Thứ Tư, 20 tháng 2, 2008

DỰ THẢO THÔNG TƯ Hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra

BỘ TÀI CHÍNH
__________
Số: /2007/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

____________________________________________

Hà Nội, ngày .... tháng ..... năm 2008

Căn cứ Luật quản lý Thuế;

Căn cứ Điều 20, Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan;

Căn cứ Điều 15, Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan gây ra như sau:

I. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

a) Cơ quan quản lý thuế trực tiếp quản lý cán bộ, công chức thuế, cán bộ công chức hải quan (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý thuế) phải bồi thường đối với thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra cho tổ chức, cá nhân người nộp thuế, người khai hải quan trong thi hành công vụ.

b) Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân người nộp thuế, người khai hải quan thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; Kịp thời giải quyết bồi thường thiệt hại một cách công khai, công bằng và đúng pháp luật.

c) Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan (sau đây gọi tắt là cán bộ công chức thuế, hải quan) phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan đã bồi thường cho người bị thiệt hại; việc hoàn trả được thực hiện theo quy định tại Mục II, Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân người nộp thuế, người khai hải quan khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, hải quan có khả năng gây thiệt hại cho mình thì phải cảnh báo cho cán bộ, công chức thuế, hải quan hoặc cơ quan quản lý thuế biết.

Trường hợp phát sinh yêu cầu bồi thường thiệt hại, tổ chức, cá nhân người nộp thuế, người khai hải quan (sau đây gọi tắt là người bị thiệt hại) phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới việc xác định mức bồi thường thiệt hại.

3. Các trường hợp bồi thường thiệt hại

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại trong các trường hợp sau:các đơn vị +VCCI)

a) Quyết định hoàn thuế; ấn định thuế không đúng quy định của pháp luật;

b) Xử lý và ra quyết định xử phạt hành chính thuế sai quy định của pháp luật về thuế;

c) Xử lý và ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và các quyết định khác về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan trái quy định;

d) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính không đảm bảo căn cứ và yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật về thuế, hải quan;

Trường hợp cán bộ, công chức thuế, hải quan có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về tiền, tài sản cho người bị thiệt hại nhưng được xác định là hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì cơ quan quản lý thuế không phải bồi thường thiệt hại; Trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì cơ quan quản lý thuế chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của cán bộ công chức thuế, hải quan gây ra.

4. Điều kiện bồi thường thiệt hại

Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện khi có đầy đủ các điều kiện sau:

a) Người bị thiệt hại có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị thiệt hại;

b) Có hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, hải quan trong khi thi hành công vụ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân người nộp thuế, người khai hải quan thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 3, mục I Thông tư này;

c) Có thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.

5. Mức bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khắc phục hậu quả

a) Đối với thiệt hại là tiền, việc xác định trách nhiệm khắc phục hậu quả và mức bồi thường thiệt hại của cơ quan quản lý thuế như sau:

- Đối với khoản tiền bị tịch thu, tiền phạt vi phạm hành chính hoặc ấn định thuế, truy thu thuế sai quy định, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm khắc phục ngay hậu quả bằng cách trả lại số tiền đã tịch thu, phạt sai quy định hoặc số tiền thuế đã thu thừa (nếu chưa nộp vào ngân sách nhà nước) hoặc làm thủ tục thoái thu ngân sách để trả lại cho người bị thiệt hại (nếu đã nộp vào ngân sách nhà nước); đồng thời bồi thường tiền lãi của các khoản tiền đó.

- Đối với khoản tiền hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm hoàn tiếp số tiền còn thiếu; đồng thời phải bồi thường tiền lãi của khoản tiền hoàn thuế thiếu, hoàn thuế chậm.

Lãi suất để tính tiền lãi là lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm ra quyết định bồi thường. Trường hợp khoản tiền bị thiệt hại là ngoại tệ thì quy đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xác định số tiền bồi thường.

b) Đối với tài sản bị tạm giữ, tịch thu sai quy định, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại như sau:

- Trường hợp tài sản chưa bán, chưa bị mất và không bị hư hỏng: trả lại tài sản cho người bị thiệt hại và bồi thường các khoản thu nhập bị mất do không sử dụng tài sản và chi phí xác định mức bồi thường thiệt hại nếu do người bị thiệt hại trả;

- Trường hợp tài sản bị hư hỏng nếu có thể sửa chữa khắc phục thì trả lại tài sản cho người bị thiệt hại và bồi thường toàn bộ chi phí sửa chữa, các khoản thu nhập bị mất do không sử dụng tài sản và chi phí xác định mức bồi thường thiệt hại nếu do người bị thiệt hại trả; Nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa được, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tiếp nhận tài sản để xử lý và bồi thường thiệt hại như đối với tài sản bị mất;

- Trường hợp tài sản bị mất: bồi thường toàn bộ giá trị thực tế của tài sản theo giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường; các khoản thu nhập bị mất do không sử dụng tài sản; chi phí mua bảo hiểm và lệ phí trước bạ (nếu tài sản đã mua bảo hiểm, đóng lệ phí trước bạ); chi phí xác định mức bồi thường thiệt hại nếu do người bị thiệt hại trả;

- Trường hợp tài sản đã bán đấu giá: thoái trả số tiền thu do bán đấu giá tài sản và bồi thường khoản thu nhập bị mất do không sử dụng tài sản; khoản tiền chênh lệch giữa số tiền đã thoái trả với giá trị thực tế của tài sản theo giá thị trường của tài sản cùng loại, hoặc có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường; chi phí mua bảo hiểm và lệ phí trước bạ (nếu tài sản đã mua bảo hiểm, đóng lệ phí trước bạ); chi phí xác định mức bồi thường thiệt hại nếu do người bị thiệt hại trả.

Thu nhập bị mất do không sử dụng tài sản trong thời gian bị tạm giữ, bị tịch thu sai quy định được xác định theo giá thuê của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng trên thị trường (nếu có giá thuê); hoặc xác định trên cơ sở thu nhập do tài sản mang lại trong điều kiện bình thường (nếu không có giá thuê) .

6. Trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại

a) Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (trong đơn ghi rõ: tên, địa chỉ của người bị thiệt hại; tên, địa chỉ của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức thuế, hải quan đã gây thiệt hại; căn cứ pháp lý yêu cầu cơ quan quản lý thuế bồi thường; Các thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường). Căn cứ đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, Cơ quan quản lý thuế phải tổ chức xác minh, đánh giá hành vi vi phạm và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra; lập hồ sơ xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trên cơ sở kết quả xác minh, đánh giá về hành vi vi phạm gây thiệt hại và các thiệt hại xảy ra, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp (trường hợp người gây thiệt hại là thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường) phải thành lập Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại và hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại (sau đây gọi tắt là Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại) và thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại biết về dự kiến thời gian, địa điểm thương lượng hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp cán bộ, công chức thuế, hải quan ngay sau khi gây ra thiệt hại tự nguyện bồi thường và được cơ quan quản lý thuế, người bị thiệt hại đồng ý bằng văn bản về mức, phương thức, thời hạn bồi thường thì không phải lập Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại.

Trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại thoả mãn các điều kiện quy định tại khoản 4, Mục I, Thông tư này thì Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm cải chính các quyết định sai phạm và xin lỗi người bị thiệt hại bằng văn bản.

b) Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại làm việc tập thể quyết định theo đa số để xác định mức bồi thường thiệt hại; trách nhiệm hoàn trả và mức, phương thức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại. Trên cơ sở đó lập Biên bản họp Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại và có văn bản kiến nghị với người có thẩm quyền ra Quyết định bồi thường thiệt hại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định thành lập Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại.

Thành phần Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại (từ 03 đến 05 thành viên), bao gồm: Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp (trường hợp người gây thiệt hại là thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường) làm Chủ tịch Hội đồng; Người phụ trách công tác tài chính - kế toán cơ quan quản lý thuế làm ủy viên; Thủ trưởng trực tiếp của cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại; Chủ tịch công đoàn hoặc uỷ viên ban chấp hành công đoàn cơ quan quản lý thuế (nếu thủ trưởng cơ quan là chủ tịch công đoàn); Các chuyên gia trong lĩnh vực bị thiệt hại (nếu cần). Trong quá trình làm việc, Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại có thể mời người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại tham dự cuộc họp.

c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại,Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp (trường hợp người gây thiệt hại là thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường) phải căn cứ vào mức và phương thức bồi thường thiệt hại do Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại kiến nghị để tổ chức thương lượng giữa cơ quan quản lý thuế với người bị thiệt hại và ra quyết định bồi thường thiệt hại; Quyết định bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào kết quả thương lượng, trường hợp thương lượng không thành thì căn cứ vào kiến nghị của Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại để xem xét, quyết định. Nếu người bị thiệt hại không đồng ý với Quyết định bồi thường thiệt hại của cơ quan quản lý thuế thì có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên hoặc yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Quyết định bồi thường thiệt hại phải nêu rõ số tiền bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại; phương thức bồi thường thiệt hại (tiền mặt hay chuyển khoản); thời hạn bồi thường thiệt hại (không quá 45 ngày kể từ ngày ký Quyết định bồi thường thiệt hại); và phải gửi cho cơ quan thực hiện bồi thường, đối tượng được bồi thường thiệt hại và người có nghĩa vụ hoàn trả.

d) Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện bằng tiền và chi trả một lần (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác) theo đúng quy định về mức, phương thức và thời hạn bồi thường ghi trong Quyết định. Quá thời hạn ghi trong Quyết định mà cơ quan quản lý thuế chưa thực hiện bồi thường thì phải trả tiền lãi tính trên số tiền được bồi thường và thời gian chậm bồi thường; lãi suất để tính tiền lãi là lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố và có hiệu lực tại thời điểm cơ quan quản lý thuế thực hiện việc bồi thường.

7. Kinh phí bồi thường thiệt hại: căn cứ vào Quyết định bồi thường thiệt hại của cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tạm sử dụng nguồn kinh phí hoạt động và các quỹ của cơ quan (bao gồm cả các khoản được trích để lại sử dụng từ nguồn thu do xử lý vi phạm hành chính) để bồi thường cho người bị thiệt hại.

Nguồn kinh phí đã sử dụng để bồi thường được bù đắp từ khoản tiền hoàn trả của cán bộ, công chức gây thiệt hại. Đối với trường hợp số tiền hoàn trả không đủ so với số tiền đã bồi thường thì cơ quan quản lý thuế trực tiếp quản lý cán bộ, công chức gây thiệt hại có phải lập dự toán và kèm theo đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc bồi thường thiệt hại gửi cơ quan quản lý thuế cấp trên trực tiếp để xem xét, tổng hợp, báo cáo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được cấp bổ sung kinh phí còn thiếu do bồi thường thiệt.

Trên cơ sở tổng số kinh phí được giao khoán theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phải bố trí dự toán kinh phí bồi thường thiệt hại chung của cả hệ thống mình để kịp thời bù đắp số kinh phí còn thiếu mà cơ quan quản lý thuế thuộc phạm vi quản lý đã tạm ứng để bồi thường thiệt hại.

Việc quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

II. HOÀN TRẢ KHOẢN TIỀN BỒI THƯỜNG CỦA CÁN BỘ CÔNG CHỨC THUẾ, HẢI QUAN

1. Cán bộ, công chức thuế, hải quan phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan quản lý thuế đã bồi thường cho người bị thiệt hại khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại quy định tại khoản 3, Mục I Thông tư này. Trong trường hợp người bị thiệt hại đã có cảnh báo về hành vi vi phạm và khả năng gây thiệt hại mà cán bộ, công chức thuế, hải quan vẫn cố tình thực hiện thì phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền mà cơ quan quản lý thuế đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

2. Xác định trách nhiệm và mức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại:

a) Việc xác định trách nhiệm và mức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào số tiền mà cơ quan quản lý thuế đã bồi thường thiệt hại, mức độ lỗi của hành vi vi phạm và khả năng kinh tế của cán bộ, công chức thuế, hải quan.

Trường hợp nhiều người có hành vi vi phạm pháp luật cùng gây thiệt hại thì mỗi người vi phạm phải liên đới hoàn trả số tiền bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế đã bồi thường. Trách nhiệm hoàn trả của mỗi người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của từng người; Trường hợp không xác định được mức độ lỗi của từng người thì mỗi người phải hoàn trả theo phần bằng nhau.

b) Cán bộ công chức thuế, hải quan gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả các khoản tiền mà cơ quan quản lý thuế đã bồi thường cho người bị thiệt hại (trừ các khoản khắc phục hậu quả bằng cách trả lại số tiền đã tịch thu, phạt sai quy định hoặc số tiền thuế đã nộp thừa; khoản tiền thu được từ việc cơ quan quản lý thuế bán thanh lý tài sản hoặc bán đấu giá tài sản mà cơ quan quản lý thuế trả cho người bị thiệt hại) cụ thể như sau:

- Đối với thiệt hại là tiền, tuỳ từng trường hợp để xác định cụ thể các khoản hoàn trả trong số các khoản mà cơ quan quản lý thuế đã bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a, khoản 5, Mục I Thông tư này, bao gồm: tiền lãi các khoản tiền bị tịch thu, phạt vi phạm hành chính, ấn định thuế, truy thu thuế sai quy định của pháp luật hoặc tiền lãi của khoản tiền hoàn thuế thiếu, hoàn thuế chậm.

- Đối với thiệt hại là tài sản do bị tạm giữ, tịch thu sai quy định, tuỳ theo từng trường hợp để xác định các khoản phải hoàn trả trong số các khoản mà cơ quan quản lý thuế đã bồi thường thiệt hại quy định tại điểm b, khoản 5, Mục I Thông tư này, bao gồm: giá trị tài sản bị mất; khoản chênh lệch giữa số tiền bán đấu giá với giá trị thực tế của tài sản theo giá thị trường của tài sản cùng loại, cùng tính năng, tiêu chuẩn và mức độ hao mòn trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường; chi phí sửa chữa tài sản bị hư hỏng; các khoản thu nhập bị mất do không sử dụng tài sản và chi phí xác định mức bồi thường thiệt hại; chi phí mua bảo hiểm và lệ phí trước bạ (nếu có).

c) Cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại được xem xét giảm trách nhiệm hoàn trả trong các trường hợp sau:

- Vi phạm lần đầu; hoặc đã chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm giảm bớt hậu quả thiệt hại.

- Vi phạm gây thiệt hại do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần.

- Các điều kiện để thực thi công vụ bị hạn chế (nếu có đủ cơ sở để chứng minh).

- Thiệt hại xảy ra quá lớn mà khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại không có khả năng hoàn trả được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó. Cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại yêu cầu giảm mức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại phải có tài liệu chứng minh khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài không đủ để hoàn trả toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại xảy ra.

3. Trình tự, thủ tục hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có Quyết định bồi thường thiệt hại, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp (trường hợp người gây thiệt hại là thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường) tổ chức họp Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại để xem xét, giải quyết việc hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại. Hội đồng có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính chất của hành vi gây vi phạm thiệt hại, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, công chức thuế, hải quan có liên quan gây thiệt hại; xem xét các tình tiết giảm nhẹ; đánh giá khả năng kinh tế của cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại; Trên cơ sở đó, có văn bản kiến nghị với cấp có thẩm quyền mức và phương thức hoàn trả. (Cán bộ, công chức thuế hải quan gây ra thiệt hại có thể được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng để giải trình cụ thể vụ việc làm cơ sở xem xét nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại);

b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Biên bản họp Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại và văn bản kiến nghị về mức và phương thức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp (trường hợp người gây thiệt hại là thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường) có trách nhiệm ký Quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại.

Quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại phải nêu rõ: Số tiền hoàn trả; Phương thức và thời hạn hoàn trả. Việc hoàn trả có thể thực hiện một lần bằng tài sản riêng (thời hạn 45 ngày, kể từ ngày ký quyết định hoàn trả) hoặc trừ dần vào thu nhập hàng tháng của cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại nhưng tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% tổng thu nhập từ tiền lương và phụ cấp (nếu có)

c) Thực hiện Quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại

- Cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ hoàn trả ghi trong Quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại cho cơ quan quản lý thuế đã trực tiếp bồi thường cho người bị thiệt hại.

- Trong quá trình thực hiện Quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại, người có nghĩa vụ hoàn trả được xem xét tạm hoãn thực hiện hoàn trả trong trường hợp: đang điều trị tại các bệnh viện, phụ nữ trong thời ký thai sản; gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế được Uỷ ban nhân dân xã (phường) nơi cư trú xác nhận. Thời hạn tạm hoãn thực hiện hoàn trả tối đa là 6 tháng. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi ra quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại có trách nhiệm xem xét và quyết định đối với các trường hợp này.

Trường hợp cán bộ, công chức thuế, hải quan có nghĩa vụ hoàn trả không thể thực hiện được nghĩa vụ hoàn trả do sự kiện bất khả kháng (chết) thì không phải thực hiện việc hoàn trả.

- Tiền hoàn trả phải được thu, theo dõi chi tiết cho từng lần nộp (nếu nộp nhiều lần) và được dùng để hoàn lại nguồn kinh phí đã sử dụng để bồi thường thiệt hại.

d) Biện pháp đảm bảo thực hiện việc hoàn trả

- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giám sát, đôn đốc việc thực hiện hoàn trả.

- Người chưa hoàn thành nghĩa vụ hoàn trả mà xin chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu thì Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi ra quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu người đó phải hoàn trả phần còn thiếu trước khi chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu. Trường hợp, người đang thực hiện hoàn trả chưa có điều kiện trả ngay phần còn thiếu, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi ra quyết định hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại phải phối hợp với cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú để yêu cầu người đó tiếp tục thực hiện việc hoàn trả.

- Trường hợp, người có nghĩa vụ hoàn trả cố tình trì hoãn, trốn tránh việc hoàn trả thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương nơi người có nghĩa vụ hoàn trả cư trú để có biện pháp đảm bảo thực hiện hoàn trả theo quy định của pháp luật.

e) Trường hợp cán bộ, công chức thuế, hải quan gây thiệt hại không đồng ý với quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế về việc hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại thì có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc yêu cầu Toà án giải quyết.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:

 

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Toà án nhân dân tối cao

- UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TƯ;

- Sở TC các tỉnh, TP. trực thuộc TƯ;

- Kiểm toán Nhà nước

- Công báo; Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính

- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

SOURCE:http://vibonline.com.vn/vi-VN/Home/DraftDetail.aspx?DraftID=243&Version=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét