Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

THIỆT HẠI VÌ ĐÀO ĐƯỜNG

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ bảy, 26/05/2007

Sở Giao thông công chánh TP.HCM thông báo: Tạm ngưng thi công đào đường để lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố trong thời gian từ ngày 15/5/2007 đến hết ngày 20/5/2007 (ngoại trừ Dự án Vệ sinh Môi Trường Thành phố - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án Cải thiện môi trường và Đại lộ Đông Tây, Dự án Nâng cấp mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi). Thế nhưng….

Thiệt hại biết kiện ai?

Chính thông báo này của Sở Giao thông Công chánh TP.HCM (SGTCC) đã làm cơ sở “pháp lý” cho những đơn vị thi công được phép đủng đà đủng đỉnh trong các dự án được ngoại trừ nêu trên.

Chính sự ngoại trừ này mà khi báo chí lên tiếng phản ánh những bức xúc của người dân thì không một ai lên tiếng chịu trách nhiệm. Đường Trần Đình Xu – Q.1 bị đào xới lên đã 7 tháng nay nhưng công trình này vẫn còn kéo dài chưa biết đến bao giờ xong.

Tiến độ thi công rùa bò như vậy làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân.

 Chị T - chủ một quán cơm trên đường Trần Đình Xu cho biết: “Tôi không biết đến bao giờ công trình cải tạo hệ thống thoát nước này xong, nhưng bảy tháng nay doanh thu của chúng tôi giảm 50%”.

Kế bên là câu lạc bộ bi-da máy lạnh, chủ nhân đầu tư vài trăm triệu nhưng 7 tháng nay chẳng có khách nào đến chơi vì đường vào bị đào xới lung tung, ngổn ngang ống cống với xe cuốc xe ủi…

Đối diện là nhà in báo Công an Nhân dân, 7 tháng nay ban giám đốc của nhà máy này phải dời cơ sở in đi chỗ khác vì xe chở giấy không vào được…

Tất cả những cơ sở kinh doanh này đều thiệt hại nặng nề nhưng họ không biết kiện ai vì công trình là của Nhà nước, khiếu nại đến Ban quản lý công trường thì ở đâu cũng gặp sự im lặng.

Nếu có trả lời thì đó là một lời hứa kiểu tiếp thu ý kiến, rồi người dân cứ dài cổ chờ và chờ. Một chủ nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi bức xúc nói:

 “Tháng trước tôi xây nhà, chỉ vài viên gạch lấn ra lề đường lập tức chính quyền địa phương đến lập biên bản và xử phạt. Nay trước nhà tôi họ đổ hàng đống gạch cát, xà-bần, đào hố rồi để đó, con tôi bị sụp hố gãy chân không thấy cơ quan nào xử phạt họ cả, và tôi cũng chẳng biết bắt đền ai?”.

Khách sạn Quê Hương II nằm trên đường Hàm Nghi – Q1. Khi các cơ quan có quyền đào đường đào một cái hố to đùng tại ngã tư Hàm Nghi – Lê Công Kiều là đồng nghĩa với việc bít lối vào khách sạn – vì đây là đoạn đường một chiều. Hiện nay khách muốn vào khách sạn thì phải điu ngược chiều từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Hàm Nghi, nên khách sạn rất vắng khách.

Quản lý khách sạn cho chúng tôi xem một hợp đồng của đoàn tham quan du lịch Thụy Sĩ gồm 40 người, lưu trú 12 gnày.

Khi họ đến nhận phòng, họ phải đi qua bảng cấm của luật giao thông đường bộ nên trưởng đoàn lắc đầu từ chối và yêu cầu khách sạn hủy hợp đồng, bồi thường hợp đồng với lời trách cứ là khách sạn lừa dối họ vì trong hợp đồng không nói rõ là khạch sạn không có đường vào?!

Tất nhiên là khách du lịch có lý vì thực tế họ phải đi ngược nhiều, phần thiệt hại thì khách sạn chịu nhưng không biết thưa kiện ai.

Được biết công trình này kéo dài hơn một năm và số lượng khách của khách sạn giảm hơn 50%. Một thiệt hại không thống kê được của những người dân bị thiệt hại khi có công trình đào đường ngang qua nhà mình là thiệt hại vô hình. Ví dụ của khách sạn Quê Hương là một điển hình về uy tín, danh dự trong giao dịch kinh doanh…

Bao giờ có chề tài?

Thêm nhiều công trình khác của TP.HCM đã, đang và sẽ được khởi công. Tuy nhiên hiện tượng ngành cầu đường lấp lại, rồi ngành cấp thoát nước đào lên, lấp lại đã giảm nhưng đào đường của TP.HCM chuyển sang giai đoạn vĩ mô hơn.

Các công trình đào đường hiện nay đều tập trung vào những trục lộ chính, những khu dân cư đông đúc để phục vụ cho những công trình thế kỷ như: Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đại Lộ Đông Tây, Cải tạo môi trường… nhưng cơ quan chức năng làm việc chồng chéo nên gây ra cảnh đào đường kéo dài.

Ví dụ công trình thay hệ thống cống cấp II và cấp III để giảm úng ngập khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Công trình có thời gian thi công 1085 ngày, sau lễ khởi công 40 ngày thì nhà thầu phải bắt tay vào thi công. Lễ khởi công diễn ra thật rầm rộ, sau 40 ngày đơn vị thi công không thể thi công được vì cậnt ết Nguyên đán 2007 nên Sở GTCC ra thông báo cấm đào đường.

Chính vậy nên công trình kéo dài ra thêm một thời gian nữa?! Kế tiếp là thông báo dọn dẹp công trình cho gọn gàng để kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng miền Nam, rồi dọn dẹp tạo lề thông hè thoáng cho bầu cử Quốc hội… Sắp tới sẽ là lễ Quốc khánh, rồi Tết Nguyên đán - điệp khúc thông báo dọn dẹp cứ vang lên mãi nhưng đường thì ngày càng bị đào nhiều nơi gây thiệt hại cho người dân, làm mất mỹ quan thành phố.

Chưa có một văn bản qui phạm pháp luật nào bắt buộc các đơn vị thi công phải thực hiện đúng thời gian, nếu vi phạm sẽ bị phạt, gây thiệt hại phải bồi thường. Có chăng là những cách xử phạt lấy lệ để xoa dịu dư luận và báo cáo thành tích. Số tiền xử phạt ngày càng tăng nhưng tất cả đều được các bên (bên phạt và bị phạt) xí xóa quyết toán vào chi phí đầu tư nên pháp luật không có hiệu lực trong trường hợp này.

Một phiên tòa xử thắng kiện cho những người bị thiệt hại vật chất, tính mạng do đào đường gây nên? Phiên tòa ấy còn nằm trong kơ và thực tế vẫn diễn ra gây thiệt hại vô cùng cho người dân.

Nguồn: Ngọc Long-Báo Pháp Luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét