung: "Ăn trái cây và rau củ, có chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, vitamin, khoáng chất và hóa chất thực vật như lycopene mang lại rất nhiều lợi ích quan trọng. Dựa trên dữ liệu, chúng tôi tin rằng ăn thường xuyên các loại trái cây và rau củ trên mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ bệnh ung thư”.
                 Llanos chỉ ra rằng các phát hiện của họ cũng nhấn mạnh khả năng quan trọng ngăn ngừa béo phì, vì chế độ nhiều cà chua có ảnh hưởng lớn đến lượng adiponectin đối với phụ nữ muốn giữ cân nặng khỏe mạnh.
                 Cà chua cũng liên quan đến các lợi ích sức khỏe khác. Năm ngoài, tờ Tin Y khoa ngày nay (Medical News Today) báo cáo một nghiên cứu cho rằng ăn nhiều cà chua sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ, trong khi đó một nghiên cứu khác cũng đưa ra ý kiến thức ăn kết hợp đậu nành và cà chua có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
                                                                        Trí Dũng (theo Medical News Today)


Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Ung thư ở Việt Nam cao hàng đầu thế giới vì... tiền


            Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại. Theo TS.Trần Đáng- nguyên Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bộ Y tế thì hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị "tẩm độc" bởi những loại hóa chất độc hại từ Trung Quốc
          Thông tin, tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam thuộc nhóm cao hàng đầu thế giới khiến nhiều người quan tâm. Theo nhận định của các bác sỹ chuyên khoa, trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn được xếp là một trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này.
Bỗng dưng mang... "án tử"
            Ngày 19/12, chúng tôi tìm đến viện K, Bạch Mai, Việt Đức... để tìm hiểu về thực trạng bệnh nhân ung thư gia tăng ở Việt Nam. Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến những bệnh nhân ung thư quằn quại trong cơn đau mà không cầm nổi nước mắt. Những con người mà cuộc sống của họ giờ tính bằng tháng, thậm chí bằng ngày, bằng giờ.
           Tại viện K, ông Nguyễn Đình K. (63 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đang phải điều trị hóa chất giai đoạn 3. Ông bị đau dạ dày đã lâu nhưng vẫn chủ quan nghĩ đó chỉ là bệnh đau đại tràng thông thường thôi. Đến khoảng hơn một tháng trước, ông K. bị đau thượng vị, không ợ hơi được tức bụng có lúc đau quằn quại nên đã đi nội soi thì thấy trong dạ dày có những vết sần sùi và bác sỹ kết luận là ung thư dạ dày thể thâm nhiễm.   Nhưng khi sinh thiết thì không có tế bào ung thư.
           Ông K. tiếp tục đi khám ở Bạch Mai, ở bệnh viện Đại học Y, ở Việt Đức đều cho kết quả giống nhau là nghi K dạ dày thể thâm nhiễm nhưng cả 3 lần sinh thiết đều cho kết quả không phát hiện tế bào ung thư.
          Cuối cùng, nghe lời khuyên của bác sỹ, ông K. quyết định mổ. Nhưng đến khi mổ ra thì bác sỹ lại phát hiện ra ung thư đã di căn ra khắp ổ bụng và đã di căn sang gan 1cm. Bác sỹ nói, ông K. chỉ sống được khoảng 2 tháng nữa. Mọi người trong nhà đã rất sốc và gần như mất hết hy vọng.
          Không chỉ riêng trường hợp bệnh nhân K., hiện có rất nhiều bệnh nhân sau khi có biểu hiện bất thường đến bệnh viện khám mới biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối.
          Cho đến ngày hôm nay, sau 3 tháng nhận được hung tin từ bác sỹ, anh Nguyễn Thanh Ng. (Hà Đông, Hà Nội) vẫn không thể tin rằng mình đang mang... "án tử". Cuối tháng 9/2013, cơ quan anh Ng. tổ chức khám định kỳ cho các công nhân viên tại bệnh viện Hà Thành. Trong quá trình khám, các bác sỹ có nghi ngờ anh Ng. mắc ung thư nên chỉ định làm sinh thiết. Sau 3 ngày, bệnh viện Hà Thành gọi anh Ng. đến trao đổi về tình trạng bệnh và giới thiệu anh đến bệnh viện K khám lại. 7 ngày sau, bác sỹ thông báo anh bị ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Chỉ trong vòng 3 tháng, anh Ng. đã phải xạ trị 2 lần tại viện 108, số tiền điều trị "ngốn" đến hơn 60 triệu đồng.

Tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao hàng đầu thế giới
         Theo tìm hiểu của PV, có những bệnh nhân, sau khi phát hiện ung thư, thời gian sống chỉ kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Anh Nguyễn Văn Hoàng ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Chỉ trong tháng 10, tại khu dân phố của anh đã có 2 bệnh nhân ung thư qua đời. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị H., sinh năm 1971, sau khi phát hiện ung thư nội tiêu hoá, chưa đầy 1 tháng chị H. đã tử vong và anh Nguyễn Văn T. (40 tuổi), sau khi phát hiện bị ung thư dạ dày được 3 tháng cũng đã lìa xa cõi đời".
           Tại hội nghị khoa học quốc tế về phòng chống ung thư tổ chức ở bệnh viện Bạch Mai tháng 4/2013, ông Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho hay, số tử vong do ung thư hằng năm lên đến 82.000 trường hợp, tỉ lệ tử vong/mắc lên đến 73,5% và vào loại cao hàng đầu thế giới (tỉ lệ tử vong/mắc ở bệnh nhân ung thư chung toàn thế giới là 59,7%).
            BS. Mai Trọng Khoa cho biết: "15 loại ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam là ung thư phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày, gan, tiền liệt tuyến, tử cung/cổ tử cung, thực quản, bàng quang, u lympho không hodgkin, khoang miệng, bệnh bạch cầu, tụy, buồng trứng và thận. Số mắc các loại ung thư khác nhau giữa các vùng địa dư, trong đó tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TP.HCM gấp gần sáu lần Hà Nội, nhưng ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TP.HCM. Nam giới TP.HCM mắc ung thư gan nhiều, nhưng nam giới Hà Nội mắc ung thư phổi nhiều hơn hẳn".
          Bộ Y tế cảnh báo, cứ 10 phụ nữ Việt thì 1 người có nguy cơ bị ung thư vú, mỗi năm có thêm 15.000 người mắc bệnh này. Ung thư vú là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, thường gặp thứ hai trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đa phần người bệnh đến viện khi bệnh đã nặng khiến hiệu quả điều trị thấp, khoảng 35% tử vong.

Thực phẩm độc hại - “thủ phạm số 1”
          Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh thì có nhiều, song chủ yếu là do nguồn nước ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại. Theo TS.Trần Đáng- nguyên Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bộ Y tế thì hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị "tẩm độc" bởi những loại hóa chất độc hại từ Trung Quốc.
         Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ hàng loạt những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc trong nước. Trong đó, hầu hết đều có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người tiêu dùng như thịt lợn chứa chất tạo nạc, thuốc an thần; gà thải Trung Quốc nhập lậu còn tồn dư chất kháng sinh, đến rau phun thuốc kích phọt, giá đỗ có hóa chất cấm, măng ướp lưu huỳnh; chuối chín sau một đêm do ủ hoá chất...
          Ngay cả những thứ quà vặt cho trẻ em như bim bim, kẹo mút, nguyên liệu để sản xuất không đảm bảo, có chứa chất độc hại gây nguy hại. Những thứ đồ chơi cho trẻ cũng trở nên nguy hiểm bởi bên trong đó là những loại hóa chất trở thành tác nhân gây ra bệnh ung thư.
           BS.Nguyễn Thị Vượng, khoa Ung bướu, bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định: "Ung thư là hiện tượng đột biến của tế bào. Từng tế bào trong cơ thể con người không phải tồn tại vĩnh viễn, mà nó phát triển, sinh sôi, từ một tế bào phát triển thành nhiều tế bào. Hằng ngày, một số tế bào chết đi, một số tế bào mới sinh ra để cân bằng. Khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u".
          Theo BS. Vượng, tất cả những gì "đánh" vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư. Trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỉ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này. "Thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bị nhiễm hóa chất có thể gây độc cấp như ngộ độc thức ăn, nôn mửa. Nhưng nếu tiềm tàng lâu dài, tích lũy lâu ngày trong cơ thể, đến một lúc nào đó sẽ đủ lượng gây đột biến tế bào. Nếu bị đột biến nhẹ thì tế bào có thể tự điều chỉnh, nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ mất khả năng tự sửa chữa, đột biến trở thành ác tính", BS. Vượng cảnh báo.
             Các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo, phương pháp chế biến thực phẩm cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Nếu chế biến thực phẩm không đúng cách như các món rán, nướng; chế biến thực phẩm mốc cũng tạo thêm cơ hội cho các tác nhân gây ung thư xâm nhập cơ thể. Thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan. Ăn nhiều thức ăn động vật, mỡ, dễ dẫn đến thừa đạm, dễ gây ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt.
Tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với các nước trong khu vực
            Theo báo cáo của viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày khiến cho Việt Nam là nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất trên thế giới. Kết quả khảo sát năm 2011 cho thấy, tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với Lào, Philipines, Thái Lan và các nước trong khu vực. Cũng báo cáo, trong cả nước, Hà Nội và TP.HCM có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỉ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TP.HCM (năm 2010).
                                                                        Hoàng Anh- Hương Lan (Báo 1thếgiới)


Dấu hiệu cơn đột quỵ tim


                   “Đau tim”, ở đây muốn nói đến tình trạng “đột quỵ tim”, hay “trụy tim”, tức “heart attack”, đa phần lại không làm đau đớn gì ở trái tim cả. Chỉ có một số trường hợp đột quỵ tim xảy ra thật bất ngờ với những triệu chứng dữ dội giống như được diễn xuất trong các tuồng kịch, cải lương hay phim truyện. Hầu hết những cơn đau tim xảy ra từ từ với những triệu chứng nhức mỏi, khó chịu, xâm xoàng mà thôi. Rất nhiều người đang bị đột quỵ tim nhưng không hay biết những gì đang xảy ra cho tới khi đã quá trễ. Đột quỵ tim là lý do gây ra tử vong số #1 cho phụ nữ, nhưng triệu chứng lại thường bị bỏ qua vì chủ quan cho là cảm cúm, ăn không tiêu, hay mệt mỏi vì lớn tuổi.
Dưới đây là một số dấu hiệu cần biết, cần quan tâm:
1. Thấy khó chịu, tức ngực:Hầu hết những cơn trụy tim bắt đầu bằng những triệu chứng khó chịu ở vùng ngực, với cảm giác như tức ngực, co bóp chung quanh ngực, đầy bụng, ợ chua, kéo dài khoảng vài phút, xen kẻ với những khoảng thời gian bình thường.

2. Cảm giác khó chịu lan qua những vùng khác của phần trên cơ thể: Những cảm giác khó chịu trên đây có thể lan qua hai cánh tay, lưng, cổ, cằm, hay bụng.

3. Thấy khó thở, như đã chạy bộ một đoạn đường dài, có khi không thấy đau đớn gì cả.

4. Những triệu chứng khác có thể tưởng lầm như bị cảm cúm bao gồm ra mồ hôi, chóng mặt xâm xoàng, buồn nôn.
              Trên một triệu người Mỹ bị đột quỵ tim mỗi năm và hơn quá nửa là phụ nữ. Trung bình cứ 34 giây đồng hồ, có một người bị đột quỵ tim, khi máu tiếp liệu đến cơ tim bị giảm hay bị tắt nghẻn. Giống như đàn ông, phụ nữ bị đau tim có triệu chứng thông thường nhất là thấy tức ngực. Tuy nhiên so với đàn ông, phụ nữ còn có những triệu chứng khác không được rỏ ràng như khó thở, đau chấn thủy, khó tiêu, sình bụng, buồn nôn, đau lưng, hay đau cằm. Những triệu chứng này lại thường xảy ra trong mùa lạnh, mùa cảm cúm làm khó phân biệt. Khó xử hơn nữa, những triệu chứng khác lại giống như các bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa, trùng hợp với mùa lễ Giáng Sinh, tết Tây, tết Nguyên Đán khi mà chúng ta, ai cũng ăn uống hơi nhiều một tí.
              Đột quỵ tim xảy ra khi những động mạch vòng chung quanh trái tim bị nghẻn vì đóng vảy (plaque) bao gồm mỡ, cholesterol, chất vôi và những chất cặn bả khác v.v…Cục vảy, có một vỏ cứng bên ngoài, khi lớp vỏ này bị vỡ, có thể bị chảy máu và máu sẽ đóng cục lại chung quanh cục vảy làm cho đường kính mạch máu tim đã hẹp lại trở thành nghẻn cấp kỳ. Một khi các động mạch vành tim bị tắt nghẻn, lượng oxygen cung ứng cho trái tim sẽ giảm mau chóng làm cho các tế bào cơ tim ngừng hoạt động đưa đến tình trạng đột quỵ cơ tim.
             Đột quỵ tim cũng gây ra bởi tình trạng động mạch vành tim bị co thắt bất thường (spasm) hay “hệ thống điện” điều chỉnh nhịp đập của tim bị rối loạn làm cho trái tim co thắt không đúng nhịp.
              Một khi đột quỵ tim xảy ra, bệnh nhân chỉ có từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ để còn cứu chữa kịp thời bằng thuốc men và phương pháp thông tim khẩn cấp để mở chỗ nghẻn. Vì thế khi có triệu chứng đáng nghi ngờ, nên uống liền một viên ASPIRIN, không phải Tylenol, không phải Ibuprofen, hay những loại thuốc giảm đau nào khác, mà phải là Aspirin và gọi 9-1-1 ngay.
             Khi đến bệnh viện, bác sĩ có thể cho thuốc loãng máu, thuốc làm giản nở mạch máu tạm thời, đo diện tâm đồ (ECG), thử máu để chẩn bệnh, làm siêu âm tim (echocardiography), hay quyết đinh soi, thông tim (cardiac catheterization) khẩn cấp để mở chỗ nghẻn nếu thuốc men không có hiệu ứng hay chỉ có tác dụng tạm thời.
            Trên thực tế, không có thuốc chữa hay thuốc ngừa bệnh đột quỵ tim!
            Bệnh tim mạch là một tiến trình xảy ra trong một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi lối sống, tình trạng bệnh tật kinh niên, sức khỏe tổng quát, và yếu tố di truyền của mỗi người. Gần đây, Hội Tim Mạch Hoa Kỳ có đưa ra lời khuyên mới về ảnh hưởng của cholesterol đối với bệnh tim mạch.
            Theo tinh thần của lời khuyên mới này, chúng ta phải có một cái nhìn toàn diện về những yếu tố nguy cơ có thể đưa đến tình trạng đột quỵ tim mà trong đó cholesterol vẫn là một yếu tố không thể lơ là. Vì vậy ngay từ bây giờ, nên cải tổ thói quen, lối sống để có lợi cho hệ thống tim mạch, như bỏ hút thuốc lá, giữ liều lượng cholesterol thấp, kiểm soát bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Và, nhất là phải tăng hoạt động thể dục thể thao để đạt được sức nặng lý tưởng song song với việc giảm áp lực đời sống (stress).

                                                                                    nguoiviet


Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

5 sai lầm lớn trong ăn uống để giảm cân



                       Béo phì không chỉ làm giảm vẻ đẹp thể chất mà còn kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe. Dưới đây là 5 ngộ về giảm cân, giảm béo nhiều người dễ mắc phải song vẫn ngộ nhận cho là tối ưu.
1. Thức ăn hàm lượng carbohydrate thấp là tối ưu nhất?
             Theo các chuyên gia y tế, khi cắt giảm khẩu phần carbohydrate thì trọng lượng cơ thể có thể sụt giảm trong thời gian ngắn, giống như khi bị bỏ đói, nhưng đây không phải là cách làm tối ưu, thông minh và không "bền vững".
            Thực phẩm carbohydrate hay gọi ngắn hơn là thực phẩm carb được xem là cốt lõi trong bữa ăn hàng ngày, vì vậy không thể bỏ qua nhưng nên chọn nhóm carb hữu ích như trái cây, thực phẩm dạng hạt, củ quả, rau xanh... vừa có tác dụng giảm cân lại có tác dụng duy trì sức khỏe, có nghĩa, đảm bảo cả 2 tiêu chí, khỏe và đẹp.

2. Giảm mỡ để giảm cân?
            Thực ra, thực phẩm giàu mỡ được xem là ngon mắt ngon miệng nhưng nếu lọc bỏ hết mỡ đồng nghĩa với giảm hương vị, buộc người ta phải bổ xung thêm gia vị như đường, bột ngọt, bột nêm và nhiều chất gia giảm khác.
            Theo nhiều nghiên cứu những loại phụ gia, gia vị này cũng thuộc nhóm nhiều mỡ. Các loại thực phẩm ghi nhãn không có mỡ hoặc có hàm lượng mỡ thấp không có nghĩa là có hàm lượng calo thấp.
           Theo khuyến cáo, mọi người nên trọng tâm đền hàm lượng dinh dưỡng, không nên "cấm vận" hoàn toàn mỡ mà chọn nhóm có hàm lượng mỡ thấp, thựuc phẩm tươi sống và toàn phần, ít qua chế biến dù nhiều mỡ vẫn ngon và đảm bảo dưỡng chất, còn việc ăn nhiều hay ít là tùy thuộc ở mỗi người.

3. Thực phẩm đốt mỡ giảm béo?
          Rất nhiều người ngộ nhân hoặc tin vào quảng cáo cho rằng thực phẩm có khả năng đốt mỡ giảm béo, nhưng thực tế không hề có loại thực phẩm này. Một số loại thực phẩm có chứa caffein có thể đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất, giúp cơ thể sử dụng năng lượng và calo trong thời gian ngắn nhất nhưng lại không có khả năng giảm béo, giảm cân. Ngoài ra, những loại thực phẩm này lại có hàm lượng calo cực thấp, đôi khi calo có khả năng đốt mỡ lại không có liên quan đến calo có trong thực phẩm.

4. Ăn uống sau 8 giờ tối dễ bị tăng cân béo phì?
         Không đúng, đây là những lời đồn thiếu tính khoa học. Cho dù tiêu thụ calo lúc 2 giờ chiều hay 2 giờ sáng cũng không ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm cân. Duy chỉ có điều ăn muộn vào bữa tối thì cơ thể phải mất nhiều thời gian để tiêu hóa, bởi ăn sớm con người hoạt động thì thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn.
          Tuy nhiên, ăn muộn vào ban đêm có thể làm tăng tính háu ăn, ăn nhiều, gây mất cân bằng lượng thực phẩm đầu vào trong ngày. Nếu có, nên ăn nhẹ để có giấc ngủ tốt.
5. Uống nhiều nước là giải pháp số 1 để giảm cân?
          Nước lá đồ uống quan trọng đối với cơ thể con người nhưng nó lại không có tác dụng đốt cháy calo và không làm giảm lượng mỡ trong cơ thể. Để mang lại lợi thế, có thể kết hợp dùng nước lọc với đồ uống giàu calo để bổ sung nước lẫn calo và dưỡng chất cho cơ thể.
          Giải pháp này tốt hơn là chỉ dùng nước trắng, nhất là nhóm người phải làm việc trong môi trường nóng bức, tổn thất nhiệt và ra nhiều mồ hôi. Cung cấp đủ nước cho cơ thể có tác dụng cải thiện vẻ đẹp ngoại hình và giúp các bộ phận cơ thể làm tốt chức năng vốn có.
                                                                                    Khắc Nam (theo Lifespan)


Đỏ mặt khi uống rượu - dấu hiệu cao huyết áp



                Kết quả một nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học Hàn Quốc mới đây cho thấy, đỏ mặt sau khi uống rượu có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao huyết áp liên quan đến rượu.
               Trong một báo cáo được công bố trên tạp chí Alcoholism: Clinical & Experimental Research (Mỹ) tháng11/2013, các nhà nghiên cứu cho biết, việc uống rượu quá mức là một yếu tố nguy cơ gây cao huyết áp. Những người bị đỏ bừng mặt sau khi uống rượu có liên quan với tình trạng nhạy cảm cao của cơ thể với rượu hoặc thậm chí không dung nạp rượu.
               Trong nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đã kiểm tra hồ sơ y tế của hơn 1.700 người và chia họ thành ba nhóm: nhóm không uống rượu, nhóm những người đỏ mặt sau khi uống rượu và nhóm những người uống rượu không bị đỏ mặt.
               Kết quả cho thấy, nhóm đỏ mặt sau khi uống rượu có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn so với nhóm không đỏ mặt sau khi uống rượu và nhóm không uống rượu. Nguy cơ bị cao huyết áp thường gia tăng trong số những người bị đỏ mặt uống nhiều hơn bốn ly mỗi tuần.
              Jong Sung Kim, trưởng Khoa Y học gia đình Trường ĐH Y Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc), người chủ trì cuộc nghiên cứu, cho biết: "Mặt đỏ tưng bừng sau khi uống là triệu chứng của sự nhạy cảm cao của cơ thể với rượu hoặc thậm chí không dung nạp rượu, trừ khi bệnh nhân được uống thuốc đặc biệt".
             Tác giả Kim giải thích: "Phản ứng đỏ mặt sau khi uống rượu thường xảy ra ở những người mà cơ thể họ (có tính di truyền) không thể phá vỡ acetaldehyd - chất chuyển hóa đầu tiên của rượu sau khi nạp vào cơ thể".
             Các nhà nghiên cứu kết luận, tình trạng “mặt trời mọc” ở những người uống rượu có thể được đánh giá như là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ gây cao huyết áp liên quan đến rượu.
                                                                                         Nguyễn Niệm (Theo Medicinenet)