Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

HAI PHỤ NỮ 13 NĂM ĐI ĐÒI MỘ

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ ba, 11/09/2007

Đó là hai chị em bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh - Nguyễn Thị Tuyết Khuê, trú ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, đồng nguyên đơn trong vụ kiện dân sự khá hy hữu: Đòi nghĩa địa của dòng họ bị người khác chiếm dụng.

Qua gần chục phiên tòa (hai lần giám đốc thẩm), vụ án lại trở về điểm xuất phát. Suốt quá trình hồ sơ “ngâm” ở tòa và ngay cả khi bản án đã có hiệu lực thi hành, phía bị đơn vẫn liên tục xâm hại quyền lợi hợp pháp của phía nguyên đơn.

...Tại phòng tiếp bạn đọc báo Tiền phong, sau hơn 4 năm, tôi gặp lại hai phụ nữ vóc dáng bé nhỏ, ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ.

 “Tài sản” bà Oanh, bà Khuê khởi kiện để đòi lại bao gồm nhà thờ, nhà văn bia, gần ba mươi ngôi mộ, và dĩ nhiên là cả diện tích đất bao quanh các công trình kiến trúc đặc biệt ấy; toàn bộ khối tài sản hiện thuộc địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Hơn 4 năm trước tôi đã nhận đơn, hồ sơ, và sau khi xác minh, đã viết bài về vụ kiện của họ. Bài báo có nhan đề “8 lần mở toà, vẫn chưa kết thúc?!” đăng trên Tiền phong số ra ngày 9/4/2003. Chuyện đáo tụng đình không tránh được phải nêu tên các cấp toà, ngày tháng xét xử, nội dung các bản án.

Vụ kiện của bà Oanh - bà Khuê được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lần đầu ngày 21/8/1995, tức đến nay đã sang năm thứ 13. Phiên toà ấy đã bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của bà Oanh - bà Khuê.

Hai bà chống án. TANDTC xử phúc thẩm ngày 10/5/1996, sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu đòi nhà thờ, nhà văn bia, còn thì bác các yêu cầu khác. Bà Oanh, bà Khuê tiếp tục khiếu nại.

Tòa thượng thẩm (Ủy ban thẩm phán TANDTC) họp ngày 11/9/1999, ra bản án giám đốc thẩm, tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ lại cho TAND TP Hà Nội xét xử theo hướng buộc phía bị đơn phải giao lại cho nguyên đơn ngoài nhà thờ, nhà văn bia, còn có các ngôi mộ, và một phần đất hợp lý trong khu nghĩa địa xưa để phía nguyên đơn có đường vào thăm viếng, hương khói các phần mộ ông bà tổ tiên.

Đường hướng của toà thượng thẩm hóa ra lại không dễ được tòa sơ thẩm chấp nhận. Hai lần TAND TP Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, hai lần bà Oanh, bà Khuê phải kháng án, và TANDTC phải vào cuộc để bác bỏ. Ngày 30/7/2002, TAND TP Hà Nội buộc phải mở phiên sơ thẩm lần hai (phiên toà thứ tám của vụ kiện), ra bản án theo hướng bản án giám đốc thẩm đã tuyên.

Ngày ấy, khi bà Oanh, bà Khuê tìm đến báo Tiền phong, phiên phúc thẩm lần hai sắp được mở theo đơn kháng án của họ. Điều hai bà lo lắng (đã được họ nêu trong đơn kháng án), đó là bản án của TAND TP Hà Nội không tuyên rõ ràng, chẳng hạn vị trí các ngôi mộ, rồi kích thước, vị trí các mô mốc để xác định các khoảng cách.

Mà không làm rõ được, thì không thi hành được án; gia đình, dòng họ bà Oanh, bà Khuê lại rơi vào cảnh không có đường vào các ngôi mộ, phía bị đơn tiếp tục có điều kiện xâm hại, chiếm dụng. Thực tế chứng minh vụ án càng kéo dài thì càng có thêm nhiều ngôi mộ của dòng họ bà Oanh bị các công trình kiến trúc từ tạm bợ đến kiên cố xây đè lên.

Bản án không thi hành được lại là cơ hội thuận lợi để phía bị đơn tiếp tục xây các công trình từ tạm bợ đến kiên cố... Bà Oanh, bà Khuê buốt ruột, không biết làm gì hơn ngoài việc gửi đơn khiếu nại đi các nơi.

Ngày 5/7/2006, TANDTC mở phiên giám đốc thẩm lần hai (lần này do Hội đồng thẩm phán xét xử), ra quyết định tuyên hủy các bản án trước đó để xét xử lại.

Quyết định này ghi: “Lẽ ra trường hợp phía bị đơn không hợp tác, cản trở tòa án xác minh, đo vẽ các diện tích nhà, đất, công trình kiến trúc, thì toà án phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc giữ nguyên hiện trạng; có như vậy mới đảm bảo chính xác và đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự”.

Gặp PV Tiền phong lần này, bà Oanh bức xúc trình bày: “Chúng tôi mới mất thêm nhiều ngôi mộ do phía bị đơn xây nhà đè lên, còn nhiều ngôi mộ khác chúng tôi không thể hương khói được vì không có đường vào”.

Bà Khuê nói thêm: “Chúng tôi đến Công an quận Cầu Giấy trình báo, người ta yêu cầu phải có xác nhận của Công an phường Nghĩa Đô. Chúng tôi đến Công an phường Nghĩa Đô, họ nói để qua bầu cử đã. Qua bầu cử chúng tôi đến, họ nói lãnh đạo đi vắng”.

Bà Oanh buồn bã: “Nếu là tranh chấp đất đai thông thường, có lẽ chúng tôi đã bỏ cuộc. Nhưng đây là việc hiếu đễ, theo phong tục của người Việt Nam, còn sống ngày nào, chúng tôi vẫn còn phải theo ngày ấy”.

Vụ kiện của bà Oanh, bà Khuê sẽ kết thúc trong năm thứ 13 này, hay kéo sang năm thứ 14, 15, 16...? Dễ thấy nó càng kéo dài thì phía bị đơn càng lấn được nhiều đất, càng dễ hoà cả làng.

Còn người bị thiệt đâu chỉ có gia đình bà Oanh, bà Khuê, còn phải kể đến các cơ quan tố tụng nữa. Bởi những vụ án kiểu này càng kéo dài bao nhiêu thì niềm tin của người dân vào các cơ quan tố tụng càng giảm sút bấy nhiêu.

Nguồn: Đinh Anh Tuấn-Báo Tiền phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét