Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỚI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

A- Khái luận

B- Hệ thống pháp luật Việt Nam với chiến lược phát triển bền vững

1. Về phát triển kinh tế

1.1 Chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam dựa trên nguyên lý phát triển bền vững

1.2 Những thách thức đối với Việt Nam

1.3 Hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển

2. Môi trường

2.1 Hoà nhập những cân nhắc môi trường trong quá trình lập kế hoạch phát triển

2.2 Pháp luật về bảo vệ môi trường Việt Nam

2.3 Một số hạn chế đối với pháp luật bảo vệ môi trường và hướng hoàn thiện

3. Xoá đói giảm nghèo

3.1 Khái niệm về nghèo đói

3.2 Tình hình xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam

3.3 Chiến lược và chính sách giảm nghèo đói của Việt Nam

3.4 Chính sách pháp luật của Việt Nam đối với việc xoá đói giảm nghèo

4. Vấn đề giới và phát triển bền vững

4.1 Khái niệm giới

4.2 Bình đẳng giới là một mục tiêu phát triển

4.3 Phụ nữ Việt Nam trong tiến trình thực hiện phát triển bền vững

4.4 Khung pháp luật đối với việc phát triển vấn đề giới ở Việt Nam

C- Kết luận

Tài liệu tham khảo

A- Khái luận

Năm 1987, trong bản báo cáo có tựa đề ‘‘Tương lai chung của chúng ta’‘, Uỷ ban Môi trường và Phát triển thế giới lần đầu tiên nhắc đến một khái niệm rất mới - phát triển bền vững.

Phát triển bền vững được định nghĩa là: Sự phát triển thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại khả năng thoả mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Ngay sau đó khái niệm này đã đượcchấp nhận rộng rãi. Đến năm 1992, tại Hội nghị Th­ượng đỉnh Rio de Janeiro (Braxin), phát triển bền vững là trọng tâm chính được nhấn mạnh và cũng trong hội nghị này, mỗi quốc gia tham dự hội nghị đã cam kết xây dựng cho mình định hướng và chiến lược phát triển bền vững. Để thực hiện sự cam kết của mình, Việt Nam đang xây dựng Chương trình nghị sự 21 quốc gia trong khuôn khổ của Dự án VIE/01/021-Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Chương trình Nghị sự 21 quốc gia của Việt Nam.

Yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi việc tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách và chương trình hành động quốc gia để các nhu cầu xã hội, môi trường và kinh tế được tổng hoà và đáp ứng một cách cân đối với nhau. Phát triển bền vững đã trở thành quan điểm lãnh đạo của Đảng và được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản toàn lần thứ IX, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội m­ười năm 2001-2010 và trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005. Đó là ‘‘Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường’‘ và ‘‘Phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đưa dạng sinh học’‘. Phát triển bền vững cũng được nhấn mạnh trong Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo của Chính phủ.

Trong những năm gần đây, thông qua hoạt động lập pháp, Quốc hội đã tạo lập được khung pháp lý cho sự phát triển bền vững và toàn diện của đất n­ước. Có thể thấy Hiến pháp và các văn bản pháp luật thiết lập những chế định quan trọng nhất, định hướng cho sự phát triển của Nhà n­ước, điều chỉnh mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, đảm bảo sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

B- Hệ thống pháp luật Việt Nam với chiến lược phát triển bền vững

Trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam đã từng b­ước được củng cố và tăng cường nhằm tạo lập một khung pháp lý cơ bản phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất n­ước. Trong đó, pháp luật về phát triển kinh tế, về môi trường, về xoá đói giảm nghèo và về vấn đề giới được coi là những lĩnh vực ­ưu tiên nhất làm cơ sở để thực hiện các mục tiêu và chiến lược phát triển.

1. Về phát triển kinh tế

1.1 Chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam dựa trên nguyên lý phát triển bền vững

Sự nghiệp đổi mới kinh tế của Việt Nam được khởi x­ướng từ năm 1986; với việc kiên trì thực hiện các chính sách chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những tiền đề có lợi do thời đại mới mang lại, những tiềm năng của một dân tộc có truyền thống cần cù, thông minh, đã đượcvận dụng một cách đầy đủ cho mục tiêu đó. Một hệ thống thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho công cuộc đổi mới được ban hành để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Mặc dù tình hình kinh tế-xã hội trên thế giới và trong khu vực có những diễn biến theo chiều h­ướng xấu đi trong giai đoạn 1998-2000, đặc biệt cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đông Nam á trong mấy năm qua cũng có những ảnh hưởởng lớn, song kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá, đạt từ 6,9% năm 1999 đến 7% năm 2001 và có xu hướng tăng nhanh trong năm 2002. Như vậy, liên tục trong 10 năm qua, Việt Nam thuộc vào n­ước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới.

Cũng trong 10 năm qua, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang có xu thế chuyển dịch mạnh mẽ từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp.

Từ năm 1990, các khoản đầu tư n­ước ngoài, d­ưới dạng đầu tư trực tiếp (FDI) và viện trợ phát triển (ODA) ngày càng tăng trong nền kinh tế Việt Nam. Hơn 14 tỷ USD vốn FDI được giải ngân tại Việt Nam trong 10 năm qua. Khoảng 50% tổng số vốn đầu tư của Việt Nam được cung cấp từ n­ước ngoài, tạo ra 9% GDP. Xu thế nguồn vốn FDI đã có dấu hiệu tăng nhờ chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn của Việt Nam, nhờ sự ổn định chính trị và đảm bảo an ninh.

Các doanh nghiệp Nhà n­ước đã được sắp xếp lại theo hướng tạo ra các tập đoàn kinh tế Nhà n­ước mạnh, làm x­ương sống cho toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đa dạng hoá nguồn hàng hoá cho thị trường trong n­ước và xuất khẩu.

Các thể chế, chính sách đảm bảo tính bền vững của sự phát triển ở Việt Nam đã phát huy tác dụng, làm cho quá trình phát triển kinh tế diễn ra nhanh, tốc độ tăng trưởng cao, thời gian duy trì tăng trưởng cao kéo dài, đồng bộ với sự phát triển bền vững về môi trường, dấu hiệu suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bước đầu được ngăn chặn. Nguyên lý không phải sản xuất ít đi để đảm bảo bền vững, mà sản xuất khác đi để vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa để đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn ở Việt Nam.

1.2 Những thách thức đối với Việt Nam

Trong những thập niên đầu thế kỷ 21, Việt Nam đồng thời phải thực hiện 2 mục tiêu lớn: một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất n­ước, duy trì nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội cao trong nhiều năm; hai là, đảm bảo sao cho quá trình phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Việt Nam đã đạt được sự thống nhất cao độ của Đảng, Nhà nước và toàn dân trong việc lựa chọn con đ­ường phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam cũng đã nhận thức một cách rất sâu sắc những thách thức to lớn đang đặt ra cho đất n­ước mình trên con đ­ường đi tới ở phía tr­ước, đó là:

    • Hiện tại n­ước ta vẫn còn là một n­ước nghèo, bình quân thu nhập năm 2000 chỉ vào khoảng 400 USD/người. Tuy tăng trưởng với tốc độ cao và liên tục trong 10 năm qua, nhưng với điểm xuất phát rất thấp, do đó, Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn để tạo lập những đột phá mạnh trong phát triển kinh tế.
    • Năng lực hoạch định chính sách và đặc biệt là khả năng phối hợp giữa các ngành, các cấp để thực hiện một cách hoàn hảo các chương trình phát triển quy mô lớn của Việt Nam chưa đạt được trình độ cao. Cơ chế điều hành của bộ máy hành chính còn kém hiệu quả.
    • Trình độ dân trí, khả năng nhận thức về phát triển bền vững của nhân dân chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời đại. Nguyên tắc phát triển bền vững chưa thực sự trở thành lẽ sống, nếp văn hoá của mỗi ng­ười dân.
    • Trình độ khoa học, công nghệ của Việt Nam còn ở mức trung bình; việc hiện đại hoá chỉ mới tiến hành trong một số ngành, một số lĩnh vực. Trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, sự thiếu hụt công nghệ hiện đại là một thách thức lớn cần phải vượt qua, để khỏi bị tụt hậu ngày càng xa.
    • Sự biến đổi theo chiều h­ướng xấu của nhiều yếu tố môi trường (đất, rừng, nước, không khí) đồng hành với quá trình phát triển cũng đang đặt ra cho Việt Nam nhiệm vụ tập trung nguồn lực để ứng phó, chặn đứng quá trình suy thoái, từng bước cải thiện môi trường.
    • Xu h­ướng toàn cầu hoá một cách toàn diện, trong đó có tự do hoá thương mại đã, đang và sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước một cuộc cạnh tranh. Tuy nhiên, với một nền kinh tế còn nhiều điểm yếu, cạnh tranh thắng lợi là không dễ dàng.
    • Bối cảnh quốc tế và khu vực trong thời gian gần đây có nhiều biến đổi không thuận lợi; nền kinh tế thế giới có xu h­ướng suy thoái, nền an ninh, chính trị thế giới có nhiều biến động. Tất cả những điều đó ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Từ đó, Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm của Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là nền tảng cơ bản cho phát triển ở Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược: Đưa GDP năm 2010 lên ít nhất gấp đôi năm 2000. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tỷ trọng trong GDP của nông nghiệp là 16-17%, công nghiệp 40-41%, dịch vụ 42-43%. Tỷ lệ lao động còn khoảng 50%. Đồng thời, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phải được tăng cường, chi phối các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; doanh nghiệp nhà n­ước được đổi mới, phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà n­ước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển mạnh và lâu dài. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản và vận hành thông suốt, có hiệu quả.

1.3 Hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển

Sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật về kinh tế là quá trình gắn liền với việc thực hiện đường lối đổi mới từ những năm 1980 do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện. Sự ra đời của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân (1990) là b­ước khởi động mạnh mẽ, mang tính đột phá, nhằm thể chế hoá chính sách mới. Các văn bản này, về mặt pháp lý đã có những nội dung mới so với các quy định của pháp luật hiện hành. Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho phép huy động nguồn vốn từ nước ngoài vào kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư… Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty quy định quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền thừa kế vốn, tài sản, các lợi ích hợp pháp khác của các chủ doanh nghiệp; thừa nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của các doanh nghiệp tư nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà còn cho thấy vai trò của pháp luật trong phản ánh thực tiễn khách quan, thúc đẩy sự hình thành các quan hệ kinh tế mới, phù hợp với xu thế phát triển chung.

Tuy nhiên, phải đến khi Hiến pháp 1992 ra đời, thì việc ban hành văn bản pháp luật về kinh tế mới b­ước vào giai đoạn sôi động. Với việc khẳng định ‘‘Nhà nước phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa… phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế: Kinh tế quốc dân, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế tư bản tư nhân… công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật… có quyền sở hữu tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất… ‘‘ Hiến pháp 1992 đã thực sự đặt nền tảng pháp lý cho sự ra đời của hệ thống pháp luật kinh tế mới.

Theo số liệu thống kê, kể từ sau Hiến pháp 1992 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều luật và pháp lệnh điều chỉnh các quan hệ xã hội trên lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế như lao động, đất đai. Chỉ xét về số lượng các luật kinh tế đã chiếm khoảng 60%, pháp lệnh chiếm khoảng 30% tổng số luật, pháp lệnh được ban hành trong thời gian qua. Đây là tỷ lệ lớn, thể hiện sự ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm của công tác lập pháp.

Các văn bản được ban hành, trên diện rộng đã tạo hành lang pháp lý tương đối toàn diện cho các thành phần kinh tế, giải phóng mọi năng lực sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, khuyến khích đầu tư trong n­ước, chuyển mạnh sang quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật. Có thể đánh giá một cách khái quát rằng, trong vòng 10 năm qua (từ 1992 - đến nay) chúng ta đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật về kinh tế tương đối đầy đủ. Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng về cơ bản đã tích cực cho việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, tạo tích luỹ nguồn vốn cho đầu tư phát triển và nâng cao mức sống của nhân dân.

Để góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, chúng ta phải sớm có được một chiến lược lập pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống luật kinh tế nói riêng, mà trước mắt là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI nhằm cụ thể hoá những bước đi theo sát mục tiêu ‘‘tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững; đi đôi với việc giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội… cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau’‘.

2.Môi trường

Ngày nay, bảo vệ môi trường (BVMT) đã trở thành vấn đề trọng yếu, mang tính toàn cầu. ở nước ta, BVMT trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối chủ trươơng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta.

Cơ sở pháp lý chủ yếu của công tác bảo vệ môi trường đã đượcthể hiện trong Luật BVMT do Quốc hội ban hành năm 1993. Những tiêu chí bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 còn được khẳng định trong văn kiện Đại hội IX của Đảng: ‘‘Chủ động gắn kết yêu cầu cải thiện phát triển bền vững trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế-xã hội, coi yêu cầu về môi trường là một tiêu chí quan trọng để đánh giá các giải pháp phát triển’‘.

2.1 Hoà nhập những cân nhắc môi trường trong quá trình lập kế hoạch phát triển

Đến nay, ở Việt Nam trong quá trình lập kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng đượcchú ý nhiều hơn, ý thức về phát triển bền vững đã bắt đầu được quan tâm. Chẳng hạn, bằng việc ban hành một loạt văn bản quy định về quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, trong những năm qua công tác bảo vệ rừng đã được cải thiện một bước. Các hoạt động lâm nghiệp đã bắt đầu hướng tới sự phát triển bền vững và đã thu được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, nhìn chung những cân nhắc môi trường ch­ưa được thể hiện rõ trong quá trình ra quyết định về kinh tế - xã hội. Các vấn đề như tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực hữu hạn cần bảo vệ, tiết kiệm; môi trường sinh thái là yếu tố quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế, đều chưa được xem xét một cách tổng thể trong quá trình lập kế hoạch kinh tế - xã hội, hoặc xây dựng các dự án phát triển. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các chiến lược và chính sách về phát triển kinh tế với chiến lược và các chính sách bảo vệ môi trường. Hai quá trình lập kế hoạch: về kinh tế và về môi trường vẫn được triển khai theo hướng riêng, theo quy trình và khuôn khổ riêng, ít có trao đổi hoặc gắn kết với nhau.

Trên thực tế còn tồn tại hai quá trình tách rời nhau, đó là: quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế và quá trình lập kế hoạch bảo vệ môi trường sinh thái. Các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch về kinh tế thường chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết của việc gắn kết các cân nhắc môi trường vào quá trình ra quyết định, trong khi đó các nhà quản lý môi trường thường còn ‘‘đứng ngoài’‘ quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế.

Nhiều ngành kinh tế, khi lập kế hoạch dài hạn rất ít đề cập đến phát triển bền vững theo khía cạnh môi trường. Đa số các bản kế hoạch phát triển ngành còn nặng về yếu tố tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sinh thái đặc biệt là yếu tố xã hội, nhân văn, vì vậy hiệu quả xã hội còn thấp.

Sự lớn mạnh nhanh chóng của cơ chế thị trường trong nền kinh tế đã tạo ra những sức ép về quyền lực, về trách nhiệm đối với việc quản lý môi trường. Sự quan tâm đến vấn đề quản lý môi trường cho đến nay hầu như vẫn dừng ở mức đạo đức. Chức năng quản lý môi trường chưa trở thành chức năng kinh tế, với những cơ cấu khuyến khích vật chất phù hợp. Nhận thức chung về suy thoái môi trường, lợi hại trước mắt và lâu dài của việc khai thác tài nguyên môi trường vẫn chưa đượclàm rõ.

Mối liên hệ giữa kế hoạch ngành trung ương với kế hoạch địa ph­ương cũng là một điểm yếu. Bảo vệ và cải thiện môi trường hiện nay được coi là một ngành/lĩnh vực thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây, nay là Bộ Tài nguyên và môi trường) ở cấp trung ương, và các cơ quan ngành dọc ở cấp tỉnh, ở nhiều huyện đến nay chưa có bộ phận chuyên trách quản lý, theo dõi vấn đề này. Đây là một ngành/lĩnh vực mới, tuy được đặc biệt quan tâm ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng các nỗ lực còn tập trung chủ yếu vào các hoạt động nghiên cứu, khuyến cáo, tuyên truyền và giáo dục. Trong thực tế, các hoạt động này còn gần như độc lập, tách biệt với các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành. Không những thế, hiện nay công tác lập kế hoạch về bảo vệ môi trường ở các bộ, ngành và địa phương còn rất yếu, đồng thời cũng chưa có một phương pháp thống nhất trong xét duyệt và thực hiện.

Về khía cạnh tài chính, hiện tại mức đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam mới chỉ vào khoảng 0,03% GDP, thấp hơn so với yêu cầu (1%GDP) cũng như so với tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường gây ra (thí dụ, theo ­ước tính của Ngân hàng thế giới, tổn thất về sức khoẻ ở Việt Nam, vào khoảng 0,3% GDP). Sự thiếu vắng những công cụ kinh tế nhằm bảo vệ môi trường như lệ phí môi trường, thuế môi trường v.v… làm cho công tác bảo vệ môi trường ch­ưa tạo được những kích thích từ phía kinh tế đối với những ng­ười sử dụng các thành phần môi trường cho hoạt động sản xuất kinh doanh

2.2 Pháp luật về bảo vệ môi trường Việt Nam

Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực cải cách chính sách và phát triển các cơ quan BVMT. Báo cáo của Việt Nam tại Hội nghị môi trường và Phát triển ở Rio, năm 1992, đã liệt kê những mong muốn của đất nước. Năm năm sau, Báo cáo của Việt Nam tại hội nghị quốc tế tiếp theo tại New York, nhằm kiểm điểm các tiến bộ đạt đượctrong thực hiện Chương trình Nghị sự 21, đã trình bày danh sách những cải cách chính sách được thực thi.

Ngay từ năm 1986, Chiến lược bảo tồn quốc gia đượcsoạn thảo và 5 năm sau, vào năm 1991 Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững (NPESD), ngay tr­ước khi Hội nghị Rio diễn ra. Bốn năm tiếp theo, hai kế hoạch được soạn thảo, đó là Kế hoạch Hành động Môi trường Quốc gia, đón tr­ước các yêu cầu bắt buộc của Ngân hàng Thế giới (WB); và Kế hoạch Hành động Đa dạng sinh học (BAP) sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Đa dạng Sinh học, năm 1993. Ngoài ra, nhiều chương trình cải cách luật pháp và thể chế về môi trường đã được thực hiện.

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Mặc dù còn ch­a đồng bộ, nhưng các văn bản này đã góp phần tích cực vào hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường.

Luật BVMT có hiệu lực từ ngày 10/1/1994. Có thể nói đây là thời điểm mà công tác BVMT của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, phát triển cả về chất và lượng. Lần đầu tiên, các khái niệm cơ bản có liên quan tới bảo vệ môi trường đã được định nghĩa, được xác định một cách chuẩn xác làm cơ sở cho việc vận dụng vào hoạt động quản lý môi trường; các nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhà nước, cá nhân và các tổ chức được ràng buộc bằng pháp lý.

Cùng với Luật bảo vệ môi trường, và một loạt các văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành từ tr­ước 1990 như: Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (1989), Pháp lệnh về thu thuế tài nguyên (1989), Pháp lệnh Bảo vệ đê điều (1989), Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (1989); từ năm 1991 đến nay Nhà nước Việt Nam đã ban hành thêm nhiều bộ luật, pháp lệnh khác có liên quan đến công tác BVMT, đó là:

- Hiến pháp sửa đổi (2001)

- Bộ Luật Hình sự sửa đổi (1999)

- Luật Khoa học và Công nghệ

- Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991)

- Luật Đất đai (1993)

- Luật Dầu khí (1993)

- Luật Khoáng sản (1996)

- Luật Tài nguyên n­ước (1998)

- Luật Đầu tư n­ước ngoài (1997)

- Luật Khuyến khích đầu tư trong n­ước (1999)

- Pháp lệnh Thú y (1993)

- Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (1993)

- Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ (1996)

- Pháp lệnh Phí và lệ phí (2001)

Để thúc đẩy quá trình pháp chế hoá công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, sau Luật BVMT, hàng loạt các Nghị định, Chỉ thị, Thông tư cấp Bộ và liên Bộ, và các Quyết định liên quan, đã được ban hành, tạo thành một hệ thống các quy định d­ưới luật, phục vụ việc thực hiện Luật BVMT.

Nghị định 175/CP năm 1994 của Chính phủ đã cụ thể hoá trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương trong việc thực hiện Luật BVMT; lần đầu tiên đưa vào áp dụng một loạt các quy định liên quan đến công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kiểm toán đối với các cơ sở mới của quốc gia và áp dụng kiểm soát xuất, nhập khẩu và vận chuyển các loài quý hiếm. Đồng thời, Nghị định này đã đề xuất quyền thanh tra và áp dụng các khoản lệ phí và phạt hành chính môi trường, tuy nhiên khái niệm này vẫn còn gây tranh cãi và khó đưa vào áp dụng.

Nghị định 26/CP, ban hành năm 1996, đã nâng khung phạt hành chính đối với các vi phạm pháp luật môi trường liên quan đến những lĩnh vực: ĐTM và kiểm soát môi trường; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; buôn bán các loài quý hiếm; khai thác mỏ; cũng như hàng loạt những hành vi vi phạm gây ô nhiễm.

Tháng 6 năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 36-CT/TƯ về Tăng cường bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chỉ thị phản ánh mức độ cam kết cao của Nhà nước đối với BVMT. Chỉ thị đề ra một Chương trình hành động bao gồm: xây dựng chiến lược quốc gia về BVMT và phát triển bền vững thời kỳ 2001-2010; hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý nhà n­ước về BVMT; đ­ưa các vấn đề môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng Nghị định của Chính phủ về đa dạng hoá đầu tư cho công tác BVMT; xây dựng kế hoạch giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các xí nghiệp công nghiệp gây ra; và sửa đổi Luật BVMT, góp phần quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường của quốc gia.

2.3 Một số hạn chế đối với pháp luật bảo vệ môi trường và h­ướng hoàn thiện

Cùng với Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều đạo luật khác cũng chứa đựng các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài các văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân trong việc bảo vệ môi trường, còn có chế tài hình sự, hành chính, dân sự đối với những hành vi gây tác hại môi trường. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết trên 20 điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ môi trường còn một số hạn chế sau đây:

- Thiếu các quy định khuyến khích phòng ngừa ô nhiễm môi trường, thiếu quy định khuyến khích sử dụng vật liệu tái sinh, các quy định về nghĩa vụ làm sạch nước, khí trước khi thải vào nguồn nước, vào không khí. Thiếu các quy định về giới hạn được phép thải các chất khí, chất lỏng và chất rắn có hại vào không khí, nước và đất và sự công bố công khai nhưng giới hạn này cũng như về trạng thái môi trường trong từng khu vực và vào những thời điểm nhất định.

- Chưa có cơ quan giám sát tác động môi trường từ hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh với tính chất là một cơ quan độc lập. Chưa có các quy định về các tổ chức kiểm toán môi trường hoạt động độc lập, có chức năng đánh giá tác động môi trường.

- Chưa cụ thể hoá quy định về nghĩa vụ đóng góp của các tổ chức, cá nhân có sử dụng bộ phận cấu thành của môi trường.

- Các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia chưa được nội hoá, chuyển tải thành pháp luật trong nước và chưa được hướng dẫn thi hành.

Định hướng hoàn thiện

- Khuyến khích áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ không gây ô nhiễm.

- Quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường trong trường hợp gây ô nhiễm, làm thiệt hại tới môi trường, quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và hình phạt đối với từng loại hành vi vi phạm.

- Quy định tổ chức, chức năng, quyền hạn của cơ quan giám sát tác động môi trường, cho phép ra đời các tổ chức đánh giá tác động môi trường độc lập.

- Ban hành, công bố công khai và cập nhật thường xuyên các giới hạn các chất thải được phép thải vào môi trường.

- Chuyển hoá các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã ký kết thành luật trong n­ước. Nghiên cứu các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam cần tiếp tục ký kết.

3. Xoá đói giảm nghèo

Xoá đói giảm nghèo là áp lực to lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia đang phát triển. Trong những năm qua, công cuộc giảm nghèo đói của Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể song nghèo đói vẫn còn tồn tại trên cả diện rộng và bề sâu. Những chính sách và chiến lược đúng đắn của Nhà nước ta sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ nhằm giảm nghèo đói với tốc độ nhanh và trên phạm vi rộng trong thập kỷ tới.

3.1 Khái niệm về nghèo đói

Thông thường các nước sử dụng thước đo mức độ nghèo đói dựa vào tiêu chí tính trên đầu ng­ười. Để tính toán ng­ưỡng nghèo, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng thế giới đã sử dụng ph­ương pháp dùng một rổ các loại l­ương thực được coi là cần thiết để đảm bảo mức độ dinh dưỡng tốt cho con ng­ười. Rổ l­ương thực này sẽ tính cả đến cơ cấu tiêu dùng lương thực của các hộ gia đình ở Việt Nam theo tính toán từ cuộc điều tra mức sống dân cư 1993 và 1998 và được chia thành hai ng­ưỡng nghèo: ngưỡng nghèo thứ nhất là số tiền cần thiết để mua một rổ lương thực hàng ngày, được gọi là ‘‘ngưỡng nghèo về lương thực thực phẩm’‘; ngưỡng nghèo thứ hai được gọi là ‘‘ngưỡng nghèo chung’‘ bao gồm cả phần chi tiêu cho sản phẩm phi lương thực.

Điểm xuất phát để xây dựng một ngưỡng nghèo LTTP là lượng thức ăn tiêu thụ phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Trong nhiều năm qua các nhà dinh dưỡng của tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan quốc gia và quốc tế đã đư­a ra nhiều kiến nghị về lượng dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo cho một cuộc sống khoẻ mạnh. Chỉ tiêu cơ bản nhất về lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể là lượng ca-lo tiêu dùng. Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan khác đã xây dựng mức ca-lo của tối thiểu cần thiết cho mỗi cơ thể theo thể trạng con người. Nhu cầu ca-lo của mỗi người rất khác nhau, tuỳ thuộc vào độ tuổi, giới tính và cường độ hoạt động thể chất mà họ thực hiện. Tuy vậy, để xây dựng một ngưỡng nghèo, cần phải xác định mức nhu cầu trung bình cho toàn bộ dân số. Ngân hàng thế giới đã nhiều lần làm như vậy và con số phổ biến đượcsử dụng xác định ngưỡng nghèo là 2100 ki-lô ca-lo cho một người mỗi ngày.

Theo Quyết định 1143 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành năm 2000 có định nghĩa về tiêu chí hộ đói và hộ nghèo như sau:

Hộ đói là hộ có mức thu nhập bình quân đầu ng­ười dưới 13 kg gạo/tháng tương đương với 45.000 đồng.

Hộ nghèo là hộ có thu nhập tính bình quân đầu người/tháng ở các mức theo từng vùng cụ thể: Dưới 15 kg gạo/tháng tương đương với 55.000 đồng đối với khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Dưới 20 kg gạo/tháng tương đương với 70.000 đồng đối với khu vực nông thôn vùng đồng bằng và trung du; Dưới 25 kg gạo/tháng tương đương với 90.000 đồng đối với khu vực thành thị.

3.2 Tình hình xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam

Việt Nam giảm nghèo đói nhanh nhưng không đồng đều:

- Giảm nghèo đói ở Việt Nam diễn ra nhanh. Các thành tựu đã đạt được bao gồm giảm 20,8% chỉ số nghèo đói tính theo đầu người (1993-1998). Kinh nghiệm giảm nghèo đói của Việt Nam trong thập kỷ 90 có thể đưa Việt Nam vào hàng những nước có tốc độ giảm nghèo đói nhanh nhất đã có từ trước đến nay. Quá trình tăng trưởng cho đến nay cũng diễn ra trên diện tương đối rộng: mức thu nhập tuyệt đối và phúc lợi của hầu hết các vùng và các nhóm dân tộc đều tăng lên.

- Xem xét kỹ hơn sự chênh lệch về mặt kinh tế - xã hội và chênh lệch giữa các vùng thấy rằng, nghèo đói đang ngày càng trở nên tập trung hơn, hiện nay có hơn 70% số ng­ười nghèo ở Việt Nam sinh sống ở vùng núi phía bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Bắc trung bộ. Tỷ lệ thu nhập của các hộ gia đình thành thị so với nông thôn tăng từ 1,8:1 lên 2,2:1 trong cùng thời kỳ. Chênh lệch về mức chi tiêu giữa nhóm 20% số người có mức chi tiêu cao nhất so với nhóm 20% số người có mức chi thấp nhất đã tăng từ 4,9 lên 5,5 lần trong cùng thời gian đó.

- Trong giai đoạn từ 1993 đến 2000, tỷ lệ dân sống d­ưới ng­ưỡng nghèo đói trong toàn quốc đã giảm từ 58% (1993) đến 37% (1998) và 32% (2000), trong đó ở nông thôn đã giảm từ 66% xuống 45% và ở thành phố giảm từ 25% xuống còn 9%. Tỷ lệ hộ sống dưới ngưỡng nghèo về lương thực thực phẩm cũng đã giảm đáng kể ở cả nông thôn (từ 29% xuống 18%) và thành thị (từ 8% xuống 2%). Vào đầu năm 2001 trong cả nước vẫn còn khoảng 2,8 triệu hộ gia đình nghèo, chiếm khoảng 17%. Tuy nhiên, sự cách biệt thu nhập giữa 20% người giàu nhất và 20% ng­ười nghèo nhất trong tổng dân số, đã tăng lên đáng kể, từ 7,3 lần (1993) lên 8,9 lần (1998). Sự cách biệt này là biểu hiện của một nền kinh tế mở và cạnh tranh hơn, trong đó của cải tập trung vào các khu vực đô thị, là những nơi nhận được phần lớn đầu tư­. Trong khi đó gần 80% dân số toàn quốc và đến 90% người nghèo là sống ở nông thôn.

Quan hệ giữa xoá đói giảm nghèo với bất bình đẳng:

Thứ nhất, bất bình đẳng tăng lên có nghĩa là tốc độ giảm nghèo đói giảm đi. Ngân hàng thế giới ­ước tính rằng trong khoảng thời gian từ 1993-1998 tỷ lệ nghèo đói (tính theo mức nghèo đói chung) ở Việt Nam lẽ ra đã giảm thêm 7% nếu sự tăng trưởng được phân phối đồng đều trong cả n­ước. Mặc dù một số nước như Thái Lan và Trung Quốc cũng đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng mất cân đối giữa các vùng nhưng một số nước khác trong một số thời kỳ (ng­ược với Việt Nam hiện nay) đã có khả năng làm cho sự phân phối tăng trưởng theo vùng thực sự hỗ trợ cho tác động của tăng trưởng trong việc giảm nghèo đói. Đó là các nước như Malaixia trong thời kỳ 1973-1989, Inđônêxia trong thời kỳ 1978-1984 và Đài Loan trong gần cả thời kỳ công nghiệp hoá hết sức nhanh chóng (1950-1985). Thứ hai, mức độ bất bình đẳng thấp hơn đóng góp trực tiếp vào sự ổn định kinh tế -xã hội và điều này đến lượt nó có tác động tích cực tới tính bền vững của cải tổ. Sự phân phối không công bằng các lợi ích và chi phí phát triển cuối cùng có thể làm mất đi sự ổn định xã hội (ví dụ như Indonêxia), còn ở Việt Nam sự tăng trưởng chậm ở các vùng miền núi đang kìm hãm tốc độ giảm nghèo khổ của các dân tộc thiểu số, làm tăng thêm các mối lo ngại xét từ góc độ ổn định kinh tế -xã hội và đoàn kết giữa các dân tộc. Thứ ba, hỗ trợ bình đẳng bản thân nó có thể là một mục tiêu, chứ không chỉ đơn thuần là tăng thu nhập tuyệt đối. Điều này thể hiện rõ trong khẩu hiệu ‘‘xã hội công bằng’‘ - đặc biệt quan trọng ở Việt Nam do định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Thứ tư, việc giảm sự bất bình đẳng là phương tiện làm tăng tốc độ tăng trưởng trong tầm dài hạn. Nhiều nhà phân tích thừa nhận mối quan hệ tương hỗ trong đó tăng trưởng nhìn chung sẽ dẫn đến giảm nghèo đói về mặt thu nhập, trong khi đó những cố gắng làm tăng thu nhập của người nghèo lại có tác động tích cực đến tăng trưởng trong tầm trung hạn và dài hạn (thậm chí cả khi việc phân phối lại làm giảm mức đầu tư hiện nay về mặt ngắn hạn). Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đều thừa nhận tầm quan trọng của sự tăng trưởng bền vững trong tầm dài hạn và hiệu ứng ‘‘cái vòng luẩn quẩn’‘. Báo cáo của Việt Nam tại Hội nghị về phát triển xã hội tại Đan Mạch 1995 tuyên bố rõ ‘‘tất cả chính sách kinh tế đều phải bao gồm cả những mục tiêu phát triển xã hội và tất cả các chính sách xã hội phải có khả năng luận chứng được về mặt kinh tế hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, trong tầm ngắn hạn hoặc dài hạn’‘. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không nhất thiết cứ đất n­ước phát triển đi lên là người nghèo có thể đuổi kịp những người giàu mới nổi lên. Mức độ mà người nghèo tham gia vào tăng trưởng kinh tế, cả trong tầm ngắn hạn và dài hạn tuỳ thuộc vào các chính sách, thể chế và cấu trúc xã hội cụ thể đang tiến hoá. Vì vậy hầu hết các nhà phân tích đều thấy rằng các can thiệp chính sách cụ thể có một vai trò nhất định trong xoá đói giảm nghèo.

Quan hệ giữa tăng trưởng, công bằng trong việc giảm nghèo đói:

Nhìn chung tăng trưởng kinh tế bền vững là một biện pháp chính đối với tình trạng nghèo đói tuyệt đối, đặc biệt là đối với một n­ước có thu nhập nhập rất thấp như Việt Nam. Một vài sự can thiệp của Chính phủ có thể làm giảm nghèo đói mà không cần đến tăng trưởng; việc cố gắng thực hiện điều này có thể đòi hỏi những phương pháp cấp tiến về phân phối lại thu nhập mà điều này không những không có tính khả thi về mặt chính trị mà còn không đem lại hiệu quả. Ngay cả đầu tư lớn vào phát triển con người thiết lập một xã hội lành mạnh, dân trí cao cũng sẽ không thể chống chọi đượcvới đói nghèo nếu quản lý kinh tế kém, không có tăng trưởng và không có cơ hội tạo thu nhập. ở một số nước, như Trung Quốc, thành quả về thu nhập quốc dân đầu người có thể chia thành ba thời kỳ riêng biệt trong thập kỷ 80 và 90 với những tác động khác nhau đến tốc độ giảm nghèo đói, trong đó thời kỳ 1985-1991 sự phát sinh bất bình đẳng đủ lớn để số người nghèo đói tuyệt đối tăng lên trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế chung vẫn là động lực của quá trình giảm nghèo đói. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới, nếu Trung Quốc không có tăng trưởng kinh tế thì tỷ lệ nghèo đói tuyệt đối sẽ tăng lên 27% vào năm 1995 so với tỷ lệ thực tế là 7%.

3.3 Chiến lược và chính sách giảm nghèo đói của Việt Nam

Những chính sách và chiến lược đúng đắn của Nhà nước sẽ giúp giảm nghèo đói với tốc độ nhanh và trên phạm vi rộng trong thập kỷ tới. Có nghĩa là tỷ lệ nghèo đói của dân tộc Kinh sẽ giảm dần một nửa vào đầu năm 2010 (khoảng 15%). Đối với các dân tộc thiểu số, cần phải tăng nhanh tốc độ giảm nghèo đói, nếu không đến 2010 có nhiều khả năng trên 50% dân số thuộc các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn phải sống trong nghèo đói.

Chiến lược quan trọng nhất nhằm giảm nghèo đói ở Việt Nam là khôi phục đà cải tổ, tiến hành cải tổ cơ cấu nhằm tạo việc làm. Cần tư duy lại chính sách vùng nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các vùng nghèo nhất đẩy nhanh phát triển; Cần có các chính sách ngành nhằm xúc tiến các phương thức tăng trưởng mà các hộ tương đối nghèo có thể tham gia vào; và cần có một khuôn khổ chính sách vì người nghèo.

Trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng hàng loạt các chính sách can thiệp liên quan đến xoá đói giảm nghèo, như­:

- Giao đất: Chính phủ coi chính sách giao đất nông nghiệp và đất trồng rừng cho nông dân là một biện pháp lâu dài cơ bản nhằm tiến tới xoá đói, giảm nghèo và phát triển công bằng tại nông thôn.

- Cung cấp tín dụng cho người nghèo: biện pháp này nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất của các hộ nghèo.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn: hệ thống thuỷ lợi, nhất là cho trồng lúa, đường xá nông thôn, trường học, các trạm xá, và cung cấp nước sạch cho nông thôn là những lĩnh vực được chú trọng quan tâm đặc biệt.

- Các dịch vụ nông nghiệp: Chương trình về các dịch vụ hỗ trợ sản xuất như khuyến lâm và ngư nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu và chuyển giao công nghệ đã được thực hiện từ những năm 90 để đáp ứng nhu cầu của nông dân về đầu vào cho sản xuất.

- Khuyến khích tạo công ăn việc làm: Chương trình quốc gia về tạo công ăn việc làm chủ yếu hoạt động như là một mạng lới an sinh nhằm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình cơ cấu lại khu vực kinh tế quốc doanh. Mục đích của Chương trình này là trực tiếp thúc đẩy các cơ hội tạo việc làm thông qua các hình thức như trả tiền trợ cấp thôi việc, tín dụng trợ cấp và đào tạo các nghề mới.

- Định canh, định cư cho các dân tộc ít người quen sống du canh, du cư: Chương trình định canh định cư và phát triển các khu kinh tế mới đã đượcBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các chính quyền địa phương thực hiện nhằm nâng cao mức sống của người nghèo bằng cách huy động các tài nguyên đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

- Phủ xanh đất trống đồi trọc: Mục tiêu của chương trình là phủ xanh các vùng đất trống đồi trọc và phát triển nông thôn, lâm và ng­ nghiệp trên toàn lãnh thổ đất nước. Trong những năm 1993-1996 các mục đích của chương trình này đã dần dần co hẹp lại chỉ tập trung vào phát triển các khu rừng đặc dụng đượcbảo vệ tại các vùng núi cao.

- Giáo dục: các hoạt động mục tiêu bao gồm đến năm 2000 đảm bảo tất cả các huyện đều có trường tiểu học với chất lượng tốt; đẩy mạnh các hình thức giáo dục không chính thức cho trẻ em không đến trường và cho người mù chữ; và cải thiện hệ thống đào tạo dạy nghề để đáp ứng đượcnhu cầu của thị trường.

- Y tế gồm hai hoạt động: các chương trình ngành dọc như chương trình phòng chống bệnh sốt rét, bướu cổ, tiêm chủng, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và các chương trình hoạt động của địa phương như cung cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ miễn phí cho người nghèo.

- Mạng lưới bảo trợ an sinh xã hội, trong lĩnh vực này có ba quỹ chính: Quỹ bảo đảm xã hội cho cựu chiến binh và th­ơng bệnh binh trong chiến tranh; Quỹ bảo đảm xã hội cho trợ cấp thường xuyên trợ giúp cho các đối tượng tàn tật, trẻ em mồ côi và người giả cả; Quỹ dự trữ phòng chống thiên tai và đói kém.

- Phòng chống và kiểm soát ma tuý đượcthành lập năm 1993 với đối tượng chủ yếu là đồng bào ít người nghèo trên vùng núi.

3.4 Chính sách pháp luật của Việt Nam đối với việc xoá đói giảm nghèo

Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam là một thành tựu lớn trong việc hỗ trợ cho xoá đói giảm nghèo. Trong những năm qua, nhiều văn bản pháp luật đã đượcban hành nhằm từng bước giải quyết hiệu quả vấn đề này, như:

Luật đất đai ban hành năm 1993 đã nêu rõ nông dân có quyền đượcsử dụng đất được cấp trong 20 năm và sau đó quyền sử dụng đất này có thể sẽ được kéo dài thêm. Nông dân có quyền đượcchuyển nhượng hoặc thế chấp quyền sử dụng đất.

Nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo, Chương V của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 quy định việc miễn, giảm thuế cho người nghèo; miễn hoặc giảm thuế cho các hộ nông dân sản xuất ở vùng cao, miền núi, biên giới và hải đảo mà sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn; miễn hoặc giảm thuế cho các hộ nông dân là dân tộc thiểu số mà sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn; miễn thuế cho các hộ nông dân là người tàn tật, già yếu không nơi n­ơng tựa. (Điều 22)

Luật hợp tác xã 1996 tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ xã viên xóa đói giảm nghèo. Luật quy định chính sách của Nhà n­ước thông qua hợp tác xã để thực hiện các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ xã viên xoá đói, giảm nghèo, thực hiện bình đẳng, công bằng và tiến bộ xã hội.

Quyết định 327/CT 9/1992 gọi tắt là Chương trình 327 ‘‘Phủ xanh đất trống đồi trọc’‘, lồng ghép mục tiêu môi trường với chống nghèo đói.

Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 3/7/1998 gọi tắt là Chương trình 135 ‘‘Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa’‘.

Quyết định số 252/1998/QĐ-TTg ngày 26/12/1998 giao kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn.

Quyết định số 13/1998/QĐ-TTg ngày 23-1-1998 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Quyết định 133/1998/QĐ-TTg gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo (có 7 văn bản). Văn bản này quy định việc thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo; đồng thời đưa ra những cải cách về chính sách đất đai và sau đó là cải cách trong các ngành lâm nghiệp và thuỷ sản nhằm kích thích sự phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Quyết định số 734-TTg ngày 6-9-1997 về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối t­ợng chính sách.

Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-BKH-BTC-BLĐTBXH ngày 15-3-1999 hướng dẫn kế hoạch hoá việc lồng ghép các các chương trình, dự án tham gia thực hiện xoá đói giảm nghèo.

Thông tư liên tịch số 416/1999-TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 29-4-1999 hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thông tư số 33/1999/TT-BCT ngày 29-3-1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, cấp phát kinh phí sự nghiệp chương trình Quốc gia về xoá đói giảm nghèo.

Chính sách phát triển bền vững của chúng ta đã đề cập tới 3 mảng hoạt động cấp bách để chống lại nghèo đói: Trước hết, phải mở ra những cơ hội tạo việc làm và nâng cao năng suất lao động để từ đó góp phần tăng thu nhập và giúp người nghèo vượt ra khỏi nghèo đói; Thứ hai, có các biện pháp để đảm bảo ích lợi của tăng trưởng và khả năng tiếp cận các dịch vụ một cách khách quan và công bằng; nhờ vậy, mọi công dân đều được hưởng những thành quả do sự phát triển mang lại; Thứ ba, đặc biệt chú ý giảm bớt nguy cơ dễ bị tổn thương của người nghèo trước những bất trắc trong đời sống (ốm đau, mùa màng thất bát...)

4.Vấn đề giới và phát triển bền vững

Giới và phát triển là một trong những quan điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc tác động đến các định hướng phát triển theo hướng công bằng và bền vững của thập kỷ XX. Quan điểm này có vai trò quan trọng trong việc tìm tòi và đưa ra những cách tiếp cận mới trong việc hoạch định các chính sách, chương trình và dự án phát triển có tính đến nhu cầu của cả phụ nữ và nam giới. Quan điểm này đặt vấn đề gắn quan hệ giới với mục tiêu, hiệu quả và lợi ích cuối cùng của sự phát triển. Nói cách khác, quan điểm này cho rằng nếu sự phát triển đem lại lợi ích cho cả hai giới và góp phần duy trì các quan hệ giới bình đẳng thì đó là sự phát triển có hiệu quả và bền vững đối với mỗi dân tộc và quốc gia.

4.1 Khái niệm giới

Tr­ước đây, vào nửa đầu thế kỷ XX, khi nói đến sự khác biệt giữa nam và nữ người ta thường chỉ dùng một từ duy nhất để phân biệt, từ đó là giới tính. Lúc đó người ta tin rằng sự khác biệt về giới tính, tức là về đặc điểm sinh học. Nói cách khác, các hiện tượng xã hội như sự khác biệt về nghề nghiệp, khoảng cách về địa vị xã hội giữa nam và nữ v.v.. đều có thể giải thích bằng các đặc điểm sinh học. Sau này người ta nhận ra rằng, quan điểm sinh học không giải thích được sự đưa dạng về vị trí xã hội và nghề nghiệp của phụ nữ ở các n­ước khác nhau và thậm chí ở các vùng khác nhau trong một nước. Quan điểm này cũng không lý giải đượcsự biến đổi căn bản về vị trí và vai trò của phụ nữ theo chiều dài lịch sử.

Chẳng hạn trong khi mọi phụ nữ đều giống nhau ở chỗ có thể mang thai và sinh con, mọi nam giới đều giống nhau ở chỗ có tinh trùng và khả năng giúp phụ nữ thụ thai thì vị trí xã hội của phụ nữ và quan hệ xã hội giữa hai giới lại có sự khác biệt lớn giữa các nước và ngay trong một n­ước. Phụ nữ Việt Nam ngày nay không khác so với các cụ bà của họ vào đầu thế kỷ XX về chức năng sinh sản nhưng lại hoàn toàn khác về vị trí và tiếng nói trong gia đình và xã hội. Hoặc ở ngay cùng một thời điểm đầu thế kỷ XXI thì phụ nữ n­ước ta có các quyền công dân và vị trí xã hội cao hơn hẳn so với một số nước Nam á theo đạo Hồi.

Người ta thấy rằng, sự khác biệt giữa nam và nữ nhất thiết phải được giải thích bằng hai khái niệm đi liền nhưng có sự tách biệt rõ ràng. Thứ nhất, đó là sự khác biệt về đặc điểm sinh học, còn gọi là giới tính, liên quan chủ yếu đến vai trò sinh sản. Thứ hai là đặc điểm xã hội, còn gọi là giới, có liên quan đến các yếu tố thể chế chính trị, tôn giáo, văn hoá, kinh tế v.v… Trong hai nhóm đặc điểm này, các yếu tố xã hội có vai trò quyết định đối với bản chất của các tương quan giữa nam và nữ trong gia đình và xã hội. Nếu một gia đình (tương tự như một xã hội) đã xây dựng đượccác quan hệ bình đẳng và tôn trọng giữa vợ và chồng thì không thể nói đó là do các đặc điểm sinh học của cá nhân những người đó mà do quá trình giáo dục của cha mẹ, của nhà trường, do môi trường sống và làm việc được tạo dựng bởi các chính sách cụ thể, bởi các cơ hội mà xã hội mang lại cho mỗi người với tư cách là phụ nữ và nam giới và cuối cùng do những nỗ lực của bản thân từng người v.v..

Khái niệm giới và giới tính có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Thứ nhất, góp phần giải thích một cách biện chứng sự khác biệt giữa hai giới dựa trên cơ sở một bên là các đặc điểm sinh học, không thể thay đổi và một bên là các đặc điểm xã hội luôn biến đổi. Thứ hai, từ đây, góp phần lý giải các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoảng cách về vị trí và tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Và thứ ba, quan trọng hơn cả là khẳng định rằng vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội không phải là một đại lượng tiền định sinh học mà là một sản phẩm của các quan hệ xã hội và do đó có thể biến đổi dưới tác động của các yếu tố xã hội.

Một trong những ví dụ rất đáng chú ý về sự tác động đan xem giữa hai yếu tố sinh học và xã hội và thường được viện dẫn trong các cuộc tranh luận về giới và giới tính là vấn đề tuổi thọ. Nhiều nhà khoa học tin rằng, xu hướng chung của phụ nữ có độ tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới là do sự chi phối của các yếu tố sinh học, tức là sự khác biệt về giới tính. Tuy nhiên, khi xem xét tuổi thọ trung bình của phụ nữ và nam giới theo nhóm nước, người ta phát hiện ra rằng chúng rất khác nhau. Người ta tính được rằng, ở 25 nước phát triển nhất, chêch lệch tuổi thọ giữa nam và nữ là gần 10% (7-8 năm), trong khi ở 43 nước nghèo nhất, chênh lệch này chỉ là 5% (3-3,5 năm). Ngay giữa những nước có điều kiện kinh tế tương tự thì tuổi thọ trung bình của phụ nữ ở đó cũng khác nhau. Điều đó gợi ý rằng, bên cạnh yếu tố sinh học còn có các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hoá chi phối tuổi thọ trung bình của phụ nữ. Điều này càng được khẳng định khi người ta thấy rằng vẫn còn bốn nước trên thế giới, nơi tuổi thọ trung bình của phụ nữ thậm chí còn thấp hơn hoặc bằng nam giới. ở đây bao gồm các yếu tố kinh tế, xã hội, tôn giáo và tập quán truyền thống đã hạn chế người phụ nữ trong việc chăm sóc sức khoẻ, trong việc tiếp cận việc làm và có thu nhập. Bên cạnh đó, người phụ nữ chư­a được tôn trọng trong gia đình và ngoài xã hội v.v.. để có thể sống khoẻ mạnh và kéo dài tuổi thọ.

Ví dụ nêu trên cho phép khẳng định rằng, các yếu tố sinh học có thể là tiền đề cho phép phụ nữ sống lâu hơn nam giới nhưng tiền đề này có được thực hiện không và được thực hiện đến đâu lại do các yếu tố kinh tế, xã hội quyết định. Phương pháp phân tích tương tự cũng có thể được áp dụng để giải thích những hiện tượng khác về nam và nữ. Nói cách khác, sự khác biệt giữa nam và nữ về cơ bản chính là về sự khác biệt về giới, là sự khác biệt chịu sự chi phối bởi các điều kiện và môi trường xã hội.

Có thể nói rằng sự xuất hiện của khái niệm giới đã góp phần lý giải và nâng cao nhận thức của các nhóm xã hội về khả năng và năng lực của phụ nữ. Việc lấy sự khác biệt về sinh học (phụ nữ sinh con) để giải thích cho những khác biệt về xã hội (địa vị và năng lực của người phụ nữ) đã được chứng minh là thiếu khách quan và không khoa học. Thông qua việc tuyên truyền và đào tạo về giới có thể góp phần khắc phục những tồn tại trong nhận thức và thực tại xã hội về những thiên kiến, việc coi nhẹ, thậm chí đánh giá thấp các phẩm chất và năng lực của người phụ nữ v.v..

4.2 Bình đẳng giới là một mục tiêu phát triển

Phát triển thông thường được dùng để chỉ một sự đi lên từ một trạng thái nhất định. Ví dụ phát triển đô thị, phát triển kinh tế hộ v.v.. Khái niệm phát triển còn được sử dụng để chỉ một hướng đi, một sự tiến bộ của một cộng đồng, một xã hội. Phát triển ở đây chủ yếu được đề cập đến ở nội dung phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi của một địa phương và một quốc gia.

Quan điểm giới và phát triển cho rằng bình đẳng giới cần phải trở thành một trong những mục tiêu phát triển. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ qua lại giữa giới và sự phát triển, quan điểm này đưa ra những gợi ý rằng các kế hoạch phát triển có tính đến lợi ích của cả hai giới sẽ đảm bảo sự phát triển công bằng và bền vững.

Khái niệm phát triển cũng đã trải qua một quá trình biến đổi để có đượcnội hàm đầy đủ và toàn diện hơn. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khái niệm phát triển chủ yếu đượcsử dụng để chỉ mô hình phát triển hướng vào tăng trưởng kinh tế. Mô hình này dựa trên quan niệm cho rằng tăng thu nhập quốc dân là biện pháp cần và đủ đối với sự phát triển của một đất nước. Mô hình này đề cao các biện pháp đẩy nhanh tốc độ tăng thu nhập quốc dân và cho rằng, cùng với tăng trưởng kinh tế, các kết quả thu đượcsẽ được’‘chia đều’‘ cho các tầng lớp dân cư.

Thực tế nhiều nước đang phát triển và một số n­ước phát triển tuy nhiên lại cho thấy một kết quả khác. Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng cao song hầu hết phải đối mặt với những vấn đề xã hội gay gắt như tăng tỉ lệ thất nghiệp, phân hoá xã hội và tình trạng nghèo khổ trầm trọng hơn. Tr­ước thực tế này, người ta cho rằng, tăng trưởng đơn thuần không phải là mục tiêu duy nhất mà một quốc gia cần hướng tới trong quá trình phát triển của mình.

Mục tiêu cuối cùng của phát triển cần phải là cải thiện đời sống một cách bền vững đối với cá nhân. Thành quả của phát triển cần đượcchia sẻ cho mọi người. Nếu duy trì đặc quyền, để giàu có và bất công cùng tồn tại thì phát triển đã thất bại trong việc hướng tới các mục tiêu quan trọng của mình.

Sự thay đổi về quan niệm phát triển đã khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và mối liên hệ giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội. Đây là môi trường thuận lợi về mặt nhận thức để đặt ra và xem xét các mối liên hệ giữa bình đẳng giới và sự phát triển. Mối quan hệ này đã đượcxem xét từ những khía cạnh thực tế của kinh nghiệm phát triển ở các nước như sau.

Tại nhiều nước, mặc dù được bình đẳng nam nữ đảm bảo bằng hệ thống pháp luật song trên thực tế, các chính sách phát triển chưa thực sự quan tâm đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ. Việc tập trung quá cao cho mục tiêu tăng trưởng đã khiến cho các mục tiêu xã hội, vốn gắn chặt với người phụ nữ như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục v.v.. không được đầu tư phát triển một cách tương xứng với tầm quan trọng của nó. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai và đến lượt nó sẽ có tác động tiêu cực trở lại đối với tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển kinh tế vì thể không thể duy trì tính bền vững như mong muốn.

Tại hầu hết các nước, phụ nữ và nam giới tham gia vào lao động xã hội với những điều kiện và đặc điểm khác nhau. Công việc nội trợ gia đình khiến phụ nữ ít có cơ hội nâng cao trình độ, tập trung cao cho công tác chuyên môn và tham gia công tác quản lý như nam giới. Trong khi đó các chính sách phát triển chưa quan tâm một cách cụ thể đến những khác biệt này.

Bên cạnh đó, các chính sách đối với phụ nữ có xu hướng tập trung chủ yếu vào việc thai sản, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em v.v.. mà chưa chú ý đúng mức tới các cơ hội kinh tế dành cho nữ. Các chính sách nhìn chung cũng chưa tạo ra các điều kiện cụ thể để phụ nữ nắm bắt các cơ hội học tập, đào tạo, bồi dưỡng, tham gia công tác quản lý v.v.. Điều này khiến cho các chính sách ch­ưa phát huy một cách hiệu quả tiềm năng của một bộ phận nguồn nhân lực nữ, làm giảm hiệu quả của sự phát triển kinh tế. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới ‘‘ Đưa vấn đề giới vào phát triển’‘ đã nêu nhận định rằng:

‘‘Ngay cả các chính sách phát triển trung tính về giới (hiểu theo nghĩa không có sự phân biệt giới) vẫn có thể tạo ra những kết cục phân biệt về giới. Lý do và những yếu tố như chuẩn mực và định kiến xã hội, cách thức phân công lao động trong gia đình, tiếp cận nguồn lực khác nhau đã cản trở phụ nữ và nam giới, khiến họ không thể tận dụng các cơ hội kinh tế như nhau, cũng như không thể khắc phục các rủi ro kinh tế giống nhau. Không nhận thức được sự khác biệt về giới khi thiết kế các chính sách có thể có hại cho hiệu lực của chính sách đó, xét cả trên khía cạnh công bằng lẫn hiệu quả’‘

Tóm lại, giới và phát triển là một cách tiếp cận mới. Cách tiếp cận này cho rằng phát triển cần được xem xét một cách hài hoà giữa kinh tế và xã hội. Cách tiếp cận này nhấn mạnh rằng sự phát triển bền vững là dựa trên cơ sở công bằng và hiệu quả, do đó các chính sách cần quan tâm đến vấn đề giới, hay nói cách khác, bình đằng giới cần được coi là một trong những mục tiêu phát triển. Việc hoạch định chính sách cần tính đến những khác biệt về điều kiện xã hội của phụ nữ và nam giới để tạo cơ hội bình đẳng về kinh tế, về tiếp cận nguồn lực và về các lĩnh vực khác đối với phụ nữ và nam giới.

4.3 Phụ nữ Việt Nam trong tiến trình thực hiện phát triển bền vững

Trong tiến trình thực hiện phát triển bền vững đất nước những năm qua có sự đóng góp lớn lao của phụ nữ Việt Nam. Từ Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro 1992 tại Braxin đến nay vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam trong phát triển được thừa nhận và ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ Việt Nam chiếm 50,8% dân số, trong đó 70% phụ nữ từ 16 đến 55 tuổi là lực lượng lao động xã hội, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất n­ước.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách đảm bảo cho phụ nữ có điều kiện tham gia vào sự nghiệp phát triển bền vững. Năm 1993, Chính phủ đã quyết định thành lập Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Trong chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2000 đã đề ra mục tiêu ‘‘Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao, phát huy trình độ năng lực và vai trò của phụ nữ, bảo đảm để phụ nữ thực hiện được chức năng của mình và được tham gia đầy đủ, bình đẳng vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội và trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh’‘. Chiến lược nhấn mạnh đến mục tiêu phát huy vai trò của phụ nữ trong việc quản lý môi trường và nguồn tài nguyên, đóng góp vào sự phát triển bền vững và cải thiện môi trường sống.

Trong 10 năm qua, tình hình đời sống, việc làm và vị thế của phụ nữ được cải thiện rõ rệt. Nhiều triệu lượt phụ nữ được giúp vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nhiều người được học tập, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường và các vấn đề xã hội. Nhiều phụ nữ đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý tham gia vào việc lập kế hoạch và ra các quyết định quan trọng của đất nước trong đó có vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.

4.4 Khung pháp luật đối với việc phát triển vấn đề giới ở Việt Nam

Vấn đề giới có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển hiệu quả và bền vững đối với mỗi dân tộc và quốc gia. Ngày nay, việc phát triển giới quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội như sức khoẻ sinh sản, điều kiện sống… và mối liên hệ giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội như vấn đề việc làm của phụ nữ… Các mục tiêu phát triển giới đượcNhà n­ước đảm bảo thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật.

Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em (Điều 3): ‘‘Nhà nước và xã hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ’‘.

Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân 1989, Điều 6 có quy định việc tuyên truyền, giáo dục cho phụ nữ những kiến thức y học, vệ sinh thai nghén và nuôi dạy con…

Bộ luật Lao động 1994 chương 10 bao gồm những quy định riêng về lao động nữ, trong đó quy định quyền làm việc bình đẳng của phụ nữ với nam giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, có những chính sách ưu đãi trong đào tạo, tuyển dụng và bố trí việc làm giúp cho người phụ nữ có thể kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, Bộ luật còn có những quy định chặt chẽ về những quyền lợi đặc biệt mà người lao động nữ được hưởng để giúp cho họ có thể bảo vệ được sức khoẻ và có điều kiện tái tạo sức lao động: quyền nghỉ chế độ thai sản, điều kiện nơi làm việc của lao động nữ, cấm việc sử dụng lao động động nữ vào những công việc nặng nhọc, không phù hợp với sức khỏe phụ nữ…

Ngoài ra, các văn bản dưới luật còn có những quy định cụ thể nhằm hiện thực hoá những chính sách của Nhà nước ta trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên có vị trí xứng đáng trong xã hội và cải thiện cuộc sống: quy định về ưu đãi vay vốn cho phụ nữ nghèo, quy định về chế độ đối với các cán bộ khoa học nữ…

Có thể nói, vấn đề giới là một lĩnh vực được pháp luật Việt Nam quan tâm và có những quy định điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, văn hoá của đất nước ta. Mục đích của các quy định này là tạo ra một khung pháp lý giúp cho phụ nữ có điều kiện phát triển và góp phần vào sự phát triển bền vững chung của xã hội.

Cam kết của Việt Nam trong việc tạo ra bình đẳng giới (được ghi nhận tại Báo cáo ‘‘Sự khác biệt về giới trong nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam’‘ - công bố ngày 26/8/2002 do Uỷ ban vì sự tiến bộ của PNVN, UNDP và FAO thực hiện. Quan trọng hơn cả là các quyền của phụ nữ và vấn đề bình đẳng được đưa vào các chính sách, vào Hiến pháp, các đạo luật khác của Việt Nam.

Những bất bình đẳng: phụ nữ làm công ăn lương ít hơn nam giới, mức lương thấp hơn ngay cả trong cùng ngành nghề phụ nữ chỉ nhận l­ương trung bình bằng 78% so với nam giới. Trong một số lĩnh vực, phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới đối với cùng một công việc. Phụ nữ chủ yếu tập trung trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng ở mức độ thấp hơn và cơ hội phụ nữ được bố trí vào các vị trí quản lý ở cấp cao ít hơn so với nam giới. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp nhiều trở ngại hơn nam giới trong việc tiếp cận với các nguồn tín dụng, chủ yếu vì phụ nữ thường không có tài sản thế chấp như đất đai. Mặc dù Luật Đất đai ở Việt Nam không phân biệt đối xử với phụ nữ, song những tập quán phổ biến làm cho họ bị yếu thế hơn, bởi quyền sử dụng đất thường chỉ đứng tên người chồng.

Bất bình đẳng giới còn là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, ngay cả trong lĩnh vực giáo dục ở bậc trên tiểu học sự khác biệt về giới lại tái hiện. ở cấp trung học phổ thông mức chênh lệch về tỉ lệ nhập học giữa học sinh nam và học sinh nữ đã giảm từ 15% xuống còn 11%. Điều kiện dinh dưỡng của phụ nữ cũng kém hơn so với nam giới, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn, các dân tộc thiểu số.

C. Kết luận

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Đư­a đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng kể trong nhiều lĩnh vực liên quan tới phát triển bền vững, song vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong số đó, xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để tạo lập khung pháp lý toàn diện cho chiến lược phát triển của quốc gia được coi là yêu cầu tiên quyết đòi hỏi sự góp sức của các ngành, các cấp, đặc biệt là đối với các cơ quan lập pháp. Yêu cầu này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực xúc tiến công tác xây dựng hệ thống pháp luật về phát triển bền vững, nhất là trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo và vấn đề giới. Công tác xây dựng pháp luật vừa phải đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong quá trình này, một mặt chúng ta vừa tổng kết việc thực thi pháp luật để có những sửa đổi, bổ sung thống nhất, mặt khác nghiên cứu sớm ban hành văn bản pháp luật mới trên một số lĩnh vực đang được hình thành và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất của các văn bản. Trong việc nghiên cứu chuẩn bị các dự án phải tổng kết thực tiễn một cách đầy đủ, kết hợp với việc nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm nước ngoài, có chọn lọc, phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật Việt Nam; đồng thời loại dần các quy định chung, thiếu cụ thể, xây dựng các quy định dễ hiểu, dễ thực hiện, tiến tới xây dựng các đạo luật với các quy định chi tiết, đầy đủ góp phần giảm bớt việc ban hành các văn bản hướng dẫn kèm theo. Mặt khác cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu dư luận xã hội về việc ban hành và thực hiện luật, pháp lệnh; gắn công tác xây dựng luật, pháp lệnh với việc giám sát thi hành.

Giải quyết tốt yêu cầu trên, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước nhanh, hiệu quả cao và bền vững mà còn góp phần đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, hạn chế các tác động tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi đưa đất n­ước ta theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tài liệu tham khảo

- Một số tham luận tại Hội thảo Quốc gia đánh giá 10 năm phát triển bền vững ở Việt Nam - 2002.

- Chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2002.

- Báo cáo đề tài khoa học ‘‘Thực trạng vấn đề giới và định hướng các giải pháp vì sự tiến bộ của phụ nữ Hà nội giai đoạn 2001-2005’‘ - UBNDTP Hà nội, 5/2002.

- ‘‘Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính và ngân sách’‘, Kỷ yếu hội thảo, Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội khoá X, tháng 4/2002.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

SOURCE: Trung tâm Thông tin - Thư viện và Nghiên cứu khoa học - VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

VỤ ÁN: HỨA THƯỞNG.... ĐẤT

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ hai, 26/11/2007

Người làm thuê kiện “ông chủ” ra tòa đòi thực hiện lời hứa cho đất để bù đắp công sức họ bỏ ra trông nom đất đai, canh tác nhưng có khả năng “thua” vì hợp đồng vô hiệu...

TAND TP.HCM vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận 10 xét xử một vụ tranh chấp “hợp đồng hứa thưởng” khá lạ bởi phần thưởng là một mảnh đất có giá trị khoảng 100 triệu đồng.

Hứa trả công bằng đất

Đầu năm nay, bà H. cùng các con có đơn khởi kiện tại TAND quận 10, yêu cầu ông T. thực hiện lời hứa cho gia đình bà một mảnh đất có diện tích 2.400 m2 (40 m x 60 m) tại xã Tân Hưng, Tân Châu (Tây Ninh). Theo bà H. từ năm 2005, ông T. có hứa cho đất để bù đắp công sức mà gia đình bà đã bỏ ra canh tác bấy lâu nay cho ông T. thu lợi.

Hình minh hoạ

Để làm bằng, gia đình bà H. đưa ra tờ “hợp đồng cho đất” của ông T. lập cuối năm 2005. Khổ nỗi tờ hợp đồng này lại ghi lộn họ của phía gia đình bà H. nên chưa được chính quyền địa phương xác nhận (có trưởng ấp làm chứng, ông T. cũng thừa nhận). Sau đó ông T. không sửa hợp đồng và cứ để thế cho đến tận hôm nay.

Tại tòa, ông T. thừa nhận có một mảnh đất ở Tây Ninh, giao cho gia đình bà H. làm rẫy, trồng cây ăn trái cho ông. Ông có hứa thưởng cho gia đình bà H. một phần mảnh đất với điều kiện họ phải làm việc tốt, nhưng trên thực tế họ lại làm ăn gian dối như lén bán trái cây, kê khai tiền công sai... Vì thế, ông T. không đồng ý cho gia đình bà H. phần đất đã hứa thưởng.

Được không?

Tháng 7, TAND quận 10 đã xử sơ thẩm, nhận định hợp đồng hứa thưởng này là có thật, được cả hai bên đương sự thừa nhận, nên buộc ông T. phải thực hiện hợp đồng là giao đất cho gia đình bà H. theo đúng Điều 590 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể tại khoản 1 Điều này quy định: “Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu người hứa thưởng”.

Ông T. kháng cáo. Ngày 22-11 vừa qua, xử phúc thẩm, TAND TP.HCM phân tích: Trong vụ này, phần thưởng là quyền sử dụng mảnh đất đứng tên vợ chồng ông T. Đây không phải là phần thưởng bình thường, cụ thể đây là tài sản chung của vợ chồng ông T. nên một mình ông thì không thể đơn phương quyết định cho hay không. Như vậy, việc ông T. hứa cho đất mà không có sự đồng ý của người vợ là sai quy định và hợp đồng hứa thưởng phải bị xem là vô hiệu. Ngoài ra, phần đất tranh chấp nằm ở Tây Ninh, theo tòa phúc thẩm, những tranh chấp về bất động sản phải do tòa án nơi có bất động sản xử lý.

Từ đó, TAND TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và giao trả hồ sơ cho TAND quận 10.

Tòa nào thụ lý?

Về mặt nội dung, nhiều chuyên gia pháp lý đồng tình với phân tích của tòa phúc thẩm rằng hợp đồng cho đất của ông T. vô hiệu vì thiếu sự đồng ý của người vợ. Tuy nhiên về mặt hình thức, nhận định “những tranh chấp về bất động sản phải do tòa án nơi có bất động sản xử lý” của tòa phúc thẩm đang gây nhiều tranh cãi.

Có người nói đây là tranh chấp về hợp đồng hứa thưởng nên quan hệ hứa thưởng mới là quan hệ chính, còn mảnh đất chỉ là đối tượng liên quan. Vì thế, tòa quận 10 vẫn có thể xét xử bởi gia đình ông T. hiện đang sinh sống ở đây.

Ngược lại, có người bảo theo luật, đất đai là bất động sản - một loại tài sản không thể di dời và các giấy tờ, tài liệu liên quan đều do các cơ quan chức năng nơi có bất động sản quản lý. Tòa án nơi có bất động sản sẽ có điều kiện thuận lợi nhất trong việc xác minh kiểm tra, xem xét tại chỗ tình trạng bất động sản cũng như thu thập tài liệu liên quan. Ở đây, phần thưởng tranh chấp là quyền sử dụng đất tại huyện Tân Châu (Tây Ninh) nên việc giao vụ kiện cho TAND huyện này thụ lý giải quyết là chính xác nhất.

Vụ kiện tuy nhỏ nhưng phát sinh nhiều chuyện đáng nói chỉ vì một phần thưởng “đặc biệt”. Liệu gia đình bà H. có được trả thưởng bằng đất hay hợp đồng này vô hiệu? Vụ kiện sẽ do tòa nào thụ lý? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nguồn: Hoàng Yến-Báo Pháp Luật TP

LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM MỘT BLOGGER BỊ KIỆN RA TÒA

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ hai, 29/10/2007

Ngày 26/10, TAND quận Tân Bình, TPHCM đã chính thức thụ lý đơn kiện của ca sĩ Phương Thanh khởi kiện blogger Cogaidolong. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, một blogger bị kiện ra toà.

Thể theo yêu cầu của tòa, trong buổi làm việc hôm qua, luật sư Nguyễn Văn Hậu, người bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ Phương Thanh đã cung cấp thêm cho cơ quan xét xử một số chứng cứ mới, đủ điều kiện cho vụ án được thụ lý. Cụ thể là xác định đầy đủ tên tuổi của người bị kiện là Lê Nguyễn Hương Trà, ngụ quận Tân Bình và những bằng chứng để chứng minh blogger Cogaidolong là chính là nhà báo Hương Trà. Ngoài ra, nguyên đơn còn đưa thêm một số chứng cứ khác để biện luận cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Cũng theo luật sư Hậu, mọi vấn đề liên quan đến vụ kiện sẽ được ông trực tiếp đảm trách và hoàn tất vì Phương Thanh đang phải đi diễn ở Hà Nội.

Vị luật sư của đoàn TPHCM cũng bày tỏ, ông rất tự tin về vụ kiện này. Dù đây là loại án mới nhưng vẫn đủ cơ sở để giải quyết theo luật tố tụng. "Hình thức vi phạm là sử dụng mạng điện tử để xúc phạm hay ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, điều này luật pháp không cho phép. Đối với việc khôi phục những dấu tích của blogger Cogaidolong là hoàn toàn có thể", vị luật sư nói.

Còn theo ông Phan Văn Hải, chánh án TAND quận Tân Bình, yêu cầu nguyên đơn xác định rõ một số nội dung khởi kiện đã được đáp ứng, hồ sơ kiện của Phương Thanh hội đủ chứng cứ và điều kiện để thụ lý theo đúng pháp luật. Hiện ông vẫn chưa quyết định chuyển hồ sơ cho thẩm phán nào giải quyết.

Tám ngày trước đó, tòa án Tân Bình tỏ ra lúng túng khi nhận được đơn khởi kiện và chứng cứ mà Phương Thanh cung cấp chỉ là những bản photo lấy từ blog của Cogaidolong. Vị chánh tòa từng cho biết: "Đây là vụ án rất mới, phức tạp nên phải nghiên cứu rất kỹ và trao đổi với thành phố". Tiếp đó, tòa đã yêu cầu nguyên đơn Phương Thanh cung cấp thêm nhiều bằng chứng để chứng minh blogger Cogaidolong có phải là Hương Trà hay không? Nội dung của các bản photo đó đã gây ảnh hưởng xấu và cụ thể như thế nào với cô? Từ đó mới có căn cứ buộc trách nhiệm với Hương Trà.

Ngày 16/10, ca sĩ Phương Thanh đã nộp đơn khởi kiện blogger Cogaidolong, (người mà theo cô là nhà báo có bút danh Hương Trà) vì đã xúc phạm danh dự của cô khi thông tin sai về liveshow "Mưa". Ngoài ra, ca sĩ cũng cho rằng entry "Chuyện của... Cờ" trên blog cogaidolong ám chỉ, xúc phạm tới chị nên yêu cầu blogger Hương Trà phải xin lỗi trên 3 tờ báo.

Trong đơn, Phương Thanh yêu cầu tòa án quyết định buộc blogger Cogaidolong phải công khai xin lỗi với nội dung: "Tôi xin lỗi Phương Thanh vì đã viết không đúng sự thật".

Nguồn: Vũ Mai -VnExpres

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

NHÂN VỤ CA SĨ PHƯƠNG THANH KIỆN BLOGGER Cogaidolong

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2007

9-10, ca sĩ Phương Thanh đã gởi đơn đến TAND TPHCM kiện blogger CogaiDolong. Nguyên nhân vụ kiện, theo ca sĩ Phương Thanh, vì 2 entry của blogger (người viết blog) này “bôi nhọ danh dự” và xuyên tạc live show Mưa của cô.

Blog CogaiDolong thể hiện blogger này và ca sĩ Phương Thanh từng chơi rất thân

Dư luận đặt câu hỏi, thực chất của vụ lùm xùm này là gì, khi chính hai người từng có thời kỳ chơi rất thân với nhau; và sau live show Mưa không thành công lắm của chính ca sĩ này?

Dù bất kỳ lý do gì, vụ kiện hy hữu này cho thấy nhiều vấn đề về văn hóa blog, quản lý blog... trở nên rất thời sự.

Kiện tụng vì blog ngày càng phổ biến

Ranh giới giữa quyền tự do phát biểu ý kiến cá nhân và bôi nhọ một cá nhân khác trên blog của mình khá mong manh. Dù điều bạn nói là sự thật thì bạn vẫn có thể bị “bắt giò”

Thực ra trên thế giới, những vụ kiện như vậy gần như bình thường. 11,5 triệu kết quả khi tìm kiếm bằng Google với các từ “các vụ kiện + những người viết blog” bằng tiếng Anh (bloggers + lawsuits). Con số khủng khiếp này cho thấy, việc kiện tụng liên quan đến blogger được cộng đồng blogger lẫn báo chí quan tâm đến mức nào.

 Theo thống kê của website chuyên về thế giới blog Technorati, trong hai năm 2004 - 2005, khi thế giới có hơn 50 triệu blog thì có 50 vụ kiện blogger. Chuyện kiện tụng blogger vì những thông tin, nhận xét mà họ viết trên blog ở nước ngoài đã khá phổ biến trong 3 năm gần đây.

Phần lớn người đứng đơn kiện đều cho rằng chủ nhân blog phỉ báng, bôi nhọ mình. Cũng có công ty kiện blogger vì cho rằng thông tin trên blog gây thiệt hại cho công việc kinh doanh của họ.

Đầu năm nay, Rafe Banks, một luật sư ở Mỹ, đã bị thân chủ David Milum của mình bêu riếu trên blog sau một vụ bào chữa thất bại. Ông Milium cho rằng, luật sư Banks đã nhận tiền của bên bị và hối lộ quan tòa. Hậu quả, blogger Milium phải bồi thường danh dự cho luật sư Banks 50.000 USD.

Cũng đầu năm nay, một công ty chuyên về thanh toán trực tuyến GreenZap đã kiện 2 công ty cung cấp dịch vụ blog là Liquid Web và Vodien đòi bồi thường thiệt hại 57,5 triệu USD, do 2 công ty này đã không can thiệp khi các blogger đưa thông tin thất thiệt gây thiệt hại cho việc làm ăn của GreenZap.

Lằn ranh mỏng manh

Blog phản ánh chủ nghĩa cá nhân rõ nét nhất nhưng phải tôn trọng pháp luật và đặc biệt là phải có nền tảng văn hóa, bởi nó là loại nhật ký mở, có tính báo chí, nên có tác động xã hội. Blog là ngôi nhà riêng của blogger. Có những ngôi nhà cửa đóng then cài, chỉ có chính chủ nhân hay vài bạn bè thân hữu mới được lui tới; nhưng cũng có những vị chủ nhà mở toang cửa cho mọi người vào xem, bình luận.

Nếu bạn là chủ một ngôi nhà mở, cẩn thận trong ngôn từ không bao giờ thừa. Ranh giới giữa quyền tự do phát biểu ý kiến cá nhân và bôi nhọ một cá nhân khác trên blog của mình khá mong manh. Các vụ blogger thua kiện ở nước ngoài phần lớn cũng do bị bắt bẻ ở một số câu chữ nhạy cảm, khiến bên đi kiện có đủ chứng lý cho rằng họ bị vu khống.

Có một blogger khá nổi tiếng cho rằng, phát ngôn trên blog cũng như nói chuyện trong quán cà phê. Không hoàn toàn như vậy nếu blog đặt ở chế độ public - cho xem tự do, tức là bạn đứng nói trước một đám đông hàng ngàn người.

Chính vì sự mỏng manh của lằn ranh này mà Biên giới Điện tử (EFF), một tổ chức chuyên bảo vệ sự tự do trong thế giới số, đã đưa ra bản hướng dẫn blogger làm sao để tránh bị quy tội bôi nhọ cá nhân theo luật ở Mỹ. (Có thể tham khảo tại www.eff.org/bloggers/lg/faq-defamation.php). Một chi tiết rất đáng để các blogger lưu ý trước khi “hạ phím”: Dù điều bạn nói là sự thật thì bạn vẫn có thể bị “bắt giò” nếu không chứng minh được trước tòa. Và như vậy, dù không nói sai, không bịa đặt nhưng blogger vẫn bị quy là “bôi nhọ cá nhân”.

Vấn đề pháp lý ở VN

Một diễn biến khác: Blogger CogaiDolong dọa kiện ngược Phương Thanh, vì các fan của ca sĩ này đã có những comment lăng nhục CogaiDolong! Với thực tế luật pháp ở nước ta, những “chứng cứ ảo” có đủ sức buộc tội lẫn nhau? Có luật sư cho rằng, Luật Giao dịch điện tử cũng đủ giá trị pháp lý, giá trị làm chứng. Điều này vẫn chưa chắc, khi công tác quản lý blog vẫn còn nhiều lỗ hổng (không có trong Luật Báo chí).

Theo ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, công tác quản lý blog sẽ có bằng văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở sẽ sửa đổi Quyết định 27 của Bộ VHTT trước đây. Nhưng nên nhớ rằng mọi hành vi của blogger - công dân đều được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự. Blogger hoàn toàn có thể phạm tội nếu đủ chứng cứ buộc tội.

Một số luật gia cho rằng, các entry đã post lên blog khó có thể được coi là chứng cứ, vì chúng có thể bị sửa đổi... Vấn đề này có thể giải quyết được, với điều kiện có sự hợp tác của những nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng điều này không khả thi, bởi họ không vì... CogaiDolong! CogaiDolong đâu có “tầm” cỡ như... Bin Laden để các nhà cung cấp dịch vụ phải nhọc công!

Đặt vấn đề về văn hóa blog

Trên Báo NLĐ, chúng tôi từng đặt vấn đề này. Có lẽ đây là nền tảng căn bản để phát huy được tính ưu việt của blog, biến nó thành những kênh chia sẻ thông tin, chia sẻ tình cảm, suy nghĩ tích cực, có ích. Vấn đề viết gì ở blog của mình là quyền tự do của blogger đó trong khuôn khổ luật pháp, miễn là không chống lại đất nước, không xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác...

Rất cần một quy tắc ứng xử được xây dựng để làm cơ sở tạo nên một cộng đồng blogger VN lành mạnh. Nhưng vấn đề cũng không đơn giản, bởi ai, tổ chức nào là người đứng ra làm nhiệm vụ này, khi mỗi blogger là một cá tính riêng biệt?

Cuối cùng, vẫn chỉ là trách nhiệm công dân.

Những nghệ sĩ - nạn nhân của blog

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà: Tôi là nạn nhân của rất nhiều blog. Tôi cũng chỉ đọc và biết thế thôi chứ không muốn tìm chủ nhân của blog đó ra để đôi chối. Dù có biết blogger đó là ai thì tôi cũng chẳng làm ầm lên làm chi, chẳng hay ho gì cho cả hai bên.

NSƯT Ngọc Giàu: Có lần tôi dự phiên tòa xét xử con một người bạn sử dụng, mua bán chất ma túy. Hôm sau tôi nhận được thông tin trên một blog có hình tôi ngồi trong phiên tòa và “chua” thêm câu: “Ngọc Giàu ra tòa vì bị giựt hụi”! Tôi thật sự bị sốc!

NS Vũ Luân: Một số blogger là fan cải lương lên án việc tôi không thích diễn chung với Tú Sương; thích “cặp bồ”, làm “kép nhí” của Thoại Mỹ... Gần đây có một blog cá nhân đã ám chỉ tôi với những lời lẽ xúc phạm rằng tôi yêu chị Thoại Mỹ để “đào của” !?

NSƯT Diệu Hiền: Gần đây tôi nghe bạn bè nói có blog đưa hình ảnh tôi đang diễn tại Mỹ lên và bình luận: “Nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại đi ăn xin”. Tôi vô cùng buồn và đã bật khóc...

Th.Hiệp - Th.Trang ghi

Nguồn: LƯU NHI DŨ - ĐỒNG PHƯỚC VINH - NLĐ

AI BỒI THƯỜNG NGƯỜI SỬ DỤNG NƯỚC TƯƠNG UNG THƯ VÀ VÔ SINH DO THANH TRA CHẬM CÔNG BỐ?

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ sáu, 25/05/2007

* 69/213 mẫu kiểm nghiệm mới nhất trên cả nước có 3-MCPD
* Tác hại của 3-MCPD: gây ung thư và làm giảm khả năng sinh sản
* Bộ Y tế:
Chậm trễ công bố là do Thanh tra Sở Y tế TP.HCM
* Nam Dương thu hồi toàn bộ các sản phẩm nước tương truyền thống

Theo thông tin chúng tôi nắm được, kết quả kiểm nghiệm mới nhất về hàm lượng chất 3-MCPD có trong nước tương của các cơ sở sản xuất nước tương trên cả nước cho thấy: trong số 213 mẫu nước tương được gửi về kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM) từ tháng 1.2006 đến ngày 30.4.2007, thì có đến 69 mẫu "dính" hàm lượng chất 3-MCPD vượt mức cho phép (1mg/kg - theo tiêu chuẩn của Việt Nam)!

-----------------------------------------------------------------------------------

Tác hại của chất 3-MCPD

3-MCPD là một dạng ô nhiễm của acid thủy phân protein thực vật có vị mặn, được sinh ra trong quá trình thủy phân các protein thực vật (như đậu tương) bằng HCl.

Theo tư liệu mà Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cập nhật được từ các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy:

1/ Thí nghiệm về tính độc hại của 3-MCPD bằng cách cho chuột cống uống 3-MCPD liên tục với liều 1 mg/kg thể trọng/ngày thì thấy tinh trùng giảm khả năng hoạt động và giảm khả năng sinh sản của chuột đực.

2/ Với liều từ 10 mg - 20 mg/kg thể trọng/ngày hoặc cao hơn sẽ gây tổn thương tinh hoàn chuột đực, biến đổi hình dạng tinh trùng, giảm khả năng sinh sản của con đực ở động vật có vú khác.

3/ Với liều 25 mg hoặc cao hơn liên quan đến tổn thương thần kinh trung ương. Với liều 30 mg/kg kéo dài trong 4 tuần sẽ làm tăng trọng lượng thận của chuột.

4/ Còn nghiên cứu tính gây độc và gây ung thư dài ngày trên chuột cống cho thấy, với liều 19 mg/kg thể trọng/ngày của chất 1,3 DCP (được hình thành từ 3-MCPD) đã gây khối u thận, gan, biểu mô miệng, lưỡi, tuyến giáp và biểu hiện ung thư do biến đổi gen...

--------------------------------------------------------------------------------------

Mức vượt thấp nhất là 1,40 mg/kg và mức vượt cao nhất lên đến 3.029 mg/kg (nghĩa là vượt gấp hơn 3 ngàn lần so với mức cho phép!). Đáng chú ý hơn, một đề tài nghiên cứu, khảo sát của một thạc sĩ của Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM) còn cho thấy sự hiện diện của chất 3-MCPD trong nước tương còn ghê gớm hơn nữa. Qua khảo sát nước tương của 41 cơ sở trên địa bàn TP.HCM thì có tới 33 mẫu nước tương có chất 3-MCPD vượt mức quy định từ 2 mg/kg - 55.000 mg/kg! trong số 8 mẫu còn lại đạt yêu cầu, chỉ có 2 mẫu nước tương của cơ sở trong nước (1 của tư nhân và 1 của liên doanh với nước ngoài), 6 mẫu còn lại thuộc về nước tương nhập khẩu!

Nhận định về tình trạng nước tương lưu hành trên thị trường có hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép quá cao, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM) nói: "Sở dĩ phần lớn nước tương có hàm lượng chất 3-MCPD vượt mức cho phép là vì các cơ sở sản xuất không chịu áp dụng quy trình sản xuất nước tương theo kiểu cổ truyền - là phương pháp lên men, bởi vì phương pháp này cho ra sản phẩm chậm. Để có sản phẩm nhanh, các cơ sở thường áp dụng phương pháp sản xuất dùng HCl (acid Chlohydric) để thủy phân, 3-MCPD sinh ra từ đó".

Thực ra, không phải chất 3-MCPD được nói đến khi nước tương Chinsu bị nước ngoài phát hiện có hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép vào tháng 7.2005, mà vào năm 2001 trong nước đã có cuộc thảo luận về loại chất này. Lẽ ra, từ đó cho đến nay đã 7 năm trôi qua, các nhà sản xuất phải ý thức được sự tác hại đến sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng khi hằng ngày phải dùng nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt mức quy định nhiều lần, tự biết mình cần phải thay đổi quy trình sản xuất, thì đến nay tình hình vẫn vậy! Thậm chí có loại nước tương, hàm lượng chất 3-MCPD năm sau còn cao hơn năm trước nhiều lần! Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai cho rằng: "Đây là sự tham lam của các cơ sở, tham lam hơn khi họ dùng HCl dạng công nghiệp chứ không phải HCl dùng trong thực phẩm, điều đó càng độc hại hơn cho người sử dụng, bởi HCl dạng công nghiệp có nhiều tạp chất!".

Bên cạnh việc nhiều cơ sở không đặt lợi ích sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, thì cơ quan quản lý cũng vậy. Lẽ ra cơ quan chức năng phải sớm công bố rộng rãi thông tin về những sản phẩm không đạt chuẩn, để người tiêu dùng biết mà tránh, thì lại giấu giếm kết quả kiểm tra! Cụ thể, trong quý 3 năm 2005, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 30 cơ sở sản xuất nước tương, thì có đến 20 cơ sở có nước tương chứa hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép, vậy mà không ai biết!

Chính vì cơ quan chức năng không công bố rộng rãi thông tin, điều đó đã tạo sự "lờn mặt" cho các cơ sở sản xuất, nên nhiều cơ sở vẫn không cải thiện, tiếp tục vi phạm. Chỉ tội nghiệp người tiêu dùng "lãnh" lấy hậu quả lâu dài! Hôm qua, khi đọc thông tin về nước tương trên Báo Thanh Niên , chị P. (ngụ ở Q.4, TP.HCM) đã gọi điện cho chúng tôi tỏ ra lo lắng: "Nhà sản xuất và cơ quan chức năng phải có biện pháp thế nào, chứ để tình trạng nước tương thế này, thì người tiêu dùng chúng tôi rất lo lắng khi phải sử dụng mỗi ngày...!".

Bộ Y tế: Chậm trễ công bố là do Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất nước tương đã được Sở Y tế TP.HCM thực hiện từ cuối năm 2006 và mẫu cuối cùng thực hiện vào ngày 2.3.2007. Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 3.2007, Bộ Y tế đã nhận được thông tin "cơ quan kiểm nghiệm và Thanh tra Sở Y tế từ chối cung cấp có bao nhiêu cơ sở sản xuất nước tương bị phát hiện hàm lượng chất 3-MCPD cao quá mức cho phép".

Vì vậy, ngày 26.3, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM đề nghị: "Để kịp thời đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của Bộ Y tế đối với các cơ sở sản xuất nước tương tại TP.HCM cũng như thông tin cần thiết để trả lời báo chí và lãnh đạo Bộ Y tế, đề nghị đồng chí Chánh thanh tra Sở Y tế báo cáo cụ thể về Thanh tra Bộ kết quả thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua".

Cũng trong văn bản này, Thanh tra Bộ nêu rõ: "Đối với việc công bố các cơ sở vi phạm hành chính đã bị xử lý theo quy định hiện hành cho cơ quan báo chí, đề nghị Thanh tra Sở Y tế báo cáo với lãnh đạo Sở trước khi cung cấp thông tin. Thanh tra Bộ xin lưu ý: nếu hết thời hạn khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật kể từ ngày ban hành quyết định thì Thanh tra Sở có trách nhiệm phải cung cấp thông tin khi cơ quan báo chí yêu cầu". Tuy nhiên, Thanh tra Bộå cho biết: phải đến hơn một tháng sau, đầu tháng 5 vừa rồi mới nhận được báo cáo kết quả thanh tra các cơ sở sản xuất nước tương tàu vị yểu của Thanh tra Sở Y tế (văn bản ngày 7.5.2007).

Trả lời câu hỏi về chất lượng của nước tương Chinsu (Công ty Vitec food), Thanh tra Bộ Y tế cho biết: thời điểm 2005, kiểm tra lần một, công ty này vi phạm và đã xử phạt, lần hai tái kiểm tra đã đạt tiêu chuẩn. Trong năm 2006, công ty này đã liên tục chủ động lấy mẫu xét nghiệm theo lô, báo cáo kết quả, có thay đổi dây chuyền công nghệ mới và đã đạt tiêu chuẩn cho phép.

Một chuyên gia cho rằng: việc kiểm tra nhắc nhở các công ty có sản phẩm chưa đạt chuẩn là rất cần thiết và cần công khai sản phẩm không đạt để người tiêu dùng lựa chọn. Đồng thời, khi doanh nghiệp có khắc phục cũng cần thông tin công khai. Chỉ khi thông tin đầy đủ, chính xác thì người tiêu dùng mới có cơ hội được sử dụng sản phẩm an toàn.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các địa phương hoàn toàn có quyền chủ động về thông tin kết quả thanh kiểm tra. Vừa qua, Hà Nội cũng đã rất chủ động trong việc công bố lịch kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để báo chí tham gia trực tiếp. Với các sản phẩm nước tương đã phát hiện không đạt tiêu chuẩn, cần thu hồi và cấm lưu hành. Các cơ sở có sản phẩm này cần phải thay đổi quy trình sản xuất, sản phẩm chỉ được phép lưu hành trở lại khi đã đạt tiêu chuẩn cho phép. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường lấy mẫu bất kỳ, ngẫu nhiên để xét nghiệm và còn phải kiểm tra điều kiện vệ sinh nhà xưởng...

Nguồn: Thanh Tùng-LiênChâu - Báo Thanh niên

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CỦA WTO

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ tư, 21/03/2007

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa vụ, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế.

Ngoài ra, WTO cũng sẽ tiếp tục áp dụng cách giải quyết tranh chấp của GATT 1947 như: tái lập sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ; giải quyết tích cực các tranh chấp; cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trả đũa khi chưa được phép của WTO. Nguyên tắc cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của hệ thống thương mại toàn cầu.

Những bài học từ vụ EC kiện Mỹ

Tuy nhiên, nguyên tắc này không bao hàm rõ ràng ý có cấm các nước thành viên không được đơn phương xác định các hành vi của nước thành viên khác có vi phạm các hiệp định của WTO hay không. Lợi dụng sự không rõ ràng này nên một số nước thành viên phát triển như Mỹ, EU vẫn tiếp tục đơn phương áp dụng các đạo luật của riêng mình như điều khoản Super 301 trong luật thương mại Mỹ hoặc quy định 384/96 của Hội đồng châu Âu để “kết án” và trừng phạt các nước thành viên WTO khác.

Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, quy chế 'nhóm chuyên gia' và cơ quan phúc thẩm thường trực

- Cơ quan giải quyết tranh chấp: Viết tắt theo tiếng Anh là DSB (Dispute Settlement Body) có quyền quyết định thành lập và thông qua báo cáo của nhóm chuyên gia và nhóm phúc thẩm, giám sát việc thực hiện các quyết định về giải quyết tranh chấp, cho phép tạm đình chỉ việc áp dụng các hiệp định thương mại với một nước thành viên, cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt.

- Nhóm chuyên gia: Công việc chính về giải quyết tranh chấp do các nhóm chuyên gia thực hiện. Các nhóm chuyên gia này do DSB thành lập để giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể và giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ. Khác với cơ cấu nhóm chuyên gia thời kỳ GATT 1947 chủ yếu được ưu tiên lựa chọn trong các quan chức chính phủ các nước thành viên, nhóm chuyên gia thời WTO được ưu tiên lựa chọn trong số những chuyên gia (expert) độc lập, không làm việc cho chính phủ, có uy tín quốc tế về chính sách hoặc luật thương mại quốc tế. Thành phần của mỗi nhóm chuyên gia từ 3-5 người.

Nhiệm vụ của nhóm chuyên gia là giúp cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO làm sáng tỏ nội dung tranh chấp và khuyến nghị một giải pháp để các bên hữu quan giải quyết tranh chấp của họ, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan. Trong quá trình xem xét sự việc, nhóm chuyên gia có quyền tìm kiếm thông tin từ mọi nguồn và trưng cầu ý kiến giám định của các chuyên gia bên ngoài về những vấn đề kỹ thuật.

Toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp từ thời điểm các bên tranh chấp tự thương lượng với nhau cho đến khi nhóm chuyên gia đệ trình báo cáo lên DSB tối đa không quá một năm, trong đó thời gian kể từ thời điểm thành lập nhóm chuyên gia cho đến khi đệ trình báo cáo tối đa không quá sáu tháng.

Báo cáo của nhóm chuyên gia sẽ được gửi đến cho các bên tranh chấp trong vòng sáu tháng, trong trường hợp tranh chấp liên quan đến những hàng hoá dễ hư hỏng trong vòng ba tháng và gửi đến tất cả các thành viên của WTO sau đó ba tuần. Sau 60 ngày, báo cáo của nhóm chuyên gia sẽ tự động trở thành quyết định của DSB nếu không có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên WTO, kể cả hai bên tranh chấp bác bỏ nội dung của báo cáo.

- Cơ quan phúc thẩm thường trực: Một trong những nét mới của bộ máy giải quyết tranh chấp của WTO là việc thành lập cơ quan phúc thẩm thường trực. Cơ quan này có 7 thành viên, do cơ quan giải quyết tranh chấp bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, là những chuyên gia pháp lý và thương mại quốc tế có kinh nghiệm lâu năm. Cơ quan này có chức năng xem xét theo thủ tục “phúc thẩm” báo cáo của nhóm chuyên gia, theo đề nghị của một trong các bên tranh chấp.

Tuy nhiên, phạm vi 'phúc thẩm' chỉ áp dụng đối với những kết luận và giải thích pháp lý được đưa ra trong báo cáo của nhóm chuyên gia. Khi có đề nghị xem xét phúc thẩm, cơ quan phúc thẩm thường trực sẽ lập ra một nhóm phúc thẩm riêng biệt cho mỗi một vụ tranh chấp, bao gôm 3 thành viên. Nhóm phúc thẩm có thẩm quyền hoặc giữ nguyên, thay đổi hoặc huỷ bỏ những giải thích và kết luận pháp lý nêu trong báo cáo của nhóm chuyên gia.

Báo cáo của nhóm phúc thẩm sẽ được đệ trình lên DSB để thông qua. Việc thông qua báo cáo phúc thẩm được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận tiêu cực và gần như mang tính chất tự động. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thực hiện vô điều kiện quyết định cuối cùng của DSB trên cơ sở báo cáo phúc thẩm. Thời hạn xem xét phúc thẩm là 60 ngày, có thể được gian hạn nhưng không quá 90 ngày.

Thực hiện quyết định của Cơ quan giải quyết tranh chấp và áp dụng biện pháp trả đũa

Quyết định về giải quyết tranh chấp được DSB thông qua theo nguyên tắc đồng thuận tiêu cực có giá trị pháp lý và có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp. Thông thường thì bên thua kiện có nghĩa vụ bãi bỏ các quy định hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp mà nhóm chuyên gia kết luận là vi phạm điều khoản trong các hiệp định có liên quan của WTO.

Để bảo đảm là bên thua kiện sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định của DSB và để tránh tình trạng 'rơi vào im lặng', WTO đề ra một cơ chế theo dõi và giám sát việc thực hiện quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông qua báo cáo của nhóm chuyên gia, bên thua kiện phải thông báo cho DSB biết về những biện pháp mà nước này dự định áp dụng để thực hiện khuyến nghị của nhóm chuyên gia.

Nếu nước này vì lý do nào đó không thể thực hiện ngay khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì DSB có thể cho phép nước này được thực hiện trong một thời hạn “hợp lý”. Và nếu trong thời hạn 'hợp lý' đó bên thua kiện vẫn không thể thực hiện được khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì nước này có nghĩa vụ thương lượng với bên thắng kiện về mức độ bồi thường thiệt hại, ví dụ như giảm thuế quan đối với một sản phẩm nào đó có lợi cho bên thắng kiện.

Nếu trong vòng 20 ngày kể từ ngày chấm dứt thời hạn hợp lý, các bên tranh chấp không đạt được thoả thuận về mức độ bồi thường thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa, cụ thể là tạm ngưng việc cho bên thua kiện hưởng những nhân nhượng thuế quan hoặc tạm ngưng thực hiện những nghĩa vụ đối với bên thua kiện theo hiệp định có liên quan.

Biện pháp trả đũa phải tương ứng với mức độ thiệt hại và phải được thực hiện trong lĩnh vực (sector) thương mại mà bên thua kiện bị thiệt hại. Để bảo đảm tính hiệu quả của các biện pháp trả đũa và rút kinh nghiệm, WTO quy định trong trường hợp việc áp dụng biện pháp trả đũa mà lĩnh vực bị thiệt hại là không thực tế hoặc không có hiệu quả thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong một lĩnh vực khác (trả đũa chéo).

Chẳng hạn một nước đang phát triển sẽ khó có thể áp dụng một cách hiệu quả biện pháp trả đũa trong lĩnh vực thương mại hàng hoá đối với một nước phát triển nhưng nếu trả đũa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ hoặc sở hữu trí tuệ thì có thể sẽ hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bên thắng kiện còn có thể yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong những lĩnh vực thuộc các hiệp định thương mại khác với hiệp định thương mại mà bên thua kiện vi phạm.

Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng và trong trường hợp có tranh chấp về mức độ trả đũa, WTO cũng dành cho bên thua kiện quyền đưa tranh chấp nói trên ra giải quyết theo phương thức trọng tài. Quyết định trọng tài về vấn đề này là quyết định cuối cùng và có giá trị thi hành đối với tất cả các bên.

Các phương thức giải quyết tranh chấp khác

Ngoài cơ chế của DSB, các nước thành viên WTO còn có thể sử dụng những phương thức giải quyết tranh chấp khác trong Công pháp quốc tế như trọng tài liên quốc gia (interstate arbitration), trung gian (mediation) và hoà giải (conciliation). Điều 25 Thoả thuận DSU quy định các nước thành viên có thể giải quyết tranh chấp với nhau thông qua trọng tài đối với những tranh chấp nếu các nước này thoả thuận nhất trí sử dụng cơ chế này và chấp nhận tuân thủ quyết định của trọng tài.

Các nước cũng có thể sử dụng cơ chế trung gian hoặc hoà giải của một bên thứ ba. Riêng đối với những tranh chấp mà một bên là nước kém phát triển nhất thì Tổng giám đốc có thể đứng ra làm trung gian hoặc hoà giải.

Ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp chung ra, một số hiệp định thương mại đa biên của WTO cũng quy định những cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt. Ví dụ như Hiệp định về trợ cấp có quy định thủ tục riêng về giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng dệt trước Cơ quan giám sát hàng dệt. Trong trường hợp các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt khác với những quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp chung thì những quy định trong cơ chế đặc biệt thắng thế.

Các nước đang phát triển và Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Mặc dù luôn chiếm đa số tại GATT, nhưng vì những lý do lịch sử (đa số các nước đang phát triển đã từng là thuộc địa của các nước phát triển) nên các nước đang phát triển thường có thái độ 'nghi ngờ' và 'e dè' đối với những cơ chế do các nước phương Tây đặt ra. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 1985, Uỷ ban thương mại quốc tế của Mỹ (USIC) đã chỉ ra một số nguyên nhân làm cho các nước đang phát triển ít sử dụng đến Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT:

-Thứ nhất, các nước đang phát triển không có đội ngũ chuyên gia pháp lý có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc tham gia xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế và cũng không có khả năng tài chính để đi thuê các chuyên gia phương Tây;

- Thứ hai, tâm lý lo sợ rằng nếu đi kiện cáo các nước phát triển thì có khi họ phải chịu thiệt nhiều hơn là được lợi, 'chưa được vạ thì má đã sưng'. Sự phụ thuộc vào thị trường và các nguồn giúp đỡ về tài chính của phương Tây là một trong những lý do khiến các nước đang phát triển rất ngại va chạm với các nước phát triển và nếu có tranh chấp thì các nước này chủ trương xử lý song phương, kín đáo và thường là sẵn sàng nhượng bộ;

- Thứ ba, các nước đang phát triển nhận thức được rằng cho dù họ có thắng kiện và dám dũng cảm áp đặt các biện pháp trả đũa hợp pháp chăng nữa thì cũng không đem lại hiệu quả và có thể có một ảnh hưởng tích cực đến cách cư xử của các nước phát triển;

- Thứ tư, tuy tham gia GATT ngay từ khi mới thành lập, nhưng các nước đang phát triển vẫn còn giữ thái độ lưỡng lự trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đa số các nước này cho rằng Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT cũng chỉ là một trong những công cụ của các nước phương Tây sử dụng để ép buộc họ mở cửa thị trường.

Vì những lý do nói trên, quan điểm chung của các nước đang phát triển đối với Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT trong khoảng 30 năm (từ 1948-1979) là 'phớt lờ' cơ chế này. Trong khoảng thời gian này, số vụ kiện của các nước đang phát triển chỉ chiếm có 12% tổng số các vụ kiện tại GATT và đa số là kết thúc thông qua thương lượng trước khi nhóm chuyên gia của GATT thông qua báo cáo cuối cùng.

Chỉ đến thời kỳ sau Vòng Tokyo, các nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước NIC như Brazil, Mexico, Ấn Độ, Argentina mới thực sự quan tâm và sử dụng thường xuyên hơn Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT. Sự thay đổi này xuất phát từ những lý do sau. Thứ nhất, sự giảm sút của thương mại thế giới những năm 1970 do tác động của hai cuộc khủng hoảng dầu lửa đã dẫn đến việc trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển.

Thứ hai, quá trình công nghiệp hoá tại một số nước đang phát triển đã đem lại những thành quả đầu tiên, nổi bật nhất là trong một số ngành sản xuất công nghiệp và chế biến, các nước NIC đã đạt được ưu thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của phương Tây và đã bắt đầu dư thừa năng lực sản xuất trong một số lĩnh vực như may mặc, điện tử dân dụng, thép.

Các nước này bắt đầu nhận thức được cần phải sử dụng nhiều công cụ để tiếp cận thị trường tiêu thụ của các nước phương Tây và khi cần thiết sử dụng cả Cơ chế giải quyết tranh chấp. Ngoài ra việc thành lập một Bộ phận pháp lý (Legal Office) trực thuộc Ban thư ký GATT đã giúp cung cấp những trợ giúp kỹ thuật có hiệu quả cho các nước đang phát triển trong việc nghiên cứu về cơ cấu thể chế và pháp lý của GATT và tư vấn pháp lý cho các nước này trong quá trình chuẩn bị các tài liệu và thủ tục khiếu kiện.

Trong vòng 15 năm (1979-1994), số lượng các vụ kiện của các nước đang phát triển chống lại các nước phát triển đã tăng lên đến 25% tổng số các vụ kiện tại GATT (25/117 vụ).

Ở Vòng đàm phán Uruguay, Brazil đã đưa ra đề nghị cần thiết phải áp dụng nguyên tắc đối xử đặc biệt đối với các nước đang phát triển khi áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT. Đề nghị này đã được chấp nhận và thể hiện trong Thoả thuận về Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO. Cụ thể như sau:

- Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Tổng giám đốc WTO đứng ra làm trung gian, hoà giải trong trường hợp có tranh chấp với nước phát triển;

- Trong thành phần của nhóm chuyên gia nhất thiết phải có một thành viên là công dân của một nước đang phát triển, trừ khi nước đang phát triển có liên quan không yêu cầu như vậy;

- Thời gian để giải quyết tranh chấp với các nước đang phát triển có thể được kéo dài hơn so với quy định chung;

- Các nước phát triển cần có thái độ kiềm chế khi áp dụng các biện pháp trả đũa với bên thua kiện là nước đang phát triển;

- Các nước phát triển có thể được phép áp dụng các biện pháp trả đũa chéo đối với bên thua kiện là nước phát triển;

- Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Ban Thư ký WTO trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp;

- Các nước đang phát triển có thể áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp được Đại hội đồng GATT thông qua theo Quyết định ngày 5-4-1966.

Các nước đang phát triển đã nhanh chóng nhận thức được lợi ích từ việc sử dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và chỉ sau gần 5 năm, các nước đang phát triển đã trở thành nhóm các nước sử dụng nhiều nhất cơ chế giải quyết tranh chấp mới của WTO.

Tính đến ngày 31-12-1998, các nước đang phát triển dẫn đầu số lượng các vụ kiện (37%) nhiều hơn Mỹ (34%) và EU (21%) và 80% trong số đó kết thúc thắng lợi. Có thể nói Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được các nước đang phát triển sử dụng như một công cụ có hiệu quả để giải quyết tranh chấp thương mại với các nước phát triển. Và xét về toàn cục thì Cơ chế này là một bước phát triển tiến bộ theo hướng công bằng hơn trong quan hệ thương mại quốc tếÁPO

NGUỒN: THUVIENPHAPLUAT.COM