Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

CỔ PHẦN HOÁ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY

TRẦN NGỌC MINH
Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM


NHTM nhà nước đang đứng trước thực trạng nợ tồn đọng lớn, vốn tự có quá thấp so với nhu cầu thực tiễn và so với các ngân hàng trên thế giới, tình trạng này đang làm hạn chế khả năng huy động vốn và cho vay của hệ thống ngân hàng.

Vấn đề cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đặt ra trong giai đoạn này là phù hợp với tiến trình đổi mới hoạt động ngân hàng để hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, việc cổ phần hoá (CPH) một NHTM nhà nước không đơn thuần như việc CPH một doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng không phải là vấn đề quá khó khăn không thể không thực hiện được. Do đó, quan trọng hiện nay là xác định được mục tiêu CPH, xác định những điều kiện cần và đủ để giải quyết những vấn đề trong quá trình CPH và phải đảm bảo được một ngân hàng sau khi CPH phải đáp ứng được các chuẩn mực Hội nhập kinh tế quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh được với các ngân hàng trong nước và trên thế giới. 

Với những yêu cầu và ý nghĩa như trên, Chi nhánh NHNN TP.HCM tham gia một số nội dung về việc cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước (CPH NHTMNN) như sau: 

I. Sự cần thiết phải CPH NHTMNN 

Hoạt động ngân hàng, trong đó NHTM nhà nước với vai trò chủ đạo trong những năm qua đã có sự đóng góp rất lớn vào sự thành công trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đã triển khai thực hiện chính sách tiền tệ một cách tích cực, cơ bản ổn định được giá trị và sức mua của đồng tiền, kìm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại tệ cho quốc gia và góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển chung của nền kinh tế, chưa phát huy hết chức năng huy động và sử dụng vốn có hiệu quả để làm cho kinh tế nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo. 

Việc CPH ngân hàng là một khâu trong quá trình đổi mới hoạt động NH, củng cố và cơ cấu lại các NHTM theo hướng tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục những tồn tại nhằm nâng cao năng lực tài chính, trình độ công nghệ, năng lực tổ chức kinh doanh đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công cuộc đổi mới trong những năm tới  

NHTM nhà nước đang đứng trước thực trạng nợ tồn đọng lớn, vốn tự có quá thấp so với nhu cầu thực tiễn và so với các ngân hàng trên thế giới, tình trạng này đang làm hạn chế khả năng huy động vốn và cho vay của hệ thống ngân hàng. 

Do yêu cầu của CNH-HĐH đất nước cần phải có một khối lượng vốn, vì vậy cần phải có NHTM đủ tiềm lực tài chính để thực hiện phân phối và sử dụng vốn một cách hiệu quả. Chính vì vậy, đặt ra vấn đề CPH NHTM nhà nước là rất cần thiết. 

Quá trình thực hiện Hiệp định thương mại Việt-Mỹ và chuẩn bị hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế với việc tự do hóa tài chính đã làm cho môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, đầy rủi ro hơn. Bối cảnh này đã đặt ra cho ngành ngân hàng cần thiết phải CPH NHTM nhà nước. 

Với những yêu cầu hết sức cần thiết và bức xúc như đã nêu trên, đòi hỏi trong hoạt động của ngân hàng VN phải có một ngân hàng với quy mô lớn, năng lực tài chính mạnh trong khi các NHTM nhà nước cũng như các NHTM cổ phần không thể đáp ứng được thì vấn đề CPH NHTM nhà nước là một yêu cầu cần thiết khách quan. 

II. Mục tiêu, yêu cầu cổ phần hoá 

 Thực chất cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chuyển hình thức sở hữu nhà nước thành hình thức đa sở hữu thông qua việc chuyển một phần tài sản của doanh nghiệp nhà nước cho nhiều chủ thể khác. Việc cổ phần hoá các NHTM nhà nước nhằm các mục tiêu sau: 

- CPH ngân hàng thương mại nhà nước với mục đích sẽ tăng quy mô năng lực vốn trên cơ sở nhiều hình thức sở hữu vốn (nhà nước, tổ chức kinh tế, cá nhân trong ngoài nước) để tăng năng lực cạnh tranh, vì vậy ngân hàng được CPH không phải như là một dạng của NHTM cổ phần và cũng không phải là một dạng của ngân hàng liên doanh (góp vốn của hai phía VN và nước ngoài). Vì vậy, đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý từ phía nhà nước ở tầm vĩ mô làm cơ sở cho Hội đồng quản trị điều hành ngân hàng một cách hiệu quả, linh hoạt. 

- Tạo ra những NHTM lớn có khả năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và truyền tải các chính sách của nhà nước.  

- Nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế . 

III. Những vấn đề đặt ra trong quá trình CPH NHTM nhà nước  

 Thực hiện CPH đối với NHTM là vấn đề mới của ngành ngân hàng, do đó sẽ có những khó khăn nhất định. Việc thực hiện CPH NHTM nhà nước cần rút kinh nghiệm từ CPH các DNNN, không thực hiện chủ quan, nhưng cũng không được chậm trễ, do đó khi thực hiện phải đảm bảo những điều kiện cần và đủ như sau: 

1. Về quy mô vốn tự có:

Hiện nay về quy mô vốn hoạt động của một NH trung bình trên thế giới khoảng từ một tỷ USD trở lên. Do đó, trong quá trình hội nhập và để đủ năng lực trong cạnh tranh, các NHTMNN được CPH đạt quy mô vốn ít nhất phải tương ứng với một ngân hàng trung bình trên thế giới, tức là mức vốn tự có của ngân hàng này phải đạt từ 16.000 tỷ đồng trở lên trong đó, vốn sở hữu của nhà nước đạt tối thiểu 8.160 tỷ đồng, phần còn lại gọi vốn từ cổ đông trong và ngoài nước. 

Quy mô vốn của NH CPH phải luôn luôn bảo đảm được yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trên tổng tài sản có, đây là một chuẩn mực quốc tế không thể thiếu được. 

2. Về mức vốn giữ vai trò chi phối của nhà nước trong NH được CPH:

NHTM nhà nước khi thực hiện CPH tuy hình thức chủ sở hữu có sự thay đổi nhưng vai trò chủ đạo trong việc triển khai thực hiện chính sách tiền tệ vẫn không thay đổi mà vẫn tiếp tục phát huy dưới hình thức mới được điều hành bởi một Hội đồng quản trị theo cơ chế quản lý phù hợp. Vì vậy, nhất thiết NHTM nhà nước khi thực hiện CPH vốn nhà nước tham gia phải nắm vai trò điều phối với tỷ lệ tối thiểu 51%. 

Việc này có thể thực hiện thông qua hình thức : 

Một là, giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại NHTMNN (xem đó là 51%), phần 41% còn lại sẽ phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn từ các cổ đông trong và ngoài nước.  

Hai là, mức vốn điều lệ tăng đến đâu thì vốn của nhà nước luôn giữ tỷ trọng 51%. 

Tuy nhiên, việc quy định Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ vốn tối thiểu 51%, sẽ có hai khó khăn cần được giải quyết : 

- Hiện nay, ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, không đủ vốn để luôn duy trì tỳ lệ 51% khi mức vốn điều lệ cần phải tăng cao theo yêu cầu. 

- Khi Nhà nước nắm giữ số cổ phần khống chế và có quyền chỉ định các vị trí điều hành then chốt, các vấn đề nhân sự, cơ chế hoạt động… Như vậy về cơ bản sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ”, hiệu quả hoạt động sẽ vẫn thấp, lợi ích đem lại không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. 

3. Về góp vốn của cổ đông nước ngoài:

 Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia góp vốn để thu hút các nguồn lực ngoài nước, tỷ lệ tham gia của các cổ đông nước ngoài dần dần được mở rộng nhưng tỷ lệ tối đa không quá 30% vốn điều lệ. Trong đó, nên tập trung ưu đãi cho các cổ đông nước ngoài là các ngân hàng nước ngoài với tỷ lệ góp vốn tối đa không quá 20% vốn tự có. Bởi vì chính các ngân hàng này sẽ là cơ sở, điều kiện giúp cho ngân hàng được CPH mở rộng phát triển mạng lưới hoạt động (chi nhánh, văn phòng đại diện) đến các nước sở tại này. 

4. Về vai trò chủ đạo trong thực hiện chính sách tiền tệ của NH được CPH:

NHTM nhà nước sau khi CPH phải trở thành một ngân hàng cùng với hệ thống NHTM nhà nước là lực lượng nòng cốt trong lĩnh vực ngân hàng, là NH triển khai thực hiện tốt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước VN, là một ngân hàng có khả năng huy động tốt mọi tiềm lực kinh tế xã hội trong và ngoài nước để phân phối và sử dụng một cách an toàn hiệu quả, an toàn góp phần thực hiện thành công CNH-HĐH đất nước. 

Việc CPH ngân hàng đảm bảo ổn định được hoạt động tiền tệ-tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. 

5. Về tình hình tài chính:

Mặc dù hiện nay, Chính phủ đã có những chủ trương xử lý nợ tồn đọng và các NHTMNN đã tích cực xử lý nhưng nhìn chung tỷ lệ nợ tồn đọng vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao (trên địa bàn TP.HCM khoảng 5,1%). Kinh nghiệm từ thực tiễn CPH các DNNN về việc xử lý nợ tồn đọng luôn luôn là vấn đề hết sức khó khăn, phụ thuộc vào các cơ chế chính sách xử lý nợ, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc xử lý nợ. Ngoài ra, việc xác định thực tế giá trị ngân hàng để CPH cũng không phải là vấn đề đơn giản, hiện nay đã có nhiều phương pháp để xác định giá trị tài sản hữu hình nhưng việc xác định giá trị tài sản vô hình đang gặp vướng mắc trong xác định thương hiệu và vị thế hoạt động: 

- Xử lý các khoản nợ tồn đọng, đặc biệt Nhà nước phải có cơ chế xử lý dứt điểm các khoản nợ theo chủ trương như nợ cho vay thanh toán công nợ, nợ khoanh… Đây là một thực trạng khó khăn của các NHTM nhà nước hiện nay. Quá trình xử lý nợ đọng sẽ kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến trình CPH. 

- Xây dựng một ngân hàng CPH đủ thực lực tài chính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Muốn thực hiện được điều này, cần phải xác định chính xác giá trị thực tế của ngân hàng được CPH, đưa ra một mức giá phù hợp mà người mua và cả người bán đều có thể chấp nhận được, trên cơ sở đó việc gọi vốn góp cổ đông rất dễ dàng.  

6. Xác định chiến lược kinh doanh ngân hàng:

Các nội dung khác của tiến trình CPH mặc dù được chuẩn bị tốt đến đâu nhưng không xác định được mục tiêu, chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng thì cũng không thể đánh giá được tầm quan trọng của ngân hàng được CPH cũng như không thể làm cơ sở xác định được hiện giá ròng trong tương lai của ngân hàng. Vì vậy, NHTM CPH phải xây dựng được chiến lược kinh doanh mới theo thông lệ quốc tế và là một ngân hàng đa năng với các sản phẩm dịch vụ NH hiện đại như thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư tài chính, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ… 

Đảm bảo được hoạt động kinh doanh của ngân hàng được CPH theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế. 

Việc CPH NHTM nhà nước phải gắn liền với việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, mở rộng và phát triển mạng lưới hoạt động ra các nước trên thế giới đặc biệt là các nước có cổ đông góp vốn (đây sẽ là một ưu thế của ngân hàng CPH ). 

IV. Giải pháp  

1. Về cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động:

Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh bổ sung loại hình NHTM CPH trong loại hình các TCTD làm cơ sở pháp lý thực hiện. 

Là ngân hàng có yếu tố vốn đầu tư nước ngoài nên sẽ chịu điều chỉnh bởi Luật các TCTD và Luật đầu tư nước ngoài.  

2. Về cơ chế quản trị ngân hàng:

Phải xây dựng được cơ chế quản lý của Hội đồng quản trị theo hướng nâng cao quyền lực. Theo đó, Hội đồng quản trị được quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với Tổng giám đốc điều hành; bộ phận kiểm soát và kiểm toán nội bộ ngân hàng hoạt động độc lập với Ban điều hành, chỉ trực thuộc Hội đồng quản trị, từ đó mới phát huy được vai trò hoạt động của Kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Quy định một số quyền hạn nhất định của các cổ đông nước ngoài trong việc tham gia các quyết sách hoạt động của ngân hàng. 

Xây dựng được các chuẩn mực quốc tế về quy trình nghiệp vụ quản trị rủi ro, quản lý tín dụng hiện đại, quản lý tài sản nợ-có, quản lý đầu tư, quy trình kiểm toán nội bộ…. 

3. Xác định giá trị thực tế ngân hàng:

Trong quá trình thực hiện CPH điều quan trọng là xác định giá trị thực tế ngân hàng để đưa giá bán cổ phần cho phù hợp, người mua và người bán có thể chấp nhận được. Tiến hành thí điểm và mở rộng bán đấu giá cổ phần lần đầu thông qua thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn đầu, có thể nghiên cứu bán cổ phần không chi phối cho các nước có thực lực kinh tế phát triển mạnh để thu hút nhanh vốn. 

4. Xây dựng lộ trình phát triển theo mục tiêu chiến lược của NH được CPH:

 Trên cơ cơ sở mục tiêu chiến lược đã được định hướng, cần thiết phải xây dựng lộ trình phát triển hoạt động cho ngân hàng được CPH như sau : 

- Từ năm 2006 đến 2010: Phải đạt một số chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, phát triển các loại hình sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Phát triển mạng lưới văn phòng đại diện và chi nhánh hoạt động ở nước ngoài, hình thành một NHTM mạnh có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.  

- Từ năm 2010: Hoạt động NHTM theo chuẩn mực quốc tế kể cả về vốn, quản lý, công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu về vốn và thanh toán chủ yếu của nền kinh tế, đồng thời khẳng định vai trò nhất định trên thị trường tài chính khu vực và quốc tế. 

5. Cổ phần hoá gắn với niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán:

Sau khi cổ phần hoá, cổ phiếu của các NH sẽ được đưa lên sàn giao dịch, để giá trị cổ phiếu được giao dịch công khai và phản ảnh đúng giá trị .  

Đòi hỏi phát triển thị trường chứng khoán của VN phải lớn mạnh, xứng đáng là sàn giao dịch công bằng, bình đẳng, minh bạch, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Để đạt được điều đó, thị trường chứng khoán VN cần thực hiện một số biện pháp sau: 

° Về cơ sở pháp lý: Thị trường chứng khoán VN chưa thực sư là một kênh vốn dài hạn của nền kinh tế, do đó cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn của TTCK VN cũng như với thông lệ của các TTCK lớn trên thế giới. Đó là :  

Phải sớm xây dựng và ban hành Luật chứng khoán, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy về thuế, phí, chế độ theo hướng thông thoáng hơn nhằm khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia thị trường. 

Trong thời gian trước mắt chưa có Luật chứng khoán, Uỷ ban chứng khoán nhà nước cần phối hợp với Bộ kế hoạch và đầu tư xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về quản lý, phát hành và giao dịch chứng khoán chưa niêm yết. Bên cạnh đó, cần phải ban hành thêm các hướng dẫn cụ thể về niêm yết cổ phiếu ngân hàng. 

° Cần gắn liền việc niêm yết trên thị trường chứng khoán với việc CPH ngân hàng: Việc đưa vào quy định pháp lý ngay từ đầu các điều khoản yêu cầu các doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết khi cổ phần hoá phải tổ chức bán đấu giá và niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán. Điều này sẽ tạo ra một thói quen cho NH khi CPH với việc minh bạch và công khai hoá thông tin ngay từ đầu. 

Có như vậy TTCK sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá NHTMNN thông qua việc thực hiện thành công việc bán cổ phần của các NHTMNN cổ phần hoá. Và một khi cổ phiếu ngân hàng được niêm yết trên TTCK thì sẽ có một khối lượng hàng hoá lớn được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán, tạo nên sự sôi động trên TTCK và chắc chắn TTCK VN sẽ tiến lên một bước ª 

----------------------------------------------------------------------

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ THÁNG 10/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét