Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN, THỜI HIỆU YÊU CẦU - ĐIỂM GẠCH NỐI GIỮA PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Ths. Nguyễn Minh Hằng
Học viện Tư pháp
Trong việc xác định chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của các bên cũng như trong việc ổn định các quan hệ dân sự có liên quan với nhau về thời gian - vấn đề thời hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo quy định tại Điều 163 Bộ Luật dân sự (BLDS) “Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác khi kết thúc thời hạn đó, thì được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện”. Trên cơ sở quy phạm định nghĩa này, Điều 164 BLDS chia thời hiệu ra làm 3 loại: Thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện.(1) Xét về bản chất giữa 3 loại thời hiệu này có một mối quan hệ biện chứng với nhau, trong nhiều trường hợp thời hiệu khởi kiện là cơ sở của thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Tại khoản 3 Điều 164 BLDS quy định: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.” Trên cơ sở các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu như cách tính thời hiệu, thời điểm bắt đầu thời hiệu, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện khi xảy ra một số sự kiện pháp lý, vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện….Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 15/6/2004 đã quy định về thời hiệu và việc áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu trong chương XI “Thời hạn tố tụng”. Có thể nói, đây là một trong những quy định mới tiến bộ, đặt cầu nối giữa các quy định của pháp luật dân sự với pháp luật tố tụng dân sự, đồng thời bổ sung một cách toàn diện việc xác định thời hiệu mà pháp luật nội dung còn bỏ ngỏ. Từ việc tiếp cận vấn đề dưới góc độ hệ thống một số quy định cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự về thời hiệu khởi kiện – sự kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật nội dung (pháp luật dân sự theo nghĩa hẹp), trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi những điểm mới và những vấn đề nổi cộm xung quanh việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện và cách tính thời hiệu khởi kiện.

Từ quy định tại Điều 163, 164 BLDS cho phép chúng ta hiểu khái niệm thời hiệu khởi kiện theo nghĩa rộng bao gồm cả thời hạn mà các chủ thể được quyền khởi kiện tại Toà án yêu cầu giải quyết vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự và khiếu nại, kiến nghị, đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Đối sánh với quy định tương tự trong pháp luật tố tụng dân sự, chúng tôi cho rằng khái niệm thời hiệu khởi kiện trong BLTTDS được quy định và hiểu theo nghĩa hẹp hơn. Việc quy định về thời hiệu trong BLTTDS phản ánh những điểm mới tương ứng với một nội dung mới quan trọng trong BLTTDS là chia các việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án ra thành các vụ án dân sự và các việc dân sự. Với 2 loại thủ tục tố tụng riêng cho việc giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự, vì vậy thời hiệu theo quy định tại Điều 159 BLTTDS cũng được phân lập ra làm 2 loại là: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, theo đó thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu được hiểu là:
“1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Việc xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được xem xét với tính chất là một căn cứ để bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được thuận tiện, đúng đắn. Do vậy, trong quy phạm định nghĩa về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu chúng ta thấy gặp gỡ ở một điểm chung cùng là thời hạn mà pháp luật quy định các chủ thể được quyền khởi kiện hoặc được quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tuy nhiên, do đặc trưng và tính chất của việc dân sự và vụ án dân sự vì vậy bên cạnh sự tương đồng về khái niệm định nghĩa, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu còn phản ánh những khác biệt cơ bản thể hiện ở việc xác định thời hiệu và mốc thời hạn lần đầu tiên được ghi nhận trong BLTTDS.

1. Căn cứ để xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu

Theo quy định tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS: “Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:

a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm;

b) Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.”

Việc xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS được hướng dẫn cụ thể tại mục 2 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 31/3/2005 “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất - Những quy định chung của BLTTDS năm 2004”. Trên tinh thần của hướng dẫn này, chúng ta có thể xác định 2 căn cứ cơ bản để làm cơ sở cho việc áp dụng thời hiệu:

Thứ nhất, căn cứ vào quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu khi giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự. Nếu văn bản pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì áp dụng các quy định của các văn bản đó để xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu.
Thứ hai, đối với vụ việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 159 của BLTTDS về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Tuy nhiên cần lưu ý đến việc xác định thời điểm phát sinh tranh chấp để tính thời hiệu.

- Đối với vụ án dân sự:

+ Nếu tranh chấp phát sinh trước ngày 1/1/2005 thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày 1/1/2005;

+ Nếu tranh chấp phát sinh kể từ ngày 1/1/2005 thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm.

- Đối với việc dân sự:

+ Nếu quyền yêu cầu phát sinh trước ngày 1/1/2005, thì thời hiệu yêu cầu là 1 năm kể từ ngày 1/1/2005;

+ Nếu quyền yêu cầu phát sinh từ ngày 1/1/2005 thì thời hiệu yêu cầu là 1 năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2005 tất cả các vụ việc dân sự đều được áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Nếu pháp luật đã có quy định về thời hiệu và khác với quy định của BLTTDS thì tiếp tục áp dụng thời hiệu đó, nếu pháp luật không có quy định thì áp dụng thời hiệu theo quy định của BLTTDS. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc xác định và áp dụng thời hiệu là một vấn đề khá phức tạp cả về lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh các quy định về thời hiệu không dừng lại ở các quy định của BLDS hoặc các luật nội dung khác mà còn được hướng dẫn rải rác trong các văn bản của Toà án nhân dân tối cao và của các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật dân sự và những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự

Nguyên tắc xác định thời hiệu khởi kiện theo quy định của BLTTDS trước tiên dẫn chiếu đến các quy định của BLDS. Cách tính thời hiệu và thời hiệu khởi kiện đối với từng loại vụ án được áp dụng theo các quy định tương ứng của BLDS. Nghiên cứu các quy định của BLDS cũng như các quy định của văn bản khác như Điều 6 Nghị quyết Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 8 ngày 28/10/1995 về việc thi hành Bộ luật dân sự; Mục 3 thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 10/8/1996 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật theo Nghị quyết quốc hội về việc thi hành BLDS; Nghị quyết số 58/1998/UBTVQH 10 ngày 25/8/1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân xác lập trước ngày 1/7/1991, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (NQ số 02/2004/NQ-HĐTP) "Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình” ngày 10/8/2004. Chúng tôi thấy thời hiệu khởi kiện chỉ quy định cho một số loại vụ án cụ thể như: Những vụ án hủy giao dịch trái pháp luật, tranh chấp hợp đồng, vụ án thừa kế, tranh chấp về nợ hụi. Tuy nhiên, ngay trong các quan hệ có sự quy định trực tiếp về thời hiệu này cũng có khá nhiều các quy định còn bỏ ngỏ và một số hướng dẫn chưa thống nhất.

Trước tiên, đối với những vụ án hủy giao dịch trái pháp luật, theo quy định tại Điều 145 BLDS thì thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố hủy giao dịch dân sự vô hiệu được phân ra làm 2 loại: Đối với yêu cầu Toà án hủy giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các Điều 140, 141, 142 và 143 của BLDS là 1 năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập; đối với yêu cầu Toà án hủy giao dịch dân sự được quy định tại các Điều 137, 138 và 139 của BLDS thì thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế.

Về vấn đề này Toà án nhân dân tối cao cũng đã có những hướng dẫn đối với việc xác định thời hiệu khởi kiện trong một số trường hợp cụ thể trong Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004. Mặc dù vậy, khi vận dụng hướng dẫn này của Toà án nhân dân tối cao liên quan đến việc xác định thời hiệu khởi kiện cũng đặt ra một số vấn đề tranh cãi. Về thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có phân lập 2 mốc thời gian cơ bản để xác định thời hiệu khởi kiện là các giao dịch dân sự được giao kết trước ngày 1/7/1996 và các giao dịch dân sự được giao kết từ ngày 1/7/1996 mà có yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Theo điểm a Mục 1.4 Nghị quyết này thì thời hiệu trong các trường hợp cụ thể như sau:

“a) Đối với giao dịch dân sự được giao kết trước ngày 1/7/1996 thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 bao gồm: Nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội; một hoặc các bên không có quyền giao kết hợp đồng (chủ thể giao kết hợp đồng không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991), thì thời gian yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế. Trong mọi thời điểm một bên hoặc các bên đều có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu.

b) Đối với giao dịch dân sự được giao kết từ ngày 1/7/1996 mà có yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, thì áp dụng các quy định tại Điều 145 của Bộ luật dân sự về thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu”.

Việc hiểu và áp dụng quy định này trong thực tiễn xét xử tồn tại những quan điểm khác nhau khi xác định còn hay hết thời hiệu khởi kiện, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng được xác lập trước ngày 1/7/1996. Theo hướng dẫn này việc không hạn chế về thời hiệu khởi kiện đặt ra với các trường hợp vi phạm yếu tố chủ thể giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, hướng dẫn lại bó hẹp với cách giải thích chủ thể không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 - cá nhân có quyền giao kết hợp đồng dân sự khi có đủ năng lực hành vi để thực hiện giao dịch. Vấn đề đặt ra là đối với những trường hợp cá nhân không có quyền tài sản hoặc tài sản không thuộc sở hữu của họ, khi họ định đoạt tài sản này thì có thuộc trường hợp chủ thể không được quyền giao kết hợp đồng hay không. Xin đơn cử một ví dụ liên quan đến tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà tại số 183 phố X, phường T, quận H, thành phố Hà nội. Nguồn gốc căn nhà này là của ông bà M. Năm 1990 ông bà M cùng mất trong một vụ tai nạn giao thông, không để lại di chúc. Căn nhà này được giao cho anh B con thứ của ông bà quản lý. Ông bà M có 7 người con, tuy nhiên chỉ có anh B cư trú ở thành phố Hà nội. Sau khi ông bà M mất, các con của ông bà M cũng không họp và lập bất cứ văn bản phân chia tài sản nào. Năm 1992 anh B lập hợp đồng bán căn nhà này với giá 15 cây vàng cho vợ chồng chị K, hợp đồng có xác nhận chữ ký của UBND phường T. Anh B đã nhận đủ tiền và vợ chồng chị K đã nhận nhà ở từ năm 1992. Nay 6 người con của ông bà M làm đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng này do anh B định đoạt trái với ý chí của các đồng thừa kế khác. Khi thụ lý giải quyết vụ án này có quan điểm cho rằng vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện, vì theo quy định tại Điều 56 pháp lệnh thừa kế năm 1991 thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác. Quá thời hạn này, bên bị vi phạm mất quyền khởi kiện. Như vậy, đến năm 2005 các thừa kế hợp pháp của ông bà M mới làm đơn khởi kiện trường hợp này các chủ thể khởi kiện đã bị tước bỏ quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 56 pháp lệnh hợp đồng dân sự? Đây cũng không thuộc trường hợp áp dụng được điểm a Mục 1.4. Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP vì khi giao kết hợp đồng anh B không rơi vào trường hợp cá nhân không có quyền giao kết hợp đồng khi chưa đủ khả năng nhận thức, thực hiện quyền, nghĩa vụ hợp đồng và tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ đó.
Chúng tôi cho rằng cơ sở của quan điểm trên xuất phát từ chính quy định giải thích trong Nghị quyết số 02 NQ-HĐ (chủ thể giao kết hợp đồng không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991). Tuy nhiên, khi vận dụng điều luật hoặc hướng dẫn cần hiểu và vận dụng các quy định của điều luật trong bản chất của vấn đề. Rõ ràng trong trường hợp này giao dịch dân sự được xác định vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết liên quan đến việc đánh giá tính chất của giao dịch về việc định đoạt tài sản chung. Nếu không đề cập đến yếu tố chủ thể không có quyền định đoạt thì vụ án này cũng rơi vào trường hợp giao dịch trái pháp luật. Do vậy, thời hiệu khởi kiện sẽ không bị hạn chế theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/ HĐTP.

Khó khăn là ở chỗ ngay việc xác định thời hiệu khởi kiện của một loại quan hệ pháp luật này trong nhiều trường hợp vẫn buộc chúng ta phải xem xét đến việc xác định thời hiệu của một quan hệ pháp luật khác. Chẳng hạn như việc xem xét thời hiệu khởi kiện trong quan hệ hợp đồng khi xét đến nguồn gốc tài sản chuyển dịch nhiều trường hợp chúng ta phải xem xét đến căn cứ để xác lập về quan hệ sở hữu tài sản lại liên quan đến vấn đề xác định thời hiệu về thừa kế.

Liên quan đến các quy định của pháp luật về xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế: Trước khi có BLDS thời hiệu khởi kiện về thừa kế được quy định tại Điều 36 Pháp lệnh về thừa kế. Theo quy định này “1- Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

2- Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.”

Bộ luật dân sự kế thừa quy định về thời hiệu khởi kiện theo quy định của Pháp lệnh thừa kế, tại Điều 648 BLDS quy định: “Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Tuy nhiên, đối với việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành pháp lệnh thừa kế (ngày 30/8/1990), theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế thì thời hiệu khởi kiện đến hết ngày 9/9/2000. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 58/UBTVQH10 ngày 25/8/1998 cuae Uỷ ban thường vụ quốc hội từ ngày 1/7/1996 đến ngày 31/12/1998 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991. Do vậy thời hiệu khởi kiện loại việc này được tính đến ngày 9/3/2003. Bắt đầu từ ngày 10/3/2003 đương sự không còn quyền khởi kiện đối với những vụ án thừa kế có thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990. Đối với những vụ án thừa kế có thời điểm mở thừa kế từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 1/7/1991 đây cũng là loại vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết do đợi Nghị quyết 58/1998, thời gian từ 1/7/1996 đến 31/1/21998 cũng không tính vào thời hiệu khởi kiện, do vậy những vụ án thừa kế có thời hiệu khởi kiện trong khoảng thời gian từ 10/9/1990 đến ngày 30/6/1991 đến 1/1/2004 mới hết thời hiệu khởi kiện.

Tuy nhiên, tại Mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn "a. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”.

Vấn đề đề đặt ra là có sự chuyển hóa về quan hệ giữa yêu cầu chia thừa kế và yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Mặc dù căn cứ để xác định tài sản chung được xuất phát chính từ quyền thừa kế của đương sự. Tuy nhiên, chúng ta lại thấy có những mâu thuẫn trong hướng dẫn này liên quan đến vấn đề thời hiệu trong Bộ luật dân sự chẳng hạn như vấn đề về thời hiệu hưởng quyền khi hết thời hiệu khởi kiện. Vướng mắc khi áp dụng quy định này xuất phát từ trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung. Như vậy, điều kiện để có thể chia tài sản chung được phải đảm bảo 2 yếu tố: Một là các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế, hai là đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia. Vấn đề hiểu thế nào là chưa chia? Giả sử các đồng thừa kế đều không có tranh chấp về thừa kế nhưng di sản này trước đó đã được chia một phần. Vậy trong trường hợp này đương sự có được quyền yêu cầu chia tài sản chung không hoặc Toà án có được quyền thụ lý yêu cầu chia tài sản chung hay không? thực tiễn xét xử đây vẫn là câu hỏi đang chờ được làm rõ.

Bên cạnh vấn đề vướng mắc đó, chính hướng dẫn tại tiết a3 và b điểm 2.4 Mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn khi xét đến các quy định về thời hiệu trong Bộ luật dân sự. Khi áp dụng hướng dẫn trên sẽ đồng thời với việc Toà án sẽ không bao giờ giải quyết hết các việc liên quan đến quyền thừa kế mặc dù trên thực tế Pháp lệnh thừa kế và Bộ luật dân sự có quy định về thời hiệu. Bởi vì nếu hết thời hạn thực hiện quyền thừa kế hoặc xác lập quyền sở hữu tài sản thì các bên lại có quyền đưa ra yêu cầu chia tài sản chung, mặc dù trên thực tế việc chia thừa kế về bản chất cũng là chia tài sản chung của người đã chết cho tất cả những người đồng thừa kế. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến một hậu quả những người thứ ba là những người tham gia giao dịch dân sự một cách hợp pháp nhưng bị thiệt hại rất nặng nề. Ví dụ: Năm 2003 A mua một ngôi nhà của B, A đã trả tiền đầy đủ cho B, đồng thời A đã làm thủ tục pháp lí đối với nhà nước để sang tên ngôi nhà này. Nay C và D là những đồng thừa kế với B đệ đơn lên Toà án yêu cầu chia tài sản chung là ngôi nhà mà B đã bán cho A mặc dù thời hiệu yêu cầu chia thừa kế này không còn. Trong trường hợp nếu xác định ngôi nhà mà B đã bán cho A là tài sản chung của cả B với C và D thì việc B bán ngôi nhà cho A là bất hợp pháp. Như vậy, hợp đồng mua bán giữa A và B sẽ bị coi là vô hiệu. A sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là trong trường hợp giá cả nhà ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng…
Khi áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự quy định trong Bộ luật dân sự, chúng ta thấy ngay vấn đề bất cập là các giao dịch dân sự không được áp dụng thời hiệu sẽ mãi mãi tồn tại. Như vậy, Toà án sẽ không bao giờ hết việc vì một bên đương sự sẽ được hưởng một quyền vĩnh viễn là có quyền khởi kiện bất cứ lúc nào mà không bị khống chế bởi thời gian thực hiện quyền này. Điều này sẽ rất bất hợp lý? vì một bên mãi mãi được hưởng quyền và một bên mãi mãi phải gánh chịu nghĩa vụ. Chúng tôi cho rằng, việc được yêu cầu chia tài sản chung trong trường hợp trên về mặt lý luận đã và đang đặt ra các vấn đề mâu thuẫn với chính các quy định về thời hiệu tại Điều 163 Bộ luật dân sự và khoản 1 Điều 159 BLTTDS.
Trong thực tiễn xét xử, một quan hệ khác cũng đang bị đóng băng chờ hướng dẫn đó là vấn đề tranh chấp về nợ hụi: Theo hướng dẫn tại Công văn số 49 ngày 20/5/1997; Công văn 120/KHXX ngày 27/10/1997, Công văn 19/KHXX ngày 13/3/1998 đối với những tranh chấp về hụi họ nếu xảy ra trước ngày 1/7/1996 sẽ được giải quyết theo Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 8/8/1992 của Toà án nhân dân tối cao. Đối với những tranh chấp về nợ hụi phát sinh từ ngày 1/7/1996 thì Toà án chưa thụ lý giải quyết. Nếu đã thụ lý thì Toà án phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để chờ hướng dẫn mới. Tại Báo cáo công tác ngành Toà án năm 2003 Toà án nhân dân tối cao đã đề nghị hướng dẫn giải quyết loại án này cụ thể là: ‘Theo quy định tại Điều 130 BLDS thì quan hệ ‘chơi hụi’ là một loại của giao dịch dân sự. Vì vậy khi những người tham gia chơi hụi có tranh chấp, thì đó là tranh chấp về nghĩa vụ của hợp đồng vay, nợ và Toà án phải thụ lý”. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay việc giải quyết quan hệ này chờ đợi vào hướng dẫn mà chưa có một quy định cụ thể nào về thời hiệu để mở nút thắt này được.

Từ thực tế giải quyết các tranh chấp này chúng tôi cho rằng khi xác định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, chúng ta phải lưu ý đến các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đặt trong một mối tương quan chung với các quy định của BLTTDS và các văn bản pháp luật về nội dung có quy định về vấn đề này. Trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải xem xét vấn đề thời hiệu đặt trong nhiều quan hệ nội dung khác nhau và cần đánh giá bản chất của quan hệ đó khi xác định thời hiệu. Mặt khác, nên chăng Toà án nhân dân tối cao cần có những nghiên cứu và ban hành các hướng dẫn cụ thể tránh sự hiểu mâu thuẫn về luật và không thống nhất trong việc áp dụng các quy định của pháp luật nội dung khi xác định và áp dụng các quy định về thời hiệu trong thực tiễn xét xử.

3. Thời hiệu yêu cầu

Xuất phát từ việc việc giải quyết các việc dân sự thường được tiến hành nhanh gọn hơn với thủ tục đơn giản hơn so với việc giải quyết vụ án dân sự. Vì vậy, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được quy định là một năm, ngắn hơn so với thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn yêu cầu, thời hiệu khởi kiện. Vấn đề ở chỗ nếu như việc xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và các căn cứ được xác định đã được giải thích khá cụ thể tại mục 2.2. Nghị quyết số 01 /2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì đối với việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu là ngày phát sinh quyền yêu cầu lại là một quy định chưa có sự giải thích cụ thể. Về nguyên tắc chung, ngày phát sinh quyền yêu cầu là ngày người có quyền yêu cầu được yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự. Điều 26, và Điều 28 BLTTDS đã liệt kê được những yêu cầu về dân sự và về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Tương ứng với mỗi yêu cầu đó, tùy từng loại việc mà pháp luật lại quy định thời điểm đương sự yêu cầu giải quyết việc dân sự khác nhau. Chẳng hạn, thời điểm phát sinh quyền yêu cầu Toà án công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài là thời điểm bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài có hiệu lực thi hành (Điều 351 BLTTDS) hoặc thời điểm yêu cầu tuyên bố một người là mất tích là 2 năm tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng của người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn hai năm được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng (Điều 88 BLDS)…. Vấn đề đặt ra đối với trường hợp có yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng thì áp dụng thủ tục giải quyết vụ án dân sự hay vụ việc dân sự và việc xác định thời hiệu yêu cầu như thế nào? Tương tự như vậy đối với các yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật đặt ra vấn đề thời hiệu yêu cầu cụ thể ra sao. Chẳng hạn anh A và chị B kết hôn trái pháp luật năm tháng 1/2005 giả sử đến thời điểm tháng 1/2007 mới có đơn yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật. Trong trường hợp này Toà án có xác định là hết thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự hay không. Điều này liên quan đến cách hiểu thế nào là ngày phát sinh quyền yêu cầu. Có đặt ra vấn đề quyền yêu cầu phát sinh ngay từ khi quan hệ hôn nhân trái pháp luật đó diễn ra trên thực tế hay đây thuộc trường hợp ngoại lệ không hạn chế về thời gian yêu cầu. Điều này cũng rất cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể.

Qua việc nghiên cứu chúng tôi cho rằng việc quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu trong BLTTDS bước đầu khắc phục được những hạn chế của pháp luật nội dung. Tuy nhiên, vấn đề thời hiệu cũng như nhiều vấn đề khác về thủ tục giải quyết việc dân sự được quy định trong BLTTDS qua việc áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là đối một số loại thời hiệu yêu cầu cụ thể. Vì vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Toà án nhân dân tối cao cần phải có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để thống nhất về cách hiểu và áp dụng trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự./.

(1). Điều 155 BLDS sửa đổi, bổ sung phân lập 4 loại thời hiệu. Trong đó, tách quy định về thời hiệu khởi kiện (tại Điều 164 BLDS) ra làm 2 loại là thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu tương ứng với quy định mới của BLTTDS.
---------------------------------------------
SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC - SỐ ĐẶC SAN VỀ BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét