Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

VỤ ÁN: HỨA THƯỞNG.... ĐẤT

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ hai, 26/11/2007

Người làm thuê kiện “ông chủ” ra tòa đòi thực hiện lời hứa cho đất để bù đắp công sức họ bỏ ra trông nom đất đai, canh tác nhưng có khả năng “thua” vì hợp đồng vô hiệu...

TAND TP.HCM vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận 10 xét xử một vụ tranh chấp “hợp đồng hứa thưởng” khá lạ bởi phần thưởng là một mảnh đất có giá trị khoảng 100 triệu đồng.

Hứa trả công bằng đất

Đầu năm nay, bà H. cùng các con có đơn khởi kiện tại TAND quận 10, yêu cầu ông T. thực hiện lời hứa cho gia đình bà một mảnh đất có diện tích 2.400 m2 (40 m x 60 m) tại xã Tân Hưng, Tân Châu (Tây Ninh). Theo bà H. từ năm 2005, ông T. có hứa cho đất để bù đắp công sức mà gia đình bà đã bỏ ra canh tác bấy lâu nay cho ông T. thu lợi.

Hình minh hoạ

Để làm bằng, gia đình bà H. đưa ra tờ “hợp đồng cho đất” của ông T. lập cuối năm 2005. Khổ nỗi tờ hợp đồng này lại ghi lộn họ của phía gia đình bà H. nên chưa được chính quyền địa phương xác nhận (có trưởng ấp làm chứng, ông T. cũng thừa nhận). Sau đó ông T. không sửa hợp đồng và cứ để thế cho đến tận hôm nay.

Tại tòa, ông T. thừa nhận có một mảnh đất ở Tây Ninh, giao cho gia đình bà H. làm rẫy, trồng cây ăn trái cho ông. Ông có hứa thưởng cho gia đình bà H. một phần mảnh đất với điều kiện họ phải làm việc tốt, nhưng trên thực tế họ lại làm ăn gian dối như lén bán trái cây, kê khai tiền công sai... Vì thế, ông T. không đồng ý cho gia đình bà H. phần đất đã hứa thưởng.

Được không?

Tháng 7, TAND quận 10 đã xử sơ thẩm, nhận định hợp đồng hứa thưởng này là có thật, được cả hai bên đương sự thừa nhận, nên buộc ông T. phải thực hiện hợp đồng là giao đất cho gia đình bà H. theo đúng Điều 590 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể tại khoản 1 Điều này quy định: “Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu người hứa thưởng”.

Ông T. kháng cáo. Ngày 22-11 vừa qua, xử phúc thẩm, TAND TP.HCM phân tích: Trong vụ này, phần thưởng là quyền sử dụng mảnh đất đứng tên vợ chồng ông T. Đây không phải là phần thưởng bình thường, cụ thể đây là tài sản chung của vợ chồng ông T. nên một mình ông thì không thể đơn phương quyết định cho hay không. Như vậy, việc ông T. hứa cho đất mà không có sự đồng ý của người vợ là sai quy định và hợp đồng hứa thưởng phải bị xem là vô hiệu. Ngoài ra, phần đất tranh chấp nằm ở Tây Ninh, theo tòa phúc thẩm, những tranh chấp về bất động sản phải do tòa án nơi có bất động sản xử lý.

Từ đó, TAND TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và giao trả hồ sơ cho TAND quận 10.

Tòa nào thụ lý?

Về mặt nội dung, nhiều chuyên gia pháp lý đồng tình với phân tích của tòa phúc thẩm rằng hợp đồng cho đất của ông T. vô hiệu vì thiếu sự đồng ý của người vợ. Tuy nhiên về mặt hình thức, nhận định “những tranh chấp về bất động sản phải do tòa án nơi có bất động sản xử lý” của tòa phúc thẩm đang gây nhiều tranh cãi.

Có người nói đây là tranh chấp về hợp đồng hứa thưởng nên quan hệ hứa thưởng mới là quan hệ chính, còn mảnh đất chỉ là đối tượng liên quan. Vì thế, tòa quận 10 vẫn có thể xét xử bởi gia đình ông T. hiện đang sinh sống ở đây.

Ngược lại, có người bảo theo luật, đất đai là bất động sản - một loại tài sản không thể di dời và các giấy tờ, tài liệu liên quan đều do các cơ quan chức năng nơi có bất động sản quản lý. Tòa án nơi có bất động sản sẽ có điều kiện thuận lợi nhất trong việc xác minh kiểm tra, xem xét tại chỗ tình trạng bất động sản cũng như thu thập tài liệu liên quan. Ở đây, phần thưởng tranh chấp là quyền sử dụng đất tại huyện Tân Châu (Tây Ninh) nên việc giao vụ kiện cho TAND huyện này thụ lý giải quyết là chính xác nhất.

Vụ kiện tuy nhỏ nhưng phát sinh nhiều chuyện đáng nói chỉ vì một phần thưởng “đặc biệt”. Liệu gia đình bà H. có được trả thưởng bằng đất hay hợp đồng này vô hiệu? Vụ kiện sẽ do tòa nào thụ lý? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nguồn: Hoàng Yến-Báo Pháp Luật TP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét