Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CẦN SỰ ĐỒNG BỘ

TS. Phạm Phi Yên

1. Đặt vấn đề 

 Đã có nhiều ý kiến khác nhau trong đánh giá chất lượng đào tạo đại học của VN hiện nay. Có ý kiến cho rằng với điều kiện hiện tại mà chúng ta làm được như thế này là quá giỏi – với đồng lương ít ỏi mà người thầy vẫn miệt mài giảng dạy, với điều kiện vật chất thiếu thốn mà trò vẫn miệt mài học; rồi đi thi đấu trên trường quốc tế thì năm nào các đoàn học sinh VN cũng đều có giải, thậm chí giải rất cao. Có người cho rằng không thể nói học sinh bay giờ kém hơn học sinh các thế hệ trước vì hãy thử so sánh khối lượng kiến thức ngày nay với khối lượng kiến thức ngày xưa cho người học …Và thực tế là xã hội ngày càng đi lên chứ không đi xuống. 

 Nhưng đa số lại băn khoăn, lo lắng, thậm chí sốt ruột, bi quan cho chất lượng giáo dục đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo đại học nói riêng của VN hôm nay. 

 Nhóm ý kiến thứ nhất không sai, nhưng nhóm ý kiến thứ hai cần được nghiêm túc quan tâm vì sự tụt hậu đôi khi còn nguy hiểm hơn sự đi xuống của đồ thị phát triển. 

2. Đánh giá yếu tố đồng bộ với chất lượng đào tạo đại học 

 Sự đồng bộ ở đây được hiểu là sự hợp lý, sự logic, là điều kiện tất yếu, là muốn có cái này nhất thiết phải có cái kia, đã làm thế này thì tất yếu phải có kết quả kia, hay muốn có kết quả này thì nhất thiết cần có những điều kiện tối thiểu kia. Nói một cách hài hước là nếu không có quần dài thì không thể thắt cà vạt để đi ra đường, nếu trói tay chân lại thì không thể bơi trong nước. Nếu một nước đất chật người đông thì phải quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng; nếu một đất nước kém phát triển thì dù chương trình dân số (chương trình giảm tăng dân số tự nhiên) đã bắt đầu chuyển động theo chiều hướng tích cực thì 10 – 15 năm sau cũng sẽ bùng nổ học sinh đại học; nếu muốn có sự tăng năng suất lao động mang tính đột phá thì phải có cuộc cách mạng về hiện đại hóa tư liệu sản xuất… 

 Tuy nhiên trong cuộc sống cũng có những sự việc, những lĩnh vực mà mức độ đòi hỏi sự đồng bộ không cao, hoặc mức độ đồng bộ khác nhau thì cho kết quả khác nhau hoặc nếu không đồng bộ thì đương nhiên kết quả kém nhưng không chết ai. Song cũng có những lĩnh vực hoạt động mà sự không đồng bộ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng mà muốn sửa chữa phải mất cả thế hệ. 

 Vấn đề rất quan trọng đặt ra trước các nhà quản lý là phải nhận biết, phải phát hiện được, phải hoạch định được những điều kiện, những yếu tố và đánh giá đúng tầm quan trọng của chúng đến lĩnh vực mình quản lý. Thậm chí phải sắp xếp được thứ tự lôgic của các yếu tố đó để có kế hoạch đầu tư, kế hoạch thực hiện hợp lý. 

 Vậy sự đồng bộ đối với chất lượng đào tạo đại học là những điều kiện nào? 

 Trong bài “Khái quát áp dụng mô hình quản lý tập trung vào chất lượng và hướng tới khách hàng của bộ ISO 9000:2000 để quản lý giáo dục” của GS.TS. Nguyễn Quang Toản báo cáo tại ĐHQG TP.HCM ngày 8.12.2004 có tổng kết như sau: 

- Quản lý giáo dục chiếm : 51% 

- Phương pháp giảng dạy :22% 

- Chương trình GDĐT, cơ sở vật chất : 18% 

- Đánh giá kiểm tra : 9% 

 Theo GS. Nguyễn Cảnh Toàn (báo Phụ nữ ngày 11.9.2004) thì “Giáo dục của ta đang đi trái quy luật”…, “…một quan chức cao cấp của Bộ GD-ĐT nói “giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng” là không đúng, phải nói là quản lý quyết định chất lượng giáo dục”. 

 Như vậy có thể thấy nếu có nhà quản lý giỏi, sẽ có những quyết định đúng, sẽ có chiến lược, phương pháp đúng, sẽ có biện pháp đúng để sử dụng giáo viên giỏi, sẽ có cơ chế đúng, lộ trình đúng để có phương pháp giảng dạy, có cơ sở vật chất, có thể thức kiểm tra, đánh giá người học đúng. Nói cách khác, quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định hàng đầu đến chất lượng đào tạo. 

3. Biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học VN 

a. Vấn đề thi tuyển đầu vào: Mặc dù chất lượng của đào tạo đại học được bắt đầu từ giáo dục phổ thông, nhưng trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến chương trình, nội dung các môn thi đầu vào đại học (không đề cập cách thức tuyển sinh dù cũng có ảnh hưởng). 

Theo nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng trên thế giới như Laffer của thuyết “Trọng tiền”, Lucas của thuyết “Dự liệu hợp lý” thì Chính phủ không nên can thiệp quá sâu vào những hoạt động mang tính nghiệp vụ của các doanh nghiệp. Trước mắt chúng ta chưa thể áp dụng kiểu thi tuyển vào đại học như ở nước Mỹ (là một cách được đánh giá có tính khoa học cao), thì chí ít Bộ GD & ĐT cũng nên trao quyền quyết định môn thi đầu vào cho các trường đại học. Các trường phải trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của mình trước xã hội chứ không phải Bộ chịu trách nhiệm cho trường. Hiện nay, khối các trường kinh tế thi tuyển đầu vào với 3 môn toán, lý, hoá là một sự bất hợp lý kéo dài không thể chấp nhận được và hoàn toàn có thể làm ngay được. Ba môn thi đầu vào này vô hình chung đã khiến các môn xã hội bị xem nhẹ với những ai định hướng nghề nghiệp khối ngành kinh tế. Kiến thức xã hội bị xem nhẹ sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến các cử nhân kinh tế khi ra trường mà những năm học đại học không thể bù đắp kịp. Hơn nữa, kiến thức của hai môn lý và hóa lại hoàn toàn không cần đến trong 4 năm đại học cũng như sau khi ra trường dù làm việc ở ngành nào. Ở các nước phát triển, lý, hoá là 2 môn tự chọn đối với học sinh phổ thông trung học. Các môn thi phù hợp phải là toán, tiếng Việt và ngoại ngữ. Đối với khối ngành kỹ thuật, môn tiếng Việt cũng quan trọng vì trong môn này chứa đựng cả kỹ năng sống, kỹ năng làm người, kỹ năng hợp tác với cộng đồng… là những kỹ năng mà ai cũng cần. 

b. Chương trình đào tạo: Một chương trình đào tạo thiên lệch không thể không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, thậm chí ảnh hưởng cả đến quá trình hội nhập giáo dục, xu hướng tất yếu của thời đại hiện nay. Trong năm học 2004 – 2005, các trường đại học đã xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng dẫn của Bộ GD & ĐT theo tinh thần giảm tải. Điều đó nói lên những nỗ lực rất lớn của Bộ GD & ĐT trong việc cải thiện công tác quản lý giáo dục, song chương trình đó vẫn còn nhiều bất cập. Những môn học thuộc kiến thức ngành và chuyên ngành chỉ được gói gọn trong 55% thời lượng là quá ít. Chịu trách nhiệm chính về khối kiến thức chuyên ngành là ở cấp bộ môn, nhưng cấp này chỉ được quyền chi phối đến 20% số đơn vị học tập. Vậy đề nghị Bộ GD & ĐT hãy giao thêm quyền cho các trường, trường giao thêm quyền cho cấp bộ môn và như thế mới có điều kiện cho sinh viên được quyền tham gia lựa chọn những kiến thức, môn học mang tính kỹ năng nào mà họ thích. 

c. Về giáo trình: Thiếu sách, giáo trình, tài liệu cũng là một sự không đồng bộ với đòi hỏi chất lượng đào tạo cao. Kinh nghiệm của các nước phát triển và mới phát triển như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc … thì để nhanh chóng có nhiều tài liệu tham khảo, giáo trình cho sinh viên hãy đầu tư cho dịch thuật song song với việc đầu tư tự viết. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy đầu tư cho dịch thuật đem lại kết quả nhanh hơn và hiệu quả cao hơn so với đầu tư tự viết ở các nước kém phát triển, nhanh chóng làm phong phú nguồn tài liệu học tập cho SV. Bên cạnh đó, cần xem xét khả năng nhập khẩu chương trình đào tạo như một số nước đã làm và đã thành công. Hiện nay chúng ta có nhiều sách tham khảo, giáo trình chất lượng chưa cao còn do khâu quản lý, như khâu cấp giấy phép xuất bản, khâu nghiệm thu… và điều đó cũng không thể không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. 

d. Về phương pháp giảng dạy: Hầu như không còn tranh cãi nào về phương pháp giảng dạy như thế nào là có chất lượng. Ai cũng rõ rằng phương pháp giảng dạy chất lượng là phương pháp lấy người học làm trung tâm, là đối thoại, là đặt vấn đề, là tình huống, là thảo luận, là sinh viên phải làm việc nhiều ở nhà và đương nhiên giáo viên cũng cần làm việc nhiều hơn trước khối lưựng kiến thức ngày càng nhiều và thông tin cũng nhiều, phải nắm bắt đúng kết quả của SV. Nhưng … điều kiện để thực hiện thì không có – sự không đồng bộ không thể khắc phục nếu không có thay đổi gì: đó là Quy mô lớp học. Để phương pháp giảng dạy mới được áp dụng thì quy mô lớp học phải tối đa là 50 SV, lý tưởng là 30 – 35, trong thực tế rất ít có lớp học như vậy, mà có khi lên đến 100 – 150 SV. Những lớp học quá đông SV, việc áp dụng phương tiện giảng dạy hiện đại như dùng đèn chiếu hoặc projector cũng kém hiệu quả (mà SV đã có nhiều phản ánh). Tất nhiên chúng ta đang đứng trước những mâu thuẫn giữa quy mô lớp học, thu nhập của giáo viên và chất lượng đào tạo…! Những bài toán này cũng cần được giải gấp. 

e. Về nguồn tài chính: VN được xem là một trong những quốc gia có chi phí để học đại học, cao học và cả nghiên cứu sinh rẻ nhất thế giới. Nếu so sánh chi phí đó với mức lương công chức, lương tối thiểu thì hợp lý, nhưng nếu với mức học phí hiện tại thì tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt sự không đồng bộ: lương giáo viên thấp, nhà trường và cả Nhà nước không có tiền để đầu tư cho phương tiện thiết bị như phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cho thư viện, cho phòng đọc … sẽ lại là vòng luẩn quẩn: chất lượng đào tạo thấp, kém hiệu quả. 

Vậy, chúng tôi xin đề nghị Bộ GD & ĐT cần nhanh chóng xem xét giải pháp tăng học phí của tất cả các cấp đào tạo từ đại học trở lên. Thứ hai, cần thực sự khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư đào tạo đại học và sau đại học chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương như hiện nay, nhanh chóng thực hiện xã hội hóa đào tạo đại học, trên cơ sở đó nhanh thực hiện chủ trương giảm tỉ lệ SV thuộc các trường đại học công lập và tăng tỉ lệ SV hệ ngoài công lập như ở nhiều nước trên thế giới. 

Trên đây chỉ là một số biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học ở VN dù chưa phải là tất cả. Hy vọng đóng góp phần nào vào sự nghiệp cải cách giáo dục, đào tạo tại VN , tạo điều kiện để VN có thể bước những bước đầu tiên trên con đường hội nhập quốc tế ª 

--------------------------------------------

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ THÁNG 8/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét