Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

VỤ ÁN: CHỖ THOÁT NƯỚC MƯA

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ ba, 13/11/2007

Tòa chỉ dựa vào thông lệ để buộc một bên đập tường, lấy chỗ cho hàng xóm thoát nước mưa. Án tuyên không thực tế, thi hành án bó tay!

Nhà ông Nguyễn Đắc Diệp và nhà bà Đặng Thị Điểu liền kề nhau ở đường Nguyễn Trãi, phường 5, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Lâu nay tình làng nghĩa xóm êm đẹp, nước mưa từ mái sau nhà bà Điểu vẫn đổ thoải mái sang khuôn viên đất trống nhà ông Diệp.

Mâu thuẫn giữa hai bên phát sinh từ năm 2004 khi ông Diệp xây sửa nhà. Ông vừa xây xong cũng là lúc bà Điểu phát đơn khiếu nại.

Đòi thoát nước mưa trên đất người khác

Theo đơn của bà Điểu, 20 năm trước, ông nội của ông Diệp có chừa 0,5 m đất từ phía vách hậu nhà bà để mái sau nhà bà thoát nước mưa.

Nay ông Diệp sửa lại nhà đã xây tường sát vách hậu nhà bà, khiến mái sau nhà bà không còn chỗ thoát nước mưa nữa. Do vậy, bà yêu cầu ông Diệp phải đập bỏ tường xây và phục hồi nguyên trạng.

Ông Diệp thì bảo vách tường này được xây trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của ông, được UBND tỉnh Phú Yên cấp “giấy hồng” năm 2003 (có chữ ký công nhận giáp ranh của các hộ liền kề, trong đó có cả bà Điểu). Dù vậy, trước khi sửa nhà ông vẫn qua nói chuyện với bà Điểu.

 Hai bên thống nhất là ông chịu trách nhiệm làm hệ thống máng có ống dẫn thoát nước chảy bên hông nhà bà Điểu. Chẳng hiểu vì sao bà Điểu lại đổi ý, không chịu làm hệ thống thoát nước mưa nữa mà quay sang buộc ông trả lại hiện trạng ban đầu.

“Tôi đã đề xuất hướng giải quyết hợp lý mà bà ấy chẳng chịu. Chẳng lẽ đất của tôi mà lại phải để cho bà ấy sử dụng hay sao?” - ông Diệp bức xúc.

Xử theo thông lệ

Sau đó, dù chính quyền địa phương đã ba lần tổ chức hòa giải, động viên hai bên theo hướng ông Diệp làm hệ thống máng có ống dẫn thoát nước cho bà Điểu nhưng bà Điểu vẫn khăng khăng đòi đập bỏ tường nhà ông Diệp. Thế là vụ việc phải chuyển đến tòa án.

Tháng 6-2006, TAND TP Tuy Hòa cho rằng việc xây dựng vách tường nhà ông Diệp đã xâm hại đến quyền lợi của bà Điểu, khiến mái sau nhà bà Điểu không có chỗ thoát nước mưa nên tuyên buộc ông Diệp phải tháo dỡ vách tường này.

Ông Diệp kháng cáo. Sau đó, xử phúc thẩm, dù công nhận vách tường nằm trong phần đất thuộc quyền sử dụng của ông Diệp, không lấn chiếm đất của bà Điểu nhưng TAND tỉnh Phú Yên bảo theo thông lệ địa phương, người dân thường làm mái ngói phía sau nhà kéo dài so với vách nhà ít nhất hai miếng ngói (khoảng 0,4 m) để thoát nước mưa.

Từ đó, TAND tỉnh Phú Yên đã y án sơ thẩm, quyết định cắt 0,4 m đất của ông Diệp để giao cho bà Điểu làm chỗ thoát nước mưa.

Có hợp tình hợp lý?

Luật hiện hành không có quy định nào buộc chủ sở hữu bất động sản liền kề phải cho nhà kế bên đổ nước mưa qua. Ngược lại, theo Điều 269 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu nhà có nghĩa vụ phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.

Hơn nữa ở đây, nhà bà Điểu vẫn còn phương pháp thoát nước mưa khác là làm hệ thống máng có ống dẫn thoát nước, không phải chỉ có một cách bắt buộc duy nhất là cho đổ nước mưa xuống đất ông Diệp.

Đáng nói là phương án làm hệ thống máng này đã được ông Diệp đề nghị đứng ra lo liệu và bà Điểu từng đồng ý trước khi ông Diệp xây nhà.

Như vậy, phán quyết của cả hai cấp tòa đều chưa đúng quy định của Bộ luật Dân sự. Chưa kể việc TAND tỉnh Phú Yên dựa vào “thông lệ địa phương” thay cho luật để xét xử liệu đã đúng chưa bởi theo Điều 3 Bộ luật Dân sự, tòa án có thể áp dụng tập quán nhưng chỉ trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận, trong khi ở đây quy định thì đã có rồi.

Bế tắc, Thi hành án kiến nghị

Phán quyết của tòa không chỉ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của ông Diệp mà còn dẫn đến việc bản án đến nay vẫn không thể thi hành được.

Theo Thi hành án (THA) dân sự TP Tuy Hòa, nếu tháo gỡ vách tường nhà ông Diệp như bản án thì sẽ ảnh hưởng đến kết cấu ngôi nhà, hậu quả là nhà có thể sập. Vậy mà khi xét xử, cả hai cấp tòa đều không xem xét đến việc tháo gỡ có ảnh hưởng đến những vật kiến trúc liên quan khác hay không.

Giả sử nếu cơ quan THA thẳng tay làm mà sập cả ngôi nhà của ông Diệp thì ai phải chịu trách nhiệm?

Bế tắc, tháng 1-2007, THA dân sự TP Tuy Hòa có công văn gửi TAND tỉnh Phú Yên đề nghị giải thích rõ các nội dung trên. Sau bốn tháng chờ đợi vẫn không nhận được văn bản hồi âm nên tháng 4, THA Dân sự TP Tuy Hòa phải kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên theo trình tự giám đốc thẩm.

Nguồn: Hoàng Văn-Báo Pháp Luật TP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét